Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.207.786
 
Bàn về chất thơ trong Điện Ảnh Việt Nam
Lê Đình Tiến

 

Vấn đề Chất thơ trong Điện ảnh là mối quan tâm của nhiều nhà làm Điện ảnh ở Việt Nam, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng đem lại sự độc đáo, hấp dẫn của tác phẩm điện ảnh.

 

Chất thơ có thể nói là chất trữ tình của ngôn ngữ, về nội dung phải có nhiều cảm xúc và trí tưởng tượng nghĩa là phải bay bổng, hướng tới cái nên có, phải có đối với cuộc sống và con người. Về hình thức phải giàu hình tượng (không chỉ trình bày vấn đề bằng những khái niệm, phán đoán, suy luận, trừu tượng khô khan, mà còn cần có những hình ảnh, những bức tranh về cuộc sống và con người cụ thể, sinh động) và nhạc tính (giàu tính nhạc , chất nhạc, du dương, nhịp nhàng, với tiết tấu đa dạng)

 

Như vậy chất thơ trong văn học là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc. Thơ luôn hiện diện trong tất cả các loại hình nghệ thuật như văn học, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh...mỗi loại hình nghệ thuật lại có cách biểu hiện khác nhau nhưng cùng chung một nhiện vụ là truyền tải phần hồn của tác phẩm.

 

            Đối với điện ảnh thì chất thơ được thể hiện qua ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh và dùng các phương tiện biểu hiện, chất thơ trong điện ảnh hiện diện trong mỗi yếu tố của tác phẩm như: kịch bản, thiên nhiên trong phim, hình tượng nhân vật, âm thanh, chi tiết hiển thị....và còn nhiều các yếu tố khác cũng đóng góp vào việc tạo nên cảm xúc, vẻ đẹp trữ tình của một tác phẩm.

Điện ảnh ra đời năm 1895 và anh em nhà Lumiere được coi là người khai sinh ra điện ảnh với những bộ phim như: Đoàn tàu vào ga ; Người tưới vườn bị tưới. Sau đó với lòng say mê nghệ thuật và sự phát triển của khoa học kĩ thuật hàng loạt các tác phẩm khác ra đời đánh dấu tên tuổi của rất nhiều nghệ sĩ – những người được xem là đặt nền móng cho nghệ thuật điện ảnh như: Devid W.Grifith ; Saclo Saplin ; Ernst Lubitsch ; Xergey M.Eizentein ; Vxevolod I.Pudopkin...Song song với sự phát triển về số lượng phim, các nhà điện ảnh đã dần hoàn thiện chất lượng nghệ thuật điện ảnh. Trong giai đoạn này cũng đánh dấu sự ra đời của các trường phái điện ảnh, mỗi trường phái lại có cách thể hiện nghệ thuật riêng và mang đậm phong cách của nền điện ảnh nước đó, chúng ta có thể nhắc đến: Chủ nghĩa biểu hiện Đức ; Chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa siêu thực Pháp ; Nền điện ảnh trí tuệ ; Chỉ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa...một trong những phong cách điện ảnh ra đời trong thời kì đầu của nghệ thuật thứ bảy là những bộ phim của Điện ảnh thơ.

Nói đến Điện ảnh thơ chúng ta không thể không nhắc đến tên tuổi của đạo diễn Alekxandr. P.Dôvgenkô - Ông là người đặt nền móng và cũng là đại diện tiêu biểu nhất cho Điện ảnh Thơ. Với sự đời của bộ phim Đất (1930) Dôvgenkô mang trong mình chất thơ bay bổng, thi vị. Đất là triết lý khách quan về cuộc sống và cõi vĩnh hằng thể hiện cảm hứng của mình về thiên nhiên, tình yêu, sự sống và cái chết, người xem được truyền cảm xúc, cảm nhận chất thơ bằng hình ảnh. Qua bộ phim này Dovgenko khái quát quá trình biến đổi to lớn và những bước đi tất yếu của lịch sử, xung đột đầy bi kịch của xã hội khi đang hướng tới tương lai, và được diễn ta trên cái nền đầy chất thơ gắn với sự sống muôn đời của thiên nhiên...phong cách thơ trong Đất là những cảm xúc, những tầng sâu ý nghĩa mà bộ phim mang lại. Bộ phim gửi gắm đến người xem một thông điệp: Sau cái chết là sự sống sinh sôi. Ba chủ đề là tình yêu, cái chết và thiên nhiên được thể hiện một cách tinh tế trong phim.

Phong cách thơ được thể hiện trong bộ phim Đất và những tác phẩm về sau của Dôvgenkô như: Ivan (1932) ; Cuộc chiến đấu vì nước Ucraina Xô Viết (1943) ; Mitsurin (1949)...đó là chất thơ bay bổng tràn đầy thi vị, đòi hỏi người xem phải có sự liên tưởng về mặt cảm xúc, về tư tưởng để nhận ra ý đồ của tác giả, những bộ phim làm theo phong cách thơ đều mang đậm yếu tố trữ tình một cách dung dị.

 

Điện ảnh Việt Nam ra đời khá muộn khi Điện ảnh Thế giới đã có những thành công vượt bậc thì điện ảnh cách mạng của chúng ta mới trong giai đoạn hình thành. Từ bộ phim truyện đầu tiên- Chung một dòng sông (1959) do Phạm Kỳ Nam và Hồng Nghi đồng đạo diễn, hàng loạt bộ phim đã ra đời, đánh dấu tên tuổi của nhiều đạo diễn khác như Mai Lộc, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Văn Thông, Hải Ninh, Huy Thành... Vào năm 1962 khi hai đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ cho ra đời bộ phim Con chim vành khuyên đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của điện ảnh Việt Nam, bởi đây là bộ phim đầu tiên của chúng ta được giải thưởng Quốc Tế (Giải đặc biệt của BGK tại LHPQT Caclovy Vary – 1962). Đó là một thành công khởi đầu của những người làm điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đấy bộ phim còn có một vị trí rất quan trọng khi đánh dấu sự ra đời của một phong cách làm phim: Phong cách thơ. Có ý kiến cho rằng: “Con chim vành khuyên là sự mở đầu ngọt ngào cho những bộ phim giàu chất thơ và trữ tình – một phong cách sáng tác mới trong thời kì trứng nước của điện ảnh dân tộc”[1]

            Từ bộ phim này hàng loạt bộ phim khác làm theo phong cách thơ hay có những biểu hiện mang tính chất thơ được ra đời. Chúng ta có thể nhắc đến: Đến hẹn lại lên (1974) ; Mẹ vắng nhà (1979) ; Cánh đồng hoang (1979) ; Bao giờ cho đến tháng mười (1984) ; Chuyện cổ tích cho tuổi 17 (1986) ; Mùa ổi (2000), hay trong một số phim của các đạo diễn Việt Kiều như: Mùi đu đủ xanh ; Mùa hè chiếu thẳng đứng của Trần Anh Hùng ; Ba Mùa của Tony Bùi...

   Đạo diễn Nguyễn Văn Thông người khởi đầu cho những bộ phim làm theo phong cách thơ từng chia sẻ: “Tôi bước chân vào điện ảnh thơ trước tiên là vì cái nghèo. Hầu hết những phim tôi làm đều gặp kinh tế eo hẹp. Không thể có được những diễn viên ngôi sao, nhiều bối cảnh lớn nhưng vẫn có thể nghĩ ra được những ý lớn trong những chi tiết tưởng là rất nhỏ. Thế là đẻ ra phương pháp làm phim thơ: trước hết chủ đề phim phải có tính khái quát cao. Kịch bản giản dị nhưng phải sâu, nhân vật ít nhưng phải điển hình – bối cảnh không phức tạp nhưng phải đẹp, hợp với hoàn cảnh nhân vật – đạo diễn có thể diễn tả cảm xúc của mình một cách tự nhiên phóng khoáng – những điều trên trở thành thói quen và rồi điện ảnh thơ đến lúc nào không biết...”[2]. Có thể nói những yếu tố tạo nên chất thơ là những chi tiết nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn, góp phần tạo nên sự logic cho câu chuyện phim, một bộ phim làm theo phong cách thơ đòi hỏi người xem phải có sự liên tưởng về mặt cảm xúc, về tư tưởng để nhận ra ý đồ của tác giả.

Xem những bộ phim của nhà thơ điện ảnh Nguyễn Văn Thông như Con chim vành khuyên (làm cùng Trần Vũ) ; Bài ca không quên ; Nữ thần Laksmi...chúng ta có thể thấy chất thơ được thể hiện một cách lãng mạn, phiêu bồng đôi khi hơi thoát thực. Ở bộ phim Con chim vành khuyên là chất thơ bay bổng với không khí phim đậm đà bản sắc dân tộc: một con sông trắng, với con đò nhỏ, một nương dâu xanh, một khóm dừa tỏa bóng, với hai cha con nhà ông lái đò, với con diều bay vi vu giữa trời xanh...tất cả những điều đấy tạo cho người xem có cảm giác gần gũi, thân quen, thấm đượm tính dân tộc. Có thể nói chất thơ, chất trữ tình bay bổng là dấu ấn nổi bật của Con chim vành khuyên, câu chuyện phim rất gọn gàng, xinh xắn như một bài thơ, tạo hình trong phim cũng mang đậm chất thơ. Chất thơ trong phim bắt nguồn từ sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, việc xử lý hiệu quả những cảnh quay thể hiện được mối quan hệ giữa bé Nga với thiên nhiên, sông nước, mây trời trong phim là một trong những phương thức biểu hiện chất thơ, và nhất là trong cảnh kết của phim: sự hy sinh của bé Nga đó là một bi kịch lớn cũng được truyền tải bằng một hình thức đậm chất thơ, chất tráng ca. Khi xem phim không ai có thể quên được cái chết của cô bé được các nhà làm phim thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh đầy ấn tượng: ống kính từ trên cao với xuống thu lấy hình bé Nga trúng đạn, vươn hai tay lên trời gọi “cha” rồi ngã xuống tất cả đều im lặng, chỉ còn tiếng con chim vành khuyên trong túi em kêu lên, tiếng kêu của con chim bé nhỏ đấy như là tiếng của sự sống không thể nào tiêu diệt, bé Nga mở túi áo và con chim bay vào không gian cao rộng. Như vậy hình ảnh của bé Nga đặt cạnh con chim vành khuyên là thủ pháp so sánh và khi bé Nga nằm xuống thì hình ảnh đấy đã được nâng lên thành biểu tượng và tạo ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Nếu bộ phim Con chim vành khuyên là một bài thơ trữ tình xinh xắn thì Nữ thần Laksmi bộ phim thứ 6 của đạo diễn Nguyễn Văn Thông vừa thể hiện được chất truyền thống đó là giàu tính ẩn dụ dẫn dắt người xem đi tới những sâu thẳm của tâm tưởng, tạo nên hiệu quả tinh thần nhiều chiều. Đặc điểm nổi bật làm cho bộ phim Nữ thần Laksmi mang đậm màu sắc của điện ảnh thơ vì nó không kết cấu theo cốt truyện kiểu truyền thống mà được kết cấu theo một cốt truyện mà trong đó các sự kiện diễn ra theo liên tưởng của tác giả, theo sự đối lập của các sự kiện. Đây là bộ phim không có lời đối thoại, các yêu tố khác của ngôn ngữ điện ảnh đã gây ấn tượng và cảm xúc cho người xem. Đối với những bộ phim làm theo phong cách này đòi hỏi người xem phải dùng cảm xúc thực của mình, và tự mình so sánh, liên tưởng các yếu tố với nhau. Với bộ phim này các tác giả đã rất thành công trong việc tìm tòi cách thể hiện chất thơ, là một phim về chiến tranh đã đạt được những giá trị cao về nghệ thuật cũng như tư tưởng, nó như một bài thơ trữ tình và bi thảm trên con đường đi đến hoàn thiện của con người.

Qua các sáng tác của đạo diễn Nguyễn Văn Thông chúng ta có thể nhận định rằng: Ông luôn trung thành với các phim về đề tài chiến tranh, thể hiện được những giá trị đạo đức và tinh thần của con người từng trải qua cuộc chiến. Và đặc biệt một đặc điểm lớn trong các sáng tác của ông là luôn trung thành với phong cách thơ. Sau đạo diễn Nguyễn Văn Thông thì các đạo diễn khác như Trần Vũ, Khánh Dư, Đặng Nhật Minh...cũng có những tác phẩm thể hiện được chất thơ, các tác giả đã để lại dấu ấn riêng thể hiện cá tính, bản lĩnh nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.

 

Trong bộ phim Đến hẹn lại lên của đạo diễn Trần Vũ thì chất thơ ở đây là sự khơi gợi từ cuộc sống, đó là vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng, hồn hậu của nhân vật Nết. Trong phim tác giả khai thác nhiều vốn cổ truyền của văn hóa dân tộc: cảnh hội Lim của những năm trước cách mạng, những liền anh, liền chị của vùng đất Quan họ với những điệu múa đối đáp và phong cách chơi xuân. Nhân vật chính Nết cũng mang những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Các trường đoạn trong phim đều ấn tượng với người xem bởi tạo hình đầy biểu cảm đã kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên với nội tâm của nhân vật. Cảnh Nết với các liền anh, liền chị hát những câu quan họ làm say đắm lòng người trên bến đò, ánh nắng lấp lánh làm những khuôn mặt nhân vật sáng bừng lên, và trên dòng sống những con đò cứ lững lờ trôi...tạo cho không gian động nhưng thật thanh bình, đó như là sự hòa hợp tuyệt đẹp giữa người với người và với cảnh. Chất thơ thể hiện trong phim của Trần Vũ là sự níu giữ con người bằng nét dung dị từ cuộc sống bình thường và luôn đi sát vào thời cuộc. Chất thơ xuất hiện trong mỗi yếu tố ở tác phẩm, mức độ biểu hiện tuy có đậm nhạt khác nhau nhưng đều nhằm đem lại cho tác phẩm một vẻ đẹp trữ tình.

Đạo diễn Nguyễn Khánh Dư cũng là một trong những tác giả tiêu biểu theo phong cách thơ. Xuất phát từ một nhà quay phim, nhưng Nguyễn Khánh Dư cũng đã rất thành công với vai trò là một đạo diễn khi để lại hàng loạt tác phẩm thành công như: Mẹ vắng nhà ; Cây xương rồng trên cát ; Học trò thủy thần...một điều dễ dàng nhận thấy trong các sáng tác của Khánh Dư là tính hiện thực dữ dội luôn hòa quyện với chất thơ bay bổng. Khán giả không ai có thể quên được những hình ảnh trong bộ phim Mẹ vắng nhà là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông. Bộ phim về chiến tranh nhưng chúng ta không hề thấy những cảnh bom đạn dữ dội, hay những cuộc chiến đấu ác liệt, khán giả nghe thấy nỗi khắc khoải chờ mong mẹ và áo ước cuộc sống bình yên. Mẹ vắng nhà cuốn hút người xem bởi những chi tiết hồn nhiên, giản dị và đáng yêu của lũ trẻ: tự chăm sóc cho nhau, dạy nhau học bài và những trò chơi trẻ con...tất cả những điều đấy đã đẩy cảm xúc của người xem được dâng lên. Đọng lại trong lòng người xem những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh cây cầu tre, với con mương, với hàng dừa, với những dòng sông, con đò và đặc biệt với lời ru mang đậm chất quê hương Nam Bộ. Chất thơ được thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên và nhân vật trong phim, tất cả những điều đấy đã tạo cho người xem những cảm xúc khó quên, bộ phim còn cho khán giả thấy được cái tình người thắm đượm, hồn hậu, chân tình và sâu sắc. Những dư vị nhẹ nhàng, bay bổng trong bộ phim thơ Mẹ vắng nhà còn được thể hiện trong các tác phẩm về sau của Khánh Dư như: Cây xương rồng trên cát ; Bọn trẻ...

Trong các tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh phần nào thể hiện theo phong cách thơ hoặc có những biểu hiện của chất thơ. Chúng ta có thể nhắc đến Bao giờ cho đến tháng mười ; Trở về ; Thương nhớ đồng quê...chất thơ trong phim của Đặng Nhật Minh là sự cuốn hút, dễ rung động chính bởi cách nhìn nhân ái của tác giả về những số phận của con người trong mối quan hệ với xã hội. Bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười kể về nỗi buồn của một người phụ nữ nông dân trẻ khi người chồng đã hy sinh trong chiến tranh. Tình huống nhân vật Duyên chôn chặt nỗi đau mất chồng trong lòng để phụng dưỡng cha chồng là một tình huống cảm động, làm cho bộ phim có sức truyền tải mạnh mẽ đến người xem. Bộ phim đã rất thành công trong cách thể hiện hình thức bên ngoài lẫn chiều sâu bên trong, các tác giả đã tìm tòi, đổi mới trong ngôn ngữ điện ảnh để chuyển tải một bộ phim đầy chất thơ vừa nhẹ nhàng, dung dị và cũng rất đời. Có thể nói chất thơ được thể hiện trong phim của Đặng Nhật Minh luôn ẩn náu trong từng chi tiết, mỗi hành động của nhân vật, hay trong từng sự kiện phim.

 

Như đã đề cập ở trên những bộ phim làm theo phong cách thơ luôn tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo đối với người xem, có thể là những chi tiết nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn, góp phần tạo nên sự logic cho câu chuyện phim, một bộ phim làm theo phong cách thơ đòi hỏi người xem phải có sự liên tưởng về mặt cảm xúc, về tư tưởng để nhận ra ý đồ của tác giả. “Phim theo phong cách thơ cũng là loại phim kén khán giả và cũng thường gây ra những cuộc tranh luận không phân xử rạch ròi...”[3] như vậy làm phim theo phong cách thơ là cách làm khó, những phim làm theo phong cách này ở Việt Nam còn lác đác, chưa xuất hiện rầm rộ và trải qua nhiều thăng trầm như các dòng phim khác. Những tác phẩm theo phong cách thơ hay có biểu hiện của chất thơ như trong phim của Nguyễn Văn Thông ; Trần Vũ ; Khánh Dư ; Đặng Nhật Minh... đã để lại dấu ấn riêng thể hiện cá tính, bản lĩnh nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.

 

(Đã đăng: Tạp chí văn hóa nghệ thuật, số 347, Tháng 5/2013)



[1] Đi tìm điện ảnh thơ  - Tạ Hoàng Anh – Viện phim Việt Nam - 2003

[2] Từ điện ảnh thơ đến tiểu thuyết – trang 94 – Nhiều tác giả - NXB Văn hóa Thông tin - 2011

[3] Điện ảnh Việt Nam, tập II, trang 204- 205 – Trần Trọng Đăng Đàn – NXB Tổng hợp TPHCM

 

Lê Đình Tiến
Số lần đọc: 3945
Ngày đăng: 17.01.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thiên Nga Đen " Một bản hòa âm hoàn hảo" - Lê Đình Tiến
Vấn đề thể hiện cảnh nóng trong điện ảnh Việt Nam hiện nay - Lê Đình Tiến
Tính dân tộc trong điện ảnh là một thứ xa sỉ phẩm? - Nguyễn Anh Tuấn
Hà Nội, trong mắt một người mù - Nam Dao
Tình Yêu Vĩnh Cửu Trong Phim “Thư Gởi Juliet” - Phạm Nga
ROMY SCHNEIDER cánh chim về đâu? - Sâm Thương
James Bond ! Anh Là Ai? - Đỗ Nguyễn
Bàn Về Nghệ Thuật Kịch Bản - Lê Đình Tiến
Nếu Roman Polansky Không Phải Là Đạo Diễn? - Đỗ Nguyễn
Romy Schneider, Nữ Hoàng Sầu Muộn - Đỗ Nguyễn