Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.691
 
Cá thể và tha nhân
Trịnh Ngọc Thìn

 

Vũ trụ chúng ta tính đến nay đã gần 14 tỉ năm tuổi,và kể từ  sau vụ nổ Big Bang,do hiệu ứng Doppler những thiên hà trong đó bao gồm cả dải Ngân hà của chúng ta,đang trôi ra xa nhau với tốc độ chóng mặt.Những thiên hà trôi dạt cùng với đó hàng  tỉ tỉ những hành tinh,hằng tinh cũng cùng chịu chung số phận.Trái đất mà người ta nghĩ rằng vĩnh viễn nằm trong vòng cương tỏa của hệ mặt trời  thực ra đang dự vào cuộc hành trình vĩ đại và cô đơn của mình.Trái đất và nhỏ hơn là con người có thể ví như những  hạt bụi đi hoang trong vũ trụ!

 

                                                         Địa ngục trong mắt tha nhân

                                                                        Jean Paul Satre 

 

 

1.TaTha –Hòa hợp hay Đối địch

Tổ tiên của của chúng ta là loài vượn phương Nam xuất hiện khoảng 3-4 triệu năm về trước,địa điểm được phát hiện là Đông phi,rồi qua những khoảng thời gian tiến hoa chậm chạp ( khoảng 3-4 vạn năm) ,vượn người trở thành người Homo Sapien ( người tinh khôn),sau  đó là sự xuất hiện của chế độ công xã thị tộc dựa trên quan hệ huyết thống.Thời kỳ này đánh dấu cột mốc cực kì quan trọng trong tiến trình lịch sử phát triển của loài người.Từ cuộc sống bầy đàn nguyên thủy, con người dần dần cố kết thành những tổ chức công xã thị tộc mà trong đó người phụ nữ đóng vai trò quyết định,là người đứng đầu các công xã và chính nông nghiệp trong thời kì này là yếu tố xác lập vai trò của người phụ nữ.Họ đảm nhiệm công việc trồng trọt,hái lượm ngược lại nam giới phụ trách việc săn bắn,chăn nuôi và bảo vệ lãnh thổ.Tôn giáo dưới hình thức thờ vật tổ, thờ totem xuất hiện.Dấu ấn của tôn giáo nguyên thủy chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong văn hóa của những thổ  dân Phi châu hoặc Châu Mỹ,thật thú vị khi biết rằng từ Totem có nguồn gốc trong tiếng của người da đỏ châu Mỹ.

 

Con người khi tồn tại trong cuộc sống bầy đàn nguyên thủy phải biết thích nghi với số đông,nghĩa là họ sẽ cùng chung sống,cùng đi săn,cùng hưởng chung những thành quả lao động.Sự tách biệt của những cá thể,do ốm yếu hoặc bị đào thải ,đồng nghĩa với cái chết.Tất nhiên những yếu tố như bóc lột,nô dịch vẫn chưa xuất hiện do mọi người còn đang cùng sở hữu chung của cải (chế độ công hữu) Tiến lên chế độ công xã thị tộc,sự cố kết giữa các thành viên với nhau sẽ sâu đậm,bền vững hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa  với sự bảo đảm hoàn toàn cho những cá thể đơn lẻ.Sự phân công lao động dẫn đến việc hình thành những nhóm người có công việc chuyên biệt khác nhau,những nhóm này lại có những thành viên của riêng mình và để duy trì ổn định, những thành viên của nhóm bắt buộc phải tuân thủ kỉ luật và phục tùng người đứng đầu.Sự nổi loạn sẽ phải chịu sư trừng phạt dưới danh nghĩa vì lợi ích của tập thể.Nói như vậy để biết rằng không cần đợi đến khi sự xuất hiện của nhà nước ( thường được xem là hình thái cao nhất của sự cố kết xã hội),con người và xã hội đã có những mâu thuẫn khó hàn gắn.Của cải làm ra ngày một  tăng lên do đó nhiều người đã tích lũy được vô số tài sản và họ không muốn san sẻ với những người khác.Sự bình đẳng bị phá vỡ , nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời.Nhà nước là một tổ chức xã hội có quyền lực do giai cấp thống trị lập ra.Về bản chất nhà nước chính là biểu hiện cao nhất cho sự bất bình đẳng,và theo Rousseau con người cần phải từ bỏ những  quyền tự nhiên của mình để đổi lấy sự bảo hộ và che chở của xã hội,nói cách khác con người phải kí vào một bản khế ước chung có tính ràng buộc. Rousseau cho rằng để thoát khỏi tình trạng mông muội và vô chính phủ,con người phải xây dựng một thỏa ước và ông  gọi nó là khế ước xã hội,trong đó lợi ích cao nhất thuộc về tập thể và vì thế con người phải học cách chấp nhận hi sinh những quyền lợi của bản thân cho tập thể  “Mỗi chúng ta đặt con người và sức mạnh của mình dưới sự điều khiển tối cao của nguyện vọng tập thể; và trong khả năng tập thể đó, chúng ta đón nhận mỗi thành viên như là một thành viên bất khả phân của tập thể”.Theo đó ,khi con người đồng ý phục tùng ý chí của tập thể thì  đồng nghĩa với việc anh ta đang chuẩn bị cho quá trình đồng hóa bản thân ở một mức độ tương đối nào đó với người khác.Bản khế ước được điều hành bởi những cộng đồng đầy quyền lực do nhân dân bầu ra, Rousseau gọi là Cộng Đồng Dân Chúng , Cộng Hòa ,Cơ Cấu Chính Trị ,hoặc Nhà nước.Có nhà nước thì phải có pháp luật để giữ ổn định cho xã hội,thực chất là để cai trị tầng lớp dưới.Trong tay những nhà nước chuyên chế phong kiến,pháp luật trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ công cuộc đàn áp,trả thù những cá nhân và tổ chức phản kháng.Những bộ phim Trung Quốc chiếu trên truyền hình mà mọi người thường xem như Bao Thanh Thiên,Thi Công kì án..dù phảng phất sự chiến thắng của công lý thì cũng chỉ là những biện minh sống sượng cho nền luật pháp mục rữa,bất công của giai cấp phong kiến.Con người sống trong chế độ phong kiến cả Đông và Tây đều bị tước đoạt sự tự do cơ bản của mình,hẳn đó là điều mà ai trong chúng ta cũng biết rõ.Các nhà nước phong kiến Trung Quốc và Việt Nam chia đất nước thành những quận(phủ),huyện, sau đó cử quan lại đến quản lí và cai trị.Con người dần dà bị thu mình lại trong những lũy tre làng kiên cố,và đằng sau những lũy tre đó “đám quan làng” tha hồ tác quai tác quái.Pháp luật và sự o ép của chính quyền là một chuyện bên cạnh đó  thì sự giam hãm khoàng hai ngàn năm tư tưởng con người trong “vại tương Nho giáo” mới là đáng sợ.Nho giáo vào Việt Nam từ đời nhà Hán,đến triều đại nhà Lê (thế kỷ 15 ) mới chính thức trở thành tư tưởng chính thống của nhà nước phong kiến Việt Nam,tuy nhiên di hại của phong kiến đối với văn hóa Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa thể xóa bỏ hết được.Theo giáo sư Samuel Huntington “Truyền thống của Khổng giáo, vì nó đặt nặng uy quyền, trật tự, lề lớp, và quyền lợi của số đông trên số ít, thường tạo nhiều cản trở cho tiến trình dân chủ hóa.”.Nhân dân phải chầu phục về thiên tử.Nếu may mắn thì gặp được một ông vua nhân từ  ,họa rủi gặp phải những bạo quân-dâm quân  như Chu U Vương,Trụ Vương, Lê Ngọa Triều..cai trị thì không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được sự thống khổ của dân chúng dưới nắm đấm của bạo chính.Con người bị teo lại ,co rút vào trong cái vỏ ốc của sự khiếp nhược. Họ tự hài lòng hưởng trọn khoảng không gian làng xã bao bọc,dung dưỡng họ nhưng cũng chính những thứ thân thuộc an toàn của văn hóa làng xã đã kéo ngắn tầm nhận thức của họ.Tự do là  điều  xa xỉ,đối với họ chỉ có hai chữ: “thuần phục”.Còn bên trời Tây thì sao? .Trong suốt một ngàn năm trung cổ,châu Âu chìm đắm trong “vũng lầy” của thần quyền giáo hội. Và phải đợi đến thời kì  Phục hưng sau đó là  Khai sáng thì  châu Âu mới thực sự bừng tỉnh.Con người châu Âu trong thời kì trung cổ vừa phải  quì mọp dưới chân của những vị vua trần thế  đồng thời lại phải hướng mặt lên trời để  kính sợ và lạy tạ Đấng Thượng Đế toàn năng đang nhìn dõi theo đám con  nhỏ bé,đáng thương và hư hỏng của mình.

 

Mối quan tâm của con người lúc này  không hướng đến  cuộc đời-thân phận riêng mà là về viễn cảnh của thiên đàng hoặc sự trừng phạt nơi hỏa ngục.Văn hóa châu Âu nói chung chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của văn hóa Hy-La về sau  khi  Constantine I chính thức công nhận Kito giáo  là quốc đạo  của đế quốc La Mã thì ngay lập tức Kito giáo  bắt đầu ăn sâu bén rễ vào tư tưởng người Âu.Nếu Khổng giáo đề cao hai chữ “thiên mệnh – ý trời” thì Kito giáo hướng giáo đồ  đến việc phục tùng “ God’s will-ý Chúa”.Con người vì thế chỉ có thể đứng ngang hàng nhau dưới ánh sáng ban ơn của Thượng Đế  nhưng thực tế họ vẫn chưa tiệm cận được giá trị của tự do ( tự do ý chí/tự do tinh thần).Phải đến John Locke,Kant,Heghel,John Stuart Mill..thì khái niệm tự do mới được làm rõ.Cuối thế kỷ 19,Nietsche tuyên bố  “ Thượng Đế đã chết”,chính thức chấm dứt những huyễn hoặc, mơ mộng mà con người cầu viện,gửi gắm ở tôn giáo.Bằng cây búa của thần Dionysus ,Nietsche tuyên chiến và đập vỡ tan tành những ảo tượng đang luẩn quẩn như những bóng ma không buông tha loài người.Con người tuy nhiên thường lại là tù nhân của chính mình.Anh ta vì thế còn cảm thấy hạnh phúc khi tư tưởng của mình  bị giam hãm xiềng xích trong ngục tù của  sự vô minh và mù quáng.Bị giam cầm trong những thành kiến,những áp đặt từ phía người khác con người không còn khả năng nhận ra ánh sáng của chân lý ngược lại anh ta chỉ nhìn thấy những cái bóng chập chờn trên vách hang mà anh ta đinh ninh rằng đó chắc lẽ là  thực tại.Tôi đang nói về “Dụ ngôn cái hang” nổi tiếng của Plato.Và nếu một tù nhân nào đó may mắn ra được  khỏi hang thì khi bước về phía ánh sáng đôi mắt của anh ta sẽ bị bỏng rát vì đôi mắt đó từ xưa đến nay chỉ quen với bóng tối nhưng khi đã sống  một thời gian trong ánh sáng tươi mới,chan hòa thì có các vàng anh ta cũng không bao giờ còn muốn quay trở  về nơi tranh tối tranh sáng ấy nữa.Con ếch khi nhận ra được “ Bản lai diện mục” thì thôi không còn muốn làm ếch nữa.

 

Những tưởng khi bước sang thế kỷ XX,con người sẽ được hưởng trái chín từ những tư tưởng phục hưng,khai sáng,cách mạng thì trớ trêu thay đó lại là một thế kỷ buồn.Màu sắc chủ đạo mà chúng ta thấy được là màu đỏ chết chóc của máu người,màu xám tro của những trại tập trung của nhà tù,và màu đen ảm đạm của những nấm mồ tập thể vô danh.Con người nhảy múa trong những vũ điệu cuồng loạn của bầy cừu đang dần biến hình thành sói.Hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng ngàn hàng vạn những cuộc chiến tranh sắc tộc,tôn giáo  đã làm biến dạng méo mó nhân tính của con người.Tội ác mang khuôn mặt của tập thể đồng thời người ta còn  nhân danh lợi ích số đông ( “ lợi ích nhóm” là thuật ngữ bây giờ chúng ta thường hay sử dụng)  để thọc dao vào tim kẻ khác không một lời giải thích,không một lời phát xét. Đứng trong thế giới của đám đông cái tôi con người rất khó có thể đứng mãi ở thế trung lập.Nó từ từ bị nghiêng ngả và đến một lúc nào đó  nó sẽ trở thành một tế bào bất khả phân trong cái cơ thể đa tạp,cô đặc đó.Chúng ta  rất dễ giống như những vật thể có nguy cơ bị rơi tõm vào lỗ đen thăm thẳm của tha nhân. Hannah Arendt (1906- 1975), nữ triết gia người Đức gốc Do Thái  đã  dành 30 năm trời để nghiên cứu cái ác và bà cho rằng bản chất của cái ác không phức tạp như mọi người vẫn nghĩ.Trong tác phẩm nổi tiếng và gây tranh cãi Eichmann ở Jerusalem  bà lấy trường hợp của tên đồ tể phát xít  Adolf Eichmann như một ví dụ minh họa cho  luận điểm về sự tầm thường của cái ác (the normality of crime).Theo bà,những tội ác của Adolf Eichmann không phải xuất phát từ bản tính phi nhân,độc ác  của y  mà tất cả là do sự thiếu suy nghĩ (thoughtlessness). Adolf Eichmann biện minh rằng y chỉ  là một công chức làm theo lệnh cấp trên đồng thời mục đích chính mà y đặt ra cho bản thân chỉ  là sự thăng tiến cùng những tham vọng quyền lực trong chính quyền của Hitler.Tuy nhiên không thể phủ nhận một điều đó là ngoài Adolf Eichmann ra còn có hàng triệu những Adolf Eichmann khác cùng đang dự vào một vở bi kịch ngập ngụa máu và thịt người.Trong tội ác tập thể con người không  còn cảm thấy phải trực diện với trách nhiệm của  cá nhân trước sự phán xét của đồng loại.Bên cạnh đó những gánh nặng lương tâm cũng được gạt bỏ vì anh ta tin rằng những gì mình đang làm là phục vụ người khác

 

( thực chất là vì lợi ích nhóm mà anh ta đang đứng cùng).Con người chìm khuất lặng lẽ trong đám đông.Trong chế độ chuyên chế con người bị nô dịch bởi tư tưởng của tha nhân.Con người quên bản thân mình để tham dự   vào một vũ hội carnival giả trang khổng lồ trong đó anh ta nhảy múa với  chiếc mặt nạ giả hình nhưng cuối cùng thì chính anh ta cũng ngộ nhận rằng chiếc mặt nạ mình đang đeo lại nghiễm nhiên trở thành khuôn mặt thật của anh ta.Cá nhân không có thế giới riêng ngược lại thế giới tư tưởng của anh ta đã bị định hướng,uốn nắn theo chiều hướng tự tiêu vong và bước tiếp theo là nhập chung vào dòng thác suy nghĩ của kẻ khác.Chế độ phát xít không chỉ là sự tàn phá,hủy hoại nguy hiểm hơn nó còn là chiếc phanh hãm kéo con người xuống mức “ dưới –con người”.Tôi,một  tín đồ theo thuyết bi quan của Schopenhauer, xin mượn lời của triết gia Rousseau để tạm kết cho phần một này "Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”

 

2.Ta và Tha-Hướng đến một sự thỏa hiệp?

 

Jean-Paul Sartre,triết gia hiện sinh tiêu biểu của thế kỷ XX,định nghĩa tự do như là một sự lựa chọn mang tính cá nhân (không chịu sự cưỡng bách của tập thể)  và sau đó là việc  phải chịu trách  nhiệm đối với sự lựa chọn của mình.Tự do,nói cách khác,chính là sự  dấn thân.Điều mà triết học hiện sinh quan tâm là thế giới cá biệt trong mỗi con người trong đó những phạm trù như tình trạng lo âu,tính phi lý, vô nghĩa của cuộc sống,cái chết được qui định như những  giới hạn không thể vượt qua nhưng đồng thời con người nhờ thế mới có thể  chứng thực được  trải nghiệm  tồn tại của bản thân.Con người dưới cái nhìn của Satre thì đã có tự do sẵn rồi.Anh ta không cần người nào ban phát,bố thí tự do nữa  mà yếu tố quyết định đó là việc anh ta có sẵn sàng chiến đấu để giành lại tự do,thứ vốn đã thuộc về anh ta hay không mà thôi.Tuy nhiên những điều Satre viết ra nghe thì có vẻ đơn giản nhưng  lại khó có thể trở thành sự thật  nhất là trong một thế kỷ mà ngay đến quyền được sống ,ăn và hít khí trời cũng là chuyện không tưởng. Hơn thế nữa cộng với những cuộc chiến tranh lớn nhỏ, và sự đàn áp của các chế độ chuyên chế thì sự phát triển phi mã của khoa học công nghệ ( thời đại kỹ trị) đã mở ra những nguy cơ làm biến mất con người

 

 ( cả  về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).Chúng ta không thể phủ nhận những điều thần kỳ mà khoa học công nghệ mang lại cho đời sống con người.Cuộc sống càng ngày càng trở nên tiện nghi,thoải mái .Con người được giải phóng khỏi những công việc nặng nề,cực nhọc thay vào đó họ có thời gian nghỉ ngơi để  tận hưởng những lạc thú của cuộc đời bởi vậy nhiều người tin tưởng nồng nhiệt rằng con người chưa bao giờ có được  tự do như lúc này.Thật oái oăm, sự giàu có về vật chất không đồng nghĩa với việc gia tăng thêm tự do cá nhân mà trái lại con người đang tự buộc mình chặt hơn vào tình trạng nô lệ của những ảo tưởng,cụ thể đó là chủ nghĩa Mormon lên ngôi,cùng với những kỳ vọng quá mức vào khoa học hoặc sự anh minh của những chính phủ đương quyền.

Không ít người đã chọn hố thẳm của câm lặng!

 

Trong trường hợp này,nổi loạn (dưới nhiều hình thức) được xem xét như một cứu cánh cho tình trạng đối đầu dai dẳng giữa cá thể và tha nhân.Loại trừ những bệnh nhân mắc chứng ASPD (Rối loạn nhân cách chống xã hội -Antisocial personality disorder) thì liệu những hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội như giết người,thảm sát  không cần lí do có phải là những triệu chứng cho sự nổi loạn một cách  tự phát điên cuồng ,thật đáng tiếc khi mà những tên cuồng sát này có lẽ là chẳng bao giờ đọc hoặc nghe tới  tiểu luận Huyền thoại Sisiphus của Albert Camus để hiểu rằng chỉ cần chúng nhẫn nhịn chung sống với tha nhân đã là hình thức nổi loạn siêu hình và có tính triết học nhất rồi.

 

Không thể triệt tiêu hoàn toàn những ngẫu hứng thú vật mang tính bản năng trong con người.Luật pháp và đạo lý phần nào giúp mang lại  trật tự nhưng cũng chính thứ trật tự Phi tự nhiên này đang gặm mòn cái thế giới nguyên sơ mà trong đó người ta cho phép  cá nhân được sử dụng sức mạnh của bạo lực, miễn là nó không ảnh hưởng quá lớn đến lợi ích của bầy đàn ,bộ tộc, và để phòng vệ trước sự gây hấn của kẻ thù.Trong xã hội văn minh,con người ít còn phải chú ý đến  những vấn đề mà trước đây họ phải hết sức bận tâm như lương thực,an ninh,nơi cư trú,đơn giản vì đã có những người hoặc nhóm  người thay họ làm tất tật cả rồi.Tuy nhiên vấn đề  không dễ dàng  ngã ngũ như vậy.Tình trạng nhàn nhã thảnh thơi ấy khiến con người cảm thấy thiếu đi thứ gì đó mà họ đã đánh mất – sự kích thích,thiếu nó,những hoạt động của con người trừ những hành vi bản năng trở nên vô nghĩa,mọi chuyện thậm chí còn tồi tệ hơn nếu như người ta giam họ vào những cái lồng ngột ngạt nhằm mục đích mua vui hay thí nghiệm.

Những xung lượng tích tụ chồng chất trong một thế giới tẻ nhạt cần được giải phóng,một Big bang bùng phát dữ dội nổ tan tành những sáo rỗng của tha nhân.

Nổi loạn nếu đi tới cực đoan sẽ là tai họa,đồng thời cá nhân nên nhớ rằng chống lại tập thể của tha nhân đồng nghĩa với sự tự đào thải  và do đó  con người đành chấp nhận  sự thỏa hiệp tạm thời giữa cá thể và tha nhân.Nếu được thì hãy đưa cuộc chiến ấy vào trong tư tưởng!

 

 

Bình Phước 30-11-2012

Trịnh Ngọc Thìn
Số lần đọc: 2346
Ngày đăng: 18.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ECCE HOMO / LẬT ĐỔ MỌI GIÁ TRỊ - Võ Công Liêm
Đôi điều nhớ lại về công việc biên tập sách tiểu luận phê bình ở nhà xuất bản hội nhà văn - Lại Nguyên Ân
Thập đại Bịnh - Nguyễn Văn Thuận
Mrs. Dalloway - Nguyễn Thành Nhân
Nhà Văn Nam Cao Và Giọt Nước Mắt - Chế Diễm Trâm
Đông Kinh Nghĩa Thục – Một Mẫu Mực Về Đổi Mới Giáo Dục Một Cách Căn Bản Và Toàn Diện - Vũ Thế Khôi
Đức tin trong nguồn thơ Hàn Mạc Tử - Đặng Tiến
Tiếp Nhận Truyện Kiều Dưới Góc Nhìn “Thi Trung Hữu Họa” 2 - Trần Đình Khiêm
Khoa học văn chương - Đặng Phùng Quân
Tiếp Nhận Truyện Kiều Dưới Góc Nhìn “Thi Trung Hữu Họa” 1 - Trần Đình Khiêm
Cùng một tác giả
Sisiphus tự vẫn (tiểu luận)
Luận về phụ nữ (tiểu luận)