Theo thư triệu tập Đại hội Hội Nhà Văn Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiều ngày 9 tháng 3, 27 anh chị em văn nghệ chúng tôi đã có mặt tại thành phố Long Xuyên.
Vui lắm. Mà cũng tiếc lắm. Thiếu vắng 6 nhà văn không có mặt. Cụ Trang Thế Hy, bậc lão trượng văn chương Nam Bộ không đến được. Rồi Nguyễn Bá, Lương Hiệu Vui, Phạm Trung Khâu, Nguyễn Bạch Dương, Lê Đình Bích. Toàn những hoàn cảnh khiến người có mặt tiếc hùi hụi. Mà thôi, cứ gặp được ai đến dự là mừng. Dăm ba cuốn sách tặng nhau. Toàn tác phẩm mới ra lò, thơm như tấm lòng bè bạn. Câu chuyện bên bàn tiệc gần hồ Nguyễn Du cứ muốn kéo dài ra mãi. Chợt nhớ Hữu Thỉnh, tôi bấm máy đưa cho anh Nguyễn Thanh. Từ ngàn trùng xa cách, nhà thơ “gió không phải là roi, anh không phải là chiều” gởi lời chúc sức khỏe tất cả chúng tôi, bày tỏ hy vọng sẽ được gặp chúng tôi trong một dịp gần đây nhất. Chỉ chừng đó cũng thấy Hà Nội gần lắm, yêu thương lắm.
Buổi làm việc đầu tiên tổ chức vào đêm mồng 9. Nhanh, gọn, tình cảm, chân thành và nồng ấm. Âu cũng là một nét tính cách của Nam Bộ. Những gì cần nói thêm, bàn bạc thêm, vẫn lại diễn ra trên bàn tiệc. Sôi nổi tới ồn ào. Cứ thẳng mực Tàu, uỵch tẹc với nhau những gì cần phải nói. Té ra văn chương Nam Bộ cũng bề bộn không biết bao nhiêu điều cần phải đề cập.
Ngày 10 tháng 3, Đại hội lần II chính thức làm việc tại hội trường Liên hiệp Công đoàn An Giang. Từ Bắc vào có các anh Cao Tiến Lê, Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Hoa, Đào Thắng, Nguyễn Thanh Minh, Đỗ Kim Cuông. Sau vài thủ tục nghi thức, nhà thơ Lê Chí, thay mặt Ban liên lạc văn học đồng bằng SCL, đọc báo cáo tổng kết “Văn học 5 năm đầu thế kỷ” của BCH Hội Nhà Văn. Hết thảy chúng tôi đều thở phào khi nghe “việc Quốc Hội thông qua Luật ngân sách, chính thức hóa việc cung cấp kinh phí thường xuyên cho các họat động văn học, nghệ thuật, các Hội chính trị xã hội nghề nghiệp, nâng mức tài trợ, đầu tư hàng năm cho các hoạt động sáng tạo, tạo nên sự phấn chấn về tinh thần và cải thiện một bước điều kiện làm việc của văn nghệ sĩ”. Từ niềm vui được khẳng định ấy, chúng tôi rất vui khi nghe BCH Hội nhận định “Xu hướng đa dạng hóa đề tài, chủ đề, phong cách, bút pháp cuốn hút niềm say mê của các nhà văn… Văn chương trở nên thật hơn cả trong việc miêu tả những khát vọng cao cả, những hành động anh hùng hay những dục vọng thầm kín bản năng của con người”. Từ những nhận định này, chắc chắn là tất cả chúng tôi đều rất vui, khi BCH Hội Nhà Văn khẳng định: “Ban liên lạc các nhà văn đồng bằng sông Cửu Long, xa nhất, nghèo nhất mà làm được nhiều việc nhất”. Chính từ nhận định này, phần hội thảo đã trở nên rất hào hứng, cởi mở.
Nhà văn lão Thành Anh Động cho rằng, BCH đã sinh ra Ban đại diện thì phải trao cho nó tứ cách pháp nhân để làm việc; nghĩa là phải có văn phòng, có cơ sở vật chất, và quan trọng hơn hết là phải có con dấu để giao dịch. Nhà văn Ngô Khắc Tài trăn trở về chuyện đi thực tế của các tác giả, bởi không đi thì làm sao tận mắt chứng kiến hiện thực đồ sộ của cả ba miền đất nước; đó là chưa kể hiện thực những điểm nóng trên thế giới. Phải chăng khu vực địa văn hóa văn chương ĐBSCL xa quá, nghèo quá, nên dễ bị bỏ quên trong nhiều việc. Rồi Nguyễn Lập Em bày tỏ bức xúc về việc các nhà văn sẽ có nguy cơ bị cắt báo văn, tạp chí văn. Phải chăng chúng ta nghèo tới mức không thể cung cấp kịp thời các thông tin văn nghệ đến từng tác giả. Nhà văn Hào Vũ đề cập đến những lĩnh vực lớn hơn của văn chương cả nước; và tất nhiên, anh cũng không khỏi không băn khoăn trước dòng chảy của trào lưu văn học hiện nay. Liệu BCH Hội có quá chăm lo cho sự yên ổn của mình và của Hội chăng? Làm sao để có một cú húych đủ mạnh cho văn học cả nước? Nhà văn Nguyễn Thanh bức xúc về việc trao giải thưởng và tặng thưởng của Hội Nhà Văn. Liệu có công bằng? Có đánh giá đúng mức sự cống hiến bằng tác phẩm của các tác giả trong cả nước? Nhiều lắm. Nhưng tựu trung, ai cũng mong muốn đồng bằng SCL sẽ có Ban đại diện đàng hoàng, các tác giả đồng bằng SCL sẽ được quan tâm hỗ trợ đúng mức, diện mạo văn học đồng bằng SCL sẽ có tờ văn nghệ riêng của mình.
Giờ nghỉ giải lao, anh chị em túm tụm thành từng nhóm. Lại vẫn quanh quẩn chuyện văn chương, sáng tác. Dường như đã là cái nghiệp, thì cứ hễ gặp nhau là bàn về nghề, về nghiệp. Rồi thì tự dưng, nhiều nhà văn tự động mở hầu bao đóng tiền Hội phí. Có ai ép đâu. Cũng chỉ là sự quan tâm đến nghĩa vụ của mình.
Bữa cơm chiều ngày 10/3, thoắt một cái, trở thành bữa tiệc văn nghệ. Anh Thảo bên Trung tâm Giáo dục – Bồi dưỡng chính trị, vác đến cây đàn ghi ta. Vậy là hát, là đọc thơ. Song Hảo hát. Anh Đào hát. Lập Em hát. Ngô Khắc Tài hát. Rồi cả Diệp Mai cũng trình làng ca khúc viết từ thời sinh viên của mình. Vui nhất là dàn đồng ca của tất cả các bàn tiệc. Hết tân nhạc tới cổ nhạc, rồi đọc thơ (có người hứng lên, đòi được hát vài chương tiểu thuyết). Bia sài Gòn bởi vậy trở nên mất giá trước rượu đế Long Xuyên tới thảm hại.
Qua ngày 11, Hội VHNT An Giang tổ chức cho anh chị em một chuyến đi thực tế quê lụa Tân Châu. Ngồi trên xe mà vẫn ồn ào chuyện văn nghệ của khu vực. Nhà thơ Lê Chí đã khẳng định được vị trí của tờ “Bông Sen” do anh đứng mũi chịu sào. Nay nếu có thêm tờ văn nghệ khu vực, dù là phụ trương của Văn nghệ Vệt Nam, thì chỗ đứng của nó sẽ thế nào? Nhân sự sẽ thế nào? Đồng bằng SCL đã có tờ báo điện tử của mình (vannghesongcuulong.org). Hàng loạt thông tin, hàng loạt tác phẩm, tác giả đã được đưa lên mạng. Hàng chục ngàn độc giả đã truy cập trang Web này. Vậy mà Ban liên lạc Hội Nhà Văn tại đồng bằng vãn cứ chông chênh chân đứng. ITI muốn tài trợ cũng không tài trợ được. Thiệt thòi cho văn chương khu vực là nhãn tiền.
Anh chị em chỉ tạm quên chuyện văn chương, văn học khi được đồn biên phòng cửa khẩu Sông Tiền làm thủ tục hải quan cho qua biên giới. Chỉ là một thoáng Kampuchia, nhưng chừng đó cũng là đủ lắm rồi. Khi trở lại văn phòng huyện ủy Tân Châu, không khí văn nghệ lại bùng sống dậy. Chủ nhà hát, các nhà văn hát. Hát về đồng bằng, hát về tính chất địa văn hóa đồng bằng đầy quyến rủ. Anh Trí, chủ cơ sở dệt lụa lớn nhất Tân Châu, sung sướng cho chúng tôi biết, từ lụa Mỹ A một thời danh tiếng với màu đen nhức mắt, đến nay lụa Tân Châu đã có bảy màu, đã có hoa văn, đã nâng khổ lụa lên chín tấc. Để chứng tỏ sức vượt lên của lụa Tân Châu, anh gởi tặng mỗi nhà văn một cái cà vạt. Cũng là chuyện văn chương cả đấy. Như cái chuyện đích thân anh Sáu Thạnh-P.Bí thư trực huyện ủy- dẫn chúng tôi đi thăm núi Nổi. Chẳng phải vì cái núi tự dưng nhô lên giữa ngút ngát đồng bằng phẳng lì tới choáng ngợp, mà bởi ở đây có quá nhiều chuyện về con người, về sự sống chết một thời, về sự trăn trở tìm đường đi lên trong hiện tại. Văn học đồng bằng bám rễ từ ruộng đồng sông rạch, nhưng vẫn muốn vươn lên ngang với tầm cao núi Cấm. Nhà văn Ngô Khắc tài nói đùa: Đồng bằng bằng trang những ruộng là ruộng, muốn tả cũng không có gì để tả, cùng lắm là điểm xuyết thêm mấy cánh cò, vậy là hết. Bởi thế, văn chương đồng bằng “mắc tật” không thích miêu tả dài dòng. Rồi anh cười: Thơ đồng bằng, văn đồng bằng, có lẽ cũng bằng bằng như đồng bằng vậy. Nhà thơ Lập Em níu vào câu nói vui ấy, lên tiếng: Sau kỳ Đại hội này, ta đổi tên văn học đồng bằng thành văn học châu thổ sông Cửu Long, đặng hy vọng có nhiều núi Cấm hơn trong văn học. Vẫn biết là nói đùa, nhưng rõ ràng điều này khiến ai cũng phải suy nghĩ.
Dẫu vui đến mấy rồi cũng phải chia tay. Buổi sáng ngày 12/3, tại nhà hàng Goal, chỉ còn Song Hảo, Anh Đào, Kim Ba, Vũ Hồng, Nguyên Tùng, Hồ Tĩnh Tâm, với ba nhà văn chủ nhà là Hồ Thanh Điền, Lập Em, Ngô Khắc Tài, vậy mà chuyện về văn học khu vực vẫn cứ rôm rả không dứt được. Cái tình với văn chương của vùng đất này là vậy đó.