Sáu Tỏ đứng trên bờ, ngáp một cái thật dài rồi nhìn xuống ghe, nói trỏng: “Lui ghe bà con ơ… ơ… i… i!”. Cả tuần nay Sáu Tỏ “cơm ghe bè bạn” đi bán chợ hoa Tết, giấc ngủ chập chờn, mệt mỏi. Hôm nay là ngày cuối năm, anh phải về, cây kiểng còn bao nhiêu cũng chở về hết.
Phía sau ghe, anh Tám Son -nhà vườn hùn hạp với Sáu Tỏ chuyến nầy- vấn dây cước vô máy đuôi tôm, kéo mạnh. Tiếng máy nổ bất ngờ làm thằng Tí đang ngủ ngồi, đầu nghẻo vào mui ghe, giựt mình ngơ ngác. Sáu Tỏ bước xuống ghe đuổi thằng Tí vô trong nằm, rồi nhổ cây sào lên gát dọc thân ghe. Chiếc ghe có ba người với chừng một chục giỏ cây kiểng “bán hỏng hết”, nào Tắc, Cúc, Thược Dược, Cần Thăng, Kim Phát tài, Thiết Mộc Lan … hướng mũi ra dòng, trườn tới nhẹ nhàng.
Ngồi ở mũi ghe, Sáu Tỏ nhìn dòng sông sóng sánh ánh nắng trưa, rồi nhìn phố xá đang dần vắng vẻ với mấy con chim én chao mình giữa lộ, thở dài:
- Ba mươi Tết rồi. Nhà người ta lo rước ông bà, còn mình thì …
Mấy năm trước nhà vườn Cái Mơn của xứ Bến Tre khấm khá nhờ ươm cây, uốn dáng hoa kiểng, cuối năm đi bán chợ Tết Sài Gòn. Chợ hoa Nguyễn Huệ, chợ hoa công viên Hai Bà Trưng, chợ Nguyễn Tri Phương … luôn đủ mặt nhà vườn Cái Mơn. Năm nào cũng vậy, trưa ngày hăm mốt tháng chạp, gần một trăm ghe kiểng tụ tập ở sông Cái Mơn để cùng “lên thành phố”. Đúng mười một giờ, nước đã đầy sông, tiếng máy đuôi tôm đồng loạt nổ phành phành vang dậy chợ quê. Rồi thì có tiếng hô lớn “Đi bà con ơi!”, “Xuất quân”, “ Lên đường”… nghe hết sức nôn nao.
Trên bờ, vợ con của các chủ vườn, chủ ghe đứng hươu tay đưa tiển rất vui. Từng chiếc ghe rời bến, nối đuôi nhau chạy dọc sông Cái Mơn hướng ra vàm Mơn. Ngoài số nhà vườn chở cây kiểng bằng ghe máy, còn năm sáu nhà vườn khác lên đường ngày hôm sau bằng xe tải. Cộng tất cả lại, Cái Mơn có trên một trăm nhà vườn đi bán chợ Tết Sài Gòn.
Mấy năm nay, thu nhập của nhà vườn Cái Mơn coi mòi xuống dốc. Không có chiếc ghe nào trở mũi về vườn mà hết hàng nhẹ tênh. Ghe nào cũng còn vài chục giỏ hoa kiểng đem về “dưỡng lại”, chưa kể một số giỏ hoa bán rẻ không ai mua, phải bỏ. Mấy năm trước nhà vườn còn thuê người dưới quê theo phụ, mấy năm nay vợ theo, con theo phụ cho đỡ sở hụi. Nhưng, nói gì thì nói, năm nào nhà vườn Cái Mơn cũng đi bán chợ Tết, làm như mắc cái nghiệp! Đầu tháng chạp họ đã đi thành phố dọ giá mướn lô, rút thăm chọn lô, rồi quày quả trở về dặn ghe, hẹn nhau tụ hợp ở bến sông Cái Mơn đúng ngày, đúng giờ xuất phát. Tiền lời qua những ngày “gạo chợ, nước sông” không nhiều nhưng vợ con có được cái Tết tươm tất.
Xế trưa ghe qua kinh Nước mặn, về tới đất Cần Giuộc.
Gió chướng thổi mạnh xạc xào mấy nhánh dừa nước ven bờ. Gió chướng làm cho kẻ thương hồ thoáng chút bâng khuâng.
- Đổi tài Sáu Tỏ ơi! – Tiếng anh Tám Son chìm trong tiếng máy nổ. Thằng Tí không ngủ nữa, bò ra khều vai Sáu Tỏ. Sáu Tỏ liệng tàn thuốc xuống sông, đi lòm khòm ra sau lái. Sáu Tỏ lái ghe, Tám Son nghỉ một chút vì đường còn dài trong lúc thằng Tí làm nhiệm vụ của mình là nấu bữa cơm chiều đạm bạc.
Ngồi sau lái, Sáu Tỏ giữ tốc độ ghe ở mức trung bình vì phía sau có mấy chiếc ghe và phía trước cũng có chừng sáu chiếc đang hướng về miệt dưới. Sáu Tỏ biết đó là ghe Hai Nhơn, Năm Khôn, Bảy Tóp, Sáu Rép … đều là nhà vườn Cái Mơn trở về sau một tuần lễ sương nắng chốn thị thành.
Xuất phát từ Cái Mơn cùng một lúc, trở về thì lưa thưa nhưng đến đây mọi người cho ghe chạy chậm chờ nhau, để cùng qua Bao Ngạn vốn nhiều sóng lớn. Bao Ngạn hay Ba Ngạn là nơi nước sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và thủy triều từ ba hướng gom về. Đi vào chỗ ba dòng nước đổ vào nhau, có anh có em thấy an tâm hơn.
Qua khỏi Bao Ngạn là trời sụp tối.
Tám Son và thằng Tí ăn cơm xong thì anh Tám cầm lái cho Sáu Tỏ ăn cơm. Sáu Tỏ kẹp hai chấu cọc bình ắc-quy cho ngọn đèn trong lườn ghe tỏa sáng. Ánh sáng hắt ra mũi ghe có phần yếu ớt. Kệ. Sáu Tỏ lua lẹ chén cơm rồi ực phần nước trà đá cuối cùng trong ka.
Thằng Tí dọn mâm, tiện tay bóc miếng khô còn xót trong dĩa nhai rôm rốp.
- Một ly “xây chừng” đó nghen mậy! – Sáu Tỏ vỗ đầu Tí. Nó cười khoe hàm răng sún.
Đoàn ghe hoa kiểng chạy trong bóng đêm, hai bên bờ là đồng hoang cỏ dại nên cũng tối thui, chỉ có ánh đèn bình ắc-quy trên ghe chiếu xuống mặt sông lấp lánh. Nhìn từ xa, đoàn ghe hoa kiểng như một xóm nhà nghèo hiu quạnh, như một chuỗi hoa dài đang trôi trên sóng nước. Thỉnh thoảng có hàng đáy sông với mấy ngọn đèn dầu leo loét de ra giữa dòng. Đoàn ghe thong thả lướt trên những cuộn sóng lao xao quanh hàng cột đáy.
- Sắp tới Đèn Xanh! – Sáu Tỏ nói một mình, không nôn nao vì lộ trình đang rút ngắn. Đèn Xanh ở Gò Công Tây, thuộc tỉnh Tiền Giang. Qua khỏi Đèn Xanh là vào kinh Chợ Gạo. Năm nào cũng vậy, nhà vườn Cái Mơn và nhà vườn Mỹ Tho về đến khu thị tứ bên kinh Chợ Gạo, đều dừng lại để đón giao thừa.
Thằng Tí rửa chén dĩa xong ra ngồi trước mui với Sáu Tỏ. Tí là cháu của Sáu Tỏ, mười lăm tuổi, đang học nghề tỉa cây ghép nhánh với anh. Dịp bán chợ Tết, Sáu Tỏ cho nó đi Sài Gòn phụ bán, cũng là để đầu óc nó mở mang. Mới bảy ngày ở Sài Gòn mà thấy nó khác. Lanh hơn lúc ở quê.
- Sắp tới Chợ Gạo chưa cậu Sáu? – Tí hỏi.
- Còn xa! – Sáu Tỏ nói – Bộ mầy nhớ cháu gái bà Ba Mập hả?
Thằng Tí cười:
- Đâu có cậu! Con hỏi vậy để thức đón giao thừa.
- Hồi sáng dặn mầy mua nhang đèn, có mua hông?
- Có! Để ở trỏng. Con quên mua dưa hấu.
- Tới Chợ Gạo mua. Thiếu gì!
Trời đêm đầy sao. Đi trên con sông vắng vẻ, chung quanh rộng thoáng có thể nhìn thấy tỷ tỷ ngôi sao nhắp nháy từ trên cao xuống sát chân trời. Nhìn về phía trước, các ngôi sao có phần mờ đi bởi ánh sáng đèn từ dưới hắt lên. Chỗ đó là thành phố Mỹ Tho.
Thằng Tí vô trong ghe ngồi dựa đầu vào mui, ngủ quên hồi nào không hay. Cho tới lúc đoàn ghe hoa kiểng cặp bờ kinh Chợ Gạo, Sáu Tỏ khều, nó mới lồm cồm ngồi dậy.
Hai bên bờ kinh Chợ Gạo cảnh vật ồn ào, đèn sáng trưng. Mấy chục chiếc ghe lớn nhỏ neo đậu hai ba lớp dài trước quán cháo lòng của Bà Ba Mập.
Sáu Tỏ nói với anh Tám So:
- Ghé ăn cháo cái coi. Đói bụng lắm rồi!– Day sang thằng Tí, Sáu Tỏ nói- Mầy chạy mua hai trái dưa hấu, cúng giao thừa một trái, một trái đem về nhà.
Tí bước qua mui mấy chiếc ghe đậu bên trong, nhảy lên bờ.
Anh Tám So bày mâm cúng giao thừa gồm hai giỏ tắc để đầu mũi ghe, một chậu bon sai, ba chun nước, lon gạo đậy giấy báo làm lư hương. Còn trái dưa hấu nữa là đủ.
Sáu Tỏ lên bờ, đi thẳng đến quán cháo lòng. Quán rộng bằng hai ba căn nhà nhập lại, khách khứa khá đông toàn là nhà vườn Cái Mơn. Sáu Tỏ thấy đói bụng sém chảy nước miếng khi nhìn nồi cháo bốc khói, nhìn tủ kiếng với dĩa giò heo chất cao nghệu, dĩa lòng heo gồm tim, gan, cật, thú linh và mấy xâu phèo treo móc tòn ten. Trong quán, một hàng keo rượu thuốc các loại có màu cánh dán trong veo, ngâm rắn, cắc kè, bìm bịp đủ thứ…
- Dì Ba ơi cho hai dĩa lòng, một xị rượu rắn, ba tô cháo, một ka trà đá – Sáu Tỏ kêu đồ ăn một hơi – À… nửa gói Jet. Bi nhiêu hết thảy, trả tiền luôn.
Bà Ba chủ quán ngồi ở hàng cháo lanh tay múc cháo, lại hay hỏi:
- Bán hết cây kiểng hông? Năm nay coi bộ ai cũng rên quá. À… thằng nhỏ đi chung với cậu sao hổng thấy?
Nghe bà Ba hỏi thăm thằng Tí, Sáu Tỏ nghĩ bụng “Bà Ba chấm thằng Tí rồi”:
- Nó đi mua dưa hấu cúng giao thừa. À kìa. Nó tới kìa…
Thằng Tí mua dưa hấu đem lên ghe xong, trở xuống quán bà Ba phụ bưng đồ ăn với Sáu Tỏ. Thấy thằng Tí, bà Ba khen liền:
- Thằng nầy coi bộ sáng dạ đó cậu. Tui có đứa cháu gái cũng bằng tuổi nó. Hay là tui gã cháu gái tui cho …
Câu nói xã giao của bà Ba làm thằng Tí mắc cỡ. Nó lật đật bưng hai dĩa lòng làm hai chén nước mắm nghiêng nghiêng sém đổ. Phần còn lại nào cháo, rượu, nước đá được cháu gái bà Ba xếp lên mâm giao cho Sáu Tỏ. Sáu Tỏ bưng mâm đồ ăn nhìn con bé, cười một mình.
Quán thấy rộng nhưng chứa không hết khách thương hồ tụ về lúc giao thừa nên nhiều người bưng đồ ăn về ghe ngồi ăn cho mát. Ở mũi ghe mình, Sáu Tỏ và Tám So vừa nhậu vừa ăn cháo. Thằng Tí ăn cháo xong vỗ bụng, cười rồi lại ngáp.
Giữa khuya trời trong gió mát, sao trời thật nhiều. Mọi người đã vất vả mua bán cả tuần qua, bây giờ nhậu thôi, tạm gọi là “hưởng thụ”. Mâm nhậu giang hồ không ồn ào, mâm cúng giao thừa với đèn nhang, bông hoa, dưa hấu cũng lặng lẽ. Năm mới bước đến dịu dàng, êm ả làm sao.
Ăn uống xong, thằng Tí bưng mâm đựng tô chén dĩa lên bờ trả cho bà Ba, sẵn trả luôn số tô, dĩa mượn hôm từ Cái Mơn lên thành phố. Quán bà Ba Mập có cách gây tình cảm với khách rất đặc biệt, là số tô, dĩa ăn lúc giao thừa năm nay, vì lý do gì đó chưa kịp trả, thì tháng chạp năm sau chở cây kiểng lên Sài Gòn, ghé trả cũng được.
Đúng 1 giờ sáng, các ghe nhà vườn rời bến Chợ Gạo, gom mỗi nhóm chừng một chục chiếc, kéo máy mạnh, nhắm hướng Rạch Miễu lướt sóng. Qua sông Tiền rồi, họ chạy chậm lại cặp theo cù lao Rồng, cù lao Phụng để đi ngược xuống mỏm Hàm Luông hướng về vàm Mơn. Phải mất bốn tiếng đồng hồ sau khi vượt con sông lớn, đoàn ghe mới về tới đầu vàm. Lúc đó trời đã đâm mây ngang.
Sáu Tỏ giao lái cho Tám So, đi lần ra trước mũi, tay cầm hai thân chuối nhỏ đã được cột vào nhau. Anh bưng giỏ Cúc đặt lên hai thân chuối rồi cột lại thành chiếc bè con.
Tám So đưa mũi ghe sát vô doi đất đầu vàm, sau đó nhắc cần đuôi tôm lên cho ghe thả trớn. Sáu Tỏ đốt ba cây nhang cắm vào giỏ hoa, vái thầm rồi nhẹ tay thả giỏ hoa xuống sông. Thằng Tí xé bao giấy rắc những chiếc bánh nhỏ xuống dòng nước. Sóng xô giỏ hoa bập bềnh và cuốn mấy mẫu bánh trôi ngược ra xa.
Các ghe hoa kiểng về chung cũng dừng lại cúng hoa như vậy. Trong chốc lát, có nhiều giỏ hoa, nào Cúc, Thược dược, Kim phát tài… phập phều trên sóng.
Ở chỗ nầy, mùng 1 Tết năm Mậu Thân, có một cuộc giao tranh diễn ra làm nhiều người của hai bên bị chết. Lớp cha chú của Sáu Tỏ trước đây đi bán cây kiểng về đã cúng như vậy. Mấy năm nay Sáu Tỏ và anh em nhà vườn thấy có ý nghĩa, làm theo …
11-2012