(PHẦN HAI)
[DẪN NHẬP: Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện là sách Lịch sử của tác giả Đinh Kim Phúc nhưng có tên trên Biên mục xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam ở thể loại sách Chính trị mang số hiệu 1276. Đây là một tập sách đã qua mắt được các cơ quan thẩm định và in ấn cùng khá đông đảo độc giả bởi sự sao chép của nó đối với nhiều công trình nghiên cứu có trước của các sử gia. Những sử gia phát hiện bị đạo sử trong sách này bước đầu nhận diện gồm có các tên tuổi: Nguyễn Hồng Thao, Nguyễn Nhã, Lãng Hồ, Hãn Nguyên, Quốc Tuấn; thậm chí ngay cả tác giả họ Đinh cũng sao y một số đoạn văn bản đã được trình bày trước đó ]
Tác phẩm sử học có nhiều sử đoạn sao chép từ các công trình nghiên cứu khác (ảnh chụp của tác giả).
Tập san Sử Địa số 29 (trang bìa phô tô) có đăng tải công trình nghiên của Hãn Nguyên (ảnh chụp của tác giả).
Luận án của TS. Nguyễn Nhã – trang bìa phô tô (ảnh chụp của tác giả)
Bài viết không đề cập vấn đề nào khác ngoài chủ đề đạo sử nói trên, dẫu có một số luận điểm hết sức khập khiễng. Những trích đoạn dưới tự dạng in nghiêng trong bài viết này lấy từ sách Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện (gọi tắt Luận cứ & Sự kiện) của Đinh Kim Phúc (gọi tắt ĐKP). Những trích đoạn từ các công trình khác được tái lặp nguyên xi trong ấn phẩm này sẽ không phải dẫn lại lần nữa.
2. Với Nguyễn Nhã trong luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
2.1. “Đã từ lâu, người Việt đã nói đến Biển Đông trong ca dao tục ngữ: “Thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn” hay “Dã tràng xe cát Biển Đông”. Người Trung Hoa thường gọi là Nam Hải…” (tr.3).
Có thể tìm thấy trích đoạn tương tự này trong ấn phẩm của ĐKP như sau:
Tên nôm na Biển Đông chứa đầy tình tự dân tộc được nhắc nhiều trong ca dao, phong dao và tục ngữ nước nhà.
Từ xa xưa, đồng bào ta có câu:
Đồng vợ đồng chồng, tát bể (biển) Đông cũng cạn
Hay:
Dã tràng xe cát biển Đông
… biển ở phía Đông Việt Nam đó cũng đã được Trung Quốc đặt cho danh xưng là Nam Hải… (tr.17).
2.2. “Năm 1494, Giáo Hoàng Alexandre VI đã dùng quyền lực tinh thần để phân các vùng ảnh hưởng trên thế giới cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sự phân chia này được chính thức hóa trong hiệp ước Tordesillas 1494. Do đấy, các đội thương thuyền của Bồ Đào Nha đã đi về phương Đông tức Ấn Độ và Trung Quốc. Bồ Đào Nha đã thiết lập một thương điếm ở Ma Cao (Trung Quốc) từ năm 1511 và biến Ma Cao thành thuộc địa từ 1557. Từ đó các thương thuyền qua lại Biển Đông và có những nhà hàng hải Bồ Đào Nha thám hiểm vùng Biển Đông trong đó có Hoàng Sa” (tr.51-52).
Trích đoạn này tìm thấy nguyên xi trong Luận cứ & Sự kiện ở trang 43.
2.3. “Sang thế kỷ XVIII, những cuộc khảo sát Biển Đông của các công ty Đông Ấn rất kỹ càng. Từ cuộc thám hiểm đo đạc của phái bộ Kergariou – Locmacria vào những năm 1778 – 1787 ở Biển Đông đã giúp cho người phương Tây hiểu biết rõ hơn, trung thực hơn, không còn lờ mờ và sợ hãi như những huyền thoại trước đây về Biển Đông. Các hải trình tương đối an toàn hơn, tuy họ không hề phủ nhận sự nguy hiểm và họa đắm tàu ở khu vực quần đảo Paracels.
Người Pháp qua các hoạt động của các giáo sĩ, thương gia nhất là từ khi giám mục Pigneau de Béhaine giúp Nguyễn Ánh về quân sự, đã bắt đầu quan tâm đến Việt Nam và kế thừa những hiểu biết của người Bồ Đào Nha, Hà Lan, đã biết rất rõ về nội tình chính trị Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài thời phân tranh cũng như khi thống nhất. Từ đó, người phương Tây mới biết rõ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Như thế, chính người Pháp mới bắt đầu cung cấp những tài liệu xác thực về sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (tr.54-55).
Không có một từ khác biệt nào của trích đoạn trên ở trang 52-53 trong Luận cứ & Sự kiện, trừ thuật ngữ “Biển Đông” được xem như một danh xưng riêng về địa lý biển mà ĐKP viết thành “biển Đông”.
2.4. Với tính cách là các nguồn tư liệu phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tác giả Nguyễn Nhã lần lượt chứng giải qua 6 nguồn tài liệu khác nhau từ trang 55 đến 60 mà chúng tôi chọn dẫn 2 trích đoạn trong số đó như sau:
“- Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
Các thư từ nhật ký của người Tây phương, trong đó có người Pháp, đã được tập hợp thành bộ “Lettres et Curieuses” của Archives des Missions Étrangères de Paris, Paris, 1838, 4 vols.
Trong tài liệu này, có nhật ký của chiếc tàu Amphitrite chở các giáo sĩ Pháp qua quần đảo Paracels vào năm 1701 ghi như sau (…).
- “Le Mémoire sur la Cochinchine” của Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1825), viết vào những năm cuối đời Gia Long (1816 – 1819) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.
Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1825) được vua Gia Long đặt tên là Nguyễn Văn Thắng, phong là Thắng Toàn Hầu, từng theo giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, đã thay J. M. Dayot vào cuối năm 1796 trông coi tàu Long Phi, có dự trận Thi Nại 1801, hoạt động ở Quảng Nam – Huế. Ông trông coi việc tiếp tế cho quân đội ở Phú Xuân (sắc ngày 16.3.1802).
Ông viết hồi ký nhan đề “Le Mémoire sur la Cochinchine” được A. Salles, một viên chức thanh tra thuộc địa công bố trên Bulletin des Amis du Vieux Huế, N02, Avril – Juin 1923, trong đó có đoạn viết…” (tr.55-56).
Còn đây là những gì có trong Luận cứ & sự kiện của ĐKP:
Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam(1).
Trong tài liệu này, nhật ký của chiếc tàu Amphitrite chở các giáo sĩ Pháp qua quần đảo Paracels vào năm 1701 ghi như sau (…).
“Le Mémoire sur la Cochinchine” của Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1825), viết vào những năm cuối đời Gia Long (1816 – 1819) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels(2). Ông viết hồi ký nhan đề “Le Mémoire sur la Cochinchine” được A. Salles, một viên chức thanh tra thuộc địa công bố trên Bulletin des Amis du Vieux Huế, N02, Avril – Juin 1923, trong đó có đoạn viết…
Trong đó, 2 chú thích ở cuối trang không có gì khác hơn là 2 sử đoạn trong luận án của Nguyễn Nhã tách ra:
1 Các thư từ nhật ký của người Tây phương, trong đó có người Pháp, đã được tập hợp thành bộ “Lettres et Curieuses” của Archives des Missions Étrangères de Paris, Paris, 1838, 4 vols.
2 Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1825) được vua Gia Long đặt tên là Nguyễn Văn Thắng, phong là Thắng Toàn Hầu, từng theo giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, đã thay J. M. Dayot vào cuối năm 1796 trông coi tàu Long Phi, có dự trận Thi Nại 1801, hoạt động ở Quảng Nam – Huế. Ông trông coi việc tiếp tế cho quân đội ở Phú Xuân (sắc ngày 16.3.1802) (tr.53-54).
2.5. Nhận định về giá trị sử liệu An Nam Đại quốc họa đồ, TS. Nguyễn Nhã viết:
“An Nam Đại Quốc Họa Đồ là một tài liệu phản ánh sự tổng kết những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc. An Nam Đại Quốc Họa Đồ là một minh chứng rất hùng hồn khẳng định một cách rõ ràng:
1. Paracels là địa danh mà người phương Tây chỉ quần đảo ở Biển Đông suốt thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX chính là Cát Vàng hay Hoàng Sa của Việt Nam. Trong bản đồ này có ghi chú “Paracels Seu Cát Vàng”. Tại Biển Đông không có đảo Hải Nam của Trung Quốc mà chỉ có đảo của Việt. Đảo ở khoảng vĩ độ 170 Bắc và kinh độ 1110 Đông, có vẽ một số đảo (bằng một số dấu chấm) và ghi hàng chữ “Paracels Seu Cát Vàng”. Từ Seu (tiếng La Tinh) = “có nghĩa là”, Cát Vàng (tiếng Nôm) tức là “Hoàng Sa” (tiếng Hán Việt). Paracels = Cát Vàng = Hoàng Sa, là một khẳng định rõ ràng nhất quán chứ không phải suy diễn như Tây Sa của Trung Quốc.
2. Trong bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ không ghi đảo Hải Nam hay bất cứ đảo nào của các nước láng giềng và chỉ ghi “Paracels Seu Cát Vàng” mà thôi, chứng tỏ Paracels Seu Cát Vàng nằm trong lãnh thổ của An Nam Đại Quốc hay Đại Việt.
3. Địa danh Paracel ghi bên cạnh những chấm đánh dấu các đảo ở khoảng vĩ độ 160 Bắc (ngang vĩ độ của Tư Dung – Thừa Thiên) lên đến vĩ độ 170 Bắc khoảng Cửa Tùng (Quảng Trị) và kinh độ 111018 Đông. Điều này đã phản ánh sự hiểu biết về Hoàng Sa của người phương Tây đã rất chính xác và Hoàng Sa không còn chung với quần đảo Trường Sa nữa” (tr.57-58).
Thật bất ngờ vì toàn bộ ý kiến mang tính cách cá nhân của vị học giả này đã mặc nhiên hiện hữu trên nguyên một tranh sách của nghiên cứu viên ĐKP (tr.55).
2.6. Trong một đề mục có tên “Tiếp tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1909 đến nay”, thời kỳ từ năm 1909 đến năm 1945 được TS. Nguyễn Nhã trình bày qua các trang từ 95 đến 108 với chuỗi sự kiện phong phú về mặt sử liệu, trong đó đoạn kề cuối như sau:
“Ngày 4 tháng 4 năm1939, Bộ Ngoại Giao Pháp gửi một công hàm phản kháng quyết định của Nhật và khẳng định các quyền của Pháp. Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 4 năm 1939 tại Hạ Nghị Viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp.
Do nhu cầu lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, Nhật đã nhanh chóng chiếm vào năm 1938 đảo Phú Lâm (Ile Boisée) và đảo Itu-Aba (Ba Bình) của Trường Sa vào năm 1939. Mãi đến ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa” (tr.107).
Trong Luận cứ & Sự kiện ở phần đề mục “Chính phủ Pháp ở Đông Dương có liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trong giai đoạn 1909 – 1945 hay không?”, ĐKP tuy có làm mới một số tài liệu nhưng chuỗi sự kiện và cốt lõi nội dung mà tác giả đưa ra để minh chứng từ trang 142 đến 163 vẫn không khác mấy so với luận án của Nguyễn Nhã. Trích đoạn bên trên của TS. Nguyễn Nhã được tái hiện trong ấn phẩm Luận cứ & Sự kiện như sau:
Nhưng với ý đồ chiếm giữ Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 4.4.1939, chính phủ Pháp gửi một công hàm phản đối chống lại các quyết định tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản và đề nghị cùng chọn giải pháp trọng tài. Công hàm bị phía Nhật từ chối. Cần nhắc lại rằng, Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5.4.1939 tại Hạ Nghị viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc về nước Pháp…
Do nhu cầu thiết lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, năm 1938, Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm và năm 1939 đánh chiếm đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Cho đến ngày 9.3.1945, ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa (tr.162-163).
3. Với Hãn Nguyên trong chuyên khảo “Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ”
3.1. “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Đồ Thư là một cuốn sách gồm 4 quyển, trong mỗi quyển có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải, do nho sinh họ Đỗ Bá, tên tự là Đạo Phủ soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653. Theo H. Dumoutier, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ đã vẽ theo những chi tiết thâu lượm vào cuối thế kỷ 15, khi vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) thân chinh đi đánh Chiêm Thành.
Sử liệu này cho ta thấy danh xưng chữ Nôm “Bãi Cát Vàng” đã xuất hiện trong tài liệu xưa nhất còn lưu truyền đến ngày nay. Danh xưng Hoàng Sa về sau mới được thông dụng.
Sau đây là phần phiên dịch đoạn văn đề cập tới Hoàng Sa trong “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ”… (tr.115-116).
Trong 3 khổ dẫn nhập về tài liệu Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư này, Luận cứ & Sự kiện đều giữ nguyên, trừ đoạn “Theo H. Dumoutier… Chiêm Thành” ở khổ thứ nhất và cụm từ “phiên dịch” ở khổ thứ ba bị giản lược (tr.81).
3.2. “Phủ Biên Tạp Lục là tên một bộ sách do Lê Qúy Đôn viết tại Phú Xuân (Huế) khi ông được vua Lê chúa Trịnh phái đi trấn nhậm Thuận Hóa, Quảng Nam vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 7 (1776)…
Đây là một tài liệu tương đối tả thật chi tiết về quần đảo Hoàng Sa, mà trước chưa hề thấy có tài liệu nào còn được lưu truyền.
Hai đoạn văn sau đây liên quan mật thiết với Hoàng Sa được trích dịch và in lại cả nguyên tác…” (tr.118-124).
Phần trích lược trên đây kể cả các đoạn dẫn liệu tái hiện nguyên xi trên ấn bản Luận cứ & Sự kiện, chỉ thiếu mỗi cụm ý sau cùng “được trích dịch và in lại cả nguyên tác”, bởi toàn bộ các trích đoạn tài liệu từ Phủ biên tạp lục, tác giả ĐKP đều gạt bỏ phần nguyên tác mà chỉ lấy phần phiên dịch (tr.82-86).
Cho dù trong phần đề mục “Hoàng Sa trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn”, ĐKP có chú thích rằng “Xem Tạp san Sử Địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa. Trích trong bài: Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Hãn Nguyên. TS. Nguyễn Xuân Diện hiệu đính và bổ sung một số đoạn” (tr.82), nhưng không hề thấy tác giả đề cập rõ xuất xứ các trích đoạn trong tác phẩm của mình.
3.3. “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là một công trình biên khảo lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam từ xưa đến gần thời đại của tác giả…
Dư Địa Chí là một loại chí đầu tiên trong 10 loại chí của bộ sách…
Dư Địa Chí từ quyển 1 đến quyển 5… Chính trong quyển 5 này, ở phần đạo Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa (ở giữa đạo Quảng Nam). Hầu hết phần nói về phủ Tư Nghĩa là Hoàng Sa, chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa (Quảng Nghĩa) hồi bấy giờ.
Sau đây là phần phiên dịch đoạn văn nói về Hoàng Sa ấy…” (tr.125-128).
Còn đây là phần tái chế trên phiên bản của Luận cứ & Sự kiện trong đề mục có tên “Hoàng Sa trong Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt địa dư chí (1833)”:
Lịch Triều hiến chương loại chí là một công trình biên khảo lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam từ xưa đến gần thời đại của Phan Huy Chú.
Trong quyển 5, ở phần đạo Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa (ở giữa đạo Quảng Nam). Hầu hết phần nói về phủ Tư Nghĩa là Hoàng Sa, chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa (Quảng Nghĩa) hồi bấy giờ.
Sau đây là đoạn văn nói về Hoàng Sa… (tr.86-88).
Tên đề mục nói trên vốn nằm trong chuyên khảo của học giả Hãn Nguyên và Hoàng Sa được mô tả khá kỹ trong sách Hoàng Việt địa dư chí (tr.129-131). Có lẽ vì chỉ lo cắt tỉa tài liệu mà ĐKP quên mất sự bất nhất của mình, bởi quyển 5 được đề cập không phải của Lịch triều hiến chương loại chí nói chung mà là của Dư địa chí cũng như vấn đề chủ quyền về Hoàng Sa trong sách Hoàng Việt địa dư chí hoàn toàn không được bàn đến.
Cùng đó, các tài liệu chữ Hán khác được học giả Hãn Nguyên chọn làm minh chứng cho chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, gồm Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử cương giám khảo lược, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu (từ tr.131 đến 145) đều bị tác giả ĐKP hành xử tương tự như vậy (từ tr.88 đến 95).
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Kim Phúc (2012), Hoàng Sa – Trường Sa: luận cứ & sự kiện, Nxb Thời Đại, TP. HCM.
2. Nhóm chủ trương Tập san Sử Địa (1975), “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa, số 29, Nhà sách Khai Trí Bảo Thọ, SG.
3. Nguyễn Nhã (2002), Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.