Trong “Lời tự sự” mở đầu tập thơ “Miền nhớ”, Bùi Văn Tạo có viết rằng: “may mắn tôi có dịp đến nhiều miền quê, tỉnh thành… được ngắm phong cảnh và làm quen với cuộc sống những nơi ấy. Ở đâu cũng đọng lại trong tôi ấn tượng đẹp về đất và người. Điều đó trở thành động lực thôi thúc tôi sử dụng cả tâm trí và cảm xúc để làm thơ bày tỏ suy nghĩ, nỗi niềm. Tôi nhận thấy rằng chỉ có vậy mới thỏa mãn điều mình mong muốn” (Miền nhớ, Nxb Văn học 2013). Vâng, và anh đã thỏa mãn, vì trong thơ anh in bóng dáng của rất nhiều những “Miền nhớ” mà anh đã đi qua...
Nỗi ám ảnh khôn nguôi của đa mang nỗi nhớ cỗi nguồn đã tạo thành một “vệt thi pháp” rất lạ trong thơ Bùi Văn Tạo, đó là sự xuất hiện với tần suất cao từ “nhớ”. Tôi đã thống kê hai tập thơ của anh và nhận ra: Tuổi tác càng nhiều, nỗi nhớ lại xuất hiện càng dày trong thơ Bùi Văn Tạo. Nếu tập thơ đầu “Hương sắc thời gian” (2009) xuất hiện 43 lần từ “nhớ” trên tổng số 53 bài thơ, thì tập thơ thứ hai “Miền nhớ” (2013) lại xuất hiện đến 73 từ “Nhớ” cũng trên tổng số 53 bài thơ. Vị chi là 116 từ “nhớ” xuất hiện trên tổng số 106 bài thơ của anh. Một con số đáng để nhà nghiên cứu ngẫm suy về thi pháp. Thi pháp học thế giới ra đời nhằm để giải mã thơ bằng những minh chứng cụ thể ấy, tránh bớt những tán tụng suông theo lối tri âm cảm xúc. Và lần theo “vệt thi pháp” (cũng chính là vệt hằn ám ảnh) ở bề sâu vô thức và tiềm thức ấy trong Bùi Văn Tạo, tôi nhận ra rằng: Anh có đi đến trăm miền, trải nỗi nhớ đến trăm miền, thì vẫn chỉ để trở về với một “miền nhớ” chủ đạo của hồn anh, đó chính là cái miền-tâm-tưởng riêng của cõi lòng thơ anh. Chính vì sự ám ảnh của cái miền-tâm-tưởng này mà ta thấy trong thơ Bùi Văn Tạo dù có nói về cái gì, cảnh vật ở đâu, người lạ hay quen, vẫn chỉ để quay về với cái cỗi-nguồn-nhớ-ban-sơ của miền-tâm-tưởng ấy.
Quy Nhơn gắn với mái trường sư phạm thuở còn là chàng “bạch diện thư sinh” làm anh “da diết nhớ” với những địa danh rất cụ thể “Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Tháp Chàm, Phước Thuận”, nhưng đọc kỹ đoạn thơ, ta thấy đó là cái miền-tâm-tưởng của chính thầy giáo già Bùi Văn Tạo phấn nhuộm sương mái tóc, nhớ về kỷ niệm của chính chàng sinh viên Bùi Văn Tạo thời trẻ giữa canh thâu khuya khoắc đời mình ấy mà thôi:
Da diết nhớ, qua miền quê yêu dấu
Cảnh còn đây người xưa ở nơi đâu?
Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Tháp Chàm, Phước Thuận…
Nhớ em nhiều có lúc giữa canh thâu (Ở nơi ấy).
Đến Nha Trang để ngắm biển, ngắm đèo Khánh Vĩnh, ngắm tháp Po-na-ga, ngắm đường Trần Phú dập dìu người, nhưng rồi anh lại bị lạc ngay trong chiều vàng của miền-tâm-tưởng chính mình:
Bâng khuâng lạc giữa chiều vàng nhớ
Nghe tiếng tơ vương giữa nắng tà (Nha Trang tôi lại về).
Vào Bình Thuận thăm Lầu ông Hoàng, nhưng đâu phải anh nhớ Lầu ông Hoàng mà là nhớ về “mối tình thơ Hàn Mặc Tử” để từ tâm thức chính mình, ngẫm suy về nỗi “buồn thương” trôi miên miên man man trước “dâu bể cuộc đời”. Miền tâm tưởng đã đưa anh trở về với cỗi nguồn triết lý, cái “chuyện đã lâu rồi”, đọc lên nghe chan chát bờ môi, tê tê đầu lưỡi bởi “lời hẹn ước” đã bay xa:
Núi dầu dãi tháng năm đường xưa cũ
Lầu Ông Hoàng ghi dấu mối tình thơ
Lời hẹn ước giữa cuộc đời dâu bể
Chuyện lâu rồi nỗi nhớ cứ buồn thương (Đêm Bình Thuận).
Lên Tây Nguyên, đến thăm cụ thể trường Pơ-ê, Kon Tum, nhưng anh không phải để tả cảnh trường mà chỉ nhân đó nói về mình, về miền-tâm-tưởng cô đơn bản nguyên, xa hút của chính mình. Tại sao không nghe tiếng trẻ ê a hay bóng dáng cô giáo vùng cao hoặc mái trường ngói đỏ giữa chập chùng rừng xanh, mà lại chỉ nghe “tiếng chim gọi bạn”? Chim sống theo bầy, bay theo đàn, chim mất bạn, chim mới gọi tìm bạn. Cái tiếng chim gọi bạn giữa vi vút gió sườn non vọng lên giữa thăm thẳm rú rừng, đèo ải ấy chính là tiếng nói của chiếc-hồn-cô-đơn-Bùi-Văn-Tạo, của kiếp người nhỏ nhoi giữa vô tận bạt ngàn cao nguyên xa và rộng, vô biên của vũ trụ, nhân sinh:
Xe lượn sườn non vi vút gió
Tiếng chim gọi bạn vọng lên ngàn (Cảm tác trường Pơ-ê).
Gửi lòng trong màu vàng hoa Dã quỳ Đà Lạt, nhưng ta lại thấy anh lạc bước trở về tự vấn với tâm tưởng chính mình: “Mấy mùa hoa rồi em nhỉ?”, “Ai sẽ đón em mỗi chiều” khi anh xa?:
Đồi thông sương khói biếc
Người lạc giữa rừng hoa
Đà Lạt ngày anh qua
Mấy mùa hoa em nhỉ?
Dã quỳ vàng trong nắng
Những chiều ai đón em? (Mùa dã quỳ quê em).
Đến Bảo Lộc cũng thế, ra Phú Quốc cũng thế, rồi “về Giồng Trôm quê em” cũng chỉ mượn em để quy về với miền-tâm-tưởng-cô-đơn của cái tôi chính mình “giữa thời gian vời vợi” đó mà thôi:
Giờ còn lại mình ta
Giữa thời gian vợi vợi
Giồng Trôm em còn đợi?
Cây vườn mùa đơm hoa (Về Giồng Trôm quê em).
Qua Sóc Trăng cũng chẳng thấy Bùi Văn Tạo nói về Phum, Sóc hoặc một “Làng Trăng” nào cả mà lại trải lòng về nỗi nhớ một miền quê tâm tưởng. Buồn cũng vì nỗi xa quê, “bâng khuâng giữa chiều tà” cũng chỉ là cái bóng chiều quê đầy ám ảnh, nhất là mỗi bận xa quê:
Câu hát tặng em tình quê nhớ
Người về lời nói: buồn chia xa
Thời gian ngừng lại trong nhịp thở
Nắng trải bâng khuâng giữa chiều tà (Sóc Trăng, em còn đợi).
Một mình ở xa quê, anh nhớ quê. May quá! Về Bình Dương, anh gặp được người quê. Thế là anh thỏa thuê “ôn lại quãng đời thương”, rót tràn chén nhớ, giải tỏa ẩn uất lòng bằng cách: ôn chuyện (cũng không hết chuyện), nâng chén rượu (biết mấy cho say), “rót lời ca” (lời ca không dứt) trút lên bờ môi, ánh mắt Bình Dương thành phố trẻ. Nghĩa là đến thăm Bình Dương, lẽ ra để cho Bình Dương kể chuyện, hát mừng, ai ngờ anh lại biến Bình Dương thành khán thính giả để nghe, thành bạn nhậu để mời, nhằm trút cho hết những điều chưa nói hết vọng ra từ tâm tưởng chính lòng anh:
Người xa xứ, người quê giờ hội ngộ
Mấy mươi năm ôn lại quãng đời thương
Nâng chén rượu rót lời ca mến nhớ
Đẹp bờ môi ánh mắt trẻ Bình Dương (Bình Dương ngày mới đến).
Ra đến Vũng Tàu, trong tâm trạng xa quê, anh lại gặp “giọng quê hương” (tôi chắc là giọng Quảng), và vậy là, anh bắt Vũng Tàu phải “dang tay đón anh”, tung hê giữa gió biển xanh những “nụ hôn trẻ” (nhất định không phải của anh rồi, trẻ mà!) và mang chung nỗi nhớ của tâm tưởng “kẻ xa nhà”:
Dang tay đón người về Vũng Tàu - Bà Rịa
Xanh ngời xanh mặc sức gió biển khơi
Nụ hôn trẻ những cung đường uốn lượn
Giọng quê hương ấm áp kẻ xa nhà (Vũng Tàu trong nỗi nhớ).
Ngược đường ra Bắc, đến Quảng Nam - Đà Nẵng với người con gái bên sông Vu Gia, Bùi Văn Tạo viết:
Mấy bến nước Vu Gia đành lỡ hẹn
Để người về mang nỗi nhớ sông xa…
Có hoàng hôn nhuộm vàng bờ bãi
Chuyến đò chiều đưa khách muộn màng qua (Nhớ sông xa).
Nói về thượng nguồn sông Thu Bồn, về người con gái bên bến Vu Gia mà sao lại tự hoài nghi hỏi: “Mấy bến nước Vu Gia”?. Kỳ thực, là Bùi Văn Tạo đang gửi nỗi nhớ về dòng sông thao thức chính ở lòng mình, chảy bên lòng mình, nơi bến sông quê mình với “nỗi nhớ sông xa”, với “hoàng hôn nhuộm vàng bờ bãi và chuyến đò chiều đưa khách muộn” qua sông.
Anh ngẩn ngơ trước Hội An, nghe em gái Hội An hát Lý trong nắng chiều, nhưng thực chất, cái “điệu lý quê hương” và cái “nỗi nhớ dài nhuộm bóng chiều” kia, lại chính là nỗi nhớ thẳm sâu phía “phần đời” của miền-tâm-tưởng riêng anh:
Ngẩn ngơ nào hay nắng tắt
Chìm trong điệu lý quê hương
Mai về sẽ dài nhung nhớ
Phần đời nhuộm bóng chiều em (Chiều phố Hội).
Nghĩa là “phần đời anh” “nhuộm bóng chiều em” chứ hoàn toàn không phải phần đời của em gái Hội An đang ca Ba lý tang tình…
Ra Đồng Lộc, Bến Hải, anh lại thấy vùng quê tâm tưởng của mình hiển hiện trong những cảnh quê xa với “cánh cò chấp chới trong câu hát xa đưa”:
Tầng không chấp chới cò sải cánh
Phố nhà câu hát nắng xa đưa (Qua Bến Hải).
Đối diện với Nghệ An, với vùng quê xứ Đô Lương, anh lại thấy nở đầy trong tâm tưởng những “mùa xoan tim tím nở”. Và cái nỗi nhớ “phía chiều sương” ấy chính là nỗi nhớ quê mình:
Sông Lam bao giờ tôi trở lại
Thăm người em gái xứ Đô Lương
Tháng ba mùa xoan tim tím nở
Bồi hồi nỗi nhớ phía chiều sương (Tràng Sơn, phía trời em).
Tôi dám khẳng định thế vì trong bài thơ “Làng” viết về quê mình, Bùi Văn Tạo đã nói y như thế:
Làng xưa ngô lúa vui no ấm
Bến nước đường quê đợi em về
Nhớ mùa tim tím hoa xoan nở
Còn thoảng hương thơm mái tóc thề (Làng).
Về với Thủ đô - hồn thiêng đất nước, vậy mà cái cô gái Hà thành kiêu sa được phản ánh trong tâm trạng kẻ xa quê sao mà thân thiết, gần gũi như chính người bạn gái quê ngự trị giữa “phần đời” của anh trong tâm tưởng riêng anh. Vậy là Hà Nội với dòng sông Hồng chảy qua đã trở thành một bến sông nối nhịp của dòng sông quê nhà chảy trong chính lòng anh vậy:
Gặp em nét duyên cười mến nhớ
Lúc xa quê trong câu chuyện tình cờ
Mà thân thiết phần đời tôi mong đợi
Giữa dòng đi thêm nhịp nối bến sông (Hà Nội, nỗi nhớ trong tôi).
Có bao giờ Bùi Văn Tạo tự hỏi lòng mình rằng: Cái cô gái Thủ đô Hà Nội mà sao quê dữ vậy hay chưa?
Rồi, lên tận Hà Giang, anh đã đem tâm tưởng mình thổi hồn vào câu thề ước của người thương muôn năm trong nỗi nhớ chính mình:
Nhớ cách trở Khau Vai bạn nhé
Gửi câu thề trong tiếng của người thương (Hà Giang, mến nhớ)…
Vậy thì… cái miền tâm tưởng của Bùi Văn Tạo mà đi đâu anh cũng lại về, đó là cái miền nào vậy?
Đó chính là cái làng quê nơi anh sinh trưởng với lúa ngô vào mùa, bến nước, đường quê luôn ngóng đợi trong chiều tím hoa xoan; mỗi bình minh lên là rưng rưng xúc cảm trong dáng đi của những người thân giữa “nắng sớm mưa chiều”:
Làng xưa ngô lúa vui no ấm
Bến nước đường quê đợi em về
Nhớ mùa tim tím hoa xoan nở
Còn thoảng hương thơm mái tóc thề
Làng mãi trong lòng niềm thương cảm
Nắng sớm mưa chiều những người thân
Đất trời trong ánh bình minh rọi
Xúc động ngày lên biết bao lần (Làng).
Đó là vầng trăng Thiên Bút sơn cùng làng quê Ba La vàng nỗi nhớ, âm vang điệu hò Ba lý trên đồng lúa mượt xanh:
Trăng Thiên Bút nghiêng nghiêng mây đỉnh núi
Những vần thơ gửi tặng bạn phương xa
Điệu ba lý đồng xanh chiều lúa mượt
Bao mùa vàng miền quê nhớ Ba La (Phố Quảng tình em)
Ở đó, có người cha già yếu, đổ bóng liêu xiêu trong cực nhọc đời mình. Đi xa là nhớ. Ở ngay chính quê cha, lắng nghe thời gian trôi đi, lại càng thêm nhớ. Nhớ đến sắt se lòng:
Cha thì yếu mà đường xa nắng gió
Đôi vai gầy gánh nặng bóng liêu xiêu
Bước gắng sức chiều quê chân hối hả
Gió rong chơi con trẻ thả sáo diều
Trong sương sớm hương trà thơm nhẹ tỏa
Gà bình minh đánh thức giấc đồng quê
Xa xa lắm, Cha ơi mùa cơm mới!
Se sắt lòng, tiếng vọng giữa đời vui (Đôi vai ấy).
Là người mẹ với đôi tay gầy qua xao xác tháng năm trôi, dù bùn đất khổ nghèo vẫn dành tiếng trong veo mỗi lần ru con ngủ; dù tất tả, thiếu hụt quanh năm vẫn lo chợ búa đủ đầy để dâng mâm cỗ thành kính đến tổ tiên những mồng Năm, ngày tết:
Tháng năm xao xác gầy tay mẹ
Nét đẹp bao đời ơn tổ tiên
Nghe trong cuộc sống làng quê ấy
Những lời tâm sự điệu hát ru
Tháng năm chợ búa, lo mâm cổ
Nét đẹp bao đời ơn tổ tiên
Làng quê còn có vui như tết?
Góp lá làm chè hương nước thơm (Tháng năm)
Nơi miền quê tâm tưởng ấy có mối tình đầu bé dại, đã xưa xa mà lòng vẫn nhớ, dù có xuôi ngược vạn hành trình hoặc khi tóc đã bạc sương:
Tháng năm đường xuôi ngược
Lòng mang mối tình xưa
Sương đời rơi bạc tóc
Áo mỏng giờ em đâu? (Khúc đồng dao ngày ấy).
Anh muốn hòa mình vào đất quê, muốn lòng mình “thành bãi biếc ươm thương nhớ”; muốn hòa mình vào sông quê, làm con nước để “chở mối tình đầu”, muốn mình thành bến sông xuân để đợi thuyền neo lại:
Chiều cứ chiều trôi qua bến nước
Trời làm thơ mộng bóng tre xanh
Anh thành bãi biếc ươm thương nhớ
Đợi thuyền em lại ghé bến xuân
Sông chở mối tình thơ ngày ấy
Về miền xa cách nhớ đong đầy (Gió gọi xuân về).
Giữa thời buổi công nghiệp hóa, đô thị hóa đang rậm rịch, anh lo sợ sẽ phá vỡ đi, đánh mất đi miền-tâm-tưởng của riêng anh và cũng là của mọi người, anh lo giữ lại cái hương quá khứ để đừng ai nguôi quên về một miền ký ức:
Hôm nay trở lại tìm quê cũ
Dâm bụt đỏ đường cau nở hoa
Hương thơm thoảng cả miền ký ức
Nắng rọi hiên nhà, ai ngỡ em! (Về quê em)
Sống giữa phố làng Nghĩa Dõng (Một xã miệt đông thành phố Quảng Ngãi), lo sợ phố xóa mất làng, anh vội vã ghi lại trong thơ mình cái “nỗi nhớ đời nhau” để lỡ một mai, đô thị hóa có làm mất dáng vẻ phố làng thì vẫn còn một phố làng ngự trị vĩnh viễn giữa miền tâm tưởng:
Chờ em giữa mùa nắng đẹp
Nụ cười hoa nở ngày xuân
Long lanh bờ mi có phải?
Phố thành nỗi nhớ đời nhau (Phố nhớ)
Và vì vậy, dù “qua năm tháng nhiều thay đổi”, cái miền-tâm-tưởng anh đi về và ám ảnh suốt cả đời thơ, đời nhạc của anh là cái “nỗi nhớ sau mùa gặt”, cái “vị mặn nồng” của tình quê hương, bổn quán:
Bao nhiêu nỗi nhớ sau mùa gặt
Ấp ủ tình quê vị mặn nồng
Đi qua năm tháng nhiều thay đổi
Bồi hồi làng cũ giữa chiều đông (Sau mùa gặt).
Đây chính là lời thú nhận bằng chính thơ anh (tất nhiên nó sẽ thật hơn “Lời tự sự” của anh mà tôi vừa nhắc đến ở đầu bài viết này), vì tiếng nói của trữ tình thơ (chứ không phải của tự sự văn xuôi) mới chính tiếng nói thật tự đáy lòng mình.
Nghĩa là, với Bùi Văn Tạo, những “miền quê mới đến” chỉ là cái cớ để anh có dịp “chạm” vào miền-ký-ức-bản-thể của chính mình. Đó là miền-tâm-tưởng mang tính bản nguyên, nguồn cỗi làm thành “miền nhớ” bàng bạc trong thơ anh: Một miền quê sây vàng lúa chín dưới chân đồi, có ngọn khói chiều bay lên sau lũy tre, xóm núi, gợi nhớ đến bồi hồi những mối tình quê:
Chạm ký ức nơi miền quê mới đến
Sắc vàng sây lúa chín dưới chân đồi
Xa xa khói sau tre làng xóm núi
Gợi tình xưa yêu nhớ đến bồi hồi (Màu của lúa).
Thực ra, khi bắt đầu viết bài này, đọc “Lời tự sự” của anh ở đầu tập thơ, tôi cứ sợ, anh gửi lòng đến nhiều “miền nhớ” sẽ làm tan loãng cái miền-tâm-tưởng của anh. Nhưng may quá, tôi đã đoán không sai, khi tuổi về chiều, anh đã “Chợt nhận ra” và nói rất rõ quan điểm của mình trong bài thơ in cuối tập thơ, rằng: Những miền nhớ thời “trai trẻ xông pha” đã qua, rồi sẽ lãng quên; cuối cùng, còn lại trên cõi đời này, với mỗi con người chúng ta chính là những tri âm, tri kỷ, thủy chung “như nước về xuôi vẫn nặng lòng thương nhớ núi đồi”, nguồn ngọn. Đó là những con người dành trọn cho nhau “hai tiếng yêu thương” mà chính anh đã khắc ghi trong miền-tâm-tưởng chính mình:
Thời trai trẻ xông pha đường vó ngựa
Hành trình dài rong ruổi khắp nơi nơi
Gieo nỗi nhớ hay quên điều bắt gặp
Tâm tư còn trôi dạt ở nơi nơi
Chợt ngoảnh lại tìm đâu người tri kỷ
Cõi trăm năm trong hai tiếng yêu thương
Núi nghiêng bóng qua lòng thung khe suối
Nước về xuôi mang thương nhớ đồi nương (Chợt nhận ra)
Gọi, Bùi Văn Tạo gửi nhớ đến trăm miền cũng chỉ để quay về với một miền: MIỀN-TÂM-TƯỞNG của một thời quá vãng, chính là như vậy.
Quảng Ngãi, nắng đổ lửa cuối tháng Năm,2013.