Chỉ cách bờ biển Bình Tân (thị xã La Gi) khoảng 2 cây số và đi thuyền từ cửa biển La Gi mất chừng nửa giờ, đảo nhỏ Hòn Bà hiện ra như một ngọn đồi cao sum sê cây xanh phủ kín. Nhưng nhìn kỹ đó là một kỳ quan kết dính bởi những khối đá thiên nhiên ẩn chứa bao điều huyền bí dị thường.
Đây là lần đầu tôi ở lại đêm trên đỉnh đảo nhỏ này. Trước lúc mặt trời chiều chìm xuống mặt nước biển hướng Bình Châu (Xuyên Mộc), phố cảng cá La Gi và dải đồi dương xanh lắng vào mờ sương cùng lúc loáng thoáng những mắt đèn đêm đang lên. Bạt ngàn con sóng mơ hồ dội vào vách đá ngổn ngang dưới chân đảo cho tôi cái cảm xúc chong chao, bồng bềnh như đang ngồi trên con tàu tận ngoài khơi xa cách biệt với không khí xao động ồn ào thường ngày. Chỉ còn lại tiếng côn trùng rỉ rích phiêu du từ những hốc đá được che phủ cỏ dại rậm rịt. Những bộ rễ đan kín dưới gốc bồ đề có đến hàng trăm năm tuổi, giữa chập chờn tối như đang xua ra những hình thù cá sấu, kỳ đà, rắn rết chuyển động để đủ cho mình cái cảm giác thuần phục trong không gian kỳ diệu lưu giữ một thời hoang sơ. Mùi hương nhang thắp lên từ ngôi miếu cổ thờ Bà Chúa Ngọc- Thiên Y A Na với làn khói lung linh quyện vào bóng trăng rằm đang lên đằng phía biển Khê Gà. Ánh đèn ngọn Hải Đăng cũng vừa lấp lánh chiếu sáng quay từng nhịp vòng trông hắt hiu xa hút. Hình ảnh ông từ giữ đảo trong bộ áo nâu sồng của ngư dân lom khom đi thắp từng nén hương dưới chân tượng Phật Bà Quan thế âm, am thờ Chúa Chàng Râu…làm cho tôi nghĩ đến những đêm vắng lặng chỉ có một mình ông. Câu hỏi này tôi đã được ông giải thích ban chiều, đó là việc tìm thấy lòng tự tại an nhiên đầy quyến rủ ở đây. Dần về khuya khi trăng treo đầu ngọn cây trôm cổ thụ, ánh trăng vàng vọt đã đánh thức tiếng chim ríu rít gọi bầy. Từng cơn gió thổi từ xa khơi thoáng về lay động những cây phong ba đang trổ lá khi mùa bấc trôi qua. Con sóng vẫn ầm ào vỡ vụn dưới gộp đá chân đảo, kể lể truyện tích Hòn Bà muôn thuở là nỗi niềm chia ly của cuộc tình đầy trắc ẩn, lãng mạn trở thành thiên tình sử thấm đậm vào đời sống tâm linh của người dân vùng biển ở đây.
Dường như đêm Hòn Bà rất ngắn bởi giữa mênh mông biển sóng lúc sớm sương đã tràn bóng mây bầu trời lồng lộng xanh mơ. Vài chiếc thuyền câu đã cặp bờ đảo từ khuya, đang nép dưới những tảng đá lô xô như nghiêng mình theo chiều sóng vỗ. Còn sót đâu đây những con cua, con tôm dậy trễ lang thang lạc vào khe nước trong veo. Vách đá cũng được gội rữa từ những cơn sóng đêm chưa ráo chất mặn mòi của biển bày ra chi chít những con ốc hào, vú nàng có một đời sống hóa thân bền bĩ.
Cảm nhận được cái hồn đá qua muôn hình muôn vẻ đan xen nhau như có từ bàn tay tài hoa của đất trời ban cho vùng đất biển này một giá trị thiêng liêng. Đó là Hòn Bà mang hình một con rùa khổng lồ, đầu là tảng đá rời ra, ngước về biển nam. Phải chăng ở đó còn dấu tích nồi nước sôi do Bà giận dỗi đạp đổ để có địa danh Suối Nước Nóng bây giờ. Còn bờ đảo phía đất liền, những con sóng bao giờ cũng vang vọng thê thiết như ngóng trông về Núi Ông (Tánh Linh) bởi ở đó có bóng hình chàng.
Trong văn hóa phương Đông, tứ linh long, ly, qui, phụng là biểu tượng của điềm lành, có giá trị vĩnh cửu. Nhưng qui (rùa) là một tối thượng thần, hợp bởi cả âm và dương, hiện thân của sức chịu đựng. Hòn đảo không rộng mấy, mặt bằng chông chênh khoảng một sào đất, còn lại là sườn đảo nghiêng nghiêng dốc đá nhưng với cây xanh, dây leo chằng chịt lẫn với đá tảng rêu phong trở nên kỳ ảo. Đứng từ xa, Hòn Bà giữa biển xanh như một dấu chấm buồn trên dòng nhạc viết bằng làn sóng, đơn côi và thơ mộng.