Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.572
 
Nguồn cội
Nguyễn An Bình

    

 

     Từ lâu trong đầu óc của hắn không còn có chút  khái niệm gì về quá khứ, một quá khứ mà những người như hắn xem đó là một ký ức đau buồn cần phải quên đi. Lúc đầu nó như một màn sương mỏng mà hắn còn cảm nhận lờ mờ sự việc, nhưng từ từ  theo thời gian nó tích tụ ngày càng dày thêm  và cuối cùng thì đặc quánh lại mà hầu như  không có  vật gì có thể xuyên qua nổi, cho đến một ngày người cha nuôi Mỹ nhân từ của hắn trước khi qua đời đã kêu hắn lại nói:

 

   - Con trai à, ta có điều nầy muốn nói với con mà từ lâu ta giữ mãi trong lòng.Con không phải con ruột của ta, điều nầy con cũng đã biết nhưng con chưa bao giờ hỏi ta con là ai, từ đâu đến, và tại sao gia đình ta lại nhận con là con nuôi? Nhưng ta nghĩ con được quyền biết vì ai cũng có gốc gác, nguồn cội của mình.

   Hắn im lặng không nói, hắn suy nghĩ không biết người cha nuôi Mỹ muốn nói điều gì với hắn, nguồn cội của hắn ư ? từ lâu hắn không còn nhớ tới.Biết để làm gì? Có ích gì trong cuộc sống hiện tại của hắn? Người cha Mỹ im lặng hồi lâu, nói tiếp giọng buồn bã:

    -Ta nhận con từ hội chữ thập đỏ, họ đưa con từ Việt Nam trong chiến dịch Babylift, đó là chiến dịch đưa các cô nhi Việt Nam ra nước ngoài trước khi Sài Gòn thất thủ,lúc đó con 7,8 tuổi gì đó. Ta từng là  một người lính  tham chiến ở Việt Nam, ta biết đất nước con là một đất nước tươi đẹp nhưng bị chiến tranh tàn phá,tan nát, nên ta nhận con về nuôi là một điều dễ hiểu, ta cảm thấy có lỗi với đất nước con và ta muốn chuộc lại lỗi lầm đó trong quá khứ.

 

    Sau khi người cha nuôi Mỹ mất, một thời gian dài tâm trạng hắn không còn được yên ắng như trước, luôn bị giằng co giữa quá khứ và hiện tại, đôi lúc nó còn len tận vào trong giấc ngủ của hắn. Khi được đưa về Mỹ hắn đã có một cuộc sống êm ả, được gia đình người cha nuôi Mỹ yêu thương, chăm sóc, anh em trong gia đình không định kiến. Hắn tốt nghiệp đại học, vào làm trong một công ty hóa chất lớn, lương bổng ổn định, cuộc sống trôi qua một cách bình lặng như bao nhiêu người dân Mỹ khác, thì quá khứ lại bị đào xới lên, những ngày tháng thơ ấu đau khổ,kinh hoàng khi chạy loạn,trong cô nhi viện dần hiện lên trong trí nhớ của hắn mà hắn tưởng đã quên đi từ lâu, cuối cùng hắn nghiệm ra rằng phải đối diện với thực tế, không trốn chạy nó nữa thì mới giải quyết vấn đề một cách rốt ráo được.

 

     Hắn lên mạng tìm hiểu những thông tin về giai đoạn mà hắn được đưa khỏi Việt Nam. Hắn là một trong khoảng 3.300 trẻ em mồ côi rời khỏi một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh trong một chiến dịch mà thời sự lúc bấy giờ gọi là chiến dịch Babylift(chiến dịch không vận cô nhi) được khởi động trong khoảng thời gian từ 3-26 tháng tư năm 1975. Những đứa trẻ nầy(trong đó có hắn) được đưa đến Hoa Kỳ,Pháp, Úc, Canada…và chúng được nhận nuôi bởi nhiều gia đình trên khắp thế giới. Hắn gởi thư đến hội chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện, nói chung là tất cả những tổ chức nào có thể tìm được những thông tin về quá khứ của hắn, sau rốt hắn tìm đến tổ chức Operation Reunite, một tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ, đã và đang giúp đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh, đặc biệt là các trẻ em từng bị đưa ra khỏi Việt Nam trong chiến dịch “Operation Babylift”.Thư đi thư lại nhiều lần, từ những thông tin mơ hồ, ít ỏi  mà hắn cung cấp cho họ, hắn biết được người đưa hắn vào cô nhi viện ở Thủ Đức vào những ngày gần kết thúc chiến tranh Việt Nam là một sĩ quan miền Nam tên Lê Văn Sáu, ông ta nói trên đường di tản khỏi Nha Trang đã gặp hắn trên đường và đã đem hắn theo. Ông ta  hứa có điều kiện sẽ trở lại đón hắn và điều đó đã không xảy ra, hắn được đưa khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng 4, không biết thời gian sau đó ông ta có trở lại tìm hắn không thì hắn không biết.Qua tổ chức Operation Reunite hắn đã tìm và kết nối lại được rất nhiều người ngày xưa là những đứa trẻ bị đưa ra khỏi Việt Nam như hắn, họ trao đổi thông tin với nhau những điều mà họ biết được về hoàn cảnh quá khứ của nhau với hy vọng tìm được thân nhân bị thất lạc, vô hình chung Operation Reunite trở thành một cộng đồng kết nối mọi người cùng chia sẻ và giúp đở lẫn nhau tìm kiếm về gia đình của mình.

 

         Mấy năm trước tổ chức nầy đã làm một chuyến đi đưa hắn và các bạn hắn về thăm Việt Nam cũng vào một ngày cuối tháng tư sau hơn ba mươi  mấy năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Một chuyến đi đã để lại trong tâm trí hắn một ấn tượng vô cùng sâu sắc khó phai. Những người tham gia chuyến đi tìm về nguồn cội có các buổi học tiếng mẹ đẻ, viếng thăm viện mồ côi, bảo tàng chứng tích chiến tranh…Hắn cũng có dịp trở về thăm viện mồ côi nơi mà ba mươi mấy năm về trước người ta đã đưa hắn đi.Hắn hỏi thăm người quản lý hồ sơ về những đứa trẻ giai đoạn đó nhưng cũng không có thông tin gì mới hơn mà tổ chức Operation Reunite đã cung cấp cho hắn. Hắn hỏi thăm họ xem người sĩ quan miền Nam ấy có trở lại tìm hắn không nhưng họ lắc đầu. Họ lý giải thêm cho hắn hiểu thời cuộc lúc bấy giờ lộn xộn lắm không biết người lính ấy còn sống hay đã chết rồi không biết chừng. Thôi cũng đành vậy, sợi chỉ tìm về quá khứ của hắn đến đây bị đứt đoạn.

 

     Về Mỹ hắn trở lại với công việc thường nhật của mình.Một hôm đi làm về hắn cảm thấy cổ họng mình bị đau rát dữ dội, miệng khô khốc khó chịu. Hắn đến gặp bác sĩ gia đình,nhờ giới thiệu đến một bệnh viện chuyên khoa để chữa trị. Ông ta nghe hắn trình bày rồi viết giấy giới thiệu. Hắn điện đến bệnh viện, người ta cho hắn một cái hẹn. Hắn đến rất đúng giờ, nhưng cũng phải ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ nữa vì bệnh nhân hôm ấy quá đông, sau cùng hắn cũng được gọi vào.Người bác sĩ khám cho hắn  có nét dáng dấp của người châu Á như Việt Nam hay Trung Quốc gì đó như hắn. Anh ta nói tiếng Mỹ khá sõi. Sau khi kiểm tra, người bác sĩ nói hắn không sao đâu chỉ bị dị ứng bởi một hóa chất mới nhập vào kho mà hắn vô tình hít phải, nhưng để chắc ăn hơn phải làm thêm một vài xét nghiệm nữa. Người bác sĩ nhìn hắn, ánh mắt chợt dừng lại một vết sẹo kéo dài từ gò má đến xuống tận cổ bên trái, anh ta hỏi hắn :

  -Vết sẹo nầy anh bị lâu chưa?

  -Lâu rồi, lúc còn rất nhỏ.

  -Anh là người Việt Nam?

  -Sao bác sĩ biết?

  Người bác sĩ nhìn vào hồ sơ bệnh án, cái tên Nguyễn Hiếu Trung ghi rõ trên đó, anh ta biết mình hỏi hơi thừa.Im lặng một chút, anh ta hỏi tiếp:

  -Anh qua Mỹ lúc nào?  

  -1975.

Người bác sĩ đột nhiên  nói:

  -Trong chiến dịch Babylift ?

Hắn ngạc nhiên, một lần nữa hắn lại hỏi:

  -Sao bác sĩ biết?

Người bác sĩ không trả lời mà nói tiếp:

  -Anh ở viện mồ côi Thủ Đức khi còn ở Việt Nam phải không?

Hắn há hốc miệng chưa biết nói gì thì anh ta lại nói:

  -Tôi biết anh.Nhờ vào vết sẹo trên cổ của anh, chính ba tôi đã gởi anh vào đó.

  Như có một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng, mồ hôi trong tay hắn rịn ra, thì ra cái người nắm được thông tin về cuộc đời hắn, về cái quá khứ không lấy gì vui của hắn đang ở đây.Vậy mà hắn phải chạy lòng vòng tìm kiếm khắp nơi, phải bay nửa vòng trái đất về Việt Nam để tìm kiếm,hắn nói mà giọng lắp bắp :

  -Ba bác sĩ là…

  -Ba tôi tên Lê Văn Sáu, một sĩ quan trong chế độ cũ.Trên đường di tản khỏi Nha Trang, ông ấy đã gặp anh trên đường đi và đưa anh về Sài Gòn.

 -Ông ấy còn sống không? Tôi có thể gặp ông ấy được chứ?

Người bác sĩ lắc đầu:

 -Ở đây thì không được. Ba tôi đã hồi hương về Việt Nam từ hai năm nay rồi. Ông than ở bên đây buồn quá, mà anh cũng biết ở bên nầy ai cũng bận bịu cả không có thời gian nhiều để thăm viếng thường xuyên đâu. Ở Việt Nam còn có người quen qua lại có lẽ làm ông ấy vui hơn.Tôi nghĩ ông ấy có quyết định đúng.

  Hắn có vẻ thất vọng nhưng trong lòng hắn vẫn vui vì biết được thông tin về người hắn muốn tìm kiếm, biết đâu hắn còn cha mẹ,anh em gì đó.Hắn hỏi người bác sĩ:

  -Bác sĩ có thể cho tôi xin địa chỉ, số điện thoại của ông ấy ở Việt Nam được không?

  -Hẳn nhiên rồi.Tôi cũng mong anh gặp lại ba tôi, có lẽ ông ấy sẽ rất vui khi gặp lại anh, biết chừng anh sẽ có những thông tin gì đó mà anh cần biết.

  Hắn bắt tay người bác sĩ,nói cám ơn rồi ra về.Hắn còn đến bệnh viện một vài lần nữa để làm một số xét nghiệm cần thiết nhưng không lần nào gặp lại người bác sĩ đó một lần nữa và hắn quyết định xin nghỉ phép để về Việt Nam.

  *

  Hắn choàng tỉnh giấc khi cô tiếp viên hàng không một lần nữa nhắc nhở hành khách trên loa phát thanh máy bay sắp hạ cánh, thắt chặt dây an toàn, kiểm tra lại hành lý.Hắn nhìn ra khung cửa sổ máy bay.Trời trong xanh không một chút mây,hắn thầm nhủ thời tiết thật đẹp, nhìn đồng hồ :4giờ kém 10 phút.Thời gian thật chính xác. Lần nầy hắn về Việt Nam chỉ quá cảnh một lần ở Nhật Bản mất ba tiếng rồi bay thẳng chẳng bù với lần trước,thời gian quá cảnh dài lê thê.

   Xuống sân bay hắn đón taxi, ban đầu hắn định bảo người tài xế lái về khách sạn mà hắn đã đặt chỗ trước qua mạng, nhưng nhìn đồng hồ hắn lại thay đổi ý định.Hắn đưa tờ giấy ghi địa chỉ nhờ người tài xế chạy đến đó. Xe chạy theo đường Trường Sơn vào thành phố, hắn nhìn dòng người xe  di chuyển trên đường phố một cách hối hả không còn thấy dấu vết của một thành phố thời chiến tranh, nhiều cao ốc mọc lên trên đường xe chạy làm bộ mặt thành phố khác hẳn so với ba năm trước trong lần đầu tiên hắn trở lại Việt Nam. Ngôi nhà người đàn ông mà hắn muốn tìm kiếm nằm trong một ngách nhỏ trên một con đường lớn  ở Bình Thạnh nên tương đối yên tĩnh,có hàng rào phía sau là một khu đất tương đối rộng trồng bông hoa và một số cây cảnh.Hắn nhìn vào tờ giấy ghi địa chỉ và số nhà gắn trên cổng rồi tìm chuông để nhấn. Cái chuông nằm khuất sau cái cột cổng, chắc có lẽ chủ nhân sợ mấy đứa nhỏ hàng xóm quấy phá chăng? Vừa nghe tiếng chuông reo, trong nhà thấp thoáng có người đi ra phía cổng. Hắn nhìn người đàn ông từ xa, trong đầu óc  ban đầu hắn tưởng tượng đó là một người đàn ông lớn tuổi, tóc bạc, đi đứng chậm chạp thậm chí khó khăn, nhưng không  người đàn ông dáng đi còn rất nhanh nhẹn, tuy tóc đã bạc nhưng gương mặt không quá khắc khổ như hắn tưởng. Ông ta mở cổng, nhìn hắn nét mặt lộ vẻ vui mừng:

   -  Cháu là Trung phải không? Vào đi cháu.

  Hắn bước qua khỏng sân rộng trồng cây cảnh bước lên thềm vào nhà.

  - Cháu uống cà phê nhé.

     -  Vâng! Chú cho cháu một ly.

    Vừa pha cà phê, người đàn ông vừa nói:

-          Cháu cứ gọi chú là chú, chú chưa già lắm để gọi bằng ông hay cụ. Gọi thế cho cho thân mật cháu ạ.

   Đẩy ly cà phê còn bốc khói về phía hắn mời hắn uống, người đàn ông rút điếu thuốc trong gói thuốc con mèo mồi hút, đưa gói thuốc về phía hắn như mời hút, hắn khẻ lắc đầu từ chối. Người đàn ông nhìn hắn chậm rải nói:

      - Chú có nghe thằng con điện về cho chú biết được gặp cháu. Nào, cháu có điều gì hỏi cứ hỏi, chú còn nhớ điều gì sẽ nói cho cháu biết.

   Hắn nhấp một ngụm cà phê, hương thơm của mùi cà phê đã làm hắn dễ chịu. Hắn kể cho người đàn ông biết về lời dặn dò của người cha nuôi Mỹ trước khi mất, nổi ám ảnh trong từng giấc mơ, cuộc tìm kiếm thân phận của mình trong nhiều năm nay. Hắn còn kể cho ông nghe đã trở lại viện mồ côi nơi hắn từ đó ra đi nhưng dấu vết vẫn mù tịt. Người đàn ông tên Sáu chăm chú lắng nghe, mặt trầm ngâm, giọng nói như trầm xuống:

     -  Ngày ấy trên đường di tản khỏi Nha Trang chú đã gặp cháu đứng khóc trên đường, cổ còn quấn băng thấm máu. Có lẽ đó là một mảnh  đạn pháo mồ côi không biết rơi vào đâu lại nhè ngay cháu.May mà nó không sâu.Cha mẹ cháu hay người nào đó đã băng vội vết thương cho cháu.Gởi cháu vào viện mồ côi  lúc đó và cho tới bây giờ chú vẫn cho là hành động đúng đắn để đảm bảo sinh mạng và cuộc sống của cháu.

-  Chú có trở lại nơi ấy lần nào không?

     - Xin lỗi cháu, chú đã không thực hiện được lời hứa của mình khi gởi cháu vào đó. Sau giải phóng là những chuổi ngày dài chú ở trong các trại học tập cải tạo. Ra trại chú tìm cách vượt biên, rồi những chuổi ngày làm cật lực nơi xứ người để bảo lãnh vợ con sang đây. Nuôi cho chúng ăn học thành tài thì mình đã già rồi. Chúng mãi mê làm việc  quên cả còn có người cha già nầy, chúng còn muốn chú vào viện dưỡng lão để ở. Chú xin hồi hương, dù sao đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà.

    - Về đây chú không buồn sao?

          -  Sao lại buồn? Về đây có biết bao công việc để làm, chú tham gia vào công tác từ thiện, giúp đở bệnh nhân nghèo…Cần gì thì phôn qua cho bển để bọn chúng tiếp tế, có sao đâu.

         Hắn nhìn ra ngoài sân, trong ánh nắng chập choạng của buổi chiều, vài cánh hoa tím trên cái cây trong sân rơi xuống đất theo làn gió thoảng. Hắn chỉ cái cây ngoài sân hỏi người đàn ông :

         - Cái cây có bông hoa tím đó gọi là gì hở chú?

        Người đàn ông nhìn theo hướng tay hắn chỉ :

         - À! Cây đó hả? Bằng lăng đó. Đây là mùa bằng lăng trổ bông đấy cháu à. Người ta thường trồng bằng lăng ở mấy con lươn, trên lề đường để làm cảnh, tạo bóng râm.Tháng tư,tháng năm nở tím cả một con đường trông rất đẹp. Cháu có nhìn thấy chùm quả bằng lăng ở trên cành cao đó không? Khi chín nó rụng xuống. Mưa xuống làm cho chúng mọc lên thành những cây con, rồi một vòng đời của nó lại tiếp tục, sinh sôi nẩy nở.

  Rồi ông nhìn hắn:

    - Cháu cũng vậy, về bển bỏ hết những phiền muộn chất chứa trong lòng  mấy chục năm nay đi. Không ai chọn được cho mình một hướng để vào đời đâu cháu ạ, Quên hết cái đời mồ côi của cháu mà vui sống, có thế mình mới thanh thản được.

        Hắn nhìn người đàn ông, những tháng ngày cận kề giữa cái sống và cái chết trong chiến tranh, trong trại học tập cải tạo, trên đường vượt biển, ở xứ người phải cật lực làm việc để bảo lãnh con cái rồi khi thành đạt chúng lại muốn đưa ông vào viện dưỡng lão.Hắn muốn nói một lời nào đó mà không biết mở lời như thế nào. Hắn chợt cảm nhận nguồn cội mà hắn đang cố công tìm kiếm nào có đâu xa nó ở trong lòng mình mà thôi.

     Lòng hắn chợt thấy thanh thản lạ thường.

 

                             Tháng 4/2013

 

 

 

 

  

 

Nguyễn An Bình
Số lần đọc: 2874
Ngày đăng: 04.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người tình của mẹ và con - Nguyễn Trung Dũng
Người đánh máy chữ - Nguyễn Đức Tùng
Rủi-May ! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Lila, lila… - Hoàng Mai
Đêm hỏa châu - Thu Phong
Làm ly cao hổ cốt cái đã - Từ Sâm
Đời ba như quả đu đủ - Lâm Bích Thủy
Tháng chín, mùa cua lên bãi - Nam Dao
Mùa hoa khói - Hải Điểu
Tiểu thuyết và cuộc đời - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Gửi lại mùa trăng (truyện ngắn)
Chén Ngọc Trương Chi (truyện ngắn)
Nguồn cội (truyện ngắn)
Tạm biệt Mimosa (truyện ngắn)
Chiếc áo thiên nga (truyện ngắn)
Tà dôn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
Quỳnh hương (truyện ngắn)
Tấm thẻ bài (truyện ngắn)
Dốc đợi (truyện ngắn)
Qua cửa Thần Phù (truyện ngắn)
Sương khói thần phù (truyện ngắn)
Quỳnh hương (truyện ngắn)
Dốc đợi (truyện ngắn)
Hoa đào vườn cũ (truyện ngắn)
Còn xanh bóng núi (truyện ngắn)