Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.227.843
 
Tôn giáo, Nghệ thuật, Triết học và Khoa học
Cư sĩ Minh Đạt

 

 

1

 

 

 

Tôi đã từng viết:

 

 

 

Giống như một đồng tiền, cuộc sống của Nhân loại có hai mặt. Một mặt là Khoa học và Triết học. Một mặt là Tôn giáo. Hai mặt này không đối lập, không chống đối, nhưng không thể là như nhau. Cùng phục vụ Con người, những chúng rất khác nhau.

 

 

 

Khoa học và Triết học là thế giới của Trí thức và Trí tuệ. Khoa học và Triết học nghiên cứu cái bên ngoài của Con người, là Vạn vật, là Vũ trụ, là quy luật Tự nhiên, là các quy luật Xã hội, là các quy luật Kinh tế,… Nó nghiên cứu chuyển động các vì sao, chuyển động các giải Ngân hà, tương tác giữa chúng,… Nó nghiên cứu về cấu tạo cơ bản của Vật chất, về nguyên tử, về các hạt, về các Lực trong Tự nhiên… Nó nghiên cứu về Con người, về Tâm lý, về Cơ chế hoạt động của các hệ thống trong cơ thể, về sự hoạt động của Não bộ, về cấu trúc của gen… Nó nghiên cứu về các mô hình tập thể: Chính phủ, Thể chế xã hội. Nó nghiên cứu về các quy luật phát triển Xã hội, các quy luật phát triển Kinh tế của Tập đoàn, của Quốc gia, của Khu vực, của toàn Thế giới,… Triết học cũng vậy, ngay cả Triết học Hiện sinh, một bước nhảy vĩ đại của lịch sử Triết học Thế giới: lấy Con người là Trung tâm của Vũ trụ, Con người là Chủ thể. Con người Chủ thể đó, cũng là sự phóng chiếu của Thực tại Vũ trụ vào Con người mà thôi. Tất cả, tất cả các ngành Khoa học và Triết học là tập trung nghiên cứu cái bên ngoài của Con người. Tôn giáo ngược lại. Tôn giáo thuộc về Tâm linh. Tông giáo không chỉ quan tâm cái bên ngoài. Tôn giáo là đi sâu vào cái bên trong. Tôn giáo đưa con người vào cái Tĩnh lặng sâu thẳm. Tôn giáo đưa con người tới sự Phúc lạc toàn phần và Vĩnh viễn. Đó chỉ có thể là con đường đi vào bên trong.

 

 

 

Khoa học và Triết học là thế giới của Trí thức và Trí tuệ. Khoa học là logic, là phân tích, là lý luận, là chứng cứ. Cả Khoa học và Triết học đều dùng chung một phương pháp đó là Logic. Không logic Khoa học không thừa nhận. Logic là cơ sở của mọi Lý thuyết; có logic các phương trình mới xác định được nghiệm, ngay cả khi xác định Vô nghiệm. Không logic Triết học không thừa nhận. Phép Biện chứng được Georg Wilheim Friedrich Hegel tìm ra, như một bước nhảy vĩ đại trong lịch sử của Triết học. Không có phép Biện chứng, Triết học không có sức sống, không có màu sắc. Karl Marx lấy cái Biện chứng của Hegel ghép vào trong Duy vật. Khoa học và Triết học phải là logic. Tôn giáo thuộc về Tâm linh. Tôn giáo là chủ quan. Sự Chứng ngộ không thể nào khái quát được bằng công thức, bằng phương trinh, ngay cả bằng ngôn ngữ. Không thể, không bao giờ có thể giải thích và chứng minh được. Khoa học và Triết học vận hành bởi cái Đầu, bằng Bộ óc. Tôn giáo vận hành bởi Trái Tim, bằng Tình yêu. Trái tim và Tình yêu luôn có bước nhảy, nó không bao giờ tuần tự, nó luôn là nghịc lý, nó là Phi logic. Tôn giáo là Phi logic.

 

 

 

Khoa học và Triết học là thế giới của Trí thức và Trí tuệ. Lý thuyết, mệnh đề, phương trình, toán tử, tích phân, đạo hàm, xấp xỉ, gần đúng,… có nghiệm hay vô nghiệm,… tất cả những điều này là quan trọng. Nhưng nó không phải là cuối cùng. Không phải là cuối cùng, dù đã rất logic. Điều cuối cùng phải là Thực nghiệm, phải là Thực tế. Phải có Thực nghiệm, phải có Thực tế kiểm tra Khoa học mới công nhận. Triết học là đi tìm Chân lý của thực tại, bằng con đường khách quan. Khoa học và Triết học là khách quan. Tôn giáo là chủ quan. Nó hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân, là chủ quan, là duy nhất theo một cách nào đó. Phật Gautama đạt Chứng ngộ không chỉ vì Ngài từ bỏ ngài vàng, quyền lực, giàu sang, cung tần mỹ nữ… Phật Gautama Chứng ngộ chỉ khi Ngài có sự từ bỏ lớn lao: từ bỏ tìm kiếm. Jesus Christ Chứng ngộ bằng Tình yêu vĩ đại. Tôn giáo là như vậy. Tôn giáo là Chủ quan. Mỗi một Con người đi tới Chân lý bằng con đường của mình.

 

 

 

Khoa học và Triết học là trò chơi của Trí tuệ, nó đi tìm Chân lý để HIỂU. Tôn giáo không phải là như vậy. Tôn giáo đi sâu và bên trong của Con người. Tôn giáo hoà nhập cái bản thể của Con người vào cái Toàn thể của Vũ trụ. Tôn giáo là đi tìm Chân lý để BIẾT. Cái không biết, thì đi tìm để hiểu. Con người thông thuờng chỉ đi tìm để hiểu những điều không biết. Con người không thể trải nghiệm được chuyển động của các hạt cơ bản trong thế giới Hạ nguyên tử. Cũng như con người không thể trải nghiệm được chuyển động của các vì sao trong giải Ngân hà. Nhưng tất cả những điều đó, con người có thể hiểu qua Thuyết Tương đối, qua việc bắn các chùm hạt, qua việc giải các phương trình trong Lý thuyết Chuỗi… Cái đã biết thì không cần hiểu nữa. Trải nghiệm rồi, biết được mọi góc cạnh, biết được mọi chiều kích, biết được mọi cung bậc, biết được mọi màu sắc, biết được mọi hương vị,… biết Tất cả, không còn phân biệt, vậy thì đầu cần gì phải hiểu nữa! Hiểu và Biết khác nhau như vậy.

 

 

 

Đó là sự khác nhau giữa Khoa học, Triết học với Tôn giáo. Không thể so sánh Khoa học, Triết học với Tôn giáo. Nó là hai cấp độ khác nhau. Có thể so sánh những Galileo Galilie, Isaac Newton,  Alber Einstein, Ernest Rutherford, Niels Bohr, James Chadwick, Werner Heisenberg, Kurt Gödel và Stephen Hawking,… Với những Aristote, Descartes, Kant, Hegel, Jean-Paul Sartre và Albert Camus,… Có thể so sánh họ với nhau. Nhưng không thể so sánh từng người họ, không thể so sánh toàn thể họ với Phật Gautama, với Jesus Christ,… Những Nhà Khoa học, những Nhà Triết học với Phật Gautama và Jusus Christ là hai cấp độ khác nhau. Không thể so sánh họ với Phật Gautama và Jusus Christ được. Không thể được.

 

 

 

Không thể lấy ngôn ngữ của Khoa học, Triết học đi phân tích, đi chứng minh, đi giải thích,… Tôn giáo. Không nên, vì đó là không thể. Ngôn ngữ, mệnh đề, công thức, toán  tử và phương trình làm sao có thể giải thích được cái Tĩnh lặng tuyệt đối? Là sao có thể phân tích được sự Chứng ngộ Linh thiêng? Phật Guatama đã nhiều lần im lặng. Ngài đã im lặng và không nói câu trả lời. Ngôn từ của Con người và những công cụ của Trí tuệ, những phương trình, những toán tử, những đạo hàm và những tích phân,… làm sao, làm sao có thể diễn tả được cái vô cùng của Vũ trụ. Làm sao có thể diễn tả được cấu trúc của Linh hồn… Phật Gautama đã im lặng. Xin đừng dùng logic, xin đừng dùng Lý thuyết Tập hợp, xin đừng dùng khái niệm Tập Mờ,… để giải thích. Mọi lý thuyết đều màu xám! David Hilbert, Pierre Simon de Laplace đã thực sự thoái vị rồi.

 

 

 

2

 

 

 

Và tôi cũng từng viết:

 

 

 

Nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, văn chương, hội hoạ, điêu khắc và điện ảnh,… là cầu nối giữa Khoa học, Triết học và Tôn giáo, là cầu nối giữa cái bên ngoài và bên trong, là cầu nối giữa hôm nay và ngày mai, là cầu nối giữa cái logic và cái phi logic,… Xin hãy tích hợp các thứ này vào trong bản thân con người. Nghệ thuật sẽ làm cho Khoa học và Triết học thơ ca hơn, màu sắc hơn, tươi tắn hơn. Nghệ thuật sẽ làm cho Tôn giáo gần gũi hơn, cụ thể hơn, đằm thắm hơn. Tích hợp được cả bốn thứ, con người tin, con người hiểu, giàu có lên rất nhiều và con người sẽ biết.

 

 

 

Anh Phạm Việt Hưng, (một người bạn đồng hành trên một con đường vốn vắng khách lữ hành, lời của anh) đã comment cho tôi:

 

 

 

Nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, văn chương, hội hoạ, điêu khắc và điện ảnh,… là cầu nối giữa Khoa học, Triết học và Tôn giáo. Tôi không nghĩ như thế. Nói như thế thì đề cao khoa học quá. Có vẻ như khoa học và triết học nằm ở vế này, tôn giáo ở vế kia. Tôi nghĩ khoa học, nghệ thuật là những con đường khác nhau để khám phá ra một phần nào đó (some part) của chân lý, một khía cạnh nào đó (some feature) của chân lý, một góc nào đó (some corner) của chân lý, một mầu sắc nào đó (some colour) của chân lý, một đặc trực nào đó (some character) của chân lý. Chân lý là duy nhất nhưng biểu lộ của nó lại đa dạng. Do đó không có một hệ thống nhận thức nào có thể mô tả nó đầy đủ. Chỉ có sự bổ sung của các dạng nhận thức khác nhau mới mô tả chân lý một cách phong phú hơn, nhưng không bao giờ lột tả đầy đủ. Giống như phải dùng nhiều loại bản đồ khác nhau để mô tả thế giới – bản đồ hành chính, bản đồ địa hình, bản đồ địa chất, bản đồ kinh tế, bản đò sắc tộc, bản đồ ngôn ngữ. Thế giới là sự chồng chất của vô số bản đồ mà mỗi bản đồ là một đặc trưng của thế giới. Khoa học là một bản đồ mô tả vũ trụ bằng ngôn ngữ khoa học. Nghệ thuật là một bản đồ mô tả thế giới bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Không có cái nào là cái cầu cho cái nào cả.

 

 

 

3

 

 

 

Vâng, không có cái nào là cái cầu cho cái nào cả.

 

 

 

Nghệ thuật không thể là cai cầu để nối giữa Khoa học, Triết học với Tôn giáo. Không thể là cầu nối giữa hai bờ sông. Không thể là cầu nối giữa hai đỉnh núi. Không thể là cái cầu. Nhưng nó là sự nối tiếp giữa chủ quan và khách quan, giữa cái logic và cái phi logic, giữa bên ngoài và bên trong, giữa hôm nay và ngày mai.

 

 

 

Nghệ thuật ngợi ca và tôn vinh tình yêu. Nghệ thuật làm bùng nổ thế giới của tình yêu. Nghệ thuật phục vụ tình yêu. Khoa học, Triết học phục vụ cuộc sống. Do đó Nghệ thuật sinh động hơn, sâu xắc hơn là Khoa học, Triết học. Tầm nhìn của Nghệ sĩ hàm chứa nhiều hơn tri thức khoa học có thể hàm chứa, mặc dầu cách thức của Nghệ thuật là hoàn toàn khác với cách thức của Khoa học và Triết học. Nó hoàn toàn khác nhau. Khoa học mang tính khách quan bởi vì nó là ngoại vi. Nghệ thuật không thể tuyệt đối khách quan được; một nửa khách quan, một nửa chủ quan. Vì đơn giản nó không thể độc lập với người quan sát được.

 

 

 

Khoa học cố gắng để người quan sát tuyệt đối độc lập với đối tượng quan sát. Nhà Khoa học phải không đi vào trong của đối tượng, phải không tham gia, phải trung lập, không là người tham gia, mà là khán giả. Nhà Khoa học phải không được đem bản thân mình vào trong sự vật và sự kiện. Đó là cái nhìn Khoa học. Đó là cái nhìn Triết học.

 

 

 

Khi nhà khoa học nhìn vào hoa ông ấy cố gắng chỉ là người quan sát. Ông ấy đơn giản theo dõi, đo đạc và khảo sát. Ông ấy ghi chép về điều ông ấy thấy. Ông ấy không đem mơ của mình vào, không đem tầm nhìn của mình vào việc quan sát. Ông ấy khách quan và từ bỏ các cảm xúc. Ông ấy phân tích và kết luận. Ông ấy phải hoàn toàn độc lập. Nghệ sỹ có nhiều tự do hơn. Nhà thơ có nhiều tự do hơn. Hoạ sĩ có nhiều tự do hơn. Họ đi sâu hơn vào trong đối tượng hoa. Họ tham gia vào bí ẩn của nó, họ không tách rời; trong vài khoảnh khắc họ trở thành một với nó. Người nghệ sỹ đắm chìm trong mùi hương của nó. Hoạ sỹ đắm chìm trong sắc màu của nó. Có những khoảnh khắc mà nhà thơ nhảy múa cùng hoa, đu đưa trong gió, nhịp nhàng trong mưa, đong đưa trong ánh mặt trời. Người nghệ sỹ, hoạ sỹ, nhà thơ,… họ đã trở thành hoa, đó chính là khi người quan sát là vật được quan sát. Có những khoảnh khắc họ không chỉ nhìn vào hoa mà nhìn qua hoa, trở thành đôi mắt của hoa. Một cách tự nhiên, họ chìm sâu hơn nhà Khoa học.

 

 

 

Nghệ thuật siêu thực là một trào lưu văn học và nghệ thuật ở thế kỷ 20, bắt đầu ở Paris và được nhà thơ người Pháp André Breton viết tuyên ngôn vào năm 1924. Trong Hiến chương Siêu thực, ông ấy tuyên bố rằng: “cách quy hai trạng thái, mơ mộng và thực tế, dường như rất trái ngược nhau, thành một thực tại tuyệt đối, một siêu thực tại”. Ông ta đã coi rằng, Siêu thực là sự kết hợp thế giới thực tế thông thường và thế giới thực tại của giấc mơ. Nhiều nhà thơ, nhiều hoạ sỹ và nhiều nghệ sỹ, họ cũng đã coi như vậy. Họ đã coi rằng, Siêu thực được tư duy sai khiến, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của lý trí, được miễn trừ khỏi mọi quan ngại liên quan tới thẩm mỹ và đạo đức. Một số khác, lại coi rằng, Siêu thực là chấp nhận các thông điệp từ vô thức chui vào ý thức,… Các Học giả  tuyên bố vậy!

 

 

 

Nhưng, những Con người Nghệ sỹ, và Nghệ thuật Siêu thực nói riêng, Nghệ thuật nói chung họ đã chạm vào cái bên trong, họ đã vượt qua cái ngoài vi, họ đã vượt qua cái thế giới vật chất thông thường. Họ đã vượt qua cả cái mà họ tưởng là bên trong, tâm lý hay phân tâm học, để đi vào sâu thẳm của tĩnh lặng, đi vào chiều của Tâm linh, đi vào Bên Trong.

 

 

 

Đó là điều, mà thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc,… chúng gần với Thực Tại hơn. Bởi vì chúng sẵn sàng để tham gia; chúng bước qua giới hạn của khách quan; chúng bước qua giới hạn của logic; chúng bước qua giới hạn của ngoại vi. Nghệ thuật hàm chứa một nửa khách quan, một nửa logic, một nửa ngoại vi; Nghệ thuật còn hàm chứa cả một nửa chủ quan, cả một nửa phi logic, cả một nửa Bên Trong.

 

 

 

4

 

 

 

Khoa học và Triết học cố gắng hiểu Cuộc sống, nó là cho Hôm nay, không thể vươn tới  Ngày mai. Ngày mai tôi nói tới, không phải là tương lai của Thời gian. Ngày mai tôi nói tới, không phải là năm 2990, không phải là một ngàn năm sau. Không phải điều đó. Bởi vì Cuộc sống là phân mảnh, là một bộ phận. Cuộc sống chỉ là một phần của bí ẩn toàn bộ của Thực Tại. Cuộc sống là hữu hạn, nhất thời. Khoảnh khắc này nó có đó, khoảng khắc tiếp nó mất rồi. Nó là làn gió thoảng, tới rồi đi… nó không tồn tại lâu. Do đó Khoa học và Triết học tưởng như biết nhiều, nhưng chỉ là chu vi, chỉ là bề mặt. Chỉ là cuộc đời của một con người, khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi, bệnh tật và chết. Nhưng cái chết nó không biết. Sau cái chết nó không biết. Nó chỉ biết về đại dương chỉ qua các con sóng và nó chưa bao giờ chìm sâu vào trong đó, và không biết cái vô hạn của đại dương. Cho nên Khoa học và Triết học nếu có tuyên bố rằng nó biết chân lí, thì điều đó là không đúng. Nó chỉ biết chân lí bộ phận, và tuyên bố cái bộ phận như cái toàn thể là một trong những điều ngớ ngẩn của cách tiếp cận khoa học. Điều nó biết là đúng, nhưng điều đó không phải là chân lí toàn thể.

 

 

 

Tôn giáo là tìm hiểu cả về cái chết, cả về sau cái chết. Đó là cái Ngày mai mà tôi nói tới. Sống và Chết, Hôm nay và Ngay mai,… là Thực Tại, là Toàn bộ.

 

 

 

Tôn giáo là tìm hiểu cả về cái chết. Cái chết chứa tất cả: cái chết chứa cuộc sống, cái chết chứa tình yêu, và cái gì đó còn hơn thế mà cả cuộc sống không chứa được nó mà tình yêu cũng không thể chứa được. Cái chết là việc tích luỹ của tất cả, là cao trào, là đỉnh cao nhất. Cuộc sống là cơ sở, cái chết là đỉnh cao, tình yêu nằm đâu đó ở giữa.

 

 

 

Tôn giáo dựa trên việc tìm kiếm vào cái chết, và hiểu cái chết là hiểu tất cả. Kinh nghiệm cái chết là kinh nghiệm tất cả, bởi vì trong kinh nghiệm về cái chết, con người không chỉ kinh nghiệm cuộc sống ở chỗ cao nhất của nó, tình yêu ở chỗ sâu nhất của nó. Trong việc kinh nghiệm cái chết con người đi vào trong điều thiêng liêng. Cái chết là cánh cửa đi tới điều thiêng liêng. Cái chết là tên của cánh cửa của ngôi đền của Thượng đế, là cánh cửa tới Niết bàn.

 

 

 

Nghệ thuật vì Tình yêu. Nghệ thuật làm bùng nổ thế giới của tình yêu. Tình yêu là khoảng giữa của Sống và Chết. Tình yêu chứa cuộc sống. Tình yêu bí ẩn hơn cuộc sống. Nghệ thuật là khoảng giữa, giữa của Sống và Chết, giữa của Hôm nay và Ngay mai. Vì trong Tình yêu đã có cả chết. Con người còn chưa sẵn sàng chết, người đó không thể biết yêu được; mặc dầu bằng việc chết người đó trở nên sống động hơn. Chính là qua cái chết mà tình yêu phục sinh bản thân nó, và lặp đi lặp lại. Chính là bằng việc biến mất mà nó xuất hiện đi xuất hiện lại. Nghệ thuật tham gia vào quá trình đó. Nghệ thuật nối Hôm nay và Ngày mai.

 

 

 

 

 

Xin cúi đầu trước Thượng đế, xin cúi đầu trước các Budhha, xin cúi đầu trước các Christ, xin cúi đầu trước các Bodhisattva; biết ơn và cầu nguyện cho tất cả mọi con người an bình và phúc lạc.

 

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi.

 

Düsseldorf, German, ngày 3/1/2013

 Sài gòn, ngày 10/5/2013

 

Cư sĩ Minh Đạt
Số lần đọc: 1876
Ngày đăng: 27.01.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Phùng Cung và những ám ảnh Văn Hóa Việt - Trần Hoài Anh
Thẩm định về giá trị Triết Học và tư duy của Triết Gia - Võ Công Liêm
Triết học Xã hội , Chính trị và Tôn giáo - Võ Công Liêm
Việt Ngữ Tương Giao Văn Học Và Triết Học Viết Từ Năm 1950 Của G.S. Trần Đức Thảo - Trần Văn Nam
Một giọt từ sự đọa đầy - Nguyễn Hồng Nhung
Tu tập thời @ (5) Te của Lao Tzu. - Cư sĩ Minh Đạt
Lửa của Pascal (Pascal's Fire) - Phạm Việt Hưng
Sự tha hóa trong những cuộc đi tìm bản thể - Nguyễn Anh Tuấn
Tình yêu – sự kết nối linh hồn - Nguyễn Hồng Nhung
Đích thực của sự thật - Võ Công Liêm