Tháng Sáu về, nắng chói chan. Nghe con gái thủ thỉ :
- Đi Saigon chơi không Ba ?
- Thiệt không ?
- Quyên nghỉ phép, Ba đi với Q cho vui. Lo cho Ba từ A tới Z, Chịu không?
Lời con gái nghe dịu ngọt, dễ thương chi lạ. Làm sao có thể từ chối đươc chứ.
- Khi nào đi, con?
- Cuối tháng, Ba chuẩn bị nghe.
- Ok! Nhứt con.
Tôi đến thành phố Hạ vàng lòng lâng lâng vui sướng chi lạ. Nghỉ ngơi cho lại sức sau chuyến bay, tôi tận dụng ngay thời gian, bước ra khỏi khách sạn, lang thang trên đường phố Saigon chiều tháng sáu
Khói chiều!
Không phải khói lam chiều trên những mái nhà tranh, len lỏi trên những ngọn cây cao làm ngẫn ngơ bao tâm hồn lãng mạn những buổi chiều về. Đây tôi nói về những luồng khói phì phò tuôn ra từ những ống pô xe máy, ô tô to, nhỏ đang chen chúc nhau trên những con đường phố Saigon.
Người từ thành phố khác đến như tôi cứ run rẫy, vụng về, nhảy nhót trên vỉa hè, không biết phải đi cách nào cho đúng. Mỗi xăng-ti-met vỉa hè là không gian riêng của ai đó. Họ tự cho mình cái chủ quyền trên những xăng-ti-mét mình chiếm dụng, mặc kệ khách bộ hành muốn đi thế nào, tùy.
Tôi trở lại Saigon sau năm năm, vẫn vậy. Ồn ào, náo nhiệt, hối hã. Con người, xe cộ và cả những sô nước bẩn vèo ra đường. Lách trái, lạng phải, nhảy lên, tụt xuống không biết bao nhiêu lần mới đi hết con đường Lê thị hồng Gấm. Lên vỉa hè sợ đổ bàn, đổ ghế mà xuống lòng đường lại sợ xe máy nó “tai” cho một phát uổng phí mấy ngày rong chơi.
Ba giờ chiều, một lần nữa tôi liều cuốc bộ đi thăm chợ Bến Thành. Len lỏi giữa những bàn ghế, thúng mũng trên đường Ký Con tôi lãnh ngay một sô nước rửa vào căp giò ốm yếu tội nghiệp. Không có lời xin lỗi dành cho tôi, lặng lẽ quay về khách sạn tắm rửa, thay áo quần rồi lại bước ra chọn con đường khác mà đi. Đang phập phù, phơ phất bỗng nghe tiếng xe máy gầm sau lưng. Phóc một cái tôi nhảy lên lề đường, ngã chúi nhụi vào cái bàn máy may đang để sát vỉa hè của ai đó đang may tấm bạt to đùng. Một chú tóc dài ngang vai, có khuôn mặt và nhất là hai con mắt Bùi Giáng, tay cầm cái kéo nhọn hoắc chạy đến:
- Hai lúa…hử!
- Không…chú! Xin lỗi! Tui…Tám lúa! Tôi lắp bắp, mặt xám ngoét.
Lấm lét như có ý nhận lỗi. Tôi cúi xuống gỡ sợi dây ny lông đang quấn vô chân rồi lặng lẽ lui dần ra ngoài lề đường nhưng mắt vẫn trân trân nhìn vào bàn tay cầm cái kéo đang nhứ nhứ về phía tôi.
Ba hồn, chín vía thằng tôi!
Rồi cũng được đứng trước ngôi chợ nổi tiếng. Loay hoay mãi bên này mà không biết phải làm sao để băng qua đươc bên kia, cuối cùng đánh liều bước xuống đường, len lỏi giữa vô cùng xe cộ ngược xuôi. Lúc đó trông tôi giống như con cừu non lạc giữa đàn bò di cư trong rừng thưa châu Phi.( cái này tôi xem trên TV)
Tôi, một công dân lương thiện sống trong thành phố một triệu dân. Môt phần mười trong số dân đó là người Đà Nẵng chính gốc. Tôi ở trong cái số một trăm ngàn đó, vậy mà đến Saigon vẫn cứ mấy chục lúa.
Chơi sang, tôi lên taxi về Suối Tiên thăm bạn. Ngồi trên ghế sau, thỉnh thoảng chồm người lên liếc nhìn cái đồng hồ tính tiền, chữ số cứ lướt đều, lướt đều. Khi con số vượt qua năm trăm (ngàn đồng), huyết áp tôi bắt đầu tăng theo, dụi mắt bảy tám cái để nhìn lại cho rõ, hóa ra không phải. Không phải năm mà là sáu, trời ạ. Tim tôi bập bùng đánh theo vũ điệu mang hình chữ Z. Vậy mà cậu tài xế trấn an tôi trước khi chạy là đâu khoảng ba xị là cùng.
Taxi vòng vèo tìm nhà bạn. Nhìn đồng hồ tính tiền nổi bật con số bảy xị mốt, mắt tôi như nhìn thấy đủ loại sao trên trời dù buổi chiều Suối Tiên nắng chang chang.
P. từ trong bước ra đón chúng tôi.
Ngôi nhà của bạn rất đẹp, vừa mới xây xong trước tết nên còn mới cứng. Tôi một vòng tham quan ngôi nhà, mừng cho bạn.
Uống xong ly nước cam vắt vợ P. mời, tôi gọi cho thằng bạn khác:
- Hê lô! Mi. Đang ở gần mi đây. Chạy đến đương…số…nhé !
Mười lăm phút sau V. đến ( tên thằng bạn Đà Nẵng ). Tưởng đâu có một buổi chiều êm ả bên những thằng bạn học lâu niên, kể chuyện vui thời áo trắng. Ngờ đâu, khi trông thấy ông bạn Đà Nẵng bước vào nhà, P. kẹp ngay chai rượu vào nách, rủ cả bọn ra quán cho mát mẽ khiến cô vợ chưng hửng. Tôi nghĩ, có lẽ P. đánh hơi được mùi rượu mến yêu thoát ra từ người V. nên khi nhìn thấy bạn của bạn mình, P. sáp vào ngay như bạn tri kỷ lâu năm.
Hơi ái ngại nhưng tôi không thể không đi theo được. P chọn một quán gần bờ sông, gió riu riu mát mẽ thật nhưng nhìn chai rượu P. đem theo cái đầu tôi nóng ran.
Bốn tiếng đồng hồ ngồi chịu trận với hai thằng bạn học cũ. Riêng P. và V. găp nhau tuy mới lần đầu nhưng khắt khít, vui vẻ như cá găp nước, như bù hóng gặp đèn đường. Hai ông này lao vào nhau, nhanh chóng hòa tan với nhau như sô đa hòa với rượu. Trên trời, dưới đất đủ thứ chuyện, tôi nghe bên này lọt qua bên kia, không hiểu hai ổng nói cái gì.
Nhân vật chính hôm nay là tôi. Còn hai người kia là bạn. Một ông Khánh Hoà nơi tôi trọ học hai năm. Một ông học chung với tôi từ lúc nhỏ. Vậy mà hai ông bạn thân mến xem tôi không tồn tại trong quán ven sông này. Hết nhìn con tắc kè bò bụi tre lại nhìn xuống dòng nước đầy lục bình lững thững trôi.
Bị kẹp giữa hai thằng bạn học lâu ngày mới găp, chịu trận đến đây là quá đủ nên đứng dậy ra quầy, gọi con bé tính tiền : “ Nhiu”, bé ?
Đứng chờ năm phút, con bé phán :
- Bảy trăm tám , chú.
Tôi rút ví lấy hai tờ” lá mít”, mỗi tờ năm trăm, tay run rẩy đưa cho cô bé. Không một giọt rượu nào mà sao mặt tôi nó phừng phừng.
Không uống một giọt mà say bốn tiếng đồng hồ. Bốn con tôm, bốn lon sô đa. Đi đứt tám xị.
Cuối cùng rồi cũng lôi được hai ông bạn ra khỏi quán. V. về nhà, còn tôi được P. quăng lên sau xe. Mùi rượu nồng nặc từ người P. phủ đầy mặt tôi. Ra đến Quốc lộ tôi không còn bình tĩnh nữa:
- Lạy ông! Cho con xuống đón ta-xi về..Hai đứa con thơ đang chờ con ở khách sạn..
- Ông cứ yên tâm ngồi yên, tui chạy chậm thôi, đừng lo. Không đưa ông đi đến nơi thì cũng phải …về đến chốn chứ.
- Không nón bảo hiểm Công an phạt răng, ông?
- Khỏi lo! Đến ngã ba tui mua.
Trời đất ơi! P. mua mũ bảo hiểm thật, tôi vùng vằng :
- Ông cho tui đón ta-xi về, phiền ông lắm.
- Phiền gì đâu! Tôi chở ông đến cầu Saigon rồi đi đâu, tùy ông.
Tôi đuối lý. Ngồi sau xe chỉ dám thở nhè nhẹ, sợ hơi thở của mình làm lạc tay lái thằng bạn. Tư thế luôn nghiêng về bên phải để chuẩn bị… phóng. Xe máy, xe tải, ta-xi, đầu kéo một đống hỗn loạn, nhích lên từng xăng ti met, P. cho xe chạy vào cái đống hỗn độn ấy như để thách thức thần kinh của thằng tôi. Hơi nóng, mùi khen khét phả vào mặt làm cho tôi muốn xỉu. Cái bánh xe to đùng cọ sát vào vai khiến tôi phải rùng mình. Nó to đến nỗi bốn thằng như tôi có thể nằm lọt phủm nhẹ nhàng. Lạnh sau gáy, nóng trong đầu. P vừa nhích cho xe chay lên, vừa quay đầu thao thao bất tuyệt nhưng tôi có nghe được gì đâu. Tâm trí tôi bây giờ chỉ còn biết đoạn đường trở về với tư thế nhấp nhổm sẵn sáng bay vào lề đường bất cứ lúc nào. Chẳng biết cái cầu Saigon cứu tinh của tôi đang ở nơi mô, nhìn qua vai P. mà thăm thẳm đường về.
Thoát ra đươc bầy khủng long container, P. chạy như bay, tiếng gió qua tai vù vù như sấm chớp. Tôi co rúm người, lỡ leo lên lưng cọp rồi, thôi thì phú số mạng cho trời định đoạt!
Thoáng thấy chiếc xe có đèn hiệu TAXI trên mui, tôi đập vai P.
- Taxi kìa! Ông đón dùm ta xí!. Cho tui xuống đây đươc rồi. Phiền ông quá.
- Gần đến cầu Saigon rồi, tôi chở ông đến nhà ông B. chơi tí.
- Thôi,Thôi! Tui lạy ông! Cho tui về với con đi ông. Khuya rồi.
-Không vô thì thôi. Ngồi im tui chạy!
- Cám ơn ông! Rứa chạy đến cầu Saigon rồi cho tui xuống nghe. Tôi nhỏ nhẹ với P.
Chạy thêm một đoạn nữa, P.nói với ra sau:
- Đến nhà ông L. chơi đi. Nhà L. đó..đó,.. vô hẽm..đó..
- Thôi, thôi. Ông cho tui về với …con ! Tội tui ông ơi!
Tiếng gió rít rẹt rẹt hai bên tai. P. phóng như điên. Hai tay ôm bụng bia của bạn, hai đầu gối kẹp chặt yên xe. Tôi nhắm mắt niệm Phật A Di Đà!
Cuối cùng rồi tôi cũng thoát được P. với nửa lít cồn trong người. Bước xuống xe, bắt tay cám ơn P. rối rít. Tôi dại cái chổ bắt tay này. P.nắm chặt tay tôi rung hoài không chịu nhả ra. Say mà! Cẩn thận gỡ từng ngón tay, làm sao để ông bạn say không nỗi giận mới là điều khó khăn. Cuối cùng cũng lìa xa được mấy ngón tay như sắt ấy. Tôi mừng rơn. Từ từ lùi vô bụi cây gần đó. Khi P. đã leo lên xe tôi mới vui mừng nói với theo. Cám ơn bạn đã tiếp đón và hẹn ngày gặp lại. Nói ngoại giao vậy thôi, chứ gặp kiểu như vậy lần nữa chắc tôi chết. Tôi thở phào nhẹ nhỏm nhưng tấm thân gầy guộc, da bọc xương của tôi liêu xiêu trên đôi giò khẳng khiu như muốn khuỵu xuống. Hai đầu gối đánh vào nhau nghe lốp cốp.
Ngủ li bì đến tám giờ sáng.
Suốt đêm mơ màng như đang bay trên những con quái vật container. Mơ thấy chúng đang đối đầu nhau gầm gừ, chuẩn bị sáp lá cà, rồi lao vào nhau. Cuối cùng những con yếu đuối hơn bỏ chạy như ma đuổi.
Chiều ra quán café ngồi đợi bạn, tôi thầm thì một mình. Đâu cũng không bằng nhà minh.
Ngày cuối.
Tôi nhớ nhà, nhớ cái cái thành phố của tôi như trẻ con.
Chị T. gọi :
- Trưa về chị ăn cơm nha X. Có cô Đ., T.H, Thân và Thành nữa.
- Dạ, mười giờ em đến.
Buổi cơm trưa nhà chị Thủy thật ấm cúng, mọi người cùng ôn lại chuyện ngày xưa, nhớ lại từng kỷ niệm nhỏ nhất. T.H kể ngày đi học được nhiều chàng “để ý” nhưng tuyệt nhiên không nói gì về ngày đó có yêu ai không, có dành trái tim mình cho ai đó? Tôi không rõ lắm vì ngày đi học tuy cùng “lứa” nhưng T.H không cùng “hệ” với tôi nhưng tôi có ý nghĩ rằng H. đã chôn kín một chuyện tình, phải vậy không H.?
B.Đ.Nam say sưa với tình yêu dành cho một kiều nữ tên K. Chuyện tình của N. tôi biết rất rõ vì ngày đó hai thằng chơi chung với nhau. N. chết mê, chết mệt cô nàng với bài ca bất hủ riêng N. “NẾU MỘT NGÀY”.Mỗi đêm lên quán café Dung mọi người bị tra tấn vì bài hát này cả chục lần. Sau này tôi và N. đi lính cùng một khóa và cùng đi thi tú tài IBM đầu tiên, tôi may mắn hơn N. trong kỳ thi năm đó.
Riêng chị Thủy, chẳng ai biết được ngày đó chị có yêu ai không vì chúng tôi là lứa đàn em của chị, nhưng tôi biết chắc sau lưng chị ngày ấy ít nhất cũng…tiểu đoàn.
Riêng tôi, thằng học trò lãng mạn.”Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì.”
Gần đến giờ ra sân bay, lòng tôi bồi hồi xúc động nhìn mọi người trong luyến tiếc, muốn được ngồi lại thêm tí nữa để nói những điều mà tôi chưa kịp nói với mọi người. Rằng tôi sẽ nhớ lắm. Tôi xin phép mọi người ra về. Qúa vội vã tôi quên mất hai điều. Thắp cho Liên nén nhang và từ giã Thành, chồng Liên.
Năm giờ ba mươi chiều. Ba cha con yên vị trong lòng chiếc máy bay, cô tiếp viên hàng không thông báo:
- Vì thời tiết xấu, máy bay sẽ cất cánh sau mười phút nữa…
Không phải mười phút như đã thông báo mà đến hai tiếng đồng hồ ù tai vì tiếng rì rì của động cơ máy bay, mới nghe được tiếng cô tiếp viên :
- Cơn bão vừa đi qua thành phố nên máy bay không thể cất cánh được…
Trời đất, cơn bão vừa đi qua trên đầu mà tôi nào có biết. Hèn chi thấy máy bay nó chòng chành. Thôi đành quay về lại khách sạn.
Vừa ra khỏi công sân bay được đoạn ngắn, thấy một em taxi Vinasun bị ông cây da sấu đè tức thở. Tài xế đưa hai tay chống trần, còn hai ông khách bớ làng kêu cứu. Ta-xi chạy lòng vòng tìm đường thoát, tài xế vừa chạy vừa liếc trên cao, sợ mấy ông xà cừ bật gốc bất tử. Cuối cùng rồi cũng về lại được khách sạn.
Đội mưa tuôn vào khách sạn như con mèo ướt.
Cả đêm thấp thỏm, chập chờn vì sợ trể chuyến bay trở về. Ba giờ sáng thức dậy , bấm điện thoại, nghe Khánh Ly hát Phôi pha của Trịnh.” Thôi về đi…”
Tôi quay về mang theo nhiều niềm vui, tấm lòng của bạn bè và một chút buồn.
Sáu giờ sáng. Tôi chào tạm biệt Hòn ngọc viễn đông.