Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.224.282
 
Buổi sáng X
Nguyễn Đạt

 

 

Trông ông chưa già ở tuổi gần bảy mươi; mái tóc dày, mái tóc điểm sương như người ta thường nói, lùa về phía sau, dài xõa hai bên, bồng bềnh, làm đậm vẻ đẹp của gương mặt hơi khắc khổ. Mỗi sáng ông rời khỏi nhà lúc bảy giờ, tất nhiên sớm hoặc muộn hơn bảy giờ, chẳng có gì buộc ông tuân theo giờ giấc nhất định; sáng nào cũng vậy, suốt tuần lễ, kể cả chủ nhật, chiếc gậy trong tay, từ nơi ông cư ngụ, căn nhà nhỏ khuất sâu con ngõ một khu phố yên tĩnh, đi bộ tới nhà bạn cách xa khoảng cây số.   

 

Bạn ông, ông X, cũng là ông già, xấp xỉ tuổi ông, trông khỏe mạnh, có vẻ ông X từng chơi thể thao, môn quần vợt chẳng hạn. Ông X là bạn thân của ông, bây giờ là người bạn duy nhất nếu không kể con trai ông, theo nghĩa tinh thần cũng là người bạn thân của ông. Hai ông già kết bạn từ thưở trẻ, cùng công việc trong sở làm. Có một thời gian sáu, bảy năm, ông X sang Pháp ở với một người con; ông X kể chuyện có lúc vì thích sống một mình, và vì thích vùng tây nam nước Pháp, ông X rời căn nhà của gia đình người con tại Paris, tới Bordeaux; tại đây ông X mặc sức uống rượu vang chính gốc, không ngại dùng thịt chuột làm bữa ăn khi hết tiền; nhưng ông X cứ thích ở đây, kết giao với một kiến trúc sư rất thú vị, “Monsieur Guérin có tài năng, khuynh hướng kiến trúc Le Corbusier…,” ông X nói. Ông quan sát ngôi nhà ngôi nhà của bạn: “Ngôi nhà của anh đẹp thật,” và ông nghĩ, không có gì bày vẽ làm đẹp, cái gì cũng nằm trong kiến trúc ích dụng mà vẫn đẹp, hẳn đây là khuynh hướng kiến trúc Le Corbusier. “Tôi chỉ mang mỗi bản vẽ của monsieur Guérin về nước…, ” ông X nói. Chiếc gậy không rời ông, tuy nhiên ông không phải dùng chiếc gậy để chống đỡ cho đôi chân; những bước đi của ông vững chắc, lưng thẳng, đầu hơi ngước lên, lúc nào cũng hơi ngước lên bầu trời. Ông thích chiếc gậy, luôn mang theo; đầu uốn cong của chiếc gậy ngoặc vào khuỷu tay, vì vậy chiếc gậy luôn được nâng cao trừ khi ông dừng bước ở một quầy hàng thuốc lá dọc đường đi, thả chiếc gậy xuống, mua vài điếu thuốc trước khi tới nhà bạn. Trước đây ông hút ống vố; nhưng thuốc hút ống vố thì đắt tiền, ông buộc mình tằn tiện, ông nói với con rằng ông đã bỏ hút thuốc để anh ta không phải bận tâm, “Ba không có nhu cầu tiêu xài gì nhiều, lương hưu đã đủ cho ba rồi,” ông nói; nhưng anh ta vẫn gửi cho ông đều đặn mỗi tháng số tiền không nhỏ.

 

  Hắn phải lo liệu nhiều quá, ông nghĩ, gương mặt người con hiện ra từng chập trên đoạn đường ông đi tới nhà bạn, “Gương mặt sáng đẹp, đáng tin cậy,” ông bạn nói lần gặp anh ta; và cũng lần gặp đầu tiên này, ông X đọc truyện ngắn anh ta viết, “Truyện lạ lắm, lần đầu tiên tôi được đọc lối viết truyện ngắn như vậy,” ông X nói với ông trong một buổi sáng sau đó, hai người ngồi trong khu vườn nhỏ trải sỏi trắng, uống rượu Chivas Regal, ông cầm lên một nắm sỏi thả xuống lại từng viên một. Hắn có quá ít thì giờ cho công việc hắn chọn lựa, một công việc khó khăn tủi cực, hắn không được gì ngoài vẻ đẹp như vẻ đẹp của những viên sỏi. Không ai được gì cả qua những gì hắn tạo được, nhưng biết đâu chừng vẻ đẹp của những viên sỏi ấy mang tới được cho hắn và những kẻ đồng căn với hắn một ý nghĩa, ông nghĩ; những viên sỏi trong tay đã rơi xuống hết, nằm lẫn lộn trở lại giữa những viên sỏi dưới chân. Gương mặt người con lại hiện ra trong cảm giác mơ hồ, thoáng vẻ buồn rầu; ông nhớ lại cùng lúc một bài viết dạng truyện cực ngắn của anh ta, Buổi Sáng X, đăng trong một tạp chí văn nghệ tại thành phố, ông đọc được vào tuần lễ trước. Ông biết người con đang buồn phiền về người bạn của anh ta. Ông đã gặp người này đôi lần ở nhà người con, hình như tên là Ph., làm công việc dịch-thuật gì đó. 

                                                                                                                                                                           *

Buổi sáng X, hay buổi sáng Y, hay buổi sáng Z…, nghĩa là một buổi sáng, chỉ là một buổi sáng,  không có gì đặc biệt. Một buổi sáng trong những buổi sáng của những ngày những tháng. Ấy tuy nhiên, trong buổi sáng X, thật kinh ngạc, bạn bộc lộ trắng trợn bản chất của một kẻ hợm hĩnh. Kẻ hợm hĩnh phục sẵn trong bạn từ lúc nào, có thể chưa một ai hay biết, đến buổi sáng X vụt trỗi dậy. Kẻ hợm hĩnh biến bạn thành gì vậy: cực kỳ vô tâm, cực kỳ tăm tối…

 

Kẻ hợm hĩnh đã thúc giục bạn thốt ra những lời lẽ này: “Dịch-thuật, mà ông bảo chỉ là dịch-thuật chứ không là gì khác, càng không phải văn học như tôi quan niệm, thì nói thật với ông, nó còn cao hơn văn học một bậc là đằng khác… Ông còn lý lẽ gì, có bàn cãi được gì nữa không, khi mọi người cứ tự nhiên mà chẳng thèm biết đến Kim Vân Kiều truyện, nguyên tác của Thanh- Tâm-tài-nhân gì đó. Mọi người chỉ nhớ, chỉ biết có Truyện Kiều của Nguyễn Du dịch-thuật mà thôi. Đấy, cái thứ tác phẩm văn học bằng nguyên tác của cái ông Thanh-Tâm-tài-nhân gì đó, có sánh được dù chỉ một góc thôi, bản dịch-thuật Truyện Kiều của Nguyễn Du?”

 

Bạn đã thốt những lời lẽ như vậy, với giọng điệu hung hăng như vậy. Kẻ hợm hĩnh trong bạn đã căng trương phình rộng, tới mức bạn đã không ngần ngại xuyên tạc trắng trợn sự thật. Hay bạn không cả biết tới sự thật hiển nhiên là, Nguyễn Du không hề dịch-thuật Kim Vân Kiều truyện bao giờ. Bất cứ ai biết tới Truyện Kiều của Nguyễn Du, là biết Nguyễn Du mượn câu chuyện trong tác phẩm văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh-Tâm-tài-nhân mà thôi. Và Truyện Kiều, bằng văn vần, hoàn toàn là tác phẩm thơ lục bát của Nguyễn Du. Cuối cùng của buổi sáng X, bạn hung hăng hơn nữa, để tới một nhận định vô lối tột đỉnh của kẻ hết sức hợm hĩnh: “Những cái thơ văn ông viết, ông tưởng những cái đó là gì? Những cái đó chỉ là rác! Là văn học rác rưởi!”  

  Có buồn phiền hay không, buổi sáng X này?  

                                                                                                                                                        *

Tiếp giáp đường phố, ông X làm quán cà-phê; mặt tiền và mặt sau của quán lắp kính màu nâu đỏ; mặt sau, tiếp giáp khu vườn, có một khoảng lắp kính trong, từ đó nhìn biết có khách ra vào quán, họ tới trả tiền ở đấy. Phía sau quán, nhà ở của gia đình ông X; mái lợp loại ngói của thiền viện Trung Quốc hay Nhật Bản, màu xanh xám; mái sau kéo thõng xuống giống đuôi trĩ. Nhà mở cửa ra khu vườn trải sỏi khắp, cả lối đi sát bên quán dẫn ra đường phố. 

                                                   

 Ông tới cổng sắt nhỏ hẹp trước lối đi trải sỏi, lại nghĩ về người con. Hắn nhẫn nại với mưu sinh… Ông chợt nghe tiếng ông X: “Hôm nay anh tới vừa lúc tôi pha ấm trà.” 

                                                      

 Hai người uống trà trong ánh nắng lúc bảy giờ, vậy là ông rời khỏi nhà vào khoảng sáu giờ rưỡi. Ông không xem đồng hồ, lúc thức giấc ông có cảm giác hưng phấn về một ngày đẹp trời. Buổi sáng nay trời đẹp thật, ông nghĩ, nhìn lên bầu trời, nhìn nắng trên lớp sỏi. Một lúc nào đó ông X hỏi: “Anh nghĩ sao nhỉ, có một nhà thơ bảo: Ta đổi hai mai lấy một chiều?” “Tôi không đồng ý với nhà thơ ấy đâu, nghĩa là tôi không đổi, mà tôi nhận cả buổi mai lẫn buổi chiều… Người ta nói tuổi trẻ là buổi mai, tuổi già là buổi chiều, nhưng tâm hồn có buộc phải già theo tuổi đâu? Nghĩa là tôi vẫn cứ hưng phấn, như lúc này đây.” “Tôi cũng vậy,” ông X cười và nói tiếp: “Tuổi già, cái chết tới gần, tôi cũng mặc… Tôi chẳng nghĩ tới cái chết.” Ông ngắt ngang: “Nghĩ làm gì về tất cả những gì đã quá chắc chắn? Nếu tôi nghĩ tới cái chết thì cũng chỉ giống như tôi nghĩ mình sẽ gặp một buổi đẹp trời, hay một buổi trời u ám mà thôi.” Ông X cười lớn tiếng: “Đúng. Chúng ta là những ông già, ngủ vẫn mơ thấy bầy sư tử ở Phi châu, như ông-già-và-biển-cả.”      

                                                 

Ông lại nhớ tới người con, hình ảnh đêm khuya anh ta ngồi trước bàn viết, trước tập giấy trắng. Nhưng hắn không có nhiều thì giờ cho công việc ấy, những người phải lo liệu cho đời sống thường nhật tới mức như hắn, tối chỉ muốn nằm trên ghế, vừa xem phim hoặc nghe nhạc, vừa ngủ gà ngủ gật, ông nghĩ. Lúc này ông X đứng dậy, đi vào quán, sau lớp cửa kính gần khu vườn. Người bạn mở nhạc, âm thanh lùa ra khu vườn; ông nói: “Khách vào uống sớm nhỉ,” ông nhìn thấy đôi trai gái ngồi ở một bàn sát tường, phía trên họ có bức tranh một ngôi đền hình như ở bên Nhật, chiếc cầu bắc qua dòng suối chảy lóng lánh màu sáng phản quang, một ngọn đèn có chụp trắng mờ gắn phía trên bức tranh ấy. “À, khách quen… Anh chị này sao lại tới buổi sáng nhỉ…,” ông X nói.

 

  Có tiếng nhạc vọng ra cũng hay, ông nghĩ, và hình ảnh người con lại xuất hiện. Ông thường nghĩ đến vài người bạn ông chọn nghiệp văn chương, người con trai duy nhất của ông cũng chọn nghiệp ấy, và ông xót xa. Lẽ ra họ không nên lấy vợ, rồi sinh con nữa, họ giống những người chồng ngoại tình. Có phải vì vậy hắn ra sức làm lụng kiếm tiền để công bằng hơn với gia đình? Hắn làm cả công việc nội trợ, vợ hắn đau ở cột sống, thoát vị đĩa đệm, hắn nói với ông một lần nào đó.

 

 Tiếng trống đập dội âm từ chiếc máy hát trong quán làm ông giật mình ngó vào, người con trai đang âu yếm, hôn từng chập liên tiếp trên gáy cô gái đang phơi lộ; tóc cô gái dạt xuống hai bên, lòa xòa đầy mặt bàn. Ông nhận ra người con trai không còn trẻ, một người đàn ông, rồi ông sững nhìn cô gái. Ông ngồi lặng như bị đau tim, cơn đau dấy lên, một khoảng thời gian nào đấy của buổi sáng trôi qua hay một khoảng thời gian nào đấy của buổi sáng đứng lại. Ông lên tiếng hỏi bạn: “Khách quen hả?” “Ờ, ờ… cô gái cũng đặc biệt đấy… Tuần trước thì phải, uống ly chanh Rhum đòi pha thật đậm, rồi hình như ngủ luôn tại bàn. Anh chàng kêu lên mãi rằng: Lan, Lan, anh đã bảo mà, ở đám tiệc em đã uống rượu mạnh rồi, tới đây còn uống chanh Rhum…,” ông X nói, nhìn vào quán vẻ như quan sát cô gái có say rượu ngủ luôn tại bàn nữa không.  

 

“Tôi phải về,” ông nói và vói tay lấy chiếc gậy. Người bạn không rời chỗ để tiễn ông như những buổi sáng trước, xem chừng ông X chờ người đàn ông ngồi cùng cô gái kêu một ly chanh Rhum. Ông đứng chống chiếc gậy, tiếng lạo xạo ngắn ngủi của những viên sỏi. “Còn sớm mà… Buổi sáng đẹp trời thế này,” ông X nói. Ông gật đầu hai, ba lần, có cảm giác chiếc gậy chịu thêm sức nặng. “Tôi phải về… không phải vì không thích ngồi lại với anh… ngược lại là đằng khác. Tôi có việc phải đi,” ông nói, nhìn bạn, cái nhìn khó hiểu và như chứa đựng một ý nghĩa sâu thẳm. Ông gọi taxi, ông nghĩ không cần tằn tiện nữa. Xuống xe ở một quán tạp hóa gần nhà vợ chồng người con, ông mua bì thư và một tờ giấy trắng. Ông viết: Con đừng tìm ba nhé. Ba đi xa, rất xa, rất lâu, mãi mãi. Ba muốn nhắn con: đừng quên mình quá mức cần thiết. Con hãy tin rằng, ở chốn nào, con vẫn là máu thịt của ba.  Anh ta đọc thư, bàng hoàng; nhưng anh ta không vội vã cuống cuồng như lần đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện, anh ta uể oải mệt nhọc đi tới nhà ông. Căn nhà khuất sâu con ngõ một khu phố yên tĩnh; cửa ra vào, cửa sổ đóng kín. Cửa ra vào gài phía trong, anh ta không lên tiếng gọi, tìm cách mở cửa. Anh ta đứng trước thân thể ông, lơ lửng trong không gian căn nhà thiếu ánh sáng như bầu trời một ngày u ám.   

                                                                                                                             <+>               

 

 

       

Nguyễn Đạt
Số lần đọc: 1830
Ngày đăng: 20.07.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngã ba đường làng - Ngô Thị Ý Nhi
Bí ẩn đời sống - Nguyễn Hồng Nhung
Đêm Phan Thiết… - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Paris, ngày trở lại - Trương Văn Dân
Chiếc áo thiên nga - Nguyễn An Bình
Tội ác của Huân Tước Arthur Savil - Ngọc Châu
Thiên thu - Bùi Thanh Xuân
Chén Ngọc Trương Chi - Nguyễn An Bình
Gửi lại mùa trăng - Nguyễn An Bình
Trung thành - Phạm Văn