Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.207.744
 
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 4. hết
Nguyễn Văn Thành

 

Văn hóa

Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 4

Nguyễn Văn Thành

 

 

 

Bài thứ 7

 

 Bốn vị BỒ TÁT

 

Lời giới thiệu : Tôi vừa nhận được lá thư của một người bạn trẻ, đầy nước mắt và thương đau…trước bao nhiêu hận thù và hằn hộc của những người chung quanh.

 

Tôi đã thinh lặng ngồi xuống viết lá thư nầy.

 

                                                  

Đọc những dòng chia sẻ quí hóa của Anh, tôi rất xúc động, vì cảm nhận một cách sâu sắc trong máu xương da thịt của tôi « thế nào là bị loại trừ, xua đuổi và tấn công… », trong lòng cuộc đời.

 

Càng nhớ lại những trăn trở của mình, có lẽ cũng như khi ở vào  lứa tuổi hiện tại của Anh, tôi càng đồng cảm với Anh. Một cách đặc biệt, tôi hiểu được lòng Anh, trước phản ứng lãnh đạm của nhiều người chưa hiểu Anh hay là hiểu không đúng với con người thực chất và sâu xa của Anh.

 

Tuy nhiên, tôi cũng xin thú thật với Anh: nhờ trải qua bao nhiêu chìm nổi trong cuộc đời, xuyên suốt thời gian trải dài 70 tuổi, bây giờ tôi mới thấy được rằng đa số - nếu không dám nói là tất cả - những người có những phán ứng tố cáo, nghi kỵ... trước thiện chí của chúng ta, không phải vì họ xấu trong căn cơ gốc ngọn của họ. Thực ra, họ là những người đang đau khổ trong bản thân và cuộc đời.

 

Chính khi bị đau khổ nghiền nát như vậy, chúng ta có mắt, nhưng không còn thấy, có tai nhưng không còn nghe. Có thấy và nghe chăng nửa, vì đau khổ, chúng ta lại có xu thế xuyên tạc, bóp méo và cắt xén những quan điểm và lối nhìn của kẻ khác.

 

Trước những tình huống nghiệt ngã tương tự, thay vì bực bội, để rồi ta thán, làm khổ cho chính bản thân mình, tôi bây giờ đã và đang ngày ngày cố gắng rèn luyện một thái độ như thế này: Vì họ là những người khổ đau ê chề trong cuộc đời, tôi chỉ có một thái độ duy nhất là THỨ THA.

 

Thứ tha, theo tôi, không phải là lối nhìn trịch thượng, kiêu hãnh, ban phát. Nhưng là đoái thương nhìn cuộc đời, đồng cảm, giữ lòng mình cho bình an thanh thản, trước bao nhiêu rối loạn và xáo trộn, sóng gió và mây mù...

 

« Giữa bão tố, HỒN Đại Dương vẫn lặng,

« Ngày sương mù, LÒNG Trời Cao cứ nắng ».

 

Trong Phật Giáo, tôi thích nhất hình ảnh của 4 vị Bồ Tát:

 

- 1) Vị thứ nhất mang tên là TRÌ DỊA, chuyên môn đi nối lại những cây cầu gãy.

 

- 2) Vị thứ hai là THƯỜNG BẤT KINH, đi đâu cũng rỉ tai cho mọi người biết rằng: "Anh có khả năng để tiến tới, Chị có đầy đủ trí tuệ, để giải quyết mọi vấn đề, Em đang được yêu thương…"

 

- 3) Vị thứ ba là ĐỊA TẠNG, muốn có mặt với những người khổ đau nhất trong cuộc đời.

 

- 4) Vị thứ tư là QUÁN TỰ TẠI – còn được gọi là Quan Thế Âm - sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu đau thương của con người và tìm mọi cách để đi tới với họ, trong bất cứ hình dáng và bộ mặt nào... Trong công việc nầy, Ngài có trăm con mắt để thấy, trăm cánh tay để làm, trăm đôi chân để lại gần, trăm con tim để yêu thương.

 

Bao lâu địa ngục trần gian chưa hoàn toàn trống không… bốn vị Bồ Tát ấy vẫn còn tình nguyện ở lại, chia sẻ và đồng hành với anh chị em bà con đồng bào nghèo cực, khốn khổ và lầm than của mình…Cơ hồ  Trẻ Bé Thiên Chúa,  « NGÀY HÔM NAY » vẫn đang còn tiếp tục sinh ra Làm Người, trong hang bò máng cỏ…giữa lòng nhân loại.

 

Tôi cầu chúc cho Anh ngày ngày cố quyết trở thành như các vị ấy, để sẵn sàng phục vụ những người anh chị em đồng bào và đồng loại của mình, khi khoác vào mình bất cứ chiếc áo nào.

 

 

 

 


 

 

Bài thứ 8

 

Thánh Gióng hay là Phù Đổng Thiên Vương

và con đường « TRỞ VỀ TRỜI  » của con Rồng cháu Tiên

 

            Xuyên qua nhiều câu chuyện Huyền Sử, Tổ Tiên và Cha Ông từ đời các Vua Hùng, đã trối trăng lại cho chúng ta những sứ điệp LÀM NGƯỜI. Với một thái độ khiêm cung và lắng nghe, học hỏi và tìm kiếm, chúng ta có thể rút tỉa từ những sứ điệp nầy, những bài học giữ Nước và dựng Nước, nhất là khi có những hiểm họa trầm trọng xảy ra trong lòng Quê Hương và khả dĩ làm băng hoại tiền đồ của dân tộc.

Trong các bài chia sẻ, được đăng tải đó đây, trên nhiều tờ báo ở trong và ngoài Nước, tôi đã lần lượt trình bày và khảo sát một số sự việc quan trọng như  sau :

-  Thứ nhất, nguồn gốc rồng tiên của người Việt Nam đã được đề cập, trong câu chuyện kết duyên giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Từ đó, một trăm đứa con được cưu mang trong cùng một bọc trứng. Cho nên ngày hôm nay, chúng ta có tập tục gọi nhau là anh chị em ĐỒNG BÀO, bất chấp những nét khác biệt giữa người ở Bắc và kẻ ở Nam, giữa người làm ăn ở vùng sơn cước và kẻ sinh sống ở miền đồng bằng...

-  Thứ hai, vào những ngày tháng đầu tiên của dân tộc, Lạc Long Quân đã đích thân thực hiện ba công trình kỳ vĩ là hóa giải Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, để cho con cháu có thể an cư lạc nghiệp, trên mọi vùng trời, vùng biển và vùng đất của Quê Hương. Tuy nhiên, ba con yêu tinh ma quái ấy vẫn luôn luôn tồn đọng và tìm cách tái sinh trong quả tim của từng người, từ đời nầy qua đời nọ, dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau.

-  Thứ ba, mỗi lần con cái, cháu chắt đối diện một vấn đề và lên tiếng cầu cứu, nếu Lạc Long Quân không đích thân xuất hiện, Ngài thường sai phái Thần Kim Qui, đến hỗ trợ những công trình xây dựng và bảo vệ Non Sông.

-   Thứ tư, chừng nào con Hồng cháu Lạc đoàn kết và nhất tâm với nhau, họ có khả năng vượt thắng mọi trở ngại và đánh tan mọi kẻ thù, cho dù xuất phát từ phương bắc, phương nam hoặc phương tây. Trái lại, tình trạng « nồi da xáo thịt » hay là « gà một nhà bội mặt đá nhau » là tên nội thù độc ác và nguy hiểm, đã từng làm băng hoại Non Sông, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh đã cảnh tỉnh về tai ương hoạn nạn ấy, ngày hôm nay, vào thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, chúng ta vẫn còn duy trì thái độ « bịt tai nhắm mắt, đóng kín mọi cửa lòng », nghĩa là ngoan cố, tiếp tục xếp hàng thành hai phe, tố cáo và kết án lẫn nhau. Chính vì lý do nầy, bạo động và hận thù đang còn bám trụ trong tâm tư và ngôn ngữ hằng ngày của mỗi người Việt Nam.

Câu chuyện về Thánh Gióng bổ túc và kiện toàn những bài học « giữ Nước và dựng Nước » trên đây, bằng cách thêm vào ba chi tiết mới lạ 

-   Thánh Gióng là người thần dân của Nước Trời. Ngài được sai phái đến đầu thai ở Làng Phù Đổng thuộc Quận Vũ Ninh, trong tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi lên ba tuổi, Ngài đã đi ra chiến trận, đánh tan giặc Ân và mang lại thanh bình cho Đất Nước, vào một giai đoạn rất đen tối và ngặt nghèo của lịch sử Nước Nhà.

-   Sở dĩ Thánh Gióng đã thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng, là vì nhờ được bà con xa gần trong xóm làng đã tích cực nuôi nấng và đóng góp : cho ăn cho mặc, cho ngựa cho gươm... cho Tình Thương và Lòng Hiểu Biết.

-    Sau khi hoàn tất công việc « dẹp loạn giặc Ân », Thánh Gióng đã tức khắc và can đảm tìm đường trở về trời, chỉ để lại một vài dấu chân đậm nét trên vùng đất Đồ sơn (cách Hà Nội 15 Km đường chim bay) và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Câu chuyện nầy được kết cấu một cách rất đơn sơ, với vài ba chi tiết thô thiển và mộc mạc. Bộ mặt bên ngoài xem ra có vẽ hoang đường và loạn tưởng, theo kiểu « bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia », cơ hồ một giấc chiêm bao thoáng qua và vô nghĩa, xuất hiện và biến tan, trong tâm tư của mỗi người.  Tuy nhiên, nếu chúng ta biết dừng lại, đào bới, lắng nghe, tìm hiểu một cách khiêm cung và cẩn trọng... Hồn Nước, Hồn Non sẽ từ từ hiện về, trong cõi lòng của những ai đang sẵn sàng chờ đợi và đón nhận, biết nhìn và biết nghe

Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi sẽ lần lượt trình bày con đường khám phá mà tôi đã đi qua, những vấn nạn mà tôi đã cưu mang ấp ủ, trong bao nhiêu ngày tháng, cũng như những câu trả lời mà tôi đã thừa kế, từ khi bước vào tuổi đời « lục thập nhi nhĩ thuận », có nghĩa là biết thức tỉnh và lắng nghe những loại ngôn ngữ không lời và hình tượng của các bậc tiền bối.

Nói cách khác, ba câu hỏi sẽ được đề cập và khảo sát một cách tường tận, trong các phần sau đây :

-   Thứ nhất, giặc ÂN là ai ? Là gì ? Phát xuất từ nơi đâu ? Ở vào giai đoạn nào ?

-   Thứ hai, Thánh Gióng đã đối ứng và khắc phục tên địch thù nầy, với những hành trang và khí giới nào ?

-   Bí quyết thành công của Thánh Gióng  bắt nguồn từ những động cơ và khả năng nào ?

                  

1.  Giặc ÂN trong tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta

 

Từ đời các Vua Hùng cho đến những triều đại cuối cùng của Nhà Nguyễn, Đất Nước Việt Nam đã phải đối đầu với nhiều loại giặc khác nhau, xuất phát từ phương Bắc. Đó là giặc Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh và giặc Thanh. Không một lần, sử sách chính thức nói đến sự kiện giặc Ân tràn vào xâm chiếm Đất Nước của chúng ta, tuy dù trong lịch sử của Trung Hoa, theo ý kiến của Đào Duy Anh, vào những năm 700 sau Công Nguyên, có một đời Vua mang tên là ÂN.

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và tìm kiếm, tôi nhận thấy rằng : những câu chuyện Huyền Sử, cho dù được sáng tác trong nhiều hoàn cảnh và giai đoạn hoàn toàn khác nhau, vẫn có liên hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau. Câu chuyện đến trước có thể chỉ nêu lên vấn đề một cách sơ phác. Những câu chuyện đến sau, sẽ bổ túc và soi sáng hay là từ từ đề nghị những lề lối giải quyết, thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lề lối thuyên giải   - nghĩa là khám phá ý nghĩa và hướng đi trong cuộc đời - vẫn tùy thuộc cảm nghiệm của mỗi người, nhất là sau khi họ biết ngồi lại, lắng nghe, trao đổi, đón nhận những ý kiến đóng góp của kẻ khác.

 

Trong tinh thần và lăng kính vừa được đề xuất như vậy, câu chuyện về Thánh Gióng được xem là một tia nắng mặt trời đang từ từ xóa tan những đám mây mù ảm đạm, phát xuất từ những xung đột sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đàng khác, chúng ta cũng còn có thể mạnh dạn khẳng quyết thêm rằng : Thánh Gióng là người thừa kế trực tiếp công trình của Lạc Long Quân. Công việc của Ngài là ngày ngày tiếp tục dẹp tan Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, trên những vùng đất khô cằn của Quê Hương cũng như trong cõi lòng sỏi đá của mỗi người. Chính trong giờ phút hiện tại nầy, phải chăng Thánh Gióng cũng như Thần Kim Qui đang hiện hình trở về với chúng ta, để giúp chúng ta « dẹp tan giặc ÂN », trong những quan hệ giữa chúng ta và anh chị em đồng bào ?

Nói khác đi, giặc ÂN là « giặc TÌNH », « giặc NGHĨA » hay là « giặc QUAN HỆ » giữa cha mẹ và con cái. Giữa vợ và chồng. Giữa anh, chị và em. Giữa những người đã cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm ưu tư và hy vọng, cũng như những đắng cay và trăn trở hoàn toàn giống nhau. Hẳn thực, khi giặc ÂN len lỏi nằm vùng trong tâm tư và thái độ, tác phong và ngôn ngữ hằng ngày, tự khắc bầu khí quan hệ giữa những người cùng chung sống trong môi trường, sẽ bị đầu độc và ô nhiễm. Họ đánh mất khả năng đồng hành và đồng cảm trên con đường giữ Nước và dựng Nước. Tình đồng bào cũng do đó, bị hoen ố, chà đạp và phản bội. 

Trước đây, như người xưa thường dạy bảo, « bên ướt mẹ nằm, bên ráo con nằm ». Bây giờ đây, trong một số trường hợp, những câu nói trao đổi giữa hai mẹ con đã trở thành « tên bay đạn lửa » có đầu ngòi tự động, đi tìm đường sát hại lẫn nhau. Trước đây, khi chưa cưới nhau, hai anh chị đã cùng nhau thề thốt : « chúng ta yêu nhau, từ kiếp nầy qua kiếp khác ». Không ngờ, sau khi đã trở thành vợ chồng, chính hai người ấy lại lên tiếng nguyền rủa nhau : « mầy và tao không thể nào đội trời chung », hay là « mày phải chết, để cho tao sống ».

Tệ hại biết chừng nào cho Đất Nước và Dân Tộc, nếu từ hai hay ba tuổi trở lên, khi con cái, cháu chắt chúng ta bắt đầu học nói, chúng nó đã ngày ngày ngụp lặn trong những quan hệ chưởi bới, tố cáo và mạt sát lẫn nhau trong thế giới của người lớn. Làm sao chúng nó có thể trở thành những thế hệ Thánh Gióng, luôn luôn « COI DÂN LÀ TRỌNG » nếu trước mặt và chung quanh chỉ được trình bày những bài học đàn áp, bốc lột, hối lộ, tham tàn, hống hách và quan liêu 

 

Hẳn thực, với câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng, Tổ Tiên và Cha Ông đang nêu ra cho chúng ta duy một câu hỏi chính yếu : chúng ta đang dạy con cái thế nào, xuyên qua tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta ? Có lẽ chúng ta có xu thế ta thán về một số hiện tượng đau buồn đang có mặt trong lòng Quê Hương, như bụi đời, xi đa, xì ke, ma túy của giới trẻ ? Thế nhưng, mấy người ý thức được một cách sáng suốt rằng : Không ai ngoài chúng ta là nguyên nhân đã tạo sinh giặc ÂN trong môi trường gia đình và học đường. Do đó, phải chăng chính chúng ta là người đầu tiên có trách nhiệm và sứ mệnh dẹp tan giặc ÂN đang khống chế tâm tư và đời sống tình cảm, bằng cách  ngày ngày thay đổi lối nhìn của mình ? Không cố gắng tôi luyện lại lời ăn tiếng nói, khi tiếp xúc và trao đổi với con cái, cũng như khi làm việc với bạn bè xa gần, chính chúng ta đang phản bội Đất Nước và bôi nhọ nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta.

 

 

2.  Từ bỏ những phản ứng máy móc tự động và sáng tạo những kỹ năng tương sinh, tương thành

 

Trong phần sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt phát hiện những điểm tiêu cực cần đề phòng, cũng như những điểm tích cực cần phát huy và học tập, trong mỗi quan hệ hằng ngày giữa người với người.

2.1.  Những tập tục phá hoại 

Trong khuôn khổ của chương nầy, thay vì trình bày và giải thích dài dòng, tôi chỉ liệt kê một cách vắn gọn những tập tục tiêu cực và phá hoại, cần được đề phòng và xa lánh, trong những tình huống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày.

 

-  Tập tục tai hại đầu tiên là sử dụng tư tưởng nhị nguyên « Tao đúng mày sai, tao có lý, mày vô lý, tao tốt mày xấu, Tao chính mày ngụy… », trong các hình thức giao tế với anh chị em đồng bào.

 

-  Chính vì tư tưởng nhị nguyên nầy, chúng ta cố quyết áp đặt cho kẻ khác lối nhìn, quan điểm, cách nhận thức của chúng ta. Với sứ điệp « ngôi thứ hai », cũng như với những loại động từ như « phải, nên, cần... », chúng ta rót ra những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài, đòi buộc kẻ khác tuân hành hay là xa lánh. Ví dụ : « Mày phải câm miệng lại và nghe tao nói », hay là « mày không được trả lời với tao như thế »...

-  Trong những cách truyền lệnh hay là áp đặt một lối cư xử và hành động, như vừa được trình bày, ý đồ sâu xa của chúng ta là « THAY ĐỔI kẻ khác tận gốc rễ, từ đen qua trắng », phủ nhận quyền tự quyết và quyền làm chủ thể cũng như tính khác biệt và độc đáo của họ. Bằng cách này hay cách nọ, chúng ta không cho phép kẻ khác « khẳng định bản sắc làm người của mình ». Họ chỉ là công cụ, đồ vật, phương tiện, trong tầm tay sử dụng và ảnh hưởng của chúng ta.

-  Trường hợp họ chống đối, phản động, không tuân phục, nghĩa là từ khước trở thành lệ thuộc... chúng ta sẽ có phản ứng như tố cáo, phê phán, la mắng, chửi rủa, kết án, qui lỗi và loại trừ ...

-  Với những ai đã kết dệt những quan hệ gắn bó và thân tình, như con cái, vợ chồng, bạn bè thiết cốt... chúng ta sẽ sử dụng tình cảm để tạo áp lực, như khóc la, tuyệt thực, ngã bệnh, cắt đứt liên lạc, đóng kín cửa phòng, hay là cố thủ trong một thái độ câm nín suốt ngày, với bất kỳ ai...

 

-  Một cách đặc biệt, khi nói về kẻ khác, chúng ta dễ dàng sa vào ba loại cạm bẫy máy móc và tự động. Thứ nhất là xu thế tổng quát hóa, còn được gọi là cường điệu, có ít xít ra cho nhiều. Thứ hai là xu thế gạn lọc, nghĩa là chỉ giữ lại những tin tức có khả năng củng cố lập trường có sẵn của chúng ta. Đồng thời, chúng ta loại trừ, không ghi nhận những tin tức không có lợi cho chúng ta. Thứ ba là xu thế bóp méo và xuyên tạc. Chúng ta giải thích thực tế, theo lối nhìn chủ quan hay là những định kiến đã có sẵn từ bao nhiêu đời, trong nội tâm và lòng tin tưởng của chúng ta. Chính vì những lý do nầy, khi phê phán và kết án kẻ khác, chúng ta dễ dàng gán cho họ những nhãn hiệu rất hồ đồ. Ví dụ : « Người Nam của các ông thì luôn luôn ba hoa chích chòe. Còn người Trung của chúng tôi thì không bao giờ tiêu xài phung phí... ». Có bao giờ chúng ta biết dừng lại, lắng nghe mình, để đặt ra những câu hỏi phản tỉnh : « Người Nam » là ai ? « Người Trung » ở vùng nào ? Cách nói « Luôn luôn » phải hiểu như thế nào ? « Không bao giờ » có ý nghĩa làm sao ? Có những ngoại lệ hay là không, khi bạn dùng lối nói « Không bao giờ » ?

-   Ở bên dưới bao nhiêu thái độ, tác phong và lời nói, mà tôi vừa liệt kê và khảo sát trên đây, tư duy quá khích « HOẶC CÓ HOẶC KHÔNG » là nguyên tắc và động cơ nền tảng, khả dĩ lèo lái mọi đường đi nẻo về của chúng ta, khi tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, nhất là với giới trẻ. Thực tế cụ thể, trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn luôn là một hiện tượng « VỪA CÓ VỪA KHÔNG ». Giữa trắng và đen, giữa tốt và xấu, giữa sự thật và gian dối... còn có bao nhiêu sắc độ từ mạnh xuống yếu, đang ở chung với nhau, ở sát cạnh nhau, hòa trộn vào nhau, trong thân phận và điều kiện làm người của chúng ta, cũng như trong tác phong và ý định của kẻ khác. Hiểu được điều cơ bản nầy, chúng ta sẽ biết thức tỉnh, không cho phép mình « nói về, nói thay hoặc nói thế » kẻ khác, theo kiểu « cả vú lấp miệng em ». Thay vào đó, chúng ta sẽ tôi luyện kỹ năng sử dụng sứ điệp « TÔI », để nói về mình. Diễn tả con người của mình. Sẵn sàng chia sẻ lối nhìn, quan điểm và lập trường chủ quan đang có mặt trong tâm hồn.

 

Trung thực và liêm chính phải chăng là hành trang của Thánh Gióng, và tất cả những ai có kế sách xây dựng và phát huy những quan hệ đồng hành và đồng cảm, trong lòng Quê Hương và Dân Tộc ?

 

2.2.  Những kỹ năng và động tác cụ thể cần phát huy, khi thiết lập những quan hệ tôn trọng và hài hòa với anh chị em đồng bào

Những loại giặc từ Trung Hoa, Pháp quốc và Bắc Mỹ đã nhất loạt nêu cao ngọn cờ Nhân Nghĩa, để xâm lăng Đất Nước của chúng ta và áp đặt cho anh chị em đồng bào những hình thức nô lệ kiểu cũ và kiểu mới. Với khí thế hào hùng và tinh thần đoàn kết, dân tộc chúng ta đã sử dụng mọi loại khí giới, để thủ tiêu, tàn sát và ép buộc họ rút ra khỏi biên thùy. Sau một ngàn năm « nô lệ giặc Tàu », sau một trăm năm « đô hộ giặc Tây », chúng ta vẫn có thể vùng đứng lên, lật đổ chế độ thực dân xâm lược.

 

Tuy nhiên, khi cha mẹ, anh chị em, bà con xa gần... là giặc ÂN, giặc TÌNH, giặc NGHĨA, giặc QUAN HỆ... đang áp đặt cho chúng ta lối nhìn, quan điểm, lập trường của họ, chúng ta sẽ có những con đường đi như thế nào ? Xung đột, hận thù... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã từng chọn lựa ? Với cách làm nầy, chúng ta chỉ trối lại cho con cái và cháu chắt một gia tài đổ nát và tang thương. Nếu Tổ Tiên và Cha Ông hiện về và hỏi chúng ta : chúng ta đang làm gì với « dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản », câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào ?

 

Chính Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ đã gặp những khó khăn tương tự, trong địa hạt quan hệ, từ ngày lập Nước và khai Quốc. Hai vị đã chọn lựa con đường « VỪA ra đi mỗi người một ngả, VỪA trở về với nhau », trong mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.   

 

Trong nền văn hóa Âu Tây ngày nay, nhan nhản khắp nơi, theo thiển ý của tôi, hình như đó cũng là con đường có xu thế tập hợp nhiều người. Chẳng hạn, trong lãnh vực vợ chồng, họ ra tòa ly dị. Nhưng họ vẫn duy trì quan hệ bạn bè với nhau. Vì lợi ích của con cái, họ vẫn trao đổi và tiếp xúc với nhau.   

Trong lãnh vực chính trị, từ hai vị trí đối lập Tả và Hữu, họ dùng ngôn ngữ, để mạt sát lẫn nhau một cách thậm tệ. Nhưng họ biết tri chỉ, dừng lại, không đâm đầu vào con đường bạo động hay là thủ tiêu, ám sát và khủng bố. Họ tôn trọng luật pháp và chọn lựa con đường luật pháp, với những chuẩn mực khách quan và công bình, đối với mọi người.

Trong câu chuyện Huyền Sử, Thánh Gióng đã đề nghị và giới thiệu cho chúng ta một con đường hoàn toàn mới lạ và độc đáo, không hẳn hoàn toàn đồng ý với cách hành động của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Đó là con đường « can thiệp sớm », trong địa hạt giáo dục.  

Hẳn thực, trên một tiến trình làm người, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như A, B, C, D, E... Khi có một vấn đề trầm trọng xảy ra ở giai đoạn C hoặc D, nếu chúng ta chỉ giải quyết vấn đề ở C hoặc D mà thôi, cách giải quyết vấn đề của chúng ta sẽ bị thui chột, không hoàn toàn hữu hiệu, nếu không nói là đã và sẽ thất bại hoàn toàn.

Lý do là khi một vấn đề bùng nổ, xuất hiện ra bên ngoài ở giai đoạn C, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt, chính vấn đề ấy đã được cưu mang thai nghén, dưới thể hạt mầm, trong các giai đoạn sớm hơn, như ở A và B chẳng hạn. Không can thiệp từ đầu và tìm cách giải quyết vấn đề, khi còn ở trong thể trạng trứng nước, chúng ta chỉ hoài công : « Tiếc công đan giỏ bỏ cà, giỏ thưa, cà lọt, công đà uổng công ».

 

Trở về với câu chuyện Thánh Gióng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng : Khi vừa lên ba tuổi, Thánh Gióng đã được Mẹ và bà con xa gần « cho ăn, cho mặc... cho ngựa, cho gươm... » Không được nuôi dưỡng, cư xử và đãi ngộ như một Thần Dân của Nước Trời, từ khi đầu thai trong lòng Mẹ, không được lắng nghe, kính trọng, trả lời... lúc lên ba tuổi, Thánh Gióng sẽ suốt đời chỉ là « một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói... ».

 

Thể theo lối nhìn của tác giả Donald Winnicott, nhờ được bồng bế thương yêu (Holding), nhờ được cư xử và đối đãi như một con người quan trọng, có giá trị (Handling), cũng như nhờ được nuôi nấng, dạy dỗ theo từng cấp độ phát triển và tăng trưởng (Object presenting), một đứa bé mới có khả năng từ từ trở thành một con người TỰ TIN. Khi lớn khôn, em sẽ ý thức mình là con người có giá trị, được thương yêu và kính trọng. Đồng thời, tùy vào những giai đọan học tập và phát triển, em sẽ hội nhập những kỹ năng, nghĩa là biết làm, biết sống, biết tiếp xúc và trao đổi, biết thích ứng với mỗi người và mỗi hoàn cảnh, trong đời sống giao tế.

Trong lăng kính ấy, khi tự tin, tôi biết : Tôi là ai ? Tôi xuất phát từ đâu ? Tận điểm của cuộc đời tôi là gì ? Ở vào vị trí hiện tại, tôi có những khả năng và khuyết điểm nào ? Tôi có những ước mơ và hoài bảo như thế nào ? Để biến ước mơ thành hiện thực, tôi cần thực hiện những động tác cụ thể nào ? Và khi hoạt động, tôi biết đánh giá những thành quả khách quan theo ba chiều hướng : Trường hợp tôi thành công, tôi biết rõ con đường cần tiếp tục đi tới là đâu. Khi thất bại, tôi biết chuyển hướng như thế nào. Khi sai lầm, tôi biết can đảm dừng lại, rút tỉa những bài học và kinh nghiệm.

Nói tóm lại, trong quan hệ giữa người với người, tôi chỉ lo tập luyện làm người về phía tôi. Tôi không đánh mất tính người và tình người, cho dù người bên kia chưa làm người. Thậm chí, họ còn làm muông thú, ở một khía cạnh nào đó, đối với tôi.

Nhằm sáng tạo và xây dựng những « quan hệ tốt đẹp và hài hòa » với anh chị em đồng bào, trong môi trường sinh sống và hoạt động thường nhật, tôi cần ngày ngày học tập, tôi luyện và thực hiện những động tác cơ bản sau đây :

-   Động tác một, tôi dùng sứ điệp ngôi thứ nhất, để nói về những thực tại đang có mặt trong nội tâm : Lối nhìn, xúc động, nhu cầu, sở thích và yêu cầu. Tôi nói về tôi, một cách trung thực, thay vì bói đoán, tưởng tượng ý định và ý kiến của kẻ khác. Nói cách khác, tôi không nói thay, nói thế, nhất là áp đặt cho kẻ khác những ý đồ chủ quan của tôi.

 

-  Động tác hai, khi trình bày lối nhìn, tôi nêu rõ những sự kiện cụ thể và khách quan được dùng làm cứ điểm cho những kết luận của tôi. Sự kiện có nghĩa là những điều chính tôi thấy và nghe, chứ không phải là những dư luận hay là lời đồn thổi.

 

- Động tác ba, khi nói về xúc động, tôi phân biệt một cách rành mạch : hoàn cảnh khách quan, nhu cầu, tên gọi của xúc động, và lời yêu cầu của tôi xuất phát từ xúc động ấy. Tôi không lẫn lộn yêu cầu với đòi hỏi, ép buộc. Ngoài ra, nhu cầu là một điều chính yếu cho sự sống còn của tôi. Trái lại, sở thích hay là nguyện vọng có thể được hoán chuyển, thay đổi và trì hoãn hay là không bao giờ được thỏa mãn và thực hiện.

 

-  Động tác bốn : Khi thiết lập và xây dựng quan hệ, tôi di chuyển, một cách linh động và thoáng thoát, tùy trường hợp, giữa bốn hướng chọn lựa sau đây : Cho, Nhận, Xin và Từ Chối. Cho có nghĩa là hiến tặng, chứ không phải là ép buộc, áp đặt. Nhận là đón lấy từ tay của người khác, một cách thanh thản, sung sướng và tự do, chứ không phải là tước đoạt hay là chịu đựng, lệ thuộc. Xin là cầu mong một ân huệ, chứ không phải là đòi hỏi hay là cướp lấy trên tay của người khác. Trường hợp điều người khác trao tặng cho tôi, nếu không thích hợp với nhu cầu của tôi, hay là khi điều họ xin tôi, tôi còn cần dùng và muốn giữ lại... tôi có khả năng từ chối, một cách tự do và an lạc, thanh thản và hài hòa. Một cách đặc biệt, khi kẻ khác áp đặt cho tôi một nhãn hiệu, một lời tố cáo, một cách làm không thích hợp... thay vì phản công hoặc chống đối, giận hờn hay là trầm cảm, đặt mình trong tình huống xung đột, tôi chỉ cần thanh thản TRẢ LUI cho tác giả « tác phẩm » của họ. Ví dụ :  « Tôi vừa nghe bạn nói : tôi là "thằng nói láo". Nhãn hiệu ấy không đúng và không thích hợp với con người thực sự của tôi. Vậy tôi trả về cho bạn lời bạn nói. Tôi không nhận quà tặng đã bị đầu độc và ô nhiễm như vậy ».

- Động tác năm : Khi chọn cách làm « Trả lui » ấy, tôi chỉ nhắm khẳng định chính mình, thay vì có thái độ tấn công hoặc phản kích hay là đánh mất an lạc của lòng mình. Tôi đang cố quyết LÀM NGƯỜI về phía tôi.

 

- Động tác sáu : Khẳng định mình mà thôi chưa đủ. Khi trao đổi với người đối diện, tôi còn phải kêu mời và tạo mọi điều kiện thuận lợi, để giúp họ cũng khẳng định mình, như tôi, với tôi, bằng cách lắng nghe, tìm hiểu thực tại, lối nhìn, quan điểm, khung qui chiếu của họ.

 

-  Động tác bảy : Tôi nêu lên những nhận xét « phản hồi » và những câu hỏi mở, để thúc giục họ diễn tả con người của mình, một cách sâu sát và cởi mở,  trong sáng và toàn diện. Nói khác đi, tôi giúp họ bổ túc và kiện toàn, đào sâu và mở rộng những điều chỉ mới hàm tiếu, trong lời phát biểu của họ. Công việc khai sáng và mở đường nầy đòi hỏi ở chúng ta nhiều tỉnh thức và kiên nhẫn, bởi vì vô thức hay là vô minh đang len lỏi nằm vùng trong nội tâm của mỗi người. Thêm vào đó, khi khổ đau tràn ngập và khống chế tư duy, chúng ta « có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe ».

 

-   Động tác tám : Ở đây tôi nhắc lại điều mà tôi đã trình bày trước đây. Khi người đối diện nêu ra những nhận xét hoàn toàn tiêu cực và vô bổ, có tính xúc phạm đến bản sắc làm người của tôi, tôi chỉ cần sử dụng kỹ thuật « Trả Lui », một cách bình tĩnh và hồn nhiên, thông suốt và trôi chảy, cơ hồ một con sông uốn mình giữa đồng cỏ xanh.

 

-  Động tác chín : Con người - hay là chủ thể trao đổi - có giá trị và tầm mức quan trọng HƠN đối tượng hoặc nội dung được trình bày. Cho nên, khi lắng nghe và tìm hiểu ai, chúng ta đặt trọng tâm vào chính con người của họ. Qua lời nói bên ngoài của họ, có lẽ chúng ta đang bị tấn công, kết án, tố cáo, xuyên tạc, mạ lị, khinh thường... Nhưng nếu chúng ta sáng suốt ý thức rằng : người ấy đang khổ đau, người ấy chưa bao giờ có cơ may học như chúng ta đã học... chúng ta sẽ thương hơn là loại trừ. Còn hơn thế nữa, nếu người ấy là « ĐỒNG BÀO », phát xuất từ một cung lòng của Mẹ như chúng ta, chúng ta chỉ có một câu trả lời : Tình Thương vô điều kiện. Với một tấm lòng bao la như Đại Dương của Lạc Long Quân, với một lối nhìn cao cả như Bầu Trời của Mẹ Âu Cơ, cho dù người đồng bào là gì gì chăng nữa, họ là « Một mảnh đất của QUÊ HƯƠNG ».

-   Cho nên, sau đây là động tác mười. Lắng nghe ai là NHÌN NHẬN vô điều kiện. Đằng sau một bộ mặt hống hách, ở bên dưới những lời tuyên bố sắc nhọn, gai gốc và độc ác, nếu chúng ta biết lắng nghe và có một lối nhìn xuyên thấu, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá trong con người ấy, một vết thương lòng đang rướm máu và chưa bao giờ được ai băng bó, thoa dịu. Có lẽ chúng ta là người đầu tiên đang mang đến cho họ một chút hơi ấm tình người... Người ấy đang cần được NHÌN NHẬN, với những câu nói phản hồi như : « Qua những lời anh vừa phát biểu, tôi ghi nhận rằng : anh đang tức bực và lo buồn... anh đang gợi lại một thời thơ ấu mồ côi mẹ... anh đang lo sợ trong môi trường sinh hoạt ngày nay, giới trẻ đang phanh phui mọi chuyện trong đời tư của anh... »

 

3.   Bí quyết thành công của Thánh Gióng

 

Như trước đây tôi đã gợi ý, câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng có một « bề mặt » hoang đường và vô tưởng. Những chiến công oanh liệt của Ngài « xem ra » chỉ là điều bịa đặt dành cho trẻ con. Tuy nhiên, đối với những ai biết lắng nghe ngôn ngữ hình tượng của Tổ Tiên, Thánh Gióng không phải là ai xa lạ. Thánh Gióng là tôi, là anh, là chị, là em... đang trực diện với những vấn đề sôi bỏng của thế giới ngày hôm nay. Giặc quan hệ đang bủa vây chúng ta, ở khắp nơi, trong cũng như ngoài Nước. Tại một số gia đình, chẳng hạn, cha mẹ và con cái vào lứa tuổi mười sáu, đôi mươi... là hai đường song song vạn kiếp, không bao giờ có điểm hội tụ. Trong các đô thị đại công nghiệp, mái ấm gia đình đã trở thành một quán trọ, một nơi để qua đêm, không hơn không kém. Có dịp chứng kiến cảnh tượng cha mẹ và con cái trao đổi với nhau, tôi có cảm tưởng rằng họ là hai vị dân biểu thuộc phe tả và phe hữu đang chửi rủa lẫn nhau một cách thậm tệ, thiếu văn minh, trước mặt toàn dân có tiếng là văn minh và tiến bộ.

 

Với điều kiện và hành trang nào, chúng ta có thể xây dựng lại Ngôi Đền Cổ Loa, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, giữa anh chị em đồng bào ?

 

Câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng đã đề nghị câu trả lời trong ba chiều hướng khác nhau :

 

Thứ nhất, bài học về Quan Hệ phải được học và phải được dạy cho trẻ em, từ khi chúng nó lọt lòng mẹ. Trên đây, trong phần 2, tôi đã mạo muội sơ phác những gì nên tránh và những động tác nào cần tôi luyện. Bài học này cần trở nên một kế sách « giữ Nước và dựng Nước » của toàn dân. Khi người lớn ý thức mình cần phải dạy, họ sẽ học một cách chu đáo hơn. Dạy phải chăng có giá trị tương đương như ba lần học ?

 

Thứ hai, duy những ai có « CHẤT TRỜI » trong lòng mình, giống như Thánh Gióng, mới có khả năng thấm nhuần bài học về quan hệ. Hẳn thực, không ý thức về tình Anh Chị Em, tình đồng bào, làm sao chúng ta có thể « ĐI LÊN TRỜI », hướng thượng ? Làm sao chúng ta có thể NHÌN NHẬN vô điều kiện « chủ thể làm người » của anh chị em đồng bào, trong lòng Quê Hương, thậm chí khi họ có những hành vi sai trái, phản bội... Chia sẻ, đối thoại, giáo dục là con đường duy nhất tất yếu phải đi, nếu Con Rồng Cháu Lạc muốn tồn tại. Mỗi người, cho dù là tội phạm, vẫn mang « chất Trời » trong lòng mình. Cho nên, Khả Năng ĐI LÊN, TRỞ VỀ TRỜI vẫn luôn luôn ở trong tầm tay của mỗi người biết và được cư xử là người anh chị em.

 

Thứ ba, « lưỡi gươm » hay là dụng cụ tác động của chúng ta, trong lãnh vực xây dựng và phát huy quan hệ, có thể cùn mòn và gãy đổ. Nhưng sáng tạo là gia tài và gia sản của chúng ta, trong mọi tình huống. Sau khi lưỡi gươm đã trở thành vô hiệu, phải chăng Thánh Gióng đã nhổ bứt lên cả một bụi tre vàng, để xua đuổi địch thù ra khỏi Đất Nước ?

 

Cái gì Thánh Gióng đã làm được ngày qua, tôi cũng có khả năng làm như Ngài ngày hôm nay.

 

 

Bài thứ 9

 

Bảy hạt ngọc cho con

 

1.-  Con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống

Đất bị người người khạc nhổ,

Nhưng vẫn kết sinh hoa lợi,

Cho người người ấm no.

 

2.-  Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống

Nước chấp nhận mang vào mình,

Vết nhơ của bao nhiêu bàn tay,

Để đem về tẩy luyện trong lòng Biển Mặn.

 

3.-  Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống

Khí đi vào bên trong lòng mỗi người,

Để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu,

Không quên sót một ai.

 

4.-  Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống

Trời ở trên cao thật cao.

Nhưng đồng thời, Trời ở dưới thấp thật thấp.

Không có Trời, con không có chi hết.

Nhưng chính Trời cũng không có chi hết.

Trời hoàn toàn trống không,

Để gọi mời con trở thành Cao Cả và Diệu Vợi.

5.-  Con hãy lấy Hạnh của Lửa mà sống

Ai ấm áp cho bằng Lửa ?

Nhưng ai khinh thường Lửa,

Tự khắc người ấy rước họa vào mình.

Lửa không phải là Trời.

Nhưng Lửa thay thế Trời,

Khi con ở trong đêm tối,

Hay là đang trải qua những ngày đông lạnh lẽo.

 

6.-  Con hãy lấy Hạnh của Đêm mà sống

Nhờ đêm, một ngày mới bắt đầu trở lại,

Sau khi nhọc lụy được giấc mơ ủi an, ấp ủ và chuyển hóa.

Nhờ Đêm, mắt con mới thấy được rằng :

Tên con đã được viết sẵn bằng ánh sao lấp lánh,

Giữa Đại Duơng Ngân Hà của Vũ Trụ.

 

7.-  Con hãy lấy Hạnh của Mẹ mà sống

Mẹ là người để cho con học thương, cũng như học ghét.

Thương mà không bị mất mát và bó buộc.

Ghét mà không sợ bị loại thải hoặc bỏ rơi.

Thương Mẹ, không phải vì Mẹ vô tì tích.

Ghét Mẹ, không phải vì Mẹ làm « tinh yêu ma quái ».

Trong người Mẹ dễ thương,

Còn có nhiều chỗ, để cho con học ghét.

Trong người Mẹ dễ ghét,

Còn vô số điểm, giúp con học thương.

Nhờ biết thương cũng như biết ghét,

Con mới học được bài học làm người.

 

Lausanne, Thụy Sĩ, hè 2008

 

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 1914
Ngày đăng: 01.11.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà Văn Vũ Trọng Phụng Dưới Bút Danh Ngọa Triều - Lại Nguyên Ân
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 3 - Nguyễn Văn Thành
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 2 - Nguyễn Văn Thành
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 1 - Nguyễn Văn Thành
Mạc Vị Xuân Tàn Hoa Lạc Tận Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Huyền sử 8 – hết - Nguyễn Văn Thành
Truy Tìm Gốc Tích Đôi Câu Đối Thiền Tông - Nguyễn Cẩm Xuyên
Huyền sử 7 - Nguyễn Văn Thành
Huyền sử 6 - Nguyễn Văn Thành
Núi Vọng Phu; Những Thiếu Phụ Chờ Chồng Muôn Kiếp - Nguyễn Cẩm Xuyên