Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Tuy nhiên, cũng như nhiều danh họa của Việt Nam đã qua đời, tranh Phái khi bước vào thị trường Quốc tế đã không ít lần bị trà trộn giữa vấn nạn “tranh giả”. Điều đó, gây anh hưởng nghiêm trọng đến vị trí thứ hạng tranh của ông trong mắt các nhà sưu tập quốc tế. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái (1/9/1920 – 1/9/2013), chúng tôi có cuộc trao đổi cùng nhà sưu tập Gérard Chapuis, người thường được mệnh danh là "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille" xung quanh vấn đề nói trên.
.Là một nhà sưu tập cổ vật Việt Nam, ở lĩnh vực mỹ thuật, được biết
ông rất quan tâm đến tranh Bùi Xuân Phái, thậm chí còn được gọi là
"người gác đền Bùi Xuân Phái", vậy xin ông cho biết từ lý do nào ông
đã đến với tranh Bùi Xuân Phái, và hành trình ông đến với "tranh Phái"
ra sao?
- Tôi đến Pháp từ năm 1977, bắt đầu vào học lớp 11, lấy bằng tú tài, rồi đậu vào y khoa và học tại Marseille. Trong những thời gian rãnh rỗi, để vơi nỗi buồn tha hương, cách tốt nhất để hướng về quê hương là tôi tập Vovinam Việt võ đạo và tiếp tục học Hiệp khí đạo, sưu tập sách, bưu ảnh và bưu hoa (Philately)… Một ngày, tôi nhận ra, để đi tới con đường tận cùng của bộ môn sưu tập tem, dường như không thể không chú ý đến các tác phẩm mỹ thuật vốn đang bị lẩn khuất dưới lớp bụi thời gian. Hơn nữa, đất nước Việt Nam qua những biến động lịch sử đã làm thị trường tranh càng thêm nhiễu nhương, lẩn lộn tranh thật, tranh giả. Do đó, bộ môn này với tôi trở nên một chuyên đề khó và trở thành hấp dẫn hơn. Tôi được người đời mệnh danh là "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille" từ khi cái duyên đến với tôi và tôi trở thành chủ hữu gần 500 âm bản tác phẩm Bùi Xuân Phái chưa từng công bố. Câu hỏi được đặt ra, là thời cơ đã đến chưa để công bố những di vật ấy và công chúng trong nước đã sẵn sàng để tiếp đón những gì quý nhất của Mỹ thuật Việt nam chưa ?
.Theo ông, đến thời điểm hiện nay, vị trí tranh Phái trong thị trường quốc tế ra sao? Ngoài BXP, các tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng khác của Việt Nam có được giưới sưu tập quan tâm không?
-Từ năm 2008, tranh BXP rơi giá một cách thê thảm! Theo thống kê của Artprice.com, số lượng tranh BXP giao dịch tính thành tiền euro của năm 2012 là 60.825 euros và số lượng tranh BXP không tìm được chủ sở hữu là 57 %. Để có thước đo, tranh vua Hàm nghi (Chiều tà) đã được bán với giá hơn 11.000 euros. Trong năm 2011, BXP đứng hạng 17.431(ông đã tuột 7.768 hạng)… Ở một thời phồn thịnh nhất “tranh Phái”, ông đã đứng hạng 2.876 (năm 2001). Cần đặt vấn đề một "danh hoạ" Việt Nam chỉ bán từng ấy tiền, thì Mỹ thuật Việt đứng ở thứ hạng nào trong mắt các nhà sưu tập quốc tế ?
Nguyễn Phan Chánh vẫn là danh hoạ được Quốc tế quan tâm nhiều và tác phẩm cuối được bán với giá 322.000 usd. Theo lời các chuyên gia quốc tế, Mỹ thuật của 1 quốc gia sẽ vào sân chơi QT khi 1 tác phẩm nghệ thuật của Quốc gia đó đạt ngưỡng cửa 1.000.000 usd.
.Trong số những bức tranh BXP mà ông đã sưu tập, ông thích bức tranh nào nhất? Vì sao?
- Khi đã đam mê thì rất khó nói tranh nào tôi thích nhất. Nếu phải chọn, có lẽ là những tấm tranh xé giấy chăng ? Vì nó không hoành tráng mà bởi vì vậy nó rất tình người, rất cô đơn, mộc mạc, yếu đuối dưới bánh xe thời gian ?
.Cách đây không lâu, được biết ông đã hợp tác cùng người nhà BXP khiếu kiện một hãng đấu giá danh tiếng ở Hông Kong về việc tiêu thụ tranh giả Phái. Ông có thể nói rõ hơn, làm sao để phát hiện ra tranh Phái giả, và vụ việc ấy giải quyết ra sao? Có
cảnh tỉnh được những người bán tranh có ý định tương tự?
- Để giải quyết nạn đề tranh thật tranh giả, tôi cần phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm sống, văn hoá, tìm hiểu thị trường nghệ thuật quốc tế (nhu cầu đại gia quốc tế sưu tập tranh Việt không dựa trên tình cảm, nhưng sẽ dựa lên sự giao động giá cả của danh hoạ VN). Tôi liên tục cập nhật vào những kêng thông tin chính xác nhất về mỹ thuật VN như Artprice.com để biết những nghệ phẩm Việt sẽ được bán trên thị trường Hồng Kông, Đức, Thụy sĩ, Pháp vv và vv ... Để được biết đến (lọt vào mắt xanh của Artprice.com), được "Coter", tranh của hoạ sĩ phải ít nhất 1 lần được bán trong 1 phiên chợ quốc tế nào đó !(Phải đóng tương đương 12 triệu một năm mới có quyền tham khảo « Biểu giá nghệ phẩm » được bán trên thương trường quốc tế…)
Khi « đi sát » Danh hoạ Bùi Xuân Phái, tôi khám phá thời điểm ấy (tháng 11-2008) 5 tranh của BXP bán tại HK, trong đó 4 tranh là giả. Tôi có cho tin hậu duệ BXP, nhưng ông ấy vì không giao tiếp với môi trường quốc tế nhiều (vấn đề không dùng được ngoại ngữ là 1 khuyết điểm lớn cho giới mỹ thuật VN) nên cứ ầm ừ cho qua chuyện. Sống quen ở nước ngoài, tôi không chuộng những đối tác thiếu bản lĩnh. Tôi đánh chuông báo động (gởi Fax, thơ tay bảo đảm có báo nhận cho Hãng Sotheby's Anh và HK), đồng thời tôi có gọi điện thoại trực tiếp cho Sotheby's tại Paris(Pháp) cho thông tin… Nhưng khi những hãng buôn lớn ấy không buồn trả lời, và nếu chúng ta có một chút thông minh nào đó, chúng ta phải tự cật vấn bản thân và tìm câu trả lời thỏa đáng là bọn Hoạ tặc VN đã làm cho Quốc tế mất lòng tin vào tiếng nói của Mỹ thuật VN. Nếu tôi phải dùng 1 cụm từ nào đó để điềm chỉ bọn chúng thì bọn hoạ tặc có thể được coi là bọn Việt gian vì bao thế hệ danh họa sư Đông dương phải lầm than vì hoạ phẩm giả của chúng. Chúng « ăn trái mà không nhớ kẻ trồng cây » . Tôi nhớ lại câu danh ngôn đáng để đời : “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một người; làm chính trị mà sai lầm thì tàn hại cả đất nước; làm văn hoá mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời.”
Về việc giải quyết ấy, hậu duệ của Bùi Xuân Phái chỉ rung cây doạ khỉ, nhưng khỉ già HK không mảy may run sợ. Hậu duệ của Bùi Xuân Phái đành bó tay vì không hoà nhập và không thông hiểu thị trường quốc tế. Tôi không có nhu cầu cảnh tỉnh bọn hoạ tặc, vì đối với bọn ấy lời hoa mỹ chỉ nói lên sự nhu nhược… Cách hay nhất và có lẽ không yếu hèn là đột nhập vào sào nguyệt của chúng, lôi hoạ phẩm giả ra đốt trước biệt thự của chúng ở Hà thành hay ở Sài thành để cảnh cáo như ở nước ngoài đã từng làm. Và tại sao không xử bọn buôn hoạ phẩm giả 1 cách thích đáng như bọn buôn đồ quốc cấm ? Nói chung, bao nhiêu năm vẫn còn những kẻ « ăn cháo đá bát » chừng ấy năm Mỹ thuật VN không có cơ may hội nhập sân chơi Quốc tế.
.Thời gian tới, ông có ý định hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân
trong nước để tiếp tục quảng bá tranh BXP cũng như tranh của các họa
sĩ Việt Nam ra trường quốc tế hay không?
- Một con chim nhạn sẽ không đủ sức đem lại mùa xuân. Cá nhân tôi và tiếng nói của tôi rất nhỏ bé không thể cáng đáng việc làm sạch thị trường tranh Việt nhiễu nhượng. Với lại tôi nghĩ, ít có tổ chức hoặc cá nhân nào có nhu cầu hợp tác với những người chuộng nói và tiết lộ sự thật chỉ vì sự thật đã quá ư là tệ hại khi đến tai và mắt của cộng đồng chung… Nhiều khi họ lại ngó tôi như một người chọc gậy bánh xe không chừng. Đơn giản tôi chỉ mong cảnh giác được một vài người đến với Mỹ thuật Việt với lòng đam mê thực thụ để họ không bị lừa…Edouard Herriot đã từng nói (tạm dich):” « Văn hoá là những gì còn sót lại khi chúng ta đã quên tất cả ». Mong rằng Mỹ thuật Việt vẫn giữ được những gì thuần túy nhất sau cơn giông bão…
. Xin cảm ơn ông Gérard Chapuis về cuộc trò chuyện thú vị trên
Ảnh: 1/ Nhà sưu tập Gérard Chapuis
2/ Chân dung nhà nhiếp ảnh Trần văn Lưu qua tranh xé giấy của Bùi Xuân Phái
3/ Nhà nhiếp ảnh Trần văn Lưu bên bức tranh chân dung do Bùi Xuân Phái tặng