Ba tôi nghèo không được ông ngoại chấp nhận. Cuộc tình của ba mẹ gặp nhiều trắc trở. Tình yêu của họ bị ngăn trở bởi sự giàu nghèo, sang hèn. Nhưng cuối cùng hai người vẫn đến được bến đợi và chung sống bên nhau hơn 60 năm ở cõi con người; để chia sẻ ngọt bùi, khỏa lấp những khoảng trống, bù đắp những mất mát trong cuộc đời dâu bể này.
Là thi sĩ, ba tôi rất nặng lòng với thế hệ trẻ, bởi vì ông đã sống, đã chứng kiến những giây phút của cuộc sống chuyển mình biến đổi mà thấm thía cái đau thương nhưng rất anh dũng, rất đổi tự hào dân tộc. Ông chứng kiến những giây phút giao thoa biến cố lịch sử và sự đổi thay trên đất nước mình. Những năm cuối đời ông muốn ghi lại cho hậu thế tất cả, nhưng ông bị bệnh run tay, không cầm được bút. Cái triết lý về tình quê cứ theo mãi kiếp người khiến tâm hồn thi sĩ của ông day dứt miên man !
Nhưng do trời sắp xếp để ba má tôi đến với nhau trong ân nghĩa, ân tình và vì vậy bà chấp nhận gánh vác trách nhiệm làm tiếp những gì mà ba còn dang dỡ. Khi nghe ba than “tay tôi giờ không cầm được bút, nó sẽ làm mòn chí khí, cuộc sống trở nên nhàm chán…”. Má vội an ủi “Tay ông không cầm được bút đã có tay tôi đây, ông cứ nghĩ ra thơ, tôi sẽ chép không sót một chữ, ông đừng lo gì cả!”
Tuy là nội trợ trong gia đình nhưng vì yêu chồng, yêu thơ, má tôi đã làm đúng bổn phận của người vợ có chồng là nhà thơ. Bà xoa dịu nỗi đau về tâm lý bởi nghĩa tình sâu nặng, thủy chung đối với chồng. Cứ thế, ngày ngày những ý của ông, qua tay bà mà gần 500 bài thơ tứ tuyệt cuối đời, sáng tác trên giường bệnh của cha tôi đã đến được với bạn đọc nhiều thế hệ qua.
Những bài thơ tứ tuyệt này để lại cho đời những áng văn trác việt. Theo nhà thơ Trúc Thông :
“Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại bố già” Một “bố già” hiền lành, không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm:
Nhưng trong bài viết này, tôi muốn gởi đến bạn đọc những bài thơ mà mẹ tôi chính là nàng thơ của ba.
Trước hết, tôi kể vài dòng về người mẹ của tôi cái đã.
Tôi không biết có phải vì chuyện tâm linh này mà mẹ tôi - bà Nguyễn thị Lan sống thọ được 94 năm.
Ba mẹ tập kết ra Bắc, làm việc mới được 4 năm, thì cơ quan buộc mẹ về mất sức, bởi một tuần bà nghỉ ốm mất ba ngày. Hồi đó, bà ốm nặng lắm, gia đình nghĩ rằng bà sẽ nằm lại nơi đất khách, quê người từ hàng chục năm rồi. Thế mà bà đã sống và làm trọn bổn phận vợ của một thi sĩ. Để khi ra đi đời bà có tới bảy con số Chín (bà sinh vào 19/9/1919, thọ 94 tuổi, mất vào giờ thân, ngày nhâm thân tức là con vật thứ chín trong 12 con giáp:
Vào ngày sinh mẹ tôi, bé gái thứ ba trong nhà; hai bên nội ngoại mừng lắm ; nhưng sau nỗi vui mừng ấy thì nỗi lo lớn hơn ập đến. Chả là thế này, hai người con gái trước, mới bước ra khỏi bụng mẹ chưa được một giờ thì vội vã quay lại với lòng đất! Sợ con bé này cũng giống hai chị, họ hàng bàn nhau đem bé đặt dưới gốc cây đa ở chùa Ông, để cha cô - ông Cường vờ đi qua nhặt đem về làm con nuôi. Đứa con “nhặt được” ấy, ngoài cái tên Nguyễn thị Lan để đi đến trường học, cô còn có tên cúng cơm là Được.
Năm mười bốn tuổi, cha mẹ cho cô vào học Trường Nữ công Thành Bình Định. Trong trường cô nghe mọi người xì xào về chàng thi sĩ, nương tựa nhà chùa dạy rất hay, cô tìm đến và xin theo học lớp thầy.
Tài thơ và cách ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên, dáng phong nhã, gương mặt ưa nhìn, ánh mắt trong sáng, thông thái của chàng làm xiu lòng nhiều thiếu nữ ở huyện. Nhiều cô gái ở huyện đêm nhớ, ngày mong… Họ đến lớp thầy phần lớn chỉ để bàn tán về người thi sĩ hay thơ, đẹp trai hơn là để thu lượm kiến thức....
Lớp của thầy, có hai thiếu nữ khá dễ thương; họ cùng tầm tuổi và vóc dáng. Cô tên Yến, cô tên Lan. Hai cô thương nhau như chị em ruột, đi đâu cũng có nhau. Cả hai đều thương thầm nhớ trộm; mê thơ và giọng đọc của thầy Lang. Một hôm, không biết là vô tình hay cố ý, hai cô nói rõ to như để thầy nghe được “Tao với mày chơi thân nhau như vầy, sau này có lấy chồng, chỉ lấy chung một người thật đẹp trai làm chồng, để chúng mình khỏi xa nhau”.
Nghe lõm trọn câu nói của hai cô, thầy Lang mỉm cười ý nhị! Ít lâu sau, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Tình bạn của họ bị chia xa, song cô Lan vẫn đều đặn một mình đến lớp thầy Lang học.
Tội nghiệp, trong lần đi tản cư, chiếc thuyền chở gia đình cô Yến bị lật, làm chết cả nhà! Thi sĩ Xuân Khai được tin, nhớ câu giao ước ngây thơ của đôi bạn trẻ và để kỷ niệm tình bạn đẹp của họ, thầy lấy bút danh là Yến Lan .
Biết con gái thương thầy giáo nghèo ở chùa, không môn đăng hộ đối, cha cô tìm cách cản ngăn. Bài thơ đầu tiên viết tặng cô học trò bé nhỏ yêu thơ của mình: tên là “Hoa tặng”
Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa
Tặng em ngấp nghé chực quanh nhà
Người không ra đón, hoa dần héo
Héo cả làn mây đỉnh núi xa.
Không trách ai đâu, chỉ trách mình
Dáng nghèo, lam lũ áo thư sinh
Bó hoa đơn giản, hương đồng nội
Lầu gác, ai đâu dễ động tình
Trở lại cành trơ tự hổ ngươi
Giá hoa còn đấy, hẳn đang tươi
Vụng về đến phải vô duyên vậy
Bởi hiểu hoa thôi, chẳng hiểu người.
Hè 1938
Học đến lớp 5 thì cha cô Lan khuyên: “Con gái học chừng ấy đủ rồi, giờ ở nhà học thêu thùa, khâu vá, nấu nướng, mua bán rồi lấy chồng là vừa rồi con ạ”. Ông sắm cho cô đôi bồ; mua đủ loại hàng: chén, bát sành sứ, nồi, niu, xoang chảo, mâm, thau bằng đồng hàng Trung Quốc, vải lĩnh mua từ Nam Định, Vinh v.v...
Cha cô dựng cho cái sạp nhỏ, lợp tranh tại góc chợ Gò Chàm để hàng ngày cô ra đó ngồi bán.
Tuổi trăng rằm, cô Lan không nghiêng nước nghiêng thành, nhưng tại thị trấn nhỏ bé của huyện An Nhơn ngày ấy, cô Lan được liệt vào tốp nhất nhì của phái đẹp. Nhiều chàng trai ngấp nghé, muốn lấy cô làm vợ, nhưng cha cô chưa gật đám nào. Trong huyện, có anh chàng họ Nguyễn, đẹp trai con nhà giàu đến dạm, thì ông sợ đụng phải họ hàng xa, nên thoái thác. Còn các đám khác, ông nhờ người dò la xem có môn đăng hộ đối không đã.
Một ngày nọ, ông gọi cô đến nói chuyện. Cô liếc nhanh về phía vị khách cao niên, vẻ sang trọng, ngồi cạnh cha. Cha cô nhìn con gái, nghiêm mặt chỉ vào khách nói: “Nhà này có thằng con trai muốn cưới mày làm vợ, mày đồng ý không? Chờ con trả lời. Không ngờ con gái ông leo lẻo từ chối thẳng thừng trước mặt khách “Cha ơi, con chưa muốn lấy chồng, con còn nhỏ mà vội gì”. Thế là cục giận của ông cha dâng lên làm mặt ông đỏ gay. Ông trợn mắt, mắng xối xả vào mặt con: “đồ vô lễ, đồ bất hiếu...đồ.. cá không ăn muối.. Mặc áo không qua khỏi đầu, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy…..”.
Không cải được cha, cô Lan đành chấp nhận lấy con trai ông khách nọ. Tháng 2 năm 1937 nhà trai mang lễ vật đến hỏi. Sau đó, vào ngày đã chọn, cô về làm vợ ông Phạm Khắc Minh.
Gia đình chồng ngoài của ăn, của để còn có mấy gian nhà ngói cho thuê. Hồi đó, bác Đinh Trạc (cha của anh Đinh Văn Định, Giám đốc Đài Truyền hình TP/Qui Nhơn thập niên 80 - 90 thế kỷ 20), thuê nhà chồng cô để lập trường Tư thục. (Khi tập kết ra Bắc, bác làm Tổng giám đốc CTy Meranimex, ở Hải Phòng. Công ty này, có chi nhánh tại 89A Nguyễn Đình Chiểu-TP/HCM, nơi vợ chồng tôi làm việc cho đến khi về hưu.)
Về làm dâu, hàng ngày cô Lan thấy anh em chồng chỉ cờ bạc, hút xách; người anh thì bị ghẻ đầy mình, còn chồng thì ghen đến độ bệnh hoạn. Biết vợ trước đây có tình ý với thầy Lang, ông nghi cô đủ thứ, khiến cô nản lòng; ông quản lý cô rất khắc khe. Hễ cô bước chân ra khỏi cửa, ông dặn “Cô đi ra khỏi nhà, tôi nhổ bãi nước bọt, liệu mà về trước khi khô, nếu không, đừng trách tôi vũ phu, độc ác ”.
Về làm dâu nhà người bị bó buộc đủ thứ, không chịu nổi, hai tháng sau cô bỏ về nhà mẹ đẻ. Sau đó, vào Nha Trang học làm các loại bánh. Con đi lâu không thấy về, cha cô mang lễ vật trả lại cho nhà trai, họ nhận và cho như thế là xong “Đường ai nấy đi”.
Trong dòng thời gian, kỷ niệm về tuổi thơ day dứt mãi khôn nguôi. Đó là dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Qua lăng kính tuổi thơ người thi sĩ chỉ cần một điều rất giản dị:
Em là một khu vườn
Em là một khu vườn
Gió nam, nồm đưa hương
Mùi trầu, mùi cau - em gửi về cho mẹ
Mùi ổi, mùi na - em bay đi tìm trẻ
Mùi sả, mùi chanh - em hãy để dành
Gội thơm làn tóc
Bè bạn đợi em toả sang mùi hoa mộc
Còn anh ?
Anh chỉ xin em: phảng phất một lần
Tận cuối trời quê - Dạ nguyệt bương.
(Huế 1940)
Vì quá yêu chàng thi sĩ nghèo, không lấy được chàng, cô Lan quyết không lấy ai nữa, cô âm thầm vào chùa Sư nữ ở Phan Thiết để tu. Gia đình không biết cô đi đâu, tìm mãi không thấy tăm hơi. May nhờ cô chị họ, đi lễ Phật gặp, mật báo cho gia đình, thế là nhà giáo - thi sĩ Xuân Khai cùng anh trai cô vào chùa đón về. Và bài thơ
“Màn chót” hay là
Bài THƠ PHAN THIẾT
Bài viết sau khi Lan bỏ nhà xin vào tu ở
chùa sư nữ Phan thiết. Lan lúc ấy đã 18 tuổi.
…………
Ôi Phan Thiết một trời ngâu vàng võ
Dòng sông sâu đâu dễ dứt Cầu Ô
Chiều nay đến lòng ta đầy bão gió
Muốn bùng lên xáo trộn cả trời mây
Tay trước ngực chấp nên hình
Chuông thỉnh Kinh liền nhịp dậy trông hồn
Đau thương ứa trên thân hình bát rạn
Bởi thấy lòng dồn vơi hết sầu thương
Nén nhang nguyện xông lên hương huyền ảo
Nhen ái tình ta là kẻ đầu tiên
Lá phượng trắng dựng trên nền Tam Bảo
Hướng lên trời Phan Thiết kết nhân duyên
Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng
Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây
Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió
Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn
Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ
Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương ….
“Phan Thiết” Tháng 4/1944
Thời gian không chỉ làm thay đổi vạn vật, tình yêu con người cũng cần lắm những lúc hờn giận, tủi hổ; để rồi sau đó mới nhận ra sự cần thiết có nhau.
Hờn giận
Đánh hết bao diêm lửa chẳng xòe
Thạch sùng tặc lưỡi bặt tin nghe
Em đi, bếp lạnh, đèn không đỏ
Bầy muỗi bay theo một góc hè
Trong tối anh nhìn theo trí nhớ
Đây nơi tóc chải trước gương tròn
Kia sào góc nón khi về chợ
Cái bếp kê lăn đá mấy hòn
Em dứt ra đi mới giáp ngày
Đoán chừng đang tới những đâu đây
Xuyên rừng chắc hẳn cây choàng lạnh
Dọc bể chừng e sóng gợn say
Phải chi bình tỉnh lắng nghe anh
Tơi nhựa, khăn len sẵn cạnh mình
Chai nước, cái ca em bỏ lại
Tấm thân mảnh khảnh, mặc phong phanh
Gặp lạnh thì không mặc ấm vào
Lỡ cơn chóng mặt thiếu dầu, cao
Cứ liều như thể đang hờn giận
Mà giận hờn nhau đã có nhau
Nếu kể hôm qua: dĩ vãng rồi
Thì trong dĩ vãng vẫn liền đôi
Hôm nay cô độc nơi em đến
Hạnh phúc ai thừa để hỏi vay
Thôi nhé, em đi chóng lại về
Giận hờn đem rãi dưới đường xe
Gần nhau chấp nhận đành nghi hoặc
Hờn phải xa nhau chịu não nề
1944
Dẫu cuộc gặp gỡ giữa cô thiếu nữ con nhà giàu và chàng thi sĩ, tuy trắc trở nhưng đã có sự giao cảm thân thiết giữa hai người. Ngày chàng ra Trường Mission Thanh Hóa dạy thay cho Chế Lan Viên. Ở nơi xa xôi ấy, hình ảnh quê hương, bạn hiền đều gợi cho chàng nỗi băng khoăn trằn trọc:
Nhớ làng
Mưa đưa thương nhớ về làng.
Mưa làm xa những dặm đàng, bến sông.
Chiều nay mở cửa ra trông:
Thấy làng đâu ? - Chỉ thấy lòng mà thôi!
Mưa ơi, thương nhớ bời bời,
Bời bời thương nhớ, mưa rơi, khuất làng
Quê tôi nắng mới võ vàng,
Dừa cao lểnh khểnh, cành xoan ngòng ngoèo.
Con đàng thì ngút cheo leo.
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình.
Làng tôi gió nhỏ thênh thênh.
Mưa thưa nhè nhẹ, trăng lên dịu dàng.
Làng tôi - khôn nói hết làng
Có người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi
(Tam Quan 1937, trích "Những ngày nắng")
Mặc cho con tạo xoay vần và già cỗi, nhưng sự sống trên trái đất thì ngày một sinh sôi nảy nở. Song những đổi thay đó không hề ảnh hưởng đến sự gắn bó yêu thương của đôi vợ chồng nhà thơ già:
Khát thèm
Trong cơn đau, anh càng rõ tình em
Đắng thuốc thành mật thoa,
xót giường thành nhiễu lụa
Từ bấy đến nay anh bỗng khát thèm
Nếu được ốm, anh còn ốm nữa
Nước chảy đá mòn, nhưng tình cha mẹ tôi càng già càng khắng khít, chẳng thế mà các bạn làng văn đã coi mối tình của cha mẹ tôi là huyền thoại đó bạn ạ!
Và đây, qua bài thơ này nói lên điều đó. Bài thơ như một thông điệp ba tôi muốn gởi lại, khuyên các bạn trẻ hãy yêu và gìn giữ mãi tình yêu của mình.
: Khắng khít
Em có cháu gọi "bà"
Gọi (em) anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy
Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là "Tấm"
Lòng - hoàng tử anh mê
Từ buổi, đầu em lấm
Em gọi khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua
Mà mọng nhìều thương nhớ
Bao bận anh lên đường
Ngày về thường sai hẹn
Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến
Bao bận em se mình
Giành con, anh nấu cháo
Ôi đâu phải mùi hành
Mồ hôi em thấm áo
Hạt nắng nhảy trong vườn
Khiến lòng-đôi xao xuyến
Có phải ngày ta thương
Một mùa hè quá ngắn
Chiếc áo cưới năm xưa
Mùi hòm rương nếp gấp
Ướm lại, rộng không vừa
Em vẫn khen tơ chắc
Ta gần nhau từ đầu
Càng gần nhau về cuối
Đâu nghĩ là xa nhau
Cho đến giờ hấp hối.
10-1967