Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.230.011
 
Nghệ Thuật Chơi Cây Cảnh
Vương Trung Hiếu

 

Nghệ thuật chơi cây cảnh đã có từ vài ngàn năm nay. Ở Trung Quốc, phong cảnh thu nhỏ được gọi là Bồn cảnh (盆景). Đây là một nghệ thuật rất phổ biến của nghề làm vườn tại đất nước này.

 

Bồn cảnh có thể chia thành hai phần: cây cảnh thu nhỏ trồng trong chậu gọi là Bồn tài (盆栽, penzai) và núi non trong chậu gọi là Bồn cảnh (盆景, penjing), tức hòn non bộ, có phong cảnh. Đôi khi người ta sử dụng cả hai từ Bồn cảnh và Bồn tài để chỉ chung nghệ thuật thu nhỏ phong cảnh.

 

Ở đây chúng tôi xin phép giới thiệu về nghệ thuật chơi cây cảnh trong chậu, tức Bồn tài – theo cách gọi của người Trung Quốc. Nghệ thuật này đã du nhập sang Nhật Bản và mang một tên gọi khác phổ biến nhiều nơi trên thế giới, đó là “bonsai”.

 

BONSAI LÀ GÌ?

 

Bonsai là một cây hay một nhóm cây thu nhỏ được trồng trong một cái khay hay chậu, (ngày nay ta còn thấy cả cây trồng trên tảng đá). Những cây đó khiến chúng ta liên tưởng nhiều điều và cảm nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Nó có thể là một cái cây trơ trọi, gầy guộc, thô ráp, sần sùi, hay xanh tươi mạnh mẽ. Nó có thể là một nhóm cây miêu tả cảnh rừng hay sức mạnh của một tập thể. Nó khiến ta tin rằng ta đang nhìn một phiên bản thu nhỏ của loại cây cổ thụ hiện hữu trong thiên nhiên. Cho dù ở bất kỳ sự biểu hiện nào, nó cũng cho ta nhiều cảm xúc khác nhau.

 

THUẬT NGỮ BONSAI

 

Trong tiếng Nhật, cái từ bonsai được thành lập từ hai chữ: “bon” (盆) có nghĩa là khay hay chậu, còn “sai” (栽) có nghĩa là cây hoặc trồng cây. Dịch sát nghĩa thì từ này có nghĩa là “cây trồng trong chậu”. Người Anh gọi là “tree in a pot”, người Pháp gọi là “arbre cultivé en pot”, tất cả đều cùng có ý nghĩa như từ bonsai.

 

 

LỊCH SỬ BONSAI

 

Trung quốc là nơi đầu tiên trồng những cây thu nhỏ trong chậu và ngày nay cây cảnh vẫn là một phần của nền văn hóa Trung Quốc. Nó có vị trí đặc biệt trong cộng đồng cư dân sống tại Trung Quốc và thậm chí cả những nơi khác mà người Hoa sinh sống như Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong và Singapore.

 

Những nghệ nhân bậc thầy về bonsai Trung Quốc ngày nay vẫn tạo ra sự khác biệt giữa Bồn tài và Bồn cảnh. Cái từ Bồn cảnh (penjing) mang hàm nghĩa của cả hai hình thức bonsai này.

 

Nghệ  thuật Bồn cảnh xuất hiện từ thời kỳ đầu của nhà Hán (漢朝, khoảng năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau khi Chúa Jésu ra đời).

 

Một trong những truyền thuyết lâu đời nhất của Trung Quốc cho rằng vào thời này, có vị hoàng đế nọ đã tạo ra một phong cảnh trong sân vườn của ông, với đầy đủ núi đồi, thung lũng, sông hồ và cây cối. Nơi này miêu tả tượng trưng tất cả cảnh vật có trong đế quốc của ông và ông có thể ngắm chúng qua khung cửa sổ. Phong cảnh nghệ thuật này chỉ một mình ông sở hữu và ông cấm mọi người nhìn ngắm, bất kỳ ai nhìn trộm sẽ bị xử trảm. Đây chính là truyền thuyết nói về nghệ thuật tạo hình non bộ với cây cối, nhà cửa, con người và thú vật ở Trung Quốc. Và cũng vào thời đó, một số nghệ nhân phong cảnh Trung Quốc đã sáng tạo ra các hòn non bộ nổi tiếng rồi.

 

Riêng nói về Bồn tài, có truyền thuyết cho rằng, trong triều đại nhà Tần (秦朝, 221—206 trước Công nguyên). Đào Uyên Minh (陶淵明, còn gọi là Đào Tiềm 陶潛), một nhà thơ nổi tiếng và là một quan chức có vị trí cao trong xã hội, người đã tỏ ra mệt mỏi trước công việc triều chính, cáo quan về ở ẩn tại một nơi hoang vắng, bình yên. Tại đây ông bắt đầu  trồng những cây hoa cúc vào trong chậu. Có thể nói, đây là bước khởi đầu  của nghệ thuật trồng cây trong chậu, dẫn tới việc thu nhỏ cây khoảng hai trăm năm sau đó.

 

Năm 1972, người ta đã phát hiện ra bằng chứng xưa nhất về cây bonsai trong hầm mộ của hoàng tử  Zhang Huai (đời nhà Đường, 唐朝,618 – 907), người đã qua đời vào năm 706. Trong bức tranh được phát hiện đầu tiên miêu tả gia nhân đang bưng một phong cảnh thu nhỏ, còn bức thứ hai cho thấy một gia nhân khác đang bưng cái chậu có chứa một cây trong đó. Ngoài ra còn những bức tranh vẽ hình  những cây thông, cây mận và cây tre…, tất cả đều được trồng trong khay. Thậm chí trước năm 1000, trong điều đại nhà Tống (宋朝), có những bài thơ miêu tả Bồn cảnh và nhiều tài liệu khác chỉ cách làm thế nào để tạo ra những tác phẩm pun-sai.  

 

Trong thời bình, triều đại nhà Thanh (清朝, 1644—1911), cả Bồn tài và Bồn cảnh đã trở thành sở thích riêng không chỉ của tầng lớp quí tộc mà còn của các tầng lớp khác trong xã hội Trung Hoa. Không phải người Trung Hoa giới thiệu nghệ thuật bonsai đến phương Tây, mà chính là người Nhật, lần đầu tiên họ giới thiệu trong Hội chợ thế giới (Worlds Fair) vào năm 1878 tại Paris rồi sau đó tại London vào năm 1909. 

 

Người ta tin rằng những nhà sư Trung Quốc đã đưa cây cảnh đến nước Nhật vào thế kỷ thứ 10 và 11, xem chúng như là một vật thể tôn giáo, “những bậc thang dẫn tới thiên đàng”, dùng để nối kết tâm linh giữa Thượng đế và nhân loại.  

 

 

Trong triều đại nhà Nguyên (元朝, 1280—1368), những vị bộ trưởng và thương gia người Nhật cũng đã đưa cây cảnh từ Trung Hoa về cố quốc, xem chúng là quà tặng. Năm 1644, cuối triều đại nhà Minh (明朝), Chu Shun-sui, một quan chức Trung Hoa, không chịu nỗi luật lệ hà khắc nên đã bỏ trốn sang Nhật Bản. Khi đào thoát ông đã mang theo toàn bộ tuyển tập cây cảnh. Kiến thức uyên bác của ông đã góp phần quyết định đến sự quảng bá nghệ thuật cây cảnh ở Nhật Bản. Vào thời ấy nước Nhật đang bắt đầu tạo ra một cách riêng trong việc trồng bonsai, một nghệ thuật khu biệt, chỉ dành cho giới quí tộc, đó là giới Samurai, và chỉ đến cuối thế kỷ qua mới trở thành sở thích cho mọi tầng lớp trong xã hội Nhật.

 

Vào năm 1989, bonsai đã phát triển đến giai đoạn vô cùng rực rỡ. Hơn 1.200 người từ 32 quốc gia đến tham dự Hội nghị bonsai thế giới (World Bonsai Convention) ở thành phố Omiya, quận Saitama, Nhật Bản. Hội nghị đã phát động thành lập Liên đoàn   Hữu Nghị Bonsai thế giới (World Bonsai Friendship Federation). Chính liên đoàn này đã thúc đẩy phổ biến bonsai và nâng cao kỹ thuật trồng bonsai trên khắp thế giới và tổ chức hội nghị quốc tế 4 năm / lần kể từ lần đầu tổ chức ở Omiya. Năm 2002 họ đã tham dự ở bang Florida (nước Mỹ) và ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Hội nghị sắp tới sẽ diễn ra tại Munich (nước Đức).

 

GIÁ TRỊ THẨM MỸ CỦA BONSAI

 

Khi nhìn một phong cảnh bonsai nếu bạn xuýt xoa, khen đẹp và  thích ngồi dưới cái cây đó thì xem như nghệ nhân tạo ra nó đã thành công trong việc sáng tạo.

 

Cái đẹp ở bonsai nằm ở chỗ đơn giản, tuy nhiên đầy gợi ý. Bonsai giống như thơ Haikai ở Nhật Bản, một loại thơ chỉ có 17 âm tiết song biểu hiện được sự cô đọng, súc tích, ẩn tàng một tình cảm mãnh liệt hay sự tưởng tượng phong phú của người tạo ra nó. Có người cho rằng bonsai là sự kết hợp thành công giữa nghệ thuật và nghề làm vườn. Song cũng có người chỉ thấy nó là một trong những nghệ thuật của cái đẹp. Nhìn chung có nhiều quan niệm về bonsai. Đối với một dân tộc, một nhóm người hay một cá nhân nào đó, bonsai chứa đựng những lẽ sống thiêng liêng cao cả của đời sống, nó mang tính triết học, tôn giáo, song đối với nhiều người nó chỉ là thú vui trong lúc nhàn rỗi.

 

TINH THẦN BONSAI

 

Nghệ thuật bonsai phát triển rộng khắp vùng Viễn Đông, nơi mà nó được cho là một sự biểu hiện hài hòa giữa Trời và đất, con người và thiên nhiên. Nền tảng tinh thần của nó nằm trong triết lý sống của phương Đông, tức sự hài hòa mà con người cố gắng đạt đến trong quá trình phát triển của vạn vật. Và bonsai là một minh chứng rõ ràng nhất.  

 

Ở Nhật Bản, bonsai mang hơi hướng của Thần đạo và Thiền đạo (Zen). Sự hòa hợp giữa Trời và đất, con người và thiên nhiên theo quan điểm Thần đạo đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nghệ nhân sáng tạo bonsai. Còn triết lý zen với khái niệm Wabi và Sabi, kết hợp với Kami đã tạo thành kim chỉ nam trong sự sáng tạo nghệ thuật.

 

Wabi trong bonsai biểu hiện cho tính khiêm nhường khi con người đối diện với thiên nhiên, lúc ấy con người chỉ là một hạt cát của vũ trụ, khác hẳn với quan điểm cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ. Còn Sabi chính là sự giản dị và khổ hạnh, ngoài ra nó có thể là niềm vui của con người khi chăm sóc cây cảnh, dung dưỡng và yêu thương. Kami thì đồng nghĩa với sự thiêng liêng, là linh hồn của vạn vật.

 

Qua việc trồng và chăm sóc bonsai, con người tạm quên đi cái thế giới ồn ào, đua tranh chung quanh. Bonsai đã khơi gợi ý thức rằng nếu không kiên nhẫn thì thường thất bại. Muốn có một cây cảnh đẹp đòi hỏi người trồng phải có thời gian chăm sóc với tình cảm yêu thương thật sự dành cho cái cây đó. Qua sự thay đổi của cây suốt bốn mùa, cây phải chịu sự tác động của thời tiết, khí hậu và những diễn biến bất thường của thiên nhiên giúp con người ý thức rằng cuộc sống hữu hạn, còn nhiều vấn đề nan giải cần phải đối diện và giải quyết.

 

Bonsai đã nuôi dưỡng sức sáng tạo tự thân trong lúc người trồng  tạo dáng và thu nhỏ chúng. Trồng một cây bonsai đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận, tốn nhiều công sức, song nó đã đền đáp lại bằng  sự yên bình, thanh thản cho tâm trí, một cảm giác khiến người ta cảm thấy khỏe lại. Và chỉ có hiểu quá trình tăng trưởng, nhu cầu của cây ta mới cảm nhận rõ hơn về sự sinh tồn của chính chúng ta trong thế giới bao la này.

 

TRƯỜNG PHÁI VÀ PHONG CÁCH BONSAI

 

Tùy theo mỗi nước, bonsai có những điểm khác biệt riêng. Ở Trung Quốc, bonsai không giống như ở Nhật Bản và Nhật Bản lại không giống như ở phương Tây. Riêng tại Việt Nam, ngoài sức sáng tạo để có nét đặc thù riêng, cây cảnh vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi bonsai Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Trung Quốc

 

Người Trung Quốc chú trọng đến cái tổng thể, cái đường nét lớn của bonsai hơn là quan tâm đến từng chi tiết. Họ thích phơi bày bộ rễ cây lộ ra trên mặt đất, gốc phải to hơn ngọn, nhiều khi u nần và đầy hang hốc.

 

Ở miền nam và bắc Trung Quốc có hai phong cách bonsai hoàn toàn khác nhau. Đại diện cho miền nam là trường phái Lĩnh Nam (tập trung ở khu nam dãy núi Nam Lĩnh (南嶺), tức Giang Đông và Giang Tây). Do khí hậu nơi đây ôn hòa, ấm áp hơn miền bắc nên cây cối tươi tốt, dáng dấp khỏe mạnh. Người ta thường tạo dáng bằng cách cắt tỉa là chính, thân cành phải mạch lạc, hài hòa tự nhiên.

 

Còn ở miền bắc có những trường phái như Tô Châu (苏州, Suzhou) và Dương Châu (揚州 ,Yangzhou), song nổi bật nhất là trường phái Thượng Hải, với sự sáng tạo linh hoạt, mạnh mẽ và khéo léo, bố cục bonsai đa dạng song vẫn tuân thủ khuôn mẫu thẩm mỹ nghệ thuật của Trung Quốc.

 

Nhìn chung bon sai Trung Quốc có tính cách điệu, tự do và phóng khoáng. Tuy nhiên, đối với loại kiểng cổ thì họ sáng tạo trên nền tảng khuôn mẫu nhất định nào đó.

 

Nhật Bản

 

Khởi đầu, bonsai Nhật Bản mang đậm màu sắc tôn giáo, thể hiện rõ nét tư tưởng và bản sắc văn hóa của người Nhật. Nó cho thấy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, song không ít tác phẩm có phần cổ quái bởi sự khắc khổ, khát sống của cây. Dần dần về sau, bonsai trở nên mạnh mẽ hơn, với những đường nét đôi khi hoành tráng, có lúc lại thiên về tính cách điệu, giảm tối đa đường nét để còn lại cái thần phát ra từ hình thể cây.

 

Bonsai Nhật Bản cho thấy sự tĩnh lặng của tâm hồn người Nhật, cái tĩnh lặng của Trà đạo pha trộn cái tinh tế của tranh Thủy Mặc và nghệ thuật cắm hoa (Ikebana).

 

Có thể nói, ngày nay bonsai Nhật Bản và bonsai Trung Quốc chính là tiêu điểm để các nghệ nhân trên toàn thế giới quan tâm, chắt lọc những cái tinh tế để từ đấy sáng tạo thêm, hình thành những tác phẩm mang bản văn hóa của đất nước mình.

 

Phương Tây

 

Vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 19 bonsai đã bắt đầu từ Trung quốc và Nhật Bản đến phương Tây. Trong những năm đầu, khi nhìn bonsai người phương Tây cảm thấy rằng cái cây trông giống như đang bị tra tấn. Một số người phản đối quyết liệt trước cách hành xử của các nghệ nhân đối với cây bonsai. Quan điểm này kéo dài đến năm 1935 mới thay đổi và cuối cùng bonsai mới được chính thức coi là một nghệ thuật ở phương Tây.

 

Đến cuối Thế Chiến thứ hai, bon sai mới trở nên phổ biến ở phương Tây. Những người lính từ Nhật Bản trở về, họ mang theo những cây bonsai, thắp lên những ánh lửa nghệ thuật thú vị, cho dù những cây mà họ mang về đã chết trong một thời gian ngắn sau đó.  Song chúng cũng đủ thời gian để khơi gợi sự say mê, muốn khám phá cái đẹp của người phương Tây.

 

Quan niệm về bonsai ở phương Tây không mang tính triết lý, tôn giáo như ở phương Đông, đơn thuần nó chỉ là “nghệ thuật của cái đẹp” – như nhà nghiên cứu H. Tomlinson, một nghệ nhân hàng đầu ở châu Aâu hiện nay đã nhận định.  

 

Bonsai phương Tây không phơi bày bộ rễ lộ thiên như bonsai Trung Quốc, hoạ chăng bộ rễ chỉ nằm nhô trên mặt đất đôi chút. Và người phương Tây cũng không coi trọng bộ rễ như người Trung Quốc. Xét về cái thâm trầm, sâu lắng trong tinh thần bonsai phương Tây ta thấy vẫn không bằng bonsai Nhật hay Trung Quốc. Tuy nhiên nó có sức hút riêng, một ma lực của cái đẹp tự nhiên, phá cách và phóng khoáng.

 

Có thể nói, bonsai phương Tây không uốn lượn và tạo thế như bonsai Trung Quốc. Ta thấy không có sự tác động mạnh đến thân cây hay bộ rễ, nghĩa là hiếm khi có một cây bonsai được cơi rễ nhô cao và trên thân cây cũng không có dấu tích của sự lột vỏ hay tạo sẹo …

 

Đối với người phương Tây, bonsai biểu hiện cho sự hồn nhiên, một tình yêu cái đẹp thuần phác, ít suy tư triết lý, song vẫn giành được tình cảm của người thưởng ngoạn.

 

 

 

Việt Nam

 

Từ thời Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đưa các lưu dân từ miền Trung vào khai phá miền Nam, lập ấp để sinh sống thì cây cảnh đã được định hình, trở thành một nghệ thuật dân gian ở Việt Nam. Tuy nhiên vào thời ấy, cây cảnh thường cao trung bình 1,6 m, tức loại cây trồng trước sân nhà chứ chưa phải là dạng cây cảnh thu nhỏ theo hình thức bonsai.

 

Cây cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng Nho giáo và Lão giáo. Gọi là cây cảnh thì phải có hình thế rõ ràng, phải tượng trưng cho Thiên đạo (tức Tam Thanh hay Tam thế), phải có Âm Dương, Ngũ Hành, phải chứa đựng Nhân đạo (lấy Quân Thần, Phụ Tử, Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức  của Khổng giáo làm chuẩn để tạo thế cây. Nhìn chung, cây phải được uốn tỉa công phu, đúng tàn, đúng nhánh, không thừa hay không thiếu.

 

 

Ngày nay, tuy cây cảnh ở Việt Nam thể hiện nhiều sự sáng tạo phong phú, mang dấu ấn cái tôi của cá nhân, song một cây cảnh được coi là đẹp vẫn phải dựa trên cơ sở của một hình thế nào đó của loại cây cảnh xưa, dù là ở dạng cây thu nhỏ. Người ta thường đánh giá giá trị của cây qua bốn phần: Hình, thế, chi (cành) và diệp (lá).

 

THẾ KIỂNG XƯA

 

Thường dùng cho loại kiểng trồng chậu đặt ngoài trời, trước hiên nhà. Thế kiểng xưa bắt nguồn từ Trung Quốc. Hàng ngàn năm trước đây, khi tạo dáng cây, người Trung Quốc đã dựa vào đạo lý đối nhân xử thế, vào thiên lý, vào âm dương ngũ hành để sáng tạo thẩm mỹ. Một chậu kiểng đẹp phải thể hiện được cái gọi là Tam Thanh (Thiên, Địa, Nhân), một sự hòa hợp, thống nhất giữa trời đất và con người. Quan niệm đó du nhập vào Việt Nam và được chế độ phong kiến ở nước ta mở rộng hơn. Giới nho sĩ là những người đầu tiên đã nghĩ ra những hình thế cho cây kiểng. Dĩ nhiên kim chỉ nam sáng tạo của họ là quan niệm về Nho giáo. Một cây kiểng đẹp, trước hết, phải thể hiện được cái gọi là Tam Thanh hay Tam thế , là luật Âm Dương và phải tượng trưng cho Nhân đạo, tức lấy những giềng mối xã hội phong kiến làm căn bản: đó là Quân Thần, Phụ Tử, Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức – theo quan điểm của Khổng Tử.

 

Khi tạo dáng cho cây kiểng họ dựa vào những nguyên tắc rất cụ thể:

 

Cây phải có ba tầng, năm nhánh, bốn đoạn (ba tầng và ngọn). Cây phải tuân theo luật âm dương. Phần gốc là đoạn một của cây, phải hướng âm (đầu ngã vô, gốc lồi ra), đến đoạn bốn phải trở về dương. Khi đã có đủ âm dương thì phần ngọn phải quay về gốc, tức qui căn.

Một bộ kiểng phải có ba cây (chỉ lấy số lẻ, không lấy số chẵn), cây giữa theo thế trực, hai cây còn lại theo thế  nghiêng để tượng trưng cho Tam Thanh. Nếu không ráp thành bộ được thì gọi là Độc Chiết (một hay nhiều cây xếp thành hàng ngang).

 


 

Nguyên tắc sửa cành nhánh

 

- Lấy hình tam giác làm chuẩn để sửa nhánh, có hai cách: (1) Chiết chi hay hô văn (chú trọng việc chiết uốn từng nhánh nhỏ); (2) Tam thanh: chia ba hình tròn, nhập lại thành một tầng để tạo hình tam giác.

 

Về giá trị thẩm mỹ của cây kiểng, một cây kiểng đẹp theo phong cách xưa phải là cây cổ thụ, có giá trị thẩm mỹ qua bốn phần: hình, thế, chi và diệp.

 

1.Hình:

 

Tượng trưng cho Thiên Đạo. Hình dáng cây phải đầu voi đuôi chuột (gốc lớn hơn ngọn), có bốn đoạn phân biệt Aâm Dương. Gốc là đoạn một (to nhất), kế tiếp là đoạn hai (phải lớn hơn đoạn ba), đoạn ba phải lớn hơn đoạn bốn (phần ngọn). Một cây có thân hình lăng trụ, phần gốc và ngọn lớn bằng nhau thì không thể làm cây cảnh.

 

2. Thế:

 

Thế cây tượng trưng cho Nhân đạo (đạo lý làm người), phải có đầy đủ âm dương. Các đoạn của thân cây phải tương đối bằng nhau, nghĩa là không dài và cũng không ngắn hơn.

 

3.Chi (cành nhánh):

 

Tượng trưng cho thần, cành nhánh cũng tuân thủ theo luật âm dương, nhánh tầng một lớn hơn nhánh tầng hai, nhánh tầng hai lại lớn hơn nhánh tầng ba và nhánh tầng ba thì lớn hơn nhánh tầng bốn (phần ngọn). Các nhánh đều phải có hình tam giác.

 

4.Diệp (lá):

 

Tượng trưng cho Phụ Tử. Lá phải tương xứng với nhánh, không nhiều đến nỗi che khuất nhánh và cũng không ít đến mức khiến cây trông còi cọc.

 

Ngoài bốn điểm quan trọng trên, cây kiểng còn tượng trưng cho Quân, Thần, Phụ, Tử, Tam Cương, Ngũ Thường và Tam Tòng, Tứ Đức.

 

- Quân: là thân cây.

- Thần: là nhánh cây lớn.

- Phụ: là nhánh cây nhỏ.

- Tử: là lá cây.

- Tam cương: ba tầng của cây.

- Ngũ Thường: năm nhánh của cây (bốn nhánh và phần ngọn).

- Tam Tòng: cũng là ba tầng của cây.

-Tứ Đức: Bốn đoạn của cây.

 

Nhìn chung, phần trên là những yếu tố cơ bản để tạo dáng cho cây kiểng xưa. Còn ngày nay, một số nghệ nhân vẫn áp dụng thế kiểng xưa, tuy nhiên họ đã phá cách rất nhiều, nghĩa là một cây có thể nhiều hơn ba tầng, năm nhánh; có cây chiết chi song lại có cây uốn tứ diện; không còn ba tay / một nhánh mà là một tay / một nhánh….


 

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 7265
Ngày đăng: 31.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sáng-Tạo Và Ngệ-Thuật Một Tí Finnegans Wake. Một Kinh-Ngiệm Cá-Nhân - Nguyễn Quỳnh USA
Nghệ Thuật Và Chính Trị: Trường Hợp Nguyễn Đình Thi - Hoàng Hưng
Hoà-Tấu Khúc “K” Cho Guitar - Nguyễn Quỳnh USA
Danh Võ, Nghệ Thuật Và Chính Tri - Hoàng Hưng
Vương Hi Chi nhà thư pháp lớn thời Đông Tấn. - Trần Yên Thảo
Lê Văn Khoa - Người Nghệ Sĩ Tài Danh, Đức Độ. [Bài 2] - Phan Bá Thụy Dương
Lê Văn Khoa, Người Nghệ Sĩ Tài Danh, Đức Độ. Bài 1 - Phan Bá Thụy Dương
Từ Kỹ Thuật & Ma Thuật Đến Nghệ Thuật & Tác Lực Qua Góc Nhìn Của Alfred Gell* - Đinh Hồng Hải
Nghệ thuật xiếc với thiếu nhi - Tuấn Giang
Nguồn gốc nghệ thuật Tuồng - Tuấn Giang
Cùng một tác giả