Nhà thơ tình lỗi lạc của dân tộc chính thức từ giã cõi tình trần đã 28 năm rồi mà trong tâm tưởng mỗi người, ai cũng nghĩ rằng, Xuân Diệu (1916-1985) chúng ta vẫn còn sống đó đây trong cõi đời và hiện diện ở tất cả những cuộc tình vui buồn trong cuộc sống. Sinh thời, chẳng phải ông đã từng tuyên bố :
Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi
Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa vòng đời
Tôi sẽ yêu khi đã hết tuổi rồi
Không xương vóc chỉ huyền hồ bóng dáng (Đa tình)
đó là gì!
Và trong bài thơ làm không lâu trước lúc lìa trần, nhà thơ vẫn cứ mãi là chàng thi sĩ tình si:
Xin hãy cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư (Không đề)
Đó là cái ngất ngư rất Xuân Diệu. Hay nói theo kiểu dân gian thì: Xuân Diệu đến chết vẫn là Xuân Diệu!
Với tôi, một anh chàng lõm bõm văn chương, thời trai trẻ cũng đã từng xem Xuân Diệu là thần tượng. Mà đã là thần tượng của tuổi trẻ thì thường hay khó gặp (Kính nhi viễn chi mà). Giả dụ rằng, Xuân Diệu cứ mãi là chàng thi sĩ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…, Ta là một là riêng là thứ nhất cao vời vợi và bí ẩn như Hy Mã Lạp Sơn thì có lẽ đến cuối cuộc đời, tôi cũng khó lòng gặp được. Nhưng may thay, chàng thi sĩ lãng du trong tình trường ấy lại là một cây đại thụ trên thi đàn văn học cách mạng nước ta ngay từ sau Cách mạng tháng Tám (1945). Người được xem là một nhà thơ say mê diễn thuyết. Ông có mặt khắp nẻo chiến trường trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có mặt khắp công nông trường và say mê bình thơ, giới thiệu thơ cho mọi loại thính giả từ bình dân đến trí thức trong nước và cả ở nước ngoài. Chính vì thế, tôi đã gặp thần tượng của mình đến những… ba lần (Hai lần lúc nhà thơ còn sống và một lần viếng mộ ông sau khi được chuyển từ Nghĩa trang Văn Điển về Mai Dịch).
Lần đầu tiên gặp ở Quy Nhơn vào Hè năm 1981 khi tôi còn là gã sinh viên Văn khoa say thơ tình hơn say học. Xuân Diệu lại là nhà thơ quê Bình Định. Và lần về thăm quê ấy, ông đã đến với khoa Văn chúng tôi trong một đêm nói chuyện thơ đến ngây ngất lòng người. Tưởng một lần cũng đã là quá đủ. Ai ngờ… tôi lại được gặp ông trong chuyến đi nói chuyện cuối cùng từ Bắc vào Nam trước khi ông mất. Ấy là năm 1984. Tôi ra trường được hai năm và về dạy ở Trường Trung học Tài chính Kế toán 3 (Nay là Đại học Tài chính - Kế toán). Lúc đó, tôi làm trong Ban Chấp hành Đoàn trường, phụ trách mảng văn hóa văn nghệ. Như vậy là trên đường đi diễn thuyết của cuối đời mình, Xuân Diệu đã dừng lại thị xã Quảng Ngãi (Lúc đó còn thuộc tỉnh Nghĩa Bình). Nghe tin, tôi thay mặt tuổi trẻ nhà trường đề đạt nguyện vọng mời nhà thơ về trường giao lưu với học sinh, và được thầy Hiệu trưởng đồng ý cử tôi đi gặp Xuân Diệu.
Đó là một buổi trưa mùa Hè, khoảng 13 giờ chiều, tôi mượn chiếc xe đạp Trung Quốc của một bạn đồng nghiệp nữ (thời đó, có được chiếc xe đạp này còn sang hơn cả xe máy xịn hiện nay). Xuân Diệu nghỉ ở Nhà khách UBND thị xã (Nhà khách UBND tỉnh hiện nay). Vào đến sảnh nhà khách, tôi bắt gặp rất nhiều đồng chí lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp lớn của Quảng Ngãi lúc đó cũng đang ngồi chờ để gặp nhà thơ. Các đồng chí ấy lại đi toàn bằng xe con đưa đón. Mới 13 giờ 20 nên chẳng ai dám lên phá giấc ngủ trưa của nhà thơ (Ngoài là nhà thơ nổi tiếng, Xuân Diệu còn là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức). Thấy tình thế khó khăn của mình trước các “đối thủ cạnh tranh”, cái chất liều của anh chàng mê thơ đột nhiên trỗi dậy. Tôi lẻn đến hỏi cô lễ tân vốn cũng là người quen, cô cho tôi biết, Xuân Diệu đang ở phòng A1. Tôi hăng hái leo từng bước nhẹ nhàng lên cầu thang. Quả là… “điếc không sợ súng”. Thực ra, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng: Ông là nhà thơ, tất nhiên sẽ không hề quan cách. Hơn nữa, cho dù không mời được ông về trường thì ít ra tôi cũng thỏa mộng là được gặp thần tượng của mình lần thứ hai chứ có thiệt gì đâu! Nào ngờ, sau tiếng gõ cửa nhè nhẹ run run của tôi, Xuân Diệu lê dép ra mở cửa. Ông vừa bật khỏi giường sau tiếng gõ cửa. Thân hình mập mạp với chiếc áo may - ô hơi cũ và chiếc quần đùi rộng. Ông ra hiệu mời tôi vào và đi vào trong thay đồ. Vẫn mái tóc xoăn như mây trời thu và đôi mắt mơ màng hơn cả nàng thu chịu tang của ông trong Đây mùa thu tới ! Chính cái vẻ thi sĩ thực thụ này khiến tôi mạnh dạn trình bày ý định của mình khi nhà thơ trở ra và chế nước pha trà. Nghe tôi trình bày nguyện vọng xong, Xuân Diệu không nhìn tôi, bảo :
- Chà! Lịch làm việc ở Quảng Ngãi hơi bị… nhiều đây.
Và ông hỏi tôi về tình hình thầy cô giáo và học sinh ở trường. Nghe tôi trình bày đối tượng nghe thơ, Xuân Diệu nhìn tôi:
- Trường em cách đây có xa không?
- Dạ khoản gần 4 cây số về phía Nam, ở huyện Tư Nghĩa ạ.
- Cùng quê Bích Khê à?
- Vâng! Nhưng Bích Khê ở Thu Xà miệt biển, còn trường em nằm trên Quốc lộ, trung tâm Huyện ạ!
Xuân Diệu mơ màng nhìn lên trần nhà. Hình như ông đang tưởng nhớ đến người bạn thơ Bích Khê tài hoa bạc mệnh. Rồi ông chợt hỏi tôi:
- Em đi ra đây bằng phương tiện gì?
- Dạ, đi xe… đạp ạ.
Xuân Diệu bỗng cười ngặt nghẽo. Một tràng cười cũng rất… Xuân Diệu. Nó vừa như một sự buồn cười thật sự vừa lại như một niềm thú vị bất ngờ về chiếc xe đạp của tôi. Thú thật, lúc này, tôi hơi hoảng. Ông cứ nhìn lên trần nhà cười rất lâu (Có lẽ do tâm lý lúc này nên tôi nghĩ nó lâu hơn sự thật của tràng cười ấy). Một chặp, ông nhìn tôi bằng ánh mắt triều mến:
- Có mệt lắm không? Trưa nắng thế này…
Và ông lại rót nước ra hiệu mời tôi uống. Nhưng cũng chính câu hỏi “mệt không?” của Xuân Diệu giúp tôi tìm ra “lối thoát hiểm” mà có lẽ lúc này chỉ có thơ ca mới làm được việc ấy. Tôi nhanh nhảu bịa chuyện:
- Dạ… cũng mệt ạ, nhưng vì em có chở theo sau một bạn gái nên cũng chẳng thấy mệt lắm đâu ạ. Nhà thơ đã từng bảo là:
Em ngồi tíu tít ở sau xe
Em nói, lòng anh mãi lẳng nghe
Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm
Đời vui khi được có em kề (Giọng nói)
vì thế, em “vui” mà không mệt ạ.
Xuân Diệu lại ngước mặt lên trần nhà cười khoái trá. Chà chà… ở Quảng Ngãi này lại có cái thằng giáo viên quèn cha căng chú kiết dám đạp xe đạp đi mời Xuân Diệu thì quả là liều. Lại còn thuộc và áp dụng rành rõi thơ mình nữa chứ! Thú vị lắm, chú giáo viên nghèo ạ. Tôi chắc là nhà thơ giàu liên tưởng của chúng ta đang nghĩ thế. Ông cười cười nhìn tôi:
- Thế bạn gái đâu rồi? Nghe chú mày tán bằng thơ Xuân Diệu nó sợ quá, xuống xe bỏ chạy rồi chứ gì?
- Dạ, đâu có. Bạn ấy cũng yêu thơ ông nên mới đồng ý đi theo em đấy ạ. Nhưng cô ấy không dám lên đây.
- Yêu thơ Xuân Diệu mà lại sợ Xuân Diệu à?
- Dạ, không đâu. Nhưng vì nhà thơ đang ngủ trưa nên bạn ấy ngại…
Xuân Diệu có vẻ gật gù rồi với tay lấy cây bút và mảnh giấy trên bàn ngồi hí hoáy viết, còn tôi thì đang tìm cách mở đường nói dối tiếp theo nếu lỡ ông bảo xuống gọi người bạn gái. Nhưng may quá, sắp đến giờ phải đi nên ông bảo tôi:
- Tớ đồng ý! Chú mày cầm miếng giấy này sang Thị ủy để họ sắp lịch cho. Học sinh, sinh viên là thú vị lắm. Được làm thầy giáo như chú mày cũng là một diễm phúc đấy. Thôi vậy, lịch vào trường chú mày, Thị ủy sẽ thông báo.
Tôi mừng quýnh, cảm ơn, chào ông xin phép về và vội vã cầm “miếng bùa hô mệnh của Xuân Diệu” sang Thị ủy…
Nhìn bộ dạng của tôi, ông Thị ủy hơi có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi tôi đưa “miếng bùa hộ mệnh của Xuân Diệu”, ông Thị ủy mời tôi ngồi. Sau một lúc dặn dò về chế độ ăn uống của nhà thơ với tôi, ông Thị ủy bảo tôi, đúng sáng ngày mốt ra đón nhà thơ…
Về trường, nghe tôi kể chuyện, thầy Hiệu trưởng cười bảo:
- Thôi thì… sáng mốt để tao nói đồng chí Bí thư Đảng ủy đi xe con cùng mày ra đón cho đường hoàng.
Thế nhưng khổ thân tôi, khi họp lãnh đạo trường để đón nhà thơ thì vấn đề Xuân Diệu nói đề tài gì lại đâm ra khó xử (Trong thời kỳ tiền đổi mới ấy, lo lắng Xuân Diệu vào nói thơ tình với học sinh cũng là điều dễ hiểu). Vậy là, cuộc họp kết luận: Mời nói chủ đề thơ văn Việt Nam chống bành trướng phương Bắc. Tôi thật sự bâng khuâng, nhưng có lẽ khó xử nhất là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng cùng tôi đi đón Xuân Diệu.
Vậy là, sáng sớm hôm ấy, khi cán bộ, viên chức và học sinh tập trung hết về Hội trường chờ nhà thơ đến, tôi cùng thầy Bí thư Đảng ủy đi đón Xuân Diệu. Trên đường đi, thầy Bí thư bảo tôi nói cái điều khó nói ấy với nhà thơ. Tôi từ chối vì biết như vậy mình sẽ làm cho nhà thơ thất vọng. Bí quá, thầy đành chịu đòn và tôi biết thầy cũng rất áy náy về chuyện này.
Lên xe, Xuân Diệu ngồi ghế trước, tôi và thầy Bí thư ngồi phía sau. Cựa mình mấy lần mà thầy vẫn chưa dám nói. Đã sắp đến cầu Bàu Giang rồi. Nghe tôi thúc, thầy đành khổ sở ngập ngừng:
- Bác… nhà thơ Xuân Diệu này! Hiện nay, học sinh trường đang rất cần nghe nhà thơ nói về đề tài thơ văn chống bành trướng. Vậy sáng nay…
- Ngừng lại! Ngừng xe lại. Chở tôi về thị xã! Xuân Diệu bật người như điện giật và thốt lên với vẻ mặt giận dữ thật sự, thơ văn chống bành trướng ai nói chả được mà phải mời Xuân Diệu. Xuân Diệu còn những 500 bài thơ tình “tồn kho” chưa công bố, mai kia tôi chết thì ai nói được. Bác tài xế, làm ơn chở trả tôi về Nhà khách.
Quá bất ngờ vì phản ứng giận dữ của nhà thơ, tôi đành cố ý nói to để Xuân Diệu nghe:
- Em đã lỡ đặt nhà thơ rồi, cứ để nhà thơ nói về thơ tình thầy ạ. Bác ấy mà nói thơ tình thì tuyệt vời lắm. Rất tốt trong việc giáo dục tình yêu cho thế hệ trẻ bây giờ…
Thật ra, đây là cách tôi gỡ bí cho thầy chứ tôi có đặt trước gì đâu! Nghe thế, thầy mạnh dạn:
- À, chú Ấn đã đặt rồi mà tôi không biết, xin nhà thơ thông cảm…
Lúc ấy, tôi và bác Bàn lái xe có nói thêm vào để xoa dịu tình hình, nên cuối cùng, nhà thơ đồng ý. Thế là thoát hiểm…
Theo lịch, Xuân Diệu sẽ vào thăm UBND Huyện Tư Nghĩa trước khi nói chuyện, nên về đến trường, thầy Bí thư ở lại thông báo tình hình với lãnh đạo trường, còn tôi theo Xuân Diệu vào Huyện.
Chỉ khoảng 20 phút gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, vừa ăn kẹo gương vừa nói chuyện, Xuân Diệu rất ân cần hỏi về tình hình địa phương từ năng suất lúa đến đời sống nhân dân, từ kế hoạch sinh đẻ đến cả tình hình trường trại… Tôi cảm nhận ra một điều rằng: Người thi sĩ nổi tiếng lãng mạn ấy lại là người hết sức quan tâm đến đời sống con người. Ông ghi chép cẩn thận những con số vào cuốn sổ tay và lắng nghe với rất nhiều cảm xúc…
Về lại trường đã khoảng 8 giờ. Hội trường chật ních người. Thấy sự háo hức chào đón của mọi người, Xuân Diệu say mê vào cuộc. Trước tiên, ông yêu cầu tìm cho ông một ly nước chanh để thay chai bia đặt sẵn trên bục. Nghĩa là, chúng tôi đã lầm vì nghe đồn: Xuân Diệu chỉ chuyên uống bia khi nói chuyện thơ. Lại khổ thân tôi, vì lúc này cô phục vụ cũng đã chen vào Hội trường coi… Xuân Diệu. Tôi vội vã chạy đi mua cả hai ly nước chanh và trực tiếp phục vụ nhà thơ.
Sáng ấy, Xuân Diệu bình và đọc rất nhiều những bài thơ tình chưa in của ông. Bình một cách say mê với một tư duy mẫn thiệp và uyên bác. Chỉ một lần Xuân Diệu đọc qua, bình lại, mà cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ những bài thơ ấy. Cũng chẳng thể nào nhớ hết đâu. Chẳng qua do quá mê thơ, đặc biệt thơ Xuân Diệu chưa in sẽ là tư liệu quý hiếm nên tôi ngồi trong cánh gà Hội trường ghi đầy đủ. Tôi nhớ nhất là bài “Tứ tuyệt tương tư” (lúc đó chưa được in) mà ông bình thật kỹ, đặc biệt là dừng lại rất lâu ở hai câu cuối của các bài thơ. Bài thơ gồm ba khúc tứ tuyệt:
1. Lâu lắm, em ơi, tháng rưỡi rồi
Sao nhiều xa cách thế em ơi!
Sớm trông mặt đất thương xanh núi
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời.
2. Bỗng nhiên trời đất nhớ người yêu
Mây vắng chim bay, nắng vắng chiều
Nước chảy lơ thơ bờ líu ríu
Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu.
3. Hoa tím tương tư đã nở đầy,
Mời em dạo bước tới vườn đây;
Em xem, yêu mến em gieo hạt,
Hoa tím tương tư đã nở đầy.
Phong cách nói chuyện của Xuân Diệu cũng khá đặc biệt. Con người này, suốt một đời luôn khát khao được giao cảm với đời nên ông yêu cầu rất cao ở thái độ người nghe. Ông không muôn cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu như thời lãng mạn nữa, mà bằng tài năng hùng biện của mình, bằng cách nói đầy ma lực, ông cuốn người nghe theo dòng cuốn cảm xúc của ông, cùng cảm xúc với ông. Và cứ thế… mỗi lần kết thúc một bài thơ, ông dừng lại… Sau tràng vỗ tay kéo dài của thính giả, ông chấp hai tay vào sát ngực mình, vừa lui vừa cúi đầu bái tạ một cách chân thành thay cho lời cảm ơn cùng thính giả.
Xuân Diệu là thế! Suốt một đời dâng hiến, dâng hiến đến hơi thở cuối cùng:
Ồ! Quả chanh này đã vắt hết
Hiến cho non nước, hiến đời thân (Không đề)
của mình cho nghệ thuật và cho con người.
Cuối năm 2001, trong một chuyến công tác ở Hà Nội, tôi được ké cùng nhà thơ Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và nhà văn Trung Trung Đỉnh đi viếng mộ cuối năm trong lần Thanh Thảo ra Hà Nội họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn để xét kết nạp Hội năm đó. Đầu tiên là đến Nghĩa trang Văn Điển viếng mộ nhà văn, dịch giả Nguyễn Trung Đức (Người bạn thân của Thanh Thảo) mới mất hồi đầu năm (02/01/2001). Sau đó, đến Nghĩa trang Hà Tây viếng mộ Khương Thế Hưng (Con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng) và điểm cuối cùng là về Nghĩa trang Mai Dịch để viếng mộ Xuân Diệu và Văn Cao. Đứng trước mộ nhà thơ, nhìn bức phù điêu chân dung tôi vẫn thấy hiển hiện cái ánh mắt mơ màng với mái tóc bồng muôn thuở. Tôi lại càng thấm thía hơn: Ông là nhà thơ nặng lòng cùng đất nước, cùng nhân dân, yêu cuộc sống đến say mê. Thơ ông viết về quê hương cũng đắm say như viết cho tình yêu đôi lứa:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần…
… Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi (Vội vàng)
Ông thực lòng gắn bó với quê cha đất tổ miền Trung nghèo khổ của mình và tự hào về cái cội nguồn máu thịt ấy:
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Ông đồ Nho lấy cô làm nước mắm… (Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong)
Có phải vì thế chăng mà nhà thơ tình của chúng ta mãi mãi trẻ trung cùng cuộc sống dù đã “vẫy chào cõi thực để vào hư” gần trọn 30 năm…
Quảng Ngãi, viết 2002, bổ sung 2013.