Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.204.889
 
Hamvas Béla (trích: Hyperio Hungary)
Nguyễn Hồng Nhung

 

( Buổi sáng cuối hè trong vắt, muốn dịch một giọng khác của bác Hamvas Béla- người bạn tâm linh gần gũi nhất của NHN bây giờ- bèn chọn một cuốn chưa hề giới thiệu, tác phẩm HYPERIO HUNGARY

 

 Đây là linh hồn của một Hamvas Béla những năm 40 đến đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa cộng sản bắt đầu thống trị đông Âu với sự khuếch trương đầu tiên: buộc các trí thức „cũ” của chế độ „cũ”phải rời bỏ vị trí xã hội đang có của mình.

 Hamvas Béla bị cấm viết, cấm xuất bản, tên ông nằm trong danh sách những trí thức bị chính quyền mới kiểm soát gắt gao. Nhưng làm sao có thể cấm một linh hồn-tinh thần tự do lên tiếng?- Hamvas Béla đã tìm mọi cách để tiếp tục viết.

 

 Bằng một giấy chứng nhận có nghề làm vườn,  trong một thời gian khá dài, ẩn náu trong khu vườn của người em rể ở vùng  Szentendre-cách Budapest 20km,  Hamvas Béla làm vườn và viết tiếp những tác phẩm quan trọng của đời mình, ví dụ một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của nền văn học Hungary- viết bằng thể loại tiểu luận triết học- KARNEVÁL đã ra đời tại đây.

Thật lầm lẫn nếu chỉ vinh danh tác phẩm của Hamvas Béla như một tác phẩm cuộc đời CHỐNG ĐỐI, giữa những năm tháng của thế kỷ duy vật chủ nghĩa-cộng sản chủ nghĩa. Tác phẩm cuộc đời của Hamvas Béla vĩ đại hơn rất nhiều, như một quá trình tu luyện yoga-thiền để đắc đạo - đạo Trời trong hình hài, số phận con người cụ thể.

 

Dịch Hamvas Béla, truyền tải sang tiếng Việt một linh hồn văn hóa bất tử cho bạn đọc Việt nam, dường như NHN cũng đang thực hành yoga-thiền  cùng bác Hamvas Béla, giữa đất trời xứ Hungary thần bí, bởi một sứ mệnh thiêng liêng vô hình nào đó… - NHN)

 

 

 

 

BỨC THƯ THỨ NHẤT

 

Tôi đã từng mơ mười năm cuối đời được sống cạnh biển. Giờ, tôi ở đây. Thời trai trẻ của tôi cũng từng đúng như vậy. Khi tôi nhận ra, trên quả đất này tôi cần phải tranh đấu với số phận như thế nào, tôi đã từng nuôi nấng ý nghĩ: ra đi.

Tôi muốn sống ở Anh hoặc ở Đức. Điều này xảy ra khi danh vọng mang tính chất Herostratos còn cháy trong tôi. Sự yếu mềm, giờ tôi đã biết. Không như một danh vọng. Bởi có những danh vọng nở hoa. Plutarkhos kể đã gặp Caesar  ngồi khóc trong lều của một viên tướng ra sao, Caesar kêu lên, Pier Đại Đế đã chinh phục cả Ấn Độ, còn ta là cái gì?

Ô! tôi không phải là Caesar. Tôi không biết cái gì gim giữ tôi không châm lửa đốt các nhà thờ. Sự yếu mềm. Chẳng phải là danh vọng. Tôi không thông thạo cái gì. Nhưng tôi biết, tôi cũng sẽ không bao giờ đạt tới cái gì. Tôi đã từng mơ ước đến một dải đất khác. Nhưng sau giây phút nhìn thấy mình muốn gì, điều kiện đầu tiên chính là tôi phải ở lại.

Tôi có thể trở thành một kẻ mất gốc rễ ở mọi nơi, chính vì điều này và vì thế. Một kỹ sư, một thày thuốc, nhân viên ngân hàng, kể cả một linh mục và một thủ lĩnh đều có thể ra nước ngoài sống. Nhưng tôi là một kẻ không thể đi được. Tôi cần ở lại. Và ngay giờ đây vẫn cần ở lại,  đoạn cuối đời này, khi tôi không còn muốn gì khác, ngoài việc phải hoàn toàn chín muồi.

Tôi đang ở trong đám dân chúng này, trên trái đất này, mọi ý đồ của tôi vô hiệu quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, mọi kế hoạch của tôi đổ vỡ, tôi đã thất bại, một cách không phát hiện ra, thừa thãi và chẳng ai biết đến.

Tôi không nhìn thấy biển, nơi tôi muốn được chết trên bờ, tôi không cảm thấy vị hương của cây vả và hàng thông bên bờ biển mà gió bắc đã mang tới từ thung lũng, và tôi cũng không nghe thấy tiếng những ngọn sóng đập vào triền đá. Đấy cũng là sự thất bại nơi đây. Thần hộ mệnh của tôi không hiện. Không gì là nỗi an ủi của tôi.

Tôi biết sẽ không có thế hệ sau nối tiếp để tôn trọng. Cái tôi đã làm,  phi con người tới mức chẳng loại thế hệ nào cảm thấy thoải mái với nó. Tôi không lấy lòng ai, kể cả họ. Không ai có thể đòi hỏi tôi phải chứng minh. Chưa bao giờ có một kẻ như thế ở đây, kẻ không đáng được ưa đến thế. Ngoài ra, cũng thế mà thôi, thế hệ sau! Họ sẽ không có hứng thú để nhọc mệt với giấy bút.

Sẽ tiếp theo là khoảng thời gian mà người ta quên hết quá khứ. Hiện tại sẽ bắt phải quên quá khứ đi bằng những con người- không phải vì con người  sẽ vô cùng hạnh phúc, mà chính bởi vì họ vô cùng bất hạnh, đến mức, sẽ không ai làm dịu nổi mọi nỗi đau khổ của họ.

Tại sao họ cần phải tìm ra tôi, kẻ không hề có chút đồng cảm nào với họ?  Ngoài ra thời đại của chữ cũng đã trôi qua. Viết là một nỗi đam mê bất hợp lý, và sẽ là như thế. Người ta quên tất cả những ai đã viết, kể cả tôi.

Tôi có đủ tỉnh táo để nói ra, cho dù sự kết án có trầm trọng đến mấy, đặc biệt đối với chính bản thân tôi,  kẻ sống giữa những mức độ phi lý khủng khiếp trong đời sống, giữa những gì tôi đã hoàn thành và những gì người ta nhận ra từ tôi. Và thế là, cái tôi đã làm, vĩnh viễn  mất.

 Cả điều này nữa.

Bởi vì những người khác? Ai dám tự đặt mình ngang hàng với tôi? Khi đặt câu hỏi này, không phải sự kiêu căng trong tôi lên tiếng. Tôi chỉ có một mình đến nỗi, không chỉ mình tôi BIẾT LÀM những điều tôi đã làm, mà chỉ một mình tôi là người hiểu, đấy là cái gì, cái tôi đã làm.

 

BỨC THƯ THỨ NĂM

 

Giờ đây tôi đã hoàn toàn biết cách quý tộc hóa cuộc đời của mình. Tôi mở mắt lúc mặt trời mọc. Mặt trời nhô lên khỏi quả đồi chiếu thẳng vào giường tôi. Tôi bước ra ngoài hiên, nghe thấy tiếng gáy của lũ chim trĩ sau bụi cây, lũ quạ và lũ chim hoét sà bay về phía rừng. Tôi rửa ráy dưới giếng, ăn một vài miếng và bắt đầu chẻ củi. Chú lừa thơ thẩn sau nhà, tôi không buộc nhưng chú ta cũng chả bỏ đi.

Thế nào, mày ngủ ra sao hả Tariménes?- chú lừa đập đập đuôi ra sau lưng, và tiếp tục ngoạm đám cây cỏ đầy gai. Luôn luôn nảy ra một việc gì đó tôi cần phải làm. Tôi dựng bàn và ghế dưới gốc cây hồ đào, đôi khi tôi ăn sáng ở đó, rồi, tôi đọc sách.

Tôi không có nhiều sách. Bản thảo ưa thích nhất là tập ghi chép của tôi hồi còn thanh niên. Và bản thảo này được tôi ưa thích không phải vì nội dung mà vì cách hành văn. Tôi thích thú nhất vì thời kỳ này mang tính chất Herostratos. Một con người giống như bất kỳ ai! Thật đặc biệt làm sao, tôi từng là kẻ ấy. Nếu tôi là một người lập dị, hẳn tôi từng nghĩ phải làm nghề sưu tầm các văn bản viết tay. Từ các đường nét của bàn tay tôi có thể nhìn thấy sự đa dạng hình thức, như nhìn trên một khuôn mặt.

Tôi hay ngồi hàng giờ bên bờ biển, không làm gì hết, ngoài việc ngắm nghía sự tăng trưởng của các thực vật và các sinh vật trong nước, trên một bờ đá.

 

Đôi khi tôi đóng yên lên lưng Tariménes và cưỡi lừa vào thành phố mua bán, hoặc ra bưu điện. Tôi rất ít khi nhận được thư, hoặc nhận được cái mà tôi đã biết trước. Nhiều khi tôi đi chỉ để thưởng thức sự di chuyển im lặng trên đường, con đường mà tôi thuộc từng viên sỏi.

 Cái chợ dưới kia cũng giúp tôi tiêu khiển, một sự ồn ào đơn giản. Và luôn luôn tóm được một cái gì đấy hay ho, những trái cây tuyệt diệu hoặc một miếng thịt ngon. Con đường đi xuống ngắn hơn, chừng một tiếng đồng hồ, đường đi lên dài hơn một chút. Chính xác đúng giữa trưa tôi ăn bữa trưa, một đĩa đầy thức ăn. Rồi, tôi làm một cái gì đó.

 

 Tuần trước tôi đẽo gọt một cái ghế dài và một cái bàn khác, bởi vì bàn ghế đặt dưới gốc cây hồ đào, buổi chiều nắng chiếu vào rất gắt. Tôi leo lên núi, mang theo sách hoặc không, lấy nước từ nguồn, cuốc xới ruộng khoai tây, các bụi dâu hoặc các luống nho. Nếu ai nhìn thấy, hẳn sẽ nói đây là một người chăm chỉ nhất thế gian. Thực chất chỉ là một trò chơi.

 

 Mùa hè tôi xây những lâu đài cát. Tôi không tha thiết mong chờ lợi ích từ việc tôi làm, phần lớn chúng chẳng có ích lợi gì. Tôi không nghĩ nhiều lắm đến tương lai. Tôi không có trí tưởng tượng dành cho nó. Và cái này, cái tôi đặt tên là lối sống cổ điển, tôi không lấy trước vị mật ngọt của nó. Tôi làm cái đúng lúc ấy tôi thích làm. Và nếu các thói quen của tôi vẫn cứ vì thế hình thành, không phải do những lo âu tạo ra chúng mà do niềm vui.

 

Cái gì định ra trước, cái đó luôn luôn có vấn đề. Sự ngây ngất của khoảnh khắc là thứ cao nhất. Bạn đã từng đứng trong rừng trước những đốm sáng lung linh chiếu rọi cả vòm cây chưa? Lúc đó bạn sẽ biết khoảnh khắc là gì. Bạn đã thấy khi giữa chừng dạo chơi, con đường mòn nhỏ bỗng biến mất sau những hàng cây?

 

Trong tôi không có chút gì của sự trả thù và lòng ghen tỵ, và tôi cũng chẳng mong mỏi bất kỳ sự hài lòng nào. Tôi không cảm thấy mình bị rút ngắn. Kẻ nào trốn tránh bản thân, kẻ đó cảm thấy sự thiếu thốn và khát mong sự hài lòng. Nhưng khi nó trốn tránh chính bản thân, nó đã đánh mất cái lớn nhất-hiện tại- rằng: tôi đây.

 

Tôi không có các mục đích, bởi vậy tương lai không quan trọng. Có thế gian và có tôi. Không đủ sao? Mọi sự tưởng tượng chiếu phóng ra phía trước đều làm hỏng thời gian đang tiếp diễn,  và khi thời gian đến chỗ tôi, nó đã trống rỗng một nửa, ngày hôm qua tôi vừa vắt ra từ nó một mẩu vàng ròng.

Tôi nhận được đời sống như thế đó trong sự trong sạch của chính nó. Không ai có thể làm được nhiều hơn.

 

BỨC THƯ THỨ SÁU

 

Bạn hỏi làm thế nào để tôi thống nhất sự hoang dã của tư duy mình với sự uyển chuyển của lối sống mình? Bạn hãy hỏi một người chồng yêu vợ say đắm tại sao anh ta không nghiền nát người vợ yêu? Càng đam mê mạnh mẽ càng dịu dàng mềm mại, càng mạnh càng mềm. Tôi dám trở nên hiền dịu, bởi lửa của tôi không gì so sánh nổi, đến mức không có gì xứng đáng với tôi, ngoài sự mềm mại.

Tôi cho rằng nếu tôi đạt tới quyền lực, tôi sẽ tuyên bố sự thống trị hàng nghìn năm trời của mình bằng hàng răng đánh vào nhau run cầm cập. Sẽ chưa từng có một bạo chúa phương Đông, một hoàng đế La mã, một thủ lĩnh Inka nào dám đối xử với dân chúng một cách phi nhân tính đến thế. Và cái khủng khiếp nhất trong sự thống trị này là trong tôi không có một tý gì của sự tàn bạo.

Tôi không ước sự ngây ngất trước đau khổ của những kẻ khác. Tôi chỉ không quan tâm tới họ. Giống như tôi không hề quan tâm đến chính bản thân mình. Các đo lường của tôi không mang tính chất người. Tôi điên chăng? Nếu bạn làm mất đi cái gì đó bệnh hoạn từ khái niệm này,  tôi sẽ bảo: đúng. Theia mania.

 

Đời sống đối với đại đa số con người là thứ quá mạnh. Bởi vậy người ta không chịu nổi đời sống nếu thiếu các loại nghiện. Uống một cách thuần khiết vô cùng khó. Hoặc buồn bi thương hoặc trở nên điên dại hoặc lảo đảo vì nó. Chỉ những kẻ mạnh nhất chịu nổi đời sống không cần đến mọi giả tạo, với toàn bộ hương vị của nó. Chỉ những kẻ mạnh nhất biết đến niềm cảm hứng, sự ngây ngất phụt lên từ đời sống và sống một cách thanh khiết.

 

Hãy làm đi, điều mi muốn. Nhưng mi sẽ luôn luôn biết mi sợ cái gì. Sợ chỉ có ngần này: như sự chết. Như sự phí phạm. Như không bao giờ. Như sẽ không bao giờ nữa. Mi hãy hiểu, không bao giờ, sẽ không bao giờ nữa.

 

Mệnh lệnh của đời mi không phải là CẦN. Bởi chẳng cần cái gì cả. Không có sự cưỡng bức. Nhưng mi hãy nhớ rằng, điều này, ở đây, mi  không bao giờ sẽ làm được nữa. Cái mi không làm ở đây, ngày hôm nay, lúc này, mi sẽ không bao giờ có thể làm được nữa. Cái mi sợ phải làm lúc này, mi đã đánh mất nó vĩnh viễn.

Sẽ không bao giờ có một cái đẹp đến thế, to lớn đến thế, như hôm nay, ngay bây giờ, ở tại đây, sẽ không bao giờ có bất kỳ cái gì nữa.

Và khoảnh khắc đã bị giết chết này- máu của Thượng đế đã chảy và biến thành thuốc độc, và sẽ không bao giờ là cái gì khác, ngoài là thuốc độc, sự phí phạm sẽ không bao giờ là cái khác, ngoài là sự phí phạm, nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ là cái khác, ngoài là nỗi sợ hãi.

Con người tự do, luôn luôn tự do làm tất cả và luôn luôn tự do để sợ. Nhưng cái chết không bao giờ sẽ là cái khác, chỉ là cái chết, là thuốc độc, là sự sợ hãi và sự phí phạm.

 

Số phận con người có thể trở nên già cỗi và hao mòn biết bao. Lúc này là lúc, người ta bắt đầu tập hợp bè bạn quây quần, bắt đầu ca ngợi. Giờ đây họ không sợ thời gian nữa, không còn nỗi hiểm nguy.

Tại sao mi không trở thành kẻ, như trong đêm mi là nó? Kẻ chỉ trong màn đêm mi dám nghĩ tới? Mi dám và mi biết, mi suy tư về số phận chân chính của mi, mi biết cất cánh bay lên. Sự dũng cảm của những giấc mơ. Một thế giới sâu hơn và ảo hơn. Đón nhận sự tiếp xúc với nó chẳng khác nào mi ngủ trên đá trắng, trong những hòn đảo của giấc mơ. Một giấc mơ xuân tràn ngập hoa hồng nở, hương vị thông ngạt ngào. Một số phận mới ngủ trong chính nó.

Niềm vui là ngọn roi tàn nhẫn nhất để người ta duy trì. Và không có ân sủng.

                                    

     Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

         ( Budapest 2013. augusztus 24.)

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2770
Ngày đăng: 31.08.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Hòa của VCV - Nguyễn Hồng Nhung
“Hôm nay Tôi đi học” - Hoàng Xuân Sơn
Nhớ mùa dâu Hạ Châu - Nguyễn An Bình
Nguyễn Hòa VCV - Khuất Đẩu
Tản mạn về giọt nước - Đinh Lê Na
Thầm thì mây - gió 3. - Nguyễn Hồng Nhung
Còn có một nhà thơ, họa sĩ trong Nhất Linh - Nguyễn An Bình
Tiếu đàm về chuyện ‘nude để thiền” - Nguyễn Nguyên Phượng
Tuổi thu - Nguyễn Hồng Nhung
65 năm “Tây tiến” của Quang Dũng - Nguyễn Nguyên Phượng
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)