Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.652
 
Ngọc Châu giới thiệu tập truyện ngắn “Cái bong bóng lợn” của nhà văn Phan Văn Tạo
Ngọc Châu

 

 

Nhà văn Phan Văn Tạo sinh năm 1920 tại Tranh Xuyên, Hải Dương. Vào Nam năm 1954, sang Pháp năm 1975 và mất năm 1987 tại Paris (Pháp).

Ông viết nhiều hồi kí, thời sự và truỵện ngắn cho tạp chí BÁCH KHOA, là một tạp chí uy tín thời bấy giờ với nhiều bút hiệu, trong đó có tên thật là Vũ Bào.


Tập truyện CÁI BONG BÓNG LỢN có thể được xem là ghi chép của một thời kì lịch sử, qua đó người đọc biết thêm những phong tục xưa cũ mà hiện nay đã bị mai một đi nhiều, cũng như thêm yêu những nét dân gian rất đỗi bình dị, thân thiết và hiền hòa.

Tập truyện ngắn "CÁI BONG BÓNG LỢN" của nhà văn Phan Văn Tạo được xuất bản lần đầu vào năm 1961 bởi nhà Xuất bản NAM CHI TÙNG THƯ, tuyển những truyện đặc sắc đã đăng trên tạp chi Bách Khoa hồi đó.

Sau hơn 50 năm, các con của nhà văn đã gửi đến nhà xuất bản Trẻ (TP Hồ Chí Minh) và được XB vào quí hai 2013.

Với lòng trân trọng các tác gia ngày xưa, cũng là muốn thực hiện nguyện vọng của anh Phan Văn Trường (con trai của nhà văn) Ngọc Châu gửi đến nhờ quí Web  giới thiệu hai truyện của tập này

  Ngọc Châu

 

CÁI CẦU AO

 

 Phan Văn Tạo

Trong những hình ảnh quê hương thường lởn vởn trong trí óc tôi thì đầu tiên phải kể cái cầu ao. Thực ra nó cũng chẳng có gì là đặc biệt song đối với ai đã từng ở nơi đồng ruộng, cái cầu ao quả đã gắn liền vào đời sống hàng ngày, và chỉ nhìn nó người ta có thể biết ngay nề nếp sinh hoạt của cả một gia đình.

 

Khi tôi còn nhỏ, cầu ao của nhà tôi chỉ là ba thân cây cau già ghép lại, một đầu dựa vào bờ ao, một đầu ghếch lên một cái nạng tre cắm sâu xuống bùn ao. Tuy đơn sơ như vậy mà nó được hết ông tôi đến thầy tôi chăm chút, sửa chữa cho mỗi ngày một dễ coi hơn, một tiện lợi hơn. Ông tôi cứ mỗi khi có một cái cối đá giữa gạo nào dùng lâu bị thủng trôn, nhà thay cối mới, thì lại hì hà hì hục khênh cái cối thủng ra bên bờ ao, lật sấp cối làm cái bực cầu ao cho dễ bước lên, bước xuống. Thường thường phải một hai chục năm cái cối giã gạo mới bị thủng trôn, nên phải đợi gần hai chục năm mới có một cái cối thải ra làm bực cầu ao. Ông tôi thọ được gần bẩy chục tuổi mà suốt đời chỉ có được ba lần sung sướng khênh cái cối thủng ra vật sấp bên bờ ao.

 

Nhưng với ba cây cau nhiều khi chật chội quá nên ở đầu cầu dọc thấy tôi đã bắc một cái cầu ngang ngắn hơn và thấp hơn, dầm hẳn dưới nước. Như vậy khi ở cầu chính có người rửa rau, vo gạo thì ở cầu phụ người khác vẫn có thể giặt giũ tắm táp như thường. Có cầu ngang lại thêm một cái lợi là mùa nước cạn vẫn với tay được tới mặt ao một cách dễ dàng.

 

Cách đó ít lâu thầy tôi mua được một bạnh gỗ vừa rộng vừa dầy. Thầy tôi bỏ hẳn ra một ngày làm lại cầu ao, mặt gỗ nhẵn nhụi để lên trên, mặt gồ ghề quay xuống dưới. Lúc đặt xong cầu mới, thầy tôi lấm láp bò từ dưới ao lên, hút một hơi thuốc lào thật dài rồi mồm thở khói, tay cầm cái xe điếu trỏ xuống ao:

-        Tao cho cái cầu này thì thiên niên bất dịch.

Và cả gia đình tôi đã sử dụng cầu ao như là nó sẽ không bao giờ hỏng được. Từ sáng đến tối, mùa nọ qua mùa kia lúc nào cũng thấy bì bõm, thì thùm, khua khoắng, róc rách, việc gì cần đến nước là đều mang ra cầu ao. Người có mặt nhiều nhất ở cầu ao có lẽ là chị tôi. Vừa mới sớm tinh sương chị tôi đã lò dò ra phía bờ ao với những bước đi chập chờn của người còn ngái ngủ. Những ngày trời rét chị tôi co ro ngồi trên cầu ao thọc thật nhanh một ngón tay xuống mặt ao và tay vừa chấm nước chị tôi đã vội rụt ngay lại, rùng mình vì hơi lạnh từ lòng nước thấm lên. Rồi chị tôi lấy hết can đảm lùa mạnh hai tay xuống mặt ao, vốc lên một ít nước, vã vào mặt mình cho tỉnh ngủ. Sau đó, chị tôi ngồi ngắm bóng mình giữa bóng trăng sao rung rinh. Ước gì tôi mà hiểu được những lúc đó chị tôi đang nghĩ ngợi gì.

 

Ba bữa trong một ngày, làm món ăn, rửa đũa bát, năm thằng em nhỏ phải tắm gội, vài chậu quần áo phải vò giặt, đếm làm sao hết những lượt chị tôi ra cầu ao. Ấy là chưa kể những buổi sáng nhà thay hết loạt chiếu, chị tôi nắm từng chiếc, từng chiếc, uốn mình đập chiếu, rộn ràng như người đập pháo trên mặt ao. Chiếu sũng nước, nặng chình chịch, thế mà chị tôi vung lên, quăng xuống nhịp nhàng đến tưởng chừng như chiếu kia là một phần của thân hình cô gái óng ả nọ.

 

Mẹ tôi có cho chị tôi một đôi lợn nái làm vốn nên chiều chiều tôi còn được xem người chị đảm đang, kiễng chân trên cầu ao, vươn ra đằng trước mặt một cái sào dài đầu có buộc một cái rế tre để vớt bèo nấu cám. Bèo lôi vào đến đâu thì cái bè rau muống lại quấn quít tới đó như số kiếm rau đã buộc vào bèo.

 

Nhưng không phải chỉ có mình tôi ngắm chị tôi. Bên kia ao nhà tôi là vườn ông Nhiêu Kính. Ông này không có ao, nên nói với thầy mẹ tôi cho bắc nhờ cái cầu tre để có chỗ lấy nước dùng. Cái cầu ao nhà tôi đĩnh đạc đàng hoàng chừng nào thì cái cầu tre nhà ông Nhiêu Kính bẽn lẽn tóp mọp chừng nấy. Được cái cậu con trai ông ta thì lại nhanh nhẹn hoạt bát và trong khi chị tôi đang cắm cúi làm việc bên này ao, ở bên kia thường vọng sang những câu bâng quơ chẳng biết hỏi ai:

-        Nước ao hôm nay mát quá! Tối nay đi tát nước không? Sào nấu gì mà thơm thế?

Có lúc cũng giọng nói ấy lại loan sang bên này những tin tức mới nhất trong ngày:

-        Ông Bá Hạ bên Lang Viên chết rồi. Hôm nay hai đồng một công gặt.

Thường thường chị tôi không đáp lại cứ lặng lẽ làm cho xong việc. Nhưng có lần tôi bắt gặp chị tôi với tay lên nhành khế lòa sòa trên mặt ao, ngắt một quả ném sang bên kia bờ. Chị tôi ném yếu quá, quả khế trôi lơ lửng cách cầu tre hơn một sải tay và cậu con trai nhà ông Nhiêu Kính, chẳng kịp xắn ống quần lên cho khỏi ướt, lội bừa xuống ao, túm vội lấy quả khế đưa lên miệng nhai ngấu nghiến.

 

Khung cảnh cầu ao mộc mạc thuần khiết như vậy nên có những việc đem ra chỗ khác sẽ rất chướng mắt mà đặt ở cầu ao chẳng làm ai ngạc nhiên. Mùa nực, về buổi chiều, khi nước ao đã hả bớt hơi nóng ban ngày hay mùa đông, vào giữa trưa, khi ao đã hút được chút nắng ấm áp, đàn ông đàn bà ra tắm ở cầu ao chẳng có vẻ gì là ngượng ngùng. Anh đàn ông thường là vô ý nhất, từ lúc kỳ cọ thiếu cả một tối thiểu y phục, đến lúc lên bờ lấy tay vuốt sạch nước trên mình, giậm mạnh đôi chân cho ráo nước khi xỏ vào quần vắt trên bụi dứa. Đàn bà có những cử chỉ được tính toán kỹ càng hơn và không có gì ăn nhịp với nhau bằng lúc cái xiêm ướt được trút bỏ đến đâu thì cái xiêm khô được buông trùm tới đó.

 

Riêng tôi đã tắm ao là phải mất hàng giờ. Tôi lặn, tôi ngụp, tôi bơi ếch, tôi bơi sải, tôi lấy chân khẽ dận trên bùi rồi thấy chân vướng vật gì, tôi cúi xuống vớt lên những con ốc, con trai, tôi mò những thìa, đũa, chén, đĩa mà người nhà đã đánh rơi khi rửa bát.

Ở dưới ao lên, tôi còn bẩn hơn lúc chưa xuống tắm. Những cáu bùn bám đầy người tôi và làm cho lông chân lông tay tôi như dài ra, đen hơn và sồm soàm một cách ghê sợ.

 

Dần dần tôi thuộc hết quang cảnh cầu ao và chỉ nhìn những thay đổi ở nơi đó tôi có thể nói ngay được đang là mùa nào, tháng mấy trong năm.

Tháng giêng, ăn tết xong rồi, mẹ tôi thường cho vượt bùn từ ao đổ lên vườn chè. Bùn đổ vào gốc chè, tròn trĩnh và ngon lành như một chiếc bánh ngọt,  và đổ xong bùn, vườn trông như một cửa hàng bầy bánh la liệt trên quầy. Mười ngày sau đó chè được tiết xuân lại thêm bùn dưới gốc, đâm lộc non mơn mởn.

 

Tháng hai là tháng thả cá. Người bán cá giống gánh cá trong hai cái thúng sơn đen, vừa đặt thúng xuống là mấy anh chị em tôi đã xúm chặt chung quanh để xem ông ta vớt cá, và để bắt những lúc ông ta đếm ăn gian. Cá đang bơi tung tăng trong thúng thì người bán cá nhẹ nhàng lùa một cái vợt tre, vớt cá lên cho sang một cái chậu thau đầy nước. Mỗi một lần chao vợt là ông ta đếm, nhưng đáng lẽ đếm một cách liên tiếp thì ông ta lại đếm đứt quãng:

-        14,… 15,… con cá, này thế mà tốt, 21, 22,… con này loại choai… 32, 33…

Thành ra mua trăm cá không chắc được tám chục con. Lúc nghiêng cái thau nước cho cá lội xuống ao tôi tưởng chừng đã nhìn thấy cá lớn lên như thổi.

Tháng ba, tháng chín tương đối rảnh việc nhất trong năm, nên ở nhà thường đan lát rổ rá, cạp lại cái thúng này vá lại cái nong kia. Trước khi đan, thầy tôi đem ngâm dưới chân cầu ao những khúc tre già cho khỏi mọt. Đó là một dịp cho tôi vác những khúc tre ra làm phao bơi lội, hay làm tầu chiến đánh nhau với trẻ con hàng xóm.

 

Tháng năm, tháng mười là mùa gặt, cái cầu ao tấp nập khác thường. Chị tôi quần quật lên lên, xuống xuống để lo cho kịp ba bữa cơm thợ gặt và ba bữa cơm người nhà. Những ngày đó tôi không bao giờ chịu ăn cơm với thầy mẹ tôi và tôi chỉ đòi ăn với những người thợ gặt, không phải là họ có món gì ngon hơn, nhưng bởi vì ăn với họ tôi cảm thấy tôi lớn mạnh hơn, hùng dũng hơn.

 

Gặt xong là bắt đầu ngâm thóc giống cho vụ sau, tháng sáu ngâm giống vụ mùa và tháng một ngâm giống vụ chiêm. Cầu ao được nối dài ra bằng một cây tre có treo lủng lẳng năm sáu dành thóc dầm nước tới miệng dành. Ban ngày thì ngâm nước, ban đêm lại đem lên ủ, cứ như vậy được ba hôm, thóc nẩy mộng. Tôi không ưa công việc này lắm vì suốt mấy ngày ngâm thóc, mẹ tôi cứ bắt tôi ngồi trên cầu ao canh chừng không cho đàn vịt kéo nhau vào rúc hết thóc.

 

Tháng bẩy mưa ngâu nước lên cao có khi ngập hết cả cầu ao. Chung quanh bờ ao có chỗ nào thấp là chúng tôi lấy lá dứa, cành rào chắn ngang cho cá ao mình khỏi đi mất.

Tháng tám nước trong vắt, cá đi hàng đàn trông rõ mồn một. Thấy tôi ngồi trên vườn nhìn dáng cá lội, xem cách nó phun tăm hay lên ngáp trên mặt nước mà biết con nào là cá chép, con nào là cá mè.

Và lần nào cũng vậy, gọi tên từng con xong, thầy tôi nói một cách hãnh diện:

-        Những con cá này đã thấm vào đâu. Chúng mày rình mà coi con trắm của tao. Mình nó bằng cây chuối hột, đuôi nó như cây quạt.

Nhưng bọn tôi không bao giờ nhìn thấy con trắm cả mặc dầu có nhiều đêm, nhà chưa đi ngủ, có tiếng quẫy mạnh ở ngoài ao, thầy tôi lại kêu to lên:

-        Đấy, nó đấy.

Tháng chạp là tháng cầu ao rộn rịp nhất trong năm, có phần còn hơn cả ngày mùa. Đầu tháng nhà đã rửa hành, nén dưa. Vào ngày 21 hay 22 thầy mẹ tôi kêu phường lưới tới đánh cá. Như vậy hôm 23 có cá chép cúng ông Táo. Hai bên mà cả với nhau, cá tạp sẽ chia đều, cá lớn thì “một chục ăn đôi” nghĩa là chia nhà chủ mười con thì phường lưới lấy hai con. Chính vì không hiểu tường tận nghĩa câu “một chục ăn đôi” này nên đã có lần tôi bị hớ đến bây giờ chưa quên. Năm đó thầy mẹ tôi bận việc gì không rõ đã giao cho tôi đứng trông cho phường lưới chia cá. Mấy người đánh lưới chắc trông thấy bộ mặt tôi ngớ ngẩn lắm nên đã bảo tôi:

-        Một chục ăn đôi nghĩa là được mười con thì cậu lấy tám, bọn tôi lấy hai.

Tôi đã nhận đề nghị đó với dáng điệu tự mãn của một kẻ thành thạo.

Cá đánh được bao nhiêu, thầy mẹ tôi để lại một số nhà dùng còn cho đem ra chợ bán lấy tiền tiêu tết. Những con cá giữ lại được sống trong một cái sảo tre to còn gọi là “sảo thuyền” buộc chặt vào chân cầu ao, trên có đậy một cái nong. Chỉ nhìn lũ cá dẫy dọng trong sảo mà đã ngửi thấy mùi riềng của món gỏi hay mùi thì là của món cháo cá ám.

 

Hai mươi bẩy Tết đã thấy ngâm lạt, rửa lá chuối để gói giò, ngâm lá dong gói bánh chưng, hai mươi tám giặt chiếu, giặt màn thờ. Hai mươi chín, ba mươi phải tranh giành  nhau mới có một chỗ trên cầu ao. Nào vo gạo, sát đỗ, nào mổ lợn, giết gà, người đánh mâm, rửa nồi, kẻ tắm gội tất niên, đi lên đi xuống cầu ao phải đợi một lúc mới đến lượt mình.

 

Ba ngày Tết, cầu ao cũng không được nghỉ. Công việc trong nhà tuy có giảm bớt đi, nhưng ai sắp sửa mặc  những bộ quần áo mới cũng ra cầu ao rửa chân tay thật kỹ, ai đóng bộ xong rồi cũng ra cầu ao ngắm nghía, soi vuốt, ai đi đâu về cũng trở lại cầu ao. Những cô con gái trong họ đều mừng tuổi thầy mẹ tôi cũng nghĩ cách làm đỡ chị tôi vài việc nhỏ, rửa hộ mấy lá trầu, lấy giùm một thau nước, để có dịp ra cầu ao tự hào với bóng mình. Chỉ ở nhà quê mới có thể tự tìm thấy một nơi mà công việc nội trợ đi liền với sự đỏm đáng như ở cầu ao.

 

Năm này qua năm khác, nhịp sống bên cầu ao đều  đặn như vậy nhưng nhìn kỹ cũng thấy nhiều đổi thay. Những năm mất mùa, cầu ao ủ dột chán chường. Những năm thầy mẹ tôi làm ăn may mắn, cầu ao tung tăng rộn lên nhiều niềm thịnh hội. Cầu ao với đống rơm là những dấu hiệu chắc chắn về sự hưng suy của một gia đình thôn quê, chẳng khác gì những đồ biểu hoạt động của những nhà doanh nghiệp.

Lớn lên, tôi có công ăn việc làm ở một tỉnh xa. Mẹ tôi một hôm lên chơi và xong bữa cơm chiều, mẹ tôi thủng thẳng nói:

 

-        Kiếm được đồng nào con phải lo dành dụm. Rồi cũng phải trông nom sửa sang ở nhà quê. Ra giêng này, mẹ muốn xây cái cổng và cái cầu ao.

Tôi không hiểu hết những băn khoăn của mẹ tôi nên đã trả lời:

-        Còn bao nhiêu việc phải làm, sao mẹ lại lo xây cổng với cầu ao trước?

-        Cái cổng như bộ mặt mình, phải cho nó phong quang còn nhà mình là nhà làm ăn không thể nào không xây cầu ao được. Con xem đấy,  nhà chú Lý Tam đâu có sung túc gì lắm, thế mà chú ấy cũng xây được cái cầu ao bề thế đáo để.

Còn ai mà có thể trái được ý mẹ tôi nữa?

 

Nhưng tới nay cái mộng xây cầu ao của mẹ tôi vẫn chưa thành. Chúng tôi thuộc những người, mười mấy năm chiến sự vẫn bám chặt lấy quê nhà, nhưng vừa đình chiến đã phải bỏ làng ra đi. Ai chẳng sợ chiến tranh, nhưng chúng tôi đã phải trốn cả hòa bình, để đống rơm, để cầu ao ở lại.

 

Hành lý sửa soạn xong rồi, tất cả mọi người trong nhà, không ai bảo ai, lần lượt ra cầu ao rửa chân. Tại sao lại rửa chân lúc sắp lên đường nhỉ? Thầy tôi cầm mấy nắm cơm vứt xuống ao cho con trắm, đứng tần ngần hồi lâu rồi trở vào bảo mọi người ra đi.

Đến nay đã bẩy năm rồi, chúng tôi ăn Tết xa cầu ao, mà ở ngoài kia cầu ao nhà tôi không biết có Tết mà ăn không?

 

ĐÁM MA ANH VĂN

 Phan Văn Tạo

Nhà Văn ở trên con đường đi tới Bắc Việt Nghĩa Trang nên một trong những thú tiêu khiển của Văn là đứng xem những đám ma đi ngang qua nhà mình. Thường thường ngày nào cũng có  một đám, ngày đông đến ba, bốn đám.

Có đám linh đình nhộn nhịp như một thịnh hội, có đám xơ xác rạc rời như một dúm tàn quân, đám nào cũng cho người xem nhiều dấu hiệu về gia thế, nghề nghiệp cùng về những nỗi thành bại, thăng trầm của người đã chết.

Sáng chủ nhật đó, nghe từ xa tiếng kèn nức nở, Văn châm một điếu thuốc lá rồi ra đứng cửa theo thường lệ. Anh còn đang ngắm nghía bức ảnh đặt trên linh xa, bỗng thấy người khó chịu, sa sẩm mày mặt, anh vứt điếu thuốc đi, quay vào trong nhà, nằm lên chiếc ghế dài. Một lát sau chị Văn đang làm cơm trong bếp nghe thấy chồng ngáy khò khò ở buồng ngoài. Chị lẩm bẩm:

- Chả được cái việc gì! Chỉ được cái dễ ngủ là không ai bằng!

 

Gần trưa, thằng long ra đánh thức bố nó dậy ăn cơm, không thấy bố nó trả lời. Chị Văn lại gần, định bụng sẽ đập mạnh lên vai cho chồng giật mình tỉnh giấc, nhưng chị đã sững sờ trước sắc mặt khác thường của chồng. Mắt anh nhắm nghiền, môi cắn chặt – Chị cầm tay anh giơ cao lên, lúc bỏ ra, tay vật thõng xuống.

Chị hốt hoảng kêu thằng Tùng đạp xe đi mời bác sĩ. Chị giật tóc mai chồng, xoa đầu, gọi ầm ĩ. Con Bích lè nhè ngồi khóc một xó, chả lẽ  nó không làm gì khi cả nhà tíu tít.

 

Bác sĩ khám, cho biết anh Văn đã bị một cơn đau tim nặng và không phương gì cứu chữa được nữa. Có ai tin được không? Chín giờ còn đứng xem đám ma, mười hai giờ đã chết. Ở đời có những sự vô lý mà chỉ có ai phải chịu đựng mới tin được là có thực.

Riêng đối với Văn, cái chết là một sự khám phá kỳ thú. Từ trước đến nay anh đã nghĩ rằng chết là một cái gì tăm tối âm u như một đêm dài vô tận, người chết không còn biết đến cảnh vật xung quanh. Nhưng đến khi chết thật, anh mới rõ cái chết khác hẳn những điều anh tưởng tượng. Anh thấy như mình có thêm một giác quan mới, cùng một lúc nhìn được khắp chốn khắp nơi, đọc được cả ý nghĩ người bên cạnh. Và anh quyết lợi dụng  cái khả năng mới này mà nhìn lại cuộc đời cho bõ với những lúc phải trông bằng nhỡn quan hạn chế của đôi mắt mở sáng.

Bác sĩ xếp ống nghe vào túi da rồi rửa tay với xà bông. Văn hơi khó chịu:

- Người ta chết vì tim chứ có vì vi trùng đâu mà ông phải rửa tay kỹ thế.

Chị Văn vừa mếu máo vừa đưa bác sĩ tiền khám bệnh. Anh thấy rõ ông ta đang nghĩ:

- Mình không lấy tiền mới phải. Mình tới coi, hắn đã chết rồi, có phải chữa chạy gì đâu?

Văn đang sung sướng thì bác sĩ cầm tiền rồi đi ra về.

Chị Văn bao nhiêu năm nay sống với chồng, không có lúc nào tưởng tượng rằng chồng có thể chết mau đến thế nên chị lúng túng quá. Chị sai thằng Tùng đi báo tin trong họ và tìm bác Đào. Đào là một anh bạn thân, tính nết sốt sắng, lại khéo cắt đặt nên các bạn hễ có việc gì khó khăn đều tới nhờ Đào.

Anh ta đang nằm vừa đọc báo vừa nghe phát thanh cổ nhạc thì thằng Tùng lấp ló ở cửa.

- Cái gì đấy cháu? Bố mày lại muốn rủ bác sang đánh chén phải không?

Tùng nghẹn ngào:

- Bố cháu chết rồi.

- Hứ!

Lúc Đào chạy sang tới nơi, Văn không thể nhịn được cười. Chưa vào đến cửa, Đào đã cất tiếng hỏi, cố lấy giọng bình tĩnh, thế mà hai đầu gối run lẩy bẩy và trống ngực đánh thình thình. Đào đứng xa nhìn vào. Văn tưởng bây giờ hét lên được một tiếng, chắc chắn Đào té xỉu.

Con mèo con vẫn được Đào vuốt ve mỗi khi anh sang chơi, mon men đến cạnh, cọ bộ râu mép vào cánh tay anh làm Đào túm chặt lấy cổ nó kêu lên:

- Nhốt ngay nó lại, hay là gửi nó đi đâu, chứ không lôi thôi bây giờ.

Đào xếp đặt mấy việc lặt vặt xong, chạy đi kiếm cỗ áo và mướn xe đòn. Qua nhà Sơn, anh tạt vào báo tin Văn chết. Sơn chạy báo Thiệu, và Cầu đang đi ở đường Lê Lợi bỗng nhìn thấy Nhân gọi giật lại:

- Này Cầu, Văn chết rồi.

- Văn nào?

- Văn “Ba Kim” chứ còn Văn nào.

Cứ từ người nọ truyền sang người kia như vậy đến buổi chiều hôm đó thì gần hết các bạn thân đã biết tin.

Đêm hôm chủ nhật, Văn nằm sõng sượt giữa nhà. Lúc còn sống, suốt ngày bị con quấy phá, vợ hỏi dồn, anh thường nói:

- Tao chịu không nổi rồi. Ước gì tao được nằm một mình một chỗ cho sướng cái thân tao.

Bây giờ anh mới thấy mình lầm. Dưới ngọn đèn xanh xao, không có bên mình hơi thở quen thuộc của những người thân yêu, anh thấy thê lương một cách khó tả. Cái lạnh lẽo của cái chết cũng chưa ghê rợn bằng cái lạnh lẽo của tình thương tắt dụi.

Ba đứa con anh, vì thiếu chỗ, - anh đã chiếm hết cả phòng ngoài rồi còn đâu – nằm chúi đầu vào với nhau trên cánh phản nhỏ ở góc phòng trong, trông chẳng khác gì ba con chó con. Nhà bận quá, cũng chẳng ai nghĩ đến mắc màn cho chúng và mấy con muỗi đói đang hút đầy máu trên đùi của thằng Long. Thằng Tùng ngủ say mệt, nó chạy suốt ngày hôm nay còn gì, gác cả đôi chân nặng chĩu lên mặt em Bích.

Anh chợt nghĩ đến những em nhỏ lải nhải mới anh mua vé số, dai dẳng đến khó chịu, hay lúi húi ở dưới gậm bàn trong các tiệm ăn, ôm cẳng từng người, đặt lấy được lên trên quai cái hộp gỗ mà đánh đôi giầy. Xin Trời phù hộ cho các con anh khỏi phải ném quá sớm tuổi thơ của chúng vào cuộc đời. Bây giờ mà anh sống lại, chúng nó dù có quấy phá, hờn, vòi thế nào cũng mặc, anh nhất định sẽ không đánh mắng chúng nó nữa.

Chị Văn đang cặm cụi may áo sô cho chị và các con. Nỗi buồn đã đến đột ngột quá làm chị không còn đủ sức mà khóc nhưng khuôn mặt chị có những nét cứng rắn khác thường. Văn không biết rồi vợ sẽ loay hoay ra sao trong những ngày sắp tới. Trước đây đã có lúc anh nói với vợ:

- Khi nào anh sắp chết, thế nào anh cũng kể hết cho em nghe anh đã chơi bời giấu giếm em như thế nào.

Đến nay lời đó anh cũng không giữ nổi và anh chết đã đem theo đi cả những câu dối trá nói với vợ những bữa về khuya, hay những chuyện nhiều thêu dệt để tự bào chữa sau những đêm trác táng.

Anh chợt liên tưởng đến mấy người bạn đã cùng anh chia sẻ những phút đó và anh nẩy ra ý tò mò muốn biết xem giờ này họ đang làm gì và cái chết của anh có thay đổi gì đến nếp sống của họ không. Anh thả hồn rảo đi một vòng. Tất cả các bạn đều đã ngủ kỹ, anh ngáy, anh nói mê, không ai bỏ những thói quen thường nhật. Chỉ còn hai anh thao thức. Thiện và Nhân. Thiện thì đang loai hoay làm bài thơ để phúng anh. Thiện mới nghĩ được câu đầu:

“Hôm qua sống mà hôm nay đã chết”

Cái vần chết này thật là tử vận. Thiệu tìm mãi không ra câu dưới. Nhân không làm thơ nhưng lại nghĩ đến món nợ hai chục ngàn mà Văn đã mượn để sang căn nhà đang ở. Bây giờ Văn chết đi, chị ta một nách ba con, kiếm đủ ăn cũng còn chật vật, nói gì đến chuyện trả nợ.

Sáng thứ hai, ông chủ hãng của Văn lúc tới sở vẫn chưa biết tin. Không thấy Văn ở bàn giấy, ông càu nhàu:

- Lại còn tạt đi làm tô phở gà với ly cà phê. Không mấy buổi là không đi chậm.

Trong khi đó, các bạn Văn tíu tít kêu điện thoại, bắt liên lạc họp thành từng nhóm, chia nhau đóng góp mua đồ phúng. Ai nấy đùn cho người khác công việc đi sắp lễ và mang lại nhà đám, chỉ xin về phần mình được đứng tên trong một danh sách chung.

Người ta đã đặt Văn trong một cái hòm kín mít. Anh tưởng anh sẽ ngột ngạt khó chịu lắm nhưng không, nằm dài trên một lượt dầy giấy bản và bấc thông êm ái, anh thấy rất thoải mái và anh vẫn trông rõ hết những cảnh bên ngoài.

Nếu không chết đi như thế này không bao giờ anh lại biết anh đã có một đời sống gương mẫu và được nhiều người thương tiếc đến như vậy.

- Người hiền lành, chu đáo quá, thế mà trời bắt tội.

-  Ăn ở với anh em, chẳng ai mất lòng cả.

-  Tính nết thật dễ dãi, việc gì cũng chín bỏ làm mười.

Tất cả những lời khen đó làm anh nửa sung sướng, nửa nghi hoặc. Đúng là anh đã quá nghiêm khắc với anh rồi, nên phải chờ người khác nói anh mới biết là mình có bao nhiêu điều hay nết tốt.

Có ông đến phúng anh mà chỉ giương mục kỉnh đi quanh nhà đọc các bức trướng đối, có bà ngắm đi ngắm lại đứa cháu gái của anh mà bà vẫn muốn hỏi cho con giai nhưng bà chưa có dịp nào xem mặt kỹ càng.

Tiếng kèn nghe mới khó chịu làm sao. Mỗi một người vào là nó lại tỉ tê, nức nở, chẳng ra  tiếng khóc mà cũng chẳng phải điệu nhạc. Nó cứ ỉ eo dai như thế từ sáng đến tối khuya làm Văn nghe kèn mà có cảm giác như bị ai cầm một cái lá dứa nhiều gai rồi nhay đi, kéo lại trên da thịt.

Kèn nổi lên, vợ con anh lại xụp xuống đáp lễ khách. Mấy đứa trẻ lúc đầu còn lễ một cách chăm chỉ, sau mỏi dần, chân xiêu vẹo, khăn một nơi, gậy một nẻo.

Sáng hôm thứ ba người ta đưa Văn ra nghĩa trang. Anh chưa bao giờ được đi đứng một cách rềnh ràng như vậy. Đời anh đã nhiều lần bực mình về chuyện kẹt xe, nay được làm cho sự lưu thông ứ đọng lại, anh tìm thấy một cách thích thú riêng.

Trên một chiếc xe hơi nọ, một đôi trai gái đang cãi nhau. Họ đang muốn đi thật nhanh ra khỏi thành phố để tránh những con mắt tò mò, thì bị nghẽn lại ở khúc này. Người con gái, cúi gầm mặt xuống:

- Đã bảo đi đường khác mà không nghe.

- Ai có ngờ đâu lại gặp cái đám ma chết tiệt này.

Một vài người cất mũ chào anh mà dáng như lo ngại thiên hạ không trông thấy cử chỉ lịch sự của mình.

Anh ngoái lại đằng sau nhìn đám người đi theo xe tang. Chị Văn lê lết trên đường, lưng gập xuống như phải vác một cái gì quá nặng. Thằng Tùng đi bên mẹ. Nó đã khá lớn nhưng mới chỉ hiểu một cách mơ hồ là gia đình nó đang trải qua một biến cố. Thằng Long, con Bích vẫn nhởn nhơ như không, coi việc bố chết chẳng khác gì bố đi chơi xa.

Các bạn anh quần áo trịnh trọng, nét mặt trầm ngâm, tưởng như sắp làm việc gì quan trọng lắm.

Đào đi lên, đi xuống, chỉ huy mọi việc. Thiệu vẫn ậm ạch với bài thơ chưa làm xong. Nhân ngơ ngác về món nợ Văn chưa thanh toán. Cầu bấm ngón tay cái lên mấy ngón kia rồi quay sang nói với người bên cạnh:

- Tôi xem tử vi hắn thì chưa việc gì mới phải. Có Kình, Đà, Không, Kiếp thật nhưng ngộ Triệt.

Sơn ghé vào tai Tường dáng điệu rất bí mật:

-  Cậu xem nghị định thăng thưởng đã ký chưa? Có thấy tên tớ không?

Mỗi nhóm nói một chuyện nhưng tất cả đều sốt ruột mãi chưa thấy đến  trạm nghỉ - Trời đã nắng gắt và mồ hôi bắt đầu dỏ giọt làm người ta ngưa ngứa trên lưng.

Hải bước uể oải, chậm dần, chậm dần, đang hàng trên tụt xuống dưới, rồi vừa lúc đến chỗ rẽ nhẩy ngoắt lên hè, quay lưng trở lại, nét mặt thản nhiên như mình không có dính dáng gì đến đám người đang đi.

Đám ma tới nghĩa trang, người ta đặt Văn cạnh huyệt đã đào sẵn. Miệng huyệt đen ngòm và sâu thẳm như sắp nuốt lấy Văn. Ngay bên đống đất đầy ù đang chờ đợi xóa trùm mọi vết tích của một cuộc sống.

Thân nhân của Văn tự nhiên khóc rống lên chẳng khác gì những con thú bị thương. Con đường của mọi người đi tiễn Văn đã dừng sững lại trước cửa huyệt này.

Đã mấy hôm nay, Văn vẫn đùa nghịch với cái chết của mình, nhìn lại người sống, nhìn lại cuộc đời với con mắt diễu cợt. Nhưng trước miệng huyệt anh mới chợt thấy cái chết nghiêm khốc phũ phàng hơn anh tưởng.

Chim chóc ríu rít ngoài trời, một cái máy bay vừa cất cánh ở phi trường gần đấy, những tiếng ồn ào của thành phố nhịp nhộn, tất cả những âm thanh đó dội vào tai Văn làm anh thấy mình thèm thuồng cuộc đời như một người uống chưa đã khát.

Những người phu đòn không để anh nhớ tiếc lâu. Họ bỏ thõng anh xuống huyệt, lấp đất vào, dận thình thình trên ngực anh. Những hòn đất mà bạn bè thân thuộc ném lốp đốp trên anh như còn muốn dìm anh xuống sâu hơn nữa trong lòng đất.

Một màn đen tối sầm phủ chặt lấy mắt anh. Anh cũng không nghe thấy gì nữa. Một sự im lặng mênh mông như từ vạn cổ trôi về cuốn anh đi mất. Thế là hết. Hết hẳn.

*

*    *

Văn sợ quá giật mình tỉnh dậy, bàng hoàng một hồi lâu rồi mới chợt nhận ra mình đã ngủ quên đi và đã nằm mê trong giấc ngủ.

Ngoài trời, ánh sáng chói lòa, sức sống đang chồi lên từ ngọn cỏ, từ búp cây. Mấy đứa con anh đang chụm đầu vào nhau chơi chọi dế. Anh lại gần các con, và chẳng có duyên cớ gì, phát lên mông mỗi đứa một cái. Anh vào trong bếp – Vợ vẫn đứng làm cơm và đang gọt củ đậu (củ sắn) nhanh thoăn thoắt. Anh đưa một tay ra đập vào lưng vợ, còn tay kia nhặt một miếng củ đậu bỏ vào miệng nhai ngau ngáu. Chưa bao giờ anh thấy củ đậu ngọt và mát như hôm nay.

 

                                           

 

Ngọc Châu
Số lần đọc: 3662
Ngày đăng: 12.08.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tự do cho một kiếp người - Nguyễn Thị Ấm
Đất và Nước - Nguyễn Mộng Giác
Người đến từ phía cánh rừng - Nguyễn Thị Ấm
Linh Nghiệm - Trần Huy Quang
Ngày đốn cây vũ sữa - Dương Nghiễm Mậu
Nhà có cửa khóa trái - Trần thị Ngh.
Bộ quần áo mới - Ngô Ngọc Bội
Cái nón mê thủng chóp - Sương Nguyệt Minh
Lấy vợ xấu - Vũ Trọng Phụng
Lặng lẽ Sapa - Nguyễn Thành Long
Cùng một tác giả
Chết (truyện ngắn)
Tâm nguyện (truyện ngắn)
Hoàng Sa (truyện ngắn)
Người vợ bị bán (truyện ngắn)