Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.762
 
Chữ Thầy
Trương Quang Cảm

 

 

“ Chú! Chú! Cho con cái lịch học”. Tôi rút tờ giấy lịch học treo trên cổng đưa. Nữ sinh ấy đi khỏi. Cô bán bánh bao ngồi cạnh đấy lên tiếng trách: “ Cái con nhỏ sao không gọi thầy mà gọi chú, chú”. “Thì tôi có dạy nó đâu” Tôi nói. “ Nhưng đã đến chỗ xin học thì phải gọi thầy chứ”. Cô ta tiếp tục lí sự còn tôi thì không nói gì.

 

Bẵng đi khoảng hai tháng, chiều nay tôi cũng đứng trước cửa. Tôi bỗng nghe tiếng chào: “ Thầy”. Quay lại tôi thấy con khùng. Tôi vừa nói chào em và trong tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi có dạy nó bao giờ đâu và nó khùng mà … làm sao biết tôi dạy học mà gọi tôi là thầy. Tôi đã dạy học đến nay 34 năm. Có cả hàng ngàn vạn lần nghe chữ gọi thầy. Nó quen đến nỗi tôi không để ý nhưng ôi lần này cái chữ thầy được phát ra từ một con khùng, sao mà làm tôi ngạc nhiên, xúc động và cảm phục nó quá. Thực tình đến bây giờ tôi cũng không biết nó ở đâu mà chỉ biết thỉnh thoảng nó hay đi qua nhà tôi. Có lần tôi đang đứng nói chuyện với ông hàng xóm thì nó đi qua. Tôi nói với ông hàng xóm: “ Trời! Con khùng có bầu”. “ Không đâu. Trước đây tôi cũng nghĩ như ông nhưng cả năm nay nó vẫn vậy.” Ông hàng xóm nói.

 

Chữ “thầy” có nghĩa để chỉ người có hiểu biết, tay nghề giỏi truyền giúp hay hướng dẫn lại cho người khác. Chữ thầy không phải chỉ dùng độc nhất cho người dạy  chữ mà còn dùng cho người dạy võ, dạy nghề , bốc thuốc, chữa bệnh, cúng tế v.v… Một số nơi con gọi bố cũng bằng thầy. Thậm chí vào tiệm mua hàng, để lấy lòng người khách, chủ tiệm cũng gọi họ là thầy. Nói chung chữ thầy để chỉ người được kính trọng.

 

Tôi nhớ lại trong môt hầu chuyện với thầy Võ Hồng. Thầy cho biết thầy không thích những ai gọi thầy là anh, chú, hay bác…Thầy nói: “ …đến thầy lang, thầy bói, thầy mằn… người ta còn gọi bằng thầy…”. Thầy là nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thầy còn gắn bó cả đời mình với nghề dạy học nữa. Lúc thầy mất nhà văn Trần Hiền Ân có viết bài “ Thầy đã về đầu non”. Có thể có người đọc không để ý cái tên đề này. Thầy Võ Hồng có tác phẩm “Người về đầu non”. Người viết chọn lấy tên đề ấy là biểu hiện sự thương yêu kính trọng và đồng cảm. Hơn nữa thay chữ “ người” bằng chữ “thầy” không chỉ quí trọng mà chứng tỏ người viết còn am hiểu con người  của thầy Võ Hồng nữa. Sau khi thầy Võ Hồng mất, trên trang website Văn học và ngôn ngữ của trường ĐHKHXH&NV, viết về một kỉ niệm với thầy Võ Hồng, GSTS Huỳnh Như Phương có bài: “Hoa bươm bướm một mùa hè”. Suốt bài viết, GS luôn gọi thầy Võ Hồng rất kính trọng thương yêu  và cảm động. Ở đó người đọc  hiểu thêm về tính cách của thầy Võ Hồng. Đúng là những chi tiết nhỏ làm nên một nhà văn lớn.

 

Tôi có một ông bác họ. Thập niên những năm 60 của thế kỷ trước làm quận trưởng. Đến khi chính quyền hành chính chuyển sang quân đội, ông về làm Giám đốc Trung tâm Tu nghiệp công chức ở tỉnh Khánh Hòa. Tôi nhớ có lần ông vào một tiệm tạp hóa. Chủ hiệu tiếp và gọi ông bằng chú, chú. Thế là ông dạo một vòng rồi ra xe hơi lái về nhà. Ngồi trên xe nghe ông nói chắc nó nghĩ mình người Tàu hay sao?

 

Thật tưởng tượng nếu vào một phòng khám hay bệnh viện gặp một bác sĩ đang khám chữa bênh cho mình mà mình gọi họ là y sĩ hay y tá thì chắc chắn họ sẽ không vui  và không có thiện cảm với mình rồi.

Tiếng danh xưng cứ tưởng bình thường nhưng trong quan hệ giao tiếp, nó lại rất quan trọng để gây tình cảm ngay từ ban đầu. Vì thế từ xưa ông bà ta đã có câu: “ Lời nói không mất tiền mua /  Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng là vậy./.

Trương Quang Cảm
Số lần đọc: 2131
Ngày đăng: 20.07.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngã ba đường làng - Ngô Thị Ý Nhi
Bí ẩn đời sống - Nguyễn Hồng Nhung
Đêm Phan Thiết… - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Paris, ngày trở lại - Trương Văn Dân
Chiếc áo thiên nga - Nguyễn An Bình
Tội ác của Huân Tước Arthur Savil - Ngọc Châu
Thiên thu - Bùi Thanh Xuân
Chén Ngọc Trương Chi - Nguyễn An Bình
Gửi lại mùa trăng - Nguyễn An Bình
Trung thành - Phạm Văn