Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.225.540
 
Tomas Transtromer: nhà thơ của rừng xanh – Dave Bonta
Cao Thu Cúc

 

Tôi vẫn đang đọc bản dich mới của tuyển tập thơ của Transtromer, nhà thơ lớn hiện đại của Thuỵ Điển - một người bạn tốt cho những sáng mùa đông lạnh lẽo. Tomas Transtromer không phải là một nhà thơ có nhiều tác phẩm, vì vậy có thể đưa trọn vẹn thành quả thơ của ông, cũng như một bài hồi ký bằng văn xuôi, vào trong một tập sách chỉ hơn 250 trang. Nhưng những bài thơ này thực sự đáng được đọc đi đọc lại và người ta không cảm thấy bị đánh lừa chút nào. Sự thật, như lời giới thiệu ở bìa sau quyển sách cho thấy, Transtromer đã được dịch ra 50 thứ tiếng, và“ có lẽ không có nhà thơ nào khác đã có sự hiện diện toàn cầu khi còn sống kể từ thời Pablo Neruda cho đến nay”. Tuy nhiên, sự so sánh này là một điều rất thú vị, vì Neruda đôi khi viết một năm nhiều bằng Transtromer viết suốt đời!

 

Thế giới quan của hai nhà thơ này cũng khác nhau xa. Sự chối bỏ tôn giáo của Neruda trái ngược với lòng ngưỡng mộ sâu xa của Transtromer( dù rất dè dặt) đối với sự thể nghiệm tâm linh. Nhưng một điều là thơ của họ có cùng điểm chung là kho từ ngữ phong phú đầy hình ảnh từ thế giới thiên nhiên. Cả hai đều là và đã là những nhà thiên nhiên học ngiệp dư đầy năng lực; trong tác phẩm của cả hai, những sinh vật không phải con người là những hiện hữu mà tự bản thân đáng được xử lý trong thơ; và cả hai người đã trải qua một phần đời ở trên đảo, nơi mà dường như họ xem như là cái nhà thật nhất của họ- đảo Isla Negra của Neruda, và Runmaro của Transtromer. Nhưng trong khi tôi có khuynh hướng nghĩ đến Neruda như một nhà thơ của biển và hải cảng người mà đôi khi cũng viết về rừng, tôi bắt đầu nghĩ đến Transtromer như một nhà thơ của rừng xanh, dù  khu rừng đó được biển Baltic bao quanh hay không, như trong một số ít bài thơ của ông đã viết.

 

Tôi không cảm thấy tôi đã dành đủ thì giờ cho bản dịch mới này để có thể dấn mình vào một bài phê bình văn học nghiêm túc, và dù sao, người ta cũng cần phải biết ngôn ngữ gốc nếu người ta muốn có thẫm quyền để tuyên bố bất cứ điều gì về một tác phẩm văn học. Đây chỉ là một bài đánh giá của một độc giả, một cơ hội để chia sẻ đôi điều trong những khám phá thích thú nhất của tôi từ quyển sách đó. Bản  Vấn Nạn Lớn của tôi đầy cả những mảnh giấy  đánh dấu-  thực sự là một rừng những mảnh giấy trắng nhỏ.

 

Cả hai bài thơ, bài đầu tiên và bài cuối cùng của tập sách, kéo dài suốt 50 năm, tập trung về hình tượng cây hoặc rừng. Ta hãy xem cách Tomas Transtromer đã bắt đầu bài Prelude ( Bài Mở Đầu), trong tập thơ 17 Bài Thơ của ông xuất bản lần đầu năm 1954:

 

          Thức dậy là một cuộc nhảy dù từ những giấc mơ.

           Thoát khỏi cơn cuồng phong ngạt thở du khách

            chìm vào vùng xanh của buổi sáng.

            Mọi vật sáng rực lên. Theo cách nhìn của một chú chim sơn ca đang            

                                                    run rẩy

             nó biết là có  những chùm rễ kếch xù của cây rừng

             những ngọn đèn bên dưới mặt đất của chúng đang đong đưa. Nhưng         

                                             trên mặt đất

            có cây lá xanh tươi- một cơn lũ nhiệt đới -

             với những cánh tay đưa lên cao, đang lắng nghe

             tiếng đập của một chiếc bơm vô hình.

 

Bài thơ cuối cùng trong tập sách, sáng tác năm 2004, là một bài hài cú:

 

                      Những Chú Chim Mang Hình Dáng Người

              Những chú chim mang hình dáng người.

              Những cây táo nở hoa.

              Vấn nạn lớn.    

 

Giữa hai bài thơ này, hình tượng về rừng mang nhiều hình thức khác nhau. Trong bài “ Những Ngôi Nhà Thuỵ Điển Đơn Độc”, rừng vừa là bối cảnh vừa là mái nhà nơi con người cư ngụ:“ Xa hơn nữa toà nhà cao đang bốc hơi giữa một khu rừng đang chết,” trong khi đó trong “ căn nhà trên một hòn đảo giữa một con sông,  Người ta đang đốt những tờ giấy bí mật của rừng “

 

Một số bài trong tập thơ Thiên Đường Dang Dở (1962) gồm những hình tượng về cây hay về rừng. Bài thơ “ Mặt Đối Mặt” bắt đầu “ Vào tháng hai sự sống như ngừng lại”, sau đó thêm vài dòng: “ Cây cối đứng quay lưng về phía tôi./ Tuyết dày được đo bằng những sợi rơm khô.” Bài thơ có 4 đoạn được gọi là “ Xuyên Qua Rừng” mô tả một cái đầm ở trong rừng. Đây là hai đoạn giữa:

 

Những kẻ khổng lồ yếu đuối đứng đan khít vào nhau

Gần nhau – vì vậy không gì có thể rơi.

Những cây phong gãy đang mục rã ở đó

trong một dáng thẳng đứng như một giáo điều.

 

Từ cuối khu rừng tôi hiện ra.

Trời sáng giữa những thân cây.

Trời mưa trên những mái nhà của tôi.

Tôi là một chiếc vòi rồng ghi nhận những ấn tượng.

 

Ngay trước bài thơ này là một bài bắt đầu bằng điệu hát của một con chim hét, con chim này có thể chỉ một con vật nào đó giống con chim lông xám ngực đỏ của Mỹ hơn là con chim hét ở trong rừng hay con chim hét sống đơn độc ( có lẽ những độc giả người Anh của tôi có thể nói cho tôi biết chăng?) nhưng tôi thích tưởng tượng một điều gì đó giống như là một chứng buồn lo thanh thoát của những con chim hét cô đơn. Đây là bài thơ trọn vẹn.

 

Tiếng Chuông Reo

Và con chim hét thổi điệu hát của nó lên những bộ xương của những người chết.

Chúng tôi đứng dưới một tàng cây và cảm thấy thời gian đang chìm xuống chìm xuống.

Nghĩa địa và sân trường gặp nhau và mở rộng hòa vào nhau như hai dòng nước trong biển cả.

 

Tiếng chuông nhà thờ vang lên theo gió bốn phương được mang đi bởi lực đẩy nhẹ nhàng của những chiếc máy bay không động cơ.

Để lại đằng sau một sự im lặng mạnh mẽ hơn trên trái đất

và những bước đi thầm lặng của cây, những bước đi thầm lặng của cây.

 

Tuyển tập tiếp theo của Transtromer, Những Cái Chuông và Những Đường Ray ( 1966) gồm có một bài thơ kỳ diệu được gọi là “ Những Công Thức Của Mùa Đông”( Winter ‘s Formulae), bài thơ gồm có 5 phần, đây là phần thứ tư :

 

Ba cây sồi đen đâm xuyên qua lớp tuyết.

Thô kệch, nhưng những ngón tay nhanh nhẹn.

Từ những cái chai khổng lồ của chúng

lá xanh sẽ bừng lên vào mùa xuân.

 

Phần 5 bắt đầu với một hình ảnh lớn khác , một hình ảnh thực sự gợi cho tôi nhớ đến vùng Bắc Âu.:

 

Chiếc xe buýt trườn đi xuyên qua buổi chiều tối mùa đông.

Nó sáng lên như một chiếc tàu  trong rừng cây vân sam

nơi đó con đường là một con kênh đào đã chết sâu và hẹp.

 

Nhìn Trong Bóng Tối, xuất bản lần đầu năm 1970, bắt đầu với một chủ đề tương tự: sự mất phương hướng mà người kể chuyện cảm thấy khi anh ta thức dậy trong chiếc xe, đậu dọc theo con đường “ dưới chòm cây” “ Tôi đang ở đâu? Tôi là ai? Tôi là một cái gì đó vừa thức dậy trong chiếc ghế phía sau, quằn quại trong nỗi sợ hãi như một con mèo trong cái bao.” Theo tôi, điều này lập lại niềm tin của người Châu Âu cổ đại về rừng, xem rừng là quê hương của thần sợ hãi.

 

Tuy nhiên trong hai bài thơ tiếp theo , hình tượng rừng có ý nghĩa vô hại hơn, thậm chí có tính cứu rỗi. Bài “ Một Vài Phút” nhắc chúng ta  rằng tàng lá “ của một cây thông trong cái đầm” không là gì cả so với những cái rễ, bộ rễ vươn rộng ra, trườn bò một cách bí ẩn, bất tử hoặc bán bất tử”. Đó là một sức mạnh nổi dậy giống như chúng ta cũng phải trở nên như vậy nếu chúng ta muốn sống sót:

 

Tôi anh cô ấy ông ấy cũng phải  rẻ qua một con đường khác.

Bên ngoài điều ta mong muốn.

Bên ngoài đô thị.

 

Trong bài “ Không Gian Thở Tháng Bảy’

 

Người đàn ông đang nằm ngửa dưới những cây cao kia

 cũng có mặt trên đó nữa. Anh ta tuôn chảy trong cả ngàn mầm cây,

đong đưa qua lại

anh ta ngồi trong một chiếc ghế phóng được bật ra bằng động tác chậm.

 

Trong tuyển tập Những Con Đường của Transtromer 1973, bài “ Xa Hơn” đua ra sự tương phản rõ ràng nhất giữa thành phố và rừng cho đến thời điểm đó. Bị kẹt trong dòng xe giờ cao điểm, người kể chuyện nói:

 

Tôi biết tôi phải đi xa

đi xuyên thẳng qua thành phố và rồi

xa hơn nữa cho đến lúc phải thoát ra

và bước  vào sâu trong rừng .

Bước đi theo những dấu chân của loài lửng.

Trời dần tối, khó mà nhìn thấy được.

 

Theo chiều hướng đó, ngay bài thơ tiếp theo, bài “ Tiền Đồn”, nhân vật đi ra ngoài cắm trại với vài người bạn không tên. Đây là một ví dụ điển hình- giống như phần trích dẫn trước, bắt đầu vài dòng sau đoạn giữa:

 

Nhiệm vụ: hiện diện nơi tôi đang có mặt.

Ngay cả trong vai trò lố bịch hoàn toàn nghiêm túc này-

tôi là nơi

tại đó sự sáng tạo đang giải quyết chính nó.

 

Hừng đông, những thân cây chen lấn nhau

 giờ đây rực rỡ lên,

những bông hoa mùa xuân bị tê cóng tạo thành một nhóm người tìm kiếm lặng lẽ

tìm một người nào đó đã biến mất trong bóng tối.

 

Tập thơ Rào Cản Sự Thật, xuất bản lần đầu năm 1978, gồm có hai bài thơ bằng văn xuôi  lấy bối cảnh từ rừng. Tôi biết tôi đã nói tôi sẽ không viết một bài phê bình văn học nào ở đây nhưng tôi không thể không lưu ý rằng trong tất cả những bài thơ này, sống trong rừng dường như là để gợi ra một sự đánh mất hiện sinh- một điều kiện tiên quyết có lẽ cần thiết cho một sự khám phá đích thực hay một sự cứu rỗi. Bài “ Khoảng Trống Trong Rừng” ( The Clearing)  (bắt đầu:

 

“ Sâu trong rừng có một khoảng trống bất ngờ mà chỉ có một người nào đó bị lạc đường mới có thể đến được.

 Khoảng trống  bị khép kín ở trong rừng đã bóp nghẹt chính nó. Những thân cây màu đen với rêu xanh tái của lớp địa y. Cây cối quấn chặt vào nhau và chết khô tới ngọn, ở đó vài cành xanh lẻ loi chạm tới ánh sáng. Bên dưới chúng: bóng tối phủ  lên bóng tối và cái đầm lớn dần lên.”

 

Bài thơ tiếp tục mô tả khoảng trống đó, nơi dường như  xưa kia là  một ngôi nhà, nhưng tôi bị bất ngờ bởi Transtromer và dịch giả của ông, Robin Fulton, gợi ra một cách tài tình một khu rừng phong gìa cỗi- điều mà người ta  cũng có thể trải nghiệm tại vài nơi ở vùng đông bắc nước Mỹ. Chúng thật sự rất tối và ẫm ướt, không có gì mọc dưới vòm lá ngoài lớp địa y dày đặc.

 

Bài thơ bằng văn xuôi khác, “ Một Chỗ Trong Rừng” (A Place In The Forest) bí ẩn hơn. Trong khi những bài thơ khác có thể dùng những ẩn dụ về rừng để mô tả con người hay cảnh quang của con người, thì ở đây, một điều trái ngược dường như đã xảy ra. Tôi thấy kết quả có tác dụng lớn lao vừa như một sự mô tả  sinh thái ,vừa như một sự gợi mở có tính cảm xúc và  tâm linh. Bài thơ ngắn đủ để trích dẫn toàn bài:

 

Trên đường đi đến đó có một đôi cánh hoảng sợ vỗ vào nhau- tất cả chỉ có thế. Bạn đi một mình. Một toà nhà cao gồm toàn những khe nứt, một toà nhà  cứ nghiêng mãi nhưng có thể không bao giờ đổ ập xuống. Ngàn ánh nắng trôi vào bên trong xuyên qua các kẻ nứt. Trong trò chơi này của ánh sáng , một luật đảo ngược về trọng lực đã chiến thắng: ngôi nhà được neo trên trời và bất cứ vật gì rơi cũng rơi ngược lên trên. Ở đó bạn có thể quay tròn. Ở đó bạn được phép buồn, bạn có thể dám đối mặt với vài sự thật xưa cũ được gói kín, cất trong kho chứa đồ. Những vai trò tôi đang chơi, tự trong đáy lòng, nổi lên, treo lơ lửng như những chiếc xương sọ khô trong gian phòng của tổ tiên trên một hòn đảo nhỏ nào đó ở vùng đảo Melanesia xa xôi hẻo lánh. Một cảm giác đặc biệt trẻ thơ bao quanh những chiếc cúp dễ sợ. Ở trong rừng thật là ấm áp dễ chịu.

 

Trong một bài thơ văn xuôi từ tuyển tập tiếp theo của Transtromer, tập thơ  Công Viên Chợ Hoang Dã, ngược lại, nhà và rừng ở trên hai cực đối lập nhau trên cùng một trục.

 

Đó là một đêm mặt trời rực sáng. Tôi đứng trong khu rừng rậm và dõi nhìn về phía ngôi nhà của tôi với những vách tường màu xanh mờ. Như thể là tôi vừa mới chết và đang nhìn ngôi nhà từ một góc độ mới.( Ngôi Nhà Xanh).

 

Bài thơ cuối cùng trong tuyển tập này, bài “ Đảo Molokai” mô tả việc từ  bìa của một khu rừng ở trong núi, nhìn xuống những mái nhà của trại người mắc bịnh phong, không có thì giờ để đi xuống và phải trở về trước khi trời tối.

 

“Vì vậy chúng tôi quay ngược xuyên qua rừng, bước đi giữa rừng cây với lá thông xanh dài.

Ở đây im lặng, giống như sự im lặng khi con diều hâu đến gần.

Đây là những khu rừng biết tha thứ tất cả nhưng lại không quên điều gì.”

 

Từ đầu bài tới giờ tôi đã nói về  rừng theo cách phê bình văn học cổ điển, nhưng những nhà thơ như Tomas Transtromer muốn nhấn mạnh những điều cụ thể: khu rừng này, khu rừng đang bóp nghẹt chính nó. Trong trò chơi này của ánh sáng. Những khu rừng này. Chúng ta hãy kết thúc với một bài thơ văn xuôi nữa, bài thơ phân biệt hai loại rừng khác nhau. Đây là bài thơ trích trong tuyển tập Người Sống Và Kẻ Chết xuất bản năm 1989.

 

Khúc Hát Madrigal

 

Tôi thừa kế một khu rừng tối đen nơi đó tôi ít khi đến. Nhưng sẽ có một ngày người sống và kẻ chết đổi chỗ cho nhau. Khu rừng sẽ bắt đầu chuyển động. Chúng ta không phải không có hy vọng. Những tội ác nghiêm trọng nhất sẽ không được giải quyết mặc cho những cố gắng của bao nhiêu cảnh sát. Cũng như thế, đâu đó trong đời sống của chúng ta, có một tình yêu lớn chưa được giải quyết. Tôi thừa kế một khu rừng tối đen nhưng hôm nay tôi đang bước đi trong một khu rừng khác, một khu rừng sáng. Tất cả mọi sinh vật đều ca hát, lắc lư, quay vòng, và trườn bò! Đây là mùa xuân và không khí rất trong lành. Tôi đã tốt nhgiệp từ một trường đại học quên lãng và tôi rỗng tay như một chiếc áo đang phơi trên dây.

 

A trường đại học quên lãng! Tôi nghĩ chính tôi lẽ ra đã có thể tham dự vài lớp học ở đó.

 

Cao Thu Cúc  dịch

Nguồn: Internet

 

CHÚ THÍCH của người dịch:

1.Pablo Neruda (1904- 1937) nhà thơ người Chilê, ông nhận được giải Nobel Văn Chương năm 1971.

2-Isla Negra là một vùng ven biển ở miền Trung Chilê. Pablo Neruda sống ở đó từ 1930 cho đến khi ông qua đời 1973.

3-Runmaro là một hòn đảo nằm trong quần đảo Stockholm  của Thuỵ điển. Stockholm là quần đảo lớn nhất của Thuỵ Điển và là quần đảo lớn thứ nhì của Biển Baltic.

4-Molokai:  một hòn đảo ở trong quần đảo Hawaii, nơi đó, vào thế kỷ xix, nhà cầm quyền đảo Hawaii tập trung những người mắc bịnh phong đến ở đó trong một làng dành riêng cho họ. Hiện nay không còn người mắc bịnh phong ở đây nữa.

5-Melanesia: một tiểu vùng của châu Đại Dương từ tây Thái Bình Dương đến biển Arafura và Đông Bắc Úc.

6-Madrigal: Một điệu hát dành cho một nhóm người, thường không dùng nhạc cụ, phổ biến ở Âu Châu vào thế kỷ xvi.

 

 

 

 

 

 

 

Cao Thu Cúc
Số lần đọc: 2065
Ngày đăng: 12.02.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tự lực văn đoàn trong cái nhìn của lý luận – phê bình văn học ở miền nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Hermes Trismegistos ( Trích tiểu luận triết học Scientia sacra) - Nguyễn Hồng Nhung
Đọc và fê-bình sein und zeit/ nguồn-sống và thờu-jan của Heidegger (tiếp theo October 2,2012) - Nguyễn Quỳnh USA
Trách nhiệm của thi nhân - Khổng Ðức
Tính chất tồn tại của tác phẩm - Khổng Ðức
Chân dung cái Đẹp (3) -phần 2 - Bùi Đức Hào
Sekina - Nguyễn Hồng Nhung
Chân dung cái Đẹp (3), phần 1 - Bùi Đức Hào
Luận về khái niệm Destruktion của Heidegger - Đặng Phùng Quân
DOSTOEVSKY Với HỒI KÝ VIẾT DƯỚI HẦM - Võ Công Liêm