’Tôi đã lỡ cuộc đời tôi như tôi đã lỡ tình tôi yêu em’
(A. Tchekhov)
1.
Xóm phố vừa thoát qua cơn mưa lớn, những bụi cây bên đường tơi tả, tiếng chim hót yếu ớt, có lẽ nặng đôi cánh ướt. Đèn đường tỏa yếu, con lộ nằm lõa thể, đất giữa lòng đường nhão quẹt vì mưa. Căn nhà của đám ’ăn chơi’ ụp trong bóng đêm, thu nhỏ lại. Thiết kế nội ngoại thất mang vóc dáng chùa miếu Á đông. Cửa gỗ chạm trổ công phu, đẩy cửa bước vào thấy ngay chiếc lồng đèn giấy màu máu treo chánh giữa căn nhà. Gian chính là nơi ẩm thực của gia chủ và thân nhân. Nền ván tre dát mỏng chạy suốt từ trước ra sau, màu vàng chanh, nền ván trải thảm hoa đặc lên một bàn gỗ thấp chân lùn màu đậm đen bóng láng có khảm xà-cừ, chuông vuông chừng thước tây, xung quanh bàn thả những chiếc gối lớn may bằng vải thô màu lam, màu nâu sậm, rải rác trên bàn đầy những ly chén trà rượu, kiểu thức là một trà thất; gió ở ngoài ào vào làm cho màn sáo chao động, vách bên hữu treo một bức thủy thái họa vẽ sen hồng, lộng kính trông trang nhã, dưới bức tranh kê một chiếc độc bình giả cổ tọa trên cái đôn đá đục theo dạng Champa, vách bên tả dàn dựng một hệ thống truyền hình và âm thanh hiện đại. Bài trí nội thất giản đơn mang tính chất trình diễn của người tu học. Thế mà trông đã choáng ngợp, Đông Tây lẫn lộn, khó mà có một tâm hồn thanh tịnh ở chốn nầy. Ngôi nhà đang đợi chủ về.
Khách nhân nhìn trời đêm, mát dịu sau cơn mưa, trên cao lấp lánh sao, bờ bụi nằm yên vì mới tắm mát, trước cổng nhà gia chủ cho trồng hai bụi lá ngà, đêm đục mà vẫn thấy được đường sóng của tre. Ngọn đèn đường cách khoảng chừng chục thước đổ xuống một thứ ánh sáng mệt mỏi, trông không vui. –nghe gì không? Ông đang đứng giữa bãi đời nhiễu nhương, một xã hội ruồi muỗi, cóc nhái tạp bà lù. – Không; tôi đang chờ một ngày mai tươi sáng hơn. – Không có đâu, thối tha lắm, về đi. –Không; tôi đến để thấy thực hư cuộc đời. Ôi! đời vốn u mê, ngu xuẩn sao lại muốn thấy? Bọn chúng là những con sâu mọt, ăn bám xã hội, có còn nhớ tác giả ’Quần đảo Gulag’ bị qui tội ăn bám xã hội mà cầm tù không? quên rồi sao! Nhưng bọn chúng vẫn thế, vẫn vô tội. Về đi!.
Khách nhân rùng mình đứng đợi xem cảnh đời có thực như thế không hay đây là chuyện thị phi làm xáo trộn tâm tư; nảy trong đầu câu thơ xa :
Em nhặt những tàn hoa rụng bỏ
Đắp vào đời qua mối tình si
Trăng nhấp nhô
Lá trong vườn uốn mình trên đá vỡ
Đợi đêm lên thân xác em
Làm tình
Căn nhà cổ ngập tiếng
Dã man!
2.
Lệ nằm sóng soải trên giường, chiếc áo ngủ mỏng để lộ đôi vú trắng nõn, trời chỉ cho Lệ cái vốn tầm thường, nhỏ nhen ấy mà đủ để sống giữa cảnh đời hỗn mang hôm nay. Nàng nghe tiếng lá bàng rơi ngoài cửa, mới nhớ ra là mùa thu, ở đây mùa thu chỉ đến với cây bàng lá đỏ, trái vàng chua chát, một đặc chất tự mãn của cây bàng và của Lệ. Nhưng trời lại chêm vô Lệ tiếng nói ngọt để đủ xoa diụ cuộc đời đang là những tảng đá lăn ngược. Nàng mỉm cười trong gương, bước vào buồng tắm nhìn lại châu thân, nguyên vẹn hình hài, không sức mẻ. Lệ đã có một cuộc tình lỡ dỡ sau chiến tranh nhưng không phải vì thế mà bỏ cuộc, nàng tự tin và đứng dậy trong cảnh khốn cùng. Có những lúc chơi vơi trước gió, ngáp gió để sống, nhờ thế mà làm quen được chốn đô hội, gần gũi với ngang trái, biết thế nào cửa quan, cửa dân, cuộn chung vào đám bụi mù. Phương chi; người xưa đã nói : ’một trăm lần nghe không bằng một lần thấy’ Huệ Năng cũng nói thế ’Sống để nhận thấy’ Lệ chua xót đời như chính mình chua xót. Nhưng Lệ chấp nhận để được an tâm.
- Cô là gái trinh nữ. Tôi mua cô. Đại gia nói.
Trong bóng tối mập mờ nàng cười những thằng người ngu xuẩn, chỉ biết lấy tiền người ta, ném tiền vào người ta, Lệ nghe những tiếng cười mọi rợ như những con vật cấu xé miếng mồi ở cõi ngoài kia ; Lệ đứng dậy, đổi một CD khác, lời nhạc tuôn ra, Lệ thấy mấy cái mồm đua nhau nhả khói, núc cạn, thở ì ạch, ôm đầm trong tiếng nhạc reo vui.
- Tôi không là gái trinh nữ. Ông đừng nghĩ thế. Ông nên giúp tôi hơn là mua tôi. Lệ nói.
Trong căn nhà của ‘trà thất dưới trăng thu’ đã đồng hóa không còn phẩm trật, không còn tình nghĩa, người ta đang dự ngày hội hóa trang. Khách nhân hóa trang hiệp sĩ của đất Phù Tang. Không ai nhận ra mặt thực. Lệ nhận ra từng nhân vật một dù dưới hình thức nào. Nàng hát bằng những giọt nước mắt khô. Nàng ôm bóng đêm để tự sát. Nàng uống bằng những hạt lệ nhòa. Lệ bỏ chạy và trốn vào bóng đêm giữa trời về sáng.
Trong căn nhà xây theo kiểu đền miếu toàn là chất liệu giả cổ, cái thời mà người ta yêu thích cái gì đã cũ ; ‘đau đớn thay phận đàn bà’ nhưng trong đám tạp nham đó không ai biết Lệ xuất xứ từ đâu. Bởi họ là những người chơi đồ sành sứ giả…không còn là ngoạn mục.
3.
Từ đó Lệ giải nghệ và đi về một nơi chốn xa xăm, để thấy lại mình qua những chặn đường đối diện với đời. Giờ đây Lệ không còn thanh tao như ngày xưa, nàng ngồi trên ghế xích đu nhìn về cuối chân trời, sợi tóc màu nâu dán lên gương mặt nàng như báo hiệu, Lệ ôm vòng ngực, gió phương Đông thổi tới nhẹ nhàng, phản mùi thơm của hoa cúc, hoa huệ, hoa trà, hoa lý mọc quanh khu vườn nàng đang ở. Không xa, nàng nghe rõ tiếng sóng vỗ của biển. Lệ bỗng nhớ khách nhân, hóa trang kiếm khách Phù Tang của bữa nào. Tên gì ? Ở đâu ? mà có mặt đêm hôm ấy. –tôi đã thấy rõ dung nhan người. Tại sao phải nhập chung trong đám bụi mờ ? Lệ hồi cố như một mong đợi bởi khách nhân, người có một cái gì khác lạ và lôi cuốn. Hình như khách nhân cũng là kẻ âm thầm và lẻ loi. Những gì Lệ nghĩ đều xa vời thực tế, không bao giờ có thực , nàng đốt ý nghĩ đó trong nỗi tuyệt vọng. Lệ thì thầm và nuốt vội dư âm :
… cứ mỗi tình yêu
lại có một con đường
để nhớ đêm đi qua một mình
sao chịu nổi
đời tình nhân làm khóc những ngôi sao (Đỗ Qúi Toàn)
Trọng ngồi một mình giữa buổi hoàng hôn nhớ về phương xa có một người mang tên Lệ
làm ca kỹ cho một hộp đêm nọ ở nơi mà Trọng sinh ra và lớn lên. Giờ đây chỉ còn lại trong tâm tưởng. Tính ra nàng bây giờ cũng sắp tới 40. Không biết nàng có nhớ đêm hóa trang của một người với trang y hiệp khách đất Phù Tang ?.
(ca.ab. cuối 1/2013)
TRANH VẼ : ‘Hoa Cúc Đen / Black Daisies’ Khổ 12’X16’ trên giấy bià cứng. Acrylics+Housepaint..vcl 2013.
Vcl# 3112013
Hoa Cúc Đen / Black Daisies