Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.433
 
Sử gia bị đạo sử (PHẦN MỘT)
Nguyễn Lục Gia

 

(PHẦN MỘT)

 

[DẪN NHẬP: Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện là sách Lịch sử của tác giả Đinh Kim Phúc nhưng có tên trên Biên mục xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam ở thể loại sách Chính trị mang số hiệu 1276. Đây là một tập sách đã qua mắt được các cơ quan thẩm định và in ấn cùng khá đông đảo độc giả bởi sự sao chép của nó đối với nhiều công trình nghiên cứu có trước của các sử gia. Những sử gia phát hiện bị đạo sử trong sách này bước đầu nhận diện gồm có các tên tuổi: Nguyễn Hồng Thao, Nguyễn Nhã, Lãng Hồ, Hãn Nguyên, Quốc Tuấn; thậm chí ngay cả tác giả họ Đinh cũng sao y một số đoạn văn bản đã được trình bày trước đó]

 

            Bìa sách Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện

 

Đối với một sử gia, khi công trình nghiên cứu của mình bị kẻ khác đánh cắp hoặc sử dụng không công, tức không được chỉ ra xuất xứ nguồn trích dẫn hay chú thích một cách cụ thể với tư cách tác giả thì phải gọi rằng sử gia đã bị đạo văn mới đúng, bởi văn ở đây nghĩa là văn bản, hình thức chứa đựng chuỗi nội dung lịch sử bao gồm các yếu tố không tách rời nhau: thời gian, không gian và sự kiện. Tuy nhiên, để phân biệt với các dạng văn bản văn chương thông tục, xin được gọi văn bản lịch sử bằng khái niệm đặc thù là sử. Trường hợp tôi đang đề cập chính là sử gia bị đạo sử bởi một tác phẩm sử học của một nhà nghiên cứu mệnh danh chuyên gia về biển đảo ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Tất nhiên không tài nào với tư cách cá nhân, một độc giả hạn chế nhiều mặt như tôi lại có thể chỉ ra nổi tất cả sử đoạn của một tác phẩm sử học đã được tái hiện từ mỗi công trình riêng lẻ đích danh nào. Ở đây, phương pháp của tôi chỉ mang tính chất thủ công thuần túy, tức là dẫn lại, với hình thức nguyên xi, lược trích hoặc thâu tóm ý tưởng những sử đoạn từ công trình học thuật của một số sử gia mà tôi nhận thấy chuyên gia biển đảo kia mặc nhiên sử dụng trong tác phẩm đã công bố lấy tên mình. Ắt hẳn trong số các vị sử gia tiền bối liệt kê dưới đây có người vẫn còn minh mẫn nhận ra đứa con tinh thần thời tráng liệt, phần lớn xuất hiện cách nay gần bốn chục năm cùng một số công trình vừa hoàn thành cách khoảng mươi năm trở lại đây.

Tác phẩm sử học đang được nói đến là Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện của tác giả Đinh Kim Phúc; sách dày 264 trang với nhiều bản đồ tải từ internet và xấp xỉ 1/3 dung lượng dành cho bài phụ lục, do nhà xuất bản Thời Đại ấn hành tháng 1.2012.

 

1. Với TS. Nguyễn Hồng Thao trong hai chuyên đề: “Sang xứ bò tót tìm dấu tích Hoàng Sa – Trường Sa” và “Theo dấu vạn lý Trường Sa trong các tư liệu cổ”

TS. Nguyễn Hồng Thao với hai bài viết Sang xứ bò tót tìm dấu tích Hoàng Sa – Trường SaTheo dấu vạn lý Trường Sa trong các tư liệu cổ đăng tải trên báo mạng Tuanvietnam.net ngày 1.4.2009 và 3.4.2009 đã bị tác giả Đinh Kim Phúc sử dụng gần như nguyên xi trong xuất bản phẩm Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện. Đây không phải là vấn đề tham khảo hay trích dẫn tư liệu thông thường mà đã trở thành vấn nạn xảo thuật cắt dán tư liệu ở tầm mức vĩ mô chưa từng thấy trước nay đối với một công trình nghiên cứu mạo danh mang tầm vóc sử học gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Theo thứ tự bài viết của TS. Nguyễn Hồng Thao (gọi tắt NHT), chúng tôi lần lượt trích dẫn những đoạn có nguyên xi hoặc tương tự như sách của tác giả Đinh Kim Phúc (gọi tắt ĐKP) ở trọn một đề mục mang tiêu đề “Baixos de Chapar – Pracel Islands – Spratly Islands”, từ trang 50 đến trang 66 với chỉ dẫn cụ thể số trang. Tất nhiên đối với những đoạn giống nguyên xi chúng tôi không phải dẫn lại từ sách của ĐKP; trường hợp giống tương tự được dẫn lại dưới tự dạng in nghiêng. Chúng tôi tuyệt nhiên giữ nguyên từng ký tự ngữ pháp lẫn cách viết giữa hai văn bản để độc giả tiện so sánh đối với trường hợp sau.

1.1. NHT: “Bản đồ Biển Đông do nhà xuất bản Luân Đôn in năm 1791 - A new chart of  the Chine Sea with its several entrances, Printed for Robert Sayer, London, 1791 (xin xem hình kèm theo) thể hiện quần đảo Paracels nằm trong hình cờ đuôi nheo ghi rõ according to the Draft of Cochinchina Pilot 1764 (vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam năm 1764).

Tài liệu này chứng tỏ trong khi xây dựng các tài liệu hướng dẫn hàng hải, các nhà hàng hải phương Tây đã tham khảo các hiểu biết của chính quyền An Nam và thừa nhận quần đảo này thuộc An Nam”.

ĐKP: tương tự đoạn đầu và giống nguyên xi đoạn sau ở trang 60-61 với phần chú thích sai ngày đăng tải như sau:

Bản đồ Biển Đông do nhà xuất bản Luân Đôn in năm 1791 - A new chart of the Chine Sea with its several entrances, NXB Robert Sayer, London, 1791 - thể hiện quần đảo Paracels nằm trong hình cờ đuôi nheo ghi rõ according to the Draft of Cochinchina Pilot 1764 (vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam năm 1764) (1.)

[1 Xem Nguyễn Hồng Thao, Sang xứ bò tót tìm dấu tích Hoàng Sa – Trường Sa, VietnamNet ngày 3/4/2009]

Tài liệu này chứng tỏ trong khi xây dựng các tài liệu hướng dẫn hàng hải, các nhà hàng hải phương Tây đã tham khảo các hiểu biết của chính quyền An Nam và thừa nhận quần đảo này thuộc An Nam.  

1.2. NHT: “Ngay từ thế kỷ XVI, các bản đồ hàng hải Biển Đông do các nhà hàng hải và truyền đạo phương Đông vẽ đã thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay giống như các bản đồ cổ của An Nam dưới dạng một dãy đảo chạy dài hình lá cờ đuôi nheo ngoài khơi miền Trung Việt Nam, bên ngoài các đảo ven bờ, với chú thích “Isle Pracel” và “Costa de Pracel” cho bờ biển đối diện.

Chúng ta có thể so sánh bản đồ dạng đơn giản của Đỗ Bá (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” - 1686), và của Lê Qúy Đôn (“Phủ biên tạp lục” - 1776, Đại Nam Nhất thống toàn đồ 1838 của triều Nguyễn với Bản đồ biển Nam Trung Hoa do nhà hàng hải danh tiếng người Hà Lan Henricus Van Langren vẽ năm 1595; Và Bản đồ của Công ty Đông Ấn (Indiae Orientalis Nova Descriptio) vẽ 1663 hay Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của giáo sĩ Jean Louis Tabert ghi tên Paracel Seul Katvang 1838 đã được nêu trong sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam 1979 để thấy được điều đó”.

ĐKP: tương tự ở trang 50, đặc biệt giống từ mốc thời gian biên soạn Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ còn đang nghi vấn (1686) đến từng danh xưng không được viết hoa (Thiên nam) hoặc từng dấu ngoặc đơn bị bỏ sót (đặt sau năm 1776), ngay cả tên giám mục Jean Louis Taberd cùng danh xưng Paracel seu Cát Vàng (seu: hay là) trên bản đồ cũng bị viết sai như sau:   

Ngay từ thế kỷ XVI, các bản đồ hàng hải biển Đông do các nhà hàng hải và truyền đạo phương Đông vẽ đã thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay giống như các bản đồ cổ của An Nam dưới dạng một dãy đảo chạy dài hình lá cờ đuôi nheo ngoài khơi miền Trung Việt Nam, bên ngoài các đảo ven bờ, với chú thích “Isle Pracel” và “Costa de Pracel” cho bờ biển đối diện.

Chúng ta có thể so sánh bản đồ dạng đơn giản của Đỗ Bá (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư, 1686), và của Lê Qúy Đôn (Phủ biên tạp lục, 1776, Đại Nam Nhất thống toàn đồ, 1838 của triều Nguyễn với Bản đồ biển Đông do nhà hàng hải danh tiếng người Hà Lan Henricus Van Langren vẽ năm 1595; bản đồ của Công ty Đông Ấn (Indiae Orientalis Nova Descriptio) vẽ 1663 hay Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của giáo sĩ Jean Louis Tabert ghi tên Paracel Seul Katvang vẽ năm 1838 để thấy điều đó.

1.3. NHT: “Giá trị của bản đồ còn lưu giữ ở Tây Ban Nha so với các bản đồ đã biết là dòng chữ Cochinchina (Nam Kỳ) được ghi ngay dưới tên Paracels minh chứng rõ ràng mảnh đất này thuộc về An Nam từ rất sớm chứ không phải như các học giả Trung Quốc nói thuộc về họ từ thế kỷ thứ II trước CN.

Hơn nữa, đây là bản đồ chuyên ngành hàng hải, đính kèm Hàng hải chỉ nam vùng biển An Nam chứ không phải bản đồ địa lý thông thường. Hình vẽ các nhóm đảo Paracels cũng chi tiết hơn, thể hiện sự kéo dài của quần đảo quá vị trí Hoàng Sa ngày nay, đối xứng với Cam Ranh, Sài Gòn và khoảng cách xa bờ hàng trăm hải lý nên không thể coi đó là sự thể hiện các đảo ven bờ Việt Nam như một số lập luận ngụy biện.

Các hiểu biết này giống với các hiểu biết của người Việt xưa, những người đã khám phá và cai quản Paracels, và phù hợp với kỹ thuật hàng hải hải đồ lúc đó”.

ĐKP: nguyên xi ở trang 61-62.

 

1.4. NHT: “Các bản đồ Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, A rập thế kỷ XVII đều có nội dung tương tự. Chỉ từ giữa thế kỷ XIX, người ta mới phân tách Paracels thành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy nhiều dân tộc khác đã nhận biết về sự tồn tại của Bãi Cát vàng thuộc Việt Nam”.

 

ĐKP: tương tự ở trang 64, đặc biệt giống ở một chữ chỉ địa danh không được viết hoa trong cụm Bãi Cát vàng và sai tên địa danh Pracel mà từ thế kỷ XVIII Hội Truyền giáo Paris đã ấn định trên các bản đồ phương Tây thành Paracels như sau:

Như vậy, mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX thì quần đảo Pracel nằm trong khoảng vĩ độ 120 Bắc đến 160 Bắc, các nhà hàng hải phương Tây mới phân biệt rõ hai quần đảo Paracels và Spratlys. Điều này cho thấy nhiều dân tộc khác đã nhận biết về sự tồn tại của Bãi Cát vàng thuộc Việt Nam

 

1.5. NHT: “Nhận thức và kỹ thuật bản đồ hạn chế thời đó của người An Nam và nước ngoài chưa cho phép phân biệt rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như ngày nay mà đơn giản gọi gộp chung chúng dưới tên gọi Paracels, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa để chỉ dãy cồn cát, đá ngầm dài hàng trăm dặm là mối đe dọa tiềm tàng cho người đi biển”.

ĐKP: nguyên xi ở trang 62.

1.6. NHT: “Tuy các tài liệu và bản đồ nước ngoài thời kỳ này đều quy thuộc Paracels vào Cochinchine (Nam Kỳ) nhưng một câu hỏi vẫn được đặt ra: vào thời điểm nào người ta mới phát hiện Paracels và Spratleys là hai quần đảo riêng biệt”.

ĐKP: tương tự ở trang 62 như sau:

Tuy các tài liệu và bản đồ nước ngoài thời kỳ này đều quy thuộc Paracels vào Cochinchine nhưng một câu hỏi vẫn được đặt ra: vào thời điểm nào người ta mới phát hiện Paracels và Spratleys là hai quần đảo riêng biệt?

1.7. NHT: “Theo nhiều tác giả chính các thủy thủ Anh, thường qua lại trên con đường giữa Malacca và Borneo, đã được coi là những người đầu tiên phân biệt các đảo, đá nhỏ này và đặt tên chúng.

 

Nước Anh đã từng đưa ra lý do này để yêu sách Spratlys. G. Marston trong bài “Abandonment of territorial claims: the cases of Bauvet and Spratly islands”, BYIL, 1986, tr. 351 (“Sự từ bỏ các yêu sách lãnh thổ: trường hợp của các đảo Bouvet và Spratleys”, Niên giám Luật quốc tế Anh năm 1986) đã nhắc lại sự kiện công hàm ngày 21/5/1930 của Tòa Đại sứ Anh tại Paris, thừa lệnh Chính phủ họ truyền đạt lại Chính phủ Pháp rằng ông Graham, người Mỹ và các ông Simpson và James, người Anh đã đăng ký, vào năm 1877, tại thuộc địa Labuan, yêu sách của họ đối với đảo Trường Sa.

 

Ngày 13/12/1878, Chính phủ Anh đã thông báo cho Tổng Lãnh sự Anh tại Borneo rằng họ không có phản đối gì về việc đăng ký tại Tổng Lãnh sự tại Borneo yêu sách của ba công dân trên các đảo này cũng như việc họ kéo cờ Anh lên và do đó các đảo này thuộc lãnh thổ Anh quốc, trừ phi hoàng gia từ bỏ chúng một cách dứt khoát. Người Anh cũng khẳng định Tàu đánh cá voi của Anh Cyrus đã phát hiện ra Spratlys vào năm 1843”.

ĐKP: tương tự ở trang 63-64 với một chú thích 1 thuộc đoạn thứ 2 như sau:

Nhưng ở một tài liệu khác, theo nhiều tác giả chính các thủy thủ Anh, thường qua lại trên con đường giữa Malacca và Borneo, đã được coi là những người đầu tiên phân biệt các đảo, đá nhỏ này và đặt tên chúng.

Nước Anh đã từng đưa ra lý do này để yêu sách Spratlys. G. Marston trong bài “Sự từ bỏ các yêu sách lãnh thổ: trường hợp của các đảo Bouvet và Spratleys”(1) đã nhắc lại sự kiện công hàm ngày 21/5/1930 của Tòa Đại sứ Anh tại Paris, thừa lệnh Chính phủ họ truyền đạt lại Chính phủ Pháp rằng ông Graham, người Mỹ và các ông Simpson và James, người Anh đã đăng ký, vào năm 1877, tại thuộc địa Labuan, yêu sách của họ đối với đảo Trường Sa.

 

[1 “Abandonment of territorial claims: the cases of Bauvet and Spratly islands”, BYIL, 1986, tr. 351]

Ngày 13/12/1878, Chính phủ Anh đã thông báo cho Tổng Lãnh sự Anh tại Bornéo rằng họ không có phản đối gì về việc đăng ký tại Tổng Lãnh sự tại Borneo yêu sách của ba công dân trên các đảo này cũng như việc họ kéo cờ Anh lên và do đó các đảo này thuộc lãnh thổ Anh quốc, trừ phi hoàng gia từ bỏ chúng một cách dứt khoát. Người Anh cũng khẳng định tàu đánh cá voi của Anh Cyrus đã phát hiện ra Spratleys vào năm 1843.

 

1.8. NHT: “Tuy nhiên, đây đều là các bằng chứng dựa trên sự chiếm hữu cá nhân. Chính vì vậy, vào năm 1939, Chính phủ Anh đã chính thức thông báo không duy trì yêu sách chủ quyền trên quần đảo Trường Sa”.

 

ĐKP: nguyên xi ở trang 64.

 

1.9. NHT: “Năm 1993, tác giả bài này đã có dịp tiếp xúc với tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ quốc gia Pháp, ký hiệu Mar. B 4/278, tr. 192-193 về cuộc khảo sát của Kergariou-Locmaria cùng bản đồ hành trình.

Căn cứ vào bản đồ và lời văn đây có nhẽ lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải, hai quần đảo này đã phân biệt rõ ràng (…)”.

ĐKP: tương tự ở trang 64 với chú thích1 về tài liệu không tiện dẫn ra đây vì tương đối dài như sau:

Nhưng, xem cuộc khảo sát của Kergariou - Locmaria cùng bản đồ hành trình của tác giả, căn cứ vào bản đồ và lời văn dưới đây có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải, hai quần đảo này đã phân biệt rõ ràng (…)(1).

[1 Tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ quốc gia Pháp, ký hiệu Mar. B 4/278, tr. 192-193]

1.10. NHT: “Phát hiện này đã bị lãng quên và trong các sách báo vẫn ghi nhận người Anh là những người đầu tiên phát hiện và ghi tên quần đảo Spratlys lên bản đồ thế giới”.

ĐKP: nguyên xi ở trang 64.

1.11. Đến đây, để kết thúc bộ đôi chuyên đề của mình, NHT dẫn thêm một tài liệu cổ với lời nhận xét rằng “Đại Nam Nhất Thống toàn đồ, in năm 1838 thời vua Minh Mạng đã thể hiện rõ sự thật lịch sử theo đúng nhận biết của các nhà hàng hải thời kỳ đó” thì ĐKP cũng đuổi kịp bằng chỉ dẫn tương tự được tán dài ra để khép lại một đề mục của sách: Bên cạnh đó, dưới triều của vua Minh Mạng, vào năm 1838, Phan Huy Chú, một nhân viên của bộ Công đã khảo sát, vẽ và xuất bản một bản đồ gọi là Đại Nam nhất thống toàn đồ… (tr. 66).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Kim Phúc (2012), Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện, Nxb Thời Đại, Tp. HCM.

2. Nguyễn Hồng Thao (2009), Sang xứ bò tót tìm dấu tích Hoàng Sa – Trường Sa, Tuanvietnam.net, xuất bản ngày 1.4. Nguồn:

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/sang-xu-bo-tot-tim-dau-tich-hoang-sa-truong-sa

3. Nguyễn Hồng Thao (2009), Theo dấu vạn lý Trường Sa trong các tư liệu cổ, Tuanvietnam.net, xuất bản ngày 3.4. Nguồn:

http://community.tuanvietnam.net/theo-dau-van-ly-truong-sa-trong-cac-tu-lieu-

co?print=1

 

 

 

 

 

Nguyễn Lục Gia
Số lần đọc: 3902
Ngày đăng: 21.09.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử khủng hoảng - Khổng Ðức
Hỏi – đáp về thời Âu Lạc - Nguyễn Văn Toàn
Từ hành hương đến du lịch – Khái lược lịch sử bản sắc - Đinh Lê Na
Dấu tích miếu thờ Nguyễn Hoàng ở Gio Linh, Quảng Trị - Nguyễn Hoàn
Đôi dấu vết lịch sử ở vài miền xa khuất - Trần Văn Nam
Câu chuyện về hoàng tử Miến Điện Myingun lưu vong ở Saigon - Nguyễn Đức Hiệp
Vị trí chiến lược vùng đất Hà Giang qua đánh giá của Nguyễn Công Trứ - Hồ Bạch Thảo
Cao Biền Một Nhân Vật Nhiều Huyền Thoại. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 4 - Nguyễn Văn Thành
Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó - Nguyễn Cẩm Xuyên