Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.224.991
 
Một bài văn “độc đáo” về tình thầy trò, tình bạn!
Nguyễn Nguyên Phượng

Tản mạn vui nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11:

 

Một.

       20 tháng 11.

      Ngày lễ hội tri ân Thầy Cô và cán bộ, nhân viên trong ngành sư phạm tận tâm hết đời mình cho sự nghiệp trồng người.

       Ngày lung linh những hoa và hoa ngập tràn hương sắc – hương tình “tôn sư trọng đạo”.

      Ngày ngân nga những ca khúc về mái trường, về thầy cô, về bè bạn…về những rung động đầu đời của một thời áo trắng …

                -  Khi Thầy viết bảng/ bụi phấn rơi rơi…

                 Em yêu phút giây này/ Thầy em, tóc như bạc thêm/ bạc thêm vì bụi phấn/ đã cho em bài học hay…(Vũ Hoàng)

              -   Trống trường giục em ơi đừng bước vội

                  Đừng bỏ ta giữa cát bụi phố phường

                 Cho ta về với tuổi ngọc yêu thương

                 Nơi cất giữ quãng đời tươi đẹp nhất…(Tình thơ áo trắng – Nguyễn Nguyên Phượng)

       Và những ngày này khó mà đếm kể hết Thơ, Văn, Ca khúc được đọc, được ngâm, được hát  trong ngày hội tri ân dứoi bao mái trường trên cả nước, trên báo, đài  những bài viết đăng trên các diễn đàn mạng.

       Tôi lại bắt gặp một  bài văn thú vị, độc đáoHoàng Anh đưa tin trên VTC News ngày 15/11 “ Bài văn ngoài sức tưởng tượng, dân mạng thích thú”.

     Ngay sau khi được chia sẻ trên mạng, bài văn đã thu hút gần 100.000 lượt người xem và bình luận.

      Một kỉ lục đáng ghi nhận! “Tác giả” của bài văn là một học sinh Phổ thông , Vũ Tường An (Vũ Trường Ân ?). Bài văn do chính người mẹ là bà Nguyễn Hằng đưa lên mạng( Lộ diện nam sinh viết bài văn ngoài sức tưởng tượng – Theo Trí Thức Trẻ, 16/11/2013). Số điểm được giáo viên chấm bài cho 7,5 điểm, xem ra khá phù hợp với “chất lượng” bài viết. Điểm độc đáo chính là sức tưởng tượng của “tác giả” – học sinh Vũ. Cậu từ mặt trăng viết thư thăm bạn học ở mặt đất, lớp 9A1 trường THCS Trần Phú – Hải Phòng sau 20 năm xa cách! Cô giáo Hiền chấm bài và cả bạn đọc đã bật cười khi đọc lá thư này.

      Bài văn được sáng tạo bởi trí tưởng tượng phong phú của một học sinh khiến giáo viên cũng phải bật cười. Tuy chưa xác định rõ nguồn gốc của bài văn này nhưng cộng đồng mạng cho rằng điều đó không quá quan trọng bởi bài văn hết sức thú vị, khiến người đọc phải bật cười. (Hoàng Anh)

     Theo yêu cầu của đề bài, “ Tưởng tượng 20 năm sau, một ngày em về thăm trường, viết thư cho 1 người bạn cùng học ngày ấy kể lại buổi thăm trường này”. Nhìn tổng thể  bài văn chẳng 20/11 chút nào! Văn phong lẫn chữ viết cũng bình thường thôi, nếu không nói có nhiều chỗ lủng củng chưa đúng ngữ pháp. Nhưng nội dung thư của cậu học trò – tác giả  này lại rất dễ thương và chân thực về kỷ niệm của tuổi học trò nhất quỉ, nhì ma, về hương hoa sữa nồng nàn; về người thầy cũ đã cống hiến thầm lặng bốn thập kỉ khi cậu gặp lại đã qua tuổi 70 đầu nhẵn thín không còn một sợi tóc! Cậu khát khao, mơ ước  ngôi trường cũ được hiện đại hóa lên cao 100m, sáu tầng có khu liên hợp thể thao…Như chính cậu đang sống trong một biệt thự của thành phố thứ 3 trên mặt trăng, đã nhận giải thương Nô – ben Hòa bình và về thăm trường cũ bằng phi cơ riêng! Quả là người viết có sức tưởng tượng phong phú …gần như bịa.

Hai.

      Để tường tận, ta cùng nhau đọc lá thư từ mặt trăng của “tác giả” Vũ Tường An đang gây “hot” trên mạng.   

                              Bài văn có nội dung như sau:

 Đề bài: Tưởng tượng 20 năm sau, một ngày em về thăm trường, viết thư cho 1 người bạn cùng học ngày ấy kể lại buổi thăm trường này.

Bài làm:

Mặt trăng, 12 tháng 6 năm 2033

Khánh thân mến!

Tớ viết thư này trước hết là để hỏi thăm cậu, cậu dạo này có khỏe không?

Cuộc sống của cậu như thế nào? Có gì đặc biệt không? Nghe nói vẫn chưa có vợ à, phải cố gắng lên, sắp 40 rồi đấy. Tớ dạo này vẫn khỏe, cuộc sống của tớ rất tuyệt vời lắm.

Cậu có biết thành phố thứ 3 trên mặt trăng không? Tớ có một biệt thự ở khu ngoại ô trên ấy, hàng năm cứ cuối hè tớ lại lên đấy chơi cùng với gia đình, nhắc mới nhớ, tớ cưới vợ được gần một năm rồi. Vợ tớ xinh lắm, mặt không tì vết. Gia đình tớ sống rất tốt. Hiện tại, tớ đang trên phi cơ riêng bay sang Anh để tiếp xúc cùng các đại biểu cấp cao của Liên Hợp Quốc.

Cách đây ba hôm, khi đang trên đường sang Mĩ để giải quyết một số việc quan trọng và nhận giải thưởng Nô-ben về hòa bình, tớ có dừng lại ở Hải Phòng - nơi mà hồi nhỏ anh em mình còn học ở đây. Tớ về chính ngôi trường Trần Phú từ thuở nào, ngày nay nó đã được tu sửa lại khang trang hơn và được dát toàn bộ bạch kim ở khắp trường. Không những thế, nó đã được đưa lên trên không, cao hơn 100m so với mặt đất để mở rộng chỗ ở cho người dân. Khi bước vào trường, tớ mới phát hiện ra hiệu trưởng ở đây chính là Hiền Thảo - một trong những người bạn đã học chung với anh em mình trong bốn năm cấp hai.

Cậu ấy giờ đã khác, với vị trí hiệu trưởng, cậu ấy chín chắn, cứng rắn hơn nhưng vẫn đầy tình cảm và tình yêu thương ấy. Cậu đón tiếp tôi với sự niềm nở, tự hào kể cho tôi về những việc cậu đã làm nào là các dãy nhà đã được tăng lên thành sáu tầng, được lắp cầu thang máy, được xây thêm khu liên hợp, khu thể thao có thêm bề bơi, sân bóng đá, bóng rổ, sân tenis, bãi giữ xe...

Ngoài ra, tớ vẫn thấy được một vài điểm quen thuộc trong khuôn viên trường, đó là cây hoa sữa trước cửa lớp mình, nó đã cao hơn, to hơn. Tớ vẫn nhớ hồi anh em mình học thể dục, vì trời nắng nên lại chạy ào về gốc cây này tránh nắng, đứa này tranh nhau ngồi ở gốc cây với đứa kia, bàn tán rôm rả để rồi bị trực ban nhắc hay cái lần thằng Hùng, thằng Phát thi nhau trèo cây để xem ai giỏi hơn ai, cuộc thi chưa kết thúc, thì bảo vệ đuổi, chạy tóe khói khắp trường để rồi bị bắt lên phòng bảo vệ.

Đang xao xuyến vì những kỉ niệm, đột nhiên có một giọng nói khàn khàn, nhưng đầy sự trìu mến, gọi : "Trường Ân đó hả em?" Tôi ngờ ngờ rồi quay lại. Hóa ra đó chính là thầy Nguyên, Khánh ạ. Thầy bây giờ trông đã già hơn hẳn. Đầu thầy đã không còn tóc, bóng loáng rồi đột nhiên, tôi xúc động đến tột cùng - thầy Nguyên đây ư? Người thầy đã dạy tôi "đây ư?" Trời, thầy giờ già quá, người đã dạy cho tôi cấp hai và cũng là người đã dành hơn bốn thập kỉ để cống hiến cho giáo dục nước, nhờ thầy, bao thế hệ đã lớn lên, trở thành những trụ cột, những người đi xây dựng đất nước, là người cống hiến thầm lặng...

Ôi, chả có nhẽ mái tóc của thầy đã ra đi cùng với sự cống hiến ấy. Khi nghĩ về những điều đó, Khánh ạ, tớ chỉ chực bật khóc.

Thầy quá tận tâm với nghề, cống hiến hết mình. Thầy giờ là một ông lão ngoài bảy mươi cũng về thăm trường rồi tình cờ gặp tôi... Tôi dìu thầy ra ghế đá, nó đã được lắp đặt thêm một bộ tản nhiệt nên mặc cho trời hôm ấy nóng hơn 30 độ, tôi và thầy vẫn thoải mái ngồi nói chuyện...

Tớ hỏi thầy rất nhiều, và cũng tự hào kể ra những thành tựu mình đã đạt được nhưng không quên cám ơn thầy vì những công lao như biển cả của thầy. Nhìn thầy, tôi lại nhớ về những kỉ niệm với thầy, như lần thầy cho tôi và lũ bạn kiểm tra 15' một bài cực dài nhưng rồi lại không thu khiến cả lũ lăn đùng ngã ngửa, nghĩ đến đó, tớ và thầy lại bật cười.

Mặc dù không muốn, nhưng cuối cùng cũng phải rời đi, tôi chào thầy, từ biệt Hiền Thảo, rồi hẹn một lần khác gặp sau. Buổi chia tay ấy đầy xúc động, rồi tớ lên phi cơ bay đi, ngó lại, tớ thấy được bóng dáng của thầy mờ dần, nhỏ dần rồi cuối cùng biến mất sau làn mây làm tôi lại suy nghĩ viển vông.

Tớ chỉ viết đến đây thôi. Cho tớ gửi lời chào đến gia đình của cậu và chúc cậu gặp thành công trong mọi mặt cuộc sống".

       Trước bài văn dẫu chưa có bài đối sánh, ngoài con điểm 7.5, giáo viên đã có lời phê Bài viết của em ngoài sức tưởng tượng của cô! Cũng vì thế có không ít ý kiến luận về mối tương quan giữa điểm số và chất lượng bài viết của Tường An.

      + Bạn Tin Phạm bình luận: "Ngoài sức tưởng tượng của cô giáo mà chỉ chấm có 7,5 điểm thôi ạ? Sao lại tiết kiệm điểm vậy nhỉ? Bài này ít ra phải được 9 điểm chứ".  

      + Bạn Hoàng Anh 123 bình luận : “Rõ ràng, bài văn này quá hay, và có sức cuốn hút. Mình đọc cảm thấy vô cùng thích thú. Tại sao cô giáo chỉ cho được 7,5 điểm. Con điểm này là quá thấp đối với bài văn hay này”.

       + Bạn Việt Hoàng bình luận: Nếu được cho điểm có lẽ mình sẽ cho điểm 10. Bài văn không những có trí tưởng tượng đa dạng, mà lối kể chuyện cũng rất hấp dẫn. Cô giáo cho 7,5 điểm như vậy mình hoàn toàn không đồng tình". ..vv…( Lá thư "20 năm sau về thăm trường": Cô giáo bị chê chấm điểm thấ p- Soha.vn)

        Những lời bình trên đã xác đáng đến mức nào hẳn cần phải xem xét lại nhưng nổi lên là tình yêu mến rất mực của số đông độc giả với  điều lạ, nét mới mà cậu học trò lớp 9 đưa vào lá thư tràn mê tưởng tượng.

     Ba.

     Những người cầm bút làm công việc sáng tạo tác phẩm, tưởng tượng là yếu tố thiết yếu. Không có trí tưởng tượng khó mà khơi thông mạch nguồn tâm tình, xúc cảm… từ mặt nền hiện thực đời sống. Cậu học trò Vũ Tường An qua bài văn của mình đã giàu óc tưởng tượng có chuyện gần như bịa. Ở góc độ gây sốc ( không như chuyện Bà Tưng, Ông Tường…) trên cộng đồng mạng, đây là một bài văn lành mạnh như một câu chuyện vui, chuyện đùa với người bạn ở mặt đất, trường xưa mà vẫn nồng ấm tình thầy trò, tình bạn.

       20 tháng 11 đang rộn ràng vào mùa lễ hội tri ân thầy cô.

       Bạn cũ, trường xưa…Khúc hát Ơn Thầy, Bụi Phấn ngân nga, ngân nga…

        Bài văn của cậu học trò Vũ như góp một nốt nhạc vui vào bản giao hưởng ân tình tôn sư trọng đạo giàu truyền thống của ông cha, của dân tộc ngàn đời.

 

 

    16/11/2013

                                            

 

 

Nguyễn Nguyên Phượng
Số lần đọc: 3773
Ngày đăng: 20.11.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép Oktober-2013 - Nguyễn Hồng Nhung
Sáu mươi - Nguyễn Hồng Nhung
Chuyện về U19 Việt Nam đá bóng và tình yêu bóng đá - Nguyễn Nguyên Phượng
Cuộc hội ngộ của những trái tim - Trương Văn Dân
Đọc lại: Tư duy tự do của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi. - Quỳnh Thi
Dưới bóng cây mùa hạ - Vinh Anh
Mùa hoa ô môi, rung động thuở đầu đời - Nguyễn An Bình
Chuyện thị phi - Võ Công Liêm
Đảo ngọc Phú Quốc Thiên đường nắng gió - Minh Nguyễn
Cùng một tác giả
Bạn cùng thời (truyện ngắn)