Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.122
123.228.491
 
Gautama Buddha
Cư sĩ Minh Đạt

    

 

 

     1.Gautama Buddha vĩ đại. Gautama Buddha siêu phàm.

Đã có rất, rất nhiều người tụng ca ngài; nhưng tôi thấy điều Osho nói về ngài, là nhất. Điều ông ấy nói, nó đúng, nó đẹp và nó rất thiện. Trong một lần nói ngẫu hứng cho các đệ tử và bạn bè, tại Poona, Ấn Độ, Osho đã nói về Gautama Buddha, như thế này:

“Gautama Buddha là bước đột phá vĩ đại nhất mà nhân loại đã từng biết tới cho tới giờ. Thời gian đáng ra không nên được phân chia theo tên của Jesus Christ; nó nên được phân chia theo tên của Gautama Buddha. Chúng ta nên phân chia lịch sử thành trước Buddha và sau Buddha, không phải là trước Christ và sau Christ, bởi vì Christ không phải là một đột phá; ông ấy là sự liên tục. Ông ấy đại diện cho quá khứ trong cái đẹp và cái vĩ đại vô cùng của nó. Ông ấy là chính tinh hoa của toàn thể việc tìm kiếm của nhân loại trước ông ấy. Ông ấy là hương thơm của tất cả nỗ lực quá khứ của con người để biết Thượng đế, nhưng ông ấy không phải là bước đột phá. Theo nghĩa thực của từ này thì ông ấy không phải là người cách mạng. Buddha là người cách mạng, cách mạng Tâm thức nhân loại.”

Osho đã nói như vậy, nói như vậy về Gautama Buddha.

 

Vì trước Gautama Buddha, cả nhân loại, việc tìm kiếm của con người, tìm kiếm Tôn giáo; về căn bản là mối quan tâm tới Thượng đế: một Thượng đế ở bên ngoài, một Thượng đế ở đâu đó trên trời, đâu đó ở Thiên đường. Phàm nhân tìm tiền bạc, quyền lực, danh vọng và tính dục; còn người được coi là người tâm linh, họ tìm kiếm Thượng đế, cõi tiên, cõi trời, vĩnh hằng. Thực sự không có gì khác nhau. Một người Brahman của Ấn độ giáo; một Rabbi, thày giảng của Do thái giáo; một Angelus, Thiên sứ của Hồi giáo; một Linh mục của Kito giáo; hay một chính trị gia, một nhà buôn, một người đầu tư tài chính, một nhà quân sự, là không khác nhau. Tất cả, những con người này, không có gì khác nhau; họ đều đổ xô tìm kiếm ở bên ngoài bản thân họ, họ đều hướng ngoại.

 

Trước Buddha, việc tìm kiếm Tôn giáo đã không quan tâm tới bên trong, mà quan tâm tới bên ngoài; nó là hướng ngoại, và khi tìm kiếm Tôn giáo mà hướng ngoại nó không thực mang Tính Tôn giáo. Tôn giáo bắt đầu chỉ với hướng nội, khi con người bắt đầu chìm sâu vào bên trong bản thân mình. Tính Tôn giáo thực sự là vào trong.

 

Đó là khác biệt vĩ đại. Đó là đóng góp vĩ đại của Gautama Buddha với nhân loại. Đó là đóng góp vĩ đại cho sự phát triển tâm thức nhân loại, cho tiến hoá nhân loại, cho trưởng thành nhân loại. Không có Gautama Buddha nhân loại sẽ không phải là nhân loại ngày hôm nay. Jesus Christ, và các bậc đã Chứng ngộ khác không thể làm nên sự biến đổi lớn lao này. Đó chính là sự đột phá.

 

2.

Đi vào trong, cách của Gautama Buddha là thiền quán, tức là quan sát, là tách rời, là nhận biết. Quan sát hơi thở và nhận biết. Thở là điều thường xuyên, con người thở cả đời; không thở là khi con người chết. Thở là điều bình thường. Nhưng Buddha đã phát hiện ra một góc độ khác, khác hoàn toàn. Chỉ quan sát hơi thở, hơi thở đi vào, hơi thở đi ra. Có bốn điểm được quan sát. Ngồi im lặng chỉ bắt đầu quan sát hơi thở, cảm thấy hơi thở. Hơi thở đi vào là điểm thứ nhất. Hơi thở đầy ở bên trong, nó dừng lại, một khoảnh khắc rất nhỏ; trong vài giây nó dừng lại; đó là điểm thứ hai để quan sát. Rồi hơi thở đi ra, đây là điểm thứ ba để quan sát. Hơi thở đi ra hoàn toàn, trong vài giây nó dừng lại; đó là điểm thứ tư để quan sát. Đó là một vòng tròn hơi thở. Cứ thế lập lại.

 

Quá trình là đơn giản, không có gì đơn giản hơn là hơi thở. Nhưng nếu quan sát, thì phép màu sẽ xảy ra, điều kỳ diệu sẽ đến; tâm trí đã không tham dự, tâm trí đã rời đi đâu đó. Khi có quan sát, tâm trí đã dừng lại. Nó là như vậy. Gautama Buddha đã chỉ ra như vậy. Thường, trong phút giây nào đó, người thở quyên đi, tâm trí nhảy vào. Đó là điều bình thường, phổ biến cho người mới bắt đầu. Nhưng bất kỳ khi nào, người thở nhớ rằng, mình đã quên, quay lại quan sát hơi thở, tâm trí sẽ dừng lại. Không có gì là quan trọng, không có gì phải hối hận khi đã quên, luôn luôn lập lại sự quan sát. Cứ thế lặp lại. Làm nhiều lần.

 

Đơn giản, nhưng là kỳ diệu. Nó sẽ chuyển hoá, chuyển hoá dần dần. Chỉ bằng tự quan sát, mà hành trình tự khám phá sẽ dần đi vào trong. Quan sát là bản chất của tâm thức. Quan sát không phải bản chất của tâm trí. Tập trung vào quan sát, tâm trí phải nhường bước. Việc đầu tiên là quan sát thở. Rồi quan sát đi. Rồi quan sát ăn. Rồi quan sát làm việc. Rồi quan sát ngủ. Quan sát suy nghĩ. Quan sát cảm xúc. Quan sát, tâm trí dừng lại. Tâm trí dừng lại, con người tách rời, tách rời tâm trí. Tách rời tâm trí, là tách rời suy nghĩ, là tách rời cảm xúc, là tách rời ham muốn, là tách rời thân thể, là tách rời cả những đau đớn, là tách rời cả các hoạt động. Hoạt động có đó, nhưng không là nó, không phụ thuộc vào nó. Đó là Thiền.

 

Thiền là một quá trình, không phải là một hành động. Bắt đầu và từng bước bằng việc quan sát và tách rời. Từng bước. Quan sát thân thể, Tách rời thân thể. Quan sát suy nghĩ, Tách rời suy nghĩ. Quan sát cảm xúc, Tách rời cảm xúc. Quan sát tâm trí, Tách rời tâm trí. Dần, dần từng bước; siêu việt lên tất cả. Không phụ thuộc, không đồng nhất vào bất cứ kinh nghiệm nào, về bất cứ một điều gì cả. Chứng kiến tất cả. Một hành trình gian nan, vất vả và dài lâu; dài lâu hàng nhiều kiếp người.

 

Nhưng là một hành trình vô cùng đẹp đẽ. Khi mới bắt đầu, khi đã mang tính quan sát, có vài khoảng khắc, người thiền biết một cái gì đó rất đẹp, nhẹ nhàng, trang nhã, thanh thản, vui vẻ, hân hoan, bao la và cực lạc. Một trạng thái rất khó để mô tả. Khi đã nếm trải, người thiền không thể quên, người đó muốn quay lại, muốn quay lại nhiều lần trạng thái cực lạc đó. Dần dần rồi người đó sẽ thấm đẫm, sẽ tràn đầy. Từng bước, từng bước người đó trưởng thành; người đó tách rời khỏi thân thể, tách rời khỏi mọi ham muốn, tách rời khỏi mọi suy nghĩ, tách rời khỏi mọi cảm xúc. Người ấy vượt qua Thể thân thể, vượt qua Thể tâm trí; rồi người đó hạnh phúc, người đó hoan hỷ. Đi sâu vào bên trong nữa. Dần dần người đó tràn đầy Tình yêu và Hoa Từ bi sẽ bừng nở và toả hương. Siêu việt qua Thể chứng kiến. Điều tối thượng sẽ đến, Phúc lạc tràn đầy. Con người thành Thượng đế, thành Buddha, thành Christ.

Đi vào trong là con đường, Thiền là phương tiện đi trên con đường đó.

 

3.

Trước Buddha, con người cầu nguyện. Con người cầu nguyện với Thượng đế, con người cầu nguyện với Thần linh, con người cầu nguyện với các vị Thánh, con người cầu nguyện với cả các tomtem. Trong cầu nguyện, con người hỏi xin; xin để được tha thứ về những lỗi lầm gây ra; xin để được may mắn khỏi bệnh, tránh tai ương; xin để được thành công trong cuộc sống; xin để được ân huệ nào đó. Người ta cầu xin thăng quan, tiến chức, quyền lực vững bền, nói có người nghe, đe có kẻ sợ; người ta cầu xin làm ăn phát đạt, tiền của dồi dào; người ta cầu xin danh tiếng, được phong học hàm học vị, được phong danh hiệu nghệ sỹ; người ta cầu xin cả chuyện tình ái phong lưu, vợ đẹp, nhân tình trẻ trung. Rất nhiều thứ người ta cầu xin. Người ta đến với Thượng đế; người ta đến với Thần linh, các vị Thánh, các tomtem với lòng tham; càng cầu xin lòng tham lam càng lớn. Người cầu xin đã thành kẻ ăn mày. Người cầu xin thành nô lệ; nô lệ cho Thượng đế, Thần linh, các vị Thánh, các tomtem và cho lòng tham của mình.

 

Đi vào trong, cùng Thiền, theo Gautama Buddha con người không phải kẻ ăn xin, không phải nô lệ. Thiền, con người bước vào hành trình gian nan. Con người sẽ phải vứt bỏ nhiều, nhiều thứ trên đường: định kiến, ý thức hệ, triết lí, đạo đức,… phải vứt bỏ tất cả những cái mà xã hội, tôn giáo, nhà nước,… quàng lên cổ con người. Con người phải vứt bỏ tâm trí, vứt bỏ những trò chơi của tâm trí. Vứt bỏ tất cả các tất cả những bám víu ở bên ngoài, mà con người có thể bám víu; vì tham, vì ham muốn. Điều đầu tiên phải vứt bỏ tham, vứt bỏ các ham muốn. Bằng việc vứt bỏ tham, vứt bỏ ham muốn người thiền đã không trở thành kẻ ăn xin, không trở thành nô lệ; người thiền MẠNH MẼ hơn; người đó trưởng thành thêm một bước.

 

Con người cầu nguyện với Thượng đế, con người cầu nguyện với Thần linh linh thiêng, con người cầu nguyện với các vị Thánh vĩ đại, con người cầu nguyện với các Đấng bề trên linh thiêng, con người cầu nguyện với các Bậc thày trí huệ, con người cầu nguyện với cả các tomtem thần bí. Con người có nhiều đối tượng để cầu nguyện. Cầu nguyện là đối thoại. Có người cầu nguyện và có người nghe cầu nguyện. Cầu nguyện là Nhị nguyên.

 

Với thiền, con người không đối thoại, con người khước từ Nhị nguyên cầu nguyện; không còn người cầu nguyện và người nghe cầu nguyện. Còn một mình người thiền. Cuộc sống của người đó không còn ràng buộc; người đó không phải hứa điều gì với ai khác, vì người đó không xin ai khác cái gì cả. Người đó tự chịu trách nhiệm với mình. Người đó dũng cảm và một mình.

 

Nếu trong cuộc sống, người đó phải trải nghiệm một điều gì đó đớn đau, người đó sẽ dễ dàng vượt qua. Vì người đó sẽ không buồn đau thêm nữa, người đó không đổ lỗi cho Thượng đế. Người đó cũng không đổ lỗi cho các Thần linh linh thiêng, cho các vị Thánh vĩ đại, cho các Đấng bề trên cao cả, cho các Bậc thày trí huệ, cho cả các tomtem thần bí. Người đó không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Người đó vượt lên những kẻ hữu thần.

 

Người đó tự chịu trách nhiệm, với bản thân mình. Người đó vượt lên cả những kẻ vô thần. Không như Karl Marx, vì người đó không đổ lỗi cho giai cấp, cũng không đổ lỗi cho hạ tầng xã hội. Không như Georg Willhelm Friedrich Hegel, vì người đó không đổ lỗi cho lịch sử, không đổ lỗi cho phép Biện chứng. Không như René Descartes, vì người đó không đổ lỗi cho phép quy nạp toán học, không đổ lỗi cho tư duy. Không đổ lỗi cho bất cứ một điều gì khác, không đổ lỗi cho bất cứ một con người nào khác. Đi vào trong, cùng Thiền, theo Gautama Buddha; người thiền tự chịu trách nhiệm với mình; người thiền DŨNG CẢM hơn; con người đó trưởng thành thêm một bước.

Đi vào trong cùng Thiền, người thiền không còn vướng mắc, rằng mình là người nước nào, dân tộc nào. Người đó không phải đi chứng minh Phật giáo vào Việt nam trước Trung hoa. Người đó không chứng minh thày Huệ Năng có nguồn gốc là người Việt. Đó là việc của học giả, việc đó đánh bóng tâm trí, đánh bóng tâm trí cộng đồng; là người thiền, người đó không quan âm tới điều đó. Vì điều đó chả có ích gì cho việc cần phải tách rời với tâm trí; nó chỉ làm cho tâm trí mạnh lên mà thôi. Người thiền chả cần quan tâm tới việc mình là người India, người Armerican, người Japan,… Người thiền chả cần quan tâm tới việc mình là người da trắng, hay da đen, hay da vàng,… Vì tất cả những điều đó chả liên quan gì tới thiền, chả liên quan gì tới đi vào trong, chả liên quan gì tới tâm thức, tới phát triển tâm thức.

 

Đi vào trong cùng Thiền, người thiền không còn vướng mắc, rằng mình là người của tôn giáo nào. Người đó không quan tâm tới mình là Phật giáo, hay là Ấn độ giáo, hay là Hinđu giáo. Người đó không chứng minh tông phái này là chính thống, tông phái kia là không chính thống. Vì đơn giản, đi vào trong không cần tất cả những tổ chức ấy, không cần tất cả những phân chia ấy. Thời của Gautama Buddha còn sống, có Tăng đoàn, nhưng không có Phật giáo. Phật giáo sau này mới có. Tính tôn giáo là thuần khiết; tổ chức luôn có mục đích, luôn vụ lợi. Tổ chức là có cơ cấu, là có bộ máy, là có quyền lực, là có lợi lộc; là có người đứng đầu, người đứng thứ hai, người đứng thứ ba, có người lãnh đạo, có người được lãnh đạo; là có phân chia. Tính thuần khiết không còn. Trong giáo lý kinh điển đã ghi lời Gautama Buddha dạy rằng: “Nếu các ông coi ta là Buddha, các ông sẽ không bao giờ thấy được Buddha. Nếu các ông lắng nghe lời của ta mà coi là Pháp – Dharma, các ông sẽ không bao giờ thấu đạt được chân Dharma”

Đi vào trong cùng Thiền, người thiền không còn vướng mắc, không còn ràng buộc, rằng mình là người thuộc tổ chức tôn giáo nào, thuộc dân tộc nào, thuộc quốc gia nào, thuộc tổ chức chính trị, thuộc hệ tư tưởng nào, thuộc giai cấp nào. Người thiền có thể là một trong những người đó; nhưng người đó không vướng mắc, không bị lệ thuộc vào những phân chia đó, những định danh của xã hội. Người thiền TỰ DO hơn; người đó đã trưởng thành thêm một bước.

 

Người thiền không hướng tới các quyền năng; không quan tâm tới các phép thần thông, hô mưa, gọi gió. Người thiền không hướng tới bùa ngải, các phép thuật, không hướng tới các kỹ năng: đi trên nước, vào trong lửa, thoắt ẩn thoát hiện,… Người thiền chỉ duy nhất buông bỏ cái tôi, buông bỏ bản ngã. Cho nên người đó không quan tâm, không mưu cầu bất kể một cái gì xuất hiện cho khả năng người đó; người đó không hãnh diện nếu năng lực người đó có thể đạt được một điều gì.

 

Trong giáo lý kinh điển có kể rằng, Gautama Buddha có lần đi qua sông, con sông đó có một Đạo sỹ phép thuật rất cao. Buddha tới, vị Đạo sỹ đó trổ tài, lướt trên mặt nước, để qua con sông rất rộng. Khi hai người gặp nhau ở Bờ bên kia, Phật hỏi: ông mất bao nhiêu năm để tu luyện phép này. Đạo sư hãnh diện trả lời: công phu lắm, hai mươi năm tu luyện của tôi đó. Sau khi chia tay vị Đạo sỹ, Buddha buồn bã, nói với đệ tử của mình: “Ta và các ông qua sông chỉ mất có một đồng bạc cho người lái đò.”

Đi vào trong, cùng Thiền, theo Gautama Buddha; trên đường đi, người thiền không có bất cứ mục tiêu nào, không vì bất cứ một cái gì; người thiền SÁNG TẠO hơn; người đó đã trưởng thành thêm một bước.

Đi vào trong cùng thiền, theo Gautama Buddha, người thiền đã trưởng thành thêm một bước, họ đã trở nên người mạnh mẽ, dũng cảm, tự do và sáng tạo. Mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn, tự do hơn và sáng tạo hơn chỉ là phản ứng phụ, trong quá trình trưởng thành của tâm thức, nó phát sinh, nó biểu hiện, nó trưởng thành. Nhưng những cái đó, nó không phải là cái cuối cùng, nó không phải là mục tiêu cuối cùng. Những cái đó, không phải là cái Gautama Buddha mong muốn trao truyền, cái duy nhất ngài mong muốn ở đệ tử, ở người thiền, là từ bỏ bản ngã, từ bỏ cái tôi.

 

4.

Thiền là một quá trình. Từ bỏ bản ngã, từ bỏ cái tôi là một quá trình. Đi sâu vào thiền, từng bước quan sát, từng bước tách rời. Trạng thái tách rời dần dần được thiết lập. Khi tách rời, không bị đồng nhất bởi một cái gì; thì nhận biết đến theo. Đây mới chính là phẩm chất của Thiền: Nhận biết. Bất kể một hành động nào, nếu làm trong nhận biết thì đó là Thiền. Làm, làm một cách toàn bộ với sự nhận biết tỉnh táo, đó là Thiền. Đi có thể là Thiền, nếu bước đi tỉnh táo. Vẽ tranh có thể là Thiền, nếu nhận biết tỉnh táo bông hoa đang nở; nếu nhận biết tỉnh táo sắc hồng cánh hoa, bột phấn vàng mịn màng nhuỵ hoa và hơi thở của hoa từ lòng đất; nếu có thể nhận biết nhịp đập của trái tim đang rung cùng hơi thở của hoa; nếu nhận biết năng lượng chuyển động trên bàn tay khi đang đưa cọ vẽ. Đừng nhầm lẫn với làm, mà đánh mất mình trong đó. Đó là vô minh. Nhạc sỹ sáng tác một bản nhạc, với ham muốn rằng, tác phẩm lưu truyền hậu thế; rồi ham muốn đó thôi thúc, thôi thúc ngày đêm. Tác phẩm không bao giờ có thể để đời, vì đó là vô minh; anh ta đã đánh mất mình vào mục tiêu danh vọng. Đó là ngược chiều với Thiền. Thiền là Nhận biết tỉnh táo.

 

Tầng đầu tiên đi vào trong với Thiền là quan sát, tách rời và nhận biết thân thể. Nhận biết từng cử chỉ, hành động: đi, đứng, nằm ngồi, ăn, nói,… Nhận biết từng bộ phận cơ thể: tay, chân, ngón chân, ngón tay, các bộ phận trong cơ thể: dạ dày, thận, tim… Dần dần người thiền trở nên ngày càng tỉnh táo. Và khi đã trở nên nhận biết thì điều kì diệu bắt đầu xảy ra. Những hành động vô thức, những hoạt động vô minh, mà quen làm trước đây, nay biến mất. Người đó có thói quen thở hắt ra, không thở hắt ra nữa. Người đó có thói quen khi ngồi rung chân, không rung chân nữa khi ngồi. Người thiền trở nên lịch lãm hơn, nhẹ nhàng hơn. Thân thể người đó trở nên thảnh thơi hơn, trở nên hài hoà hơn. An bình bắt đầu lan toả trong thân thể; và âm nhạc, âm nhạc tinh tế rộn ràng trong thân thể họ; họ luôn hân hoan và ánh mắt họ luôn long lanh; lễ hội luôn có cùng họ. Người đó luôn sung sướng.

 

Rồi bắt đầu nhận biết đến ý nghĩ, đó là tầng thứ hai. Chúng tinh tế hơn thân thể và tất nhiên cũng nguy hiểm hơn nữa. Suy nghĩ, tư duy là đặc tính của con người; đưa con người vượt qua Thể con vật, đặt con người vào Thể Con người, hay còn gọi là Thể tâm trí. Nhưng một cách chắc chắn rằng: đến 90 phần trăm suy nghĩ của người là lặp lại và vô dụng; đến 90 phần trăm suy nghĩ của của người là vận hành sai và thường có bản chất tiêu cực. Bởi vì suy nghĩ luôn là phân chia, phân biệt, so sánh. Và rồi những định kiến của xã hội, những thói quen đạo đức, luật lệ,… làm biến dạng các nhận biết; là nguồn gốc để suy nghĩ vận hành sai. Hãy quan sát tâm trí mình và bạn sẽ thấy điều này là đúng. Nó gây ra sự rò rỉ sinh lực nghiêm trọng, nó làm tiêu hao năng lượng. Nếu tập trung quan sát suy nghĩ, năng lượng suy nghĩ sẽ giảm dần, suy nghĩ dừng lại. Việc quan sát làm biến đổi suy nghĩ.

 

Và khi người thiền trở nên nhận biết về các ý nghĩ của mình, người đó sẽ ngạc nhiên về điều xảy ra bên trong. Dần dần, các suy nghĩ hỗn độn mông lung không còn nữa; chúng đã trở nên hài hoà; rồi chúng hài hoà hơn. Dần dần, các suy nghĩ là ít xuất hiện; người thiền chỉ còn sự nhận biết sáng suốt của trực giác. Khi thân thể và suy nghĩ đã an bình; người Thiền thấy rằng cả hai, cả thân thể, cả suy nghĩ cùng hài hoà. Giờ đây không có khoảng cách giữa chúng; chúng không còn chạy theo hướng khác nhau nữa. Thân thể và suy nghĩ là một; an bình sâu sắc lan toả. Người đó luôn hạnh phúc.

 

Tầng thứ ba, tinh tế hơn nữa và khó khăn hơn nữa, quan sát và nhận biết cảm xúc. Vì tâm trí, bản ngã, cái tôi không chỉ có thân thể và suy nghĩ; mà còn có cả cảm xúc. Cảm xúc nảy sinh ở chỗ tâm trí và thân thể gặp nhau. Nó chính là phản ứng của thân thể với tâm trí. Nó là sự phản xạ của tâm trí lên thân thể. Một người bạo hành, tâm trí bị xúc phạm, luôn nảy sinh ý nghĩ thù địch, ý nghĩ tấn công; khi đó năng lượng sẵn có tạo ra sự giận dữ. Thân thể sẵn sàng đánh nhau. Hoặc một người khác, có nghĩ rằng đang bị đe doạ, về mặt vật lí hay tâm lí, làm cho thân thể co lại. Các nhà khoa học gọi đây là phản ứng vật lí của nỗi sợ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những xúc động mạnh thậm chí còn gây ra những biến đổi về sinh hoá trong thân thể. Cái khó khăn lớn nhất của con người, của nhân loại là luôn có một vòng luẩn quẩn giữa suy nghĩ và cảm xúc. Chúng nuôi dưỡng và khuyếch đại nhau. Một ý nghĩ tạo ra phản xạ khuếch đại về bản thân nó dưới dạng xúc động, và tần số rung động của xúc động lại giữ việc nuôi dưỡng cho ý nghĩ nguyên thuỷ. Tình huống, hay biến cố, hay người khác là nguyên nhân được cảm nhận của xúc động; ý nghĩ tiếp thêm năng lượng cho xúc động; rồi đến lượt nó, xúc động lại tạo năng lượng cho ý nghĩ. Và cứ thế mãi. Con người khổ đau, nhân loại khổ đau vì không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này.

 

Đây là giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng nếu người thiền có thể nhận biết về các ý nghĩ; thì khi đó chỉ là một bước thêm nữa. Một chút ít nhận biết mạnh mẽ hơn là cần có. Dần dần, người thiền bắt đầu phản ánh tâm trạng của mình, xúc động của mình, tình cảm của mình. Một khi đã nhận biết về cảm xúc, vòng luẩn quẩn cảm xúc và suy nghĩ dừng lại. Sự hài hoà thiết lập. Rồi khi người thiền đã nhận biết về tất cả ba điều: thân thể, suy nghĩ và cảm xúc; khi đó biến đổi lớn lao xảy ra. Thân thể, suy nghĩ, cảm xúc; chúng sẽ trở nên gắn với nhau trong một hiện tượng. Và khi tất cả ba điều này là một; vận hành hoàn hảo cùng nhau, hoạt động hài hoà nhau; thế thì người thiền cảm thấy âm nhạc của cả ba; cả ba: thân thể, suy nghĩ, cảm xúc đang hoà tấu. An bình sâu sắc trong bản thể của người đó. Người đó luôn hoan hỷ, người đó luôn tràn đầy hạnh phúc. Hoa từ bi bừng nở và toả hương. Người đó là người Chứng kiến. Người đó nhận biết được cả những điều đang nhận biết.

 

Tầng thứ tư là nhận biết tối thượng, làm cho người thiền thức tỉnh, là người Chứng ngộ. Chỉ có trong thức tỉnh người đó mới nhận ra Phúc lạc là gì.

Đó là điều tôi đã từng hỏi vì luôn trăn trở.

Có phải chăng; khi mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy nghĩ, cảm xúc, tri thức, tâm trí,… mọi vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn,… cùng lúc sụp đổ, cùng lúc biến mất? Một năng lượng bao la, ngập tràn và mọi dạng đều chỉ tới vô dạng; và mọi dạng đều tan chảy và hoà nhập vào các dạng khác; một khoảng không bao la, cả đại dương và cả bầu trời; hệ mặt trời, thái dương hệ, cả vũ trụ, nhiều vũ trụ cùng hoà vào nhau, vô giới hạn; cái đẹp vô ngần, thuần khiết, tinh tuý, chân lý… Có phải chăng nó là như vậy? Có phải chăng đó là Hiện hữu?

Có phải chăng; khi các ý nghĩ dừng lại, toàn thể cơ chế dừng lại và con người là tách rời. Con người đã thoát vào trong thế giới dưới bầu trời mở. Con người thấy mọi thứ như chúng vậy; và thấy rằng mọi thứ không tồn tại; ngàn năm nay, triệu năm nay chúng đã chỉ là diễn giải? Chỉ các hiện hữu tồn tại; không có vật nào trong thế giới? Tảng đá, tảng đá là một hiện hữu? Cây, cây cũng là một hiện hữu, chim là một hiện hữu, mây là một hiện hữu, mặt trời là một hiện hữu, tia nắng là một hiện hữu? Mọi hình dáng đều là các hiện hữu, linh hồn? Đột nhiên, thế giới vật biến mất? Không phải là đá sẽ không có đó, không phải là cây sẽ không có đó, không phải là chim sẽ không có đó; chúng sẽ có đó thậm chí nhiều hơn thế, nhưng chúng sẽ không còn là cây, không còn là đá, không còn là chim nữa; chúng sẽ là những hiện hữu? Tâm trí con người đã biến mọi hiện hữu thành vật? Khi con người thoát ra khỏi tâm trí và có cái nhìn dưới bầu trời mở, đột nhiên chẳng có gì chút nào? Tính vật biến mất? Có phải chăng là vậy? Có phải chăng đó là Hiện hữu?

 

Có phải chăng; khi tâm trí mất đi, điều thứ hai mất theo là vật? Toàn vũ trụ đầy những hiện hữu, hiện hữu đẹp, hiện hữu thuần khiết, bởi vì tất cả chúng đều tham gia vào hiện hữu tối thượng của Thượng đế? Và khi đó những cái không phải là vật, cũng biết mất? Các định nghĩa biến mất, các quan niệm biến mất, các phân chia biến mất, tất cả mọi lý thuyết biến mất; Thuyết Tương đối của Einstein biến mất, Nguyên lý Bất định của Werner Heisenberg biến mất, Định lý Bất toàn của Kurt Gödelđã biến mất, lý thuyết Chuỗi biến mất, Không gian mười một chiều biến mất; Phép Biện chứng của Friedrich Hegel biến mất, Chủ nghĩa Hiện sinh của Kierkegaard, của Husserl biến mất; các giới hạn và phân chia biến mất? Các lâu đài tri thức, các đền đài tư tưởng cùng lúc sụp đổ? Một Nhận biết mới bắt đầu? Đột nhiên con người thấy cây bắt nguồn từ đất, không tách rời; gặp gỡ với trời, không tách rời; giao hoà cùng các tia nắng; hân hoan với ánh trăng vàng; rộn ràng với muôn triệu linh hồn? Đột nhiên con người thấy mình và mọi người đều bắt đầu từ Một; thân thể và bầu trời, các vì sao là giao hoà, là giao cảm, là hữu cơ và mật thiết? Mọi thứ được gắn với nhau; mọi con người đều là thành viên của mọi con người khác? Toàn thể vũ trụ trở thành một mạng tâm thức, hàng triệu và hàng triệu tâm thức, chói sáng, rực sáng từ bên trong, mọi bộ phận, mọi yếu tố, mọi nguyên tử, mọi tế bào, mọi hạt cơ bản, mọi chuỗi (nếu là vậy: cái tạo nên hạt cơ bản) đều được sáng? Hình dạng có đó, nhưng chúng không còn là vật chất; chúng là năng lượng động, dao động, và biến đổi? Cái để biến đổi chính là Tần số và Mật độ? Có phải chăng đó là điều đang xảy ra?

Nhưng Gautama Buddha vẫn im lặng. Các vị Buddha, các vị Christ vẫn im lặng. Điều tôi đã từng hỏi vì luôn trăn trở vẫn còn đó.

 


(London, UK, ngày 20/5/2013.) 

 

Cư sĩ Minh Đạt
Số lần đọc: 2361
Ngày đăng: 29.11.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đàm Đạo Về Thiền - Tuệ Thiền
Trại vô thần - Trần Kiêm Ðoàn
Chùa Cực Lạc – Giá trị lịch sử và văn hóa - Trần Anh Dũng
Dị dạng sự tích Hòn Bà ? - Phan Chính
50 năm ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 11.6.1063 – 11.6.2013 - Vũ Ngọc Anh
Những loại đàn tì bà - Vương Trung Hiếu
Xã Hội Dân Sự : Đó chính là Sự Hy sinh Dũng cảm - Đoàn Thanh Liêm
Phải chăng chu thần Cao Bá Quát là Cha đẻ của phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải!? - Thái Doãn Hiểu
Dịch phẩm cho Lễ Phục Sinh - Nguyễn Hồng Nhung
Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? - Nguyễn Cung Thông