Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.000
123.201.340
 
Giết thơ rất dễ (!)
Trần Mạnh Hảo

Bài viết này chúng tôi dành trả lời các ông ( hay bà ?) : 1- Phạm Minh Đăng với bài ( “Giết thơ đâu có dễ- trao đổi với ông Trần Mạnh Hảo” – eVan 14-1-2005) và 2- Thanh Bình bài ( “Ô ng Trần Mạnh Hảo lại phê…hụt”- eVan 19-1-2005). Sỡ dĩ hai ông trên có bài trao đổi lại với chúng tôi vì trên eVan ngày 10-1-2005 vì chúng tôi có in bài : “ Có nên giết thơ bằng “đường lối phi ngữ nghĩa”” nhằm phê bình bài : “ Đường Dương Tường nghiêng” của nhà thơ Hoàng Hưng, in trên “ Tiền phong chủ nhật” số 1, ngày 2-1-2005 và in trên  eVan ngày 10-1-2005. Trong bài viết này, chúng tôi phê bình ông Hoàng Hưng đã quảng bá, thậm chí rất khen ngợi “ đường lối phi ngữ nghĩa” của thơ Dương Tường, nhằm làm vô nghĩa thơ, đưa thơ về “con âm” – âm nhạc, “con nét”- hội họa, xóa nhòa ranh giới giữa nhạc, họa, thơ; đồng thời ra sức dung tục hoá ( thậm chí thô bỉ hoá) thi ca.

 

Cả hai ông ( Phạm Minh Đ ăng và Thanh Bình) đều cho chúng tôi ( tức TMH) là cố tình không hiểu thuật ngữ “ phi ngữ nghĩa”; rằng TMH đã xuyên tạc “đường lối phi ngữ nghĩa” trong thơ của các vị phái Dương Tường thành vô nghĩa. Rằng, theo các ông, “đường lối phi ngữ nghĩa” của trào lưu thơ này là vẫn có nghĩa ? Thế thì từ “PHI” đứng trước từ “NGỮ NGHĨA” chẳng phải là “không”, là “vô” thì còn là gì nữa ? Hoá ra, các vị đưa người đọc vào một hằng đẳng thức tức cười như dưới đây để làm gì vậy : PHI NGỮ NGHĨA = CÓ NGHĨA ?

 

Ô ng Phạm Minh Đ ăng  cho rằng “phi ngữ nghĩa” trong thơ Dương Tường phải hiểu như sau : “ Họ không triệt bỏ hoặc giết chết ý nghĩa của ngôn ngữ như ông nghĩ, mà muốn bỏ ra khỏi ngôn ngữ thơ những nghĩa “tiêu dùng”, TỨC NGHĨA ĐEN, NGHĨA THƯỜNG THẤY ĐỂ TẠO CHO THƠ NHỮNG LỜI” ( Chữ in hoa trong bài do TMH nhấn mạnh). Theo ông Phạm Minh Đ ăng, ta có một hằng đẳng thức về thứ “ THƠ : ĐƯỜNG LỐI PHI NGỮ NGHĨA = GIẾT CHẾT NGHĨA ĐEN = GIẾT CHẾT NGHĨA CỦA LỜI ( tức nghĩa gốc của từ ngữ)”.

 

Xin lấy một thí dụ : đây là câu thơ mà trong bài của Hoàng Hưng, Dương Tường cho là câu hay nhất của đời mình, câu thơ đại biểu cho thứ thơ “ phi ngữ nghĩa”, được chính Dương Tường cho là câu thơ phải khắc trên bia mộ ông sau khi ông viên tịch : “ TÔI ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT”( Xem thêm bài của Lê Hồng Lâm : “ Nhà thơ Dương Tường : Vật liệu thơ : Không phải con chữ mà là con âm” – báo Sinh viên Việt Nam, xuân Ất Dậu -2005, trang 28).

 

Theo công thức trên về thơ “ phi ngữ nghĩa” để  muốn “vào” được “kênh” của câu thơ : “ Tôi đứng về phe nước mắt”, ta thử  giết chết nghĩa đen của nó, giết chết nghĩa các “LỜI”. Xin bắt đầu “pha” câu thơ này ra phần “lời”, phần “ nghĩa đen” để giết chết nghĩa gốc của “lời” : đại từ “Tôi” sẽ mất ý nghĩa chủ thể, “Tôi” không còn là “Tôi”, động từ “đứng” bị giết  chết nghĩa đen, giết nghĩa của “lời” sẽ không còn là “đứng” nữa, cũng như vậy với danh từ “nước mắt”…Cuối cùng, câu thơ số 1 của Dương Tường này, nếu cứ theo công thức “tiếp nhận” trên của Phạm Minh Đ ăng, ( ông Thanh Bình cũng rứa) cuối cùng sẽ chỉ con là …GIẤY TRẮNG, nghĩa là “ĐƯỜNG LỐI PHI NGỮ NGHĨA” kia chính là SỰ VÔ NGHĨA THƠ hai năm rõ mười đó ư ?

 

Chân lý, nói cho cùng là cái cụ thể. Xin trích vài đoạn thơ theo “đường lối phi ngữ nghĩa”; trước hết thơ của ông Hoàng Hưng trích trong tập “ Người đi tìm mặt” NXB Văn Hoá Thông tin -1993, để xin nhờ hai ông trên “giải mã” xem thơ này là thơ có nghĩa hay “thơ vô nghĩa” : “ Đ ờm, dãi, thịt, da, tinh khí phì phào, thu hút mãi không thôi cọ xát. Chìm đắm dạt trôi, trôi đâm, đánh bắt, ngũ nhạc lừ lừ, lửa càn rần rật, thần thức nương gió đọa, nước sinh ròng rã, trùng trùng giao kết căn duyên” ( trang 18)… “ Cõi ám toán vài ba vân mộng áp sát chiều về, vô cương tỏa. Dong dỏng thoát y mắt bụi nứng nảy nồng nây chạng rạng ra ràng còn tấy còn nướu tanh bành bò quanh thít chặt. Ô i ong đầu óc cục cựa cùng mình choang choang ngực. Tan thân…”

 

( trang 17)… “ Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng chô chố. Môi ngang.Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần chửi thề. Con gà quay con gà quay. Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhừ giấc. Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Gịat tóc. Liên tục địa sầm. Tìm, chết, đi, bão loạn. Dứt tung tay. Ó c  lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ.Sương đầm đẫm võ miên mai” ( trang 23)

 

Xin dẫn thêm vài đoạn thơ của Trần Dần trích trong tập “ Mùa sạch” ( NXB Văn học 1997) mà Dương Tường trong lời tựa từng ca ngợi hết lời là : “Đ ộ chín của phong cách đa bội Trần Dần”, “hôn phối kỳ thú giữa truyền thống và hiện đại”, “chữ siêu ngữ nghĩa, thường trực và da diết hay”, “ nâng trang thơ lên bậc lũy thừa của một trời sao”. Đ ây là món thơ “cực hay” theo “đường lối phi ngữ nghĩa” của Trần Dần, có thể trích ra nhiều trang, chỉ xin nêu mấy đoạn “thơ” làm thí dụ : có 158 từ “SẠCH” được lặp sát nhau liên tục như sau : “tỉnh sạch/ thành uỷ sạch/ chi uỷ sạch/gạo sạch/ áo sạch/ cao xạ sạch /đảo sạch / duyên sạch / nền sạch / bền sạch / lực sạch /   tăng năng sạch / mức sạch / mực sạch / ngực sạch…” vân vân và vân sạch …Cũng như vậy, Trần Dần làm thơ bằng cách lặp liên tù tì 114 chữ “MÙA”, 50 chữ “TRONG”, 101 chữ “SÁNG”, 53 chữ “XUÂN”, 45 chữ “HÈ”, 55 chữ “THU”, 61 chữ “ĐÔNG”, 26 lần chữ “GÁI”…

 

Qua mấy thí dụ về những dòng thơ của “đường lối phi ngữ nghĩa” trên, rõ ràng các tác giả của trường thơ này hướng tới trò chơi VÔ NGHĨA THƠ, quyết tâm HŨ NÚT HÓA THI CA, NHẢM NHÍ HÓA THƠ chứ còn gì nữa ! Xin hai ông Nguyễn Minh Đ ăng và Thanh Bình  giải thích rõ cho chúng tôi và độc giả tường, rằng những dòng trích trên nó THƠ Ở CHỖ NÀO, HAY Ở CHỖ NÀO, CÁCH TÂN, LÀM MỚI THƠ VIỆT Ở CHỖ NÀO hay chỉ là trò giết thơ hữu hiệu nhất ?

 

Trong bài viết của mình, Phạm Minh Đ ăng cho rằng, không thể nào giết được thơ, rằng : “ Chúng tôi không tin rằng Dương Tường hay Hoàng Hưng  có khả năng giết chết thơ, phần khác chúng tôi rất thất vọng khi thấy Trần Mạnh Hảo đã không chứng minh được cho chúng tôi thấy thơ đã bị “ giết chết đứ đừ” như thế nào?”. Rồi ông Đ ăng hỏi : “ Liệu giết thơ có thể đơn giản thế chăng, thưa ông Trần Mạnh Hảo ?”. Vâng, việc giết chết thơ quá dễ dàng như chúng tôi đã viết trong bài : “ Có nên giết chết thơ bằng đường lối phi ngữ nghĩa” trên eVăn ngày 10-1-2004. Nay, xin nhắc lại và bổ sung thêm những phương cách giết thơ của trường phái “PHI NGỮ NGHĨA”, có ít ra là 8 cách “giết thơ” như sau :

 

1 - Cách viết những dòng vô nghĩa, hũ nút, lảm nhảm, quá sức dông dài, tầm phào, bậy bạ như các trích đoạn “thơ” của Hoàng Hưng và Trần Dần trên là giết thơ đấy.

 

2 - Khen loại thơ vô nghĩa, tầm phào trên là hay, là mới như Hoàng Hưng vừa làm trên eVăn với Dương Tường, và Dương Tường đã làm trong bài tựa cho tập “Mùa sạch” vừa dẫn là giết thơ đứ  đừ đấy.

 

3 - Tuyên bố loại bỏ chữ ra khỏi thơ, chỉ cần chơi “con âm” mà không chơi “con chữ”: “Nhà thơ Dương Tường :Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm”; nhầm gọi âm nhạc là thơ như tuyên bố của Dương Tường cũng là một cách giết thơ.

 

4 - Tuyên bố mình là “PHU CHỮ”, nhà thơ là “PHU CHỮ” như Lê Đ ạt, tuyệt đối “CHỮ” ( ngược lại với Dương Tường), coi “CHỮ” là ông chủ, còn nhà thơ, hồn thơ chỉ là nô bộc của CHỮ, chính là một cách giết chết tươi thơ.

 

5 - Có lúc lại tuyên bố thơ là “CON NÉT” chứ không phải “CON CHỮ”, nhầm gọi hội họa là thơ, vẽ lăng nhăng dăm ba nét ra giấy rồi gọi là thơ như Dương Tường đã làm cũng là cách giết chết tươi thơ.

 

6 - Một biến thể bậy bạ nhất của “Đ ường lối phi ngữ nghĩa” là thứ “thơ” : “CỜ, LỜ, ĐỜ” ( c…, l…, đ…) toàn viết ra những lời lẽ tục tĩu, bẩn thỉu nhất đang tràn ngập trên một số sách báo và một số trang web hải ngoại ( cũng đã manh nha trong nước) là giết thơ kiểu nhà hơi ngạt Hítle đấy .

 

7 - Cũng là trường phái “CỜ, LỜ,ĐỜ ( c…, l…, đ…) nhưng có giảm tông, một thứ sex thô thiển, dung tục, trâu bò mèo chó cũng biết, luôn bị ám ảnh bởi “CÁI PHỒN THỰC ĐỰC CÁI” thường xuất hiện trong thơ Hoàng Hưng, Dương Tường…Ví như Dương Tường viết : “ Tôi năng jặt lòng mình như / đàn bà tháng tội jặt trăng”; hoặc Dương Tường viết : “Chẳng thể nào xuất” ( RỒI VẼ RA MỘT CÁI TAM GIÁC), ĐỈNH của tam giác là chữ XUẤT, hai góc tam giác là chữ TINH và chữ THẦN, theo kiểu : XUẤT-TINH-THẦN vào chính cái tam giác(!). Ví dụ Hoàng Hưng viết : “ Bạn ơi giao hợp nơi đâu / Về nằm gác trọ sắc màu đong đưa” hay : “ Tường vắng khe lông”, “ Cởi quần chửi thề”… Hay một bài thơ khác của Dương Tường : “…Tôi nhìn nước Mỹ chéo / qua mềm  mại em phi lý chéo / qua PHỤ KHOA EM hơ hớ chéo / qua NHỤC DỤC EM ngao ngán chéo / qua thân hình em ngạo ngược chéo / qua năng động em vô vọng chéo / qua NỤ BÈ HE EM bối rối chéo”. ( trích bài : “Vật liệu thơ : không phải con chữ mà là con âm” trên Sinh Viên số tết 2005 đã dẫn). Cũng xin hai ông Phạm Minh Đ ăng và Thanh Bình thương tình mà chỉ giáo cho chúng tôi xem “bài thơ-CHÉO- NỤ BỀ HÊ EM-NHỤC DỤC EM-PHỤ KHOA EM” này của Dương Tường hay ho ra sao, thơ ra sao, “phi ngữ nghĩa” ra sao ? Chứ bản thân chúng tôi thấy đây chỉ là trò bôi bẩn chữ nghĩa, vô nghĩa chữ nghĩa, nhảm nhí hoá và tục tĩu hoá chữ nghĩa mà thôi (!) Hầu như Dương Tường và Hoàng Hưng mắc căn bệnh bị cái món “PHỤ KHOA EM- BỀ HÊ EM-NHỤC DỤC EM” này ám nên trong “thơ” họ thường hay quy nghĩa về món “ NỤ BỀ HÊ” này. Phạm Minh Đ ăng trách chúng tôi suy diễn cho “câu thơ” của Dương Tường được bạn bè sửa thành : “ Dương Tường trên mái” là trống mái là không đúng với “tính chất thơ” Dương Tường (!) Thưa rằng, cứ theo “hệ phái thơ Bề hê em-Phụ khoa em” này mà suy thì “MÁI” đây đích thị là con mái, hoặc khi Dương Tường chơi kiểu “con âm” khi đọc lên câu : “ x-em x- em” phải tấu lên cho đúng ý tác giả là : “sờ em” (!). Món “BỀ HÊ EM” này nhan nhản trong thơ Dương Tường, cũng là phó bản của hệ phái được cho là HẬU-HIỆN-ĐẠI-CỜ-LỜ-ĐỜ, là một con dao bầu chọc tiết thơ rất hữu hiệu như đồ tể chọc tiết heo vậy.

 

8 - Phép làm thơ “PHÁ CHÍNH TẢ” như Dương Tường tuyên bố trên Sinh Viên (đã dẫn), khi Lê Hồng Lâm hỏi :“Vậy còn cách phá chính tả thông thường trong một số bài thơ  điển hình như trong bài “ Khoảnh khăk” ?”. Dương Tường trả lời : “Cách phá chính tả đó tôi học từ nhà thơ Mỹ E.Cummings mà tôi rất thích”. Làm thơ mà ra sức phá chữ, phá nghĩa, phá chính tả, cố ý viết sai chính tả như “ không” thì viết thành “ kh^”, “hộp” thì viết thành “hộb”, “giặt” thì viết thành “jặt”…như Dương Tường đã làm cũng là một cách giết thơ vậy.

 

Còn nhiều cách giết thơ dung tục khác, hẹn một dịp thuận tiện, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này. Chúng tôi cũng xin thưa với ông Thanh Bình rằng chớ nên cắt xén ý tưởng, câu chữ của người khác một cách thiếu trung thực, tách khỏi văn cảnh của nó để xuyên tạc như ông đã làm với chúng tôi khi viết : “ Ông đã hiểu sai ( hoặc cố tình hiểu sai) những khái niệm cơ bản của trường phái thơ này ( tức “đường lối phi ngữ nghĩa” – TMH chú thích). Giống như cách đây mười năm, khi phê bình “Bóng chữ” của Lê Đ ạt, với mớ kiến thức rất đáng ngờ về phân tâm học, ông giảng : “ vô thức là âm bản, phiên bản, phó bản của ý thức”.

 

Xin thưa ông Thanh Bình, ông đã cắt xén rất ác ý, xuyên tạc câu chữ của chúng tôi, xin ông đọc lại cả hệ thống của cuộc tầm nguyên khái niệm “vô thức”, rằng chẳng phải S.Freud đã dùng chính  “ý thức” để phát hiện ra cái món “vô thức” là gì , xin đọc nguyên đoạn văn của chúng tôi : “…Nhưng vẫn theo ông Vân Long bài đã trích, Lê Đ ạt coi câu nói của nhà phân tâm Pháp Lacan làm câu thần chú: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Con người tư duy bằng ngôn ngữ. Mà vô thức gần như là âm bản, phiên bản, phó bản của ý thức, của tư duy hay ngược lại ? Mặc dù theo Freud vô thức là cơ sở của ý thức; nhưng muốn vào cõi âm u vô thức, con người phải đi theo ánh sáng của ý thức! Và vì vậy, trong vòm trời của vô thức, cái tinh thần của ngôn ngữ vẫn cứ là phấp phới như cờ. Mà đã nói đến ngôn ngữ là phải nói đến nhận thức, đến sự hiểu, nói đến ý nghĩa. Tóm lại, cái lý luận chối bỏ nghĩa của chữ, rốt ráo, bước vào vô thức, hụt hẫng quá, lại phải vịn tạm vào cấu trúc của ngôn ngữ, tức là vịn vào sự hiểu, vịn vào cái có nghĩa rồi. Trò chơi này giống như logic : kỳ nhông là ông kỳ đà…Qủa thực, cuộc thập tự chinh chống lại nghĩa của chữ, nếu không cẩn thận dễ thành tử vì đạo lắm. Trong một bài in trên tuần báo Văn Nghệ gần đây, chúng tôi cho rằng ý thức chính là con đường độc đạo đến vô thức…” ( trích trang 97, 98 cuốn “Thơ phản thơ” của Trần Mạnh Hảo-NXB Văn học 1995)

 

Tóm lại, thưa ông Phạm Minh Đ ăng, giết thơ quả là rất dễ như chúng tôi vừa trình bày. Chính lối “phê bình” cắt xén, xuyên tạc, tránh né sự thật, tránh né hầu hết những vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài : “ Có nên giết thơ bằng “đường lối phi ngữ nghĩa”” của hai ông trên, đồng thời bênh vực, cổ vũ cho lối thơ bôi bẩn chữ nghĩa, phá chữ, phá nghĩa, phá chính tả, phá lịch sự lịch lãm, phá thuần phong mỹ tục, phá giấy mực…như các thứ “thơ” trên, thì chính là ông Thanh Bình và Phạm Minh Đ ăng cũng đang tham gia vào quá trình giết thơ đấy.,.

 

Thành phố Hồ Chí Minh 6-3-2005

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 3912
Ngày đăng: 08.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Hồ Tĩnh Tâm
H.CÁC MÁC - TÌNH YÊU VÀ BÃO TÁP - Hồ Tĩnh Tâm
Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng - Trần Mạnh Hảo
Phong tục ba ngày Tết của dân tộc ta - Phạm Thủy
"Ông Đồ " một di sản văn hoá Việt Nam - Quán Anh
Tát đìa – Niềm vui thôn dã - Nguyễn Kim
Thi ca và sự tầm thường hóa - Võ Tấn Cường
Đôi điều cảm nhận về thơ văn và cuộc đời cụ Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm lần thứ 182 ngày sinh của nhà thơ - Lữ Bảo Minh Châu
Hiền tài là nguyên khí của đất nước - Nguyễn Kim Bảng
Món ngon Ba Tri - Lâm Triều An
Cùng một tác giả