Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.014
 
Lương Hòa - MônCaĐa
Thanh Giang

Ký sự của THANH GIANG

 

Hôm lễ khánh thành đền thờ Nữ tướng Anh hùng Nguyễn Thị Định có một hình ảnh gây ấn tượng xúc động lòng người. Đó là đội lân toàn là đàn bà goá của xã Lương Hoà. Các chị làm văn nghệ “vườn” từ thời “gái goá” cho đến “đàn bà goá”. Đặc biệt còn một thời oanh liệt là lính “quân tóc dài” của Cô Ba, Chị Ba - Phó Bí thư Tỉnh ủy… Dù đàn bà goá, song đội lân múa điệu nghệ không thua gì trai trẻ. Mình vận bà ba đen, lưng thắt khăn rằn, tóc bới tròn vén khéo. Từ còn mờ mờ đất, trống chầu phèng la đã nổi lên. Các chị múa từ trong sân chợ Lương Hoà bên bờ sông Giồng Trôm, theo con đường sáu cầu mang tên sáu liệt sĩ ra tỉnh lộ 26 rồi vào sân đền. Các chị múa chào mừng cuộc lễ bằng tất cả lòng thương yêu thành kính; cộng hưởng niềm tự hào từ lòng mình khua vang dậy xóm làng, vang dậy lòng người; rậm đám tưng bừng dậy trời!

Công trình đền thờ Nữ tướng Anh hùng Nguyễn Thị Định từ lòng ngưỡng mộ tôn nghiêm của người đang sống. Từ ba nguồn kinh phí mà trong diễn từ của Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be đã biểu dương: phần lớn là huy động các tổ chức, ban ngành cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh, phần còn lại là ngân sách của tỉnh đầu tư. Vong linh Bà Nguyễn Thị Định ngậm cười cảm nhận tấm thạnh tình; còn những điều tiếng gì thì… Bà bỏ ngoài tai. Cả một đời cống hiến tuổi xanh và duyên phận, vượt bao nỗi đau cơ hồ vỡ tim: chồng bị đày rồi hy sinh ngoài Côn Đảo, con trai một tập kết miền Bắc, rồi lâm bịnh từ trần; bản thân Bà bị tù Bà Rá. Những ngày sống trong lòng dân, Bà luôn bị giặc treo giải thưởng lớn và lùng bắt ngặt nghèo. Phần lo giữ vững tinh thần bà con, phần lo lánh né để tồn tại, cam go biết dường nào! Một người phụ nữ bình thường chỉ cần vượt lên bi kịch bản thân, vượt lên hiểm nguy mất mạng, trụ lại được với phong trào, đã là phi thường; huống hồ còn lèo lái phong trào, vượt qua mắt địch lên Khu ủy lãnh hội tinh thần nghị quyết TƯ.15 về triển khai đồng khởi thành công thì… phi thường cỡ nào?!

Sau đồng khởi, Mỹ - Diệm hốt hoảng, coi như cái “khối u” Kiến Hoà, sẽ lây lan khắp cơ thể Nam Việt Nam; lật đật huy động tổng trù bị hải-lục-không quân mở chiến dịch: “Bình trị Kiền Hòa” do Đỗ Cao Trí chỉ huy; có cố vấn Mỹ và Ngô Đình Diệm thân hành đốc chiến. Trận càn mười hai ngàn quân tập trung bao vây ba xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Một “nhúm” lực lượng võ trang mới nhen và Bà Nguyễn Thị Định cùng cán bộ cơ quan tỉnh ủy đều bị kẹt trong vòng vây. Tưởng chừng: đá nát vàng tan! Thế nhưng đơn vị võ trang non yếu vẫn cùng du kích, đánh tiêu hao địch, bảo vệ mình. Vượt lên thử thách ngàn cân treo sợi tóc, lãnh đạo Tỉnh ủy cùng cán bộ Đảng địa phương khéo léo kết hợp tấn công võ trang với đấu tranh chính trị, huy động hằng năm ngàn Quân tóc dài tràn ngập thị trấn Mỏ Cày, buộc mười hai ngàn quân chính quy của Sài Gòn phải rút lui sau mười tám ngày càn bố. Chiến dịch Bình trị Kiến Hoà thất bại. Thời thế tạo: Quân tóc dài ra đời. Bà Nguyễn Thị Định được bầu lên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Mỹ-Diệm ngậm đắng nuốt cay, ráo riết đối phó nguy hiểm Kiến Hoà: thành lập vùng “Đệ ngũ chiến thuật”, tăng quân chủ lực, xây dựng sân bay Tân Thành…

Bấy giờ, dân gian kể chuyện Bà Nguyễn Thị Định, với đồng khởi và quân tóc dài… tìm không xứng lời, phải mượn trợ ngữ: như là huyền thoại. Huyền thoại hoá một hiện thực sống bền cùng lịch sử! Và dân gian hằng truyền tụng…

Sau hoà bình, Bà Nguyễn Thị Định phải đảm nhận nhiều trọng trách đối với nhà nước và đoàn thể, nên chưa kịp thực hiện ý định trở về thăm lại lâu hơn những nơi bà con xưa từng chết sống cưu mang; thương tiếc thay Bà đột ngột từ trần! Tham dự lễ tang Bà là cả một biển người khắp các tỉnh thành. Lòng người ngưỡng mộ ấy, công trạng ấy cô động trong lời tựa cuốn Nhớ Chị Ba Định, ở đoạn cuối giáo sư Trần Văn Giàu tế nhị dựa hơi dân gian đã viết: “Ngày xưa, người dân ở làng quê bảo nhau rằng: những người như chị là: Sống làm tướng, chết thành thần!”. Minh định điều ấy, ngày: 20 - 12 - 2003 nhân dân cùng chính quyền Bến Tre long trọng cử lễ khánh thành đền thờ Nữ tướng Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Định; trên chính quê hương của Bà. Vị nữ tướng mà Bác Hồ từng tôn vinh: “Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta!…” Nói riêng: vẻ vang cho Bến Tre, vẻ vang cho Lương Hoà.

Lương Hoà! Xã Anh hùng! Lương Hoà - pháo đài trong lòng địch chỉ cách thị xã Bến Tre non tầm đại bác. Bom B52 rải thảm Lương Hoà, rung rinh phố xá Bến Tre. Vùng đất một ngàn sáu trăm hécta đã hứng chịu hằng vạn đạn bom cày xới tan hoang; hai mươi ba đồn tua phong toả, kềm kẹp; mặt lộ 26: chốt cụm pháo Đồng Gò; mặt sông Giồng Trôm: hạm đội nhỏ trên sông; mặt trên trời: pháo đài bay B52…Dân quân, du kích, cán bộ hoạt động ở Lương Hoà, vừa băng hố bom dưới đất, vừa đội bom B52 trên trời. Mỗi con người Lương Hoà một pháo đài lẫm liệt! Từ đây, những trái nổ bung ra đánh chìm hạm đội nhỏ trên sông của giặc Mỹ; những mìn ĐH bay vào thị xã nổ “định hướng” trại lính Mỹ, trụ sở công an, cảnh sát… Vườn dừa cụt đầu dàn bãi chông sào chống trực thăng; hàng tre bom tiện đem thân làm công sự bắn tàu… Dòng sông Giồng Trôm rì rầm sóng reo chiến tích liệt oanh, mệnh danh: “Bạch Đằng Giang thời đại”!

Oai linh Lương Hoà đồng điệu uy danh Môncađa, chung một chiến hào chống Mỹ. Pháo đài Môncađa, một trong số thành lũy quân sự quan trọng nhất của bọn độc tài phát xít Patítta - tay sai của Mỹ. Ngày 26-7-1953, Phi-đen Cat-trô đã chỉ huy nghĩa quân tấn công. Tuy thắng lợi không trọn vẹn, song tinh thần Môncađa đi vào lịch sử, cỗ võ sĩ khí, đưa cách mạng Cuba đến toàn thắng ngày 1-1-1959. Vào những năm tám mươi (thế kỉ XX), hai lần phái đoàn của Chính phủ Cuba sang thăm Việt Nam đều về thăm Lương Hoà, lần thứ hai do bà Nguyễn Thị Định với cương vị Phó Chủ tịch nước, nhân danh Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, vừa nhân danh người con gái Lương Hoà đưa phái đoàn về; lần nầy xã Lương Hoà chính thức được phái đoàn Chính phủ Cuba tặng danh hiệu tên làng MÔNCAĐA !

Bấy giờ: nền bót cũ, chợ Lương Hoà mới cất. Hố bom xưa chưa kịp lấp, thành “ao cá Bác Hồ”. Đắp mới con đường lên tỉnh lộ 26, bắc sáu cây cầu cho xe hơi về giao lưu; nối kết tình thâm qua nửa vòng hành tinh, thông thương Môncađa - Lương Hoà…Mỗi cây cầu mang tên sáu anh trai làng liệt sĩ, có mồ hôi vợ con mình chung tay xây dựng. Những người vợ liệt sĩ xếp lại khăn tang, lập đội lân gái goá, giúp vui lao động xây đời sống mới ấm no hạnh phúc hơn mười ngày xưa! Đội lân múa đó! Giờ tuy “đàn bà goá” vẫn ngon như ngày nào là lính “Quân tóc dài” oanh liệt của Chị Ba, Cô Ba, gần gũi thân thương hơn là Cô Út Nhì Nguyễn Thị Định - cô gái bình dị của quê hương Lương Hoà!

Trời Lương Hoà âm vang náo nức tiếng trống chầu đệm phèng la: Cheng! Cheng!… Thùng phình - lùng tùng phình!…Cắc - tùng phình!…

Tp, Hồ Chí Minh 22-12-2004

Thanh Giang
Số lần đọc: 2906
Ngày đăng: 24.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975 - Võ Quê
Vùng đất đổi màu xanh - Nguyễn An Cư
Huyền thoại trên sông Tiền - Đậu Viết Hương
Ngọn sóng Rạch Gầm - Hoài Giang
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào? - Huỳnh Hùng Lý
Bò Ba Tri - đủng đỉnh nên giàu - Từ Phạm Hồng Hiên
Sống lại những làng dừa - Phan Lữ Hoàng Hà
Số phận con gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Trầm Hương
Người ở mom sông - Trầm Hương
Người đàn bà điên - Trầm Hương