Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.204.375
 
Các bậc thang phép thuật
Nguyễn Hồng Nhung

 

HAMVAS BÉLA

     

( Trích tiểu luận triết học: Scietia sacra)

 

 

Chỉ người nào- Manu nói- trong tất cả các bến đỗ hoàn toàn chủ tâm, tỉnh táo và dứt khoát tham dự, kẻ đó được coi là đã giải thoát.

Về sự nhập định thời cổ, con người lịch sử cũng được học chút ít gì đó, nó tưởng rằng điểm xuất phát là cuộc đời sống trong tự nhiên vật chất, và mục đích cuối cùng phụ thuộc vào một cái gì đấy như sự cứu rỗi, niềm hứng khởi, niềm hạnh phúc, đời sống vĩnh cửu và bằng những hình ảnh khó hiểu của sự bất tử.

 

 Trong khi đó, điều mà Manu nói rằng cần phải trải qua tất cả các bến đỗ, thậm chí: một cách tỉnh táo, có chủ ý và chủ tâm- không một tri thức nào giải thích nổi. Ngoại trừ những nhà huyền học, những kẻ giải thích nổi các mức độ này; nhưng các tư tưởng của họ không những không trở thành đại cương mà nhiều khi khó có thể hiểu nổi.

 

Khi môn tâm lý học thử giải thích những điều huyền bí, lập tức một loạt hiểu lầm cơ bản nổi lên. Tâm lý học cho rằng bậc thang huyền bí là mức độ hoàn hảo của cái Tôi cá nhân. Giải thích này trong tổng thể là sai. Bậc thang ở các nhà huyền học, nhất là trong thời cổ, không phải sự đo lường mức độ hoàn hảo của cái Tôi cá nhân, mà là sự đo lường mức độ sự sống được nâng cao hơn.

 

Các bậc thang đứng về mặt tâm lý học tuyệt đối không thể hiểu nổi. Vì không phải là tâm lý học mà là siêu hình học. Trọng tâm của tư tưởng không phải là cái Tôi cá nhân mà là sự sống; không phải con người cá nhân hóa mà là con người siêu việt. Các bến đỗ thực chất có nghĩa là sự nhập định vào các nhiệm vụ đời sống cao hơn.

 

Để cho tư tưởng này trở nên dễ hiểu hơn: với con người sống trong thiên nhiên vật chất, kẻ mà số phận của nó hoàn toàn diễn ra trong niềm vui gia đình, công sở, thể xác, và các khát vọng đi liền với những cái bên ngoài, những kẻ này không cần đến sự nhập định cao hơn. Sự sống của nó không đòi hỏi sự tỉnh táo đặc biệt hơn.

 

Truyền thống Hindu gọi mức độ đại cương của con người sống trong thiên nhiên vật chất là grihastha, là người chủ gia đình. Mức độ này hoàn toàn phù hợp với thiên nhiên vật chất. Đây là: sức khỏe, sự sinh sôi nảy nở, dinh dưỡng, cộng đồng, đạo đức trong sạch, khẩu vị, tính vị tha. Rất ít ỏi kỷ luật tự thân, sự nghiêm túc, trí tuệ minh mẫn, cảm giác tập thể đã là đủ.

 

Nhưng khi nói đến nhu cầu cao hơn so với đời sống người, lập tức nổi lên, không phải câu hỏi làm thế nào để thu được tri thức. Tri thức có thể thu được bằng sự nhẫn nại và chăm chỉ. Cái khó hơn, là mức độ cao hơn được sử dụng để thỏa mãn nhu cầu cao hơn. Người nào mong muốn nhiều hơn mức độ chỉ là chủ gia đình, người ấy biết nhiều hơn không đủ. Cần phải bước vào mức độ cao hơn của sự sống.

Nhưng bước vào mức độ cao hơn của sự sống không đòi hỏi từ tự nhiên vật chất. Trong tự nhiên có quyền lực, sức mạnh, tài năng, sự khéo léo- nhưng mức độ sự sống không có. Con người lịch sử tưởng rằng, bí ẩn của kẻ lãnh đạo, linh mục, quân nhân, kẻ cầm quyền, nhà bác học, nhà thơ là tài năng hoặc khả năng hoặc sức mạnh. Họ tin như vậy bởi để hiểu đời sống, ngoài các nhân tố trong tự nhiên vật chất và thiên nhiên ra không còn các đo lường khác.

 

 Mức độ cao hơn của sự sống không thể thu được bằng bất kỳ tài năng nào, sức mạnh nào. Người nào có nhu cầu cao hơn so với đời sống của nó, tự nó đòi hỏi từ bản thân nó, và rất khó thỏa mãn, kẻ đó cần từ bỏ mức độ của thiên nhiên vật chất và cần phải bước lên mức độ cao hơn. Và câu hỏi làm thế nào để thu thập tri thức cho nhu cầu bước lên mức cao hơn này, câu trả lời sẽ là: chỉ tham gia sự nhập định mới đạt tới.

 

Sự nhập định chỉ có thể hiểu được một cách siêu hình. Bởi vì ở đây không nói đến sự tăng lên của kiến thức, nhận thức lớn hơn, sự thể hiện các sức mạnh thân xác hoặc tinh thần, sự tiếp thu các nghề nghiệp- những thứ dễ dàng đạt được trong thiên nhiên-và cũng như vậy, không hề nói đến sự hoàn thiện cái Tôi tâm lý của thực thể người cá nhân.

 

Các bậc thang nhập định là các bậc thang phép thuật, dẫn tới một thế giới siêu nhiên bên trên thế gian vật chất. Và tất cả những ai, đòi hỏi từ đời sống của mình nhiều hơn những người khác, đều phải bước lên các bậc thang này. Nếu họ không bước lên, họ vẫn cứ tham gia vào một trong những hoạt động của mức độ cao hơn của sự sống: họ trở thành linh mục, thày giáo, nhà thơ, kẻ cầm quyền, người quân nhân- họ không đạt được bất kỳ kết quả nào, hoạt động của họ tạo thêm nhiễu nhương, công việc của họ không bản chất, vô ích, vô nghĩa, vô giá trị.

 

Việc bước lên những bậc thang phép thuật của sự nhập định có nghĩa là kẻ đã nhập định bước vào vòng siêu việt hơn của sự sống. Truyền thống cổ gọi bước chuyển này là sự tái sinh. Thành viên của tất cả các đẳng cấp (kast) đều cần nhập định, trừ đẳng cấp thấp nhất, sudra.

Những kẻ trong các đẳng cấp cao hơn tuyên bố việc thực hiện các nhiệm vụ đời sống cao hơn, cần phải bước vào mức độ cao hơn của sự sống, sinh ra hai lần. Kẻ sinh ra hai lần tiếng Sanskrit gọi là dvidzsa, trong đó có cả nông dân, lái buôn, thợ thuyền, cả quân nhân, quan tòa, kẻ cầm quyền hoặc linh mục. Tất cả những ai có như cầu lớn hơn nhu cầu vật chất tối thiểu, đều cần phải nhập định.

 

Và con người càng có nhu cầu nhiều hơn, càng cần phải bước lên thêm nhiều bậc thang phép thuật. Kẻ nào muốn đạt đến mức độ con người cao nhất, thực hiện sức mạnh Thần và hiện thực hóa tinh thần tuyệt đối thông qua chính bản thân mình, kẻ đó cần phải bước lên tất cả các bậc thang, hay nói cách khác: hoàn toàn phải đứt đoạn với thiên nhiên vật chất. Con người này đã thoát khỏi ràng buộc.

 

Đây là brahmatma, như truyền thống Hindu gọi, có thể đưa vào vòng hoạt động của mình nghệ thuật, tiên tri, dạy học, cai trị: tất cả những gì con người này làm, trong tất cả mọi việc làm của nó thể hiện rõ các sức mạnh tinh thần. Đây là con người, như Manu nói, đã giải thoát, và: là kẻ trong tất cả các bến đỗ hoàn toàn chủ tâm, tỉnh táo và dứt khoát tham dự, kẻ đó được coi là đã giải thoát.

 

2.

 

Các bậc thang phép thuật, mà người học trò đợi nhập định cần phải bước qua, theo sự dạy dỗ của tất cả các truyền thống cổ đều đồng nhất với những bến đỗ, mà linh hồn âm từ bỏ đời sống trần tục cần phải làm ở thế giới bên kia.

Cần giải thích hết sức cơ bản điều này, không chỉ vì truyền thống dạy về những điều này rất phong phú, mà còn vì chưa bao giờ có thể đến gần tinh thần của truyền thống cổ như lúc này đây. Nhưng trước khi chỉ nêu lên một từ thôi nói về sự dạy dỗ của truyền thống cổ, cần phải hiểu ấn tượng của ngưỡng nghĩa là gì. Có vẻ: ai đã trải qua điều này, không cần giải thích nữa, nhưng với ai chưa trải qua, không giải thích nổi. Tất nhiên khó khăn này chỉ có vẻ như vậy.

 

Ấn tượng về ngưỡng không ràng buộc về tuổi, giới tính, trình độ, tri thức. Ấn tượng về ngưỡng mọi linh hồn đều nhận biết một cách trực tiếp, và giữ gìn ký ức về nó, không phải trong kỷ niệm của cái Tôi cá nhân, không phải trong kinh nghiệm vô thức thu thập trong cuộc đời cá nhân, mà trong cái Tôi vĩnh cửu và siêu việt.

 

Điều này sống trong mỗi con người, mà cái Tôi siêu việt và vĩnh cửu, cho dù mơ hồ, vẫn hiện ra một cách trực tiếp qua ấn tượng về ngưỡng này, cái mà truyền thống tôn giáo thường gọi là sự thất bại, sự phạm tội, sự thức tỉnh, là bước rút ra khỏi sự bao phủ tăm tối của vật chất.

Một cách đặc thù, linh hồn con người gìn giữ trong ký ức của nó những bến đỗ của số phận đời sống người vĩnh cửu. Bằng một khả năng bí ẩn nào đó, nó biết nhận ra cái gì đã xảy ra, khi con người sinh ra và khi con người chết đi. Như thể nó đã trải qua một cách trực tiếp, đến mức khi nghe đến tư tưởng luân hồi, đối với nó tư tưởng này không hề xa lạ. Về sự sinh ra và về cái chết tất cả mọi người giữ trong mình không chỉ một ấn tượng mà rõ ràng, cả kinh nghiệm cá nhân nữa, và điều đặc biệt nhất, kinh nghiệm này ở tất cả mọi con người đều giống nhau.

 

Ngưỡng là một đột ngột mang ý nghĩa sự thay đổi đến tận gốc rễ một cách bất thình lình, toàn diện của toàn bộ những môi trường bên ngoài và bên trong: ngoại trừ một điểm nhỏ nhoi vô hình ra- toàn bộ các mối quan hệ, liên hệ, môi trường, hướng đi, trạng thái của thực thể người trong một tích tắc hoàn toàn biến mất, đến mức cái thay thế vào đó, mới, lạ lẫm, bất thường, đáng sợ một cách cội rễ và hoàn hảo, bản chất triệt để và bất ngờ của sự thay đổi này đe dọa đến cả sự sống của một hạt mầm bé xíu.

 

Ngưỡng là cái đột ngột mà linh hồn trải qua, khi bước từ thế gian này sang thế gian khác, khi: hoặc sinh ra thức tỉnh từ sự mơ hồ đặc sệt của quên lãng, hoặc khi chết đi và bước ra khỏi thiên nhiên vật chất. Môi trường, mối liên hệ cuộc đời, mối quan hệ, trạng thái, ý thức, quan điểm, tất cả trong giây lát dừng lại, và cơn gió hủy diệt chạm đến hạt linh hồn. Tất cả, cái nó tưởng là rốt ráo và có thể tin được, một quyền lực vô hình lay động báo hiệu sự lao xuống vực của linh hồn có thể xảy ra.

 

Trong thế gian vật chất nó đồng hóa mình với thể xác vật chất, thứ phụ thuộc vào những điều kiện vật chất. Giờ đây những điều kiện vật chất này tan rã một cách ma quỷ và linh hồn tưởng rằng, nếu các điều kiện biến mất, nó cũng cần bị tiêu diệt. Sức mạnh của sự rún động này mới to lớn làm sao, khiến cho toàn bộ nó, ngoài một điểm bé xíu duy nhất ở trung tâm linh hồn - hạt giống linh hồn - suy sụp toàn diện vì sợ hãi và khủng khiếp.

 

Đấy là hướng đi xuống của ngưỡng. Còn hướng đi lên xuất phát từ một điểm nhỏ xíu, thứ không bao giờ thay đổi, không run sợ, không hốt hoảng, đến ngạc nhiên cũng không, thứ bình thản, ổn định, chắc chắn, bắt đầu từ từ rạng sáng.

 

Ý thức vẫn chưa quay lại; ý thức là bộ phận của cái Tôi cá nhân, đã tan vỡ. Một cái khác, rộng hơn, phổ quát hơn so với ý thức cũ bắt đầu xuất hiện. Cái này vẫn chứa trong nó thiên hình vạn trạng của kinh nghiệm thu được trong thiên nhiên vật chất. Nhưng những kinh nghiệm này ngày càng mờ nhạt dần, giống như đường nho mất dần chất ngọt để trở thành rượu.

 

Từ tất cả những gì con người trải qua trong cuộc sống vật chất, chỉ còn lại một trích xuất đậm đặc: mức độ cao hơn của sự sống. Tri thức về cái Tôi cá nhân cũng bốc hơi. Kỷ niệm của điều này ban đầu giống như ấn tượng về kết quả hoàn thành của một con đường đầy ắp; sau dần con đường cũng mờ dần, và linh hồn đạt tới bản thân mình như đạt tới bến đỗ của sự sống con người siêu việt.

 

Nhưng điều này cũng tan ra, hoặc là một cái cũng như thế: kỷ niệm này cô đặc dần và trở nên đậm đặc hơn. Khả năng đứng riêng biệt, một sự sống riêng, cái mang tính chất cá nhân, từ từ chấm dứt. Hạt mầm vô hình, bé xíu càng ngày càng rõ và chín muồi bao nhiêu, linh hồn càng nâng cao lên vòng siêu việt bấy nhiêu, càng bám một cách vững chắc vào sự sống phổ quát bấy nhiêu.

 

Chủ thế hóa mỗi lúc một sâu hơn được duy trì bằng việc từ bỏ chậm rãi sự sống riêng biệt. Và ở mức độ cuối cùng chủ thể tuyệt đối nằm trong sự sống tuyệt đối: đấy là vị trí tuyệt đối của linh hồn.

 

Tất cả các ấn tượng ngưỡng, mà con người trải qua trong đời, trong mức độ lớn hay nhỏ đều có họ hàng với ấn tượng ngưỡng của cái chết. Có họ hàng bởi vì trong ý nghĩa của truyền thống cổ, ngưỡng giống như một sự chuyển dời khỏi đời sống, thực chất là” bước ra ánh sáng”, như người Ai cập thường nói: bước chuyển dời từ sự sống người sang sự sống siêu nhiên.

 

Đây là trạng thái người ta hay gọi là esktazis. Còn bản thân ngưỡng là re-stau, vạch ranh giới chia cắt giữa sáng sủa và tăm tối, thiên nhiên và thế giới bên kia, đời sống và sự sống. Trên ranh giới của re-stau. Horus, ánh sáng và Seth, bóng tối, giao tranh với nhau. Linh hồn con người là mặt trời, bước ra khỏi bóng tối, khi sinh ra, và bước ra khỏi ban ngày, khi chết đi- khi mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây.

 

Sinh ra không là việc khó khăn, bởi vì linh hồn con người từ sự quên lãng của vật chất không mang theo bản thân mình cái gì; nhưng ngưỡng khó khăn và khủng hoảng là cái chết, khi linh hồn cần nâng và chuyển đời sống vào sự sống: chuyển sự sáng sủa và tỉnh táo mà nó đã tiếp thu được. Chỉ có một ngưỡng duy nhất chân chính: ngưỡng của cái chết.

 

 Nhưng ở đây theo truyền thống không phải một cái gì đó đợi con người, cái mà nó không thể biết và nhìn thấy trước. Cái đợi con người cũng giống như cái nó sống ở trần gian, chỉ tăng lên thêm một cách bao la hơn: đấy là sự sống.

 

Có thể chuẩn bị cho sự sống. Chuẩn bị như con người đã tiếp cận sự sống trong đời nó, thậm chí đã thực hiện. Các bậc thang phép thuật của sự nhập định là các ngưỡng và các mức độ, mà con người ngay trong cuộc sống đã có thể bước lên. Bước lên như khi nó chết và từ bỏ thân xác, cái chết đối với nó không là gì khác ngoài bậc thang cuối cùng của sự nhập định

 

Theo truyền thống cổ linh hồn chuyển dời cần phải thực hiện các bậc thang phép thuật của sự nhập định bằng các bến đỗ trong thế giới bên kia, điều này đồng nhất bởi vì các bậc thang phép thuật, các bến đỗ ở thế giới bên kia của linh hồn chuyển dời đều từ thiên nhiên vật chất dẫn đến sự sống siêu việt.

 

3.

 

Môn huyền học, mọi ấn tượng huyền bí và toàn bộ sự nhập định đều nằm trong sự đồng nhất của thế giới bên kia và sự sống siêu việt. Đạt đến mức độ cao hơn của sự sống có nghĩa là đạt tới bến đỗ nhất định của thế giới bên kia. Người học trò đợi nhập định đi hết đúng con đường như linh hồn con người lúc từ bỏ thế gian vật chất.

 

Sự dạy dỗ này đối với con người lịch sử vô cùng khó hiểu. Đời sống của nó khép kín đến mức, cái có nghĩa là ranh giới nằm giữa thiên nhiên và thế giới bên kia –re stau-ngưỡng giữa đời sống và sự sống đối với nó là một chướng ngại vật không thể bước qua nổi.

 

 Câu hỏi nổi lên ở đây là: có phải ranh giới trở thành chướng ngại vật không thể vượt qua, vì sự quên lãng các tổ chức nhập định, đời sống bị khóa kín đến mức đó vì cái quá trình có thể mở đời sống ra đã bị người ta quên lãng; hay trước đấy đời sống đã bị khóa kín đến mức không bao giờ có thể nghĩ đến chuyện mở nó ra được nữa, bởi vậy các tổ chức nhập định chấm dứt.

 

Trong mọi trường hợp ở thời lịch sử, sự nhập định, hay việc bước qua ngưỡng của sự tỉnh táo và nâng lên mức độ sự sống cao hơn hiếm khi xảy ra, chỉ ở các vị thánh hoặc các nhà huyền học, ngoài ra có thể ở các nhà thơ hoặc nghệ sĩ- nhưng những người này phần lớn không hiểu cái gì xảy ra với họ, và: sự sống cùng thế giới bên kia chỉ là một, điều này họ không hề nhận biết.

 

Từ thời lịch sử ấn tượng hứng khởi (ekstazis) và nhập định (epopteia) là sự say mê, sự say sưa ngây ngất, nhãn thị siêu nhiên được người ta cho là hiện tượng cực kỳ đặc biệt, hiếm hoi. Hướng mở về phía những sức mạnh của sự sống và cái đi kèm theo: sự thiếp đi của cái Tôi cá nhân và ý thức đi kèm, thường bị người ta coi là bệnh lý. Trong thời cổ, sức mạnh của sự sống hoàn toàn thẩm thấu vào con người trong một đời sống mở hơn, sáng sủa hơn, tỉnh táo hơn, một cách không thể so sánh nổi so với ngày hôm nay.

 

Trong sự sống mở, thế giới bên kia như một cái ngưỡng đáng sợ, điều nổi lên rất rõ ngày nay, không hề bị tách ra khỏi đời sống. Đây là thời kỳ các huyền thoại kể rằng các thiên thần và con người sống cùng với nhau. Đây là thời kỳ, mối quan hệ với những người đã sang thế giới bên kia không bị cắt hẳn.

 

Con người trong thiên nhiên vật chất luôn luôn cho rằng, đây là nơi mình sống, đây là cách mình sống, và sự sống siêu việt chỉ còn là một phần hết sức bé nhỏ và chật hẹp. Cái chết không là gì khác ngoài sự khủng hoảng và thất bại mà linh hồn bị đánh đồng với thể xác phải chịu đựng một cách vô lý. Nhưng sự thất bại cần phải trải qua không-thời gian ở đây là điều mà sự sống siêu việt đòi hỏi. Bằng điều này, trong ý thức con người là các bậc thang đi về phía sự sống, làm dịu đi cơn khủng hoảng.

 

Sự nhập định đã từng một mặt là sự thức tỉnh của con người trong một đời sống bị khóa kín, mặt khác là sự phá vỡ những giới hạn bị khóa. Hai điều này không chỉ song song, mà là một và như nhau. Sự thức tỉnh nâng lên sự sống cao hơn và cùng lúc mang lại sự sống mở. Nâng lên mức độ mà từ tinh thần của sự sống siêu việt nhìn ra  đời sống trong thiên nhiên vật chất và đời sống trong thế giới bên kia chỉ khác nhau về cường độ: đời sống trong vật chất hẹp hơn, nhiều giới hạn hơn, non nớt hơn, bất lực hơn, u mê hơn, nhiễu nhương hơn, vô nghĩa hơn; còn đời sống ở thế giới bên kia tự do hơn, sáng sủa hơn, rộng hơn, có ý nghĩa hơn.

 

Sự giống nhau của nhập định và bước chuyển dời qua thế giới bên kia như sau: cả hai sự thay đổi đều là, linh hồn nhận thức được bản chất ảo ảnh của thế gian vật chất, đều thấy chỉ có một hiện thực duy nhất là chủ thể, cái Tôi huyền bí, là bản thân linh hồn. Ý nghĩa của cả hai ngưỡng đều là, linh hồn người rơi vào giữa những điều kiện để thức tỉnh về giấc mộng ảo vọng của thế gian vật chất, tự nhiên, bên ngoài, đặc thù, và thức tỉnh ra bản chất phù phép của nó- mà sự bổ sung là bắt buộc phải nhìn ra hiện thực của cái Tôi tinh thần, mang sự sống, là chủ thể, tuyệt đối.

 

Sự nhập định và cái chết đều làm tan ra sự phù phép và trải rộng hiện thực chân chính của sự sống: bản chất Thần- chủ thể. Dùng từ của Schuler: sự sống không là thế giới bên kia-là đời sống chân chính: là những người chết. Cần nghiêm chỉnh nhận ra sự phân biệt này. Sự nhập định và sự chuyển dời không có nghĩa là linh hồn người bước sang một môi trường và thiên nhiên hiện thực hơn; môi trường và thiên nhiên chính cái là cái ảo ảnh và tan ra.

 

Ở mức độ cao hơn của sự sống thiên nhiên, sự vật, sự việc, vật chất, cái bên ngoài tuyệt đối không là cái gì khác ngoài phép màu của linh hồn chủ thể. Con người trong sự nhập định, một cách có phương pháp, trong quá trình tinh thần hóa dần dần nhận ra nhân tố này;

Trong cái chết cần phải nhận ra nhân tố này một cách định mệnh. Và ở thế giới bên kia không phải môi trường và thiên nhiên giống như thế gian đã kinh nghiệm hóa này đón chờ con người; cái đón chờ con người là nhận thức bắt buộc, rằng bất kỳ hiện thực bên ngoài nào cũng không có. Cái có, cái là hiện thực, và duy nhất, đấy là cái Tôi Thần. Đấy là chủ thể.

 

Bởi vậy Schuler nói, thế giới bên kia không phải là đời sống tinh thần (kvintessencialis)-Schuler gọi sự sống như thế- đời sống tinh thần (kvinssencialis) là những người chết. Thế giới bên kia không phải là khách thể, mà là thế giới chủ thể, không phải là sự vật và sự việc, mà là thế giới của chủ thể và các chủ thể, và ngoài bản chất của những người chết ra, trong thế giới bên kia không có gì hết. Toàn bộ thế giới bên kia không là gì khác ngoài sự chủ thể hóa của những người chết.

 

 Nhưng không chỉ thế giới bên kia mới chủ thể hóa như thế, mà mức độ cao hơn của sự sống cũng như vậy. Linh hồn con người, khi trải qua những bậc thang nhập định, hay khi chuyển dời, rơi vào một sự thay đổi căn bản: bắt gặp lại bản thân mình bị bứt ra khỏi thế gian bên ngoài và vật chất. Nó bắt buộc nhận ra, cái bên ngoài và thế gian vật chất luôn luôn phi hiện thực, và chưa bao giờ là cái gì ngoài sự bị phù phép của chính bản chất mình trong một sự sống bị thoái hóa.

 

Kẻ giải thích sự dạy dỗ của Tử thư Ai cập, Hermes Trismegistos, Zohar, Veda hindu hay Tử thư Tây tạng, hay các cuốn sách cổ thiêng khác là: thiên nhiên bên ngoài mang tính vật chất, là sự bị phù phép của cái Tôi cá nhân, kẻ đó đã hiểu sai về truyền thống. Không có tất cả những điều này. Bởi vì cái Tôi cá nhân cũng không là gì khác ngoài ảo ảnh, thứ sẽ tan ra trên ngưỡng nhập định, hoặc trên các bậc thang của sự chuyển dời.

 

Ảo ảnh, sự phù phép là ảo ảnh của Atman, maja, là ảo ảnh của linh hồn con người siêu việt, con người vĩnh cửu. Chính vì thế ảo ảnh, sự phù phép của cái Tôi cá nhân không thể làm tan. Sự tan đi này bắt đầu chính tự nó- ahamkara, bằng sự hút vào tự thân, ahamkara không chỉ hút cái Tôi cá nhân, mà cả những cái Tôi vật chất. Đây chính là điều khó thể làm được.

 

 Sự thanh toán ảo ảnh phải bắt đầu từ cái Tôi thần thánh, từ linh hồn vĩnh cửu. Thấu ngộ tuyệt đối phải do chủ thể tuyệt đối thao tác. Bản thân cái Tôi cá nhân cũng là một sáng tạo thiên nhiên. Một hóa công, như các cuốn sách thiêng từng nói. Chỉ là ảo ảnh của chủ thể vĩnh cửu. Cá nhân hóa, thiên hình vạn trạng, hình ảnh mộng, ảo ảnh. Và trên các bậc thang nhập định, đúng như trong các bước đầu tiên và đáng sợ nhất của sự chuyển dời cần tiêu hủy cái Tôi cá nhân này.

 

Bước đầu tiên của ngưỡng là cái Tôi cá nhân, cần lay động vị trí thống trị của ahamkara, và cần phải đến với atman, cái Tôi vĩnh cửu. Đấy là cơ bản. Thiếu bước này sự nhập định tuyệt vọng. Bởi vậy mọi thử nghiệm nhập định của châu Âu hiện đại đều thất vọng. Bước vào sự sống chỉ có thể sau khi đã diệt trừ cái cá nhân hóa: bởi sự sống là siêu việt. Và sau khi cái Tôi cá nhân, sự cá nhân hóa- ảo ảnh bị diệt trừ, linh hồn từ từ nhận ra sự cá nhân hóa- hiện thực, „cái Tôi Thần”, chủ thể.

 

Thế giới bên kia không phải là thế giới trong nghĩa như thiên nhiên vật chất, mà là sự hiện thực hóa các mức độ khác nhau của chủ thể tuyệt đối và phổ quát. Ở thế giới bên kia không có gì khác ngoài cá nhân, tinh thần, chủ thể, linh hồn: trên những mức độ khác nhau của sự tỉnh táo, là thứ có nghĩa như sau: trên những mức độ khác nhau của hiện thực hóa sự sống tinh thần hoàn hảo: bắt đầu từ trạng thái u mê đến tận sự thức tỉnh rạng rỡ.

 

4.

 

Chỉ giữa những môi trường như vậy và sau những lai lịch như vậy mới hy vọng con người lịch sử hiểu được ý nghĩa các bậc thang phép thuật của sự nhập định. Chỉ sau những chuẩn bị mới có thể hiểu được những cách diễn đạt cổ như” Sự cắt đứt những mối quan hệ con người”, „Cởi bỏ thân xác”- „Sự thanh toán thế giới giác quan”.

 

Trong các cách diễn đạt này nói về sự tước bỏ của những cái bên ngoài giữa các tấm chăn bao quanh hạt thực thể người, cái Tôi bất tử. Những lớp chăn bên ngoài đó là: giác quan-thể xác, ngày nay người ta gọi là thực thể sinh học, hệ thần kinh, và sau cùng: thực thể tâm lý, hay ý thức, vô thức cá nhân gắn với linh hồn cá nhân, ký ức, thế giới cảm giác-tưởng tượng, bộ não, trí tưởng tượng. Ba cái này có tên gọi cái Tôi kinh nghiệm. Đây là cái vài ba trăm năm nay người ta cho đấy là con người, với niềm tin rằng con người không là gì khác ngoài một thể xác, hệ thần kinh, thực thể tâm lý.

 

Mục đích của bậc thang lớn đầu tiên của nhập định là, làm lung lay cái Tôi kinh nghiệm này trong vị trí độc tôn. Đây cần là mục đích đầu tiên, bởi vì chừng nào linh hồn còn nhầm lẫn bản thân nó với cái Tôi kinh nghiệm, chừng đó nó còn cần bị khóa lại giữa những vòng sự sống. Cần là mục đích đầu tiên bởi vì bước đầu này con người tự mình không thể tiến hành. Nghe thấy từ cái Tôi bất tử, nghĩa là mở ra về phía sự sống, nó đã có thể tiếp bước, nhưng cái Tôi kinh nghiệm chỉ tắc nghẹn bên trong cổ. Cần có một người thày” Từ trên” giúp nó giải quyết.

 

Sự nhập định thời cổ không thể hình dung thiếu người thày. Kiến thức của người thày không mang tính cá nhân. Mà nhận được từ các tiền bối, và các vị này lại từ các bậc đi trước nữa.  Ở Ấn độ người ta nói Manu là người cứu các kiến thức nhập định từ các thời đại trước nạn hồng thủy; Ở Ai cập cũng là nhân vật này với tên gọi Hermes Trismegistos đã hellen hóa; Ở Mexico là Kecalkoatl.

 

 Truyền thống Judea cho rằng đầu tiên Seth, con trai của Adam và Eva nói đến sự nhập định. Truyền thống khác lại cho rằng tri thức này do các thiên thần dạy cho con người. Bản thân tri thức này ở tất cả các dân tộc cổ đều là bí ẩn của lớp tăng lữ cao nhất- đẳng cấp tinh thần, của Zarathustra, của Toth, Manu.

 

Còn tại sao cần có thày bên cạnh người học trò trên các bậc thang khủng hoảng của nhập định, câu trả lời không khó khăn gì. Bên cạnh một quá trình, bất kỳ là cái gì để con người ngộ ra, đều cần đến một quá trình khác. Các cảm giác, sự tưởng tượng, ấn tượng, tri giác, ý đồ, nếu tiếp nhận hoặc đào thải một cách dễ dàng, không gây trở ngại cho con người, đều không giúp con người nhận thức.

 

Nhận thức là giới hạn mà sự bối rối mờ hồ tiến nhập: là nơi mọi bản năng chạy ra ngoài hoặc vào trong đổ vỡ một cách tinh vi, như ánh sáng trên mặt nước. Sự đổ vỡ, sự bối rối mơ hồ tiếp diễn trên con đường của các bản năng, sự muộn mằn bé nhỏ không đo được và nhảy xóc lên này là quá trình”thứ hai”, cần thiết, để một cái gì đấy trở thành ý thức hóa, để con người nhận thức ra một cái gì đấy.Tâm lý học hiện đại gọi quá trình này là appercepcio ( tự giác).

 

Nếu sự đổ vỡ vụn vặt này không xảy ra tiếp sau ức chế nhỏ nhoi không đo nổi, có lẽ con người sẽ tiếp nhận, đào thải các ấn tượng và các bản năng một cách trơ lỳ, và toàn bộ đời sống sẽ diễn ra một cách vô thức. Ý thức đứng giữa những bản năng bên ngoài và bên trong, và nhiệm vụ của nó là làm gẫy các tia, và vì thế đánh thức các linh hồn để nhận thức. Ý thức là bộ phận của diskontinuitás (sự gián đoạn)

Khi trong con người quá trình của gián đoạn này đứt, sự thức tỉnh trong giấc ngủ và sự suy sụp cũng tắt. Vậy nhiệm vụ là, khi trong con người một cái gì hoặc một ai, khi ý thức tắt cần phải duy trì sự tỉnh táo, hay duy trì quá trình thứ hai rất cần thiết để nhận lấy và bảo tồn nhận thức sự vật.

 

Muộn hơn, khi bản thân kẻ nhập định biết tự tắt và tự duy trì, trải qua các mức độ khác nhau của niềm hứng khởi (ekstazis), bản thân kẻ nhập định có thể thu quá trình thứ hai từ mức độ ý thức của cái Tôi kinh nghiệm vào sự thức tỉnh của cái Tôi siêu việt, và như vậy không hề đánh mất cả bản thân trong trạng thái samadhi sâu nhất. Truyền thống Hindu gọi sự dập tắt hoàn toàn ý thức là samadhi.

 

 Nhưng trong chừng mực con người chưa biết cách làm dừng quá trình liên tục của diskontinuitas (sự gián đoạn), nhưng nó vẫn bị đứt vì môi trường chẳng hạn, lúc đó dễ dàng biến thành một cái chết thật sự. Bởi vậy cần người thày bên cạnh học trò, trong thời gian ý thức bị đứt đoạn, thày bảo hộ học trò bằng sự tỉnh táo riêng của mình để thay thế ý thức của học trò bằng ý thức riêng của mình. Quá trình này diễn ra tất nhiên, phức tạp, kỹ càng, khó khăn, đòi hỏi trực giác tâm linh, tầm hiểu biết, sự cảm nhận, mà thời đại lịch sử gần như không thể hiểu nổi.

 

Sự lay động vị trí tuyệt đối của cái Tôi kinh nghiệm là nhiệm vụ mà người thày dạy nhập định cần hoàn thành với học trò của mình, để giải thoát nó khỏi đời sống khóa kín. Cần phải đánh thức dưới cái Tôi kinh nghiệm một thực thể có ở đằng sau, bên trên và ở dưới sâu, một thực thể đại cương hơn, để học trò nhìn thấy bản chất thấp và trong vòng sinh tử của cái Tôi bên ngoài, để học trò tập trung toàn bộ sức lực, không bao giờ đồng hóa mình với cái tôi giác quan nữa.

 

Sự nhập định xảy ra từ điểm dễ bị tấn công nhất, thông qua ý thức. Người thày thông qua ý thức đặt học trò dưới những tác động làm lung lay dao động học trò. Sự bấp bênh của ý thức bắt đầu run rảy mờ nhạt trong nó. Sự tác động cực kỳ nguy hiểm và mạo hiểm. Cái mà người thày muốn đạt tới: làm đứt đoạn sự liên tục của ý thức.

 

Muốn làm đứt đoạn bởi người thày muốn học trò trải qua trạng thái nó không còn ý thức nữa. Đây là trạng thái con người trải qua trong khoảnh khắc của cái chết. Đây là giây phút đáng sợ và khủng khiếp, khi ý thức của con người tắt, cùng lúc đó cái gọi là thế giới bên ngoài cũng tắt, thiên nhiên vật chất cùng ý thức đơn giản là bốc hơi.

 

Nếu người thày làm đứt đoạn sự liên tục của ý thức học trò, kẻ đợi nhập định hiểu rằng trong ý thức, nó nhìn thấy thế giới tự nhiên như hiện thực, và thấy cái Tôi tự nhiên như hiện thực, trong khi thực ra nó đang đi xuống một con tàu chắc chắn sắp chìm. Thân xác là con tàu này, với những thứ không thể cứu vãn nổi: da thịt, xương, máu, dây thần kinh, ý thức, trí não, các đam mê. Chừng nào người ta còn nói, chừng đó nó còn không tin. Không thể tin được. Nhưng khi nó trải qua trạng thái đứt đoạn của ý thức, nó cần phải tin. Và giờ đây nó biết tin.

Hành động làm đứt đoạn ý thức vô cùng khó khăn; truyền thống cổ, khi nhắc đến cái chết ở đây, tuyệt đối dùng không thừa từ ngữ to lớn này. Trong con người lúc đó chính xác sự đổ vỡ định mệnh tiếp diễn, cái xảy ra trong giây phút của cái chết. Và sự thăng hoa sau đổ vỡ, sự tái sinh, bằng từ ngữ của truyền thống: sự ra đời không từ người cha và người mẹ thiên nhiên mà theo trật tự của tinh thần vĩnh cửu, sự bước ra thật sự khỏi thế gian. Cách diễn đạt này không hề là sự lạm dụng từ ngữ một cách quá đáng.

 

Việc trải qua ngưỡng lớn của sự nhập định đòi hỏi một tri thức mà con người lịch sử hoàn toàn không biết mảy may. Cần nhận thức về con người, linh hồn, tinh thần, thế gian, hiện thực, là thứ mà con người lịch sử đã đánh mất từ lâu, giờ đây người ta bắt đầu đi thu nhặt các mảnh vụn của nó. Và chừng nào con người còn chưa biết ít nhất đến nhân chủng học cổ trong những phác họa lớn, chừng đó cần phải im lặng khi nói về chi tiết và kỹ thuật của nhập định.

 

5.

 

Sự sống mở và mối quan hệ với cái chết cho phép bàn đôi chút đến các bậc thang phép thuật trên nền tảng của những cuốn tử thư còn sót lại từ thời cổ. Những hình thức lịch sử của các cuốn tử thư này là những cuộc du hành của thế giới bên kia: những ấn tượng của Dante, Ardai Viraf, Odüsszeu. Ngoài cuốn Popol Vuh của Mexico, Tử thư tây tạng (Bardo Tödol) kỷ vật cổ quan trọng nhất là cuốn Tử thư Ai cập (Pert em heru) „Bước ra ánh sáng”.

 

Katabazis, hay thuật ngữ „cởi bỏ”  dễ dẫn đến sự hiểu lầm. Thực ra không có sự cởi bỏ nào ở đây. Như cũng có thể dùng từ „ đi lên” (anabasis). Không chỉ vì, như Herakleitos nói:” Con đường đi lên và đi xuống như nhau”, mà bởi vì sau cái chết linh hồn bắt đầu từ đầu và hoàn toàn mới trong vòng của sự sống, nơi mà hướng đi lên hay xuống đều là tương đối.

 

Ngưỡng đầu tiên của linh hồn chuyển dời: re-stau, ranh giới giữa sáng và tối mà con người thông qua đó bước ra khỏi ban ngày. Sự thức tỉnh của linh hồn quyết định bản chất khủng hoảng của bước đi ra này. Linh hồn cần đồng nhất mình với Oziris, với mặt trời, kẻ sinh ra ở đằng đông hàng ngày và chết đi ở đằng tây hàng ngày, nhưng không bao giờ đánh mất sự tỉnh táo.

 

Oziris- Thần” Căm thù sự ngủ và khinh thường sự mê muội.” Kẻ vĩnh viễn tỉnh táo. Hình ảnh tượng trưng của cái Tôi bất tử. Linh hồn bước qua re-stau biến thành Oziris, nếu nó tỉnh táo nhìn thấy cái gì đợi nó.

 

Cái gì đợi nó mới được chứ? Linh hồn từ phút này qua phút kia không cởi bỏ được trạng thái bị phù phép. Nó vẫn tiếp tục ảo vọng, và vẫn tin những hình ảnh nó hình dung là hiện thực. Những hình ảnh đó giờ đây là những con quái vật khủng khiếp tấn công nó. Rắn rết và cá sấu lượn lờ quanh nó, muốn ngoạm chân, tay, đầu nó.

 

Nhiệm vụ của cuốn Tử thư là chăm sóc đến thực thể bước vào thế giới bên kia. Cuốn Tử thư thay thế người thày. Việc làm đầu tiên của mọi bắt đầu là làm cho linh hồn mở miệng. Tại sao? Cần trả lại Lời cho nó. Lời, truyền thống Hindu gọi là mantra (Chân ngôn), muộn hơn những người theo truyền thống Hermes gọi là logos.

 

Mantra không phải là thần chú như người thời lịch sử tưởng thế. Đây là một khả năng phép thuật:” Nói ra”. Nói. Liên quan. Chuyển. Cũng như thế: yêu. Nó luôn luôn là nói với người khác: mở ra và ôm lấy. Mở ra, ôm lấy, tình yêu thương và sự liên quan chính là nỗi bày tỏ: là mức độ; và điều này không là gì khác ngoài sự tỉnh táo. Vì Lời con người đến với sự tỉnh táo. Đây là ý nghĩa của mantra (Chân ngôn).

 

 Những Lời thiêng, lời kinh mà cuốn Tử thư đưa vào miệng kẻ chuyển dời đánh thức linh hồn khỏi sự suy sụp. Lay động, để linh hồn đừng rơi vào quyền lực của cá sấu, rắn rết- những ảo ảnh riêng của nó. Lời đánh thức ký ức của linh hồn, ấn tượng của sự nhập định trong ký ức. Lời đánh thức trái tim nó. Cần bảo vệ trái tim, bởi vì tim là ý thức trời, là trung tâm của tình yêu thương. Khi quái vật định cướp linh hồn đi, cần đọc mantra:” Trái tim này của Oziris. Mi đừng cho phép nó lấy mất trái tim của ta. Đừng cho phép nó làm tổn thương.”

 

Quái vật rút lui khi nghe tên Oziris. Giờ đến quái vật tấn công Lời. Đây là nguy hiểm lớn nhất. Bởi vì linh hồn bằng khả năng của Lời đặt tên được sự vật và các thực thể, việc đặt tên là một hành động phép thuật, thu được quyền lực của chúng. Lời mở ra một quá trình khủng khiếp, thứ quan trọng nhất trong cả đời sống và sự sống: nếu con người tiếp xúc với sự vật hoặc thực thể bằng Lời, bộ mặt và ý nghĩa thật của nó bắt buộc phải lộ diện.

 

Bộ mặt và ý nghĩa thật phải lộ diện nghĩa là thế nào? Nghĩa là bản chất của ảo ảnh bị vạch trần. Chi tiết hiện tượng của tất cả truyền thống cổ đều có quan hệ với ấn tượng trung tâm siêu hình học duy nhất, từ đó nó quay trở lại và từ đó có thể hiểu được. Đây là ấn tượng duy nhất: hiện thực của sự sống là linh hồn; cái tồn tại ngoài linh hồn chỉ là sự phù phép của bản chất thoái hóa của linh hồn, là ảo ảnh.

 

 Lời là công cụ để phơi bày nhân tố cổ này. Truyền thống hindu cổ gọi là mantra-vidja, điểm xuất phát tỉnh táo. Kiến thức của những từ ngữ này trong truyền thống Hermes gọi là Sự Bí Ẩn Của Các Bí Ẩn Lớn: Müstérion Mega.

 

Khi linh hồn con người, cho dù trong thiên nhiên vật chất, hay trong sự sống của thế giới bên kia đặt tên một cái gì hoặc một ai bằng Lời, bản chất ảo ảnh của cái đó lập tức biến mất. Đây là bí ẩn của logos, của mantra. „ Linh hồn của ta đã đến- khách bộ hành của thế giới bên kia trong Tử thư Ai cập nói-  trò chuyện với cha của nó và Ngài, Quyền Lực Vĩ đại đã cứu nó khỏi tám con cá sấu. Ta biết chúng theo những cái tên.”

 

Ở một bậc thang khác linh hồn nói như sau:” Mọi sự việc của thế gian đều sinh ra trong bàn tay ta; cả những thứ chưa bước ra thế gian mà vẫn ở trong ta.”  Linh hồn nhận ra, nó tạo ra các sự việc. Không có sự sống nào độc lập với nó. Thế gian là sáng tạo của linh hồn:” Mọi sự việc sih ra trong lòng bàn tay ta.” Và trong linh hồn còn vô số khả năng của các thế gian: vô số hình ảnh, tư tưởng, những thứ còn chưa hiện thực hóa:” thứ còn chưa bước ra thế gian.” Linh hồn nhận ra điều này bằng sự giúp đỡ của Lời. Lời là thân xác chân chính của linh hồn. „Áo quần của ta là động từ của mi, thần Ra của ta!”

 

Giữa các chương của Tử thư Ai cập ( Pert em heru) có rất nhiều mantra, logos để chống lại  sự tấn công của rắn, của cá sấu, bọ cạp. Con người lịch sử đứng ngơ ngẩn trước các câu chân ngôn (mantra), bởi vì không thể hình dung nổi, tại sao cần phải bảo vệ những người chết khỏi sự tấn công của bọ cạp? Tại sao cần đuổi rắn Rerek khủng khiếp đi? Tại sao cần đánh nhau với nữ thần Selk? Tại sao cần đánh nhau với Apel, kẻ thù của thần Ra? Bọ cạp, quái vật, rắn không là gì khác ngoài ảo ảnh tấn công sự tỉnh táo của linh hồn ngay cả ở thế giới bên kia. Sức mạnh của các mantra làm tan ra các ảo ảnh.

 

Bây giờ đến sự hóa thân (metamorfozis) của linh hồn. Biến thành hoa sen, thành chim Bennu, thành con én, con rắn. Thí nghiệm mới, hiểm nguy mới. Bậc thang mới. Cái miệng đã mở cứu nó.

 

Muộn hơn, nó gặp con tàu. Nhiệm vụ, là cần đặt tên tất cả các phần của tàu. Cột buồm lên tiếng, tay lái, cánh buồm, ghế dài, linh hồn cần nêu những cái tên. Linh hồn đi hết phạm vi của nghiệp: cần phải nhận biết tất cả và đặt tên tất cả. Nghĩa là gì? Ngắn gọn thế này: Ôi, tội nghiệp linh hồn nếu mi mắc lại ở bậc thang nào đấy. Nó sẽ lập tức hóa thành hoa sen, hay con rắn, hay bọ cạp, như buổi ban đầu của mọi thời gian biến thành thiên nhiên vật chất.

 

Quyền lực của mantra là nhìn thấy đặc tính nghiệp của bậc thang, nhận ra rằng chỉ là bậc thang, bến đỗ, mức độ. Ảo ảnh. Không được dừng lại! Không được mắc kẹt ở đâu cả! Lời mở toàn bộ các cánh cổng và làm tan toàn bộ sự phù phép. Lời là quyền lực lớn nhất của thế gian. Lời là sự sáng sủa. Lời là sự tỉnh táo.

 

Đích sau cùng là linh hồn đạt tới mức độ Nab-er tcher. Mức độ này có nghĩa là: Đấng Của Tất cả. Bởi vì con người đầu tiên, như Adam Kadmon, vua của tự nhiên. Người ta gọi là Oziris, khi Seth, bóng tối bên ngoài chặt nó ra từng mảnh, nhưng Izis nhặt các mảnh tứ chi và lắp vào.

 

Đấng Của Tất Cả là người trong sự quên lãng dày đặc và tối tăm của vật chất bị chặt ra từng mảnh, hay nói cách khác trong thiên hình vạn trạng đồng nhất nhầm lẫn bản thân mình với các sự vật và các thực thể. Nói theo ngôn ngữ ngày nay: bị cá nhân hóa.

 

Nhưng Izis, là thiên nhiên đầu tiên, Hohma, Sophia, Sakti, nhặt nhạnh các mảnh tứ chi và Oziris sống lại. Giờ đây linh hồn chuyển dời vào thân xác mới, một dạng hình hoàn hảo hơn tất cả các dạng hình trước, mà người ta gọi là Száhu. Đây là một thể xác-tinh thần bất tử, bước lên mức độ của tri thức và sự ngự trị. Száhu có quan hệ ẩn mật với Lời. Mọi Lời tỉnh táo đều làm hoàn thiện. Trong thiên nhiên vật chất, những lời kinh đọc ra trên trái đất đều nâng száhu lên. Bởi vậy cần đọc kinh vì người chết.

 

Cùng lúc đó ánh sáng của linh hồn (khu) trong con người thắp sáng lên- bởi vì ở thế giới bên kia linh hồn nhìn trong ánh sáng tự thân. Thế giới bên kia là thế giới của tính chủ quan và chủ thể, nơi thông tin duy nhất là sự tỉnh táo của linh hồn.

 

Giờ đây khi linh hồn ở trong száhu, trong thể xác huyền bí bất tử, và khu, cây nến thứ bảy thắp sáng, lần lượt từng bộ phận được thần hóa. Thần giữ gìn tất cả các bộ phận. Tóc của Nu, mắt của Hathor, tai của Ap’uaté. Các bộ phận dưới quyền lực của các mantra (chân ngôn) trở thành thần.

 

6.

 

Bước đầu tiên của các bậc thang phép thuật đáng sợ nhất: re-stau, bước qua biên giới cái chết, sự đứt đoạn từ cái Tôi kinh nghiệm. Nhưng một trong những bậc khó nhất lại là những bậc cuối cùng. Khó nhất bởi vì ở đây không có bất cứ loại thày nào giúp đỡ. Con người tự mình, không sự giúp đỡ, chỉ dẫn, cần phải làm.

 Để điều này dễ hiểu hơn, cần phải nhớ tới tư tưởng cơ bản siêu hình cổ: hiện thực duy nhất chính là linh hồn, ngoài linh hồn ra, chỉ là ảo ảnh.

Ở thế giới bên kia trong phạm vi của nghiệp, linh hồn  cần phải đi hết con đường  như người học trò dưới sự chỉ dắt của người thày phải làm lúc nhập định. Chừng nào linh hồn chưa biết phát triển száhu, và chừng nào khu chưa có (khu là cây nến thứ bảy”Sự tỉnh táo vinh quang và rạng ngời”) chừng đó luôn luôn có một hiểm nguy rình rập là các ảo ảnh lại bám lấy linh hồn, nó lại một lần nữa nhầm lẫn bản thân mình với các hình ảnh mộng riêng của nó, sự tỉnh táo của nó lại mờ đi và sự sống của nó lại thoái hóa.

Trong trường hợp ấy linh hồn càng ngày càng lang bạt trong số phận đau khổ hơn nữa, càng ngày càng chìm nghỉm trôi dạt đến” thế gian bên kia”,về phía „các quan tòa” kết án trên đầu nó. Bản án cực đoan có thể dẫn linh hồn đến” sự tối tăm bên ngoài”, nghĩa là: dính mắc vào các hình ảnh tự mình phóng chiếu ra. Đây là exteriorizáció hay extraverzió (hướng nội); nếu trạng thái này không rút lại được, truyền thống và huyền học dựa trên nền tảng truyền thống gọi đó là cái chết thứ hai. Đấy là khi linh hồn tan vào những hình ảnh riêng của mình, tan ra và bị phá hủy. Nó quên nguồn gốc của nó, mờ mịt tối tăm dần đi và sau cùng hoàn toàn ngủ.

Nhưng nếu linh hồn đạt đến száhu, nó nói như sau:” Ta là một kẻ của các Khu to lớn, những kẻ sống cùng các Khu Thần. Hình dạng ta giống như hình dạng của họ, khi từ bóng tối họ bước ra và rực sáng. Ta là thể xác -tinh thần. Ta là száhu” „Trong ta đã chuẩn bị xong khu hoàn hảo, kẻ trong ngày Oziris cất lời và phục sinh một cuộc đời vĩnh cửu.”

 Linh hồn đến với hàng cột Sekhet-Aura. Đây là cổng nhà của Oziris. Những bậc thang và những cái ngưỡng dẫn đến ngôi nhà. Trên tất cả các ngưỡng có kẻ canh gác. Linh hồn cần gọi tên những kẻ canh gác này.” Ta đã đi hết con đường của ta. Ta biết ngươi và tên của ngươi, và ta biết tên vị thần hộ mệnh cho ngươi.” Những cái ngưỡng dẫn đến Arito nhà của Trái Tim Thầm Lặng. Sau cùng linh hồn đến căn phòng bí mật của Oziris.

Nhận thức mà linh hồn lang thang ở thế giới bên kia cần nhận ra như một bí ẩn thầm kín nhất của Trái Tim Thầm Lặng, cũng là cái mà kẻ nhập định cần làm, không chuẩn bị không thể nhận ra. Trên mọi bậc thang cần nói, cần đọc động từ thức tỉnh, một chân ngôn mantra-vidja, động từ sẽ làm thức tỉnh: cả bậc thang, lính canh lẫn ảo ảnh biến mất.

 Giờ đây, ở nơi bí ẩn này sự hoàn thiện tiếp đón nó một cách đặc thù. Nó muốn mở, giờ đây nó mở. Nó muốn thức tỉnh, giờ đây nó thức tỉnh. Nó muốn phá vỡ những bức tường của đời sống khóa kín, giờ đây nó phá vỡ. Nó muốn vượt qua các ngưỡng, giờ đây trước mặt nó không còn ngưỡng nào nữa.

Đấy là sự sống mở. „Bầu trời mở, trái đất mở, phía đông mở, phía tây mở, bầu trời mở về phái nam, mở về phía bắc.” Không còn vật cản nào nữa. Linh hồn nhận ra hiện thực. Nó nhận ra đây là hiện thực duy nhất. Vua của sự sống. „Ta là vua lên ngôi của các Thần, kẻ không bao giờ chết, kẻ không biết đến sự hư hoại và kẻ trở thành bất tử.”

Linh hồn, trong sự sống mở, khi nhận ra nó là vua của sự sống, nói như sau:” Ta không đứng vào hàng ngũ Thần.” Nó làm một việc lớn nhất và khó khăn nhất, giải thoát khỏi ảo ảnh uy cường nhất: khỏi hình ảnh các Thần. Nó nhận thức ra, ảo ảnh: vật chất, hiện thức giác quan, ảo ảnh: đội quân ma quỷ và quái vật, các ngưỡng- và giờ đây nó biết, hình ảnh của các Thần cũng là ảo ảnh.

Trong sự tỉnh táo bất tử, qua cả không gian và thời gian, trong sự sáng sủa vĩnh cửu, trong im lặng, như một bí ẩn của Trái Tim Thầm Lặng nó thốt lên:”Ta là Hôm Qua, ta là Hôm Nay, ta là Ngày Mai, ta đủ quyền lực để sinh ra lần thứ hai. Ta là linh hồn Thần bí ẩn, kẻ tạo ra các Thần.”

Giờ đây nó biết rằng hiện thực duy nhất: là linh hồn. Linh hồn này chính là bản thân nó. Linh hồn này là thế gian, là sự sống, là sự sáng sủa. Và linh hồn này là MỘT. Ngoài cái đó ra, là ảo ảnh và phi hiện thực. Ảo ảnh: thiên hình vạn trạng  của các sự vật và  các thực thể, ảo ảnh: sự đa dạng, sự nhiễu nhương của các cái Tôi, đội quân của ma quỷ. Nhưng ảo ảnh: cũng là hình ảnh đội quân của các Thần.” Ta là linh hồn Thần, kẻ tạo ra các thần.”

Ta là kẻ đã phù phép sự sống của chúng vào thế gian. Nhưng sự phù phép này là sự mê muội. Linh hồn nhìn thấy chỉ trong trạng thái mê muội này mới tồn tại sự phù phép. Giờ đây nó đã tỉnh và mở ra.

Nhập định là một quá trình tôn giáo. Tất cả mọi bước cần thực hiện nhân danh thần và dưới sự bảo trợ của thần. Khi hoàn thành bước cuối cùng, kẻ nhập định nhận ra từ các thần, hiểu ra những sức mạnh, khả năng, những tia sáng rạng ngời nhất của tinh thần, những hình ảnh đẹp nhất của ảo ảnh lớn nhất của riêng nó.

Nó đạt tới trạng thái siêu tôn giáo, trong Sự Sống Một. Linh hồn trở về nhà của nó. Trong MỘT này không có đời sống riêng rẽ. Các thần là sự im lìm, sự tuyệt diệu, là cái đẹp, sự lớn lao, sức mạnh, ánh sáng, là các hình ảnh dẫn dắt trên đường, khi linh hồn bay lên, thanh lọc và Thần hóa.

Giờ đây trong MỘT nổi lên: đều là những phù phép của linh hồn to lớn, thiêng liêng và bất tử. Chỉ có một hiện thực: linh hồn. Không gian, thời gian, quá khứ, tương lai, hiện tại, cuộc sống, cái chết, luân hồi đều là giấc mơ và sự phù phép của linh hồn. Thần cũng không là gì khác.

:”Ta là Hôm Qua, ta là Hôm Nay, ta là Ngày Mai, ta đủ quyền lực để sinh ra lần thứ hai. Ta là linh hồn Thần bí ẩn, kẻ tạo ra các Thần.”

 

      Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

          ( Budapest 2013.03.25)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3554
Ngày đăng: 20.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những “hạt mầm” đã vươn lên! - Đỗ Hồng Ngọc
Karl Jaspers Niềm Tin và Sự Khai Ngộ - Võ Công Liêm
“Phản Tiếp Nhận” Như là sản phẩm của thời hiện đại - Phạm Quang Trung
Luận về phụ nữ - Trịnh Ngọc Thìn
Tư duy Camus (III) qua vai trò của người nghệ sĩ - Võ Công Liêm
Bảy nhà thông thái - Nguyễn Hồng Nhung
Cái nhìn khác lạ thâm thúy của một nam nhà văn về thế giới đàn bà. - Phương Đông
Merleau-Ponty với Chủ nghĩa nhân bản và tự do - Võ Công Liêm
Gabriel Marcel Con người tự do là gì ? - Võ Công Liêm
Sống - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)