Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.112
 
Dưới bóng hoang dã
Nguyễn Hàng Tình

                                                                                                 

             "Cáo chết ba năm  quay đầu về núi "

               (tục ngữ)     

 

        Quốc lộ 1A đoạn chạy qua Ngã ba thành_Diên Khánh, Khánh Hoà, có cây dầu Đôi. Các nhà làm lục lộ bao nhiêu thập niên rồi cũng vẫn phải đành nhường nhịn dân địa phương ở đây  khi uốn cong con đường cái quan quan trọng nhất ở đoạn này, né, vòng qua cây Dầu, rồi mới được thẳng đường trở lại, thay vì hạ phăng nó đi cho thông thoáng, tiện thi công và tiện giao thông. Không còn lấy một chỏm rừng nào ở Nha Trang cũng như các vùng phụ cận, nhưng người Khánh Hoà ngày nay vẫn cứ bảo mình là xứ Trầm Hương, tự hào là xứ Trầm Hương, đến độ thành phố biển nhưng cứ dựng tháp Trầm Hương nhìn xuống biển. Tháp kể về một niềm tự hào đại ngàn của xứ sở, gắn bó, về một miền hoang dã, nhưng tha nhân trèo lên đấy để nhìn... biển. Không nhìn biển thì nhìn gì giờ. Phía đông nhìn biển, phía Tây rừng núi cũng mù khuất. Nha Trang ạ, dăm cây rừng xưa gỗ tạp bình thường còn không thấy lấy đâu cây dó_trầm hương! Vậy là, cây Dầu đôi trở thành ký ức cuối cùng, thành di sản, thành dấu chỉ của một quê xứ từng nổi tiếng hoang dã rằng "cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận".

 

HỒN

 

      Không biết có phải vì vậy không mà cách đây bảy năm, khi cây Dầu đôi bị lá vàng cả, và rời rụng dần cả tỉnh Khánh Hoà lo lắng. Người dân Diên Khánh đứng ngồi không yên, còn Chính quyền tỉnh Khánh Hoà lập tức cho triển khai một dự án vô tiền khoáng hậu: dự án "cứu" cây Dầu đôi. Thế là các nhà lâm học, sinh thái hàng đầu được mời vào để tìm cách cứu lấy một cây Dầu già cỗi_tuổi đời chồng lên nhiều trăm năm. Nhìn cảnh cả bộ não của nền lâm học quốc gia tỉ mẫn bắt sâu, trừ nấm, và nhất động tác dịu tay truyền dịch_dinh dưỡng_ vào cây Dầu mới thấy nhiệm màu cho cơ thể vàng son của cây Dầu đôi và sinh phần tâm linh nơi nó.

 

***

     

       Mà cũng chẳng có gì to tác, quan trọng cả đâu. Người Khánh Hoà đứng dưới bóng cây Dầu đôi cũng như người làng Đường Lâm ngoài Bắc đứng dưới bóng cây đa khổng lồ đầu làng kia, và rộng nữa là như bao làng người cổ ở đồng bằng Bắc Bộ thôi mà. Hành trình ta qua bao quê xứ, làng mạc, đô thị, trên đường cái quan... thi thoảng lại thấy những chứng tích của rừng như cây Dầu đôi, cây đa kia... May mà đó là những cây có sức sống siêu phàm, vượt qua được muôn thách thức để sừng sững làm "chứng nhân", chứ các đô thị tân thời, con người hiện đại vì kiêu ngạo mà quên mất cái "gen" núi rừng của mình.

 

       Người ta cư xử với đô thị hung hăng, nhưng với làng quê thì nhiều khi cũng giật mình, kiêng nể. Rừng có thể biệt xứ, đô thị có thể lấp đầy các quê xứ, bê tông có thể chế ngự từ mặt đất đến vòm trời, nhưng tên gọi về cây này, cây kia, nhắc về cái ký ức rừng, ký ức sinh thái nguyên bản... vẫn còn hiện hữu sừng sững ở khắp các nơi chốn, xứ sở nào trên đất nước này.  Làm sao chối bỏ được cái ký ức rừng, cái lý lịch hoang dã, khi từng nghe đây đó những cái tên kiểu: xóm cây Gạo, làng cây Gòn, dốc cây Si, đường cây Trâm, ngã ba Bằng Lăng, ngã tư cây Đa, bến xe cây Dứa, chợ cây Lim... Trung tâm thương mại lớn nhất của một Đà Nẵng hoa lệ ngày nay người ta vẫn cứ gọi "chợ Cồn", và ở Nha Trang là chợ Đầm đó sao... Tên cây hoang dã hay những gì liên quan tới rừng, trở thành tên quê xứ, nghe thấy khắp đó đây, từ tên đất, tên làng, đến tên phố. Mà riêng gì tên đất, tên người đâu, với người Việt, nguồn gốc cho họ tộc đều chẳng lấy gốc gác từ thảo mộc đó sao. Mà nào dừng ở họ tộc, chỉ cần đọc  thật vang lên một đám người nào bất kỳ xung quanh, ta nghe ra cả trời thảo mộc hay những gì thậm gần với thiên nhiên đó thôi: Trúc, Mai, Lan, Lài, Đào, Ly, Lâm, Liễu, Phượng, Quế, Trâm, Sơn, Giang, Quì, Hạnh, Trang, Lê, Mận... Thảo mộc thân thương, là dưỡng chất, là tâm linh.

 

      Riêng gì người Việt đâu, vòng đời con người, đến với trần gian từ thảo mộc và ra đi từ thảo mộc, trở về với thảo mộc, thành thảo mộc. Con người làm mất rừng, nhưng vẫn bám vào rừng. Không có hoang dã, loài động vật gọi là "Người" ấy, tựa vào đâu ! Những bài học đầu tiên cho một đứa trẻ bước vào mùa làm người, người ta dạy các em về cây cỏ, con vật... Đố sách giáo khoa nước nào, dù có văn minh đến mấy, cho dù có đi dạy bằng xe Lexus hay máy bay và ngồi học trong phòng máy điều hoà nhiệt độ, làm ngược lại điều ấy (!?).

 

 

THIÊNG

 

       

        Hành trình dọc ngang qua những nẻo đường đất nước, có phải tha nhân hay chọn đỗ xe dưới bóng những cây cổ thụ chơi vơi_ nếu còn_ kia. Mỗi cây rừng sót lại sừng sững kia là một sự cô đơn dữ dội của hoang dã, và là sự mạnh mẽ diệu kỳ của thiên nhiên khi chung sống với con người. Những cây rừng bạc phơ ấy tính bằng trăm năm, ngàn năm, lưu giữ và tiễn đưa từng tuổi thơ, tuổi xuân, đời người... Tha nhân có thấy sự êm ái trở về, thấy mát lành trên đầu và bình anh trong lòng dưới chút hoang dã mong manh ấy? Giữa một giờ nắng nóng hay sũng mưa, không phân biệt ở miền thôn trang hay phố hội, tha nhân sẽ chọn đâu để ẩn trú giữa vùng không gian trong và ngoài tàng cây? Ngay ở đô thị, Thị dân hàng ngày còn cảm thấy bình an dưới những hàng cây son phấn chỉn chu phượng, me, liễu, sữa, móng bò, ngọc lan... Còn người thôn trang, họ sẽ dừng chân ở đâu ngoài cây Đa, cây xoan, cây Gạo..., để lấy lại sức tiếp bước cho gánh hàng về làng, ra phố, hay trên những chiếc xe chở đầy nông sản... Đừng bao giờ hỏi mắc mớ gì con người ta lại cứ hay đưa nhau vào Thảo cầm viên, sở Thú...

 

***

      

       Vì vậy, tôi không ngỡ ngàng khi ngày nay, khi sự tàn bạo, lòng tham, vì sự sinh tồn khốc liệt thì người Tây Nguyên vẫn cứ chừa lại những cây nào có thể. Chẳng bao giờ người ta có khái niệm khai thác trắng một ngọn núi, dải rừng. Thói quen hồ đồ của người từ nơi khác đến đã bảo họ chính là những kẻ phá rừng vì nạn "phát nương làm rẫy". Mọi lớp người trên mặt đất này, không cắt xén đi những phần hoang dã ra_thiên nhiên_ thì lấy gì để mưu sinh. Và người Tây Nguyên cũng thế,  từng chỉ "lấy những gì vừa đủ để dùng, từ rừng", và rẫy nương chỉ là sự cắt lấy một mảnh từ rừng. Sự quay vòng của những cái rẫy sau 3, 5, 10, 15, 20 năm, cho thấy họ không bao giờ phá ồ ạt, phung phí, tham lam, tàn sát, hay thô bạo với rừng.  Họ chắc chiu rừng núi, coi rừng là nhà. Khi coi rừng là nhà thì ai lại sang bằng căn nhà của mình đâu. Một tình yêu thầm kín, nhưng sâu thăm thẳm, đi đến tận cùng.

 

       Tiêu biểu cho cuộc sống thượng tôn thiên nhiên là đồng bào cao nguyên này đây. Ngay cả khi khai thác một  miếng rẫy để trồng trọt, nhưng gặp những cây họ quan niệm nó cao cả, có thần, là người ta chừa lại. Chẳng khó để ta nhìn thấy những ngọn đồi trồng lúa rẫy luôn hiện tồn những cây Kơnia xanh thẫm che lấy sườn đồi buộc phải vì còn người mà thưa vắng thảm thực vật, những cây Pơlang trổ hoa đỏ chói giữa trời đất... Người ta có dại không khi không hạ sạch luôn cái cây kia để lòi thêm ra được một miếng đất, rẫy được thoáng đãng hơn?  Rừng nào có cây Đa thì né ra, không đụng rìu vào. Rừng nào đầu nguồn nước(con suối) thì kiêng giữ. Rừng nào có nhiều cây thuốc thì để dành. Có bao giờ người ta dám đụng vào rừng trên đỉnh núi đâu, vì đường sóng núi đấy chính là đường "thần" đi, mảng xanh che chở cái phần sườn núi, thung lũng dưới kia. Họ phân hoang dã ra làm nhiều cấp độ_loại rừng_, loại nào mới được "đụng" rìu vào. Họ thần thánh hoá những cánh rừng, thần linh hoá những ngọn núi. Nên cánh rừng nào cũng được gọi, con sông, ngọn suối nào cũng có tên, chứ đừng tưởng hoang dã mênh mông là mênh mông "không tên". Đỉnh núi mà rách thì núi sạt, khe lở, suối sông điên cuồng. Ngay cả người chết_chết tức thành cây rừng, rừng_ họ cũng có khu rừng dành riêng mà người sống bất luận thế nào cũng không  được đụng đến, cho dù mả đã "bỏ"(tức quên luôn con người đó từng có mặt trên mặt đất). Chết đi, là trở về, về với hoang dã_ mà dọn sạch hoang dã thì trở về với đâu ? Người cao nguyên bảo, sống mà không "sợ" trời đất chỉ có loài quỉ dữ, chứ không phải con người, là sống cuồng, là " không được đâu!". Cỏ cây cũng có tâm hồn, đất đai cũng có linh hồn, sông núi đều có "thần" trong đó.

 

      Nhà dân tộc học từ Pháp đến sống ở Tây Nguyên, từ hơn sáu mươi năm trước, như Jacques Douners đã đã từng khen sự khôn ngoan của họ khi sử dụng rừng: " Họ không có khái niệm tàn phá, phung phí rừng. Khai phá vừa đủ xài(trồng trọt), để người có cái để sống, rừng vẫn còn thiêng và cũng không để hoang dã chế ngự". Làng người họ sống là một phần của thiên nhiên, cũng thuộc về rừng nhưng là cái không gian chuyển tiếp nằm giữa rừng và thế giới hoang dã". Cắt đứt con người ra khỏi thiên nhiên là sẽ "điên loạn", mọi thứ sẽ rối tung, trắc trở, mất kiểm soát, hoá rồ(tác phẩm khảo cứu nổi tiếng"Rừng, đàn bà, điên loạn" của Jacquet Douners). Đừng bảo họ là đối tượng chính của "mất rừng", khi mà họ từng cúng từ cái bến nước, đến cái cây trên rừng. Hết rừng, thì chỉ còn chiếc cồng, chiếc chiêng chứ làm sao con " Không gian văn hoá cồng chiêng".

 

          Khi không coi cái gì là thiêng liêng thì người ta thường ít thuỷ chung, lạnh lùng và bạc nghĩa. Đến chúa tể rừng xanh như con Cọp theo qui luật tự nhiên trước lúc chết đều phải quay đầu về núi, nếu như không tìm được về hốc núi hoang liêu để gửi thân; con Voi sống đến 70-80 năm nhưng lúc tàn đời cũng quay về cánh rừng khộp xưa để chết mà. Phận Người, ngay sắc dân Việt, muôn đời cũng chẳng bảo ban nhau rằng "Lá rụng về cội", "về" với Quê cha đất tổ...

 

       

      Đất ngày càng chật, bởi người và lòng tham vô độ của người. Có phải vì vậy mà hoang dã không còn "đất" sống ? Quá trình hiện đại của con người là quá trình triệt tiêu hoang dã. Quá trình xa xỉ của con người là quá trình cướp đoạt những gì từ hoang dã. Sau khi đã bóc sạch những gì trên mặt đất, người ta sẽ lao vào đào xuống, đào sâu xuống để lục lọi, tìm lấy những gì có trong lòng đất. Khi con người sản xuất ra được những loại cưa máy có khả năng hạ sát cả chục hécta rừng nguyên sinh trong vòng một giờ là trí tuệ ư ? Chế tạo ra được những chiếc xe tải chở ba chục tấn gỗ đi dễ dàng trong địa hình đồi núi là năng lực, tiên tiến ư ? Cạo trọc những dải sơn lâm, phá sạch những cánh rừng là trình độ chinh phục thiên nhiên, là hiện đại ư ? Làm đảo lộn và biến mất những gì trên mặt đất và dưới lòng đất, trong tự nhiên, là "văn minh" ư ? Sáng chế ra được những quả tên lửa bắn liên lục địa, có thể vỡ toang một xứ sở, một nơi chốn, là tiên tiến, văn minh ? Đã đến lúc phải định nghĩa lại văn minh rồi.

 

***

     

       Sử dụng thông minh hoang dã, tài nguyên thiên nhiên mới là thông minh. Trình độ khoa học kỹ thuật của con người đang đi ngược lại với khát vọng văn minh, sống hoà thuật, bền vững với trời đất của con người. Hay nói khác, loài người đang ở một bước lùi về văn minh, trong tư cách là chủ nhân của mặt đất này. Gần 100 năm trước Claude Lévi - Strauss đã cảnh báo sự tụt lùi ấy với tình yêu thương và cảm thông trên mặt đất ở miền nhiệt đới, giữa sắc dân này với sắc dân kia, dân tộc này với dân tộc nọ, quốc gia này với quốc gia khác... trong tác phẩm cao cả "Nhiệt đới buồn". Chẳng có gì trên mặt đất này, dưới vòm trời này mà không có ích cho con người, không đáng yêu thương, ngoài sự huỷ diệt nó. Con người kết tinh từ bụi, và cỏ cây cũng vậy thôi.

        Hoang dã, rừng núi, cũng là da thịt của mặt đất, da thịt của con người.

 

***

      

       Tôi cứ đi qua những bóng cây hoang dã còn lại trên khắp quê hương. Tôi dừng lại để nghe nó thở, để nghe nó ru hời, và chụp hình với nó, như bao nhiêu người khác. Ngày nay, đây đó đã xuất hiện kiểu sống gọi là "trên hiện đại", người ta sống trong nhà lầu ngất ngưỡng bê tông, đi xe hơi siêu xa xỉ, dùng tiền từ cổ phiếu điện tử... nhưng lại tìm lên cao nguyên, xuống đồng bằng để "nhậu sinh thái", nghỉ ngơi sinh thái. Nhưng những bàn tiệc giữa bóng mát cây xanh hoang vu, giữa nắng gió phiêu bạt trên chiếc du thuyền trên biển..., nghĩa là những cảm giác hoang dã cuối cùng chỉ còn cho những người thiểu số tích tụ được tài vật sau khi bỏ quên hoang dã_thậm chí tiêu diệt hoang dã_được cơ hội trở về với hoang dã. Những đại gia ở các đô thị phồn hoa cũng  đã bắt đầu tìm lên cao nguyên để vét lấy những giọt hoang dã cả cuối cùng: mở trang trại, cất nhà bên suối, bên sông, bên rừng... mà tận hưởng sự êm dịu của Mẹ thiên nhiên. "Nhà bên suối" không còn là trạng thái sống tội nghiệp trước hoang dã nữa mà trở thành không gian sống xa xỉ. Nếu gọi đô thị Sài Gòn, Hà Nội là đô thị văn minh, thì " Ok văn minh", tạm cho thấ, nhưng nó không thể còn là xa xỉ. Xa xỉ khi bước tiếp một bước trên nữa, trên tiện ích hiện đại, là quay trở về với hoang dã, với vòng tay thiên nhiên, với sự hài hoà, với những gì thiên tạo, tấm lòng hồn hậu vĩnh cửu của thiên nhiên.

     

ẢO

 

        Từ chinh phục thiên nhiên, con người dường như đang chuyển sang giai đoạn trừng phạt thiên nhiên. Khi con người trừng phạt thiên nhiên, thì sẽ biết rồi đó, sẽ bị trừng phạt lại, ngàn vạn thảm hoạ, mà không chỉ thảm hoạ từ mặt đất, nó có thể giữa tầng không, ngoài trùng khơi, dưới lòng đất, và đến sự tương tác của các hành tinh khác sẽ đón chờ.

 

        Chưa quay về được với cây Dầu đôi ở Ngã 3 thành Diên Khánh vùng duyên hải, hay cây đa ở làng Việt cổ Đường Lâm nơi Bắc Việt. Tôi thường bảo những bác tài xe khách xuyên Tây Nguyên mở cửa xe ở lưng chừng con đèo Namka cho mọi người trên xe được ngắm, bởi biết đâu họ thoáng thấy an lành về những cây Pơlang, cây Kơnia đang trầm tư kia do những sắc dân thiểu số cao nguyên mà người miền xuôi thường cho là "lạc hậu" vẫn nghiên mình kính cẩn chừa lại khi dọn những mảng cây tạp bên dưới để trồng trọt suốt mấy chục năm rồi trên những rẫy nương đó. Người Tây Nguyên hình như họ "hiểu" thiên nhiên hơn ta, ứng xử với thiên nhiên khôn hơn ta rồi. Nhưng thiên nhiên miền Thượng cũng đang rạn vỡ thịt da.

 

      Chúng ta không hiểu thiên nhiên, có thể do loài chúng ta đã xa rừng quá lâu, do chúng ta tham lam hơn, ích kỷ hơn, hoặc do chúng ta tàn bạo hơn.

 

     Chúng ta, những người miền xuôi, có còn nhớ rừng ?

     "Khi loài thú xa nhau"(lời một bài hát của Lê Uyên Phương_nhạc sĩ/ ca sĩ Việt Nam) một là nó sẽ rất hung dữ, hai là nó sẽ vô cùng buồn. Có hung hãn đến mấy, thông minh đến mấy rồi con người cũng hoà vào thảo mộc, trở về hoang dã, với cõi mông lung vô định của vũ trụ, đến mức không còn thấy chút bóng dáng của mình từng hiện ra trên mặt đất kia.###

 

 

 

   

               

              (1).Cây cổ thụ này như quì xuống lạy con người, vì xung quanh nó mới chục năm trước còn là trùng điệp nguyên sinh ( Nguyễn Hàng Tình chụp ở Cao Nguyên M’Nông(Dak Nông).

 

 

               (2) Cây dầu Đôi ở Ngã Ba thành Diên Khánh dưới xứ duyên hải Khánh Hòa trên đường thiên lý Bắc Nam(ảnh Nguyễn Hàng Tình)

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 2291
Ngày đăng: 31.01.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nàng thơ tuyệt vời của cha tôi. - Yến Lan
Hạnh Phương - Nguyễn Đạt
Những kỷ niệm với Hàn Mặc Tử - Lâm Bích Thủy
Ngày Thu Đông Nằm Bệnh - Khuất Đẩu
Khó Quên - Lê Văn Thiện
Mùa Nông Dân Thiên Di - Nguyễn Hàng Tình
Cổ Tích Về Một Gia Đình “Đầu Bếp” - Trần Trung Sáng
“Chim Chèo Bẻo” Nơi Thượng Nguồn Sông Mã - Nguyễn Anh Tuấn
“Bài Hành Phương Nam” Của Dân Nhập Cư - Phạm Nga
Một Buổi Chiều Giữa Mùa Thu Thân Tình & Ấm Áp - Mang Viên Long
Cùng một tác giả