Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.336
 
Phiến sách ngày Xuân ngồi chấm câu
Chế Diễm Trâm

 

 

Ngày xuân có biết bao nguồn vui, niềm vui nhưng có lẽ vui nhất đối với người chữ nghĩa là “Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu” (Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bài 3). Dân tộc ta có cả một kho tàng thơ xuân vì hầu như nhà thơ nào, ít hay nhiều cũng có làm thơ xuân. Nguyễn Trãi cũng vậy, Nguyễn Trãi có cả “túi thơ” xuân cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.

Thơ chữ Hán Ức Trai về mùa xuân tuy không nhiều bằng mùa thu nhưng là những câu thơ đẹp vào loại bậc nhất trong thơ xuân của dân tộc:

            Độ đầu xuân thảo lục như yên

            Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên

            Dã kính hoang lương hành khách thiểu

            Cô châu trấn nhật các sa miên.

(Trại đầu xuân độ)

            (Đầu bến cỏ xuân xanh như khói

Lại thêm mưa xuân nước vỗ ngang trời

Đường ngoài nội vắng teo, không người đi

Thuyền côi suốt ngày gác đầu lên bãi mà ngủ.)

Một khung cảnh xuân bao la từ bầu trời đến mặt nước. Một bến đò xuân cỏ non xanh như khói, màn mưa xuân nhuần thấm, con đò gối bãi nằm cô đơn trong nhàn dật, mãn ý. 

Những ngày tháng Côn Sơn “canh nhàn điếu tịch” (cày nhàn câu vắng), mùa xuân có phần lặng lẽ, cô liêu, nhưng vượt lên trên nỗi buồn là sự tịch lặng để thụ cảm tất cả vẻ đẹp giản dị mà tinh khôi của hoa xoan dặt dìu nở trong tiếng cuốc than xuân hết và trong màn bụi mưa rây rây:

            Nhàn trung tận nhật bế thư trai

            Môn ngoại toàn vô tục khách lai

            Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão

            Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

 (Mộ xuân tức sự)

            (Cả ngày nhàn rỗi đóng cửa phòng sách

            Không có khách tục nào bước tới cửa

            Nghe tiếng cuốc kêu biết ngày xuân đã muộn

Một sân hoa xoan nở trong màn mưa bụi.)

Có thể nói, trong thơ trung đại, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện hoa xoan nở tím trong mưa phùn. Nó là thi ảnh xuất phát từ nguồn mỹ cảm của một triều quan thân dân. Nó khác xa với các loại hoa công thức, quan phương của mỹ học phong kiến. Với cốt cách, tâm hồn và tài năng của một nghệ sĩ lớn, mùa xuân được Nguyễn Trãi liên tưởng thật độc đáo và bất ngờ:

            Thử giang nhược biến vi xuân tửu

            Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.

(Thái Thạch hoài cổ)

            (Sông này nếu biến thành rượu xuân cả

Chỉ sợ trong lòng sông ông vẫn ngủ say.)

Nhớ Lý Bạch uống rượu say, nhìn sông hóa sông trăng nên trầm mình ôm trăng, Nguyễn Trãi khác với vị trích tiên, ông ao ước say sưa trong dòng sông rượu cho bao ưu phiền, cô quạnh sau những thăng trầm của cuộc đời tan biến hết. Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, cái cảm giác đeo đẳng là mùa xuân chất chứa nỗi buồn của một anh hùng cô thế, muốn lui về “câu xuân”, theo gương Phạm Lãi bỏ lại hết để ngao du Ngũ Hồ:

            Thế sự bất tri hà nhật liễu

            Biển chu quy điếu Ngũ Hồ xuân

(Mạn thành,1)

            (Việc đời không biết ngày nào xong

            Để một con thuyền nhỏ mà về câu xuân ở Ngũ Hồ.)

Cảm hứng xuân trong thơ chữ Hán Ức Trai giàu sức sống nhưng vẫn ẩn tàng nhiều tâm sự ẩn ức. Còn thơ Nôm viết về mùa xuân của Nguyễn Trãi căng tràn sức xuân và sống động xuân tình. Nhìn cảnh vật, thiên nhiên, mùa xuân qua lăng kính tuổi trẻ và tình yêu vừa là đặc điểm vừa là vẻ đẹp độc đáo, nhân văn của bút thơ quốc âm Nguyễn Trãi.

Tuy ông có “Răn sắc”: Sắc là giặc, đam làm chi nhưng lại hồ hởi khuyên con người ta biết tận hưởng mùa xuân, tận hưởng tuổi trẻ:

            Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân

 (Thơ tiếc cảnh, bài 6)

            Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm

(Thơ tiếc cảnh, bài 7)

Trong Thơ tiếc cảnh, nhiều lần tác giả Quốc âm thi tập tâm sự về thời gian và tuổi tác, đồng nghĩa với lòng yêu đời, yêu sống:

            Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc

            Đầu bạc xưa rày có thuở xanh.

 (Bài 4)

            Hỡi kẻ biên xanh chớ phụ người

            Thức xuân kể được mấy phen tươi?

(Bài 5)

Người nghệ sĩ đầu đã bạc nhắn nhe chàng thiếu niên tóc xanh (biên xanh): chớ nên cười ta kẻ bạc đầu bởi vì ta đã có một thuở tóc xanh, và mái tóc anh đến lúc nào đó sẽ không còn xanh mãi! Nói như thế, Nguyễn Trãi tự hào về “thuở xanh” của mình biết bao.

Điều đáng quý nhất của thơ xuân chữ Nôm Nguyễn Trãi là tuy vẫn có những ước lệ mai, lan, cúc, trúc, đào, liễu… nhưng ẩn chứa trong đó là cảm quan thẩm mỹ, quan trọng hơn là bản lĩnh cá nhân của một nho gia - thi sĩ. Ông cũng chọn hoa mai làm biểu tượng cho cốt cách thanh cao, tuyết sạch giá trong của bậc quân tử:

            Xuân đến cây nào chẳng tốt tươi

            Ưa vì mày tuyết sạch hơn người

            Gác đông ắt đã từng làm khách

            Há những Bô tiên kết bạn chơi.

 (Mai, bài 1)

Nhưng cái chính là nhà thơ kín đáo ký thác tâm sự thể hiện qua lối so sánh và dùng điển tích: bông mai “hơn người” nọ đã từng có thời ở “gác đông” – cửa quan – nhưng nay bất đắc dĩ về làm bạn với lão tiên Lâm Bô (một ẩn sĩ đời Tống, sớm hôm chỉ lấy việc trồng mai và nuôi hạc làm bầu bạn).

Trong Đào hoa thi, nhà thơ nói về hoa đào mà chính là nói về sự vận động, biến chuyển của sự sống:

            Tính kể chỉn còn ba tháng nữa,

            Kịp xuân mựa để má đào phai.

(Bài 4)

Hoa đào (má đào) biết mùa xuân chỉ có ba tháng nên đã kịp đến và không để sắc màu phôi pha trong những ngày tháng đẹp đẽ ấy. Đó là cảm thức về thời gian, sâu xa là ý thức cá nhân không muốn sống thờ ơ trong những ngày xuân của cuộc đời.

Trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, mùa xuân được cảm nhận rất sống động, đầy sự sống, sức sống :

            Đâu đâu cũng chịu lệnh đông quân

            Nào chốn nào, chăng gió xuân

            Huống lại vườn còn hoa trúc cũ

            Chồi thức tốt lạ mười phân

                                                            (Thơ tiếc cảnh, bài 13)

Mùa xuân xanh mơn mởn chồi non, vườn cũ hoa trúc còn đâm chồi nẩy lộc, huống chi là con người. Lòng người không khỏi rạo rực mỗi độ xuân về “Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn” (Thơ tiếc cảnh, bài 3).

Bài thơ Ba tiêu (Cây chuối) là một phiến thơ xuân phong tình hiếm thấy trong nền thơ trung đại dân tộc:

            Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

            Đầy buồng lạ, màu thâu đêm

            Tình thư một bức phong còn kín

            Gió nơi đâu gượng mở xem.

Cây chuối (khóm chuối) đón nhận sức sống mùa xuân ban cho, càng thêm tốt tươi, nó tỏa mùi hương suốt đêm, nõn lá chuối còn cuộn lại như một bức tình thư.

Trong thơ cổ điển Trung Quốc, đề tài ba tiêu – ba tiêu thu vũ, ba tiêu dạ vũ, vũ đả ba tiêu – xuất hiện khá nhiều để nói về mùa thu. Cây chuối thơ quốc âm Nguyễn Trãi là cây chuối mùa xuân. Đọc thơ xuân về cây chuối của Nguyễn Trãi không thể không nhớ đến bài thơ Vị triển ba tiêu (Lá chuối còn phong) của Tiền Hử đời Đường:

            Lãnh chúc vô yên lục lạp can

            Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn

            Nhất giam thư trát tàng hà sự

            Hội bị đông phong ám sách khan.

            (Ngọn nến lạnh không khói, thân nến màu xanh,

            Lòng thơm còn cuốn sợ giá rét mùa xuân

            Một phong thư ẩn giấu điều gì

            Rồi gió xuân lén mở ra xem thôi.)

Tiền Hử cũng nói về gió đông (gió mùa xuân) và cũng có hình tượng “tiêu thư”. Tuy thế, Tiền Hử chỉ ví nõn chuối là phong thư, Nguyễn Trãi cao tay hơn, sáng tạo một hình tượng không chỉ tuyệt đúng mà còn tuyệt lạ: nõn lá chuối là một phong thư tình. “Rất nhiều nhà thơ Trung Quốc đã so sánh đọt chuối non với phong thư rồi, hơn thế, những đọt chuối ấy đều đa tình, song gắn hẳn chữ “tình” và “thư”, dùng “tình” làm định ngữ cho “thư” thì quả là độc sáng của Nguyễn Trãi” (Nguyễn Khắc Phi)(1)

Cây chuối Nguyễn Trãi là cây chuối xuân – cây chuối tình. Bức tình thư rất nữ tính, e ấp, phong nhụy. Thủ pháp nhân cách hóa thật đắt, từ “gượng” không gì chính xác hơn. “Gượng không phải gượng gạo mà là gượng nhẹ, khẽ khàng” (Xuân Diệu)(2). Cơn gió đông phong đậm dương tính có thể làm nảy sinh niềm khao khát một tình yêu kín đáo, trong sáng. Còn bức tiêu thư lại là một sự mời gọi, một khát vọng dâng hiến. Hai câu thơ lục ngôn, nhất là câu ở vị trí kết bài rất hợp với bản chất của tình yêu là ẩn kín, giấu đi, không sỗ sàng. Sáu chữ thôi như một chút ngập ngừng, một chút tình tứ khó nói. Không phải thiên tài khó làm được như thế.

Nguyễn Trãi dành nhiều cảm hứng cho mùa xuân tạo thành một cụm đề tài phong phú, độc đáo, gồm nhiều tứ thơ đẹp, ý hay; thi ảnh nhìn chung được tiếp từ mạch sống của đời thực mà thi vị, gợi cảm; ngôn từ cô đúc, hàm súc mà sức biểu hình, biểu cảm cao. “Thơ đề vịnh mùa xuân của Nguyễn Trãi cổ điển mà vẫn hiện đại, quy phạm mà vẫn tao nhã, đi sâu vào lòng người” (Nguyễn Hữu Sơn)(3)

Trong 62 mùa xuân đời người Nguyễn Trãi - Ức Trai, có mấy mươi thức xuân thi sĩ giở phiến sách ngồi chấm câu làm nên một mảng thơ xuân bất diệt? 570 mùa xuân đã đến rồi đi kể từ ngày thi nhân rời bỏ trần gian này để đến một cõi xuân bất tuyệt. Đầu xuân, đọc thơ xuân Nguyễn Trãi, nhiều rưng rưng và cũng thật nhiều xốn xang. Học người xưa, học si tình mùa xuân: hãy thưởng xuân cho đến cái phút cuối cùng của đêm thứ chín mươi, trước khi hồi chuông dóng điểm ngày hạ đầu tiên:

            Cầm đuốc chơi đêm, này khách nói,

            Tiếng chuông chưa đóng, ắt còn xuân.

                                                                        (Vãn xuân)

 -----

(1) Nguyễn Khắc Phi – Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh – Nxb Giáo dục, 2004.

(2), (3) Nguyễn Hữu Sơn (tuyển chọn và giới thiệu) – Nguyễn Trãi, Về tác gia và tác phẩm  – Nxb Giáo dục, 2007. 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 4037
Ngày đăng: 17.02.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc và fê-bình sein und zeit/nguồn-sống và thời – jan của Heidegger (Tiếp theo January 1, 2013) - Nguyễn Quỳnh USA
Người muôn năm cũ - Trương Văn Dân
Lý thuyết và nguyên lý (Teoria) ( Trích tiểu luận triết học Patmosz.I) - Nguyễn Hồng Nhung
Tomas Transtromer: nhà thơ của rừng xanh – Dave Bonta - Cao Thu Cúc
Tự lực văn đoàn trong cái nhìn của lý luận – phê bình văn học ở miền nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Hermes Trismegistos ( Trích tiểu luận triết học Scientia sacra) - Nguyễn Hồng Nhung
Đọc và fê-bình sein und zeit/ nguồn-sống và thờu-jan của Heidegger (tiếp theo October 2,2012) - Nguyễn Quỳnh USA
Trách nhiệm của thi nhân - Khổng Ðức
Tính chất tồn tại của tác phẩm - Khổng Ðức
Chân dung cái Đẹp (3) -phần 2 - Bùi Đức Hào
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)