Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.688
 
ROMY SCHNEIDER cánh chim về đâu?
Sâm Thương

 

Dọc theo những bờ tường của tu viện Augustin ở Goldenstein, Áo treo đầy những tấm ảnh chân dung của các học sinh đã từng bước qua ngưỡng cửa trường này từ bao thế hệ cho đến nay. Và thật kỳ lạ, không biết có sự sắp xếp nào không mà chúng đều hướng về khung ảnh của một bé gái có nụ cười hiền lành, nhưng thật đáng chú ý, ở dưới đó ghi hàng chữ, tên cô bé: Romy Schneider, người mà sau này trở thành một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới và cuộc đời cũng không hề thiếu sóng gió, nghiệt ngã.

 

Romy Schneider tên thật là Rosemarie Albach Retty sinh ngày 23.9.1938 tại Berchtesgaden thuộc Đức trong một gia đình có truyền thống kịch nghệ. Bà nội là Rosa, một diễn viên sân khấu nổi tiếng, kết hôn với Karl Albach, một sĩ quan cao cấp trong quân đội Áo, cha của Romy là Wolf Albach Retty, một diễn viên sân khấu và điện ảnh, và mẹ cô là Magda Schneider cũng là diễn viên sân khấu. Cả hai lao vào cuộc sống nghệ thuật, nên thường xuyên vắng nhà, khiến cho Romy và em trai là Wolf phải bị gửi vào trường nội trú.

 

Mới có sáu tuổi, Romy đã chứng kiến cuộc sống xung khắc của cha mẹ cô dù họ đã cố gắng che đậy sự thật đó trước mắt của con gái. Họ không thật sự yêu nhau khi đến với nhau, mà có lẽ vì những hào quang của nhau. Thật ra, Wolf và Magda đã ly dị với nhau từ mùa hè 1945 trong kín đáo, báo chí không hề biết. Và hình như không kiềm chế sự phẫn hận đối với Wolf, Magda cắt đứt luôn quan hệ giữa cha con Romy, không bao giờ muốn cho họ gặp gỡ nhau, vì bà biết rất rõ Romy rất giống cha và họ rất yêu thương nhau.

 

Sau khi ly dị, Magda Schneider lập gia đình một lần nữa với một thương gia giàu có; còn Wolf Albach Retty, cha của Romy thì gặp gỡ và yêu Gertrude Albach, một diễn viên kịch nghệ khác, có nghệ danh là Trude Marlene khi ông cùng đóng phim chung với cô ở Prague, Tiệp Khắc.

 

Điều không chối cãi là Romy chứa giấu trong trái tim dòng máu nghệ thuật của gia đình. Ngay từ lúc bé Romy đã tỏ lộ năng khiếu đặc biệt: diễn xuất, trước sự ngưỡng mộ của đám đông bạn bè. Ở trường nội trú, mỗi khi có chương trình văn nghệ, cứ nói đến diễn kịch thì đôi mắt của Romy sáng bừng lên, nhảy tung tăng, rồi nhiều ngày cô bé sống trong tâm trạng phấn khích lạ lùng. Trong nhật ký Romy có ghi: “13.11.1952. Đóng hài kịch, thật là tuyệt vời. Chúng tôi đã học thuộc vở kịch, và tôi được giao vai Méphisto trong vở Faust của Friedrich Schiller. Đạo diễn vở kịch này là Soeur Augustina. Chiều thứ bảy nào cũng tập. Thật là kỳ lạ, tối hôm vở diễn mở màn, mẹ lại không đến dự trong khi cha mẹ các bạn khác đều có mặt”.

 

Đối với Romy, diễn kịch không chỉ là một đam mê mà còn chính là hơi thở của cô bé, khát vọng đó nuôi cô bé lớn lên, không gì thay thế được - nó thể hiện điều đó trong ánh mắt, nụ cười và luôn cả dáng đi nhún nhảy, nhịp nhàng đáng yêu một cách lạ lùng. Trong suốt thời gian sống ở trường nội trú, không biết bao nhiêu lần Romy đã khóc, cười theo số phận của những nhân vật được giao. Vai diễn nào của Romy, dù còn rất vụng dại vẫn để lại những ấn tượng sâu đậm khó phai nhạt đối với những ai đã từng được chứng kiến cô bé trên sân khấu. Vở diễn cuối cùng mà Romy tham gia trong những chương trình văn nghệ của nhà trường là vở kịch Adékaide. Trong đó, Romy đã hóa thân thành một cô bé do ghen tuông, đã nhờ dân du mục tìm cách bắt cóc con gái của người mẹ kế; và khi những tên du mục được thuê ra đi để thực hiện âm mưu của cô thì cô bé lại sống trong tâm trạng khắc khoải, đau đớn và rất hối tiếc hành động của mình. Soeur Augustina đã ghi nhận về vai diễn của Romy như sau: “Nhìn Romy diễn, mới thấy cô bé rất buồn vì đã có âm mưu như vậy”.

 

Ngày 12.7.1953, Romy từ giã trường nội trú, và cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, ở vào tuổi 15. Cô bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh, một sự nghiệp đầy những thành công và vinh quang qua các phim Les Jeunes Annéed d’une Reine (1954), Sissi (1955), Kitty (1956), Sissi, Impératrice (1956), Sissi, face à destiné (1957) v.v...

 

Đặc biệt với vai Sissi, con gái út của cựu vương Maximilian và quận chúa Lodowika xứ Bavière, sau trở thành vợ Hoàng đế Francois Joseph xứ Autriche trong Sissi, Romy Schneider đã chinh phục tất cả những người xem nàng diễn trên màn ảnh, và nàng trở thành công chúa của điện ảnh Đức, và là thần tượng của không biết bao nhiêu người. Hình như tất cả trở nên bí ẩn đằng sau nụ cười trầm lặng, trong cặp mắt xanh xám sâu thẳm, với sắc đẹp vừa thùy mị vừa tinh nghịch. Những thành công trong nghệ thuật của Romy cứ nối tiếp nhau, cô luôn vươn tới được. Nhưng trong tình yêu, những cuộc tình mà cô tìm kiếm, hình như đã không dễ dàng đối với cô, và không ở lại với cô.

 

Trước khi được đạo diễn Pierre - Gaspard Huit mời qua Pháp đóng trong phim Christine, Romy đã hứa hôn với Horst Buchoholz, một James Dean của điện ảnh Đức, và nghe nói cô còn có một người bạn trai nữa là Toni Sailer, vô địch trượt tuyết. Nhưng khi đến Pháp, cô được Gaspard Huit cho cô chọn lựa diễn viên nam đóng chung với mình, và cô đã chọn một người mà cô chưa hề được nghe nói tới, một diễn viên mới bước vào nghề tên là Alain Delon.

 

Trong cuộc gặp gỡ cặp diễn viên của phim Christine, có lẽ do mặc cảm của một người mới bước vào nghề, trước một Romy với hào quang bao trùm, người diễn viên không thể quên được trong phim Sissi, lại là một cô gái Đức.  Alain hơi giữ kẽ, vẻ mặt lạnh lùng, không quỵ lụy trước Romy, hơi coi thường nàng. Nàng bị sững sờ và thích thú. Alain nói tiếng Đức bập bẹ, còn Romy thì không biết tiếng Pháp, Jean-Claude Brialy trở thành thông dịch cho hai người. Đêm đã khuya, khách đã về, chỉ còn lại Romy, Alain và Jean-Claude. Alain và Romy nhảy với nhau một bản Valse. Và hai người thật sự bị cuốn vào nhau, và họ đã yêu nhau rất sớm, trước khi bộ phim Christine khởi đầu. Vị hôn thê bé bỏng đã trở thành người đàn bà đam mê. Đó là vào cuối những năm 50. Alain và Romy sống trong một căn phòng tồi tàn, gần sông Seine với tất cả tình yêu nồng nhiệt, điên cuồng của tuổi trẻ. Tình yêu của họ thật đẹp, đầy hương vị, cả hai đêu đẹp, được có nhau trên đời này, một mình giữa người khác, những người bạn của Saint Germain de Prés. Sự đam mê kết hợp họ đã nới rộng ra về phương diện nghề nghiệp. Từ này, Sissi chỉ là một kỷ niệm mờ nhạt, yếu ớt. Romy muốn chứng tỏ nàng đã thuộc về lớp người lớn, những người mà trong mỗi vai diễn đã phải tự đốt cháy, thiêu hủy một phần của chính đời mình.

 

Nhưng điện ảnh Pháp với Nouvelle Vague( Đợt song mới ) đang sục sôi, Romy nói tiếng Pháp chưa rành nên đành phải chấp nhận đóng  La belle et L’Empéreur (Người Đẹp Và Hoàng Đế), Katia, những bộ phim hợp tác của Đức - Pháp với y phục mà cô trông còn có vẻ ngố và rạng rỡ. Cô mệt mỏi và hơi chán ngán. Alain khuyến khích cô, giúp cô học tiếng Pháp, làm cho cô cười, luôn luôn Alain có những cách để chọc cho cô cười, cho cô bớt sợ hãi, chọc ghẹo cô và mang cô quay cuồng theo mình.

 

Alain giới thiệu Romy với bạn bè, những nhà điện ảnh nổi tiếng, những diễn viên có tài nhưng không lê lết dưới chân cái khối nặng của Sissi như Romy, đó là Catherine Deneuve, Francoise Dorléac, Pascale Petil, Stéphane Audran và Brigitte Bardot. Alain cũng giới thiệu Romy với Luchino Visconti. Sau này, Romy thú nhận: “Tôi có bốn người thầy: Visconti, Sautet, Welles và Zulawsky, người lớn nhất là Visconti”.

 

Lần đó Visconti dự định dàn dựng vở kịch của John Ford tại Paris, Alain sẽ thủ vai chính: Giovanni, một lãnh chúa trẻ trong lãnh địa Parme thế kỷ XVII, yêu cô em gái của mình là nàng Annabella.

 

Visconti đi tìm một Annabella ngoài đời. Romy yêu thích nhân vật đầy đam mê và cuồng nhiệt đó nhưng nàng cảm thấy mình khó lọt vào mắt xanh của Visconti. Nàng hiểu nàng không đủ tiêu chuẩn, vốn tiếng Pháp ít ỏi không cho phép nàng xuất hiện trên sân khấu Paris, hơn nữa Visconti làm sao có thể chọn lựa nàng khi khắp nơi người ta đang nói tới Đợt sóng mới với những diễn viên trẻ đã thực sự có chỗ đứng, Katia, Sissi những nhân vật đã làm nàng lạc lõng trước cái nhìn của Visconti, và những phụ tá của ông. Nàng thầm nghĩ như vậy.

 

Nhưng rất lâu, Visconti vẫn không tìm thấy một diễn viên nào có thể đóng vai Annabella. Cuối cùng, Visconti đã chọn Romy, với cặp mắt tinh đời Visconti đã tìm thấy ở Romy một diễn viên lý tưởng. Ông đã gửi Romy đến Paris để luyện tiếng Pháp và ông nói với cô, nếu trong vòng 15 ngày ông không thấy ở cô kết quả như  ông muốn thì ông sẽ hủy bỏ lời đề nghị với cô và sẽ trao vai diễn cho một người khác.

 

Romy học những bài về ngữ âm học và phát âm với cô Guyot, nàng tập đọc những mẫu tự rồi học những chuyện ngụ ngôn của La Fontaine trong nhiều giờ liên tiếp. Ngoài ra, nàng còn phải học với Raymond Jérome để nhớ cho kỹ kịch bản. Đó là một công việc đòi hỏi nghị lực phi thường cả thể xác lẫn tinh thần.

 

Và đêm 19.3, nàng đã có mặt trên sân khấu, dù trước đó nàng đã phải nằm bệnh viện đến năm ngày, và vẫn phải băng bụng sau khi mổ ruột thừa và bị rướm máu khi ra sân khấu. Annabella - Romy chính thức đương đầu với khán giả. Nàng đã hoàn toàn nhập vai người phụ nữ ấy, bất chấp những chỉ trích và nàng đã thành công.  Romy trở thành Bà Hoàng của Paris. Alain chúc mừng nàng và giới phê bình sân khấu nói chung đều nhìn nhận nghệ thuật diễn xuất của nàng.

 

Chính vai diễn này mà Visconti đã mời nàng tham gia trong Le Travail de Bocace 70 (1962) đây là bộ phim góp phần thay đổi cuộc đời Romy. Rồi nàng đã tiếp tục có mặt trong Cuộc Chiến Đấu Trên Đảo Le Combat sans L’ile (Cuộc Chiến Đấu Trên Đảo, 1962) của Alain Cavalier, một cựu phá tá của Louis Malle, Le Procès (1963) của Orson Welles và The Cardinal (1963) của Otto Preminger v.v...

 

Vào mùa thu năm 1963, Romy chuẩn bị sang Mỹ đóng phim Good neighbor Sam (Sam, Người Láng Giềng Tốt), họ lại tuyên bố hoãn cuộc đám cưới của họ một lần nữa. Nhưng một thời gian sau, những ngày ở Hollywood, Romy nghe được tin đồn làm đau nhói trái tim nàng, Alain đã rất thân mật với một cô Nathalie nào đó. Nhưng nàng vẫn nghi hoặc chưa dám tin hẳn, thì chẳng bao lâu sau, nàng nhận được thư của Alain, một bức thư dài, nói đúng hơn là một bức thư đoạn tình. Romy bị hụt hẫng, và bị khủng hoảng, nhưng cô vẫn còn hy vọng. Khi trở lại Paris, khách sạn ở đại lộ Messine, những nơi mà cô cùng với Alain đã từng sống với nhau, căn phòng trống rỗng. Chỉ có một bó hoa hồng đỏ với những dòng chữ. Alain đã chọn cách đó để vĩnh biệt, vĩnh biệt mối tình của cô.

 

Để quên đi những kỷ niệm khắc nghiệt với Alain Delon, Romy đã chính thức lập gia đình với Harry Meyen, một đạo diễn sân khấu người Đức vào năm 1966, một người trí thức. Trong vòng hai năm, cạnh người chồng mà cô mến phục và làm cho cô an tâm, Romy sống trong vai trò đẹp nhất của một phụ nữ: Làm vợ và làm mẹ. Cô đã sinh David vào ngày 13.12.1966 ở Berlin. Để có thể lo cho đứa con trai mà cô coi trọng hơn cả chính sinh mạng của cô, cô đã xa lánh thế giới điện ảnh, quay về làm những dự án sân khấu với chồng.

 

Harry có nhiều bạn, thỉnh thoảng cô mời họ đến nhà ăn tối. Họ mở rượu, uống tới khuya và nói chuyện về triết học, sân khấu và văn chương, ít nói tới điện ảnh. Cô đứng dậy để trông chừng David, đứa con ngủ say trong giường có song chắn. Tất cả đều yên tĩnh, yên tĩnh quá. Ở phòng khách, cô nhìn thấy Harry uống nhiều rượu, anh cần có rượu để tin tưởng vào những mơ mộng hão huyền của anh, để chấp nhận những khó khăn, và những cản trở mà anh phải vượt qua, bởi vì trên bước đường nghệ thuật Harry không may mắn, những vở kịch không được diễn hoặc không thu hút khán giả. Một chút gì đó làm cổ họng cô đăng đắng, cô nhận ra anh không mạnh như cô tưởng. David đã lớn lên và được hai tuổi. Bất ngờ, có một lần điện thoại trong phòng reo lên. Romy bắt máy lên và hỏi: “Ai đó?”, cô hỏi bằng tiếng Đức. Một giọng nói tiếng Pháp trả lời, một giọng quen thuộc. Anh đề nghị với cô một vai trong phim La Piscine do Jacques Deray làm đạo diễn. Cô chấp nhận, và hơi ngạc nhiên sao mình lại cảm thấy vui khi được trở lại Pháp. Harry đến đón cô khi cô quay phim ở Provence. Họ thuê một villa lớn cho David, nhưng mọi việc đã không được như trước nữa. Romy vừa tỉnh dậy sau một giấc  ngủ dài. Cô rung động trở lại, cô cười, cô sống. Cô còn trẻ, còn thích vui, thích làm việc trở lại. Harry quan sát cô, anh căm thù những gì đang vây bọc chung quanh cô, cái mà anh cho là cái thế giới giả tạo của điện ảnh.

 

Romy biết. Nhưng họ không đối đầu nhau, họ dần dần xa nhau. Romy trở về Berlin, nhưng chấp thuận đóng phim L’Inceste ở Anh để được đi trở lại.

 

Tháng 3.1969, cô trở về Paris để hoàn tất việc lồng tiếng Anh và Đức cho bộ phim La Piscine. Harry không còn quan trọng đối với cô, cô rời bỏ chồng. Harry đòi giữ con, nhưng cô chấp nhận hy sinh tất cả những gì mình có để được quyền nuôi con không một chút nuối tiếc.

 

Cô vẫn yêu những chàng trai đóng cặp với cô trong phim, họ đến với cô rồi ra đi nhanh chóng như các nhân vật trong phim mà họ đóng. Cô ít ngủ, nghi ngờ. Cô cần một người đàn ông, không rời cô, nghe cô và an ủi cô. Ở chặng đường đó, cô gặp Daniel Biasini, một chàng trai thông minh và kín đáo. Biasini cũng yêu Romy, họ cảm thấy không thể thiếu nhau. Họ làm đám cưới ở Berlin, và Romy sinh cho Daniel một bé gái là Sarah, mười một năm sau. Khi David và Sarah ngủ, họ bàn với nhau về tương lai của hai đứa con, về cuộc sống và nghề diễn viên của mình.

 

Từ đó, Romy trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng nhất nước Pháp. Người ta ào ạt mời cô đóng phim, vai nào cũng được quần chúng đón nhận - họ sống tràn ngập hạnh phúc. Nhưng mây đen đã ùn ùn kéo đến, vào tháng 6.1979, Romy được tin Harry, chồng cũ của cô tự tử. Tất cả những ký ức về Harry như thức dậy, Romy trở lại trong trạng thái hoang mang, lạc lõng. Nhưng hình như định mệnh vẫn chưa chịu buông tha cô, cô phải chịu thêm  một tai họa khác, quá sức chịu đựng của cô. Đó là ngày 5.6.1981, David, đứa con trai cưng yêu của cô trong khi đùa nghịch leo xuống hàng rào sắt của nhà ba mẹ Daniel, té xuống trên những mũi sắt nhọn và chết. Romy gần như tuyệt vọng. Cái chết của người chồng cũ, và tiếp theo sau là cái chết của đứa con đã không ngừng ám ảnh tâm trí cô. Hạnh phúc giữa Romy và Daniel Biasini như bọt bèo, khó thể hàn gắn được. Như thế, sau sáu năm, Romy và Daniel Biasini ly dị.

 

Sau biến cố đó, Romy chợt như người được vực dậy, cô trở lại với điện ảnh, làm việc không ngừng. Nhưng thật ra, nỗi đau khổ trong cô, cô không vượt qua được, mà cô chỉ che đậy, giấu kín nó trong lòng. Rồi gặp gỡ Laurent Pétin, một người trẻ tuổi và có lẽ rất chân thành yêu cô.

 

Mùa xuân 1982, người ta có cảm tưởng như tình yêu mới đã cải hóa được Romy, đã làm cho Romy trở lại với phong độ của mình, những tưởng tình yêu và cuộc sống của cô trông vào Sarah, đứa con gái. Cô bắt đầu sống trở lại và cô đóng riêng cho mình cái màn kịch hạnh phúc mà cô đã từng đóng trong phim xuất sắc. Nhưng hình như kỷ niệm về đứa con trai 14 tuổi không bao giờ rời khỏi cô. Cô đã có lần thổ lộ: “Tôi đã chôn người cha, tôi đã chôn đứa con, tôi không xa lìa họ và họ cũng không xa cách tôi”. Nhưng nỗi đau buồn thường xuyên đó, cô giấu Sarah để cho con gái có một tuổi thơ vui tươi. Nhưng cô không gắng gượng mãi được, một buổi tối thứ sáu, cô đi vào phòng với Sarah là để vẽ cho cô bé một bức tranh, và để sống với David một chút.

Nhưng David đã chết và mang theo mình chiếc chìa khóa của hạnh phúc. Nó là người đàn ông nhỏ của người đàn ông của cuộc đời cô và cô đã không biết và không thể nói nhiều với nó. Mặc dù, sau khi David mất đi, Romy vẫn tiếp tục trò chuyện và viết thư cho nó. Một cách nào đó, tình thương của cô đối với David đã kéo cô ra khỏi thế giới, một thế giới rình rập, giày vò cô. Romy không tự tử, trái tim mệt mỏi của cô đã vĩnh viễn ngừng đập vào một tối tháng 5.1982. Không biết, sau phút giây đó cô có tìm thấy được David, con trai cô ở thế giới bên kia?

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 3563
Ngày đăng: 03.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
James Bond ! Anh Là Ai? - Đỗ Nguyễn
Bàn Về Nghệ Thuật Kịch Bản - Lê Đình Tiến
Nếu Roman Polansky Không Phải Là Đạo Diễn? - Đỗ Nguyễn
Romy Schneider, Nữ Hoàng Sầu Muộn - Đỗ Nguyễn
Công Viên Điện Ảnh Futuroscope - Đỗ Nguyễn
Chủ nghĩa tư bản: Một chuyện tình - Anh Dũng
Xem Phim « Bel Ami » ( Người Tình Phóng Đãng) - Đỗ Nguyễn
Audrey Hepburn trái tim nhân ái - Sâm Thương
Grace Kelly thời khắc của định mệnh - Sâm Thương
huyền thoại của điện ảnh Pháp - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)