Nhà văn Dương Thành Vũ tên thật Dương Quang Việt, sinh năm 1951, Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, tác giả các tập sách: Đứa con Nguyệt Thực (tiểu thuyết, giải C Giải thưởng Văn học cố đô), Bên mái hiên đời (tập truyện), Truyện cổ nước Anh (dịch thuật), Khát vọng tình yêu của tôi (tập truyện)…Do mắc bệnh hiểm nghèo, anh vừa ra đi trong những ngày tháng giêng Quý Tỵ vừa qua.
Hồi những năm đầu thập niên 90, Dương Thành Vũ thường hay vào ra Đà Nẵng, để làm công tác in ấn, quảng bá tạp chí Sông Hương, khi anh đang làm một phần việc trị sự của tạp chí này. Cũng thời gian đó, chúng tôi bắt đầu quen biết anh qua một vài truyện ngắn in trên báo Quảng Nam Đà Nẵng cuối tuần. Rồi dần dần biết thêm chuyện đời, chuyện nghề… của chàng trai xứ Huế khá phong trần, lận đận, nhưng đầy khát vọng về giấc mộng văn chương.
Dù cầm bút hơi muộn, so với những người cùng thời, nhưng Dương Thành Vũ viết khá nhiều thể loại, viết đều, viết dài hơi. Phần lớn những tác phẩm của Vũ đều viết về thân phận, tình yêu, con người, đặc biệt đi sâu vào bối cảnh xã hội đất nước trong những năm đầu sau ngày giải phóng. Bằng giọng văn châm biếm, đôi khi cay nghiệt, những sáng tác của Vũ thường dựng nên một bức tranh mang sắc màu rối rắm, phức tạp…, khiến người đọc phải mang nhiều suy ngẫm.
Theo đánh giá của những nhà chuyên môn về văn xuôi Thừa Thiên Huế sau 1975, có một giai đoạn bị “lỗ hổng quá lớn đối với tiến trình phát triển nền văn học của một vùng đất thiêng” (*), do vậy, Dương Thành Vũ với loạt tác phẩm Đứa con nguyệt thực (tiểu thuyết), Mái hiên đời (tập truyện), Ngôi nhà có giàn hoa thiên lý (truyện dài), Cơn bão giao mùa (tiểu thuyết)…, hẳn rằng, một thời anh đã để lại những đóng góp khá ấn tượng trong mảng văn xuôi của đất thần kinh.
Trong số những tập sách của Dương Thành Vũ, có những quyển từng gây nên tranh cải (Đứa con nguyệt thực), hoặc được trích in trong nhiều tuyển tập trong và ngoài nước, song với tôi, tập sách thú vị và gắn nhiều kỷ niệm, đó là tập truyện Mái hiên đời. Đây là tập truyện bao gồm phần lớn những truyện ngắn đầu tay của Dương Thành Vũ.
Đáng nhớ nhất của tập truyện này vẫn là truyện Mái hiên đời (còn gọi là Mưa Huế). Mở đầu truyện, tác giả diễn tả cơ ngơi của gã bán sách vỉa hè là một hình ảnh sống động : “…Sếch-xpia đè gáy lên Ta-go; Ta-go đè lên Gớt; Gớt đè lên Động cơ Đi-ê-zen; Động cơ Đi-ê-zen đè lên Lịch sử văn minh đông phương; Lịch sử văn minh đông phương đè lên Triết học hiện sinh; Triết học hiện sinh đè lên Bồ Đề Đạt Ma; Bồ Đề Đạt Ma đè lên Kỹ thuật cắt may; Kỹ thuật cắt may đè lên Thần thoại Hy Lạp…”. Cứ như thế, tác giả nhẩn dẫn người đọc đến thế giới “những công dân kiếm sống ở vỉa hè” trên đất cô đô. Nơi hầu hết là những con người dễ mến. Từ bà bán xôi hiền lành xuề xòa, đến anh sửa xe đạp lù đù quê mùa mà có cô vợ xinh đáo để, rồi bà bán bánh ướt thì chúa nói tục….Trong những ngày bán buôn ế ẩm, gã bán sách gặp một ông bác sĩ bước đến chăm chú nhìn vào cuốn sách: Bệnh ung thư do nhiễm độc đi-ô-xin, viết bằng tiếng Pháp, song lại không có tiền mua. Những bốn trăm! Nghĩa là bằng hai tháng lương của một bác sĩ! (thời bao cấp). Cuối cùng, sau mấy lần ông bác sĩ lui tới, gã bán sách đưa ra giải pháp, cho ông ta muợn về bao giờ dùng xong trả lại, khi hiểu ra, chính vợ bác sĩ là người bị bệnh ung thư, nhiễm chất dioxin thời chiến tranh. Cái kết truyện thật đẹp. Vợ bác sĩ lành bệnh và đã cho ra một đứa bé bình thường (không mang di chứng dioxin).
Ở truyện Anh Tư măng-đô-lin, kể chuyện về một anh chàng “ truy cái gì là truy tới nơi, chịu cái gì là chịu hết mình, dám đem cả cuộc đời ra chơi xả láng”, vì mê một cô đào gánh cải lương, nên bỏ nhà theo đoàn hát xin làm nhân viên lao công, sau tự học trở thành tay măng-đô-lon xuất sắc của đoàn, làm kép hát. Đùng một cái bị cô đào bỏ rơi, anh ta về lại quê dựng chòi thả lưới giăng câu. Rồi theo cách mạng. Sau mọi thứ thăng trầm tác giả gặp lại anh Tư, và chỉ thấy anh là một con người tốt bụng, khéo tay, chẳng thích bàn chuyện chính trị hay chuyện áp phe…
Với Thiên đường phàm tục, tác giả dựng lại bối cảnh của đội khai thác vật liệu và chuẩn bị mặt bằng xây dựng thị trấn ở một vùng huyện lỵ. Đội này gồm mấy chục mạng đủ thành phần lý lịch đa đoan và thực ra hằng ngày đang phải lao động trên một bãi đất đầy những vũ khí chế người còn để lại sau chiến tranh. Trong cái “thiên đường” đó là bao nhiêu tình huống giằng xé, mà cho đến mười mấy năm sau với những biến động sâu sắc của xã hội, tác giả vẫn không hết băn khoăn.
Những truyện khác như Hai chàng nghệ sĩ, Lang thang trong đêm, Cái tivi 21 inch…cũng là nhưng truyện ngắn gần như là tự sự, định hình khá rõ phong cách của Dương Thành Vũ, vừa nghệ sĩ dễ thương, vừa chua cay, sâu sắc…
Cách đây không lâu, Dương Thành Vũ từ Huế vào dựng chiếc xe gắn máy cũ mềm trước quán cà phê nhóm thân hữu chúng tôi thường ngồi. Anh khoe, anh sẽ chạy bằng chiếc xe này ngang qua các tỉnh thành, đến tận Tiền Giang để thăm bạn bè, sau đó về sẽ ra mắt một tác phẩm đắc ý mới nhất. Tiếc thay, lần ấy, tôi quên mất chưa hỏi tên sách là gì…thì giờ đây “Mưa Huế” đã xa…./.
(*)Tuyển tập 30 năm văn học Thừa Thiên- Huế - NXB Thuận Hóa Huế tháng 7/ 2008
Ảnh: 1/Nhà văn Dương Thành Vũ
2/ Mái Hiên đời