Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.618
 
Nhạc Sĩ Phạm Duy Qua Đời
Trần Vấn Lệ

 

 

Qua đời là Đi Qua Khỏi Cõi Đời, là Đi Ra Khỏi Cõi Đời, là Từ Trần,…là Chết!

Hàng chữ Nhạc Sỹ Phạm Duy Qua Đời là tựa đề một bản tin hàng ngày của đài phát thanh BBC phát đi từ Thủ Đô London, nước Anh, sáng sớm ngày Chúa Nhật 27 tháng Giêng năm 2013.  Tôi xin ghi lại đây toàn văn bản tin đó:

 

Cập nhật: 08:54 GMT - chủ nhật, 27 tháng 1, 2013

 

Nhạc sỹ Phạm Duy được cho như một trong những người đã kiến tạo nên nền tân nhạc Việt Nam

Người nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam, Phạm Duy, vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh ở tuổi 93, các nguồn thân thiết với gia đình ông cho biết.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho BBC hay ông được tin nhạc sỹ qua đời vào buổi trưa Chủ nhật 27/1. Có nguồn tin nói ông ra đi trong bệnh viện.

Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim.

Ông Đỗ Trung Quân không giấu nổi nghẹn ngào: "Tôi thực sự rất xúc động khi nghe tin ông [Phạm Duy] qua đời".

"Ông là một trong những nhạc sỹ đã tạo nên diện mạo nền âm nhạc Việt Nam."

Các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy đã kết hợp được những nét của âm nhạc cổ truyền, dân ca, với các trào lưu phong cách hiện đại.

Ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC: "Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị".

"Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."

Mới tháng trước, con trai lớn của nhạc sỹ Phạm Duy, ca sỹ Duy Quang, cũng qua đời tại Mỹ.

Vợ của ông là ca sỹ Thái Hằng, bà qua đời năm 1999.

 

Tài năng lớn

Nhạc sỹ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921. Tên thật của ông là Phạm Duy Cẩn.

Không chỉ là tác giả của một khối lượng đồ sộ các sáng tác, ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc lớn, với công trình khảo cứu về âm nhạc có giá trị.

Phạm Duy bắt đầu con đường âm nhạc trong vai trò ca sỹ. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau bỏ vào sống trong vùng Pháp chiếm ở Hà Nội, rồi di cư vào Nam sau khi chia cắt hai niềm Nam Bắc Việt Nam.

"Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."

Nhạc sỹ Phạm Duy

Sau sự kiện 30/4/1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ. Các ca khúc của ông bị cấm ở trong nước một thời gian dài.

Việc ông trở về Việt Nam định cư năm 2005 đã gây ra nhiều tranh cãi.

Kể từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được phép phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được biểu diễn ở trong nước.

Trong cuộc trao đổi với BBC, nhạc sỹ kỳ cựu thừa nhận ông từng có giai đoạn sáng tác tuyên truyền trong các giai đoạn chiến tranh, nhưng cho rằng ông chỉ làm như vậy vì yêu nước.

"Lẽ tất nhiên bổn phận của chúng tôi là thế. Bổn phận của người nhạc sỹ khi đi theo kháng chiến, thì phải dùng cái đàn của mình để xưng tụng cuộc kháng chiến."

"Ngoài những bản nhạc về tình ái, hay về những chuyện khác, thì những bản nhạc có tính chất gọi là tuyên truyền đó thực ra cũng là những bản nhạc yêu nước thôi. Đừng nói là tuyên truyền hay không tuyên truyền."

Nhạc sỹ cho rằng âm nhạc của ông đa dạng và luôn biến đổi vì thân phận và tâm trạng của ông luôn "vui buồn" và "trôi nổi" theo vận nước.

 

 

*

 

Tôi mở nhiều báo điện tử trong nước, đọc được tin nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời.  Thế là không còn nghi ngờ gì nữa.  Một ông già chin mươi ba tuổi, hơn tháng trước vừa ôm ngực khóc cái chết của đứa con đầu lòng bạo bệnh, ông già không chịu đựng nổi và ngã bệnh.  Con cháu đưa ông vào bệnh viện tại Sài Gòn, các bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng không sao cãi được số trời:  Phạm Duy – một Nhạc Sĩ Tài Danh của Việt Nam trải dài hai Thế Kỷ qua – đã trút hơi thở vào buổi xế trưa ngày Chúa Nhật.  Khi Việt Nam ngày Chúa Nhật thì bên Mỹ đang còn ngày Thứ Bảy.  Tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, các đài phát  thanh Mỹ, Pháp, Úc đều đưa tin sớm, các báo Việt Ngữ, các đài Phát Thanh, Truyền Hình Việt Nam ở ngoài nước sau đó cũng loan tin, không cần dè dặt.  Có nhiều người mong Phạm Duy chết liền ngay khi ông “quay đầu về núi”, về với nước Việt Nam Cộng Sản, năm 2005, ông không chết năm đó…thì có ngày cũng phải chết thôi!  Không ai đặt ra chuyện “Nghĩa Tử Nghĩa Tận” với Phạm Duy vì người ta ghét Cộng Sản, Phạm Duy “quy hàng” Cộng Sản là làm nhục cho người “Quốc Gia”.  Mới thấy sớm nhất có bài báo của ông Nguyễn Thiếu Nhẫn, người còn có bút danh Lão Móc, đăng trên vài báo mạng.  Ông Nguyễn Thiếu Nhẫn hoàn toàn không thương tiếc gì cái tài, cái danh của nhạc sĩ Phạm Duy.  Một bài khác, không biết có lên mạng chưa, nhưng phóng vào hộp thư e mail của tôi, thì có vẻ ngậm ngùi.  Bài này của nhạc sĩ Châu Đình An, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Đêm Chôn Dầu Vượt Biển.  Tôi xin chép luôn bài đó để bạn đọc đọc, rồi nghĩ sao thì tùy:

 

Đây, bài viết của nhạc sĩ Châu Đình An.

 

Phạm Duy:  Còn Gì Đâu Trong Cuộc Được Thua

 

 

 

Nhạc sĩ Phạm Duy và Châu Đình An (1998)

 

 

Tháng 4 năm 1981 tôi bước chân xuống phi trường Los Angeles, California trong bỡ ngỡ của một “dân giả quê mùa” lần đầu tiên đặt chân đến thành phố sầm uất nổi tiếng của Hoa Kỳ. Đang long ngóng thì có tiếng reo “A! đây rồi…”. Một người đàn ông ăn bận giản dị, chân đi dép và mái tóc hoa râm đến bên tôi “Phải An không?”.

 

Tôi nhận ra nhạc sĩ Phạm Duy, ông dẫn tôi đến bên chiếc xe Buick cũ đời 1977 màu cam nhạt, cất hành lý vào khoang xe và trực chỉ về nhà ông ở Midway City, Quận Cam Cali.

Trên đường đi từ Los Angeles đến Midway City vào khoảng gần 1 tiếng lái xe, ông hỏi thăm tôi về cuộc sống mới đến Mỹ ra sao, và một vài chi tiết thân thế long đong của tôi. Quen biết ông qua sự giới thiệu của cựu dân biểu VNCH Nguyễn Văn Cội, và khi tôi gửi đến ông 10 ca khúc để nhờ ông giúp thực hiện một băng nhạc Cassettes. Những bài nhạc tôi viết từ trại tỵ nạn Hồng Kông cho đến khi qua định cư ở Kenosha, Wisconsin Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1980. Trong đó có những bài như Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Tâm Động Ca, Như Những Lời Ca Thép, Trại Tù Chữ S, Sẽ Có Sáng Mai Này, Như Một Lời Thề Nguyền…

 

Khi nhận được 10 bài nhạc, ông đã nhanh chóng hồi âm sau hai tuần lễ và một cuộc nói chuyện với ông dẫn tôi đến Los Angeles, mà tôi đâu biết đã bắt đầu đưa tôi bước chân vào giới nghệ thuật. Qua thư trao đổi, ông khen nhạc tôi có nét lạ của một người vừa vượt thoát từ Việt Nam sau 5 năm dưới chế độ cộng sản, và ông nhận lời đứng ra làm Producer, nghĩa là nhà thực hiện và sản xuất cho băng nhạc đầu tay trong đời sáng tác của tôi.

 

Bước chân vào căn nhà xinh xắn ở Midway City, tôi được chào đón bởi bà Thái Hằng, phu nhân của ông với một nụ cười hiền hậu, bà vui vẻ, dễ thương ân cần hỏi han và chỉ tay trên vách phòng ăn một bức hình tôi ở đấy. Ngạc nhiên thì bà bảo là  “bác trai dán hình cháu để nhận diện đi đón cho dễ, mấy em ở nhà cứ thì thầm với bác là, có lẽ đây là con rơi hay sao mà bố lo lắng ân cần quá!” Mà cũng dễ nghi lắm, vì khuôn mặt tôi và Duy Minh có phần giống nhau lắm. Tôi cười và cảm thấy gần gũi ngay với không khí gia đình ông bà Phạm Duy. Đến chiều Duy Quang đi làm về, lịch thiệp trong quần Jean và áo sơ mi trắng, nụ cười hiền hậu, Duy Quang thiện cảm chào tôi. Chúng tôi bắt tay nhau và Quang hỏi đã ăn uống gì chưa rồi không đợi tôi trả lời anh đưa tôi ra xe bảo là đi uống cà phê và thăm phố Bolsa cho biết cộng đồng mình. Mặc cho bà Thái Hằng căn dặn là chiều về ăn cơm cả nhà.

 

Đó là những kỷ niệm đầu tiên của tôi với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi còn nhớ.  Đến chiều về, cả nhà đông đủ, lần đầu tiên tôi dự bữa cơm gia đình gồm có ông bà Phạm Duy và các con Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh, 10 người ăn và thêm một miệng mới nữa là tôi. Bữa cơm rất ngon vì vui, và từ lâu tôi chưa hề có cái không khí gia đình, thân mật, ấm cúng.

 

Là một gia đình nghệ sĩ, các con của nhạc sĩ Phạm Duy nói chuyện thoải mái, đùa cợt với bố mẹ, nhưng vẫn có sự kính phục. Đây là một gia đình Bắc Kỳ chính hiệu có truyền thống và nề nếp. Cho dù 4 chàng con trai (Quang, Minh, Hùng, Cường) và 2 cô con gái (Hiền, Thảo) đã trưởng thành, nhưng vẫn ở chung với bố mẹ. Nhà nhỏ, nhưng ngăn chia nhiều phòng, có phòng thì hai người, chỉ riêng Duy Quang có riêng một phòng lớn là cái gara để xe trưng dụng thành phòng ngủ, và Duy Cường có một phòng riêng vì bận làm hoà âm cho nhạc. Ngoài công việc đi làm thường ngày, nhạc sĩ Phạm Duy và các con vẫn dựng lại ban nhạc The Dreamer và mỗi cuối tuần chơi nhạc tối thứ sáu, thứ bảy tại vũ trường ở Quận Cam thời bấy giờ.

 

Tôi ngụ lại nhà nhạc sĩ Phạm Duy suốt thời gian hai tuần lễ thực hiện thu âm cho dĩa nhạc, phải nói là ông rất chu đáo về tổ chức, ngày nào thu thanh ai hát, xem lại bài nhạc, xem lại hoà âm, và cuối cùng, trong tay chúng tôi có dĩa master nhạc Châu Đình An, và thời bấy giờ Master băng rất to, đến hai dĩa băng nhựa nặng tay.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy liên lạc với hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc vẽ cho tôi cái bìa băng Cassettes, chở tôi đến nhà in AnNam của ông Lê Ngọc Ngoạn để xem giá cả và ấn loát, những buổi đi làm việc như thế chỉ có ông và tôi trên chiếc xe cũ của ông băng qua những con đường trong sương mù buổi sáng, và trong xe thì luôn phát ra các ca khúc mới toanh của tôi. Bạn tưởng tượng xem, tôi hạnh phúc và ngây ngất như thế nào bên một nhạc sĩ lừng lẫy nghe nhạc của tôi mới ra lò.

 

Ông còn thủ bút viết cho tôi những lời sau:

“Nhạc Châu Đình An vì có nội dung rất tích cực, hy vọng sẽ là người đại diện cho những ai vừa vượt thoát từ Trại Tù Chữ S, sẽ có ngày trở về dựng cờ Quốc Gia trên đất nước thân yêu”. Ký tên Phạm Duy

 

Ông không ngần ngại khen ngợi nhạc tôi viết hay, và ca khúc của tôi nhan đề Tâm Động Ca do Thái Hiền trình bày đã làm ông xúc động rưng rưng khoé mắt, lời bài hát tôi viết sau 5 năm tả tơi trong chế độ mới từ 1975 đến 1980:

 

“Khóc cho người ở lại Việt Nam

Một tiếng khóc thương cho đồng loại

Một tiếng khóc thương em khờ dại

Một tiếng khóc nhăn nheo mẹ già

Có tổ quốc, mà không có quê hương

Có đồng bào mà sao xa lạ

Có Việt Nam mà tôi mất đâu rồi

Có giòng sông mà con nước khô cạn

Có tình yêu mà không có bè bạn

Đứng bên này bờ biển đại dương

Nhìn chẳng thấy quê hương chỗ nào

Nhìn chỉ thấy thêm thương đồng bào

Lời tổ quốc trong tim dạt dào

Và nghe tiếng trong tôi thì thào

Giọt nước mắt lưu vong chợt trào

Tạm biệt

Tổ quốc thương yêu…

Của tôi”

(CDA 1980)

 

Ông xúc động và chắt lưỡi thốt lên “hay lắm!” không những vì giòng nhạc tôi mà còn vì giọng con gái ông là Thái Hiền cao vút kết thúc câu tạm biệt tổ quốc thương yêu của tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ một hình ảnh của nhạc sĩ Phạm Duy ngồi sau tay lái chiếc xe và nỗi rung động thiết tha với quê hương đang đau khổ. Cứ thế, hằng ngày, những câu chuyện ông kể, từ đời sống âm nhạc của ông, lộ trình vượt thoát đến Mỹ, và đến nỗi đau đớn dày vò suốt bao năm tháng dài khi 4 người con trai còn kẹt lại quê hương. Ông cũng kể là cả hai ông bà in roneo, loại giấy copy để đóng thành tập nhạc dạy đàn guitar do Phạm Duy biên soạn để bán kiếm tiền sinh sống, và nhận lời đi hát dạo cho cộng đồng người Việt phôi thai hình thành. Ban nhạc gia đình với Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Hiền, và Thái Thảo, ông luôn nghĩ là mình không lúc nào quên được cách để kiếm tiền, hầu có phương tiện tìm cách cứu thoát Quang, Minh, Hùng, Cường còn lại quê nhà. Bà Thái Hằng còn cho tôi biết, những ngày bận rộn sinh kế thì thôi, còn khi về đến nhà, là ông Phạm Duy nằm dài ra thừ người, đau đớn, ray rứt với 4 người con trai mà ông đang suy tính tìm đủ cách để đoàn tụ.

 

Ở đây tôi muốn nói đến tình yêu con quá sức nơi nhạc sĩ Phạm Duy, cả nhà 10 miệng ăn, và từ khi còn ở Việt Nam qua đến Mỹ, nhất nhất do bàn tay của ông làm ra, từ viết nhạc, viết bài và làm những việc liên quan đến âm nhạc để nuôi sống gia đình. Các con của ông dựa vào ông, chỉ vì yêu quá, săn sóc và lo lắng thái quá, do vậy đã dẫn đến tình trạng sau này, là ông đánh đổi tất cả sự nghiệp âm nhạc tiếng tăm, để chọn một lối thoát kinh tế cho các con khi về sinh hoạt trong một nước Việt Nam do cộng sản cai trị.

 

Đây là một sự thực mà ít ai hiểu được.

Trong email với nhà báo Hoàng Lan Chi, khi chị đề cập về thái độ và lời nói của ông trong các cuộc phỏng vấn của báo chí “lề phải” trong nước, đã dấy lên sự phản ứng bất bình của cộng đồng hải ngoại, về những bức ảnh ông cầm tấm thẻ “chứng minh nhân nhân”, “chứng minh hộ khẩu”, tôi đã trình bày cho chị về những điều tôi biết, và nhà báo Hoàng Lan Chi, một người quen biết với gia đình ông.

 

Chế độ Việt Cộng và nhạc sĩ Phạm Duy chơi “game” với nhau, cả hai lợi dụng nhau, và cả hai đều có đường tính toán khác nhau. Chắc chắn một điều là Phạm Duy không thể nào theo cái gọi là chủ nghĩa cộng sản, và ông đã nhận ra chế độ hiện nay ở Việt Nam, không còn thứ cộng sản của thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, mà là cái vỏ bọc cộng sản che chắn cho cái thực chất là chế độ tư bản đỏ, độc tài toàn trị và cái ruột chính vẫn là mô hình tư bản kinh tế, hay rõ hơn là tham nhũng, bán tài sản quốc gia làm giàu cho các lãnh tụ và phe cánh. Ông Phạm Duy chọn một lối đi như tôi đã nói ở phần trên là, lối đi kinh tế cho các con của ông sau này, mà nhìn phiến diện đó là sự thoả hiệp dễ nhạy cảm phát sinh ra sự chê trách, chống đối từ phía cộng đồng người Việt quốc gia, cái nôi đã cho ông hít thở, phát triển gần như toàn diện sự nghiệp âm nhạc của ông. Do vậy, người ta giận dữ cũng chỉ vì tiếc cho ông, một tài năng, một biểu tượng văn hoá còn sót lại của Việt Nam Cộng Hoà.

Tôi đoan chắc là chỉ vì quá yêu thương các con, ông đã chọn về Việt Nam trong chế độ độc tài hiện hữu để có ba việc:

 

Thứ nhất: Cái chết của vợ là bà Thái Hằng đã làm ông hụt hẫng năm 1999, dù ai nói ra sao về cuộc đời tình ái phiêu lưu thêu dệt của người nhạc sĩ, nhưng, có lần ông cho tôi nghe ca khúc “Nắng Chiều Rực Rỡ” mà ông bảo là viết riêng cho bà, vì cả ngàn ca khúc của ông chưa có bài nào viết cho bà. Trong đó có câu “thế kỷ này, đang trong nắng ban chiều. Cho lòng mình bâng khuâng nhớ nhau”. Ông bắt đầu cô độc thực sự sau ngày bà ra đi.

 

Thứ hai: Người già cô độc, và đơn chiếc, dễ tủi thân mủi lòng, nếu ông mất sớm vào khoảng 70 tuổi thì thôi không có chuyện nói đến, và bây giờ Phạm Duy vẫn là thần tượng, nhưng ông sống đến trên 80 tuổi mà quê hương với ngày về thực sự vẫn xa vời vợi, chế độ cộng sản chưa sụp đổ như bao người trông chờ, không biết đến bao giờ quay trở lại cố hương. Ông mất sự kiên nhẫn, ông muốn về một lần rồi nhắm mắt xuôi tay ở cái quê hương khốn khổ đã cho ông nếm trải nhục vinh rồi ra sao thì ra.

 

Thứ ba: Sau hết là cuộc sống các con, khi ông chết rồi con mình sẽ ra sao, chẳng ai có nghề nghiệp cố định, chẳng ai có bằng cấp gì cả, chỉ hoàn toàn sống bằng âm nhạc của chính ông dạy dỗ, tạo dựng. Và môi trường hải ngoại thì không đủ điều kiện để các con sinh sống, làm thầy thì không được, làm thợ thì khó, do vậy, ông lợi dụng chính sách gọi là “nghị quyết 36” hoà giải dân tộc để trở về, mở đường máu tồn tại và nuôi sống “âm nhạc của ông và các con”, bất chấp sự phản đối, bất chấp, ông biết là người ta sẽ thất vọng vì sự sụp đổ hình ảnh thần tượng nghệ sĩ quốc gia nơi ông.

 

Người nghệ sĩ Việt Nam đứng giữa hai lằn đạn của hai chiến tuyến khác nhau trong mọi thời kỳ, dù chiến tranh hay hoà bình hiện nay. Và người nghệ sĩ trong một giây khắc xúc cảm rất dễ trở nên yếu đuối. Vì tâm hồn không yếu đuối, không thể là nghệ sĩ.

 

Cái còn lại, tôi nghĩ xa hơn, một khi tâm hồn chúng ta yếu đuối, cần có nơi nương tựa, cần có nơi chở che. Cộng đồng hải ngoại là nơi để nương tựa, nơi để thở than và mong nhận che chở. Dù sao thì, cộng đồng chúng ta ở hải ngoại khi thương thì hết lòng, khi ghét thì hết tình. Ngay như bản thân tôi về ở Orlando, Florida hơn 20 năm qua, chuyên làm kinh tế, nghĩa là lo đi làm ăn, mà vẫn không yên, tôi hiểu con người ta, chỉ có một thiểu số có sự ganh ghét, đố kỵ, chụp mũ và thiếu sự cảm thông. Do vậy, không riêng gì ông Phạm Duy, mà còn nhiều nữa, cộng đồng nói chung, đôi khi vì quá nhiệt tình, quá sôi nổi, quá bức xúc vì chế độ cộng sản Việt Nam, do vậy vô tình đã thiếu sự khoan dung, thiếu sự che chở, không có trái tim bao dung che chở, nương tựa cho những nhà văn hoá, chính trị, tôn giáo. Cuối cùng, chỉ xô đẩy người ta sống theo cách sống của họ là bất chấp, và họ trở thành ích kỷ. Điều này đã xảy ra ở các hiện tượng Nguyễn Cao Kỳ, Thích Nhất Hạnh và bây giờ là Phạm Duy.

 

Ông Phạm Duy đã nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay suốt 93 năm làm con người sống thở trên cõi đời này. Chắc chắn là các báo lề phải trong nước sẽ có nhiều bài “vinh danh” ông, ca ngợi sự nghiệp âm nhạc và con người ông. Chế độ cộng sản hiện nay luôn nhận vơ cho mình những khuôn mặt lớn của văn học nghệ thuật, từ Văn Cao, Trịnh Công Sơn và bây giờ là Phạm Duy là người của họ, là những kẻ thành danh do bởi chế độ, hoặc là tài sản chung của đất nước. Bởi vì có mất mát gì đâu, khi một cái “Game” mà chế độ lúc nào cũng là kẻ thắng bởi vì cầm quyền ban phát “xin và cho”.

 

Đây là một bài học cho giới làm nghệ thuật một khi thoả hiệp trong một trận đấu “Game”.

 

Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê!

 

Châu Đình An

 

*

 

Một Bản tin của Đài Phát Thanh BBC, một bài viết của nhạc sĩ Châu Đình An, tôi nghĩ đây là hai bài “đại diện” tỏ bày lòng yêu thương và quyến luyến nhạc sĩ Phạm Duy.  Nói “đại diện” tức là tôi có cảm nghĩ rằng có nhiều người không ghét Phạm Duy đến nỗi phải căm thù.  Tôi chép đủ hai bài đó, xin Đài BBC và nhạc sĩ Châu Đình An cho tôi ké vào vài giọt nước mắt…

 

Tôi thật buồn tôi khi tôi nhớ lại vào năm 2005, khi biết tin nhạc sĩ Phạm Duy chính thức trở về, tôi có viết một bài rất nặng lời dành cho người phản bội.  Tôi hứa với độc giả báo Văn Nghệ Tiền Phong là tôi sẽ không bao giờ nhắc nữa đến cái tên Phạm Duy.  Sở dĩ tôi viết được bài báo đó vì tôi “lượm lặt” được một số chuyện không tốt của Phạm Duy:

 

1, Chuyện trai gái lẳng lơ:  Trước năm 1975, ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy bị báo chí móc lò về chuyện trăng hoa, bậy bạ, nhảm nhí, mà ba chuyện nổi cộm là:  Phạm Duy “cua” ca sĩ Khánh Ngọc, Phạm Duy léng phéng với ca sĩ Julie (người sau này là con dâu của Phạm Duy) và…Phạm Duy từng khoe đã qua tay hai trăm cô gái.

 

Chuyện thứ nhất, tôi hỏi một số bạn làm báo kỳ cựu, được biết: báo chọc Phạm Duy…cho bõ ghét!

 

Chuyện thứ hai, chính tôi gặp Julie trong một buổi Ra Mắt Sách của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang tại Orange County, California, tôi hỏi vài người lớn tuổi, chịu chơi một thời Sài Gòn, tôi bị la:  “Người ta nói bậy đó.  Trước khi lấy Duy Quang, Julie là học trò của Phạm Duy, ông dành cho cô này nhiều cảm tình và chăm sóc tận tình, nên mang tiếng…kiểu khách quan!

 

Chuyện thứ ba, là chuyện nhạc sĩ Phạm Duy khoe với ai, ở đâu, không biết, nhưng có một ký giả hỏi Phạm Duy có thật vậy không, Phạm Duy cười và bảo người phóng viên kia nếu muốn biết rõ hơn thì nên hỏi thẳng bà Thái Hằng, vợ của Phạm Duy!

 

Còn các chuyện khác…cũng nặng mùi xú uế lắm, nghe mà phát tởm, nhưng qua bài viết của ông Nguyễn Thiếu Nhẫn thì tôi “bổ ngửa”.  Chuyện “dây” mà nào phải “dậy”.  Toàn là Oan Ôi Ông Địa…Lu,  không hà!

 

Chuyện với Giáo Sư Lê Hữu Mục tại Canada đúng là chuyện phịa của một nhà trí thức có tên tuổi!  Giáo Sư Lê Hữu Mục “méc” với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ Nhiệm Báo Làng Văn rằng-thì-là Phạm Duy khoe với “tui”:  Tất cả các bản nhạc Hay của mình, Phạm Duy đều làm ở trong cầu tiêu!  Khi nghe được chuyện này )lùm xùm trên các báo chợ hồi ấy), Phạm Duy đã phân bua:  “Tôi không hề gặp và nói chuyện như vậy với Giáo Sư Lê Hữu Mục, tôi sẽ đi kiện đòi bồi thường danh dự”..  Vì…không thấy Phạm Duy kiện tụng gì, ai cũng yên chí là…đúng như vậy!  Mà nói chí tình:  Phạm Duy có tiền đâu để kiện ai.  Sống ở Mỹ, đáo tụng đình…là chết, hơn nữa muốn kiện người ta thì phải coi họ có tiền để đền cho mình không!  Chuyện này thiệt hay “giả ngộ” thì miễn bàn.  Chính trên tờ báo Làng Văn có lần đăng một bài thơ dài, tác giả là tôi, chửi bới tục tỉu cô Trương Anh Thụy và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia, mà tình thật tôi nào có quen hay biết gì hai vị này bao giờ!  Sau này tôi “vỡ nhẽ”, chính danh thủ phạm là họa sĩ / thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật ở Na Uy, người giữ mục Chém Đá trên báo Làng Văn làm ra và ký tên tôi…Tôi không yêu cầu báo Làng Văn đính chính…bởi tôi chẳng muốn dây dưa chuyện ruồi bu, dơ dáy đó.

 

Chuyện đáng “kinh hãi” là báo Ép Phê của ông Trần Trung Quân ở Pháp in hình Phạm Duy đứng chung với Đại Sứ Việt Cộng và lu loa lên là Phạm Duy chầu rìa Cộng Sản.  Phạm Duy không đọc báo này nhưng có người gặp Phạm Duy đưa tờ báo cho ông thấy, ổng hoảng hồn và viết thư cho ông Trần Trung Quân.  Báo Ep Phê đăng ngay bài Cải Chính và Xin Lỗi Nhạc Sĩ Phạm Duy!  Việc Phạm Duy oan không ai cần biết, người ta chỉ “đồ” thêm những gì thiên hạ đồn đãi.  Ác chi mà ác thế!  Nhân sinh tính bản ác, nói theo Tuân Tử nghĩ cũng không ngoa vậy!

 

Hai mẩu chuyện trên đây tôi thấy trong bài của ông Nguyễn Thiếu Nhẫn.  Ông Nguyễn Thiếu Nhẫn cứ thuận tay viết dài dài về những gì ông “bất mãn” với Phạm Duy và lờ đi, chẳng sao!  Phạm Duy sống đã câm trước bao nhiêu tiếng xấu, chết rồi thì càng câm luôn!  Hỡi ơi một kiếp người!…

 

Năm 2005 là năm không xưa lắm, tôi “hung hăng” con bo xít, bây giờ tự thấy mình hư!  Tôi cúi đầu xin lỗi nhạc sĩ Phạm Duy.  Tôi, hồi đó, năm 2005, tôi “quyết định” quên hẳn quá khứ tôi từng gặp Phạm Duy ở Việt Nam – khi thì Đà Lạt, khi thì Sài Gòn, tôi cứ viết cho “sướng” tôi, cho hả “căm hờn”, cho…có một bài báo cập nhật tin thời sự.

 

Năm 1959, tôi học trường Việt Anh ở Đà Lạt, ngồi trong lớp giờ Việt Văn của Thầy Tam Ích Lê Nguyên Tiệp, nghe tiếng gõ cửa, tôi đứng dậy ra mở.  Một người đàn ông tầm thước, tóc bạc, quăn, tôi thưa: “Xin phép hỏi Bác, bác cần gì ạ?”.  Người đó đáp:  “Bác là Phạm Duy, con thưa với Thầy Tam Ích cho Bác gặp Thầy một phút”.  Tôi đến bàn thầy giáo thưa lại với Thầy tôi, ông lật đât ra bắt tay nhạc sĩ Phạm Duy và bảo nhạc sĩ Phạm Duy lên Văn Phòng đợi mười phút nữa tan trường…

 

Một lần nữa, cũng tại Đà Lạt, đâu hình như năm 1962, nhạc sĩ Phạm Duy đi cùng với một nhạc sĩ Mỹ, thuê Hội Trường Hòa Bình trình diễn Mười Bài Tâm Ca.  Tôi có đi dự.  Khoảng hai ngàn khan giả rất “chịu” các nhạc phẩm đậm chất Tình Người của Phạm Duy nhất là bản Giọt Mưa Trên Lá, hầu như ai cũng ứa nước mắt…Trên sân khấu, Phạm Duy thật đẹp lão và hiền hòa, nói năng tao nhã; người bạn Mỹ của Phạm Duy cũng nói tiếng Việt và hát Tâm Ca…

 

Lần cuối cùng tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy ở Việt Nam vào năm 1969, tại Cư Xá Chu Mạnh Trinh Sài Gòn.  Lần đó, tôi đi công tác Sài Gòn, bạn tôi nhờ cầm thư khẩn xuống trao cho nhà văn Hoàng Hải Thủy.  Tôi chỉ là người đưa thư, không cần nêu tên,  Tôi gõ cửa nhà nhà văn Hoàng Hải Thủy và làm xong bổn phận.  Tôi ra về, giữa chừng, trước khi ra cổng cư xá Chu Mạnh Trinh thì thấy nhạc sĩ Phạm Duy đi vào, tôi chào:  “Thưa Bác Phạm Duy!”.  Ông dừng lại, chào lại tôi và đến vỗ vai tôi:  “Anh là ai mà sao biết Bác?”.  Tôi đáp:  “Thưa con là đứa học trò mở cửa lớp gặp Bác khi Bác lên Đà Lạt tìm Thầy Tam Ích, Bác nhớ không ạ?”.  Nhạc sĩ Phạm Duy cười thật “đẹp”:  “Nhớ  rồi!  Lâu quá cháu nhỉ, cháu bây giờ chắc không còn là học trò?”.  “Vâng, cháu đã đi dạy gần chín năm nay…”.  Nhạc sĩ Phạm Duy đó, trước tôi thế đó. Sao tôi lại mù vào năm 2005 nhỉ?  Tôi vừa hư vừa tệ!   Lậy Trời cho tôi mù mãi.  Tôi thật tình sẽ khiếp hãi khi nghe ai chửi mắng tôi từ nay khi đọc những dòng tối viết về một người vừa mất!

 

*

 

Thập niên 1981, tôi cải tạo về, quần áo xơ xác, người tôi đi thăm đầu tiên là Má tôi, tôi sợ mình về nhà thì hết đi đâu dễ dàng.  Tôi đi rất nhiều chặng xe mới về gặp Má tôi được, phần thì người ta không niềm nỡ với người rách rưới, phần tôi có ít tiền (trại thả tôi chỉ cho có ba chục, tôi eo sèo thêm được hai chục nữa, vị chi là năm chục). Phương tiện đi lại khó, thấy người rách rưới càng không muốn giúp.  Má tôi đã bỏ phố về ruộng.  Tôi vào mới tới hiên nhà, Má tôi bước ra, hai Mẹ Con giống nhau như đúc:  Nghèo Xác Xơ.  Má tôi mặc áo bao cát, tôi thì mặc áo bà ba đen có vài miếng vá trên vai….  Tôi nhớ một bài hát của Phạm Duy:  Ngày trở về có anh bước lê trên quãng đường đê….Mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ…

 

Nhạc Sĩ Phạm Duy ơi…ông chết đi ở tuổi nào thì cũng vẫn là một người còn trẻ.  Trẻ như anh thương binh kia…Tôi vừa nghe xong mấy bài rất tình của ông…và nhìn tấm ảnh ông thời ông còn là chàng trai Hà Nội, trước năm 1953.  Thương ông quá hà…

 

 

   

https://mail.google.com/mail/images/cleardot.gif

 

Trần Vấn Lệ
Số lần đọc: 2910
Ngày đăng: 30.01.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Công Phụng trở lại - Huỳnh Như Phương
Hành trình tìm về “Ngôi nhà trắng” - Nguyễn Hồng Nhung
SAO PHẢI LÀ KHÁNH LY? - Ấu Lăng
HỎI KHÁN GIẢ CỦA LỆ THU - Ấu Lăng
Biết Nói Gì Về Thái Thanh? - Ấu Lăng
Jimmii Nguyễn - Tri Ân Với Đời - Lê Nguyệt Minh
Định Mệnh, Âm Nhạc Và Tình Yêu - Đỗ Nguyễn
Hạnh ngộ tuyệt vời giữa thơ B.H. và nhạc Anh Bằng. - Du Tử Lê
Sài Gòn Đà Lạt Quán Những Ngày Mưa - Nguyễn Tấn Cứ
Chặng Đường 20 Năm Của Một Bài Hát - Tần Hoài Dạ Vũ
Cùng một tác giả
Mây Thu (thơ)
Những Giọt Mưa Khô (truyện ngắn)
Je Pense (thơ)
Nắng (thơ)
Nhớ (thơ)
Mùa Thu (thơ)