Một lần, trong quán cà phê có khung cảnh hoang sơ, tôi gọi là đền-đài-phế-tích ở B’Lao, họa sĩ Trịnh Cung nói với nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh: “Bây giờ anh chàng Đạt đã dời chuyển cả thành phố Đà Lạt về đây.” Lúc họa sĩ họ Trịnh (ấy tuy nhiên khai sinh họ Nguyễn) nói vậy, có cô chủ quán ngồi gần; nên tôi cho rằng, họa sĩ muốn vẽ thêm hoa lá, vào khu vườn tình cảm của tôi với nơi chốn hoang sơ. Tôi ưa thích B’Lao, đúng vậy; nhưng làm sao tôi muốn thay đổi, dù một chút gì, về Đà-Lạt-và-tôi. Muốn cũng không thể được. Đà Lạt, miền-cố-quận; những mối dây ràng buộc vô hình và hữu hình, những vui và buồn suốt tuổi thơ tôi. Và nỗi ám ảnh ở nơi chốn này, nặng như sợi dây treo cổ. Le domicile est suspendu au cou de l’homme comme une punition - Professeur Alain. Một ám ảnh (có thể xem là đẹp, và) thậm buồn. Hạnh Phương. Hạnh Phương vĩnh viễn thuộc về Đà Lạt. Mộ em ở Du Sinh, gần Cam Ly, thác nước rong rêu ngày một cạn cùng.
*
Những ngày đen tối nhất tại miền Bắc, năm Ất Dậu - 1945; người chết đói ngổn ngang khắp nơi, những cánh đồng lúa mất tích. Gia đình tôi ở quê ngoại, làng Hoàng Chuế - tỉnh Vĩnh Yên -nay là xã Hoàng Lâu - tỉnh Vĩnh Phúc-. Cha tôi đi tìm vàng ở biên giới Việt - Lào, cùng một ông kỹ sư người Pháp, nhiều tháng phiêu lưu mới tạt về gia đình mấy ngày; mẹ tôi một thân một mình xoay trở nuôi con. Anh tôi lúc này sống với người chú viết văn, ở một nơi người ta gọi là “mạn ngược” có tên là Bỉnh Ri (hình như thuộc tỉnh Thái Nguyên); còn lại tôi, đứa bé mới được mấy tháng tuổi. Những cánh đồng lúa ở quê ngoại tôi, tuy không biến thành những cánh đồng trồng đay như rất nhiều nơi khác tại miền Bắc, và mẹ tôi cũng đã dự trữ được một hai bồ thóc lúa; nhưng xác người đầy đường sá, cổng làng, bờ ruộng…
Một sáng sớm thức dậy, mẹ tôi ra cổng; lúc vào nhà, ôm một đứa bé sơ sinh. Đứa bé quấn trong miếng giẻ cũ rách, ai đặt nằm ở bụi tre trước cổng nhà tôi. Tiếng khóc oe oe, và mẹ tôi phát giác ra như vậy. Mẹ tôi nhất quyết nuôi đứa bé sơ sinh. Đứa bé từ lúc ấy là con-gái-của-mẹ, giữa bao lời ngăn cản của bà con họ hàng. Và như vậy, mẹ tôi bận hai đứa con mọn. Cũng chỉ sau đó vài tháng, mẹ tôi gửi hai đứa bé cho bà ngoại tôi giữ giùm một hai ngày, đi lên Bỉnh Ri đón anh tôi về. Ở với ông chú nhà văn giống như tu tập với một vị cao tăng, suốt ngày anh tôi lên rừng kiếm củi; người càng gầy guộc, lại thêm đen như củ tam thất trong rừng. Tôi nghe người ta nói vậy, chứ chưa từng thấy củ tam thất. Cứ thế, mẹ tôi một thân một mình xoay trở nuôi ba đứa con. Cô-gái-Việt-Nam trong thơ Hồ Dzếnh, đáng yêu đáng trọng bằng mẹ tôi là cùng.
Năm 1949, cô bé và tôi cùng lên bốn tuổi, chúng tôi có thêm một em trai. Trong một lần tản cư chạy giặc Tây trối chết, cô bé bị thất lạc. Anh tôi và tôi rất yêu thương em gái, nhưng cảm xúc của trẻ con ngắn ngủi, vừa khóc xong lại cười ngay được. Cha tôi, một người đàn ông, tình cảm được nén giữ khó biết. Mẹ tôi khóc sưng mắt, chúng tôi ngỡ bà đã bị mù. Lúc lớn khôn tôi mới biết những điều ấy. Và ai đấy, không phải mẹ tôi, cho chúng tôi biết cô bé là em nuôi của chúng tôi. Lúc đó chúng tôi mới biết tại sao hai triệu người ở miền Bắc chết đói năm Ất Dậu. Ông chú nhà văn am hiểu tình hình quốc tế quốc nội, giải thích cho các cháu: nạn đói làm chết hai triệu người năm Ất Dậu, do mệnh lệnh của vị tướng tổng chỉ huy quân đội Nhật, triệt hủy tất cả những cánh đồng lúa ở miền Bắc Việt Nam, lúc đó đã rơi vào tay quân Nhật; để trồng đay, làm nguyên liệu sản xuất bao bì chứa vũ khí, tải đi phục vụ đệ nhị thế chiến. Và cả kho thóc Đông Dương bị đốt cháy.
*
Ở Đà Lạt tôi có người bạn vong niên, hơn tôi trên chục tuổi. Nguyễn Hạnh Ngọc Anh, đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, biệt phái làm việc tại Nha Địa Dư Đà Lạt. Sáng sáng, tôi tới Nha Địa Dư Đà Lạt uống cà phê với người bạn vong niên uyên bác, vui tính. Và cũng để ngắm nhìn cô nhân viên xinh đẹp của đại-úy-Anh, Nguyễn Thị Hạnh Phương. Cô Hạnh Phương, vẻ đẹp của một ca kỹ Nhật Bản đầu thế kỷ XX, tôi có thể hình dung như vậy. Sau biến cố Tháng Tư Tàn Độc, đại-úy-Anh đi học-tập-cải-tạo; cô nhân viên Hạnh Phương được chính-quyền-Cách-Mạng-lưu-dung, tiếp tục làm việc ở Cục Bản Đồ, tên mới của Nha Địa Dư Đà Lạt. Tôi chỉ biết để biết như vậy, trong tháng ngày trôi qua, trôi qua nhiều năm.
Cha mẹ tôi đã mất. Trước khi Cô-gái-Việt-Nam sáng đẹp trọn một đời cực nhọc mất đi, còn nhắc nhớ: “Ở dưới vai em, cánh tay trái, có cái bớt màu son nhạt, lớn bằng đồng năm cắc.” Mẹ tôi tin rằng, hẳn nhiên một ngày nào đó, chúng tôi sẽ nhìn thấy cái bớt màu son nhạt dưới vai một cô gái, giữa hằng hà sa số cô gái Việt Nam trên mặt đất hình chữ S này.
Có phải Định Mệnh đã dẫn dắt… một ngày của tháng đầu năm 1999. Hình như ngày ấy thượng tuần tháng chạp, cuối năm âm lịch. Tôi tới thăm đại-úy-Anh, người-tù-cải-tạo trở về. Nơi chốn định mệnh: số 46/2 đường Hai Bà Trưng - Đà Lạt, nhà của gia đình đại-úy-Anh. Gặp cả cựu nữ nhân viên của đại-úy-Anh, cô Hạnh Phương, đến thăm ông. Hiền thê của đại-úy-Anh thủ thỉ chuyện trò với cô Hạnh Phương, lúc này đã trên năm mươi tuổi, vẫn độc-thân-vui-tính, và trẻ-mãi-không-già, và vẫn hương sắc của một ca kỹ Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Khi có mình chị hiền-thê-đại-úy-Anh, tôi tò mò hỏi thêm vài điều về Hạnh Phương. “Tôi còn biết dưới vai bên trái của Phương, có cái bớt màu son nhạt, lớn bằng đồng năm cắc thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh đừng nghĩ chúng tôi ‘homo’ đó nha!” Chị hiền-thê-đại-úy-Anh nói cười hồn nhiên. Tôi thì rùng mình, sởn gai ốc; và cảm giác ngay lập tức, mình vừa sờ nắm được một điều kỳ diệu trên đời.
Tất nhiên sau đó, tôi tìm đến nơi ở của Hạnh Phương.
*
Hạnh Phương rời ngôi nhà ở đường Hoàng Diệu - Đà Lạt, khi cha mẹ nuôi đều đã qua đời. Cô tới cư ngụ trong căn nhà nhỏ ở Trại Mát, cũng thuộc sở hữu của gia đình. Tôi không thể quên vẻ tràn đầy hạnh phúc trên gương mặt Hạnh Phương: cô ngỡ buổi trùng phùng của hai anh em ruột thịt. Làm sao tôi có thể kể với Hạnh phương, về câu chuyện năm đói Ất Dậu? “Vậy anh và em là anh em sinh đôi?” Tôi đành nói dối Hạnh Phương: tôi tuổi Thân, hơn Hạnh Phương sinh năm Dậu một tuổi, “Mẹ sinh năm một ấy mà!” Hai người cùng tuổi Dậu, thì phải là anh em song sinh; mà gương mặt chúng tôi chẳng giống nhau như song sinh gì cả.
Tôi không muốn Hạnh Phương suốt đời mang tâm trạng buồn của cô gái mồ côi Đi tìm hoài cha mẹ / Đâu biết là những ai… (Thơ Tô Thùy Yên). Làm sao tôi quên được hình ảnh Hạnh Phương, run run thắp những nén nhang trên hai ngôi mộ song thân của tôi, một buổi chiều Hóc Môn, Sài Gòn năm ấy. Và riêng tôi, tôi vui lắm mỗi khi trở về Đà Lạt, để đi trên toa tàu độc nhất Đà Lạt - Trại Mát, thăm cô-bé-năm-Ất-Dậu. Một ngày trong năm 2003, tôi nghe tin Hạnh Phương bị nhồi máu cơ tim, qua đời. Chập chờn trong trí tưởng tôi, Du Sinh, Cam Ly, thác nước rong rêu ngày một cạn cùng…
Tôi cũng đã một lần nhồi máu cơ tim. Sớm muộn gì tôi cũng sẽ gặp lại Hạnh Phương, ở một nơi tôi chưa từng biết.
Sài Gòn, tháng đầu năm 2013