Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
974
123.200.748
 
Văn chương, hay là một cách ứng xử văn hóa
Trần Mạnh Hảo

Đọc xong tập truyện ngắn"Man Nương" của Phạm Thị Hoài, chúng tôi bàng hoàng, thậm chí kinh dị về nguyên nhân ra mắt của ấn phẩm này, lòng bán tín bán nghi cứ đinh ninh rằng nó được in ra bởi một nhà xuất bản của người Việt di tản bên Mỹ. Nhưng buồn thay, nó lại được in ra ở trong nước bởi nhà xuất bản Hà Nội năm 1995, có đề rõ tên người chịu trách nhiệm xuất bản là Đỗ Minh và người chịu trách nhiệm bản thảo là Hoàng Ngọc Hà thì qủa là hết sức giật mình thật. Phạm Thị Hoài, nhà văn của đợt sóng mới được biết đến bởi cuốn tiểu thuyết mini"Thiên sứ" và một ít truyện ngắn khác. Mặc dù còn khá nhiều dấu vết của sự bắt chước và phương cách làm dáng trí thức, " Thiên Sứ" đã chiếm được cảm tình của người đọc. Chúng tôi qủa tình đã hi vọng qúa nhiều vào Phạm Thị Hoài với một lối viết cuốn theo dòng ý thức tự sự, độc thoại nội tâm khá linh hoạt, với một nhãn quan trẻ trung tuy hơi bụi, sẽ có thể làm được một cái gì kha khá cho văn học Việt Nam. Nhưng tình cảm của chúng tôi với "Thiên Sứ"- Phạm Thị Hoài hầu như đã bị thương tổn bởi "Man nương". Chúng tôi đã thất vọng khi gặp ở đây một Phạm Thị Hoài khác, một Phạm Thị Hoài không thể tưởng tượng được.

 

Công bằng mà nói, trong mười truyện của "Man Nương" có những truyện khá như "Tiệm may Sài Gòn","Thực đơn chủ nhật" và "Những con búp bê của bà cụ". Ở những truyện này, trên những tình huống bi kịch, phi lý, thậm chí nhớp nháp và ghê rợn, khả năng thành tâm và chừng mực của tác giả còn lay động được nỗi lòng người đọc. Đâu đó, không phải không có những đoạn, những trang văn hay, những phân tích tâm lý thú vị, những nhận xét sắc sảo và tinh quái, những biếm nhẽ đỏng đảnh và khôi hài đáo để, những triết lý ranh mãnh và sự nổi đóa con trẻ, những cảm động nhợt nhạt và dễ thương. Lối viết của Phạm Thị Hoài là lối viết tự sự học đòi kiểu trôi theo dòng ý thức và độc thoại nội tâm, lấy thước đo mù mờ cuả cái tôi để đo đạc một thế giới ẩn ức còn mù mờ hơn nữa có tên là vô thức. Bắt chước lối viết của các nhà văn của chủ nghĩa hiện sinh đã cáo chung trước những năm sáu mươi, truyện của Phạm Thị Hoài hầu như không có nhân vật, hay nói đúng hơn, nhân vật trung tâm, nhân vật chính là cái tôi, là chính tác giả. Do đó, giữa nhà văn và nhân vật hầu như không còn khoảng cách. Dù đóng vai nhà thơ trên diễn đàn hay một thày A.K. ấm ớ đi tìm chân lý, rốt ráo thái độ và phát ngôn với cuộc đời kia vẫn là của chính Phạm Thị Hoài. Nhân vật không chỉ còn là phân thân, mà chính là hóa thân của tác giả, là người lĩnh xướng và phát ngôn viên của nhà văn. Một số truyện của Phạm Thị Hoài vẫn còn ghi rõ dấu vết thô thiển của sự bắt chước như "Thực đơn ngày chủ nhật" là giọng điệu của Nguyễn Huy Thiệp, "Những con búp bê của bà cụ" và "Một anh hùng" tràn ngập chất Marquez, "Truyện thày A.K. kẻ sĩ Hà Thành" như sao chép lại cách viết của Kafka và của Cesvantes trong Don Quichotté... "Man nương" như một hồi ức, một nhật ký tâm hồn, một phản ứng xã hội, một phép ứng xử của tác giả với thế giới. Vậy, chúng ta cùng nhau khảo sát xem cái thế giới Phạm Thị Hoài mang đến cho chúng ta trong "Man nương" có còn là thế giới của "Thiên Sứ"? Vâng, văn học - hành động hướng thiện của con người, có thể ra đi từ thế giới của qủy sứ nhưng là để trở về thế giới thiên sứ của con người chứ không phải ngược lại. Nên nhớ rằng, theo Kinh Thánh, Lucife trước khi biến thành qủy sứ vì phạm thượng và kiêu ngạo, đã từng là một thiên sứ, một thiên sứ “thương lắm cơ”(!)

 

1) " MỘT THẾ GIỚI... XẤU GHÊ GỚM"

 

Trong truyện ngắn "Nền cộng hòa của các nhà thơ", một truyện ngắn thể hiện thái độ bỡn cợt, khinh thị, nhạo báng nền văn học của chúng ta một cách khá ác ý, trang 137, tác giả viết:"Khi cái đẹp được hiểu một cách biện chứng nhất, nó sẽ đương nhiên thống trị thế giới hiện thời, một thế giới mà trong đó thú thực nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm". Có thể nói, kết luận này được coi là quan niệm thẩm mỹ của Phạm Thị Hoài, là tư tưởng chủ đạo của "Man Nương". "Cái đẹp được hiểu một cách biện chứng nhất" của tác giả qủa là một cái đẹp mù mờ, nhưng là một cái đẹp chưa có, chưa đến, còn nằm trong khát vọng. Bởi theo tác giả, nó - tức cái đẹp hư vô kia " sẽ đương nhiên thống trị thế giới hiện thời", nghĩa là nó còn ở thì tương lai. Còn với cái thế giới đang có, đang tồn tại, một thế giới theo kiểu Descartes, tức nhiên là thế giới thu nhỏ "Man nương", thật là thê thảm vì " nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm" (!) Chúng ta hẳn còn nhớ một danh ngôn gần như là một câu kinh thánh của Dostoievski về văn học nghệ thuật:" Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới". Đề tài viết của thiên tài này hầu như toàn về cái ác, cái xấu nhưng là để cứu vớt và tôn vinh cái thiện, cái mỹ. Dù ngay cả trong địa ngục của qủy sứ nơi "Anh em nhà Karamazov", "Tội ác và trừng phạt" hoặc" Lũ người qủy ám"..., bao giờ Dostoievski cũng ráng sức lượm lặt, tìm kiếm, hi vọng, quằn quại trong nỗi đợi chờ thiên sứ của nhân tính, của cái đẹp hằng sống nơi con người xuất hiện như ngôi sao thành Betlem trong đêm đông xưa. Ngay cả nhà văn Áo gốc Tiệp khắc là Kafka từng vật vã, trôi dạt, ẩm mốc trong một thế giới đã bị rệp hóa, gián hóa, sâu bọ hóa cũng là để truy tìm cái đẹp của thiên sứ trong nhân tính, dù là cuộc đi tìm có lúc hầu như tuyệt vọng, nhưng là thứ tuyệt vọng cao cả, thứ tuyệt vọng của khát vọng đạo đức cùng đường. Nguyễn Du đã bị xã hội đẩy vào thế giới "xấu ghê gớm" là nhà thổ trần gian cùng với nàng Kiều. Nhưng lạ thay, ở nơi cặn bã của thế giới, thi hào và nàng thơ của mình lại chứa chan lòng thương yêu con người, tìm lại được cái đẹp thiên sứ của trinh bạch ngay trước tượng thần Bạch Mi. Văn học, trên cánh đồng Araphát ngày phán xét chung của lương tri và nhân tính, bao giờ cũng như ngôi sao mọc bên phải loài người. Văn học, hay là một phương cách hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn, nhân ái và bao dung hơn. Nơi, ngay trong lòng thế giới bị qủy ám đi chăng nữa, nhà văn cũng phải chỉ cho con người biết cách phát hiện là thiên sứ Gabriél đến báo tin mừng về sự cứu chuộc của cái đẹp đã xuất hiện. Chỉ có Phạm Thị Hoài trong "Man nương", như tuyên bố trên của mình, đã đánh mất khả năng thiên sứ bằng việc không còn biết phát hiện ra cái đẹp của thế giới. Đánh mất khả năng khám phá ra cái tốt đẹp của thế giới, cũng có nghĩa Phạm Thị Hoài đã đánh mất thuộc tính quan trọng nhất của văn học vậy.

 

"Một thế giới mà trong đó thú thực nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm". "Man nương" có thể là một minh chứng cho nhận định mang tính thẩm mỹ độc nhất vô nhị trên của tác giả. Phạm Thị Hoài qủa có sở trường về việc dựng lên một thế giới bỉ ổi, lưu manh, dâm đãng, đểu cáng và hèn hạ. Con người dưới con mắt của Phạm Thị Hoài chỉ còn là con vật, một con ruồi libido "bu quanh" một không gian gớm ghiếc:"Cứ thử quan sát họ, dù ở một nhà vệ sinh thu tiền, hay bu quanh một góc tiểu tiện khoan khoái ấm cúng giữa phố... đến nhà nào cũng thấy một con đực, và kè kè bên nó một con cái, không rõ có phải của nhau hay không..."(19)  "Tôi có đủ nghề nhưng chẳng thạo nghề nào ngoài ăn ngủ với đàn bà và lừa mị vợ"(111). Nhà văn trước hết phải là tông đồ của nhân tính, nghĩa là phải biết thương yêu đồng loại, nhưng Phạm Thị Hoài trong tác phẩm này, hầu như chỉ nhằm khinh rẻ, tởm lợm con người, cho họ là khỉ tuốt:"Tôi nghĩ ngợi về sự cẩu thả không thể tin được của con người trong cái cách họ im ỉm đóng cửa cãi lộn hoặc an ủi nhau ...họ vén quần đái giữa phố một cách rất khiêu dâm, họ chồm hổm ở khắp mọi nơi như những con khỉ vui sống..."(11) Hãy xem tác giả xỉ nhục và thô bỉ hóa giấc mơ của con người còn tồi tệ hơn cả con vật ghê tởm nhất:"Anh mỗi ngày tắm một lần mơ một lần. Mơ được mẩu nào gói ngay vào số đề quẳng ra cửa sổ như gói cứt. Anh đừng có đánh rắm và chịu khó tắt thở là dí mũi vào Thiên Thai, vú chúng nó như bánh dày đùi như giò lụa"(42). Hãy xem tác giả dòi bọ hóa con người trong sự "nhung nhúc"của phố phường:"Đám đông đang nôn nóng thành đạt nhung nhúc trên các đường phố"(158). Con người dưới mắt Phạm Thị Hoài là một loài vật vô ý thức, thô tục, bẩn thỉu và man rợ:"Mẹ tôi lựa lời can thì dỗi, xuống bếp tè vào nồi nước rau"(67). "Ngồi chồm hỗm trên ghế như đi cầu tiêu và xỉa răng như quét chợ, những câu chửi đời phun ra giữa hai lần và soàn soạt thối không chịu được, nhưng mẹ bảo, khách đã là thượng đế thì thế chứ bĩnh ra đây mình cũng phải nuốt"(69). Các nhân vật của Phạm Thị Hoài ít khi nói được một câu tử tế, toàn là giọng bặm trợn, thô bỉ, đầu đường xó chợ:"Ngoài miệng thì chị chị em em, tấm bánh thì chia, tấm chồng giấu như mèo giấu cứt"(48)."Chiều cái con tiều"(44). "Anh xin em anh đéo biết nịnh đầm"(39). "Mẹ kiếp, chỉ thiếu cái mồ hôi hố xí hai ngăn nhà anh là toàn diện"(48)."Một ngày hăm bốn tiếng ăn ngủ đụ ị"(42). "Mũi như ống bô xe máy"(43). "Anh vào ra đếch xin phép, mẹ kiếp như việc xã hội"(46). "Mồ hôi anh như mùi hố xí hai ngăn"(37). "Đéo chơi cái đoạn đi giày da Ý"(42)...Chừng như Phạm Thị Hoài rất khoái trá nhìn vào một thế giới"ruồi và cứt ruồi bám như đậu đen vừng đen"(70), vượt qua cả giới hạn của chủ nghĩa tự nhiên để hóa thành chủ nghĩa dung tục, đã tìm mọi cách thối rữa hóa linh hồn và thể xác đồng loại trong cái nhìn bệnh hoạn, nhẫn tâm, sung sướng nhìn đồng loại bị hủy hoại của thày A.K., một phát ngôn viên của tác giả:"Người ta suy dinh dưỡng và toét mắt, ngứa ngáy và đau bụng ỉa chảy, lên sởi, động kinh, băng huyết và uốn ván, tê thấp đậu mùa, trúng gió, cấm khẩu, giun sán, còi xương, ngớ ngẩn, đau ruột thừa, lên nẹo, cả tin, bướu cổ,ung thư, u mê, sâu răng, đi rắt, ho lao, phù thũng, quáng gà, tuyệt tự, thối rữa linh hồn, rụng tóc, mê sảng, bội thực, thối mồm, tảo tinh, táo bón, biếng ăn, sốt rét, thiếu máu, nói nhịu, cười vô cớ, quai bị, tim la, thoái hóa cột sống, sợ ma, chảy máu não, cuồng dâm, sỏi thận, chán đời, bạo phổi, rối loạn kinh nguyệt, ra mồ hôi trộm, teo cơ giả phì đại, ngất, hủi, liệt, mù, câm...(192). Qủa "là một thế giới xâu ghê gớm". "Man Nương" đã thành câu lạc bộ bệnh hoạn của chứng động kinh phi nhân tính, một bệnh viện khổng lồ của con người, nơi chỉ toàn bệnh nhân mà không có thày thuốc. Đồng loại tật nguyền toàn phần kia dưới đôi mắt tàn nhẫn của nhà văn, ngay một người mẹ cũng rất ác với chính con mình:"Người mẹ trả thù cho việc mang thai tôi rất bất đắc dĩ bằng cách cứ tiện tay thì bổ guốc cao gót xuống đầu tôi"(102). Còn người cha thì vô hồn:"Bố thì giống máy hút bụi chưa có trên thị trường"(77). Do vậy, cái nhân vật - xưng tôi - tác giả, đã hơn một lần giận dữ và kinh tởm đồng loại:"...hôi rình ở miệng và nách"..."nhổ nước miếng mấy trăm lần. Từng cái lông chân của thiên hạ đều khiến tôi giận dữ và kinh tởm"(10,11). Một cái nhìn đen tối về thế giới, một thái độ khinh rẻ và căm ghét con người đến như vậy của Phạm Thị Hoài, phỏng có phải là một thế giới quan bệnh hoạn và một quan niệm thẩm mỹ chối bỏ nhân tính chăng? Với một thế giới đen hơn mực Tàu, không một mẩu đom đóm của lòng trắc ẩn, không một ánh lân tinh của hi vọng như thế, khiến ta có thể gọi "Man nương"là một tác phẩm văn học được chăng? Bởi, nói như Joan Giô-Nô: " nhà văn là giáo sư của niềm hy vọng", chứ đâu phải là trò chơi bịt mắt bắt dê của cái xấu xa và sự tuyệt vọng trong ao tù của con- người- thú- tính? Rất tiếc một thái độ nhìn đời đen tối và báng bổ như trên, chừng như đang manh nha thành một khuynh hướng trong văn học Việt Nam?

 

2) MỘT CÁI NHÌN KHÔNG PHẢI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

 

Nhân vật xưng "tôi-tác giả" có lúc xưng là em, xưng là nhà thơ, xưng là thày A.K. Khốttabít hâm hâm kia trong "Man nương", ngoài khả năng khinh rẻ con người nói chung ra, nó còn có một khả năng khác cũng gần như vô tận là thái độ coi thường, thậm chí mạ lỵ người Việt Nam chúng ta nữa. Than ôi, thử tìm dưới gầm trời này xem có một nhà văn, một trí thức chân chính nào lại đi khinh rẻ dân tộc mình, tổ tiên, thậm chí lăng mạ cả tín ngưỡng của ông bà mình như nhân vật xưng tôi trong tác phẩm này của Phạm Thị Hoài  hay không? Hãy nghe tác giả nói về đất nước của mình:"Ông ta là một công dân của một đất nước ở vào thời buổi không có gì đáng sĩ diện hết"(30). Những dòng này, tác giả viết vào tháng 12 năm 1990, nghĩa là vào thời hiện nay, có thật đất nước chúng ta là một đất nước "không có gì đáng sĩ diện" như Phạm Thị Hoài đã viết? Trong lịch sử bốn nghìn năm của mình, đất nước chúng ta bao giờ cũng là một đất nước không ngại bất cứ sự hi sinh to lớn nào để giữ sĩ diện quốc gia, giữ sĩ diện nòi giống bằng hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chúng ta sẽ bị lăng nhục ghê gớm khi một buổi sáng nào đó, một kẻ nào đó chợt chỉ vào mặt ta mà chửi rằng ngươi là một kẻ không có sĩ diện. Nhưng chúng ta chả lẽ sẽ không bị lăng nhục hơn khi có ai đó nhân danh bất kỳ thứ qủy quái nào, dám bảo đất nước Việt Nam đau thương và anh hùng của chúng ta là một đất nước " ở thời buổi không có gì đáng sĩ diện hết"(!) Thảo nào, bằng lối tự sự của dòng độc thoại nội tâm, Phạm Thị Hoài ở trang 112 trong truyện "Một anh hùng" đã " nguyền rủa số phận là người Việt Nam của mình" bằng cách viết:" Cũng như mọi người Việt Nam khác, hễ có dịp là tôi nguyền rủa số phận là người Việt Nam của mình, và hễ được hỏi vậy muốn là người gì tôi sẽ nhất định thở dài mà xin làm người Việt". Kinh Thánh có kể chuyện thánh Jop vì bị Chúa thử thách cho tan gia bại sản, cô độc, đói nghèo, cùi hủi, đến mức không chịu đựng được đã phải nguyền rủa ngày sinh của mình, nguyền rủa số phận mình, chứ tuyệt nhiên không dám nguyền rủa số phận là dân Do Thái dòng dõi Abraham của mình. Không có một tác phẩm văn học chân chính nào không tìm cách gắn với cội nguồn dân tộc, gắn với bầu sữa của bà Mẹ Tổ Quốc đã tùng nuôi nấng mình, chỉ trừ Phạm Thị Hoài mà thôi. Khi đang tâm "nguyền rủa số phận là người Việt Nam của mình", không biết văn học của bà sinh ra để phục vụ một đất nước nào khác vậy? Do đó, chúng ta không lạ gì thái độ rẻ rúng người Việt Nam khi tác giả hàng xén hóa đồng bào mình:"Người Việt Nam chúng ta sinh ra không phải chỉ làm một việc. Mỗi chúng ta là một tài cán tạp nhạp, người sáng giá nhất thì có cái diện mạo và cử chỉ của một ông chủ hàng xén thành đạt"(111). Qủa thậm vô lý khi tác giả lên án những ai yêu nước bằng cách "lo việc nước":"Mà lo việc nước lắm lại khổ việc nước nhiều đấy thôi, chứ ích gì. Cái quốc gia này chỉ thực sự chuyển mình khi không còn bất kỳ ai lo đến nó"(111). Chừng như bất cứ biểu hiện gì " lo việc nước" đều dị ứng với tác giả:"Chúng ta không dám cầm bút ghi vào sổ cảm tưởng trong đó một người vô danh viết bằng các bức "nu" trong phòng tranh này cũng láo toét như những khẩu hiệu chính trị"(115). Vì sự nóng giận mất bình tĩnh, tác giả đả kích rồi chửi đổng cả một số tờ báo có đăng tin vụ án và cho rằng báo chí gián tiếp ăn xác chết như những con kên kên chính hiệu:"Ông ấy mặt lặng như phu mộ tải thây người đi dọc phố. Cũng đếch có thây xịn, báo Công an nước đầu, báo Tiền phong nước hai, xào đi xào lại đến báo Đại đoàn kết thì chết qua tay mấy lần. Tiên sư đời"(43). Ở trang 115, không biết với dụng ý gì, tác giả bịa ra một tòa án binh lố bịch và man rợ, diễu cợt và bôi bác khi xét xử một vụ hủ hóa" thấy da thịt một đen một trắng hổn hển lao vào ngực chính trị viên...khi cô ta rên...", bằng cách đốt hai cái quần của của đôi nam nữ xem có ngửi thấy mùi "ấy" không:"Trước tòa án quân sự ...Người ta quyết định đốt hai chiếc quần, một gabađin quân phục, một phíp đen dân sự, nhờ ngọn gió phán xét. Gần trăm con người nín thở đứng thành vòng tròn quanh giàn thiêu. Đại úy chính tị viên châm lửa. Khói quân sự và khói dân sự ngập ngừng bốc lên, chừng một gang tay chưa hề có dấu hiệu khả nghi, rồi bỗng quyện vào nhau, cuốn quýt, say đắm, được tiếng vải nổ tanh tách khích lệ, thắm thiết dìu nhau tỏa mãi vào không gian vùng quê lành mạnh. Họ vô tội trong chừng một gang tay để rồi ngay sau đó hiển nhiên sa ngã"(115).

 

"Man nương" đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất là tín ngưỡng của người Việt Nam, bằng cách diễu cợt, xúc xiểm qúa tục tằn rất Phạm Thị Hoài:"Ngày xưa tín ngưỡng trộm, lòng thành nơm nớp như mót ị sợ bị bắt qủa tang bĩnh ra quần. Bây giờ đéo mót người ta cũng đến nhà bắt rặn"(44). Cái cách"mót" và "rặn" ra tín ngưỡng của Phạm Thị Hoài qủa tình đã xúc phạm, thóa mạ các vị thần linh của người Việt. Nữ văn sĩ hiện sinh chủ nghĩa đánh nốc-ao cả vua Hùng và Đức Thánh Trần Hưng Đạo, một vị là ông tổ của dân tộc, một vị là anh hùng dân tộc được nhân dân phong thánh :"Tất cả thần thánh đất Việt cùng một số vị ngoại quốc nhưng đã Việt hóa hoàn toàn: nào đức thánh Trần, nào Liễu Hạnh Tản Viên, nào sơn thần thủy quái, chúa Thượng Ngàn, nào các cô các cậu, các vua Hùng... Quan Công... pho nào cũng gồm một cái mặt đuồn đuỗn trai chẳng ra trai, gái chẳng ra gái, và một trang phục phường chèo thậm vô lý"(118). Tác giả sàm sỡ, bờm xơm, diễu cợt cả mẹ Âu Cơ:"Tôi đẻ trăm cái trứng hết nhiệm vụ làm tổ tiên"(46). Cao hứng vì cú trừng phạt tổ tiên, hạ bệ thần tượng thần linh một cách ngoạn mục, Phạm Thị Hoài không tha cả một anh hùng dân tộc khác - một nhà văn hóa vĩ đại nhất lịch sử nước nhà là Đức Nguyễn Trãi:"Đúng là tôi toàn trích Ức Trai tiên sinh...Cái văn phong lặng ngồi tẩn mẩn xót xa thương người thì ít thương ta thì nhiều trong các bài thơ thất sủng của ông có thể dạy tốt cho tôi, rằng không nên để mình bị thất sủng như thế"(111).

 

Hà Nội thủ đô, trái tim đất nước, đất nghìn năm văn vật, được rất nhiều văn nhân thi sĩ cổ kim ca ngợi, là niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng của mỗi người Việt Nam. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc vì Phạm Thị Hoài sao lại căm ghét thành phố này đến thế khi mỗi buổi sáng thức dậy, bà lại đến nỗi lỗ mãng chào nó bằng một phát trung tiện rất hiện sinh của mình:"Phải sống ở Hà Nội, phải hít thở nó đằng mũi, đằng mồm và thấy nó nghèn nghẹn nơi cổ, nó từ từ trườn vào phổi, nó máy trong bụng như thai nhi, nó chạy tê tê xuống hai bắp vế, rồi nó chào thân ái ta, hay ta chào thân ái nó bằng một phát trung tiện nghe như tiếng thở dài"(149). Xin lỗi, tiếng chào Hà Nội kiểu này của Phạm Thị Hoài hẳn là một cách để cám ơn cái thành phố đã qúa hào hiệp và lơ đãng, đến nỗi đã để nhà xuất bản cuả nó in ra tập truyện có một không hai này chăng? Vâng, một Hà Nội mà trong các trang viết của mình, Phạm Thị Hoài bao giờ cũng biết cách trả ơn nó bằng một gáo nước lạnh hắt thẳng vào mặt:"Hà Nội còn mình tôi với anh trôi trên áo hàng thùng. Một mình tôi với anh. Nhìn xung quanh là cánh đồng chết. Nhìn nhau chán như bà già gặp kẻ cắp"(46). "Bắt cóc nàng mang về Hà Nội thôi, ở đó đầy rẫy những tiên nữ thôn quê thoái hóa biến chất, giọng thì cứ bèn bẹt ra, mông đánh vù vù, hở ra câu nào vô duyên câu ấy"(182).

 

3) DUNG TỤC CÓ PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG CỦA VĂN HỌC?

           

Viết "Man nương", chừng như Phạm Thị Hoài muốn lập hội quán libido, nơi những ức chế khao khát được thỏa mãn bằng chữ nghĩa khỏa thân, tha hồ tuôn chảy những hành vi phòng the giữa thanh thiên bạch nhật của người đọc và giấy trắng. Chúng tôi hiểu rằng, tình dục là một hành vi, một ứng xử văn hóa, hơn nữa nó còn là vẻ đẹp, nỗi đam mê không phải chỉ ở hành động truyền giống mà là biểu hiện của nghệ thuật và cái đẹp thiêng liêng hằng sống. Văn hóa tình dục chỉ có thể trở thành thẩm mỹ, thành niềm say mê cao cả và qúy phái khi nó xảy ra đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đúng việc dành riêng cho nó. Nhưng khi người ta lôi tình dục ra biểu diễn trước đám đông, trước độc giả, nhất là lại núp dưới chiêu bài triết học thì xin lỗi, đó là hành vi không văn hóa. Chúng tôi phần nào thông cảm với Phạm Thị Hoài khi bà hăng say thực hành giáo điều của chủ nghĩa hiện đại là bất chấp thế giới khách quan và những khế ước của nó, bất chấp thuần phong mỹ tục, cứ mặc nhiên lột truồng cái tôi bản năng ra như lột hành lột tỏi, thả lỏng ngòi bút trôi theo dòng vô thức vô bờ bến của những thèm muốn thú tính, mặc xác mọi thứ y phục của đạo đức, cứ thoát y vũ tư tưởng và tâm hồn trong một thế giới không còn thượng đế, không còn lương tri, lòng tốt...Nhưng chúng tôi không thể thông cảm với Phạm Thị Hoài, vì thật ra bà đâu có khả năng theo chủ thuyết văn nghệ nào, dù là những chủ thuyết đã cáo chung, để tha hồ bày trên trang sách những điều tầm thường mang nhãn hiệu hiện sinh với hậu hiện đại. Bà chỉ núp dưới tên tuổi của Sartres và Camus, Kafka và Marquez, Proust và Joyce... để triết lý ba lăng nhăng dung tục nhằm câu khách rẻ tiền. Không ai cấm và không thể cấm văn học viết về đề tài tình yêu, tình dục. Nhưng là một tình yêu, một tình dục khác mang tính thẩm mỹ hướng thượng, chứ không phải theo lối viết qúa bầy hầy của Phạm Thị Hoài dưới đây. Chúng tôi xin phép trích ra không bình luận, còn những câu, những đoạn qúa quắt qúa, những trang tả chân cách mút và ngoáy lưỡi, cách lột quần áo, cách làm cho nhau hưng phấn khi làm tình...chúng tôi xin miễn trích vì sự tôn trọng độc giả:

 

"Đầu Nguyễn Thái Học có nhà tắm nước nóng mậu dịch mỗi xuất một sô giang mai". "Tốc hành xong khoản ấy thì dạng háng ra"." Em ơi một phát thôi không vừa rút ra ngay"(38). "Đúng năm giờ, ngày đang bước vào thời điểm đực cái bắt đầu cuốn lấy nhau...Một lát sau họ lần lượt khỏa thân. Toàn những con ngựa không có người cưỡi, xác thịt chảy buồn bã như suối"(35). "Phụ cấp năm phút nhòm chay từ dưới lên, tôi cứ váy rộng đứng chênh vênh trên ghế treo hàng là hồn vía thằng cha sà xuống cống. Mẹ kiếp thuế má dâm ô đéo chịu được". "Anh đếch biết thằng nào bóc tem em thằng nào hớt em nước đầu, anh đây xin nước hai có mầu"(40). "Thỉnh thoảng tôi chổng mông, hồn cu cậu lập tức dông lên nóc khách sạn mười tầng cao nhất Hà Nội"(41). "Nhưng đàn ông có bao giờ mòn.

 

Đàn bà chỉ dùng một phút là thành đồ cũ. Tôi đố anh đi cả phố tăm được con nào còn nguyên hộp"(48). "Tôi đã rót đều đều về nhà mỗi tuần một lượng tinh trùng cần thiết để duy trì hạnh kiểm của đôi bên"(109). "Anh dịch vụ tôi tôi sòng phẳng anh tuốt tiền mặt, rút ra cho vào cái đếch gì"(89). "Tôi chơi với bóng tôi trong nước tồng ngồng"(46). "Anh lượn đi cho tôi nhờ, dắt con bờ anh sang tiệm bánh ngọt"(46). "Tôi mới liếm hai đầu nhũ có mùi táo tầu"(8). " Khiếp mấy anh đầm đìa liếm lờ..."(45)... vân vân và vân vân...Những dòng viết nhơ nhớp trên, lạ thay sao có người khen nức nở và dũng cảm gọi nó là văn học hiện sinh, làm ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín học thuyết đã qúa vãng của Sartres và Camus ?

 

Tóm lại, tập truyện ngắn "Man nương" có thể đã được Phạm Thị Hoài viết trong trạng thái ức chế của những khuynh hướng (refoulement des tendances)? Những ẩn ức phân tâm bị kìm hãm này đã  tìm cách xì ra trang giấy một cách vô thức, vô tội vạ, bất chấp những giới hạn và hành vi giao tế là một chức năng quan trọng của văn học. Mặt khác, những quan niệm triết học và thẩm mỹ xa lạ, kỳ quái, một sự đua đòi bắt chước những phương pháp sáng tác chợ chiều, ưa làm dáng trí thức bằng khả năng của dung tục nổi loạn, cộng với sự khinh mạn con người nơi tác giả, khiến "Man nương" trở thành một cuốn sách biểu dương cái ác, cái xấu một cách quái đản và dị hợm, có khả năng làm mất cảm tình độc giả nhất trong mấy năm gần đây.

 

Văn học có thể viết về những điều bẩn thỉu, hạ cấp nhưng là để không đánh mất khả năng sạch sẽ và sang trọng của mình. Văn học có thể viết về vết thương nhưng là để chứng tỏ khả năng băng bó của nó chứ không phải khả năng giòi bọ, viết về nỗi tuyệt vọng nhưng để hướng về ánh sao đêm của hi vọng. Văn học có thể lăn lóc trên giường, nhưng là để hướng về hạnh phúc của cái đẹp mang tính đạo đức, chứ không phải dẫn con người vào thế giới hưởng lạc, sa đọa, vô luân. Văn học, trước hết là một cách ứng xử văn hóa, chứ không phải là câu lạc bộ của bản năng buông tuồng, sàm tấu, chửi đổng, dung tục, khiêu dâm, xúc phạm ông cha đất nước của bất cứ sự nhân danh và từ bất kỳ ai ở phía nào của đời sống, để thông báo tín điều của qụa về "một thế giới xấu ghê gớm".

 

Chị Minh Quân, nhà văn quen biết của Sài Gòn trước năm 1975 nói với chúng tôi rằng, với tập bản thảo "Man nương" này, ngay cả chính quyền Sài Gòn cũ cũng không dám cho xuất bản vì nó vừa tục tĩu, vừa nói xấu vua Hùng và Trần Hưng Đạo. Rất tiếc, nhà xuất bản Hà Nội, một nhà xuất bản vốn có uy tín, năm 1995 đã làm một việc không thể hiểu nổi là cho in cuốn "Man nương", xúc phạm lòng tự trọng và tình yêu văn học của bạn đọc xa gần.,.

                                                                                                              

Rút trong tập “ Văn học- Phê bình- Tranh luận” của Trần Mạnh Hảo – NXB Lao Đ ộng – Hà Nội 2004

 

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 3908
Ngày đăng: 27.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn - Hồ Tĩnh Tâm
Vài ý tản mạn nhân đọc thơ Vương Huy - Nguyễn Văn Hoa
Giết thơ rất dễ (!) - Trần Mạnh Hảo
Sự mặc khải của thi ca - Trần Mạnh Hảo
Sức sống văn hóa của một vùng ngôn ngữ đầy năng động - Hồ Tĩnh Tâm
Tản mạn đôi điều về văn hóa - Hồ Tĩnh Tâm
Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Hồ Tĩnh Tâm
H.CÁC MÁC - TÌNH YÊU VÀ BÃO TÁP - Hồ Tĩnh Tâm
Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng - Trần Mạnh Hảo
Phong tục ba ngày Tết của dân tộc ta - Phạm Thủy
Cùng một tác giả