Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.581
 
Vâng!
Phan Ngọc Danh

 

Khi thằng Phong quẹo chiếc xe đạp vào bên lề đường mẹ nó, chị Dung, nhảy xuống ngay. Cắp trong tay một giỏ nhựa đựng mấy thứ linh tinh, chị chạy le te đến trước một biệt thự ở góc đường Tự Do rồi bấm chuông. Biết là đã trễ nên chị nóng lòng, bấm thêm một vài lần nữa mới nghe tiếng trả lời từ cái loa nhỏ giấu trong cái cột cổng.

 

“Ai đó?”

 

“Vâng, cháu đây bà. Cháu… Dung đây!”

 

Cánh cửa sắt nhúc nhích, tự động xoay vòng. Chị Dung lách vào ngay, chạy hai bước một rồi biến mất ra đằng sau biệt thự.

 

o0o

 

Chị Dung, khoảng ngoài 40, khổ người tầm thước, nhưng rất khỏe mạnh với hai cánh tay rắn chắc như lực điền. Chị khỏe mạnh cũng phải, bởi hơn mười năm nay từ ngày đi làm công làm mướn cho người ta, chị lúc nào cũng luôn tay luôn chân, từ sáng sớm cho đến tối mịt. Chị phải kiếm tiền để phụ thêm với chồng chị, nhất là từ khi sinh thằng Bò, đứa thứ tư.

 

Chồng chị, anh Quất, ốm và cao hơn chị gấp rưỡi, đạp xích lô ở dưới bến xe Phú Nhuận. Có khi anh ngồi hêu mỏ cả ngày mà không kiếm được một cuốc xe nào. Gặp ngày như vậy gia đình chị húp cháo, lắm lúc đến cháo cũng không có để mà húp. Tội nghiệp cho mấy đứa con, gặp tuổi đang lớn lại không đủ ăn nên ốm tong ốm teo như mấy khúc củi.

 

Khi thằng Bò tạm cứng cáp chị Dung bắt đầu đi rửa chén bát trong các nhà hàng. Tối đến, trước khi về, chị xin chủ thức ăn dư thừa đem về cho con. Cả ngày ở nhà, vắng bố mẹ, bốn anh em lo cho nhau: em khóc thì anh dỗ, đói thì lục lọi trong bếp như bầy heo con. Ấy vậy mà nhờ trời thương, đứa nào cũng khỏe mạnh, chẳng mấy khi bệnh tật.

 

Cách nay gần ba năm chị Dung được người ta mai mối để đến giúp việc cho bà Tú, một người giàu có nhất trong vùng. Từ đó đời sống gia đình chị tạm ổn; chị không phải chạy hết tiệm này đến quán kia. Trong khi đó, con cái cũng lớn dần nên chị yên tâm hơn.

 

“Này chị Dung, sao hôm nay chị đến trễ quá vậy?” Vừa hỏi bà Tú vừa nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường. “Gần nửa giờ!”

 

“Vâng, cháu biết. Hôm nay tụi nó bị sốt cả nên cháu không có người chở.”

 

“Ấy… tôi đã nói mà! Đẻ đái cho lắm vào thì không đứa này đau cũng đứa kia ốm." Nói xong bà Tú ngừng giây lát để uống hớp nước rồi tiếp, "Không hiểu được!... Tôi không bao giờ hiểu được!... Cha xích lô mẹ ở đợ mà nuôi những bốn đứa thì lấy gì để ăn? Mà không đủ ăn thì sinh ra bệnh tật, nheo nhóc... Tại sao mấy người như chị, nghèo đói hết đời này qua đời khác mà không tìm cách thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó? Tôi hồi xưa nghèo chứ có khá gì cho cam, ấy vậy mà nhờ trau dồi kiến thức mới được như ngày hôm nay… À mà này, tôi hỏi thật chị... chứ ngoài chuyện sinh nở đẻ đái, cuộc đời mấy chị chẳng còn gì đáng để làm à?”

 

“Vâng!” Chị Dung ‘Vâng’ như cái máy rồi lẳng lặng đi vào làm bổn phận của mình, mặc cho bà Tú cụt hứng, tiếc nuối bởi còn muốn nói nhiều hơn nữa.

 

Đã mấy năm nay, khi bà Tú la mắng hoặc đề nghị một điều gì, chị chỉ ‘Vâng’ mà không nói gì thêm. Có lẽ nhờ vậy mà bà Tú giữ chị mãi để làm việc trong biệt thự của bà.

 

Việc đầu tiên mỗi sáng là chị vơ đống quần áo cho vào máy giặt. Trong khi máy đang chạy, chị lấy cái máy hút bụi để hút thảm. Vừa xong cái thảm chị lại lau bàn ghế, rửa ly tách, nhặt rau, xắt thịt, làm cá, vân vân. Xong xuôi mọi thứ cho bà chủ, chị xoay qua hầu hạ cậu Ấm và cô Chiêu, con cưng của bà Tú.

 

Cậu Ấm và cô Chiêu là hai con chó bẹc giê thuộc giống rất hiếm, được chở về từ bên Tây. Chị Dung đặt tên như vậy bởi thấy bà Tú quá nuông chiều cô cậu. Cả hai đều lông xù, óng vàng và mượt như tơ. Theo đúng sách vở chị nấu nướng cẩn thận mấy món ăn cho cô cậu. Mặn quá thì cô cậu tăng áp huyết, ngọt quá thì đái đường, lạt quá thì biếng ăn, đâm ra xuống ký. Thật vậy, mỗi tuần chị phải cân đo cô cậu để trình lên cho bà Tú cũng như ông bác sĩ khi ông đến khám định kỳ mỗi tháng.

 

"Con Gái nhà chị lên mấy rồi hả chị Dung?" Ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ có điểm xà cừ, bà Tú hỏi trong khi chị Dung đang đứng ủi đống áo quần.

 

“Vâng, con Gái nhà cháu đã lên mười hai. Nó giỏi lắm bà ạ, nấu cơm được rồi đó!"

 

“Thằng Phong lâu nay vẫn đạp xe đạp chở chị đi đi về về chứ gì?”

 

“Vâng!”

 

“Chị vậy mà có phước, con gái lo cơm nước, con trai lo chở đi làm… chẳng phải tốn đồng nào để thuê người.”

 

“Vâng!” Lần này chị Dung ‘Vâng’ nhỏ hơn, hầu như bà Tú không nghe được.

 

Năm mười phút trôi qua trong yên lặng, chợt bà Tú xuống giọng, “Tôi tính thế này, nếu chị thấy không tiện thì thôi. Bây giờ thằng Phong đã lớn lắm rồi, mà nhà chị thì như cái lỗ mũi. Hay là mỗi tối chị nói nó đến đây ngủ, rồi sáng hôm sau về đón chị cũng được.”

 

“Vâng!”

 

Một lúc sau, sợ bà hiểu lầm là mình đồng ý, chị nói lớn, “Bà để cho cháu về hỏi ý nó chứ thằng này thương em lắm, chẳng chịu đi đâu lâu bao giờ.”

 

“Thôi thì thằng nào cũng được.” Bà Tú đề nghị ngay, bởi biết thằng Tí, em kế thằng Phong, cũng tạm lớn rồi.

 

“Vâng!”

 

Một hồi sau, đang đứng lặt rau, chị Dung thấy mặt bà Tú buồn thiu, ngồi bất động, nhìn bâng quơ ra ngoài trời. Thấy tội nghiệp vì nhớ đến mẹ mình thuở trước, chị gợi chuyện, “Cháu chắt bà nhiều lắm phải không bà?”

 

Mừng rỡ vì có người hỏi chuyện, bà Tú trả lời ngay, “Có chứ, nội ngoại có cả. Nhưng cháu chắt đâu bằng con mình đẻ ra được.”

 

Ngừng giây lát, bà nói như thể tâm sự với chính mình, “Cái đồ cháu chắt đoảng vị! Thương chúng nó cách mấy, lớn lên nó cũng chạy về với cha mẹ chúng nó, chứ có bao giờ đếm xỉa tới mình!”

 

Thấy bà có phần xúc động, chị Dung ngừng tay, ngước mắt nhìn với ý muốn hỏi, “Sao lúc trước ông bà không sinh một đứa cho vui?”

 

Chưa kịp hỏi chị đã nghe bà nói bâng quơ, chẳng khác gì đọc được những ý tưởng trong đầu chị, “Bao nhiêu chuyện phải học, bao nhiêu kiến thức phải trau dồi, bao nhiêu nơi để đi du lịch cho biết… cớ gì lại chôn rặt cuộc đời trong góc nhà, xó bếp, để cả đời chỉ đẻ đẻ, đái đái?” Vừa nói bà vừa nhìn lên mấy khung hình lớn, sơn son thếp vàng, chưng bày mấy tấm văn bằng đại học của bà.

 

“Vâng!” Chị Dung lại ‘Vâng’ như người ta nói ‘Amen’ mỗi lần tụng kinh trong nhà thờ.

 

Vừa lặt xong rổ rau, chị đứng lên để lôi con cá trong tủ lạnh ra làm vảy. Tay chân chị lu bu, không ngưng nghỉ, nhưng khuôn mặt chị bình thản, tươi cười, quả đúng là một nét mặt, một tâm hồn sung sướng, hạnh phúc.

 

Nhưng không sung sướng, không hạnh phúc sao được, khi mà mỗi chiều đi làm về, chị ghé chợ mua cho thằng Bò, con Gái, lúc thì gói kẹo cau, khi thì cái bánh lọt. Vừa lúc thằng Phong chở mẹ nó vào tới đầu hẻm, mấy đứa em đã chờ sẵn rồi chạy ùa ra ôm lấy mẹ. Đứa hôn vào má, đứa ôm lấy tay chân, chẳng cho mẹ chúng nhúc nhích.

 

“Mẹ biết gì không? Anh Tí được phần thưởng học sinh tiên tiến hay tiên phong gì đó mẹ à!”

 

“Vậy à, con của mẹ ‘chiến đấu’ giỏi quá!” Chị vừa trả lời vừa mỉm cười, bởi chị nghĩ, thằng Tí đâu đã đến tuổi để tòng quân rồi qua Căm Bốt.

 

o0o

 

"Chị Dung, tôi có chuyện riêng muốn kể cho chị, chị kín miệng giùm tôi." Ngừng một lúc để dò xét, bà Tú nói tiếp, "Bởi thuở trước tôi không chịu có con nên ông nhà tôi lén lút liên hệ với một người khác."

 

"Làm sao bà biết chuyện này?"

 

"Thì hôm đưa đám ông nhà tôi, cô ta có bồng một đứa nhỏ từ dưới Cần Thơ lên, xin đội khăn tang. Tôi lúc đó lu bu quá nên không quyết định gì được."

 

Chị Dung ngừng tay, trố mắt ngạc nhiên, "Chuyện này đã xảy ra lâu lắm rồi, bà bận tâm làm chi?"

 

"Mới đầu tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng càng già mình mới thấy con cái là cần thiết, là lý do để cho mình sống, đúng với câu ‘có con là có phúc.’ Chị có con nên chị không hiểu, chứ già mà không con chẳng khác gì bụi tre mà không có cọng măng."

 

“Vâng!”

 

Bởi cái biệt thự quá lớn lại kín cổng cao tường nên vắng lặng, chẳng nghe được gì ngoài tiếng chim hót trên mấy cành cây trong vườn. Mới đầu thấy yên tĩnh chị Dung cũng thích lắm, nhưng về sau cái sự yên tĩnh đó khiến chị buồn rồi đâm ra sợ hãi, chẳng trách gì bà Tú sống như sống trong tu viện, xa lánh cõi đời. Có vài lần bà nói với chị là bà mong chết sớm vì cuộc sống quá hiu quạnh, buồn chán... nhưng sau vài ngày lại quên đi. Tâm hồn và cách suy nghĩ của bà quá cao siêu, phức tạp nên với một đầu óc đơn giản như của chị Dung thì chị không thể nào hiểu được.

 

"Khi còn trẻ tôi háo thắng, chỉ muốn tung hoành ngang dọc cho thỏa thích. Nhưng khi đã đạt được những gì mình muốn thì lại trễ mất, đẻ đái không được nữa. Càng về sau này tôi càng nghiệm thấy, cái ước muốn sâu xa nhất của người đàn bà vẫn là có đứa con từ trong bụng mình sinh ra."

 

Mặt bà Tú đăm chiêu, tư lự, như thể bà đang hồi tưởng về một quãng đời son trẻ, đầy nhiệt huyết và tham vọng. Nhưng bây giờ bà rơi vào một trạng thái xung khắc nội tâm, nửa muốn tự bào chữa cho quyết định của mình thuở trước, nửa tự trách mình sao quá điên rồ để phải ra nông nỗi như ngày hôm nay. Sự thiếu vắng một đứa trẻ trong nhà như cái dây thòng lọng, càng lúc càng siết dần khiến bà ngộp thở, kêu cứu.

 

"Đời người chỉ sống một lần... Chính vì vậy, còn nước còn tát, tôi gởi tiền về để phụ nuôi con bé đó, dầu gì nó cũng là máu mủ của ông nhà tôi. Nhưng khi nói nó lên ở với tôi cho mẹ nó rảnh tay kiếm cái ăn, nó lại không chịu."

 

“Vâng!”

 

"Bây giờ già rồi... bằng cấp, kiến thức, tiền bạc... nào có nghĩa lý gì đâu!"

 

“Vâng!”

 

o0o

 

Có tiếng chuông reo bấm từ ngoài cổng, chị Dung giật mình mới hay là đã 5 giờ. Chị vội rửa tay, vơ lấy áo, nhét vội vào cái giỏ nhựa. Khi bước ra định chào bà Tú để đi về với chồng con, chị cảm thấy một nỗi xao xuyến như thể vừa mới đi thăm thân nhân trong chỗ lao tù.

 

"Chị về à?... Sao may mắn vậy!"

 

“Vâng!”

 

Từ ngoài sân nhìn vào, chị Dung thấy bà Tú ngồi gục đầu trong lòng bàn tay, dường như đang khóc.

 

Phan Ngọc Danh
Số lần đọc: 1832
Ngày đăng: 06.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ĐỐI THOẠI - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Của Hắn - Nguyễn Hữu Duyên
Vì sao bạn thành ra như vậy? - Lê Vĩnh Tài
Bóng Sắc Tuổi Thơ - Trần Yên Hòa
Bây giờ chúng ta đi đâu? - Hoàng Mai
Cái Nạng - Nguyễn Trung Dũng
Con Chuột Cống - Chu Trầm Nguyên Minh
Có ghế không bàn - Thái Quang Hy
Sau Cơn Mưa Rào - Đỗ Văn An
Ngày này, năm… - Nguyễn Đạt
Cùng một tác giả
Cầm Đồ (truyện ngắn)
Vợ Hiền (truyện ngắn)
Mộng Và Thực (truyện ngắn)
Hy Sinh (truyện ngắn)
Bức Thư Tình (truyện ngắn)
Bên Hàng Dậu (truyện ngắn)
Vâng! (truyện ngắn)