Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.211.016
 
Nguyễn Trãi - Tài hoa những thi tứ, vời vợi nỗi lo đời
Mai Bá Ấn

 

 

            Mùa Xuân năm Đinh Mùi, niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 6, Dương đình Ngô Thế Vinh, trong lời tựa “Ức Trai tập” có viết: “Phàm người đã có tài, có đức thì động làm là nên sự nghiệp, động nói là thành văn chương… Nước Việt ta, trải các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, cứ một đời vua khai sáng là có một vị tướng khai sáng. Nhưng được hoàn toàn như Ức Trai tiên sinh, thì hiếm lắm”(1).

            Sự nghiệp chính trị, ngoại giao và thơ văn Nguyễn Trãi (1380-1442), xưa nay đã được nhiều người bàn đến, đặc biệt là mảng văn và áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”. Về mảng thơ ca, sau kỳ án “Lệ Chi viên”, trước tác của Nguyễn Trãi phần nhiều bị triều đình thiêu hủy và thất lạc, chỉ còn lại “Ức Trai thi tập” (Thơ chữ Hán) gồm 105 bài và “Quốc âm thi tập” (Thơ chữ Nôm) gồm 254 bài. Đọc hai tập thơ này, đặc biệt là sau chuyến về Chí Linh viếng khu đền thờ Nguyễn Trãi (2011), lòng tôi cứ ray rứt không yên. Muốn viết cái gì đó về tiên sinh, nhưng tiên sinh cao lớn quá, đã được nhiều người nghiên cứu kỹ, vốn văn chương trung đại của mình lại bé hèn, mọi việc cứ như vuột khỏi tầm tay. Nhưng càng đọc thơ Ức Trai, lòng tôi lại càng bị khuấy động. Và tôi viết…

 

1. Tài hoa những thi tứ

Là một danh nhân lịch sử - văn hóa, con đường đi của “kẻ sĩ” Nguyễn Trãi là hành trình từ một quân sư chính trị đến một nhà thơ. Thiên tài Nguyễn Trãi trên bước đường chính trị, ngoại giao trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh đã được lịch sử rõ ràng minh chứng. Trong kháng chiến và cả những năm đầu hòa bình, Ức Trai đã dùng ngòi bút của mình để viết những áng văn sắc sảo, hào hùng từng đầy tư tưởng nhân nghĩa. Con đường thơ Nguyễn Trãi lại nở rộ sau sự xoay vần của cuộc thế. Có thể nói từ cuộc đời chính trị, Nguyễn Trãi đã trở về với cuộc đời thơ. Và cuộc đời thơ ấy đã để lại cho nhân gian một gia tài trên thi đàn, có thể nói, còn đồ sộ hơn cả gia tài chính trị trên “sử đàn” Việt Nam; cho dù ông từng biết:

Văn chương tự cổ đa vi lụy

Thi tửu tòng kim thả cố hoài

Dịch: Văn chương tự cổ, thường tai họa

Thơ rượu ngày nay mới miệt mài

                          (Tặng con cháu ba họ Khổng, Nhan, Mạnh; giáo thụ tại Thái Bình)

Với tư cách là một thi nhân, Ức Trai đã tạo nên một dấu ấn khó phai mờ trên thi đàn Việt Nam, đặc biệt là trong văn chương giữa thế kỷ XV, bởi ông đã sống trọn lòng của một thi nhân với tâm hồn bay bổng, phóng khoáng; tầm nhìn vượt thời đại, “tâm hồn lộng gió thời đại” với tấm lòng yêu thương tha thiết và nỗi ưu tư trước vận nước lẽ đời. Nguyễn Trãi đã để lại trên thi đàn những thi tứ độc đáo, tài hoa, có thể làm đắm lòng cả người đọc đương đại. Đọc câu thơ này của Ức Trai, ta có cảm giác ngả nghiêng của một cơn say thơ mà càng đọc lại càng thấy vô cùng tỉnh táo. Nếu nước sông biến cả thành rượu thì ai uống chẳng say, nhưng đây lại là “xuân tửu” (rượu xuân) thì chắc gì đã là rượu mà say điên đảo, chỉ có say đời và say men xuân. Mà đã là say men xuân thì phải là thơ của một thi sĩ rất yêu đời:

Thử giang nhược biến vi xuân tửu

Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên

Dịch:  Dòng xuân như biến thành sông rượu

Ngại thấy ông say vẫn cứ nguyên (Thái Thạch hoài cổ)

Cái tư duy “sông biến thành thành sông rượu” đã quá tài hoa kiểu như “Sông Hương hóa rượu tôi đến uống” của Nguyễn Trọng Tạo thời nay, nhưng tài hơn nữa là hai từ “xuân tửu” (rượu xuân). Ở đây, hình như Ức Trai đã uống thật nhiều để cảm nhận cả dòng sông đã thành dòng xuân, và vì thấy dòng “rượu xuân” quá tuyệt vời nên chẳng ai dám uống. Chẳng ai dám uống, nhưng nhà thơ lại lý luận ngược rằng “Sông rượu ngại ông say” nên vẫn cứ giữ nguyên vẹn một dòng xuân. Thi tứ ấy đã làm nên tài hoa Nguyễn Trãi, sáng soi từ thế kỷ XV cho đến tận thế kỷ này.

“Thương hải biến vi tang điền” - thời cuộc thì vần xoay, biến cải, làm phận người trong dòng xoáy ấy, cứ bị cuốn đi, chao đảo với muôn sự chuyển dời, ngẫm lại, ba mươi năm sau, nghe tiếng chim tuổi thơ mới sực tỉnh là mình chẳng còn là mình, chẳng còn được vô tư như tiếng chim hót tự do muôn năm vẫn thế, tự nhiên và trong trẻo: 

Ba chục năm trời đều mộng ảo

Chim kêu vài tiếng vẫn như xưa (Đề chùa Đông Sơn)

Trong cuộc phù trầm của cuộc đời dâu bể, những lúc tha phương, nhà thơ nhớ về một “vườn quê” êm đềm. Thân tha hương, cứ nghe mưa lại càng thêm nhớ, đêm ngủ tạm bên đường, nghe tiếng dế rỉ rên lại càng đứt đoạn nhớ mong. Ôi cái vườn quê yên ả, thanh bình, lúc nào cũng đi về trong mộng:

Vườn quê mộng tới, mưa thêm nhớ

Quán trọ đêm nghe dế gợi mong (Gửi bạn)

Hình ảnh cây tre xanh đón gió trên bến nước khiến người thơ không tài nào ngủ được, lại tự thương lấy thân mình khi đã nếm trải qua bao thăng trầm cuộc thế. Đây là những dòng thơ gụi gần của một tâm hồn rộng mở. Cái “thắc mắc tình” của người lữ khách trên sông quả là một thi tứ tài hoa của Ức Trai tiên sinh:

Tre xanh trước bến hiu hiu gió

Khách ngụ trên sông thắc mắc tình

Tuổi tác đường đời gian hiểm trải

Đêm khuya chẳng ngủ nghĩ thương mình (Tầm Châu)

Danh lợi là phù hoa, giọng thơ cứ ngùi ngùi, buồn xa vắng và thấm thía của một hồn thơ đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, toát lên một triết lý ý vị: dẫu tuổi tên có khắc trên bia đá thì tất cả rồi cũng bị khỏa lấp theo dòng thời gian:

Tuổi tên tinh biểu nay còn lại

Bia đá nghìn năm cỏ mọc tràn (Giang Tây)

Ngẫm lại đời mình, ngẫm thời cuộc, Nguyễn Trãi đã cô đúc được những tứ thơ vừa chứa cốt cách của một “nhà Nho tài tử” lại vừa mang tính triết lý của một người đã đi qua bao vinh nhục cuộc đời của một “nhà Nho hành đạo”. Và với bản lĩnh của mình, ông nhìn nhận ra những chân giá trị của đời người để vươn đến một lẽ sống tốt đẹp hơn, an nhiên hơn:

Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng

Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.

Dưới công danh đeo khổ nhục

Trong dại dột có phong lưu (Ngôn chí 2)

Phú quý, công danh trên cuộc đời đến rồi đi, đọng rồi tan như giọt sương mai trên cỏ, như giấc mộng Nam Kha dưới gốc hòe, không bao giờ trường cửu. Là người coi thường công danh, phú quý, thơ của Nguyễn Trãi không oán than, chua chát, mà là thi tứ của một tâm hồn đã đắc đạo, đứng trên sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng để cô đúc thành tứ thơ hàm chứa được tư thế cũng như tư tưởng triết lý của bậc hiền tài:

Phú quý treo sương ngọn cỏ 
Công danh gửi kiến cành hòe
(Tự thán 3)

Phận người, dù có là người anh hùng cái thế thì qua nếm trải cay đắng cuộc đời, cuối cùng cũng tự thương lấy tấm thân như ngọn cỏ bồng cuốn theo chiều gió. Câu thơ đọc lên cứ nghe vọng lại tiếng thở dài ngao ngán của tiền nhân:

Khi buồn chán ngán bức thư không

Ngang dọc thương thân tựa cỏ bồng (Họa thơ Hương tiên sinh)

Đọc câu thơ dưới đây của Ức Trai, chúng ta cảm nhận dường như “ba canh mưa gió” kia không phải của trời đất, mà chính là nỗi sầu lớn không biết gửi vào đâu của Ức Trai, và chính nó - nỗi sầu ấy đã làm nên cuộc gió vũ mưa vần suốt thâu đêm trong thơ:

Như hỏi nơi nào sầu tạm gửi

Thư trai mưa gió suốt ba canh (Thư gửi cậu)

            Trong thơ của các nhà thơ trung đại, ta thường bắt gặp thật nhiều nước mắt khi họ viết về người thân và bè bạn tri âm. Hình như, chỉ có người tri âm mới hiểu hết nỗi lòng của kẻ tri âm, và có lẽ vì viết cho tri âm nên họ bộc lộ tấm lòng mình một cách chân thật hơn, buồn hơn so với khi viết về những vấn đề khác:

Tặng bác vài câu tôi tự cảm

Thơ xong tôi cũng lệ vơi đầy (Đề Hà Hiệu úy, nhìn mây trắng nhớ cha mẹ)

Sau Nguyễn Trãi bốn thế kỷ, Cao Bá Quát cũng đã từng nhỏ lệ với tri âm, tri kỷ:

Gặp nhau chưa chết đã may rồi

Lại phải chia tay lệ sụt sùi

Đành nỗi hạc già chung chỗ đậu

Cùng đau sóng gió những con người  (Ông Đoàn Tính lúc sắp lên đường,

                                                nâng chén từ biệt viết chạy bài này để tặng)

Càng xa con đường của “nhà Nho hành đạo”, Nguyễn Trãi lại càng về gần với phong thái của một “nhà Nho tài tử”. Tâm hồn vốn phóng khoáng của Ức Trai lại càng bay bổng, lãng mạn hơn, “bầu rượu túi thơ” cũng xuất hiện nhiều hơn, câu thơ cũng phóng đạt hơn nhiều:

Đồ giác hồ trung phong nguyệt hảo

Niên niên bất dụng nhất tiền xa

Dịch: Chỉ thấy trong bầu, mây gió sẵn

Hàng năm mua bán, chẳng từng qua (Bài 89)

Cái tỉnh say, say tỉnh của người thơ hòa quyện trong tình bạn và trong cả nỗi say đời:

Nghiêng bầu cùng bạn đồng thanh nhắp

Chủ khách đều say, chẳng tỉnh riêng

                  (Nguyễn Mộng Tuân mừng nhà mới Thừa chỉ Ức Trai)

Say đời, nhưng đời đang suy thì tồn tại trong thơ Ức Trai là nỗi sầu đời:

Vượn sầu, hạc oán, liên miên nghĩ

Rừng trúc hiu hiu gió gợi sầu (Đề đền Ngọc Thanh Quan)

Viết về thiên nhiên, Nguyễn Trãi cũng để lại những thi tứ tài hoa. Cảnh trong thơ Ức Trai đã vượt ra rất xa phong cảnh Đường thi để về gần với cảnh vật đời thường. Vẫn có “phong, nguyệt” của thơ chữ Hán đó, nhưng cái “gây gấy rét” và “làn hương” trong gió kia thật gần gũi:

Gió cửa trăng hiên gây gấy rét

Ví không có gió đưa hương theo (Đề hiên Mai tuyết của Hoàng Ngự sử)

Cả con thuyền chèo trên sông biếc dưới ánh trăng trong câu thơ Nôm này cũng rất tài hoa:

Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc
Cây đến ngày xuân lá tươi
(Ngôn chí 21)

Từ các loài hoa gần gũi (cúc, lan, mai) rồi có cả “tuyết” cả “suối”, nhưng vượt lên trên là cái thi tứ bao trùm, lấy “ non xanh” làm “cố nhân” để mà tâm sự. Cái cao xa, phóng khoáng của hồn thơ Ức Trai chính là cái chí gửi nơi “non xanh” ấy:

Hái cúc ương lan hương bén áo 
Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn.
Đàn cầm suối trong tai dội 
Còn một non xanh là cố nhân
(Thuật hứng 15)

Ông quan đại thần trong thơ Nguyễn Trãi đã thoát thân thành một lão tiều phu. Một tiều phu nhưng vẫn đậm phong thái “gác cần câu” của một “nhà Nho ẩn dật”:

Đạp áng mây, ôm bó củi 
Ngồi bên suối, gác cần câu
(Trần tình 5)

Cái “Cây mía” bình dân hiếm thấy trong thơ trung cổ, lại được chính Ức Trai tiên sinh chú ý tới. Mà một khi đã được thơ chú ý đến thì dù sự vật có nhỏ nhoi, tầm thường cũng hóa thành một tứ thơ tràn vị ngọt, ngát mùi hương:

Ăn nước kia ai được thú
Lần từng đốt mới hay mùi.
(Mía)

Cụm từ “Ăn nước”, “Lần từng đốt” cho ta thấy rõ thi tài của Nguyễn Trãi.

Tả cái chàng bướm đa tình giữa vườn xuân với dáng bay nhẹ nhàng đầy khiêu gợi, trong sự chào đón tưng bừng (“tớp tớp vây”) của muôn hoa, sự níu kéo của nàng liễu rũ, thì cái tứ thơ này của Ức Trai đã đạt đến độ hiện đại của một tư duy thơ vượt qua thời đại:

Làm sứ đi thăm tin tức xuân
Lay thay cánh nhẹ mười phân
Nội hoa tớp tớp vây đòi hỏi 
Doanh liễu khoan khoan khéo lữa lần
(Trận bướm)

Và không hiểu sao, cứ nhắc đến hai câu thơ này, cảm được cái độ cao của “phượng”, cái tự do bay liệng của “diều”, ai ai cũng phải thán phục tài thơ của Ức Trai bởi bên dưới cái cao xa, tự do kia là vời vợi một triết lý mang tính quy luật muôn đời ở câu thơ cuối: Cái tốt đẹp, cái quý luôn luôn cứ mong manh, dễ tan biến; còn cái bình thường thì luôn luôn tồn tại lâu bền:

Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng 
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi
(Tự thuật 9)

2. Vời vợi nỗi lo đời

Có thể nói, dù khi đang thực thi trách nhiệm của một “nhà Nho hành đạo” đến những năm trôi dạt bềnh bồng và cả khi đã về Côn Sơn làm “nhà Nho ẩn dật”, Nguyễn Trãi lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi lo đời:

Bình sinh độc bão tiên ưu niệm

Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên

Dịch:  Bình sinh “lo trước” là tâm nguyện

Ngồi tựa bên chăn, chữa nghĩ nằm (Bài 72)

Đó là nỗi lo của một con người suốt đời vì nước vì dân, lúc nào cũng muốn đem sức mình “cưỡi kình ngao” hiến dâng cho dân nước với tầm nhìn “bao la”, cao rộng:

Đêm sáng bao la nhìn vũ trụ

Gió thu cao hứng cưỡi kình ngao (Không có đề - 46)

Và sự thật cuộc đời “hành đạo” của Nguyễn Trãi trong suốt mười năm “nếm mật nằm gai” cùng Lê Lợi làm của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã chứng minh điều đó. Rồi khi đất nước thanh bình, sau khi ông thảo cho Lê Thái Tổ áng “Thiên cổ hùng văn” - “Tuyên ngôn độc thứ hai” của dân tộc, thơ văn ông vẫn ngập tràn tư tưởng yêu nước, thương dân. Đến khi vận nước ngửa nghiêng bởi sự hiềm khích giữa các thế lực giữa thời bình, ông lại khát khao:

Chỉ muốn nước lan, tràn bốn bể

Để cho hết bẩn lũ ngu dân (Ngày Đoan ngọ)

Nỗi lo đời ấy là hiện thân của con người “đem nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, của một chí khí lớn “cưỡi kình nghê, vượt Hải đông” sóng gió:

Gió nghĩa lướt qua, mây vẩn, sạch

Lời hung nghe thoảng cánh buồm tung

Đêm sang thượng quốc thuyền lan nhẹ

Muốn cưỡi kình nghê, vượt Hải Đông (Vượt bể)

Trong bối cảnh của tình hình biển Đông hiện nay trước sự quấy nhiễu của thế lực phương Bắc, cái đêm Nguyễn Trãi vượt bể sang “thượng quốc” với tư thế “cưỡi kình nghê” vẫn mãi là bài học cho muôn đời thế hệ con cháu hôm nay và cả mai sau.

Đó là cái tư thế của chí “tang bồng” tung hoành “dọc ngang bốn phương”, sẵn sàng ra đi, hiến thân vì nước:

Năm mới hơn gì nơi lữ thứ

Cảnh quen thêm một hẹn tang bồng

Bốn phương ngang dọc đành như thế

Đã bước chân đi chẳng ngại ngùng (Bài 47)

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đôi lúc thân phận người như một chiếc lá thu trôi “dạt chơi vơi” giữa muôn trùng sông nước, tấm lòng nhớ nước vẫn khôn nguôi:

Nhớ nước lòng quê, nhạn góc trời

Lá thu chiếc bách, dạt chơi vơi (Cửa bể Thần Phù)

Dù có phải “long đong giữa thời bình”, thân tha phương nơi “đất khách”, lòng vẫn luôn “nghĩ ngợi”, canh cánh nỗi lòng vì nước, vì dân:

Đất khách không yên luôn nghĩ ngợi

Thời bình đâu biết phải long đong (Giữa đường có thư gửi bạn)

            Buồn nỗi “non sông lưu lạc”, cái tâm yêu nước “đòi đoạn” thâu canh; muốn đem cái “chí” để phò đời, “chí” không trọn; muốn làm “vượn hạc” của đấng trượng phu giúp nước, lại phải “buồn thiu” vì vận nước ngửa nghiêng; đôi lúc nhà thơ đành bất lực ngôn từ để “nhờ cậy bút thần” hội họa gỡ rối “tơ lòng”, vẽ “nét đan thanh” thể hiện cái tâm của chính mình:

Non sông lưu lạc tâm đòi đoạn

Vượn hạc buồn thiu chí chẳng đành

Nhờ cậy bút thần tay họa sĩ

Tơ lòng tả đúng nét đan thanh (Nhờ người vẽ bức họa Côn Sơn)

Muốn quên đi tất cả, nhưng rồi tấm lòng son vời vợi nỗi lo vẫn cứ thắc mắc với “nghĩa quân thần”:

Tóc bạc thờ ơ tình tuế nguyệt

Lòng son thắc mắc nghĩa quân thần (Đêm thuyền tới cửa bể cảm hứng)

Muốn quên đi để hưởng trọn an nhàn, nhưng phàm làm người “biết chữ” phải “ưu dân”, phàm làm đấng quân tử, không thể nguôi quên đạo “quân thần” dù cả trong hoàn cảnh bị “vua quên”:

Vẫn bảo trăm năm coi tựa khách

Sao còn một bữa chẳng quên vua

Đông Pha đã nghĩ, ta cùng nghĩ

Biết chữ là thường cứ phải lo (Bài 80)

Nguyễn Trãi đã xác lập cho mình một tư tưởng “thiên dân”, lấy “đạo trung” của nhà Nho “làm nghĩa cả” trong thời đại “ái quốc” là đồng nghĩa với “trung quân”. Chỉ có sống trọn “đạo trung”, tâm mới “được an nhàn”:

Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả
Qua ngày qua tháng được an nhàn
(Bảo kính cảnh giới 6)

Từ quan niệm về “đạo trung”, mà với Nguyễn Trãi chính là trung với nước, với vua, đề cao vai trò của nhân dân (những “kẻ cấy cày”), nhà thơ đã rút ra một triết lý sống, lý tưởng sống cụ thể để thể hiện cái tâm trong sáng của mình:

Sinh đấng trung đà phúc đức thay!
Chẳng cao chẳng thấp miễn qua ngày
Ở yên thì nhớ lòng xung đột 
Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày
(Bảo kính cảnh giới 19)

Sau khi bị triều đình bạc đãi, dù sống với cảnh an nhàn của một “nhà Nho ẩn dật”, tiên sinh vẫn cứ thấy không an lòng. Không an lòng không phải do sự “bất dụng” mình của triều đình hay bởi đường công danh đứt đoạn, mà chính là tự cảm thấy mình chưa báo xong “nợ quân thân” vì nước, vì đời:

Nợ quân thân chưa báo được 
Hài hoa còn bợn dặm thanh vân
(Ngôn chí 11)

Chính vì lẽ đó, suốt cả đời Ức Trai, cả lúc được triều đình đắc dụng, tin tưởng cho đến khi bị bạc đãi vẫn cố giữ cái tâm trong sáng, vẫn đau đáu khôn nguôi nỗi ưu tư vời vợi về vận nước, lẽ đời:

Quét hết sầu lo, dựa cỏ bồng

Tâm như nước sáng, nghĩ mênh mông (Vượt bể)

Đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị ngoại giao “mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh ít địch nhiều ... thắng hung tàn bằng đại nghĩa”; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao... Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta”(2).

--------------------------------

CHÚ THÍCH:

 (1)- Lời tựa Ức - Trai tập,  Tập thượng, Quyển 1,2,3, bản dịch của Hoàng Khôi, Tủ sách cổ văn, Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc - vụ - khanh đặc - trách văn - hóa, Sài Gòn, 1971.

(2)- Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân số 3099, ngày 19-9-1962

 

Mai Bá Ấn
Số lần đọc: 15694
Ngày đăng: 27.12.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Văn Nho suối nhạc nguồn thơ bát ngát - Tâm Nhiên
Trong màu xanh vàm cỏ - Hào Vũ
Nhà thơ kiệt xuất Nguyễn Đức Sơn - Tâm Nhiên
Alice Munro, nhà văn Canada đoạt Nobel Văn học 2013 - Hiếu Tân
Hai nhân tài Việt Nam ở thế kỷ XX. - Phan Huy Đường
Luân Hoán nhà thơ đương đại - Võ Công Liêm
CHARLOTTE BRONTË : Đường vào huyền thoại - Đỗ Nguyễn
Lê Quang Đông, xao xác những hoàng hôn truyền thuyết - Ngô Nguyên Nghiễm
Lê Trúc Khanh, một lần mộng đến nghìn thu - Ngô Nguyên Nghiễm
Nguyễn Thụy Long, Bóng chim trên ngọn khô - Ngô Nguyên Nghiễm
Cùng một tác giả
Hoa mai chùa cổ (truyện ngắn)