Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.204.289
 
HAMVAS BÉLA- Siêu hình học của Yoga
Nguyễn Hồng Nhung

 

1.

Ở châu Âu người ta cho rằng từ yoga có liên quan đến từ Latin jugum, như vậy liên quan đến iga. Theo đó, yoga có nghĩa là đảm nhận một gánh nặng như thế nào đấy. Xét mặt ý nghĩa cũng như triết học, dịch như vậy đều cực kỳ sai lầm. Trong tiếng Sanscrit yoga không gần với từ jugum (iga) mà gần với từ junger (buộc), không mang nghĩa đảm nhận một nhiệm vụ mà là sự thống nhất. Vài tổ hợp từ, như szam-yoga, hoặc dukha-yoga có thể nói rõ hơn ý nghĩa của từ này. Yoga như một sự thống nhất giống như ý nghĩa của từ Hy lạp henósiz, hoặc Latin unio

 

Có thể giả thiết từ nhận thức bên ngoài của yoga. Theo Patandzsali yoga là sự tính sổ với hoạt động của ý thức. Con người cần chọn một nơi yên tĩnh, thực hiện một thế ngồi đúng để xương và bắp thịt có thể nghỉ ngơi hoàn toàn và giải phóng ý thức dưới sự điều khiển của cơ thể. Cần bổ sung sự tĩnh lặng của cơ thể bằng việc hít thở đúng và sâu, để đánh thức các sức mạnh nằm dưới vô thức. Hai điều kiện này aszana (thế ngồi) và pranajama (hít thở) là nền tảng thể xác của yoga.

 

Còn nền tảng linh hồn: pratjahara và dharana. Dịch ước chừng như sau: thư xả và tập trung. Bước đầu tiên có nghĩa là tránh xa các môi trường quấy nhiễu, khóa kín các hình ảnh tưởng tượng, chấm dứt các ảo ảnh sinh trưởng không ngừng của ý thức. Nhưng vì không thể chấm dứt hoàn toàn hoạt động của ý thức, con người cần liên tục bám lấy một hình ảnh duy nhất cố ý lựa chọn và đưa vào trung tâm tập trung ý thức của mình. Hình ảnh này là khách thể thiền định. Hình ảnh dừng lại, yên vị lơ lửng cân bằng và biến thành hạt nhân của sự hoạt động bên trong.

 

Bước thứ ba của yoga: dhjana và szamadhi. Trong trạng thái dhjana những đường nét của khách thể thiền định trong ý thức từ từ mờ nhạt dần và hình ảnh này cùng ý thức từ từ tan ra. Trạng thái con người nâng lên mức độ siêu việt. Đấy là dhjana. Ý thức là một bộ phận của cái TÔI cá nhân con người; trạng thái cao hơn ý thức mà con người duy trì trong dhjana không phải là trạng thái của cái TÔI cá nhân mà là trạng thái TÔI của con người phổ quát.

 

Dhjana là trạng thái phổ quát, trên ý thức, của con người vĩnh cửu. Szamadhi là trạng thái siêu việt của con người phổ quát từ mức độ cao của yoga, và nâng lên vị trí cổ không phân biệt của tinh thần. Từ quan điểm của con người kinh nghiệm szamadhi là trạng thái mê đi (ekstatikus). Ở khía cạnh vĩnh cửu và tuyệt đối tất nhiên trạng thái mê sảng này không phải szamadhi mà chính là cuộc đời của cái TÔI bị chìm vào ảo ảnh của thế giới vật chất.

 

Từ quan điểm tuyệt đối, szamadhi là sự thống nhất một lần nữa, là sự tan vào tinh thần cổ đầu tiên, henoszisz, hay còn gọi là unio, nghĩa là: yoga, hoặc sự thống nhất.

 

Quá trình có tên yoga có thể tìm thấy trong các văn bản Ấn độ ngay từ thuở ban đầu, cho dù sau cùng nó gắn liền với cái tên Patandzsali, mà nguồn gốc của nó giống như của mọi tổng hợp cổ lớn, của chiêm tinh học, của thuật luyện vàng, của số học, đã bị đánh mất từ thời xa xưa. Mục đích của yoga là sự thanh toán hoạt động của ý thức. Nghĩa là cách ứng dụng một phương pháp, mà bằng sự giúp đỡ của nó cắt đứt những hình ảnh liên tục được sinh ra của ý thức.

 

Sự sáng tạo những hình ảnh bắt buộc này truyền thống Ấn độ gọi là szamszara, truyền thống Hy lạp gọi là anake, tạo dựng trong đời sống con người một sự hỗn loạn tuyệt vọng, mà con đường khác, ngoài sự giúp đỡ của yoga-sự thống nhất- ra, hay nói cách khác ngoài sự giúp đỡ để quay về với sự thống nhất cổ của trạng thái cổ ra, không có cách nào giải thoát.

 

Yoga chấm dứt quá trình luân hồi (szamszara), chấm dứt sự đông đảo, sự hỗn loạn, sự nhầm lẫn, và trước hết chấm dứt nguyên nhân đầu tiên, cội rễ của luân hồi: ý thức của cái TÔI cá nhân.

 

2.

 

Ở đây ta không bàn về kiến thức của quá trình yoga, về mối quan hệ giữa yoga và các truyền thống siêu hình khác nhau, với kinh Veda, với Sankhja, với đạo Phật, với yoga mahajana và hinajana, với yoga của Tây tạng, của Trung quốc, Hy lạp, Ai cập. Không cần thiết.

 

Yoga-radzsa của Patandzsali dựa trên những cơ bản của truyền thống cổ, đều là dạng cổ đầu tiên. Như vậy, yoga sức khỏe, yoga hoạt động, yoga nhân đạo, yoga thiền định, yoga hatha-, karma-, bhakti và các loại khác nữa rốt cục đều chỉ về một hướng. Đều nói về một sự sùng bái, mà ý nghĩa đầu tiên và cổ xưa của sự giáo dục so với việc canh tác đất đã linh thiêng hóa, chăn nuôi gia súc đã linh thiêng hóa, binh nghiệp đã linh thiêng hóa, cai trị nhà nước đã linh thiêng hóa còn sâu sắc và chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn nữa.

 

 Người đi giáo dục là con người, nhưng đối tượng để giáo dục cũng là con người. Và nếu như ở đâu đấy, thì ở đây, trên vị trí này tất cả mọi người đối diện với NGƯỜI THÀY LỚN, giáo dục trong đấu tranh, trong canh tác đất đai, chăn nuôi gia súc, trong thiền định và trong sự chối bỏ bản thân: tóm lại là người tiến hành cùng lúc hoạt động linh thiêng hóa để điều chỉnh lại thế gian, quay trở về với thời hoàng kim, với trạng thái cổ của sự sống.

 

Mọi lời giải thích của yoga đều bắt đầu bằng sự phân biệt cơ bản như sau: cái TÔI cá nhân không phải là thực thể đích thực của con người. Cái TÔI đích thực không cá nhân mà vượt cao hơn cá nhân, mang tính phổ quát. Cái TÔI gắn với thân xác kinh nghiệm hóa, gắn với ý thức, là cái TÔI tạm thời, ảo hình, là sự tưởng tượng bắt buộc, là luân hồi, anake: là ảo ảnh của cái TÔI phổ quát, vĩnh cửu, vĩnh viễn.

 

Ảo ảnh cái TÔI cá nhân tan ra trong từng con người, nếu họ bước qua ngưỡng cửa của thế giới vật chất, khi chết. Nhưng ảo ảnh có thể lộ diện sớm hơn; đấy là vidja, là sự tỉnh táo.

 

 Trong con người có hai thực thể: cái TÔI cá nhân trong cơ thể, trong ý thức, bằng hoạt động tâm lý, bằng những đặc tính tinh thần; và một cá nhân con người vĩnh cửu, phi thể xác, trong trạng thái siêu việt, là linh hồn tuyệt đối trong sự sống phi chất lượng.

 Con người vĩnh cửu không hoạt động; đây là con người mà kinh Veda nhắc đến:” Hai con chim đậu trên một cành cây, một con ăn trái của cây, một con đứng nhìn không động đậy.” Con người vĩnh cửu không ở trong phạm trù của đời sống, mà trong phạm trù của sự sống, và như vậy không hành động, không hoạt động, không sống mà chỉ: có- ngay từ buổi ban đầu, không bao giờ đứt đoạn cho đến tận cùng của thời gian: có.

 

Kẻ đi giáo dục là cái TÔI cá nhân và đối tượng của sự giáo dục cũng là cái TÔI cá nhân. Sự giáo dục trong số phận cá nhân con người là sự sùng bái của hoạt động với chính bản thân họ: sự hoạt động linh thiêng hóa của con người với chính bản thân họ: sự cắt đứt, tính sổ với cái TÔI riêng biệt.

 

 Cái bắt đầu và kết thúc của mọi yoga: tapasz, tự phủ nhận bản thân. Đây chính là bản chất của sự sùng bái và là ý nghĩa của hoạt động linh thiêng hóa. Đây là lửa- bởi vì từ tapasz cũng có nghĩa là nhiệt độ và sự đam mê. Là ngọn lửa của sự tự phủ nhận bản thân. Là sao Hỏa, là lưu huỳnh là radzsasz. Tapasz, khổ hạnh, tự phủ nhận bản thân không là gì khác, ngoài việc con người đốt bản thân mình chảy ra tro trên ngọn lửa tự mình nhóm. Phản ánh sự kiện này từ bên trong chính là hình ảnh đốt các xác chết trên đống củi lửa.

 

Trong yoga, cái TÔI cá nhân tự hiến dâng trong bản thân, trên ngọn lửa nhóm từ chính bản thân mình. Đấy là yoga. Đấy là khổ hạnh, là tapasz, là sự tự phủ nhận bản thân.

 

Đây là hình thức cổ của mọi hoạt động mang tính chất sùng bái: cần đốt cháy thiên nhiên vật chất trên ngọn lửa của chính nó, để nó quay trở lại trạng thái cổ. Đây là lửa mà con người châm, lửa thiêng, dù là lửa thiên nhiên hay sự sáng sủa tinh thần, sự tỉnh táo mà người ta gọi là sự sùng bái. Bởi vậy sự chăm sóc, tình yêu thương, sự giáo dục, sự trù phú và sinh trưởng, cái đẹp và sự nở hoa, tri thức và sự hoàn hảo cần đốt cháy trong lửa thế gian để con người và sự vật từ bỏ cái TÔI vật chất và cá nhân, để quay trở lại với sự sống phổ quát.

 

Người Thày Lớn của yoga là thực thể châm lửa, truyền ánh sáng, là thực thể tự đốt cháy bản thân mình, tự dâng hiến bản thân mình. Đấy là người THÀY LỚN trong cai trị nhà nước, trong canh tác đất và trong binh nghiệp. Sự giáo dục này là hoạt động linh thiêng hóa. Là sự sùng bái.

 

3.

Hiểu một cái gì đấy nghĩa là quay lại trạng thái cội nguồn của nó; chính vì vậy chỉ hiểu được nếu nhận thức từ góc độ siêu hình. Siêu hình bởi vì vị trí cội nguồn của sự vật là meta ta phüsztika, trên cả thiên nhiên vật chất, siêu nhiên.

 

Bậc thang đầu tiên để hiểu siêu hình học của yoga: yoga là sự sùng bái của cái TÔI cá nhân. Sự sùng bái này hiểu từ góc độ siêu hình như sau: yoga, vượt qua cả thế giới thiên nhiên, đem con người quay trở lại vị trí cội nguồn của nó, trạng thái cổ của nó.

 Mọi sự sùng bái: thể hiện sự vật trong hiện thực hoàn toàn của chúng, nâng những khả năng ẩn náu bên trong chúng lên cao hơn ; giáo dục nghĩa là làm cho các sự vật giàu có hơn, đẹp hơn, nở hoa hơn, đúng đắn hơn, hay nói cách khác đặt chúng quay lại vòng quay cội nguồn của chúng.

 

Sự giáo dục của con người nghĩa là một lần nữa đặt con người vào vị trí cội nguồn của họ, trong toàn bộ cái đẹp của họ, trong sự giàu có và chân chính của họ. Sự giáo dục này là yoga. Trong yoga kẻ đi giáo dục- con người, gặp kẻ được giáo dục đã linh thiêng hóa- gặp con người.

 

Điều này hoàn toàn trái ngược với quan niệm hiện đại cho rằng sự khổ hạnh làm biến đổi con người. Cần phải giữ gìn ý nghĩa cội nguồn của nó: sự khổ hạnh không tước trần con người khỏi bản chất cội nguồn của nó mà trái lại: con người được cởi bỏ từ thế gian vật chất, một lần nữa trở về bản chất thực của mình.

 

 Khi yoga Tây tạng tuyên bố trên thế gian không có gì để dựng xây cả, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phá vỡ, phá bỏ đến những nền tảng cơ bản, thoạt nghe có vẻ rất mâu thuẫn. Nhưng không. Yoga Tây tạng cũng như các yoga khác đều nói như vậy: con người cởi bỏ mọi ràng buộc từ bản chất vật chất không có gì để giữ lại và cứu vớt. Cần từ bỏ toàn bộ. Bản chất cội nguồn của con người chỉ có thể lấy lại được nếu cái TÔI vật chất hoàn toàn bị tháo gỡ và phá vỡ. Chỉ lúc đó mới tạo dựng lại nổi bản chất cội nguồn ấy.

 

Con người trong thế gian vật chất thô bạo, rối loạn, nghiêng ngả, hèn hạ, nhỏ nhen, bị hạn chế, u mê, bồn chồn, bất lực, mơ hồ, ghen tỵ, keo kiệt, kiêu căng. Đây không phải  trạng thái và hình dạng cội nguồn của con người mà là trạng thái và hình dạng con người rơi và chìm ngập vào tội lỗi. Trong khổ hạnh bản chất đích thực của linh hồn người từ từ được thực hiện trở lại. Đấy là đặc tính cội nguồn của sinh linh người: sự anh hùng hóa.

 

 Cùng với tiếp xúc đầu tiên của sự giáo dục, linh hồn tiếp nhận lại một trong những đặc tính quan trọng nhất của thiên nhiên cổ. Biến chuyển đầu tiên của linh hồn là trở thành anh hùng. Đặc tính cổ của linh hồn là thụ động. Và mức độ cao nhất của sự thụ động này là sự phản thân, sự dâng hiến, sự cho đi, sự anh hùng hóa.

 

Mức độ rời xa trạng thái cổ hay nói cách khác rời xa trạng thái cội nguồn chưa bao giờ rõ như ở con người lịch sử ngày nay. Con người thời lịch sử quan niệm và hiểu người anh hùng như một dạng người ngoại lệ, hiếm hoi, đẹp, sang trọng nhưng khác người. Chính vì vậy họ hiểu một cách nhầm lẫn xiết bao các bộ môn nghệ thuật, các bản trường ca, anh hùng ca, các truyền thuyết  thời cổ.

 

 Nghệ thuật cổ đại nói về những người anh hùng, không phải những kẻ ngoại lệ khác người, mà nói về con người thượng đế, nói về tính cách anh hùng của con người phổ quát, về trạng thái cội nguồn của linh hồn người. Bởi vì linh hồn con người trong trạng thái đầu tiên và cội nguồn là linh hồn tự phủ nhận bản thân và dâng hiến, là linh hồn rèn luyện và cháy lên trong ngọn lửa tự nhóm của bản thân.

 

 Ardzsana, nhân vật của Mahábhárata, Gilgames, Bel, Akhileus, Hektor, Aeneas đều là những vị anh hùng bởi vì họ là hiện thân của những linh hồn anh hùng. Tận cuối thời trung cổ người ta vẫn còn hiểu như vậy. Những người anh hùng không phải những cái TÔI cá nhân, mà họ anh hùng bởi linh hồn con người từ bên trong họ đã được hiện thực hóa: không hèn nhát, ghen tỵ, keo kiệt, rụt rè, không hợm hĩnh, u mê, lầm lẫn, không là những kẻ lặn ngụp bến luân hồi (szamszára-anaké),vật vờ một cách nhầm lẫn và bất lực, mà là những sinh linh đã thức tỉnh, đã điều chỉnh hiện thực cội nguồn của linh hồn trong bản thân họ. Đấy là các anh hùng. Những con người siêu việt. Những con người cổ.

 

Yoga và khổ hạnh- dù là Đạo của Trung quốc, hay Atman của Ấn độ, hay niết bàn của đạo Phật, hay yoga théosis của Pitago- đều không dạy sự hành xác chống lại tính chất tự nhiên, mà chỉ bảo con người một cách có phương pháp, biết hiện thực hóa chủ nghĩa anh hùng trong bản thân mình một lần nữa.

 

 Yoga không là gì khác ngoài là một hoạt động để linh hồn một lần nữa biến thành cái là nó. Cũng như canh tác đất hay cai trị nhà nước một cách sùng kính không là gì khác ngoài một hoạt động, mà từ dấu vết của nó đất và nhà nước một lần nữa biến thành cái là nó.

 

 Sự sùng bái đặt các sự vật trở lại vị trí ban đầu của chúng, và sự sùng bái con người trong con người đặt các linh hồn trở lại trạng thái anh hùng ban đầu của nó: đấy là sự tự phủ nhận mình trên ngọn lửa cháy sáng, sự hiến dâng, là việc hoàn thành những hoạt động, những hành động lớn, là sự dũng cảm đường hoàng và ngay thẳng, là thái độ coi thường cái chết.

 

Yoga Tây tạng, Trung quốc, Ấn độ, sự khổ hạnh Orphikus và Pitago, sự tự phủ định mình của Mexico, Peru, da đỏ để phát triển trong con người tính chất anh hùng ca: bất kể đấy là  người anh hùng Asin hay Ardzsuna tay cầm vũ khí tóm chặt nạn nhân, hay Milarepa hoặc Naropa, kẻ ăn chay và thiền định thực hành đúng sự tự phủ nhận bản thân này.

 

Cái bên ngoài chỉ có thể hình thành từ cái bên trong: bên trong của Asin là ẩn sĩ Orphikus tiếp tục các thực hành khắc kỷ, như Ardzsuna, người anh hùng của sử thi Bharata có hình dáng bên ngoài của một Sannyasin sống trong rừng Ấn độ.

Cả hai loại người này đều hành động giống nhau: tiếp tục sự sùng bái con người và giải phóng tính chất anh hùng ca của linh hồn. Những anh hùng của các trường ca và các huyền thoại là hình ảnh tượng trưng của linh hồn.

 

” Linh hồn con người không phải linh hồn của tất cả các trạng thái; chỉ có, nếu con người thức tỉnh, chỉ lúc đó, và đấy là linh hồn siêu việt”

„ Hiểu được, chỉ những kẻ đã sẵn sàng để quyết định; nhưng những kẻ ấy đều trở thành một trong vĩnh cửu” (Veda)

 

Tất cả các hành động lớn đều phát sinh từ sự cuồng nhiệt của linh hồn người; tất cả sự cuồng nhiệt đều phát sinh những sức mạnh càng giàu có và sáng lòa bao nhiêu, linh hồn càng tách xa bấy nhiêu cái TÔI vật chất. Có những sức mạnh vô hình nảy nở trực tiếp từ những tinh thần cổ, nhưng những sức mạnh  chỉ được nâng cao khi con người đã biết kìm hãm cái TÔI vật chất.

Yoga là một hoạt động để con người mạnh hơn chính nó: là thứ đưa lại cho con người nỗi tự chủ vô điều kiện và cho những gì linh hồn khao khát từ vĩnh cửu, để con người thực hiện: sự trù phú, sự cao thượng quý phái, sự thật đáng tự hào, sự thẳng thắn, hay đúng hơn: sự anh hùng hóa. Yoga là một hoạt động của linh hồn anh hùng trên một linh hồn anh hùng. Đặc điểm của hoạt động này nằm trong con người mang tính cách anh hùng.

 

Người anh hùng là người mà mọi hành động đều thánh thiện hóa, bởi bản chất của họ là sự thánh thiện.” Con người thánh thiện hóa bản chất một cách hoàn toàn; và sinh linh đã thánh thiện hóa này thánh linh hóa toàn bộ các hoạt động của thế gian. Các hoạt động của thế gian thánh linh hóa toàn bộ thiên nhiên, và sự thánh thiện hóa này tiếp xúc với những kẻ vẫn còn đen tối, bất công, độc ác và phạm tội”.

 

4.

 

Yoga là sự giáo dục thánh thiện hóa cái TÔI con người. Nó có phương pháp, hợp lý và không thể giả mạo: không thể canh tác đất đai bằng hai cách và không thể cai trị nhà nước bằng hai cách.

 

 Phương pháp của yoga là khả năng duy nhất để linh hồn con người quay trở lại trạng thái anh hùng cội nguồn: tapasz – lửa của sự tự phủ nhận bản thân. Bản chất say mê tự phủ nhận bản thân và tính cách sùng bái ngay lập tức trở nên rõ ràng, nếu con người chỉ cần chút ít để ý tới các vị thánh, như ở Peru có Pacsakamak, ở Mexico có Kecalkoatl, ở Hylap có Dionüsos, ở Ai cập có Oziris, ở Ấn độ có Siva, họ là những biểu tượng khổ hạnh.

 

Lũ ma quỷ đã xé xác Pacsakamak và rắc khắp trái đất. Kecalkoatl xuống trái đất để dạy con người chế tạo những đồ vật đẹp và hữu ích, và giúp họ xây dựng thành phố bằng đá Hổ Phách, thành phố của Hạnh Phúc. Và bọn ma quỷ đã tụ họp chống lại ngài. Kecalkoatl đi trốn, nhưng sau cùng ngài nhìn thấy chúng mạnh hơn. Ngài nhảy vào lửa tự thiêu. Từ tro thân xác ngài biến thành những con chim biết hát, từ trái tim ngài sao Hôm xuất hiện.

 

 Oziris bị Szét, thần Bóng tối giết chết, chặt ra từng mảnh và vứt tứ chi đi khắp nơi. Dionüsos bị lũ titan xé xác. Vị Thần chịu đau khổ là vị Thần bị chặt ra từng mảnh, bị xé xác, bị thiêu cháy, bị xâu xé. Tính chất thần linh nằm trong việc con người cần từ bỏ cái TÔi, cần sống đến sự thiêu hủy tận cùng, cần bước qua ngưỡng cửa của cái chết, cần bị xâu xé để đạt tới hình dạng và bản chất đích thực. Bởi Pacsakamak cũng bị tấn công đúng như Kecalkoatl, Oziris, Dionüsos. Nhưng khi họ đã phục sinh, trong bản chất vĩnh cửu và bất tử, họ không bao giờ chết và được vinh danh.

 

Biểu tượng và hình ảnh cổ của tính chất thần thánh và anh hùng hóa: những người anh hùng là biểu tượng chất người, những tính chất siêu việt là các ví dụ về sự tự rèn luyện của con người.

 

Sự khổ hạnh là một sự sùng bái, nấp dưới bóng sự bảo vệ và đặc tính tinh thần của Oziris, Dionüsos, Pacsakamak. Sự tự phủ nhận bản thân là bái vật- Dionüsos; hiện thực hóa số phận siêu việt. Bái vật này là: sự cào xé. Linh hồn con người biến thành siêu nhiên, bởi vì nó mang tính siêu nhiên, và nếu con người nhận ra cần phải trải qua những gì linh hồn các vị thần như Ozisis, Dionüsos đã trải: cần cháy lên và chặt bản thân ra từng mảnh, xé xác mình ra từng mảnh. Cần từ bỏ cái mặt nạ, cái TÔI duy nhất của con người, cần bước qua ngưỡng cửa của sự hủy diệt, để phục sinh và lấy lại bản chất đích thực: trở thành linh hồn siêu nhiên vĩnh cửu và bất tử.

 

Kẻ khổ hạnh vì thế mang tính anh hùng. Vì thế tự phủ nhận mình. Vì thế tự đốt cháy mình- đấy là nỗi say mê từ bỏ, trong ngọn lửa tự đốt cháy. Linh hồn anh hùng mà hình ảnh cổ của nó là Kecalkoatl và Oziris, là vị thần tiêu diệt, thần Siva đen, gánh lên mình số phận của thần linh.

 

Sự sùng bái không là gì khác ngoài việc con người đặt bản thân mình vào số phận của các thần linh và sống một đời sống của thần linh. Khi con người tự rèn luyện bản thân, tự cháy trên lửa riêng của nó, nó đã dự phần vào sự sùng bái khổ hạnh. Để biến thành Dionüsos, bị xâu xé, bước qua ngưỡng cửa của cái chết khi đang còn sống, để thanh lọc và lấy lại bản chất vĩnh cửu.

Quay lại với bản chất siêu việt, với Thượng đế, Saint-Martin nói, con người phải vượt lên thái độ quay về bản thân. Cần phải để bản thân mình tự do; cần giải phóng mình khỏi vật chất, khỏi những khát vọng, những mong muốn thấp kém, để mình có thể hiến thân mình cho Thượng đế.

 

Các thần linh thời cổ như Dionüsos có quan hệ mật thiết với thời hoàng kim, với sự sống cổ. Kecalkoatl đồng tình với việc xây dựng thành phố của Hạnh phúc. Lũ ma quỷ của bóng tối, những sức mạnh của thế giới vật chất đã tiêu diệt thời hoàng kim. Nhưng ánh sáng niềm hạnh phúc của sự sống cổ trong linh hồn vẫn cháy không thể dập tắt được. Cần phải xây dựng lại thành phố của niềm Hạnh phúc.

 

Yoga tạo dựng để tạo dựng con người, tạo dựng người thợ xây. Yoga tạo dựng như ở Tây tạng người ta nói: phá vỡ tất cả- tất cả, những gì không liên quan đến con người. Đây là sự sùng bái trong nó. Chỉ như vậy nó gánh lên mình số phận siêu việt.

 

Đấy là sự gánh vác tiêu diệt cái TÔI thấp hèn: để giải thoát. Khi tạo dựng được người thợ xây, là đã xây nên chính thành phố bằng đá Hổ Phách. Bởi thời hoàng kim không từ đá mà xây nên từ vàng, và vàng không là gì khác ngoài linh hồn đã tẩy rửa, là vàng đã tan ra trong ngọn lửa của sự tự phủ nhận bản thân: là tâm linh anh hùng hóa.

 

5.

 

Trong thời kỳ lịch sử không chỉ ở châu Âu mà cả ở phương Đông tất cả mọi người thường xuyên và nhất quán mắc phải một sai lầm lớn khi muốn hiểu rõ, và quan niệm về yoga. Thời lịch sử cho yoga là một phương pháp để phục vụ sự tươi tỉnh, phục vụ niềm cảm hứng cá nhân của con người. Sự tươi tỉnh, niềm cảm hứng riêng tư, chỉ liên quan đến cá nhân, chỉ là sự vụ riêng của con người, không phải của ai khác. Quan niệm và sự giải thích này về cơ bản là sai lầm, lệch lạc.

 

Châu Âu thời hiện đại hiểu yoga trong tâm lý học cá thể. Nhưng môn tâm lý học này không đề cập đến linh hồn, và không tiếp xúc với tất cả những gì liên quan đến linh hồn trong hiện thực. Trọng tâm của tâm lý học châu Âu không phải là linh hồn mà là cái TÔI. Không phải nhận thức về linh hồn mà là nhận thức về cái TÔI. Linh hồn trong sự nhận thức này không là gì khác ngoài kiến thức thường xuyên rối loạn của chức năng của cái TÔI. Tình thế tất nhiên ngược lại: cái TÔI không là gì khác ngoài chức năng của linh hồn. Đây là cội nguồn của sai lầm. Bởi vậy người ta hiểu sai lệch toàn bộ các hiện tượng thuộc về linh hồn của châu Âu hiện đại, và bởi vậy yoga cũng bị hiểu chệch đi.

 

Phương Đông hiện đại không có tâm lý học, mặc dù hoàn toàn có thể có, vì các điều kiện đã có sẵn: tri thức cổ nói về linh hồn đã từ lâu bị mất, và trọng tâm của đời sống tinh thần của con người không phải là linh hồn phổ quát nữa, mà là cái TÔI cá nhân hóa. Từ khi xuất hiện sự thay đổi này, phần lớn phương Đông cũng không thể hiểu khác về yoga, mà chỉ hiểu như một phương pháp làm thay đổi con người cá nhân.

 

Nếu người ta sử dụng một văn bản yoga-Đạo Lão, viết không xa xưa lắm, nhưng chứa đựng hoàn toàn tinh thần cổ, cuốn Taiyi Zongzhi, sẽ hiểu ra ngay. Văn bản này có tên: ” Bí mật Kim Hoa”.

 

Hoa vàng ở đây tất nhiên không chỉ liên quan đến thời hoàng kim, mà còn liên quan cả đến vàng của những người theo thuật luyện vàng. Bởi vì yoga không là gì khác chính là thuật luyện vàng- là việc quấy giữa biển sữa, để con người cải biến thành cái TÔI bất tử. Nếu con người trong hoạt động này chỉ chú ý đến cái TÔI riêng của mình, nó không đạt được cái gì hết:” Làm sao có thể phát sinh ra từ đấy bất cứ cái gì?”- văn bản đặt câu hỏi.

 

 Cuốn sách không nói về cách thức thu thập cảm hứng cá nhân. Yoga chỉ trong hình dạng đã thoái hóa sau này mới trở thành phương pháp thu thập nguồn hứng khởi cá nhân. Trong ý nghĩa cổ nó là thế ngồi kiết già, là thuật luyện vàng, chính xác là cái mà người canh tác đi canh tác đất, là việc vua thể hiện với đất nước và dân chúng: là sự giáo dục, là hành động thánh linh hóa.

 

 „ Trong sự rặng ngời của Kim Hoa ánh sáng của trời và đất tụ nhất, và thẩm thấu toàn bộ thể gian. Nhưng nếu ánh sáng này chỉ rạng ngời trong một dáng hình, nó cũng đồng thời chiếu sáng cả trời và đất.”

 

Cần phải hiểu như sau: mục đích là biến đổi toàn bộ thế gian thành Kim Hoa. Sự biến đổi của nó thành sự rạng ngời phi hình thể. Như Veda nói: ánh sáng là bản thể cổ của thế gian, đứng về mặt cội nguồn mọi vật chất đều là ánh sáng.

 

Kinh Kabbala nói: „Ánh sáng là bản thể bản chất, là nền tảng của mọi bản thể tồn tại, mọi vật chất có hình dạng nguyên tử cổ.”

 

 Kim Hoa- hoa vàng chính là bản thể bản chất này, đấy là vật chất cổ, đấy là linh hồn: đấy là vàng của những kẻ luyện đan, là sự sống siêu việt. Mục đích là làm cả thế gian biến thành ánh sáng rạng ngời, nhưng” nếu nó rạng ngời trong chỉ một dáng hình duy nhất, nó cũng chiếu sáng cả trời và đất.” Từ điểm này một lần nữa nó quay lại với asa-điều thiện.

 

Nói theo ngôn ngữ ngày nay: Kim Hoa chỉ nở trong một con người duy nhất đi chăng nữa, cũng mang một ý nghĩa lớn lao vô bờ bến, bởi vì sự rạng tỏa này lan khắp thế gian, chiếu sáng toàn trái đất. Mục đích không phải là cứu vớt cái cá nhân, cái TÔI riêng, mà làm thay đổi cả thế giới.

 

Yoga là con người dâng hiến, xé nát bản thân và Kim Hoa trong bản thân dâng hiến cái linh hồn anh hùng của mình từ đúng một điểm, cho đúng một nơi là nơi con người sống và biến thành Kim Hoa. Nhưng huyền thuật sùng kính này, xảy ra trong máu tất cả mọi người, như người đàn bà da đỏ nhân danh con người đan sọt, như kẻ trả lời con Nhân sư là nhân danh toàn thể nhân loại.

 

 „ Nếu con người bắt đầu sự kỳ diệu này, giống như thể trong Sự Sống có một cái gì đó không-tồn tại.” hay nói cách khác khi con người đến với yoga là nó bắt đầu luyện vàng của linh hồn siêu việt, nó làm như thể lao vào một sự điên rồ và muốn tạo dựng một cái gì không có, không-tồn tại.

 

Nhưng: „Sau một thời gian, con người kết thúc bằng công việc, thân xác nó đạt đến siêu thoát, như thể có một cái gì Tồn Tại trong cái không-tồn tại.”

 

Nói cách khác nữa: bằng hoàn thành yoga, khi con người khai mở Kim Hoa, khi thân xác đạt đến siêu thoát- đến szah- như người Ai Cập nói, lúc đó tình thế thay đổi, toàn bộ thế giới vật chất biến thành không-tồn tại, thành bóng ma mà con người dưới tác động của vòng luân hồi (szamszara-ananké)tưởng là hiện thực- trong sự nhiễu nhương điên rồ( abhimana) tưởng đấy là cái có thật- linh hồn, szah, Kim Hoa, lúc đó biến thành sự tồn tại, thành hiện thực.

 

Đây là sự tồn tại, là ánh sáng, là linh hồn của mọi hiện thực, là vòng quay siêu việt (theleszma) của Hermes Triszmegistos, và Kim Hoa không là niềm cảm hứng của cái TÔI cá nhân mà là một hành động của thế gian, mang tính chất nhân loại, có tác dụng nhân loại: không ai theo đuổi yoga chỉ vì bản thân mình, mà vì ánh sáng của thế gian, không ai cải biến cái TÔI cá nhân mà biết rằng nếu duy nhất chỉ một người từ bản thân họ nhú lên bông hoa vàng-Kim hoa, thì tác dụng của nó lan truyền và tác động đến tất cả mọi người, mọi thực thể mọi sự vật một cách vĩnh viễn.

„Cũng đủ, nếu chỉ một con người duy nhất trả lời cho con Nhân sư (Sfinx)”

 

6.

 

Yoga không có ý nghĩa nhiều lắm trong sự biến đổi của cái TÔI cá nhân trong sự tích lũy của cải riêng, trong sự vinh quang cá nhân hay trong bản năng quyền lực cá nhân. Yoga hướng về sự chuyển đổi cái TÔI cá nhân chính là muốn duy trì một kẻ cần hơ nóng trên lửa và đốt cháy: cái TÔI.

 

Tất cả các phương pháp yoga thời kỳ lịch sử không có ngoại lệ, đều xuất phát từ tiền đề sai lầm là bằng những phương pháp này cần thay đổi cái TÔI. Họ không biết rằng yoga là sự sùng bái, là sự đảm nhận và thực hiện vai trò của Thượng đế, Dionüsos, Oziris, Pacsakamak. Yoga không phải là quá trình linh hồn, mà là sự biến đổi vũ trụ trong lửa của sự sùng bái, và kết quả sau rốt là linh hồn con người thay đổi thành vàng, thành ánh sáng, thành sự siêu việt- thành hiện thực cổ.

 

Mục đích của yoga là đi vào bản chất sinh linh siêu việt của con người, nhưng không để tìm cảm hứng riêng của một kẻ tập (yogi) mà là khả năng để con người người từ từ trở nên siêu việt: càng ngày càng biết hiến dâng bản thân cho những sức mạnh thánh thần.

 

Mục đích của yoga: chuẩn bị cho con người trí tuệ và trái tim để đón nhận sự siêu việt, và hiến dâng toàn bộ con người trở thành công cụ của Thượng đế. Phương pháp của nó là tapasz-là sự tự phủ nhận bản thân, là sự khổ hạnh, sự từ bỏ. Để con người có thể trở thành công cụ của các thần linh, cần đi theo một quá trình gợi tưởng đến buổi ban đầu từ thời cổ còn sót lại. Quá trình này người ta gọi là yoga, hay là sự hợp nhất với sự thống nhất của tinh thần thế gian, là henosis, là unio.

 

Cấp độ yoga cao nhất, cấp độ Atman không phải là một đích tự thân, bởi vì con người không thay đổi tự bản thân nó, mà là một sự giáo dục kỷ luật để nâng thứ quý giá nhất trái đất - con người, lên khỏi sự nhiễu nhương hỗn loạn, biến nó thành công cụ của hoạt động siêu việt, và biến thế gian, như biến bản thân chính nó thành vàng.

 

Trong yoga đời sống con người trở thành một quá trình sùng kính. Cá tính, sở hữu, cái TÔI, thân thể như công cụ và khả năng để con người đạt tới mục đích duy nhất. Linh hồn sử dụng những công cụ này để tiếp tục khuấy động biển sữa.

Bởi vậy linh hồn người viên mãn mang tính chất anh hùng, bởi nhiệm vụ anh hùng: bản chất của tất cả các hoạt động của con người là canh tác bằng sự hiến dâng để thế gian hãy thành asa-điều thiện- niềm hứng khởi của đời sống. Ý nghĩa của đời sống là con người hãy nâng chính bản thân mình lên cao nhất.

 

Sự canh tác này là sứ mệnh và nhiệm vụ của con người siêu việt, nhưng vinh quang của việc hoàn thành nhiệm vụ này không phải của con người. Tất cả mọi con người có một vị trí đã định dứt khoát trong số phận và có một nhiệm vụ trong thế gian. Tôi không thể để lại vị trí này, và tôi cũng không thể trốn tránh trách nhiệm này. Và đây là sự đảm nhận tỉnh táo: yoga.

 

( Budapest. 2012-09-25)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2921
Ngày đăng: 03.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh Truy-Tầm Luận-Lí (Logische Untersuchungen, 1900) của Edmund Husserl - 6 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh Truy-Tầm Luận-Lí (Logische Untersuchungen, 1900) của Edmund Husserl - 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Niezsche : Der Wille Zur Macht . Chí Hùng-Vĩ - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche: Lập-Ngôn Của Zarathustra 9 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Và Fê-Bình : Cơn Khủng-Hoảng Của Khoa-Học Tây-Fương - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc và Fê-bình SEIN UND ZEIT/ NGUỒN-SỐNG VÀ THỜI-JAN của HEIDEGGER 8 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Cương-Lĩnh Luận-Lí 1 Và Vài Nhận-Xét Về Nền-Tảng Toán-Học Của Wittgenstein - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Và Fê-Bình Truy-Tầm Triết-Học - Nguyễn Quỳnh USA
Mỹ Học Và Văn Chương 4 - Đặng Phùng Quân
Mỹ Học Và Văn Chương 3 - Đặng Phùng Quân
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)