Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.223
 
Thiền thơ hay thơ thiền (II)
Võ Công Liêm

              gởi chị: Thiên Hương Chu Kim Hải.

 

     Nghe qua tưởng là đồng nghĩa của một thể loại thơ. Bởi khi nói Thiền là nói đến tu tập, luyện khí công dồn tâm trí vào tĩnh lự và niệm; nhưng trong hồn thiền chứa những bất ngờ, đánh động từ mê sang tĩnh, từ giác sang ngộ và từ đó phát sinh ra công án. Công án và thơ Thiền không dính dáng gì với nhau, nhưng gần nhau trong cảm thức gọi là trực ngộ hay còn gọi là khai ngộ tức nhận ra được những cảm thức sâu lắng của tâm hồn. Nhưng đứng trên cương vị thơ thì Thiền Thơ hay Thơ Thiền đều được coi là thơ của thiền. Đa dạng! Ngữ ngôn Tây phuơng thì chỉ có một từ độc nhất là nói lên ý lẫn lời của Thiền. Nói rộng ra Thiền thơ xử dụng như phương tiện thiện xảo; bởi thơ Thiền lấy từ tâm, một tâm như nhiên như đạo vậy ’vô tâm thị đạo’, một tâm bình thường là ở giữa hữu và vô của vô ngôn để thành thơ; vì thế thiền thơ là giác, là biết, là thức tỉnh. Thi tứ của thiền thơ là nói về cảnh giới nơi chưa dấy động mà chỉ là cửa mở của tâm thức để đi tới con đường không có cửa (vô-môn-quan / truth is a pathless land (Krishnamurti). Thiền thơ đòi hỏi cái không-tánh là buông thả để hiển lộ tâm như trong thơ; vì thế công án thiền là ẩn tàn còn thơ thiền là giác giới để hiển lộ từ tâm. Nói chung đã là Thiền thơ thời bất luận tông phái nào trọng tâm là khai mở trí tuệ. con đường rộng mở, cái đó một phần đạt tới chân lý tánh không trong thơ. Lấy thí dụ bài kệ của Mãn Giác Thiền sư (1052-1096): ’Tạc Dạ Nhất Chi Mai’ là bài thơ nói đến tánh-không và được coi là dòng thơ văn học Thiền. Cái lối diễn tả thơ thiền của sư là ngoại giới đánh động nội tâm chớ tâm không vọng động để tức cảnh như người làm thơ bình thường. Cái tinh xảo của thơ thiền là trực chỉ chân tâm không thông qua một kinh điển nào hơn. Cái quáng chiếu vào thơ thiền phải là vô-tâm. Dòng thơ thiền vượt biên ra khỏi mọi hệ thống, thơ thiền không còn là phạm trù kinh điển mà nó ra khỏi ở cõi ngoài của ngôn từ, cõi ngoài đó chính là cõi hữu và vô đều quyện trong thi ca của Thiền. Cho nên ngôn từ của Thiền là ẩn dụ không cần nghĩa mà cần ý sâu xa và bao hàm như một lý giải của thơ; đó là trực giác của thiền tính.

Vậy; thi ca Thiền là gì? –What is Zen poetry? Là thơ phát xuất từ những tu sĩ Thiền hoặc có thể thành thơ Thiền của những người chịu ảnh hưởng Thiền hoặc có thể do từ ái mộ những nhà thơ có những rung động về Thiền để rồi từ đó gọi là Thiền Thơ hay Thơ Thiền. Nói chung nó không còn đứng riêng ngoài phạm trù khác mà gọi chung là Thi-ca-Thiền.

 

Dòng thi ca này thường lan trải ở các nước Đông Nam Á nhất là Thiền phái . Nhưng; phải xác định thế nào là thiền thơ một cách cụ thể. Thơ của Thiền có những hạn chế tự nó làm mất đi những sáng tạo phát tiết trong dòng thi ca thiền của các vị sư tu học, kể luôn cả những gì làm lạc hướng đường thơ thiền. Thiền sư làm thơ bằng những biến loại rộng lớn của kinh nghiệm, chớ không phải tất cả thơ là phải dựa qua thiền tính mới đúng nghĩa thơ thiền. Cảm tác thơ thiền không đòi hỏi phải có vị Thiền mới thành thơ Thiền; nhà thơ Nhật Bản Sogi hiểu Thiền, nhận được Thiền và nếm được vị Thiền nhưng không tu Thiền như những tu sĩ Thiền mà vẫn có những bài thơ thiền tuyệt cú. Ngoài ra có một vài nhà sư Trung Hoa và Nhật Bản làm thơ Thiền tất cho chúng ta ý nghĩ về sự thật của Thiền Phật giáo là một tư duy trong sáng, một chân lý tánh không thuộc giáo phái Thiền. Trái lại có một vài nhà thơ lừng danh Trung Hoa và Nhật Bản có chút duyên với Thiền cho nên xuất thần những bài thơ Thiền đọc lên tợ như kệ (thiền thơ); không phải họ hiến dâng cả cuộc đời đó cho Thiền cũng không vì tu thiền hay ẩn sĩ thiền mà làm nên Thiền thơ. Thông thường những nhà thơ nổi tiếng đời Đường và đời Tống như Vương Duy và Tô Đông Pha là những thi bá vẽ đậm nét về chất Thiền trong thơ và những bài luận giải về phương pháp tu học Thiền; dù họ không nhìn Thiền như những người tu Thiền. Còn vô số những dẫn chứng khác nói lên tính chất thơ Thiền như một Thiền thơ. Thí dụ: nhà thơ trữ tình Bạch Cư Dị rất ưu ái với Thiền, nhưng nhà thơ đem thơ ra để giải bày tâm tư hay tạo niềm vui giữa cái thời hỗn mang thế sự và việc rao giảng về ngọn nguồn triết thuyết nhân sinh đã đem lại nhiều lợi ích hơn là nghĩ đến tâm như nhiên của Thiền thơ và gần như loại trừ những ngôn từ dính dáng qua dòng thi ca Thiền.

 

Trong khi đó có một số nhà thơ Nhật Bản hầu như gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp về thơ.

Tiêu biểu nhà thơ Bashõ nổi tiếng qua những bài thơ Thiền; nhưng rõ ràng những bài thơ Bashõ làm ra không những chỉ do từ nguồn cảm tác của Thiền mà vốn đã có hồn Thiền. Bashõ là nhà thơ độc lập dù có ảnh hưởng đôi phần về Thiền. Tuyệt hảo làm nên thơ của Bashõ là chuộng vào một thứ nghệ thuật ‘thơ và chữ’ của thể loại ‘hokku’ và ‘haiku’ một thể thơ ngắn mang tính chất ngụ ý, ám chỉ (the short allusive verses) cho nên mỗi khi nói đến thể loại này người ta thường nhắc đến tên Bashõ như thể Thiền thơ. Ngoài ra; Bashõ còn trải rộng ra một phong cách khác trong thơ thiền-kú; bên cạnh đó có những bậc sư lừng lẫy cùng thời  cũng xây dựng thể loại thiền-kú đó là ‘hokku’ như: Buson, Issa nhưng thơ họ không gần tinh thần Thiền như Bashõ. Cái nhìn của Hokku và Thiền đều là hai bề mặt của đồng tiền (sấp ngửa, ẩn tàng) nhưng hoàn toàn lạc hướng của thiền tính.

 

Có thể nói rằng thơ của Thiền đáng lưu ý nhất là những nhà thơ Trung Hoa và Nhật Bản.

Họ là những Thiền sư hoặc những ẩn dật cư sĩ còn sống giữa đời nay vẫn tiếp tục ‘nhập hồn’ Thiền thi. Bài thơ nổi tiếng của Hàn Sơn; ‘Núi Lạnh ‘(Cold Mountain) là bài thơ nói về Thiền tính, ảnh hưởng lớn qua nhiều thế hệ của những Thiền sư thi sĩ Nhật. Đáng chú ý nhất là thi sĩ ẩn dật Ryokan. Có rất nhiều thi sĩ Thiền còn ăn ở nơi tu viện, thường lấy thơ của Gozan làm tiêu đề như hệ phái của ‘Ngũ Hành Sơn / Five Mountain’; nhóm thi nhân này thường khi mô tả trong thơ với trọng tâm hướng tới tâm như nhiên của Thiền như một tập quán để thành thơ thiền. Ảnh hưởng khác, bởi; Thiền là một cơ cấu chịu ảnh hưởng lớn qua nhiều phương hướng tư duy của thi nhân Trung Hoa và Nhật Bản để viết lên thơ hoặc cảm nhận từ thơ của thiền mà thành thơ thiền của chính mình.

 

Thi nhân Vương Duy; tin rằng mạch nối của thơ có tầm ảnh hưởng mạnh giữa đốn ngộ siêu thoát của Thiền – a strong connection between the sudden enlightenment of Zen. Vương Duy nhận thức được điều đó như một ‘giác’ đánh động tâm như thức tỉnh của nhà thơ khi nhận thức được thi ca là một nghệ thuật thực có – the true art of poetry. Nhờ nhận biết được thế nào là Thiền thơ; Vương đã làm nên những tuyệt tác trong thi ca. Tuy nhiên  với những nhà thơ khác vẫn còn có những mâu thuẩn nội tại, chỉ có một ít tương quan đến Thiền chớ chưa hẳn hoàn toàn có tính chất Thiền thơ hoặc thoáng vào đó một cái gì kỳ lạ mà thôi!(slightly bizarre). Kinh nghiệm thiện xảo của thiền thơ là thức tỉnh!

 

Dựa vào những yếu tố nêu trên; ở đây chúng ta có thể tìm thấy một số nhà thơ phản ảnh những hình ảnh, chất liệu và cái lóng lánh của Thiền thơ (facets of Zen poetry) mà chúng ta lần lược bắt gặp trong quá khứ cũng như một số nhà thơ rãi rác khắp nơi đều chất chứa ít nhiều thể tính Thiền trong thơ; không những phổ biến rộng ở các nước Á châu mà ngày nay khắp nơi trên thế giới đều có một thẩm quan thơ mang nặng chất thơ của Thiền. Thiền thơ giờ đây trở thành một thứ văn chương Phật giáo dù rằng thể loại này thường rất khó để lãnh hội thấu suốt ý thơ, bởi; nó không có một cái gì phổ quát và một chú giải trong sáng cho ý thơ. Cuối cùng chỉ thu nhận ở Thiền thơ một ý nghĩa về thiền-đốn-ngộ là một giải thoát viên mãn bằng một buông thả với những gì cưỡng chế của lý lẽ và tập quán, và; bởi một siêu lý giới hạn của ngôn ngữ. Thiền đôi khi được coi là một giá trị cố hữu cho một cái gì xa xôi vô tưởng (remoteness), một cái gì bắt nguồn từ công án (koan) hoặc từ những câu đối đáp vô nghĩa của sư phụ với tu sinh qua những lời lẽ trêu ghẹo, chọc giận. Có lẽ; từ những động vọng đó đem lại một ý thức thức tỉnh trong Thiền thơ?

 

Vào Thiền thơ tức là vào cửa thiền, là đi vào Cửa-Không. Vậy Cửa-Không là gì? Là cửa phá chấp để vượt qua cõi vô minh ; những nhà thơ thiền làm thơ với một nội lực như-nhiên không vướng đục, tâm phải trong để nhập vào cửa vô-tâm, vô-sư của Vô-Môn-Quan nhận thức được như vậy thì người làm thơ Thiền đạt đến Chỉ và Quán thời trí tuệ mới bừng sáng, lời và ý thơ mới siêu thoát. Thiền thơ hay kệ là tự thức, là ‘giác’ thì bài thơ mới đến với tánh-không, tánh-giác, bởi ; Vô-Môn-Quan là vô hình tướng. Thơ của Thiền đặc trọng tâm vào điểm nầy. Lấy thí dụ bài kệ của Lục tổ Huệ Năng chỉ vỏn vẹn 4 câu, 5 chữ là bài kệ lấy tâm truyền tâm đúng tôn chỉ đốn ngộ của Thiền phái :

 

‘Bồ-đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai ?’

 

(Bồ-đề vốn không cây

Gương sáng cũng chẳng đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi bặm ?)

Ngần ấy đủ cho chúng ta thấy lời kệ trở thành kinh không cần qua một giáo điều nào hơn, ý và lời trọn gói tâm như nhiên nhà Phật. Bởi chữ ‘Bồ-đề’ là giác và ‘Hà xứ nhạ’ là trần gian. Đấy là tâm phân biệt của Thiền sư, phân biệt giữa sai biệt và vô sai biệt. Là thể tính của Thiền thơ !

Đọc bài ‘Tạc Dạ Nhất Chi Mai’ của Thiền sư Mãn Giác để thêm một nhận định thâm hậu của Thiền thơ là cốt tủy của chân như của tánh-không :

 

‘Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa lai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai’

 

(Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt, việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một cành mai.) (Ngô Tất Tố dịch)

Qua hai bài kệ trên của hai vị Thiền sư đã cho thấy Thiền thơ đều làm nên từ cái vô-tâm, bởi có đi từ vô-tâm mới có một cái tâm vô-lượng tức là bước vào cửa Thiền. Trong thơ của Thiền thường bao hàm một hiện thể trước mắt, đôi khi nghe như mơ hồ, như ẩn chứa một cái gì giữa Có và Không, có được một hồn thơ vô-tâm thì mới vựt được đạo ; đó là đạo của Thiền vậy ! Thiền thơ còn nói lên khái niệm không gian, thời gian tợ như sát-na biến dịch vô cùng tận, chuyển hoá  hay trường tồn đó là tâm-như-nhiên của Thiền sư đứng trước vũ trụ con người để hoà nhập vào vũ trụ thi ca Thiền.

Thơ của Thiền cho chúng ta một cảm nhận sâu lắng, đưa tâm hồn vào cõi vi vu, thanh tịnh, vượt thoát mọi trạng huống để hòa vào một tình thế của tĩnh lự… Thơ Thiền chói sáng đầy sinh động, trực chỉ là phẩm của thiền thơ ; đó là những gì qúy hiếm tồn trữ trong chất Thiền để cấu tạo thành thơ. Yếu tố khác ; thơ Thiền không phải nói lên cái giá trị bày tỏ mà có thể ở đây không còn là phương tiện chuyển tải cái gì của Thiền –exalted writings could not convey of Zen. Bởi ; Thiền nhân không phải là Thiền sư. Mà ; là người đã có tâm Thiền gọi là thiền tính cho nên tâm như của nhà thơ phát tiết những gì là vô-lượng-tính của con người, thông đạt đạo và đời. Nước ta có Nguyễn Trãi không phải là người tu thiền nhưng tư chất đã là Thiền, Người là con người binh pháp, văn chương bốn bể một tài năng đa dạng, một bày tỏ rộng mở, nồng nàn của một thiền nhân đã chất chứa những gì thanh tao, vi diệu của một tâm hồn Thiền thơ. Một tri nhận thoát tục , một ý thức tự nhiệm để bước vào cửa-thiền của nơi cửa-không ; đó là khí thế của Thiền nhân với một tâm như nhiên khi đối diện với thiên nhiên :

TRẠI ĐẦU XUÂN ĐỘ

‘Độ đầu xuân thảo lục như yên

Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên

Dã kính hoang lương hành khách thiểu

Cô chu trấn nhật các sa miên’.         

 

(Đầu bến cỏ xanh trông như khói

Lại thêm mưa xuân nước như vỗ vào nền trời

Con đường giữa cánh đồng vắng lặng, không người đi

Một con thuyền cô quạnh ghếch lên bãi cát ngủ suốt ngày)

 

Một bài thiền thơ khác của Nguyễn Trãi ; lời thơ không khác mấy của Mãn Giác Thiền sư đều có một âm vang thức tỉnh trước thiên nhiên, xa trần tục mà chỉ cảm nhận bằng một tri thức vô-sư giữa người và vật, một tri nhận ví phỏng thân phận vô-vi trước cuộc đời :

 

MỘ XUÂN TỨC SỰ

(Nhĩ Nhã : khổ luyện tam nguyệt khai hoa / phương hương mãn đình)

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,

Môn ngoại toàn vô tục khách lai.

Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão,

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

 

(Sách Nhĩ Nhã nói : Tháng ba cây xoan nở hoa / mùi hương thơm đầy sân)

Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn,

Tục khách không ai bén mảng gần.

Ra rả cuốc kêu xuân đã muộn,

Hoa xoan mưa bụi nở đầy sân. (Mai Quốc Liên dịch)

 

Nhìn chung hai bài Thiền thơ trong ‘Ức Trai Thi Tập’ của Nguyễn Trãi không có gì khác nhau, cả hai nhận ra được một thực thể tối cao giữa thiên nhiên và con người là tâm-điạ, ở đây tâm-điạ nói lên bản thể của sự và vật giữa nội quan và ngoại quan vì thế giới hình tượng chỉ tạo tác bởi tâm. Cho nên chi thiền tâm xét hình tượng xẩy ra chính ở tâm mình ; đó là cửa ngõ đi vào vô-tâm của Cửa-Không. Đấy là kinh nghiệm sống của thi nhân, kinh nghiệm đó luôn luôn biến đổi nhưng tất cả tinh thần đó không phải chỉ là kinh nghiệm trôi chảy mà bên trong theo Thiền tính vẫn có cái gì vướng vít ít trôi chảy hơn mà đòi hỏi một tâm như nhiên thì Thiền tâm mới bền vững, tức cần có Giác, Chỉ và Quán. Dung dịch hoà tan trong Thiền thơ của Nguyễn Trãi có một ít chất Phật ẩn tàng trong đó : Đốn và Tiệm, vì rằng ; Đốn là hốt nhiên tức ngộ được, Tiệm là tiệm thức của trí tuệ, hợp cả hai mới trực ngộ. Nhìn như thế tức là nghịch lý với Huệ Năng ở chỗ ‘Pháp vô Đốn Tiệm’ . Mãn Giác Thiền sư và Thi bá Nguyễn trãi cơ bản do tâm phát, tất đến được Chân-Không thì mặt trời trí tuệ mới bừng sáng. Vì vậy Thơ của Thiền là một tổng thể quy nạp từ tâm của Vô-Môn-Quan mà thành hình Thiền Thơ chớ không nhất thiết phải có Thiền mới thành thơ.

Như đã nói ; Thiền thơ được trọng dụng ở Trung Hoa và Nhật Bản là một thể loại thường được phổ biến, tuy hạn hẹp nhưng dần dà ăn sâu vào quần chúng nhờ mang một chất sắc an nhiên, không giới hạn mà tất cả cảm hứng phát ra từ một chân như có thực, cảm nhận sâu sắc với vũ trụ vì vũ trụ thi ca Thiền là một hội nhập tương quan có thực, bởi ngoài không gian và thời gian không có chi thực ngoài một ý thức lịch sử. Trang Tử cho rằng trời đất có mặt cùng lúc với ý thức về ta (Thiên điạ dữ ngã tịnh sinh) do đó ở những Thiền sư, những ẩn sĩ mang tư chất của Thiền trong ý thức giác ngộ để thay đổi nhãn giới về vũ trụ sự vật ; đó là công phu tu tập của những nhà thơ Thiền và người ngoài Thiền. Với Trung Hoa có vô số thi sĩ Thiền sư, ẩn sĩ Thiền như Trương Kế, Vương Duy, Đỗ Phủ …hầu hết mang tính chất Thiền tính trong thơ. Ở Trung Hoa thơ của Thiền thường nghiêng về Trung Quán luận cho nên thi sĩ Thiền  đưa vũ trụ thi ca vào vũ trụ hư vô, bởi mọi vật đều là hư không (sunyata) do đó Thiền thơ được coi như Ngộ là nhận biết ; nghĩa là không phải tìm thấy cái gì ở chỗ nào trong không gian, thời gian mà thực hiện tự tâm, tất cả không vĩnh cửu thường hằng mà cũng không hư-vô gián đoạn. Ngộ là gì ? là thức tỉnh hốt nhiên ; đó là cái nhìn của thiền nhân Trung Hoa khi nhận biết, tức thực nghiệm trực tiếp sự kiến tánh, thấy được bản thể tự tại tức vượt ra khỏi ngã để đi vào chân-không. Thiền thơ Trung Hoa đòi hỏi ngộ trước cảnh trong tĩnh lặng mà sinh động, siêu việt mà tiềm tàng bằng một dự phóng thoát tục. Bài thơ Thiền của Trương Kế phản ảnh được một cái tâm vô-ngã như nhiên :

 

PHONG KIỀU DẠ BẠC

‘Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền’.

 

ĐÊM ĐẬU THUYỀN BÊN BẾN PHONG KIỀU

Trăng tàn tiếng quạ kêu sương,

Thuyền chài đèn sáng rọi thương khách buồn.

Hàn Sơn chùa ấy xa buôn,

Nửa đêm chuông thỉnh tiếng buồn xa xăm. (Nguyễn Danh Đạt dịch)

 

Giòng Thiền Trung Hoa trôi chảy thênh thang từ khi mở đầu Đường Thi Tam Bách Thủ (Ba trăm bài Đường thi hay nhất) Ở đó; vô số thi nhân Thiền lừng danh với một truyền thống kinh viện Đông phương. Trong số thi nhân chuộng Thiền phải nói đến Vương Duy là một đại diện sốt sắng nhất mỗi khi nói đến Thiền thơ Trung Hoa, bởi thơ Vương Duy là biểu tượng truyền thống thi ca Đông phương , hơn nữa Vương Duy là một trong ba đại thi hào kiệt xuất thời thịnh Đường (Lí Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy) đồng thời Vương là đại thi nhân trong lịch sử thi ca nhân loại. Ông còn là một danh họa, tổ sư thiền họa thủy mặc Nam phương. Thơ và tranh của Vương Duy đi đúng hướng của Thiền phái, vì rằng: thơ Đường là thể loại thơ cô đọng nhưng giàu ý tứ nhất là thể tuyệt cú. Thơ Thiền Vương Duy cô đọng, dung dị, phớt mỏng như thủy thái họa, do đó Tô Đông Pha đã phát lời với Vương Duy: ‘trong thơ có họa, trong họa có thơ’. Bài thơ tuyệt cú của Vương Duy: ’Khúc Hát Vị Thành’ là bài thơ lừng danh, biểu hiện bằng một trí tuệ như nhiên du nhập giữa không gian và thời gian, giữa tình người và cảnh vật bằng một ý tứ sâu sắc dành cho một cuộc tiễn đưa:

 

VỊ THÀNH KHÚC

‘Vị thành triêu vũ ấp thanh trần,

Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.

Khuyến quân cánh tẫn nhất bôi tửu,

Tây xuất Dương Quan vô cố nhân’.

 

KHÚC HÁT VỊ THÀNH

(Sáng nay mưa ướt Vị thành,

Liễu xanh quanh quán khách đành ngẩn ngơ.

Xin người cạn chén bơ vơ,

Kẻ đi người ở bao giờ gặp nhau?)  (Nguyễn Danh Đạt dịch)

Thơ, họa của Vương Ma Cật vô số kề, mỗi lời thơ, mỗi chấm phá đều chứa đựng chất Thiền, đọc lên thấy thanh thoát lạ thường; thậm chí người ta không nghĩ ông là giòng dõi trâm anh thế phiệt, là một quan Thượng thư mà nghĩ Ma Cật là một Thiền sư hay ẩn sĩ Thiền.

Ngoài Vương Duy ra chúng ta gặp gở thi bá khác: Đỗ Phủ. Ông có cái nhìn khác với Vương Duy, không nghiêng về thiên nhiên trầm lắng hay thiền định trước cảnh quang sông nước, mà nhìn vào thế sự nhân sinh, Đỗ Phủ hoà vào thơ bằng một tâm sinh lý để diễn tả tình và lý của con người, trong mọi tình huống giữa cuộc đời đang sống, Đỗ Phủ nhìn đời bằng con mắt của người tu, không chấp ngã nhưng lấy thơ để lồng ý như một lời mai miã, thi tứ có tính cách khiêm ái của kẻ sĩ, giọng thơ của Đỗ Phủ là tiếng cảm thông giữa con người với con người, nhưng vẫn mang tính chất lạc quan, vô vi ảnh hưởng phép tu của Lão Tử. Trong bài thơ’ Tặng Hoa Tướng Quân’ Đổ Phủ dùng chữ ‘Khanh’ là nhấn mạnh vào chức vụ của bạn, khí thế của người quân tử biết phẩm trật để xử thế:

 

TẶNG HOA KHANH

‘Cẩm Thành ti quản nhật phân phân,Bán nhập giang phong bán nhập vân.

Thử khúc chỉ ứng thiên thượng hữu,

Nhân gian năng đắc kỉ hồi văn’.

 

TẶNG HOA TƯỚNG QUÂN

(Cẩm Thành dìu dạt tiếng tơ

Nửa bay theo gió, nửa chờ mây trôi

Khúc này thượng giới có thôi,

Trần giang thử hỏi mấy hồi được nghe!)  (Nguyễn Danh Đạt dịch)

Ba nhà thơ Trung Hoa nêu trên là điển hình cho một thể loại Thiền thơ với một tâm thức thoát tục để đi vào con đường không-cửa; nơi đây họ gặp nhau trong một tư duy tính-không, không trói buộc bởi ngoại giới mà phát động bởi tâm như, lối miêu tả đó có tính nhân sinh, nhưng trong cõi thơ Thiền mục đích duy nhất là đánh bạt cái ngã tư duy để đi vào cái vô ngã thường hằng của vũ trụ, đặc biệt vũ trụ thi ca Thiền. Trong Thiền Trung Hoa là một tổng hợp của các giáo phái chớ không nhất thiết tùy thuộc vào Thiền để thành thơ.

 

Thơ Đỗ Phủ đã tác động đến những thi sĩ Thiền và Thiền sư Nhật Bản. Về đạo thì ảnh hưởng theo các Thiền sư Trung Hoa; đáng kể hơn là dòng Thiền Tào Động (Tsao Tung) Nhật Bản do Thiền Sư Dogen tức sư Đạo Nguyên sáng lập. Cho nên trong Thiền thơ của Nhật có ít nhiều âm hường Thiền thơ Trung Hoa. Nhưng chủ yếu thơ Thiền Nhật Bản như biểu lộ bất ngờ của công án Thiền, hầu hết những nhà thơ Thiền Nhật lấy cảnh thiên nhiên để dung hoà Đốn và Tiệm khởi từ một tâm linh hiện thực, theo Tào Động Nhật thì lấy cái vắng lặng để tỉnh thức mà đem tâm vào cái sự ‘ưng vô sở trụ’ để xa lià chấp trược, động vọng bởi; Thiền thơ Nhật Bản cốt để lãnh hội được tức không cần đi qua một lý giải nào khác hay dựa vào kinh điển, mục đích là kiến tánh ngay cả việc độc thoại hay pháp thoại trong ngữ ngôn của công án: đều kích động từ tâm; yếu tính này rất vi tế. Lý do cụ thể thi nhân đứng trước cuộc đời, vũ trụ và nhân sinh thường có một tư duy hữu và vô. Thiền Nhật đưa hư vô vào thơ như một sự lý mơ hồ để có một cảm nhận phát ra từ tâm, được hay không được (être ou ne pas être / to be or not to be) . Cuối cùng Thiền sư và Thiền nhân nhìn vạn vật vũ trụ là biến thiên vô lường ‘Có, không, không, có / Có rằng không, không rằng có, cũng ừ!’ (Vô danh thị). Cho nên chi Thiền chỉ nhắm vào công phu, tu tập tất cả tập trung trong tinh thần, thể xác, lý trí và ý chí là khởi động từ tâm thức để đả thông một cái gì giữa vô thức và ý thức để đi tới một tư duy vượt thoát và tìm thấy tự do của một tâm như nhiên; trong sáng, không vướng tục, bởi thế; Thiền Nhật là biện chứng của sự sống thực nghiệm với một tâm thân chuyển động từ ngoại giới đi vào nội giới bằng cửa ngõ vô-môn-quan đó là thực tại sống động toàn diện. Qua hai nhà thơ dưới đây cho ta một ý niệm sâu lắng giữa người và vật, vì rằng; Thiền thơ Nhật nhìn sự kiện là một trực giác về thực tại tuyệt đối. Trực giác là một chứng nghiệm của tâm. Tức là tâm-như-nhiên. Thiền thơ Nhật thường xây dựng qua thể Haiku, mà trong thơ Haiku đọc lên gần giống như công-án không như một thể thơ. Có người cho rằng Haiku không phải là Thiền thơ. ‘Có phải Haiku là thể thơ Phật giáo không? Gốc của Haiku là của Phật giáo’(Dr. D.T. Suzuki). Vì vậy thể thơ Haiku là ‘đặc sản’ của Thiền Nhật Bản đặc biệt Bashõ, Ryõkan và Isaa…và vô số nhà thơ khác để lại nhiều Thiền thơ lừng danh thế giới :

 

THƠ: BASHÕ MATSUO

(Tổ thể thơ Haiku. Bashõ không phải là Thiền sư mà Hành giả Thiền)

 

HOA CÚC TRẮNG

‘ Hoa cúc trắng ngần

Nở ngay trước mắt tôi

Không mảy may hạt bụi’.   (Thiên Hương CKH dịch)

(Shiraghiku no

Me ni tatete miru

Chiri mo nashi)

 

MÙA THU

‘Trên con đường này

Người đi không thấy bóng

Mùa thu về tối nay’.            (Thiên Hương CKH dịch)

(Konomichi ya

Yuku hito nashi ni

Aki no kure)

 

THƠ: RYOKAN

(Thiền sư trong nhóm Thiền Soto. Một con người nghiêm túc với cuộc đời vô vi ẩn dật)

 

KÝ ỨC

‘Bạn thân yêu tôi

Bạn cùng tôi từng lời mật ngọt,

Lâu lắm, đêm thu ấy

Tự nó sống lại

Năm tháng đã âm thầm trôi đi

Đó là đêm còn trong ký ức tôi’.   (VCL dịch)

MEMORY

(My beloved friend

You and I had a sweet talk,

Long ago, one autumn night.

Renewing itself,

The year has rumbled along,

That night still in memory).        ( Chuyển sang Anh ngữ bởi Nobuyuki Yuasa).

 

Nói rút lại; Thiền Thơ hay Thơ Thiền không phải là Thiền thơ Phật giáo mà đó là cửa để đi vào tánh-không tất cũng chẳng riêng ai, cũng không phải Thiền sư và cũng không phải là Thiền nhân mà chỉ là phát ngôn của vô-tâm, vô-sư và vô-ngôn và không còn một ngữ ngôn nào để thay thế lý siêu nhiên trước cửa-không của Vô-Môn-Quan. Và; cũng chẳng còn một lý giải nào ngoài một tâm-như-nhiên để đạt tới chân-không trong và ngoài của con người. Bởi; cốt tủy thơ của Thiền là: Giác, Chỉ, Quán đó là thể tính Thiền. Thơ Thiền là một thể loại thơ như mọi thể loại khác. Nhưng Thiền thơ có một cõi riêng: sâu lắng và kín đáo, trong sáng và gợi hình của một triết lý tính-không; vì tất cả là KHÔNG của cái gọi là vô-phân-biệt là chân-như-nhiên của thể thơ Thiền.

 

 (ca.ab. halloween 10/2013)

 

SÁCH ĐỌC:

-        ‘Bình và Chú giải 100 bài thơ Đường’ của Nguyễn Danh Đạt. NXB Văn Nghệ. Tp HCM. VN 1999.

-        ‘Thiền Học Việt Nam’ của Nguyễn Đăng Thục. NXB Thuận Hóa. 1998.

-        ‘Thiền – Jiddu Krishnamurti’ by Evrlyne Blaud. Penguin Arkana. NY. USA 1975.

-        ‘Matsuo Bashõ:’Thi sĩ Thiền giả và Haiku’ của Thiên Hương Chu Kim Hải. TGXB. 2007 USA.

BÀI ĐỌC THÊM: Những bài viết của võcôngliêm trên mạng báo và báo giấy hoặc email.

      -     ‘ Thiền Thơ hay Thơ Thiền (I)

-        ‘Thiền ,Thơ trong Thi ca’

-        ‘Thể Tính Thiền’

-        ‘Haiku. Tanka và Renga . Ba Thể Thơ Truyền Thống Nhật Bản.

-        ‘Krishnamurti . Tâm Thức Vô Sư.

-        ‘D.T. Suzuki. Nhân Cách và Sự Nghiệp’

-         

CHÚ THÍCH: (Theo diễn trình trong bài).

 *    Mãn Giác Thiền Sư: (1052-1096).Người làng Lũng Triền, An Cách. Gốc họ Nguyễn. Cha là Hoài Tố làm quan nhà Lý. Ông tu học Phật nhất là Thiền-Na. Họ chính là Lý; được vua phong hiệu là Hoài Tín. Lý Hoài Tín. Đời vua Anh Vũ Chiêu Thắng (1976-1084) dâng biểu xin xuất gia. Mãn Giác đi tu ở chùa Quán Đính.

·        Krishnamurti: (1895-1986) Triết gia, hành giả. Sanh ở Ấn Độ chết ờ Mỹ.

·        Thiền sư Nhật Bản Sogi (1421-1502). Không rõ hành trạng. Chỉ biết tu Thiền thuộc dòng Thiền Tào Động.

·        Vương Duy: (?701-761) Dòng dõi trâm anh. Một trong những thi nhân nổi tiếng đời Đường (618-907) Kiêm luôn thi hoạ nặng tính chất Thiền. Yêu người và thiên nhiên.

·        Tô Đông Pha:(1037-1101)Thi hào đời nhà Tống.Thiền sư Nhật ảnh hưởng thi tứ TĐP coi ông có trí tuệ Phật học.

·        Bạch Cư Dị: (772-856) nổi tiếng với tên Bồ Cư Dị. Đọc trại thành Bạch. Là nhà thơ lớn đời Tống. Cả đời dâng hiến cho Phật giáo. Qua nhiều thơ, kinh ,kệ sáng giá. Được ngợi ca là nhà thơ giàu tình cảm.

·        Buson: (?-?). Thi sĩ Nhật Bản. Chỉ nhắc tên và thơ. Không để lại ngày sanh tử

·        Hàn Sơn: (Thế kỷ 8).  Ẩn sĩ do đó có tên là Hàn Sơn (Cold Mountain) là nơi ông đã sống và chết ở đó.

·        Ryokan: (1758-1831). Ông là nhà thơ nổi danh ở Nhật. Thuộc trường phái Soto, sống ẩn dật, không mô tả được cuộc sống, bất thường vì vậy có biệt danh ‘Đại Khùng’(Great Fool).Tuổi thanh niên đã yêu nữ tu sĩ Phật. và ngày nay coi ông là nhà thơ lớn của Nhật.

·        Lục Tổ Huệ Năng: (638-713) Tổ Thiền thứ 6 là dòng Thiền ở Trung Hoa được ghi nhận là chính thống giáo sử. Nổi danh kinh:Pháp Bảo Đàn Kinh(The Platform sutra).

·        Nguyễn Trãi: (?1380-1442).Quê quán ở Chi Ngãi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Một danh nhân Việtnam. Văn võ toàn tài. Làm quan tới chức Hành Khiển, gần bên vua Lê. Ông để lại nhiều tác phẩm vĩ đại. Lừng danh sông núi với hịch: ‘Bình Ngô Đại Cáo’ về sau chết oan!

·        Lão Tử: (sanh đầu thế kỷ thứ 6). Cùng thời Khổng Tử. Triết gia. Người thành lập Lão giáo ở Trung Hoa. Với bộ kinh lừng danh: ‘Đạo Đức Kinh’.

·        Trang Tử: ( Thế kỷ thứ 2 Trước. TC. Không rỏ sanh, tử) Chỉ biết tên thường gọi Chu (Zhou). Sắc tộc Mường. Thuộc tỉnh Hà Nam. Trung Hoa. Trang Tử còn là nhà thơ.

·        Trương Kế: (742-756). Quê Tương Châu. Nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Đỗ tiến sĩ và làm quan ở Giang Nam.Yêu thiên nhiên. Nổi tiếng với bài thơ: ‘Phong Kiều Dạ Bạc’.

·        Đỗ Phủ: (712-770) Quê Huyện Củng nay thuộc Hà Nam. Là; nhà thơ hiện thực . Tác phẩm của ông phản ảnh tính nhân sinh. Một cuộc đời truân chuyên , gia cảnh nghèo. Ra làm qua với chức phận nhỏ. Những tác phẩm thơ của ông để đời qua nhiều thế kỷ.Trung Hoa coi Đỗ Phủ là thi bá trong văn học sử.

·        Lý Bạch: (701-762) Quê tỉnh Tứ Xuyên. Là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Hoa. Tên thực là Lý Thái Bạch. Ông là con người phong lưu, hào phóng. Ông làm quan đời vua Huyền Tông, chức Hàn Lâm.

·        Dogen: (1200-1253) Nghiên cứu Phật học. Tu học ở Trung Hoa; trở về Nhật thành lập nhóm Thiền Soto.Là trong ba hệ phái tu Thiền ở Nhật. Thơ Dogen phổ biến rộng và được coi tổ Thiền. Có công lớn đối với văn chưng Nhật.

·        D.T. Suzuki : (1870-1966) Giáo sư Đại học quốc tế. Được phong tặng bác sĩ luật danh dự(1959) Nhà văn , biên luận Phật giáo. Khuynh hướng Thiền. Làm việc ở Viện Hà Lâm Nhật(1949). Sống nhiều ở Mỹ và chết ở Nhật.

·        Matsuo Bashõ : (1644-1694) Được coi là thi bá của Nhật Bản. Bashõ không phải là Thiền sư. Ông là thi sĩ hành giả. Bashõ là bút hiệu Mái Chuối (banana hut / basho an) Chủ xướng thể thơ Hokku. Thơ Bashõ để lại nhiều thể loại hokku và haiku.. Nói đến Bashõ người ta thường nghĩ là thi sĩ Thiền. Thơ ông nặng tính Thiền.

 

TRANH VẼ : ‘ Thu Không / MT Autumn’ Trên giấy cứng. Khổ 12’X 16’. Acylics+ Mixed Combine. Vcl 2013.

 

                                            

  

  

     

Võ Công Liêm
Số lần đọc: 5211
Ngày đăng: 05.11.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thực ra chúng ta là gì? (What are we, Really?)- Phần I. - Nguyễn Hồng Nhung
Viết về cách mạng 1956 ở Hungary - Nguyễn Hồng Nhung
Chân dung cái Đẹp (3) Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học –3 (tiếp theo kỳ 2) - Bùi Đức Hào
Thơ: cách tân hay cách điệu? - Nguyễn Khôi
Ghi lại thời gian và phong cách thi ca hiện đại - Võ Công Liêm
Đạo văn hay cắt dán trong mê sảng? - Chân Phương
Thi ca & cảm tính - Khaly Chàm
Hóa thân của Franz Kafka (II) - Võ Công Liêm
Nguyễn Hàng Tình – kẻ ĐÀO TẨU HOANG VU. - Nguyễn Tấn Cứ
Nguyễn Hoàng với bài học vượt qua hiểm họa, dựng xây nghiệp lớn - Nguyễn Hoàn
Cùng một tác giả
Lệ (thơ)
Đĩ về hưu (truyện ngắn)
Không dám mô (truyện ngắn)
Người Khách Lạ (truyện ngắn)
Đêm Màu Hồng (truyện ngắn)
Jazz (thơ)
N Ụ (truyện ngắn)
Thi sĩ và thiếu nữ (truyện ngắn)
Ka ra ô kê (truyện ngắn)
Người treo cổ (truyện ngắn)
Chút tình còn lại (truyện ngắn)
Thể tính thiền (tiểu luận)
Cụm hoa cúc sao (truyện ngắn)
Lời ru (thơ)
Thể tính thiền (tiểu luận)
Đi chơi xa (truyện ngắn)
MA-YÔ-CA* (truyện ngắn)
Hy Lạp (tiểu luận)
Phương thức (tiểu luận)
Đất lạ người quen (truyện ngắn)
Vào với thơ (tiểu luận)
Một chuyến đi Tây (truyện ngắn)
Cho Tôi (thơ)
Hư vô phản kháng (tiểu luận)
Đi tìm thú vui (tiểu luận)
Nẻo về của Ý (tiểu luận)
Đi vào cõi thơ (tiểu luận)
Thi ca đương đại (tiểu luận)
Vi diệu pháp kinh (tiểu luận)
Thiền Nhật Bản (tiểu luận)
Đam mê (thơ)
Sa mạc (thơ)
Cho tôi (thơ)
Dòng sông đêm (truyện ngắn)
Chơi chữ (tiểu luận)
Bạn văn và tôi (truyện ngắn)
Đạo phật (văn hóa)
Ngày cuối của Yên (truyện ngắn)
Định niệm (nghệ thuật)
Cuồng si (truyện ngắn)
Ung thư thiền (tiểu luận)
Chân dung tự họa (nghệ thuật)
Truyện rất ngắn (truyện ngắn)
Ý thức vũ trụ (nghệ thuật)
Người khách lạ (truyện ngắn)
Thân tâm nhà Phật (tiểu luận)
Chuyện lan man (truyện ngắn)
Socrates (tiểu luận)
Sư ông (truyện ngắn)
Điêu khắc Mỹ (tiểu luận)
Tình câm (truyện ngắn)
Du Tử Lê và Tôi (tiểu luận)
Văn chương là gì (tiểu luận)
Đại dịch (tiểu luận)
Kẻ ăn mày (truyện ngắn)
Tư tưởng (tiểu luận)
Mẹ ơi (thơ)
Phân tâm học (tiểu luận)
Thanh cao là gì? (nghệ thuật)
Làm thơ (tiểu luận)
Vẽ đàn bà (hội họa)
Làm văn (tiểu luận)
Tu thiền (tiểu luận)
Nội trú (truyện ngắn)
Cảm thức (tiểu luận)
Phật pháp là gì? (tiểu luận)
Sát na (thơ)
Holy cow (thơ)
Xem tranh (tiểu luận)
Chung một cuộc tình (truyện ngắn)
Chay mặn (truyện ngắn)