Ở một mảnh đất khi con người phải lê lết từng bước chân đến những hồ, ao, đìa…tìm từng giọt nước. Đó là những giọt nước thánh hay những giọt nước từ ý niệm thiêng liêng? Họ luôn tin rằng nước sẽ hòa tan vào trong máu. Chỉ có nước đồng nghĩa với niềm hy vọng để con người ta được nhìn thấy mặt trời và để biết rằng mình đang còn sống. Chỉ nói về nước thôi! Còn thức ăn thì sao? Người ta đã nhai sạch những cọng cỏ non vừa nhú mầm sau một đêm cố vươn lên khỏi mặt đất… Cỏ không còn sống nổi, thì đừng nói đến chuyện rừng rú gì nữa.
Không có một loài động vật nào lộn kiếp lên để làm bạn với bộ tộc Chamanu kiên cường, một bộ tộc có chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, là một bộ tộc anh dũng dám đối kháng lại những bộ tộc láng giềng văn minh hơn họ. Nay bộ tộc Chamanu là một phần đất nhỏ dưới quyền cai trị của lãnh địa Tachathu. Tachathu trực thuộc Tanitha. Tanitha bao trùm diện tích vài chục km vuông trên bản đồ châu lục da màu có tên Navithu. Tuy là châu lục da màu nhưng trên đà phát triển để chạm mặt với nền văn minh của nhân loại.
Đó là chuyện của ngày xưa hào hùng. Nay nhìn những cụ già đang rình rập vài con kiến đói lang thang bò đi tìm mồi… cũng là niềm hy vọng? Khi bắt được một con kiến họ cố gắng nhìn thật kỹ: “Đây có phải là một sanh linh cứu cánh?” Và họ bỏ vào miệng nhai nhóp nhép. Còn những trẻ nhỏ thì sao? Những bà mẹ trong hai tay gầy khẳng khiu là một sinh vật teo tóp, hai mắt nhắm nghiền không động đậy. Có phải là một con người hay không? Chuyện trên được các kênh truyền hình trên bề mặt quả cầu đất này đã phát nhiều lần trong nhiều ngày, để rồi những tin tức hấp dẫn nào cũng phải nhanh chóng đi vào quên lãng.
Không còn nhớ là ngày tháng năm mấy. Có một hội đồng mang cái tên rất nhân văn “Bảo vệ môi trường & Quyền sống con người” (dịch từ những chữ Tây U gì đó ra), hội đồng này góp mặt nhiều thành phần đại diện cho những màu da vàng, đen, trắng, đỏ. Hội đồng đã đến khảo sát đất đai, con người của bộ tộc Chamanu và ra quyết định: Cứu trợ khẩn cấp nhiều mặt cho bộ tộc Chamanu. Cứu trợ! Lấy gì mà cứu trợ? Tất nhiên trước hết chính là tiền. Chắc chắn đó phải là tiền đô la. Khi hội đồng cứu trợ giao tiền Mỹ kim cho Navithu (một quốc gia). Navithu chuyển xuống Tanitha (xem như một cấp tỉnh) vấn đề cứu trợ do Tanitha giải quyết. Như vậy, ai giữ số tiền đó? Phải có cấp thẩm quyền Tanitha duy nhất quyết định… Điều này đã khiến cho những con người trên hành tinh thứ sáu mươi mấy này ngỡ ngàng và không biết số tiền đô la đó sẽ đi về đâu. Biện pháp khắc phục phải được hội thảo do những bộ mặt thuộc vào hàng “chóp bu” bàn bạc, để rồi cuối cùng đi đến thống nhất: trồng lại rừng, phải phủ kín cây xanh khắp nơi trên những cánh rừng đều do bàn tay con người tàn phá. (Nên nhớ vì đây chính là nguyên nhân làm đảo lộn môi trường sinh thái tự nhiên toàn cầu). Kết luận, phải nhanh chóng thống kê toàn bộ diện tích đất hoang hóa trong đó có vùng đất nơi bộ tộc Chamanu đang định cư. Dự án, phương án và kế hoạch đã sẵn có, người dân Chamanu chỉ nghe tin đã phấn khởi vô cùng, vì có những ông cán bộ từ Tanitha và Tachathu xuống tận nơi truyền bá tin mừng. Họ đang chờ đợi từng ngày, họ nghĩ thật đơn giản, trước mắt thế nào rồi cũng phải có công việc để làm, để kiếm ra đồng tiền, vì có tiền mới đi sang những bộ tộc khác mua những thứ ăn được để mà sống. Chờ! Thì cứ dài cổ ra mà chờ.
Một ngày nọ, không biết từ đâu ầm ào kéo đến mảnh đất khô cằn sỏi đá ít người này. Đoàn xe chạy bằng dây xích, phía rước có càng bảng sắt nằm chắn ngang rất lớn, người dân bộ tộc Chamanu kéo nhau ra hỏi; họ biết được là đoàn xe dây xích đến là để khai hoang, san bằng hơn mười ngàn mẫu Tây đất tại đây (người bộ tộc Chamanu không cần phải biết số lượng được tính bằng mẫu hay hecta). Với một đức tin cao nhất trong tâm tưởng của người dân bộ tộc lạc hậu: “Đấng tối cao” có thể là ông trời luôn ban cho họ sự sống!
Sự sống đâu không thấy! Những ông trời con đem tin vui đến phủ dụ bộ tộc Chamanu, các ngài phán một câu xanh rờn: “Những người dân đang bám trụ ở đây phải thu xếp và dọn đi khỏi chỗ này!” Người dân bộ tộc Chamanu ngơ ngác hỏi: “Chúng tôi đi tới chỗ nào?” Tức thì nhận được câu trả lời: “Phải chấp hành. Đây là lệnh tới nơi nào sẽ biết sau!”. Phải có chỗ để con người ta sống chứ! Tất cả được gom hết về một chỗ cũng nằm kề ranh những thửa đất đã khai hoang. Trước tiên cấp trên Tanitha phái trực tiếp những vị “già mồm lẻo mét” xuống quan sát bộ tộc Chamanu cư trú. Không biết từ đâu một đoàn xe tải chỡ đến nào là xi măng, gạch, cát, sắt thép… mới đầu con người bộ tộc không thể biết được là xảy ra chuyện gì. Một ngôi nhà nguyện được hình thành cao ráo nghiêm trang, cửa chính trực diện với mặt trời (một biện pháp trấn an?) Là một bộ tộc đói khát không còn bao nhiêu miệng ăn, nhưng họ không cần quan tâm gì hết và họ chỉ biết thứ tôn giáo của họ. Chỉ có đấng tối cao không hề thấy mặt, duy nhất là đấng trên hết. Người dân Chamanu an tâm vui sống.
Không biết có phải là phép nhiệm mầu?! Những cụm mây xám kéo đến lành lạnh rồi ban cho những giọt mưa. Dù là mưa không nặng hạt, nhưng cũng nhỏ xuống từng chập trên vùng đất mới khi người dân bộ tộc “cu đen” đã bằng lòng với số phận của mình. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua. Còn cái chuyện trồng rừng nó giống như một hạt muối đem ném vào biển cả.
Chuyện trồng rừng như thế đó. Người dân Chamanu cứ âm thầm mà tồn tại. Họ sống với suy nghĩ thấp nhất trong đầu: “Còn được sống là may lắm rồi!”. Một hôm có đoàn người không biết từ đâu xuất hiện tại bộ tộc Chamanu. Trong đoàn có người ghé qua từng nhà để hỏi thăm về đời sống (khoảng vài chục mái nhà). Người dân bộ tộc không biết họ là ai nhưng người nào cũng hiền lành thân thiện… có lúc họ vác máy quay phim ghi hình hết chỗ này rồi lại quay tới chỗ khác. Người dân bộ tộc Chamanu không thèm để ý hay nghĩ ngợi một chút gì, miễn làm sao trồng được nhiều khoai, củ để có cái nhét vào bụng là vui sướng lắm rồi.
Đoàn người từ đâu đến? Lâu ngày người dân bộ tộc Chamanu cũng biết được. Họ là những phóng viên, nhà báo ở tận Navithu trung ương (xa xăm lắm). Dần dà họ di chuyển sang vùng đất cách đây hơn mười năm, nay đã trở thành đất thuộc. Bây giờ là những cụm rừng được phân lô, ít nhất một lô là mười mẫu Tây đất (một mẫu 10.000 m2), có lô hai chục, năm chục mẫu, lô cao nhất 100 mẫu (loại này có hơn chục lô). Nếu tính lô mười, hai chục, năm chục thì phải mất gần tháng trời mới đếm hết (con số trên do phóng viên điều tra).
Rừng theo cách gọi hiện thực phải có nhiều loại cây? Nhưng ở xứ Chamanu này là rừng đặc biệt, một khi người ta dùng dao cạo từ thân cây, nó chảy ra một thứ nước trắng như sữa. Dân bộ tộc Chamanu nghe người dân bộ tộc màu da sáng hơn họ nói: “vàng trắng”. Trắng hay đỏ là gì? Dân bộ tộc Chamanu làm sao hiểu nổi! Hàng ngày mặt trời vẫn mọc ở hướng đông. Đoàn nhà báo, phóng viên đến lúc cũng phải ra đi.
Đài truyền hình Navithu phát sóng nhiều ngày những thước phim phóng sự, cùng với báo chí đăng tải nhiều kỳ: Bộ tộc Chamanu cùng với dự án trồng rừng… Bấy giờ người dân châu lục Navithu sững sờ khi hiểu được câu chuyện “thần sầu quỷ khóc” . Bọn lãnh đạo “đầu trâu mặt ngựa” Tanitha liên kết với nhau chia chác số tiền của dự án trồng rừng 200.000 Mỹ kim (USD) số tiền này từ trung ương châu lục Navithu rót xuống. Số tiền đó “bề trên” cấp với mục đích: Để phân phối đến tay người dân bộ tộc Chamanu, tùy theo đầu người trực tiếp lao động trờng nhiều loại cây tái tạo lại thành rừng. Nào ngờ mấy “cha dân” tống cổ những con người “thiểu năng trí tuệ” đi nơi khác sống chết mặc bây (có phát hình một đoạn). Phóng viên đài có hỏi một lão già tại bộ tộc Chamanu: “Hiện tại đời sống cả nhà ông ra sao, làm sao để có tiền mua gạo?” ông lão trả lời: “Tui đi qua bộ tộc kế bên kiếm những đống phân bò hốt đem về phơi khô, được chừng một thúng đem đi bán lấy tiền mua vài lon gạo nấu cháo húp cầm hơi!”. Nào là những ông mặt bự, mặt nhỏ thay phiên xuất hiện trên màn hình. Có ông trả lời sẽ có biện pháp, có ông trả lời lấp lủng nửa vời thế nọ thế kia… Chỉ có “đấng tối cao” mới biết mấy vị con trời toan tính những chuyện gì xảy ra sau này (?).
Rừng! Nhưng là rừng cây có tên là cao su, cái thứ cây này biết đẻ ra tiền, khi đã trừ chi phí… nếu tính khiêm nhường một ngày bỏ vào túi ít nhất từ mười đến một trăm triệu, tùy theo chủ sở hữu từng lô. Lời hứa của Navithu (trung ương) cương quyết thu hồi lại đất trồng rừng rất ư là quái đản của mấy cha Tanitha. Nếu đem so sánh với mấy tay bịp bợm nổi tiếng ở Việt Nam những thập niên trước của thế kỷ 20 đã bị đem ra pháp trường hành quyết, thì vẫn thua xa mấy vị “tổ sư” tại lãnh địa Tanitha đại gian manh đã qua mặt nhà nước Navithu. Không biết chuyện thu hồi lại tiền của ngân khố từ châu lục Navithu xuất ra có khả thi, hay là số tiền Mỹ kim đó đã bị “bốc hơi”? Còn sự tồn tại của bộ tộc Chamanu không biết bây giờ ra sao? Thôi thì, cũng xin đề nghị ghi lại chuyện trồng rừng có một không hai này vào danh sách kỷ lục thế giới.