Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.270
 
Thơ của hạnh phúc!
Cao Thoại Châu

" Hạt bụi thơ bầu trời thơ"  Nguyễn Thái Dương

 

 

 

       Thân nhau theo kiểu giao du tái đi tái lại nhiều lần như tập võ thì không. Nhưng đó không phải do Nguyễn Thái Dương hay tôi là người khó tiếp cận, mà là…chả cần đến giao du mới thân! Tôi vẫn nghĩ về mối quan hệ giữa chúng tôi như vậy, và tôi tin rằng mình không sai. Ấn tượng của tôi ngay vài lần tiếp xúc cách nay hơn 20 năm là con người bạn ấy- thơ bạn ấy rất giống nhau, có thể nói kiểu bây giờ là “2 trong 1”. Phong cách nho nhã, thơ cũng dịu dàng mà sâu lắng nói giùm người đọc những gì họ đang cần mà không có hay chưa có đủ.

 

    Quê nhà thì những người làm thơ thường hay vương vấn với nó bởi chẳng mấy ai được hạnh phúc là sinh ra lớn lên sống tại quê nhà. Cho nên có người bấn loạn lên vì nó nhất là khi nơi tha phương bị nhiều thương tổn, còn Nguyễn Thái Dương thì nhẹ nhàng, một sự dung hòa hội nhập khá êm ả giữa Sài Gòn với quê nhà Bình Định“Chuyến đò lại, chuyến tàu qua/ Thoắt Bình Định bến, thoắt ga Sài Gòn/ Khuyết quê để được phố tròn/ Sao  vành vạnh mãi trong hồn làng xưa”. Quả thật là êm ả, một chút nhớ quê của người đã thành người Sài Gòn, không đau đáu không chua chát như một nhà thơ có tiếng là lưu lạc “ Nằm đây chăn chiếu của người ta”hoặc “Cũng may cho những người lưu lạc/ Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà”. Tôi nghĩ rằng, qua những bài viết về quê nhà của Nguyển Thái Dương, thì một là anh có may mắn hội nhập không quá lao đao vất vả, hai là với con người ấy đâu cũng là nhà miễn cứ là đất nước này, nhưng ba là con người của bạn ấy nó dịu dàng, từ tốn, không “lộng giả thành chơn” vin vào chút tình quê che khuất những mất mát rồi ra mang mãi hồn lưu vong!

     Cho nên, con người Nguyễn Thái Dương như thế thì thơ như vậy, không có sự chia lìa thậm chí là một chút xa lạ. Thơ ấy là thơ của cái tâm, viết từ cái tâm và mịn màng như cái tâm khá bình lặng.

 

     Từ lâu tôi cũng nghĩ thơ của người Bình-Định-Sài-Gòn này có một trục xoay, một điềm đỡ là gia đình và trong nghề nghiệp bạn ấy đóng đô ở báo Mực Tím là hợp lẽ! 
   “Mấy con đi rồi, má bước thấp bước cao /Thềm sân hẹp chiều chiều mòn theo đôi mắt ngóng / Tiếng chuông cổng, tiếng còi xe quen quen rồi…thất vọng/ Lủi thủi má trở vào, tiếng nấc giấu nơi đâu?”. Con cái lớn lên đứa đi xây tổ ấm, đứa du học…toàn những thứ hạnh phúc sang cả của cuộc sống không nhiều người có được! Và người phụ nữ hơi một chút ngẩn ngơ, một tiếng nấc cũng là những thứ hiếm hoi của thời nay quá nhiều người làm mất, vô tình hoặc cố ý!    

   
     Nói với con dâu về “nhà mình” nơi nó chân ướt chân ráo bước vào“Vui buồn chen chúc đôi khi/ vẫn đong đầy vẫn níu ghì tháng năm / Bước gần dìu bước xa xăm / Bước thân mật ắp, bước ngần ngại vơi” mà như giới thiệu cho con bé một nhân vật không lộ diện đã làm nên cái tổ ấm mà tác gỉa nói là “nhà mình” : người từng về làm dâu vài mươi năm trước đó!  Đố ai có thể bảo giây phút ấy nhà thơ không yêu vợ nồng nàn kém chi thuở ngày xưa? Một thứ tình rất ư Mực Tím! Người phụ nữ đó hạnh phúc, bạn Nguyễn Thái Dương phác thảo ẩn dụ chân dung bạn đời khá tinh tế, và nịnh vợ cũng vào loại giỏi, nhưng trên hết , mới sáu mươi - đã sáu mươi - mà như thế là quá hạnh phúc! Thơ sẽ thành ra những sợi chỉ thêu làm cho đời người thêm đẹp và bền! Khối người mơ được như vậy, và nói cho cùng sống chính là mang sẵn trong nó một ước mơ hạnh phúc!

 

       Thật lòng mà nói, hầu như các nhà thơ đều thiếu cái được khởi sự đi (chứ không phải quẩn quanh) từ thế giới bé bỏng mà nồng nàn của những người thân. Thơ Nguyễn Thái Dương thì có người bà, người vợ, các con, cháu…tất cả những đổi thay sinh học, tâm lý của những con người đó đều diễn ra trong tầm quan sát của nhà thơ, thành một thế giới êm đềm của hạnh phúc. Các nhà thơ thường ít (và chả bao giờ) ai đem gia đình vào thơ, dường như coi đó là hai thế giới khu biệt!. Cho nên đọc những câu này “Lòng bà, cháu ngả vào cười/ Là khi bà giả vờ ngồi xuýt xoa/ Là khi bà giả khóc òa/ Một trời thơ ấu kịp sa xuống trần”. Bà và cháu tạo nên một clip còn nhà thơ thì đứng ngắm, ba nhân vật chung nhau một niềm vui. Đưa con ra ngưỡng cửa cuộc đời, câu thơ đẹp và lạ như hai đàn ông tiễn nhau lo cho nhau nhưng buộc nhau tự đi trên những gì chờ phía trước, đi một mình“Trở trời trái gió…Một thân/ Con nương ý chí mà lần tương lai…”. Những ai không có mẹ từ thời thơ ấu thật khó lòng thấm hết cái hay của những câu này “Ngót mười năm mất cha tôi / Mẹ như bị cứa làm đôi lòng mình”.

 

      Và tiếc là bây giờ tôi…đã lỡ có thơ của riêng mình, tiếc rằng chưa có cả một lần thất tình cho ra hồn ra cốt, bằng không tôi đã vịn vào mấy câu này của bạn “Hôm qua bão rớt trên đồng vắng / Về nghe tin nhỏ sắp sang sông”, giá mà ai cũng thất tình kiểu ấy thì thơ thất tình không còn chỗ đứng. Thơ vật vã ấy không có chỗ đứng trong thơ Nguyễn Thái Dương, tôi nghĩ có đúng? Nhưng con người chỉn chu ấy có khi cũng là một nhà thơ tinh nghịch “Ngó qua khe một nhánh muồng / Ô hô gái núi tắm truồng dưới mưa/ Ráng chiều lộ diện sắc thưa/ Ngực người là một bài thơ vô đề”. Không biết nếu “ngực người” mà “kỹ” hơn thành “ngực trần” thì liệu cảm xúc có lên cung bậc? Là hỏi cho vui thôi, chứ ngực và tắm truồng đủ nói lên rồi!

      Làm thơ như đánh võ, có miếng dùng bằng tay chân có miếng là…võ ý! Hiểu vậy, tôi dừng ở  nguyên bài Con chim sẻ…hụt  đây: 

“Ta giương ná nhìn cây ngọc lan xưa
 Cánh hoa rụng dưới chân đồi chất ngất 
 Con chim sẻ chuyền từ cành xuống đất
 Mổ hiền lành và bay tận xa đâu

 Rồi chiếc ná ta quẳng liền vô tháp
 Chuông ngập ngừng từng phút đổ giọt theo
 Từ tổ đình vị thiền sư ngước mắt
 Lòng như ai đọc mấy tiếng kinh chiều”
     Cái ná, con chim, cái ngước mắt của thiền sư và tiếng kinh chiều…thức tỉnh một cái đầu và tôi cho rằng đó là phút giây  “phóng đãng” nhất của người làm thơ, người đánh...võ ý!

-----------

 

* HẠT BỤI THƠ BẦU TRỜI THƠ, Nguyễn Thái Dương, NXB Hội nhà văn, 2013

 

Cao Thoại Châu
Số lần đọc: 1867
Ngày đăng: 23.11.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khúc ca thiêng của lửa - Trần Thanh Hà
Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem) - Phạm Việt Hưng
Đặng Thơ Thơ - Hành trình đi tìm Bản kinh thánh cuối. - Ban Mai
Dẫn Khởi Từ Thơ Đinh-Hùng, Nghĩ Về Nhạc Schubert Với Hai Lời Việt - Trần Văn Nam
Thiền thơ hay thơ thiền (II) - Võ Công Liêm
Thực ra chúng ta là gì? (What are we, Really?)- Phần I. - Nguyễn Hồng Nhung
Viết về cách mạng 1956 ở Hungary - Nguyễn Hồng Nhung
Chân dung cái Đẹp (3) Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học –3 (tiếp theo kỳ 2) - Bùi Đức Hào
Thơ: cách tân hay cách điệu? - Nguyễn Khôi
Ghi lại thời gian và phong cách thi ca hiện đại - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Adam,eve (thơ)