Nguyễn Thị Hải Hà đọc
Đây là lần thứ nhì tôi giới thiệu sách phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên. Trước đây tôi đã viết một bài ngắn về quyển Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay 1 và Nguyễn Lệ Uyên Chân Dung Tự Vẽ. Lần này tôi sẽ giới thiệu quyển Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II.
Trước nhất, tôi rất thích cái tựa sách, rất thơ. Nguyễn Lệ Uyên mang thơ vào những bài phê bình văn học. Đọc Nguyễn Lệ Uyên sẽ thấy phê bình văn học không khô khan.Có hai nhà phê bình tôi rất thích đọc vì những bài phê bình về thơ của các ông rất nên thơ đó là Teju Cole và Robert Bly.
Không nặng về lý thuyết, Nguyễn Lệ Uyên viết phê bình văn học theo phương pháp reader-response criticism. Ông là nhà văn theo khuynh hướng lãng mạn và hiện thực nên cách ông phê bình dựa vào khuynh hướng này. Văn của Nguyễn Lệ Uyên óng ả, trau chuốt, giàu hình ảnh và màu sắc.
Trong Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II, Nguyễn Lệ Uyên nhận định về tác phẩm của mười ba tác giả. Những tác giả tôi chưa đọc tác phẩm gồm có: Thảo Trường, Đỗ Hồng Ngọc, Lâm Hảo Dũng, Hạc Thành Hoa, và Phạm Chu Sa. Một vài tác phẩm của những tác giả tôi có dịp đọc qua là: Chinh Ba, Trần Hoài Thư, Khuất Đẩu, Bùi Đăng, Phạm Văn Nhàn, Âu thị Phục An, và Đặng Kim Côn.
Nói cho khiêm tốn, tôi là một người tập viết phê bình văn học nhận xét về những bài phê bình văn học. Đây là cơ hội tôi có thể so sánh luận điểm của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên với nhận định của tôi, nhất là về những tác phẩm mà cả tôi và ông cùng đọc.
Nhờ có kinh nghiệm về chiến tranh, Nguyễn Lệ Uyên nhìn thấy những chi tiết sống động trong truyện của Thảo Trường như hố bom biến thành hồ cá, chỗ chết trở nên nguồn sống của dân làng, chị Tư là biểu tượng của dân tộc Việt bị kềm kẹp giữa hai dòng chính trị. Nguyễn Lệ Uyên kết luận, Thảo Trường “chịu tù đày 17 năm dài từ Nam ra Bắc. Bởi vì ông, Thảo Trường là một nhà văn trung thực.”
Ôi! Tội nghiệp nhà văn Thảo Trường. Viết văn làm chi cho khổ.
Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên rất hào phóng với lời khen. Trong 13 tác giả, và thêm phần phụ lục nói về nhà văn kiêm dịch giả Trần Phong Giao, tôi thấy toàn là những lời khen, thật đậm đà. Điều này rất hợp ý của tôi. Cái hay của Nguyễn Lệ Uyên là ông khen rất văn chương.
Hồi mới lớn tôi có đọc một quyển sách nói về tuổi mới lớn của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Gần đây tôi có đọc vài bài blog của ông. Thú thật, những bài về Thiền và Phật Giáo của ông “già” quá đối với tôi. Tôi còn bon chen tranh giành với cuộc sống nên đọc văn ông tôi thấy như nước đổ lên cái đầu vịt (của tôi). Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên phân tích những bài thơ của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc và cuối cùng kết luận: “Làm thầy thuốc là để cứu người; làm nhà văn là để cứu đời.” Tôi muốn trêu nhà văn Nguyễn Lệ Uyên một chút. Nhà văn Thảo Trường viết văn chẳng cứu được đời mà còn lụy đến thân. Và cũng vì câu kết luận này mà tôi càng sợ bị gọi là nhà văn hơn. Tôi không muốn bị gán cho cái sứ mạng cứu đời.
Khi Nguyễn Lệ Uyên nhận định về một tác phẩm văn học, bạn sẽ muốn tìm đọc quyển ấy ngay lập tức. Tôi có đọc thơ của Hạc Thành Hoa nhiều nơi trên mạng nhưng không dám bàn về thơ. Tôi thích đọc thơ của ông và đầu tiên tôi đã chú ý đến cái bút hiệu rất đẹp. Nhận định của Nguyễn Lệ Uyên về tác giả này làm tôi càng muốn tìm đọc thêm thơ ông. Tôi xin trích một đoạn phê bình đẹp như thơ để độc giả thưởng thức.
“Căn phòng nhỏ nhìn ra con rạch êm đềm, đầy bóng râm mát, đầy tiếng ve trên những tàn cây cổ thụ và tiếng đàn và thơ. Thơ như khí trời bám khắp bốn bức vách loang lổ, đổ xuống nền gạch tàu, treo lủng lẳng trên xà ngang, ám vào mái ngói âm dương rêu phong. Thơ quấn quít bên kệ sách, ngập ngừng chao lượn trên sàn gạch màu lá bàng bay lơ lửng trong không. Tiếng mái chèo quẫy nhẹ như chiếc vây bơi con cá chẽm bên dưới dòng Cái Sơn. Xa hơn chút, tiếng máy đuôi tôm khua động mặt sóng sông Tiền. Và nữa, tiếng đạn pháo ngoài lung xa, vũng sáng nhơm nhớp hỏa châu che khuất ánh trăng. . . đã đẩy ông vào góc tường tróc lở từng mảng vôi. Ông rưng rưng sợi dây đàn căng. Ông ngậm ngùi lưng tròng nhìn qua dòng sông đang cới tay níu choàng con rạch nhỏ đặc sệt một dòng trăng vàng thấu đáy (nhưng cái đám bằng hữu “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” kẻ trước người sau, lần lượt quay về xó cũ bỏ ông lại một mình với cảnh “Gã giang hồ vẫn gác trọ cô đơn. . . Thăm ta đôi lúc cơn gió lạnh/Thổi tạt mùa đông xuống đáy mồ!”) Khoảng thời gian ấy, không bao giờ những vò rượu Lai Vung, Lấp Vò nhấn lút được những câu thơ từ chốn sâu thẳm tâm hồn ông tha thướt bước ra như một thiếu nữ khuê các. Nàng đẹp đến não nùng. Nàng Lục Bát của ông khoác áo màu hoàng yến tắm trăng. Mảnh xiêm y rơi nhẹ. Trăng ướt đẫm nàng, ve vuốt nàng rồi trần truồng phơi ra những thiên hà ngập ngừng bên cạnh con nước sông Tiền lên xuống.” trang 150 – 151.
Tôi rất đồng tình với nhà văn Nguyễn Lệ Uyên về truyện ngắn Bài Thơ Trên Xương Cụt của Chinh Ba. Nguyễn Lệ Uyên viết: “Ông vẽ lên những mảnh đời có thật, đâu đó quanh ta; về thân phận con người trong bối cảnh xã hội bị hất tung lên, mọi giá trị đạo đức văn hóa bị bổ nhào cùng những hệ lụy của chiến tranh tàn khốc, để cuối cùng kết lại là nỗi khát khao được làm người theo đúng nghĩa con người.” Trang 45. Và: “Cuộc chiến giữa nàng Út Lệ và Ba Lò Heo là cuộc đấu tranh không cân sức, giữa một bên là người nghệ sĩ và bên kia là tên đồ tể; giữa nghệ thuật và dao phay; giữa kềm tỏa, trói buộc và Tự Do! Hắn ta đã chen chân vào đời sống tinh thần của vợ. Hắn uốn nắn niềm đam mê của nàng bằng những “tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường” bằng cả những tiếng la hét, hằn học. Nói khác, ẩn ngữ “ghen bóng ghen gió” của Chinh Ba có thể hiểu đồng thời là sự áp đặt có hệ thống, có mưu đồ tính toán hẳn hòi, mà mục đích cuối cùng là nhằm triệt tiêu Tự Do và niềm đam mê cháy bỏng của người nghệ sĩ.” Trang 53.
Truyện Bài Thơ Trên Xương Cụt đăng vào tháng 10 năm 1965, có lẽ để phê bình chế độ kiểm duyệt của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ ông Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ nhưng một tác phẩm thường thì được ấp ủ hình thành rất lâu trước khi ra mắt độc giả. Một tác phẩm hay sẽ tồn tại qua nhiều thời đại. Vào một thời đại khác truyện ngắn này vẫn là biểu tượng của sự phản kháng tầng lớp lãnh đạo độc tài. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, điều quan trọng là nội dung của hình xâm và chữ xâm chứ không phải là chỗ xâm. Người ta có thể xâm tên người mình yêu ở những chỗ kín đáo. Và nếu nội dung của hình xâm hay chữ xâm thô tục thì chính người mang vết xâm phải chịu nhục, tại sao người đọc vết xâm thấy mình bị làm nhục?
Trong số mười ba (nói cho đúng, mười bốn) tác giả nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nhận định tác phẩm chỉ có một nhà văn nữ. Nếu ông là nhà văn Hoa Kỳ có lẽ người ta đã kêu ca ầm ĩ là ông kỳ thị nhà văn nữ. Nhận xét về Âu thị Phục An, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Văn chị cứ ‘tỉnh queo’ đến lạnh lùng trong những tình huống mà lẽ ra là đón đợi những vồn vập, rực cháy, những háo hức nồng nàn… Đọc những truyện ngắn của chị, nhiều khi tôi nghĩ, chị như một kẻ lữ hành trên con đường vắng, không có người đồng hành để trò chuyện, đành phải dồn nén lại. Sự dồn nén đó cứ lướt thướt trôi theo dòng suy nghĩ chảy xọc vào ngòi bút, giống như một thỏi băng tan chảy.” Ông cũng nhận xét nhân vật của chị Phục An có sự suy nghĩ của những người già trước tuổi. Điểm này tôi đồng tình với ông Nguyễn Lệ Uyên. Tôi phục chị Phục An lắm. Khi chị nổi tiếng với Thăm Viếng thì tôi đang mày mò tập viết văn, ngóng cổ chờ bài đăng đến thất vọng. Thật thú vị là khi chị mới hơn hai mươi nhân vật của chị suy nghĩ về tình yêu và hôn nhân như một người gấp đôi tuổi của chị nhưng bây giờ hình ảnh trong thơ của chị đầy sinh lực của tuổi hai mươi. Tôi tự hỏi khi chị viết truyện ngắn Thăm Viếng thì phong trào nữ quyền đã thấm nhập vào Việt Nam chưa. Ở Thăm Viếng tôi nhìn thấy một thái độ phản kháng ngầm. Đó là cái thái độ của một người biết mình sắp bị mất tự do. Hay đó là thái độ của một người phụ nữ chống lại trật tự định kiến của xã hội như đến tuổi thì phải lấy chồng, vị hôn phu sắp ra trận thì phải cưới gấp trước khi anh ta chết trận, phải đi thăm vị hôn phu ở quân trường, phải chìu chuộng những khao khát của người tình. Người phụ nữ phản kháng việc mình phải dàn xếp cuộc đời của mình chung quanh một người đàn ông. Nàng muốn sống cách khác, đi hướng khác. Cái hay của truyện này, theo tôi, là cái chị không nói thẳng ra, nó tạo thành sự căng thẳng kéo dài suốt truyện. Đó có phải là một quan điểm nữ quyền của tác giả không? Tôi e là tôi có cái nhìn méo mó vì tôi bị ảnh hưởng bởi quan điểm nữ quyền. Có phải đọc sách cũng giống như soi gương? Tôi đọc tư tưởng của người nhưng nhìn thấy tư tưởng của mình? Liệu người đọc có thể sai lầm khi nhìn thấy những quan điểm mà người viết không cố ý?
Những bài phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên rất hấp dẫn. Ông có những nhận xét tinh tế của một người đọc nhiều và hiểu biết nhiều về tác giả vì ông có giao thiệp tiếp xúc với những nhà văn này. Đọc những bài phê bình văn học này với tôi là cơ hội vừa hiểu biết vừa thưởng thức.
2
Phần phụ. Trích dẫn để độc giả thưởng thức.
Nhận xét về Cánh Đồng Đã Mất của Thảo Trường, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Tất cả như đã biến mất khỏi cuộc đời, y như cánh đồng trước kia mênh mông màu xanh cỏ phủ tràn cùng những bông hoa dại rung rinh trước những cơn gió phất qua, nay đã biến mất. Mùi thơm của hoa cỏ đất trời đã biến dạng. Cánh đồng của sự bình yên đã méo mó, của hoa thơm cỏ mượt xanh đã chìm lấp bên dưới những giao thông hào, vòng rào kẽm gai, như ông sĩ quan già đã bị lấy mất tuổi thanh xuân của chính mình, như tuổi trẻ của Hoán bất chợt đổi thay về số phận và khung cảnh.” Trang 13
Nhận xét về các bài La Ngà 1 đến 5 của Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Ông nhìn nhận cảnh quan theo vẻ đẹp mẫn tuệ nơi ông đã đành, nhưng đến những cảnh huống mà nhiều người nhìn thấy là xấu, khi lọc qua tâm hồn ông bỗng sáng rực như ánh sáng ban mai; ngôn ngữ diễn đạt cứ như những hạt sương long lanh trên cành lá biếc xanh.” Trang 39.
Nhận xét về thơ của Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Sống chết hay cái vui, với ông đều là may rủi: May còn em và may còn cái vui như một tiếng kêu não nuột bật ra từ tâm thức ngủ yên. Đó chỉ là niềm hạnh phúc mong manh không ở ngay bên cạnh và đâu đó như một vệt khói hư không.
Nguyễn Lệ Uyên nhận xét về Trần Hoài Thư rằng ông Trần Hoài Thư viết nhiều, viết dễ dàng, ở đâu cũng viết được: “Ông viết dễ dàng còn hơn đưa ly rượu lên miệng: Viết dưới hầm; trùm poncho dưới giao thông hào, bật đèn pin để viết; viết trong lúc dừng quân, trong quán cà phê; viết khi chân, ngực băng kín trong quân y viện. . . nghĩa là ông có thể viết trong bất kỳ tư thế, không gian và thời gian nào ông cảm thấy mạch văn như đang có dấu hiệu chảy trào ra khỏi con người ông, trườn qua cây bút và mảnh giấy tựa như con suối nghiêng dòng nước trong xanh chảy ca hát cùng mùa xuân.
Nhận xét về Ngày Đầu Ở Xứ Người, văn phong của Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên nói: “Bức tranh toàn cảnh này, ông vẽ ra với một giọng văn thổn thức, hoài nhớ đến nao lòng. Và hình như đây chính là phong cách của ông, văn phong của chính riêng ông.” P. 94
“Đoạn kết của thế hệ này sẽ vẫn phải còn thở hồng hộc như trâu cày đồng, thở bằng mũi, miệng, tai; thở bằng mông đít và các đầu ngón tay chân, trên từng sợi tóc mặn đắng mồ hôi của tủi nhục, không phân biệt đó là những kẻ đang ngụ tạm quê người, hay còn ở quê nhà thở khói chiều vi vu bên anh Cuội dưới gốc đa, ru ta những mộng mị hoang tưởng trên đời, rung bã, mệt mỏi, ê chề.” trang 95.
Nhận xét về Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Hầu hết những truyện ông viết đều mang nỗi hoài nhớ, pha lẫn chút “ngậm ngùi” như trong truyện ông đặt ở trên. Các nhân vật đang vật lộn với đời sống khó khăn hôm nay nhưng trong tận cùng đáy sâu tiềm thức của họ là những lớp sáng tôi của quá khứ. Cái quá khứ ấy không hẳn là trọn vẹn, la hạnh phúc; nhưng trải qua những ngày từ thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, bước chân vào đời, luôn là những bài thơ đẹp lộng lẫy như khói trời; bởi nó thấm đẫm tình người.” trang 131.
Nhận xét về thơ Phạm Chu Sa, Nguyễn Lệ Uyên viết; “Trong buổi nhiễu nhương, tâm cảm nơi ông chừng như là những mộng mị trôi nổi có không từ ‘thời gian vọng’ đến ‘thời gian xuôi’ như cách gắn liền quá khứ xa tới hiện tại gần, là nỗi cô đơn của kẻ lưu đày trên chính ngay mảnh đất ông đang bước tới, gắn chặt, thở khói trời u uẩn. Ông chìm khuất và mất tăm giữa cái ồn ào trống rỗng, là tiếng kêu bi thiết của con chim gục ngã trên tổ rơm thông thống lỗ méo nụ hoang hoác.” Trang 162.
Tả hình dáng nhà thơ Phạm Chu Sa: “nhìn bờm tóc ông nhuốm ráng chiều màu nắng quái ngoài hành lang, nhìn cái dáng xiêu xiêu thẫn thờ dưới cột đèn ngã chúi về đêm trong con hẻm nhỏ và hai tay trong túi quần và ánh mắt như màu tối đậm trên vờ tường thấp loang lổ, tôi đã tự hỏi: ông tự tìm kiếm chính mình trong nỗi cô đơn hay hoài nhớ đâu đó, là những hình bóng nhập nhòa, hiển hiện trên bờ tường đá ong, những mất mát luôn vây bủa, bi lụy không ít đến cuộc đời ông?”