Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.434
 
Đọc báo 3
Lê Văn Thiện

 

 

 

 

    

          Phía sau thành tích xuất khẩu gạo của Việt Nam là gì? Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nói: “Nông dân là những người nghèo, những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển”. (Người lao động 13/6/2011, trang 3).

 

          YẾU THẾ: Là người khởi xướng đổi mới, nhưng nông dân lại ít được hưởng lợi nhất từ đổi mới. Nông dân nghèo nhất xã hội, mà việc giải quyết giảm nghèo lại chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, cho nên chưa bền vững, vẫn có thể nghèo lại. Trong khi ấy, chúng ta lại có xu hướng giải quyết các vấn đề xã hội nông thôn bằng các biện pháp thị trường, mà ít quan tâm đến giải quyết các vấn đề xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường biến động, bảo hiểm xã hội – Nông dân thiếu việc làm phải ra thành thị làm thuê với giá lao động thấp, lại bị đối xử như công dân loại hai, mặc dù chính họ là động lực chủ yếu của đổi mới.

          Nông dân bị thiệt thòi nhất về quyền lợi, là bộ phận nhân dân yếu thế nhất xã hội, bởi vì không có nghiệp đoàn nông dân. Đã không có quyền mặc cả trên thị trường, không có thương nghiệp công bằng, nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, vì việc lấy đất của nông dân hầu như chỉ là việc của nhà đầu tư với chính quyền, nông dân bị mất đất mà không có ai bênh vực.

          (Trần Lê, An ninh Thế giới (ANTG), số tết Kỷ Sửu, 1/2009, tr.12).

 

          KHÔNG BIẾT VÀ KHÔNG THỂ: Trong khi các nhà quản lý Việt Nam (VN) hào hứng về thành tích xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới với 6 triệu tấn trong năm 2009, thì các chuyên gia quốc tế bày tỏ quan ngại về cuộc sống quá nghèo của người trồng lúa VN, trong lúc người kinh doanh lúa gạo thì giàu sụ.

          Tại sao cùng một chủng loại gạo nhưng gạo Thái Lan luôn được bán giá cao hơn gạo VN hơn 100 USD mỗi tấn? Câu trả lời thật đơn giản: “Vì họ biết cách tạo ra thương hiệu gạo với khách hàng thế giới”.

          Bất kỳ ai cũng có thể nhẩm tính được, với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu thì VN đã đánh rơi 60 triệu USD, một con số không nhỏ… Điểm yếu kém nhất của ngành kinh doanh lúa gạo VN: Không biết đâu là đặc điểm nổi bật của gạo mình, nên không thể xây dựng được thương hiệu mạnh để hấp dẫn người tiêu dùng. Vì thế mới có chuyện thế giới chỉ biết đến gạo VN với thương hiệu “gạo trắng” chung chung nhạt nhẽo!

          Giá như những người kinh doanh lúa gạo ở nước ta giảm bớt sự “quan tâm” làm giàu trên lưng người trồng lúa, để quan tâm nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho gạo VN thì nông dân ta đã không phải khổ như bây giờ.

          (Trường Mạnh, Tuổi Trẻ cuối tuần – TTCT – 6/12/2009, tr.13)

 

          KHOẢNG CÁCH: Bà Lis. R. Rosenholm – Phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam – nói: “Việc chuyển hình thức sử dụng đất với giá đền bù thấp so với giá thị trường khiến những người nông dân càng nghèo, trong khi các nhà đầu tư được lợi. Rõ ràng việc này tạo khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo”.

          (Sài Gòn tiếp thị – SGTT – 26/11/2010, tr.26)

 

          RẺ MẠT: Chính quyền địa phương không quan tâm đến lợi ích của nhà nước, không chú trọng đến lợi ích của người dân mà chỉ lo cho doanh nghiệp. Vậy tại sao họ chỉ lo cho doanh nghiệp? Có điều gì khuất tất bên trong? Thật đơn giản, nhà đầu tư có lợi thì quan chức được hưởng. Hay nói một cách thẳng thắn là doanh nghiệp và quan chức địa phương đã móc ngoặc, đi đêm với nhau để kiếm chác, làm giàu trên lưng người nông dân.

          Một vấn đề nữa không thể không nói, là việc ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến đền bù đất đai, giải quyết thất nghiệp chưa nhất quán và nhiều khi không phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Đã thế, chính sách hay thay đổi, mỗi địa phương lại áp dụng theo kiểu của mình cho nên người dân không yên tâm, và nhiều khi người tốt (nhận tiền đền bù trước, di chuyển nghiêm túc) thì lại bị thiệt so với những người gan lì… Không ít nơi đất đai dân đã ở, đã canh tác từ bao đời nay bị thu hồi với giá rẻ mạt. Còn doanh nghiệp, chỉ cần san ủi sơ sơ, làm đường cống, đường dân sinh là bán giá cao gấp hàng chục lần.

          Một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến khiếu kiện tập thể đó là sự yếu kém về năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ chính quyền địa phương, cộng thêm vào đó là thái độ vô trách nhiệm, quan liêu, vô cảm đối với người dân của những quan lại đời mới này. Họ không chỉ yếu về trình độ mà còn yếu về trách nhiệm trước dân. Làm việc gì, họ cũngnghĩ cái lợi cho bản thân mình, đồng thời lợi dụng chức vụ để kiếm chác, gây khó khăn, phiền nhiễu để buộc người dân phải cầu cạnh, biếu xén.

          (Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, ANTG số 601, 1/11/2006, tr.8).

 

          TA VÀ THÁI: Việc xuất khẩu gạo của chúng ta năm nào cũng có vấn đề. Những điệp khúc “trúng mùa rớt giá”, giá lúa giảm do thu hoạch rộ, giá lúa giảm do doanh nghiệp kẹt vốn, năm nào cũng vang lên.

          Năm nay, khi mà thế giới thiếu lương thực trầm trọng và giá gạo tăng đột biến, nông dân Thái Lan hưởng lợi nhưng nông dân VN lại bán gạo với giá thấp và có lúc không có người mua.

          Nông dân Thái được lợi vì: chính phủ Thái trực tiếp mua lúa của nông dân với mức giá bảo đảm có lời cho nông dân, sau đó tùy thời điểm sẽ bán lại cho các công ty xuất khẩu. Trong khi đó chính phủ VN giao việc xuất khẩu gạo cho Hiệp hội Lương thực. Việc xuất khẩu gạo của hiệp hội này có nhiều tầng lớp trung gian, nên không thể bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, và làm tăng chi phí.

          (Huỳnh Kim, NN, 19/10/2008, tr.10)

 

          LÀM XONG: Trong hơn 30 năm qua, chúng ta đã làm xong một công việc to lớn: cơ bản phá hết, cạo sạch đến tận cùng rừng tự nhiên (ở Tây nguyên) trên cái mái nhà sinh tử của toàn Đông Dương này. Đã quét sạch xong hết trên mặt đất, bây giờ đang bắt đầu moi móc dưới lòng đất – Cao su tuyệt đối không phải là rừng, nó không sinh ra cơ chế nước mội, cho nên không nói: phá rừng rồi sẽ trồng cao su thế vào đó – Các khu công nghiệp của công nghiệp hóa và hiện đại hóa càng không phải là rừng.

          Sự vội vã, kiêu căng, và lòng tham không đáy, đã che mắt chúng ta. Đang còn tiếp tục che mắt chúng ta. Chúng ta vẫn còn hăng lắm trong việc chặt phá nốt những chỗ còn lại, và đang bắt đầu một công cuộc đào bới hung dữ.

          Cần chấm dứt mọi khai phá ở Tây Nguyên ngay bây giờ. Cần nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu sống khác, một kiểu phát triển khác. Hãy bắt đầu một công cuộc cứu lấy Tây Nguyên. Bắt đầu một sự nghiệp to lớn: trồng lại rừng Tây Nguyên.

          (Nguyên Ngọc, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 11/2/2010, tr.14).

 

          ĐÀO BỚI: Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích, để hoang hóa lãng phí là rất nghiêm trọng. Vẫn còn 2.455 cơ quan, tổ chức, với hàng chục ngàn dự án treo để hoang hóa tới 250.862 hecta đất, nguồn tài nguyên quý giá khổng lồ này đã bị lãng quên trong nhiều năm. Hiện còn tới 3.311 cơ quan, tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật với diện tích 25.587 hécta.

          Về tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan: Từ khi phân cấp cho các địa phương trong quản lý, cấp phép, thì các địa phương đã cấp 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản các loại. Tình trạng khai thác khoáng sản hiện nay được các chuyên gia tổng kết cô đọng trong 6 chữ: “loại cấp phép thả sức đào”. Với 4.200 giấy phép khai thác sẽ có ít nhất 4.200 điểm đào bới khắp các vùng miền trong cả nước, để moi đủ loại tài nguyên khoáng sản trong lòng đất đem đi xuất thô, hiệu quả kinh tế chẳng được bao nhiêu.

          (Nguyễn Thiêm, VN  9/11/2011, tr.9)

 

          HY SINH: Quyền sử dụng đất là quyền dân sự và phải được đối xử bằng pháp luật về dân sự. Không thể lấy đất của người dân để phát triển kinh tế bằng cách bắt người dân phải hy sinh quyền lợi của họ cho các doanh nghiệp được.

          (Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – TT 4/3/2007, tr.4).

 

          TREO KHỔ: Hàng ngàn hộ dân ở huyện Bình Chánh (TP. HCM) đang khổ sở vì hàng chục dự án treo thuộc hạng cổ nhất, nhì của TP. Đứng đầu danh sách dự án treo lâu năm của huyện này là dự án khu sinh thái Vĩnh Lộc, với quy mô hơn 400 hecta, ra đời đã 14 năm, và hiện còn nằm trên… giấy!

          Chúng tôi đến xã Vĩnh Lộc B, một trong ba xã bị dính quy hoạch dự án khu sinh thái. Càng đi sâu vào các ấp, những con đường đất càng khó đi vì gập ghềnh và đầy ổ gà – Ông Phạm Văn Mẻ, ngụ ở ấp 5, nói: “Tụi tui sống dở chết dở vì cái dự án này”. Chỉ tay về những căn nhà mái lá, vách lá, có thể sập xuống bất cứ lúc nào, trong đó có căn nhà của mình, ông Mẻ nói tiếp: “Ở đây, nhà nào cũng có vài công đất, nhưng chẳng làm gì được, sau khi bị dự án treo đè suốt 14 năm qua. Khu sinh thái văn hóa chẳng thấy đâu, chỉ thấy cái nghèo cứ bám riết tụi tui”.

          Hàng ngàn hộ dân ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) nằm trong vùng quy hoạch khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu (có tổng diện tích 200 hecta) được phê duyệt vào tháng 3/2002, nhưng đến nay – đã 7 năm – dự án này vẫn chưa nhúc nhích, trong khi quyền lợi của người dân đều bị “đóng băng”.

          Dự án xây dựng bến xe Miền Tây tại xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) đã triển khai hơn 10 năm qua, người dân mòn mỏi chờ đợi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi động… Do là đất đã “quy hoạch” nên cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất lớn. Hộ ông Trần Văn Út ở tổ 9 xin cất nhà cho con ra riêng; hộ bà Sáu Nhạn xin làm lại nhà mới do căn hộ đang ở xuống cấp; hộ bà Nguyễn Thị Dồi xin xây nhà kho để cho thuê, buôn bán; nhưng tất cả đều bị lắc đầu!

          (Minh Nam – Nguyên Thủy, TN. 20/9/2009, tr.5)

 

          THU HỒI: Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: 78% hộ nông dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp mà nông – lâm nghiệp chỉ tăng trưởng 3,5%, thấp gấp mấy lần so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, trong khi trên 70% dân số VN hiện nay vẫn là nông dân. Như vậy, đa số dân cư vẫn ở trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất. Bên cạnh đó, giá cả cứ leo thang chóng mặt. Dù đến cuối năm nay chỉ số tăng giá tiêu dùng dừng ở mức 8%, nhưng so với mức tăng trưởng 3,5% ở khu vực nông thôn mới thấy đời sống nông dân cực kỳ khó khăn.

          Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang làm công nghiệp khoảng 250.000 hecta, gần gấp 3 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh. Khoảng 80% diện tích đất thu hồi là đất bờ xôi, ruộng mật, rất tốt cho nông nghiệp. Việc thu hồi đất này làm giảm sản lượng lương thực mỗi năm nửa triệu tấn, ảnh hưởng trực tiếp đến 627.000 hộ nông dân, 952.000 lao động. Đất đai của chúng ta còn rộng, tại sao không ĐƯA CÔNG NGHIỆP ĐẾN CHỖ ĐẤT KHÔNG PHÙ HỢP CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP nhưng phù hợp với sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản?

          (Khiết Hưng, 4/11/2007, tr.6)

 

          BA KHÔNG: Bị giải thỏa 8 năm nhưng chưa được nhận nền tái định cư (TĐC), có đất nhưng không được bồi thường, khu TĐC không điện, nước, đường… là những bất cập tại các dự án TĐC ở Quận 8, TP. HCM.

 

          1. Bình Điền: Chủ đầu tư hứa một năm sẽ giao nền TĐC, nhưng tám năm qua (từ 2004 đến nay) hàng trăm hộ dân nằm trong dự án Trung tâm Thương mại Bình Điền ở Quận 8 vẫn chưa được nhận nền nhà, rơi vào cảnh ở trọ suốt một thời gian dài.

          Không chỉ chậm trễ, nhiều hộ dân còn khốn khổ vì năm 2004 chủ đầu tư hứa đổi ngang đất cho dân, thì nay lại yêu cầu dân phải đóng thêm tiền chênh lệch mới giao nền. Lý do thì nhiều, nhưng kết quả là người dân không nhận được đất nền, phải lang thang ở trọ.

 

          2. Bến Lức: Cách Bình Điền không xa, khu TĐC Bến Lức (phường 7 – Quận 8) mặc dù người dân đã dọn về ở từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa có điện, nước sạch, đường thì hư hại nặng. Muốn sử dụng nước, điện, người dân phải xài ké của các nơi khác với mức giá 3.500 đồng một Kw điện, và 20 ngàn đồng mỗi mét khối nước. Đã mấy năm trôi qua nhưng người dân vẫn không nhận được giấy chủ quyền… Do thiếu đủ thứ, nên đến nay, sau 5 năm giao nền cho dân, khu TĐC Bến Lức mới chỉ có một số ít hộ dân về cất nhà.

          (Đình Sơn, Thanh niên – TN – 22/4/2012, tr.17).

 

          ĐÃ 14 NĂM: Hơn 14 năm trôi qua kể từ ngày dự án làng đại học Đà Nẵng công bố, cuộc sống của hàng ngàn người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án đã bị xáo trộn, cảnh sống tạm bợ cứ thế kéo dài.

          Ở xã Điện Ngọc, khi nghe nhắc đến dự án làng đại học Đà Nẵng, nhiều người dân chỉ biết lắc đầu, thở dài. 14 năm qua, tất cả những gì cần kíp cho cuộc sống con người phải dừng lại. Đường giao thông nông thôn không được làm, nhà cửa không được xây cất.

          Dự án làng đại học này được phê duyệt vào tháng 12/1997 với quy mô 300 hecta, nằm ở vùng giáp ranh giữa xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Có gần 1.000 hộ dân ở xã Điện Ngọc và 420 hộ dân ở phường Hòa Quý bị ảnh hưởng. Đến nay, dự án vẫn chưa được thực hiện.

          Ông Trần Duy Nghĩa, chủ tịch xã Điện Ngọc, cho biết: khoảng 1.000 gia đình ở ba thôn Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh bị ảnh hưởng bởi dự án. Khổ nhất là dân không được chuyển nhượng, mua bán, cơi nới, xây mới nhà cửa trong khi số nhân khẩu của các gia đình không ngừng tăng.

          (Hữu Khá – Trà Giang, VN 10/1/2012, tr.7).

 

          NGẪU HỨNG: Quy hoạch sân golf tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang) treo hơn 10 năm nay, khiến người dân có đất nằm trong dự án này, vốn đã khó khăn, nay trở nên cùng cực. Thật cám cảnh “đất treo, người đói meo”.

          Một số dự án trở thành kỳ vọng của thành phố du lịch Vũng Tàu, với vốn đầu tư lên tới hàng tỉ USD, nhưng cho đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. Đất dự án thành vùng đất hoang. Chủ đầu tư thì lặn mất tăm. Khu đất vàng ấy đã bị nhiều người nhãy vào xà xẻo, lấn chiếm.

          Một đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị đã phê phán tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích, để hoang hóa, lãng phí là rất nghiêm trọng. Có tới 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục ngàn dự án treo để hoang hóa tới 250.862 hecta đất. Nguồn tài nguyên khổng lồ quý giá đã bị lãng phí trong nhiều năm.

          Những quy hoạch không sát thực tế, quy hoạch ngẫu hứng biến không biết bao nhiêu đất nông nghiệp thành đất hoang, thành những khu công nghiệp ma, để lại tai tiếng bao đời. KCN ngốn đất ruộng thành bãi hoang. Một sự lãng phí khủng khiếp như vậy mà không ai việc gì, chẳng ai bị kỷ luật. Thật kỳ lạ!

          (Khổng Minh Dụ ANTG 12/11/2011, tr.12)

 

          AI HƯỞNG LỢI?:Việc điều chỉnh thị trường bất động sản trong thời gian qua phải khẳng định là yếu kém. Khi nguồn cầu tăng chúng ta đã không tạo được nguồn cung tương ứng. Hà Nội trong mấy năm qua phê chuẩn khoảng 20 dự án, thực hiện được có bốn. TP. HCM có khoảng 25 dự án, triển khai được sáu. Sự chênh lệch cung cầu lớn thế làm sao giá không tăng?

          Chính sách tài chính đất đai của ta chưa ổn. Chúng ta mới dùng công cụ hành chính mà chưa dùng công cụ kinh tế để biến đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế bền vững. Đất của dân bình thường chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi mét vuông. Sau khi nhà nước thu hồi, làm đường, giá tăng vọt lên cả chục triệu, nhiều khi vài chục triệu đồng một mét vuông. Trước nay khoản chênh lệch này thường chỉ doanh nghiệp được lợi, trong khi đất thuộc sở hữu toàn dân.

          (Đỗ Đức Đôi – Vụ phó Vụ đăng ký và thống kê, Bộ Tài nguyên Môi trường – 13/1/2008, tr.6)

 

          LÀNG

                     Mười năm tôi trở về làng

                     Sầu đông vò võ lá vàng đợi tôi

                     Người ăn xin xếp hàng ngồi

                     Tay cầm mê nón tả tơi sân đình

                     Trăm lời ước nguyện cầu xin

                     Cơn mưa bố thí trăm nghìn hạt mưa

                     Làng xưa heo hút… làng xưa

                     Lạnh tanh cả tiếng chuông chùa chiều hôm

                     Đất trơ đá, nhà trơ xương

                     Mẹ tôi gầy guộc, mảnh vườn trơ cây

                     Tháng giêng hoa cỏ nở đầy

                     Tìm đâu hoa lúa đất này làng ơi

                     Tôi đi góc bể chân trời

                     Đá mềm chân cứng ba mươi tuổi về

                     Vẫn còn đó một làng quê

                     Nhà tranh vách đất, lũy tre, đường lầy.

                     Lời ru dấu võng còn đây

                     Con bò buộc cội rơm gầy chân nhang!

                     Xót xa tôi gọi: ơi làng!

                     Sầu đông thắp nụ muộn màng nhìn tôi.

                                                                 * Nguyễn Hoài Nhơn

 

          DỰ TRỮ: Chúng ta cứ giao đất như hiện nay thì chẳng mấy lúc sẽ hết. Số tiền bội thu từ đất thời gian qua thể hiện rằng chúng ta đã cấp tập làm một việc là giao đất càng nhiều càng tốt, còn đất dự trữ cho tương lai thì không ai tính đến. Cái nguy hiểm của thời gian vừa rồi là chúng ta giao đất rất mạnh tay, kể cả cho những dự án CÒN MÙ MỜ VỀ TÍNH KHẢ THI.

          (Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – NN. 4/3/2007, tr.4).

 

          MẤT ĐẤT: Đến nay, cả nước có 141 sân golf ở 39 tỉnh, thành, với tổng diện tích 49.268 hecta đất, trong đó có 2.625 hecta đất trồng lúa hạng thượng đẳng, mất trắng để làm sân golf. Chỉ từ tháng 7/2006 đến tháng 5/2008, đất quê ta đã hóa thành 104 dự án sân golf.

          Đã có thể nhìn thấy đằng sau những sân golf “cỏ non xanh rợn chân trời” là tình trạng lạm phát sân golf, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất quý giá, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và an sinh xã hội.

          Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, riêng tỉnh Long An đã đón nhận đơn xin cấp phép 18 dự án sân golf, đặc biệt huyện Cần Giuộc có đến 7 dự án. Riêng xã Long Hậu có 5 dự án, chiếm tới 1.555 hecta. Ở TP. HCM, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng sân golf bạt ngàn… Trung bình, đất trồng lúa tính theo đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 0,1 ha/người. Khi 2.625 hecta đất lúa mất để làm sân golf thì sẽ có 2,6 triệu nông dân mất đất, mất nghề.

          (Hồng Hạc, NA   6/9/2008, tr.6)

 

          TRƯỢT DÀI: Những rủi ro của người dân khi tái định cư là mất đất, mất việc làm, mất nhà. Mất đất, không đơn thuần là đất bị thu hồi mà còn mất cả nguồn lợi do miếng đất ấy mang lại, có thể đó là vụ mùa nông nghiệp hoặc khu đất trước nhà có thể buôn bán mưu sinh qua ngày – Mất việc làm: Cần phải hiểu rộng ra, mất việc làm đây không chỉ là mất công ăn việc làm hiện tại mà còn là khi người dân bị di dời vào nơi ở mới, không thể sử dụng tay nghề hoặc kỹ năng có sẵn để làm việc như trước, và như vậy họ bị mất cơ hội công ăn việc làm ở nơi ở mới – Mất nhà: không phải chỉ là mất nơi trú ngụ cũ mà còn là mất không gian sinh hoạt cộng đồng chung, có thể là mất đi những thói quen tụ họp vào mỗi buổi chiều để chuyện trò hay sinh hoạt tập thể. Điều này làm những người bị tái định cư cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong cộng đồng dân cư nơi họ đến ở. Ngoài ba cái mất trên, có thể tính thêm cái mất thứ tư: bị cách ly. Cũng cần phải xem xét đến tình hình kinh tế của các hộ dân bị thu hồi đất, một phần vì họ có thể bị mất đi sức mạnh kinh tế sẵn có. Ví dụ như các gia đình nông dân có nhiều đất và có thu nhập chính từ mảnh đất này bị giảm diện tích đất, và vì vậy họ bị giảm thu nhập. Các gia đình có công việc kinh doanh nhỏ sau khi bị thu hồi đất công việc kinh doanh lại càng nhỏ hơn, và nhìn chung các gia đình này có nguy cơ trượt dài xuống ngưỡng đói nghèo và bị bần cùng hóa.

          (PV, VH. 21/12/2008, tr.12)

 

          BIỆT THỰ VÀ GOLF: Việc thu hồi đất nông nghiệp để lập sân golf rất đáng lo ngại. Trong tổng số hơn 23.000 hecta của 76 dự án sân golf đã và đang triển khai trong cả nước, có tới 8.000 hecta đất (chiếm 35%) bị đẩy qua kinh doanh bất động sản, như xây biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng… Đã có những ý kiến cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp đính kèm bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến (khi xin lập sân golf). Ví dụ, trong tổng diện tích 4.200 ha đất của chín dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng, chỉ 20% diện tích đất được dành cho sân golf, phần còn lại chủ yếu để xây dựng nhà nghỉ, biệt thự bán và cho thuê.

          Diện tích đất nông nghiệp giảm trong khi dân số tăng 1,2 triệu người mỗi năm, nên đất nông nghiệp bình quân đầu người từ 1.100 m2 (năm 2001) giảm xuống còn 900 m2 (năm 2010).

          Theo tính toán, cứ một hécta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ làm bốn lao động mất việc làm, và với nửa triệu hécta đất bị thu hồi từ năm 2001 đến năm 2010, số lao động mất việc làm tăng lên đến hàng triệu người. Trong số các lao động của các gia đình bị thu hồi đất, chỉ khoảng 13% tìm được việc làm mới tại địa bàn (tại quê của họ), 20% thất nghiệp hoàn toàn, 67% thất nghiệp từng phần (chỉ có việc làm vào thời vụ) – Trên địa bàn nông thôn cả nước hiệnnay có khoảng 7 triệu người không có việc làm thường xuyên, trong đó có trên 50% số người chỉ có việc làm từ ba đến bốn tháng mỗi năm.

          Số người di cư từ nông thôn ra thành thị, ra các khu công nghiệp để làm thuê bằng đủ thứ nghề với tiền công rẻ mạt, hoặc tìm việc làm tại các chợ lao động vùng ven tăng lên nhanh chóng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn.

          (Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế và báo SGTT 15/6/2012, tr.6).

 

          RỪNG VÀ LŨ:Trong chục năm trở lại đây, tại sao lũ xuất hiện với tần suất ngày càng dày, cường suất càng tăng lớn, cho dù lượng mưa chưa đến 1.000mm như trận lụt năm 1999 – Không có cớ gì đổ tại trời, cho dù cái cớ đó là dễ đổ nhất. Chính là tại người. “Nhân tai” chứ đâu phải “thiên tai”. Độ che phủ của rừng ngày càng thủng rách, như cái ô tã tơi. Bao nhiêu vụ phá rừng, đốn trụi, tàn sát rừng đầu nguồn chẳng phải nhức nhối nhất ở miền Trung đó sao? Rừng đầu nguồn xơ xác thì tất yếu lũ lụt phải dữ dội hơn trước.

          Không đợi đến đời con, đời cháu, chính hôm nay, đời cha ăn mặn và ăn xổi ở thì, cha phải lãnh đủ. Hậu quả đã sờ sờ trước mắt… Các chuyên gia có tầm nhìn xa đã cảnh báo, sau lũ lụt sẽ là xói lở bờ biển. Mức độ xói lở ngày càng kéo dài theo 3.260 km bờ biển, đặc biệt tại các tỉnh duyên hải miển Trung, từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận.

          Ở hạ lưu các con sông, do xây dựng các công trình, cầu cống không quy hoạch, không tính đến đường cho lũ thoát nên khi lũ đổ thốc xuống, nước không chảy kịp, ứ nghẹn, ngâm lâu và chảy xiết như thác gây thiệt hại không kể hết.

          (Hồng Hạc, VN 24/11/2007, tr.7)

 

          BÁNH VẼ: Cái sân golf Phượng Hoàng mỹ miều, thênh thang cỏ mượt rộng hơn 300 hecta ra đời đã đẩy hàng trăm hộ dân xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào tình cảnh lao đao – Lời hứa sẽ đưa con em người Kinh, người Mường bị mất ruộng mất nhà ở Lâm Sơn vào làm việc ở sân golf, lời hứa đào tạo nghề thay thế nghề nông đã mất dần, rồi biến thành những miếng bánh vẽ tàn độc nhất. Đủ thứ hóa chất độc hại để nuôi tưới cỏ sân golf đã tràn ra suối, rồi người ta cứ bơm thứ nước đó cho dân ăn uống suốt mấy năm qua. Tiền đền bù đất đai còn nợ đọng dây dưa. Bà con kéo lên cổng sân golf dựng lều kiến nghị.

          Những cảnh thê thảm, nhức nhối kia, là cận cảnh của cái sân golf ở cửa ngõ thủ đô Hà Nội.

          Nông dân không chỉ mất đất nông nghiệp, đất ở cho sân golf, (chỉ được đền bù với giá bèo là hơn 30.000 đồng mỗi mét vuông – ba mươi ngàn), mà đau đớn hơn: sau khi đi vào hoạt động, cái sân golf ấy đã TRỞ MẶT, gây nhiều trở ngại cho các chủ cũ, đến mức bà con không làm sao sống bình thường được. Dòng suối cung cấp nước ăn cho cả xã, bị sân golf chiếm dụng. Muốn có nước tắm, phải chờ họ bơm. Đường đi học của trẻ nhỏ bị chia cắt, bị cày nát, nhiều cháu sống ở bên kia núi, bị sân golf án ngữ đường đi, phải bỏ học. Đường lên nương cũng mất. Mà sân golf trưởng giả, sang trọng không cho nông dân đi qua (sân golf) khi đang có khách chơi. Nhiều người, xưa nay vẫn ở nhà liền với nương rẫy, nay bị dồn sang khu tái định cư, muốn lên tới rẫy phải đi vòng qua các mép sân golf, đi đủ 12 km!.

          Một cái sân golf phục vụ thú chơi quý tộc ra đời ở Lâm Sơn, nó lấy mất 100% đất của 125 hộ dân, khiến họ phải chuyển đến nơi ở mới; 160 hộ mất một phần đất đai, nay đang khốn khó vì “phú quý giật lùi”.

          (L.N.T, NN số 800, 18/10/2008, tr.4).

 

          KHIẾU TỐ – KHIẾU NẠI:Có thể thấy những lý do dẫn đến việc khiếu kiện tập trung đông người như vừa qua đều xuất phát từ nguồn gốc duy nhất: chính quyền ở các địa phương chưa làm tốt trách nhiệm của mình.

          Chúng ta thừa biết, đụng đến vấn đề đất đai là đụng đến cái tài sản căn bản nhất của người dân, nhất là những người dân vùng nông thôn. Nhưng hiện nay những chính sách về đất đai vẫn chưa được ban hành một cách đầy đủ, và nếu có thì lại thiếu tính ổn định. Chẳng hạn, chúng ta chưa có khung giá đền bù cho đất “thị tứ”, và loại đất này được nhập vào loại đất “nông nghiệp”, là loại có mức giá đền bù thấp. Như vậy làm sao người dân chấp nhận được. Bên cạnh đó, dù cùng một dự án nhưng có thể có hai, ba mức đền bù khác nhau, do sự thay đổi trong chính sách đền bù vì thời gian giải tỏa kéo dài, nên chắc chắn dân cũng không chấp nhận.

          Quyền khiếu tố khiếu nại là quyền của dân nhưng hiện nay người dân không thể biết được thế nào là khiếu nại đúng. Họ cũng khôngbiết phải đến địa chỉ nào để trình bày những thắc mắc của mình.

          (Lê Minh Tiến, 29/7/2007, tr.11).

 

          ĐỨNG VỀ PHÍA NÀO?: Để họ (nông dân) phải đói khổ, vất vưởng, không còn biết nương tựa vào đâu là chúng ta có tội… Việc giải tỏa, đền bù đất đai là việc của doanh nghiệp với dân. Chính quyền chỉ nên là người trung gian, chứng kiến, giám sát. Và nếu có đứng thì phải đứng về phía nhân dân, vì lợi ích của dân, không phải vì quyền lợi của mấy anh nhà giàu. Nếu phải giải tỏa đất đai mà đền bù thỏa đáng thì không có biểu tình, khiếu kiện. Nhưng đền bùchỉ mấy trăm ngàn một mét vuông đất, sau đó các ông “chủ mới” đem bán với giá mấy chục triệu đồng thì làm sao người dân chịu.Họ không nổi khùng mới là chuyện lạ.

          (Trần Đăng Khoa, quechoa.vn 3/3/2013).

 

          VÒNG VÈO – TINH VI: Tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam luôn được đánh giá vào mức độ cao nhất trong tất cả các lãnh vực quản lý.

          Tham nhũng luôn gắn liền với sự thiếu minh bạch trong khâu giải quyết các thủ tục hành chính, thiếu minh bạch về thông tin. Có thể thấy một chu trình khép kín ở Việt Nam, đó là 1/ Nghèo đói và dân trí thấp tạo ra tham nhũng – 2/ Tham nhũng cần có môi trường thiếu minh bạch trong quản lý đất đai – 3/ Thiếu minh bạch trong quản lý đất đai tạo ra tình trạng đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

          Các dạng tham nhũng đất đai: 1/ Cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai thường kéo dài thời gian nhằm nhận hối lộ của các chủ đầu tư – 2/ UBND cấp xã bán đất thuộc phạm vi mình quản lý để thu lợi, sử dụng một phần cho mục đích riêng tư – 3/ Cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất trái quy hoạch, không đúng đối tượng, tính giá đất thấp hơn giá thị trường nhằm nhận hối lộ của nhà đầu tư – 4/ Cấp có thẩm quyền thu hồi đất với diện tích rộng hơn diện tích sẽ giao cho nhà đầu tư. Phần đất chênh lệch sẽ bị họ tuồn cho thân nhân, cho người quen. (Ví dụ: dự án cần 120 hecta, họ sẽ thu của nông dân 160 hecta – 40 ha dôi ra đó sẽ là “lộc” của họ).

          (Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế và báo SGTT 15/6/2012, tr.6).

 

          LƯƠN LẸO: “Biệt thự hóa” sân golf là tình trạng ở hầu hết các sân golf tại tỉnh Bình Thuận.

          Đến nay Bình Thuận đã cấp phép đầu tư cho 9 dự án sân golf, trong đó chỉ có sân golf Phan Thiết là dự án “sạch”, không có bất động sản ăn theo. Tám dự án còn lại có tổng diện tích 3.664 hecta nhưng sân golf chỉ chiếm 1.136 hecta, còn lại là biệt thự, khách sạn và các công trình khác.

          Đơn cử như dự án sân golf 36 lỗ ở xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân) với vốn đầu tư 90 triệu USD (100% vốn của Hàn Quốc) có diện tích 329 hecta, nhưng sân golf chỉ chiếm 90 hecta. Phần còn lại dành cho việc xây dựng khoảng 400 căn biệt thự và khách sạn 4 sao – Dự án tổ hợp khu du lịch thung lũng Đại Dương với tổng vốn 400 triệu USD, có diện tích 999 hecta nhưng sân golf chỉ 200 hecta, gần 700 hecta để xây dựng biệt thự, khách sạn và các công trình khác – Đặc biệt, dự án khu đô thị du lịch Cali Biển diện tích tròn 1.000 hecta, nhưng diện tích sân golf chỉ 80 hecta.

          Theo phân tích của một chuyên gia về địa ốc, thì biệt thự có diện tích 400m2 ở vị trí đẹp, gần biển, hiện nay có giá rao bán đến vài chục tỷ đồng. Trong khi đó, cũng với diện tích này, đem giao cho chủ đầu tư làm dự án sân golf, nhà nước thu về cho ngân sách chẳng được bao nhiêu.

          Ông Nguyễn Hồng Chín, nguyên phó thanh tra tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Thực chất đây là một hình thức trục lợi đất của các nhà đầutư để kinh doanh bất động sản”.

          Điều đáng quan tâm, hầu hết các dự án sân golf đang bị “đóng băng” được quy hoạch ven biển, chạy dài từ xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân) cho đến xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình), nơi được đánh giá là vị trí vàng, vì có thể xây dựng resort để kinh doanh du lịch.

          Theo quy hoạch giai đoạn 2015 – 2020, chỉ riêng khu vực xã Thiện Nghiệp, tiếp giáp với Mũi Né (thuộc TP. Phan Thiết) và thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) có hai dự án có sân golf chiếm diện tích đất: 1.778 hecta.

          (Quế Hà, TN. 18/3/2012, tr.18).

          GOLF

                        Bao nhiêu bờ xôi ruộng mật

                        Biến thành nhà nghỉ, sân golf

                        Bao nhiêu đồng hoang đồi trọc

                        Vẫn trơ sỏi đá, đất phèn

                         Có gì nhoi nhói trong tim

                        Trước bao chuyện đời phi lý.

                                                                   KHỔNG MINH DỤ

          BẤP BÊNH: Mười năm qua, TP. HCM đã có hơn 100.000 hộ dân bị ảnh hưởng của di dời, giải tỏa, (số hộ phải tái định cư là hơn 27.000 hộ).

          Thạc sĩ Lê Văn Thành – Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM – cho biết:

          “Khi tìm những người dân tái định cư để tiến hành các nghiên cứu liên quan thì chúng tôi thấy rằng cuộc sống của nhóm dân cư này đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là nghèo đói, nhưng không ai biết rõ và chịu trách nhiệm chính trong việc chăm lo, hỗ trợ họ. Đó là điều rất đáng ngại.

          Chủ các dự án rất thích đền bù cho dân bằng tiền để khỏi xây nhà tái định cư, khỏi chăm lo gì cả. Đây là cách giải quyết thuận lợi cho chính quyền và các chủ đầu tư.

          Nhưng việc đền bù và hỗ trợ thêm bằng tiền sẽ không giúp gì được cho người tái định cư mà có thể đẩy họ vào chỗ khó khăn hơn nữa. Vì sau khi nhận tiền, nhiều người dân đã dùng một phần số tiền đó vào các mục đích không phải mua nhà ở hay chăm lo cuộc sống mới.

          Điều đáng lưu ý qua khảo sát của chúng tôi là đa số hộ tái định cư có thu nhập thấp hơn trước khi bị di dời, giải tỏa, trong khi chi phí cho cuộc sống mới của hầu hết các hộ đều tăng. Sự giảm sút về thu nhập cho thấy những khó khăn mà người dân phải chịu trong công việc làm ăn. Khảo sát cũng cho thấy, tuy người dân không thay việc làm nhưng thu nhập họ kiếm được từ công việc làm ăn đã bị giảm sút. Lý do? Vì họ phải di chuyển chỗ ở hoặc phải chi phí cho việc đi làm xa, nhiều khi có những phí tổn mà người dân không nghĩ tới, không ngờ nó lại xảy đến. Những khó khăn này trong thu nhập của người dân nên được coi là một trong những chỉ báo về sự không ổn định của người dân sau tái định cư”.

          (Quốc Thanh, VH. 14/12/2008, tr.10)

 

          BÁN MÀ ĂN: Một thực trạng đau lòng đang diễn ra khắp nơi: chúng ta đã khai thác, buôn bán tài nguyên quốc gia một cách ồ ạt, vô tội vạ… Mình bán tài nguyên mà ăn, rồi con cháu các thế hệ sau ăn không khí à?

          Quốc doanh khai thác gỗ xuất khẩu, hợp tác xã khai thác xuất khẩu, gỗ cứ kìn kìn từ rừng Tây Nguyên, rừng miền Trung đổ về các cảng biển, nay (2011) thì rừng đã bị bán ăn gần hết.

          Hết rừng thì bán đất rừng. Hơn 300.000 hecta rừng đầu nguồn đã bị các tỉnh bán cho doanh nhân Trung Quốc khai thác 50 năm. Nghĩa là 50 năm chúng muốn biến số đất rừng đó thành căn cứ quân sự, lô cốt, hầm ngầm… là quyền của chúng.

          Tỉnh nào cũng có vài ba khu công nghiệp, nhưng chẳng làm ra sản phẩm xuất khẩu nào có thương hiệu sáng giá vì máy móc lạc hậu, bán trong nước cũng chẳng ai mua. Tỉnh nào cũng có ba, bốn (hoặc nhiều hơn) sân golf. Rồi dự án mở rộng đô thị, dự án khu biệt thự, đang làm cho đất nông nghiệp, đất trồng lúa, trồng cây ăn trái thu hẹp với tốc độ chóng mặt. Mỗi năm có từ 73.000 đến 120.000 hecta đất nông nghiệp bị thu hồi, bị “chuyển đổi”.

          Mở rộng đô thị thì đất ruộng thành đất thành phố, bán với giá cao hơn. Đua nhau mà ăn chia, lấn chiếm, đẩy nông dân ra khỏi mảnh đất sinh sống ngàn đời của họ.

          (Ngô Minh, quechoa.info, 10/11/2011)

          BIẾN HÓA: “Bản thân sân golf không có lỗi, nhưng một nước nghèo như nước ta mà có đến 144 sân golf thì quả là điều khó hiểu”.

          Con đường vòng vèo biến ruộng lúa của nông dân thành sân golf rồi biến sân golf thành biệt thự. Đằng sau con đường đó là sự cài cắm lợi ích nhóm khó có thể chối cãi, biện minh.

          (SGTT, 3/6/2009, tr.14)

          BẾT: Về chuyện xuất khẩu gạo, TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL – cho biết: Hệ thống phân phối của chúng ta có vấn đề khi để xảy ra tình trạng đầu cơ mà không điều tiết được. Ở Thái Lan, tới mùa thu hoạch hiệp hội mua hết lúa và phát phiếu cho nông dân để họ được mua vật tư giảm 10%. Hiệp hội nắm lúa, dự báo và quyết định thời điểm xuất có lợi nhất. Họ bán theo kiểu một mình một chợ, Việt Nam thì làm ngược lại, một người mua mà mấy chục doanh nghiệp bu vào tranh nhau bán, khiến cho giá bị ép.

          Hiệp hội lúa gạo ở ta thật ra là các doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp thì họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận chứ không phải vấn đề gì khác. Lúa gạo làm ra, người nông dân không tự định được giá trị của nó. Chẳng hạn, nông dân sản xuất ra lúa, doanh nghiệp bảo: 5 ngàn một ký, không bán thì thôi. Nông dân không có kho dự trữ, phải bán để lấy tiền trả nợ (giống, công, phân bón) và đầu tư làm vụ kế tiếp, nên buộc phải bán theo giá của doanh nghiệp đặt ra… Hiệp hội lúa gạo bán lời bao nhiêu ẵm trọn, lấy hết, nông dân không biết và không được hưởng gì cả.

          Hạt gạo ta phải trải qua quá nhiều trung gian trước khi xuất khẩu – Lúa gạo ta nhiều nhưng hệ thống phân phối có vấn đề. Hiệp hội, tổng công ty lương thực chỉ biết ký hợp đồng, sau đó giao cho các doanh nghiệp chân rết. Lẽ ra hiệp hội, các tổng công ty lương thực phải điều tiết doanh nghiệp, khi nào nên xuất khẩu để có lợi nhất. Khả năng quản lý, phân phối của chúng ta quá yếu.

          (Trí Dũng – Minh Giảng. VN. 29/6/2008, tr.8).

          3.800 ĐOÀN: Sáng nay (7/11/2012), các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

          “Từ năm 2003 đến 2010, cơ quan các cấp trên cả nước đã tiếp nhận hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó số liên quan đến đất đai chiếm gần 70%. Số vụ khiếu nại đúng chiếm 20%, có đúng có sai chiếm 28%. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở. Nguyên nhân của tình trạng này là pháp luật về đất đai không sát thực tế – chínhsách bồi thường, hỗ trợ, giá đất, tái định cư có sự chênh lệch lớn, trong đó người dân luôn gánh chịu phần thiệt thòi”. Trên đây là lời của đại biểu Nguyễn Văn Giàu.

          Từ năm 2005 đến tháng 6/2009, cả nước có hơn 3.800 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người – năm 2010 có trên 3.200 đoàn – năm 2011 có gần 4.200 đoàn.

          (Nguyễn Hưng, vnexpress.net 7/11/2012).

 

Dân ơi

Năm nay lại lụt trắng đồng

quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng

làng ta lại lóp ngóp làng

lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng

Bà con mất bữa nhiều không

những ai bị gậy phiêu bồng chân mây?

Bóng ai lỏng khỏng hình cây

căm căm gió bấc thế này… làm sao?

Bạn ơi dù có thế nào

giữ cho nhau sắc hoa đào ngàn năm

tốt lành lời chúc sang xuân

nén nhang bái tổ khấn thầm: dân ơi!

                                                             * Nguyễn Duy

          CHO THUÊ: 398.374 hecta là diện tích đất rừng mà 18 tỉnh đã cho các nhà đầu tư NƯỚC LẠ thuê, gần bằng diện tích tỉnh Tây Ninh. Số đất đó hầu hết ở vị trí, khu vực trọng yếu về quốc phòng – an ninh, có nơi là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, (theo khảo sát của Ủy ban quốc phòng của Quốc Hội).

          (PV. VN 12/6/2012, tr.6)

          PHÁ RỪNG, 1.710 VỤ: “Nói thế thì các ông làm việc chả có mưu mẹo gì cả, đấy là tôi nói nhẹ”.

          Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát than phiền khi nghe ông phó giám đốc vườn quốc gia Yok Don (là vườn quốc gia lớn nhất nước) cho biết, dù có hơn mười trạm kiểm lâm dưới quyền, nhưng ông vẫn không bắt được lâm tặc vận chuyển gỗ… Chín tháng qua, diện tích rừng bị thiệt hại ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ lên đến 1.047 hecta, chiếm 68% so với toàn quốc, với 1.710 vụ phá rừng bị phát hiện.

          (VnEconomy24/10/2011).

          KHÓ TIN: Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh, nói: “Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng. Chẳng hạn, khi quy hoạch đất đai thì xã, huyện kê gian. Có khi đất ruộng tốt thì bảo là đất cồn bãi để dễ chuyển sang mục đích sử dụng khác. Xã trình lên trên thì trên duyệt ký, duyệt ký xong thì đất ruộng biến thành đất xây dựng, bán đất đó làm nhà, giá trị đất tăng lên rất cao. Nếu dưới xã trình lên huyện, huyện duyệt, thì phải “có phần” cho huyện.

          Tỉnh nào cũng có chuyện cấp xã bán đất vô tội vạ. Ngay giữa thủ đô cũng bán như thế. Chúng tôi nhận được nhiều đơn của dân khiếu kiện, họ liệt kê rõchủ tịch xã bán bao nhiêu lô đất, bán cho ai, bao nhiêu mét vuông, lấy bao nhiêu tiền. Hà Nội, Hà Tây, Tây Ninh, Bến Tre… đều có chuyện này.

          Rồi chuyện chính quyền giao đất cho doanh nghiệp “ma”, lắm khi giao đất cho người nhà. Tình trạng này diễn ra trên cả nước – Một kiểu nữa: doanh nghiệp thuê đất để phát triển khu công nghiệp thì làm dự án, được phê duyệt đầy đủ, cấp tỉnh quyết định giao đất. Được giao đất rồi thì doanh nghiệp tìm cách chuyển mục đích, bán lấy tiền… Qua kiểm tra, tỉnh Hà Tây có 274 xã có sai phạm trong việc sử dụng, mua bán đất. Một số tỉnh khác cũng sai phạm không kém Hà Tây, (tỉnh có 320 xã mà sai phạm đến 274 thì… hết biết). Gần đây, ngay giữa Hà Nội, hàng ngàn hecta đất rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn đã bị lâm trường (có sự tiếp tay của chính quyền địa phương) bán trái phép. Tại Đông Anh có cán bộ xã như vua một vùng, đã bán đất bừa bãi như bán mớ rau, con cá”.

          (Đặng Đại, TTCT. 9/7/2006, tr.10).

 

          ĐỪNG: Ông Huỳnh Kim (Hai Kim) là cây bút viết về nông dân trung thực, chí tình. Từ năm 2007 đến giờ ông đã viết hàng trăm bài bênh vực, bảo vệ lợi ích cho nông dân.

          Bài mới nhất của ông Hai Kim: “Đừng nhân danh những điều tốt đẹp” có nêu ra 6 cái ĐỪNG. 1/ Đừng nhân danh các thứ nhãn mác, chủ nghĩa này nọ để tước quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. 2/ Đừng nhân danh công nghiệp hóa, an ninh đất nước để tước quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. 3/ Đừng nhân danh chống lạm phát và an ninh lương thực để khống chế giá lúa gạo của nông dân. 4/ Đừng nhân danh quyền lợi của nông dân mà mua lúa tạm trữ, cướp lợi nhuận của nông dân. 5/ Đừng nhân danh an ninh lương thực để khống chế bằng giá đền bù rẻ mạt cho nông dân. 6/ Đừng nhân danh ổn định chinh trị để chiếm Hội nông dân của nông dân.

          (Huỳnh Kim, quechoa.vn 7/11/2012)./.

 

 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 2080
Ngày đăng: 09.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cửa Đại – Thủy Triều còn vang - Nguyễn Hùng
Không còn dây chuông để gọi Võ Hồng - Lữ Quỳnh
Ăn Tết ở Mỹ, - Nguyễn Quang Chơn
Về Gò Vấp, Nhớ Những Mảnh Vườn Xưa - Phạm Nga
Miền cần lao - Nguyễn Hàng Tình
Đầu năm đi lễ phật, cúng thần - Phạm Nga
Dưới bóng hoang dã - Nguyễn Hàng Tình
Nàng thơ tuyệt vời của cha tôi. - Yến Lan
Hạnh Phương - Nguyễn Đạt
Những kỷ niệm với Hàn Mặc Tử - Lâm Bích Thủy
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)