Trong 12 tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thì có đến bảy tỉnh nằm ven biển, với tổng chiều dài bờ biển là 726 km. Đó là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Tuy chỉ chiếm chưa tới ¼ tổng chiều dài bờ biển nước ta, nhưng khu vực biển của ĐBSCL giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng duyên hải nước ta, bởi nó trấn giữ cái cửa ngõ từ biển Đông trải sâu vào trong vịnh Thái Lan.
Vùng thềm lục địa tuy ngắn, nhưng nó lại bao chiếm một phần lãnh hải hết sức bao la. Trong 736 km bờ biển của khu vực, phần nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã chiếm tới 350 km. Chỉ tính riêng ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, đã có vùng biển rộng đến 285.554 km2, so với diện tích đất liền của ba tỉnh này là 13.943 km2, nó đã lớn hơn hai mươi lần. Trong tổng số 462.000 km2 của vịnh Thái Lan (bao gồm chủ quyền của bốn quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia), thì phần lãnh hải Việt Nam đã chiếm gần một nửa, lớn gần gấp rưởi diện tích vịnh Bắc Bộ.
Vịnh Thái Lan thuộc vùng thềm lục địa nước nông phía tây nam biển Đông, có độ sâu trung bình chỉ 46m. Vịnh ăn thông ra với biển Đông qua một cửa duy nhất rộng khoản 370km, tuy nhiên phần thông với biển khơi này ở độ sâu 50 m chỉ rộng vẻn vẹn 60 km. Từ cấu trúc này cho thấy, vịnh Thái Lan là một vùng biển yên, ít ảnh hưởng bởi sóng triều và bão tố của khu vực biển Đông, mặt dù nó nằm kề cận.
Về khí hậu, vịnh Thái Lan là một vùng biển ấm. Trong mùa gió đông bắc, khi ở vịnh Bắc Bộ, nhiệt độ tầng mặt xuống dưới là 15oC, ở vùng biển miền Trung là 22oC, thì vùng vịnh Thái Lan là 30oC tại tầng mặt và 27oC tại tầng đáy. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm coi như không đáng kể.
Hai yếu tố kể trên là hết sức lý tưởng cho các loài thủy tộc sinh sản và trưởng thành cũng như việc đánh bắt quanh năm của con người. Đây thật sự là cái nôi lý tưởng cho tôm cá sống ở biển Đông và Thái Bình Dương tới sinh đẻ.
Cũng cần phải kể tới một yếu tố khác không kém phần quan trọng đã làm nên môi trường sinh trưởng lý tưởng cho cá tôm ở vùng biển vịnh Thái Lan thuộc Việt Nam, đó là sự có mặt của hệ rừng ngập mặn ở bán đảo Cà Mau, rộng đến hơn trăm ngàn ha. Người ta đã tổng kết có đến 67% các loài thủy sản có giá trị thương mại đánh bắt được trên thế giới phụ thuộc vào rừng ngập mặn cửa sông và ven bờ. Chính rừng ngập mặn là nguồn cung cấp thức ăn phong phú, đa dạng cho các loài thủy sản. Trong quá trình phân hủy, xác thực vật do các loài nấm tảo, các vi sinh vật ký sinh đã làm tăng hàm lượng đạm trên các xác thực vật này lên từ hai tới ba lần. Chúng cung cấp cho các loài thủy sản một nguồn thức ăn hữu cơ dạng hạt.
Dẫn các tài liệu trên đây để cho thấy rằng, trong phần tiềm năng kinh tế lớn lao của biển Việt Nam, thì ngư trường thuộc khu vực ĐBSCL chiếm một vị trí vô cùng quang trọng, có thể nói là quan trọng nhất, giàu có nhất. Và, mặc dù có đến bảy tỉnh trong khu vực nằm ven biển, nhưng vùng biển của hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang giữ vị trí then chốt trong kinh tế biển khu vực. Lấy Kiên Giang làm ví dụ: Tổng sản lượng khai thác biển của Kiên Giang năm 2000 là 239.000 tấn, đã đóng góp hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm, giải quyết việc làm cho trên 160.000 lao động trực tiếp trên biển và từ dịch vụ nghề cá.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trử lượng thủy sản có thể khai thác ở khu vực này là khoảng hai triệu tấn/năm. Khu hệ cá vùng biển tây nam được xem là đặc trưng của phức hệ địa lý kinh tế nhiệt đới gần bờ, với đặc điểm là đa dạng về giống loài, giàu có về trử lượng. Tổng số loài thủy sản đã gặp ở đây ước có tới 2000 loài, trong đó có hơn 80 loài có giá trị kinh tế cao và cá đáy chiếm 70% số loài. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu cá biển trên thế giới: vùng biển tây nam được xếp vào khu vực có nguồn lợi cá giàu có trong số khu vực giàu nhất thế giới.
Một đặc điểm quan trọng trong vùng biển tây nam là sự có mặt của các hòn đảo. Có lẽ còn chưa nhiều người, dù sinh trưởng tại ĐBSCL, biết được rằng, vùng biển này có đến trên một trăm hòn đảo. Trong đó có đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, lớn hơn cả quốc gia Singapore. Các nhà nghiên cứu về hải đảo nước ta đã xếp các đảo của cụm đảo tây nam là một trong ba cụm đảo lớn nhất của nước ta. (Hai cụm còn lại là cụm đảo gần bờ trong vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long và các đảo ven biển miền Trung; và, cụm ngoài khơi biển Đông).
Các đảo trong vùng biển tây nam được chia thành sáu nhóm quần đảo và những hòn đảo lẻ: nhóm Hải Tặc, nhóm Bà Lụa, nhóm Nam Du, nhóm Hòn Khoai, nhóm Phú Quốc và An Thới, nhóm Thổ Chu và những hòn đảo khác nằm rải rác đơn độc như Hòn Nghệ, Hòn Tre, Hòn Rái, Hòn Chuối, Hòn Buông, Hòn Đá Bạc… Gần toàn bộ các đảo trên vùng biển tây nam là nằm trong hải phận tỉnh Kiên Giang; chỉ trừ Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá bạc và vài đảo nhỏ không đáng kể là của tỉnh Cà Mau.
Đảo rộng nhất trong vùng biển này là đào Phú Quốc, rộng khoảng 568 km2; kế đến là Hòn Rái rộng 12 km2; còn lại các Hòn Nghệ, Hòn Khoai, Hòn Nam Du, Hòn Tre, Hòn Thổ Chu rộng từ 4 - 7 km2; những hòn khác phần lớn chỉ từ 1 km2 trở lại.
Về độ cao, đảo Phú Quốc có đỉnh núi Chùa cao nhất là 603 m. Một số đảo có núi cao từ 300 đến 400 m như Hòn Rái (405m), Hòn Tre (395m), Hòn Nghệ (340m), Hòn Khoai (318m), Hòn Nam Du (305m), còn lại các hòn đảo khác đỉnh cao không vượt quá 100 m.
Ở phim này, chúng ta chỉ tìm hiểu khái lược một số đảo quan trọng và chỉ đi sâu vào những đặc điểm liên quan đến phát triển kinh tế biển và tiềm năng du lịch.
ĐẢO PHÚ QUỐC:
Là hòn đảo lớn nhất trong hơn một trăm đảo trong vịnh biển tây nam, cũng là hòn đảo lớn nhất nước ta. Đảo có dáng một hình thoi, nằm theo hướng bắc-nam, đỉnh nhọn quay về hướng xích đạo, chiều dài 52 km, chiều rộng từ 3 đến 25 km, chu vi 120 km. Phú Quốc cách mũi Nai, Hà Tiên 46 km, cách Rạch Giá 114 km. Địa hình cao ở phía bắc , thấp dần về phía nam. Núi và rừng chiếm phần lớn diện tích đảo, ở đây có đến 99 ngọn núi.
Vùng biển Phú Quốc là một trong những ngư trường phong phú nhất của vịnh Thái Lan. Đánh bắt thủy sản là truyền thống lâu đời của người dân trên đảo. Báo cáo của một đoàn khảo sát Phú Quốc do Thống đốc Nam Kỳ phái đến đây vào tháng 2.1898 có đọan: "Đảo Phú Quốc có khoảng 500 dân đinh. Người An Nam không trồng trọt. Tất cả đều làm nghề chài lưới, rảnh rỗi hơn mà lại sinh lợi hơn. (…) Theo lời viên Chánh tổng, dân chúng ở đây bỏ nghề trồng trọt chuyển sang nghề chài lưới từ ngót năm mươi năm nay". Cũng chính từ đây mà Phú Quốc có được nghề chế biến nước mắm lâu đời và nổi tiếng không chỉ trong nước. Sách Monographie de la provinced Hà Tiên, 1901 có đọan: "Nước mắm Phú Quốc sản xuất tập trung ở Dương Đông, vừa là lỵ sở của tổng Phú Quốc, vừa là trung tâm kỹ nghệ nước mắm của toàn Nam Kỳ". Trung bình hàng năm Phú Quốc sản xuất từ ba đến bốn triệu lít nước mắm.
Toàn đảo, chiếm 85% diện tích là rừng với 929 loài thực vật, trong đó còn những khu rừng nguyên sinh hệ rừng cao nhiệt đới. Động vật rừng Phú Quốc cũng hết sức phong phú, ở đây vẫn còn tồn sinh những động vật hoang dã lớn như trâu rừng, bò rừng, heo rừng, nai, chồn, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn…Riêng về dược liệu, có đến 1.015 loài. Cư dân trên đảo từ lâu còn sản xuất một loại nông phẩm hàng hóa nổi tiếng và có giá trị lớn, đó là hồ tiêu. Những vườn tiêu Phú Quốc ngoài giá trị kinh tế, còn là một cảnh quang du lịch hấp dẩn.
Tuy là đảo, nhưng Phú Quốc lại có hệ thống sông ngòi rất chằng chịt. Nguồn nước ngọt vô cùng phong phú, trên đảo đâu đâu cũng có nước ngọt, nhiều nơi sát ngay ven biển mà nước giếng vẫn ngọt và trong.
Phú Quốc còn có nhiều địa chỉ về thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa và truyền thống cách mạng. Cuối thế kỷ 19, nơi đây là căn cứ địa của thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Trong chống Mỹ, địch đã cho xây dựng ở Phú Quốc một nhà tù khổng lồ để giam giữ những người yêu nước…
Phú Quốc không đứng lẻ loi, quanh đảo chính là một quần thể các đảo, đặc biệt là quần đảo An Thới, gồm 15 đảo lớn nhỏ, làm thành bức bình phong thiên nhiên, khiến cho phía nam Phú Quốc ít bị ảnh hưởng sóng gió, ghe tàu có thể cập bến an toàn quanh năm ở bến Dương Tơ. Điều kiện tự nhiên này có thể biến Phú Quốc trở thành một cảng biển lý tưởng cho cả khu vực vịnh Thái Lan. Hiện nay, Phú Quốc có trên 60.000 cư dân đang sinh sống.
HÒN KHOAI:
Từ biển Đông, hướng Côn Đảo đi vào vùng biển tây nam, hòn đảo đầu tiên sẽ gặp là đảo Hòn Khoai, nó giống như một tiền đồn đứng gác trước cửa ngỏ biển Đông vào vịnh Thái Lan. Hòn Khoai nằm ở phía nam, thẳng trên kinh tuyến 105 Lũng Cú - Mũi Cà Mau, cách đất liền khoảng 18 km. Hòn khoai rộng hơn 4 km2, hầu hết diện tích đảo là rừng với hệ thực vật rừng cao nhiệt đới đặc biệt phong phú, trong đó có nhiều loài dược thảo quí hiếm. Nó giống như một bảo tàng tự nhiên về gien thực vật của vùng xích đạo, vì thế nó còn là đối tượng nghiên cứu tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ đối với các nhà khoa học lâm sinh.
Hòn Khoai có suối nước ngọt tuông chảy quanh năm. Bãi biển Hòn Khoai đẹp, có thể làm nơi tắm biển hấp dẫn khách du lịch, thuận tiện cho ghe tàu vào tiếp nhận nước ngọt và neo đậu tránh sóng. Nơi đây có ngọn hải đăng lâu đời nằm trong danh mục hệ thống đèn biển quốc tế. Cũng chính nơi này, ngày 13 . 12 . 1940, thầy giáo Phan Ngọc Hiển, một người cộng sản, một nhà báo, nhà văn của vùng đất Mũi đã cùng đồng đội làm cuộc khởi nghĩa cướp đảo, mở màn cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi vào lịch sử.
QUẦN ĐẢO NAM DU:
Quần đảo Nam Du (những người đi biển trong vùng còn gọi là đảo Cổ Tron) gồm 21 đảo lớn nhỏ, trong đó có 7 đảo có người sinh sống và tám đảo chìm, có đảo còn chưa có tên. Tổng diện tích các đảo là 11 km2, nằm nối nhau quay thành một vòng, ôm lấy vùng biển rộng chừng 60 km2.
Quần đảo Nam Du thuộc Kiên Giang, nằm về phía đông nam đảo Phú Quốc, cách Phú Quốc khoảng 55 km, cách đất liền khoảng trên 60 km. Hòn Nam Du là đảo lớn nhất trong quần đảo, dài gần 6 km, nơi rộng nhất khoảng 1,5 km, nằm dọc phía tây của quần đảo. Khí hậu của quần đảo này có một đặc điểm thú vị: vào mùa mưa, buổi sáng cả quần đảo chìm đắm mờ ảo trong một vùng sương mù. Quần đảo được cấu tạo bằng đá hoa cương, đá lưu vân và đất các phì nhiêu nên có nhiều cây cối, rừng rậm phát triển. Trên đảo nhiều vườn cây ăn quả rộng lớn và xanh tốt như dừa, chuối, mít…
Do địa hình kín đáo, núi ở đây lại cao, luồn ra vào giữa các hòn đảo có mực nước sâu, tàu lớn có thể dễ dàng vào ra, nên quần đảo này giống như một cái âu thuyền tự nhiên to lớn, rất lý tưởng cho các tàu vào đây tránh sóng. Đồng thời, còn có khả năng phát triển thành một cảng biển quan trọng.
Quần đảo có hơn một ngàn dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá, một ít làm vườn và rẫy.
QUẦN ĐẢO THỔ CHU:
Đây là cụm đảo tiền đồn, nằm xa ngoài khơi nhất trong hệ thống đảo tây nam, cách mũi Cà Mau chừng 160 km về phía tây bắc, cách Phú Quốc hơn 100 km về phía tây nam. Quần đảo gồm 9 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên một vùng biển rộng chừng 50 km2, trong đó hòn Thổ Chu là đảo lớn nhất.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã chép: "Quần đảo Thổ Chu còn gọi là Thổ Châu, Củ Chu, là quần đảo ngoài biển huyện Hà Châu, cách bờ hai ngày rưởi đường, lại có tên là Chu Dầu, chu vi chừng trăm dặm, cây cối xanh um, hang động âm u, sản xuất yến sào, đồi mồi, vít, hải sâm, trên cù lao có dân cư. Đầu đời Trung Hưng, Thế Tổ Cao Hoàng Đế từng đỗ thuyền nơi đây".
Trong lòng đất, dưới đáy biển quần đảo là một mỏ khí đốt to lớn, kéo dài trên 150 km về phía mũi Cà Mau. Chính mỏ khí đốt này sẽ là nguồn cung cấp cho cụm công nghiệp khí-điện-đạm mà nhà nước ta đã quyết định đầu tư nhiều tỷ đô la tại Khánh An, Cà Mau, mà Thủ tướng Phan Văn Khải vừa cắt băng khởi công xây dựng trong năm nay (2002). Đây sẽ là một cụm công nghiệp đòn bẫy cho phát triển kinh tế lâu dài cả khu vực. Có lẽ nào người xưa cũng đã tường biết đến mỏ khí này (từ cái tên Chu Dầu)?
Ngoài các quần đảo quan trọng kể trên, còn có hai quần đảo khác là quần đảo Hải Tặc ( 12 đảo) và quần đảo Bà Lụa (34 đảo) nằm gần đất liền, chênh chết trên con đường từ Mũi Nai, Hà Tiên thẳng ra Phú Quốc.
Ngoài các quần đảo vừa kể, biển tây nam còn có các hòn đảo lẻ khác nằm rải rát gần về phía đất liền của bán đảo Cà Mau, có diện tích lớn và đông dân cư sinh sống. Ở đây chỉ xin giới thiệu vài đảo quan trọng.
HÒN TRE:
Là một đảo không lớn như Phú Quốc (Hòn Tre chỉ hơn 4 km2), nhưng có vị trí rất quan trọng, nó là huyện lỵ của huyện Kiên Hải, một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, trừ Phú Quốc và quần đảo Bình An ra, huyện này bao gồm tất cả các đảo còn lại của Kiên Giang. Hòn Tre cách thị xã Rạch Giá 28 km về phía nam. Cấu tạo địa chất của đảo là đá hoa cương cứng rắn bị phong hóa, tạo thành lớp đất mặt khá dày, màu mở, trồng được nhiều lọai cây ăn trái như dừa, xoài, mít, mảng cầu… Cư dân phần lớn sống bằng nghề khai thác hải sản, đan lưới, đóng thuyền, làm nước mắm, số ít làm rẫy, lập vườn, vài năm gần đây phát triển nhanh số hộ làm dịch vụ thương mại.
HÒN RÁI:
Nằm cách Hòn Tre 25 km về hướng tây nam, Hòn Rái còn có tên Lại Sơn hoặc Sơn Rái. Sau Phú Quốc, đây là hòn đảo lớn thứ hai của nước ta trong vịnh Thái Lan, diện tích hơn 12 km2, dài 6 km, rộng 3 km. Đảo là trung tâm hành chính của xã Lại Sơn. Đảo do hai dãy núi lớn nằm song song tạo thành, ở giữa các dãy núi có hai thung lũng bằng phẳng nhưng hẹp. Trên đảo có nhiều suối nước ngọi chảy quanh năm. Cư dân trên đảo sinh họat giống như Hòn Tre.
HÒN NGHỆ:
Nằm giữa đường Rạch Giá đi Phú Quốc, cách Hòn Chông 15 km, dài 3 km, rộng 1,5 km, diện tích khoảng trên 4 km2. Hòn Nghệ còn có tên là Ninh Hòa. Hòn Nghệ có nhiều hang động và loài dơi sinh sống, cây cối xanh tốt. Trên đảo không có suối nước chảy quanh năm, nhưng lại có mạch nước ngầm trử lượng lớn, nằm ở độ sâu chỉ từ 3 - 4 m. Hòn Nghệ là một xã thuộc huyện Kiên Hải, với dân số khỏang 1.350 người.
Do đặc điểm tự nhiên là vùng biển cạn, thời tiết quanh năm không bão to gió lớn, lại giàu có tôm cá, nên tập quán khai thác thủy sản lâu đời của vùng biển này là đánh bắt gần bờ quanh năm, với các phương tiện đi biển nhỏ, công cụ đánh bắt thô sơ. Tập quán đánh bắt thô sơ, bất kể sự tàn phá nguồn tài nguyên biển ở khu vực này, còn phải kể đến hàng chục ngàn miệng đáy hàng cạn và hàng khơi trong vùng biển, nằm chắn trên những luồng chảy, vốn là con đường du cư của tôm cá bố mẹ đi tìm nơi sinh đẻ và tôm cá chưa trưởng thành tìm đến nơi sinh sống thích nghi. Về mặt bảo vệ tài nguyên, không còn gì nghi nghờ, tập quán này cần phải được chấm dứt. Cùng với tốc độ tàn phá đến chóng mặt rừng ngập mặn của bán đảo Cà Mau, tập quán đánh bắt lâu đời này đã đẩy nguồn lợi thủy sản biển của vùng, vốn đa dạng và giàu có, ngày nay đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Lấy Kiên Giang, tỉnh luôn dẫn đầu về khai thác biển trong khu vực cả từ trước giải phóng đến nay làm ví dụ. Năm 1976, Kiên Giang có trên 2.200 tàu đánh bắt thủy sản, nhưng chỉ có tổng công xuất khoảng 60.000 mã lực, bình quân không tới 27 mã lực/tàu. Công xuất này không thể cho phép tàu ra khỏi vùng quá 30 m nước sâu.
Từ sau khi Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đổi mới, chấp nhận nền kinh tế thị trường, cùng với việc xác định thủy sản là thế mạnh chủ lực của khu vực, ngành đánh bắt thủy sản ở ĐBSCL đã có một bước phát triển thật đáng kể. Lại lấy Kiên Giang làm ví dụ so sánh. Số lượng tàu đánh bắt của Kiên Giang từ 2.200 chiếc đã tăng lên 6.635 chiếc (2001), tăng gấp ba lần. Đáng kể hơn là tổng công xuất đã tăng hơn mười lần, từ 60.000 mả lực, nay tăng lên 626.000 mã lực, bình quân 94 mã lực/tàu. Vai trò kinh tế tư nhân trong ngành đánh bắt thủy sản khu vực đã đóng vai trò chủ lực, thực sự là động lực cho phát triển.
Còn có một thực tế đã thật sự cảnh tỉnh cho những nhà hoạch định chiến lược phát triển đánh bắt thủy sản biển của khu vực ĐBSCL, đó là cơn bão số 5, xảy ra vào đầu tháng 11 . 19997. Cơn bão đã làm cho gần 1.000 tàu và hơn 1.500 con người bỗng chốc mất tích giữa đại dương. Sau bão, Chính Phủ đã dành một khoản đầu tư to lớn hàng ngàn tỷ đồng để khu vực, mà tập trung chủ yếu ở ba tỉnh là Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu phát triển chương trình đánh bắt xa bờ. Đây là một định hướng đúng, là bài toán quan trọng giải quyết chiến lược phát triển bền vững cho vùng biển khu vực. Tuy nhiên, chương trình này cũng chỉ mới là những bước đi ban đầu. Cụ thể như tỉnh Bạc Liêu hiện nay, trong tổng số 1.153 tàu đánh cá, chỉ có 260 tàu là có khả năng đánh bắt xa bờ. Để phát triển có hiệu quả chương trình này, bài toán khó giải về việc phát triển đồng bộ những yếu tố có liên quan lẫn nhau vẫn còn đặt trên bàn những nhà hoạch định và quản lý.
Cùng với sự phát triển các phương tiện đánh bắt, là sự phát triển mạnh của các cơ sở chế biến, nhầm nâng cao giá trị kinh tế và ổn định đầu ra cho nguồn hàng hóa này. Cơ chế thị trường đã thật sự giải phóng sức sản xuất, chấm dứt tình trạng các cứ phân vùng, sản xuất theo lối tự cung tự cấp. Một ví dụ điển hình rõ nét: Cần Thơ là tỉnh không có bờ biển, nghề đánh bắt thủy sản là không đáng kể, nhưng công ty Cafatex của Cần Thơ lại là doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào loại mạnh hàng đầu của khu vực ĐBSCL.
Đồng thời với việc phát triển công nghiệp chế biến, là sự phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá. Trong những năm qua, ở các vùng đánh bắt trọng điểm, một số cảng cá quan trọng đã được xây dựng. Hệ thống cảng này đang được tập trung đầu tư ở Kiên Giang, có qui mô lớn nhất nước trong các tỉnh có nghề cá. Đó là các cảng Thổ Châu (Phú Quốc), Nam Du (Kiên Hải), An Thới (Phú Quốc) Tắc Cậu (Châu Thành) - đây là cảng trung tâm lớn nhất của nghề cá khu vực ĐBSCL. Danh sách các cảng đang và sẽ thi công của Kiên Giang là 5 địa điểm nữa nằm rải rác theo các cửa sông và hải đảo quan trọng. Phải nói, trong sự phát triển các cảng cá, tỉnh Kiên Giang đã có một tầm nhìn chiến lược. Bởi vì, trong cơ chế thị trường ngày nay, đầu tư đánh bắt là một việc, nhưng khi một tỉnh nào đó chưa có được hệ thống cảng thuận tiện, đủ khả năng tiếp nhận tàu thuyền vào ra cùng với những dịch vụ đi kèm, thì chưa thể nói đến việc hình thành thị trường hải sản.
Dù ngành thủy sản của khu vực ĐBSCL ngày nay đang nắm giữ tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của khu vực, song nhìn vào bức tranh phát triển của ngành này, thẳng thắng mà nói là nó chưa cho phép chúng ta lạc quan, nếu không nói là còn nhiều bất cập và báo động.
Như đã nói trên, sau bão số 5, nhà nước đã đầu tư cho khu vực này hàng ngàn tỷ đồng để phát triển chương trình đánh bắt xa bờ, nhưng tính hiệu quả của chương trình này cho đến hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Bởi vì, gần như toàn bộ số tiền đầu tư chỉ dồn vào mỗi một việc là đóng tàu. Tại tỉnh Cà Mau, do qui chế đầu tư, một loạt các hợp tác xã đánh bắt vội vàng ra đời để khai thác vốn đóng tàu, nhưng lại thiếu hẳn nội lực tự thân. Kết quả là sau khi tàu đã được đóng, các hợp tác xã hình thức và ô hộp này không có khả năng trang bị ngư cụ và phương tiện kỹ thuật đánh bắt đồng bộ, dẫn đến việc nhiều tàu không thể ra khơi cho đến ngày nay. Số lớn tàu khác, càng ra khơi càng chìm ngập trong thua lỗ.
Ở đây có một nguyên nhân rất dễ nhìn thấy. Đó là nguồn nhân lực phát triển không đồng bộ với việc đầu tư phương tiện. Đại đa số tàu thuyền đánh bắt trong khu vực là của tư nhân. Từ xa xưa, do tập quán đánh bắt thô sơ, công cuộc khai thác tài nguyên thủy sản biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của ngư phủ. Khi công việc đánh bắt xa bờ được khuết trương, đã cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng một đội nhủ những thuyền trưởng và các kỹ thuật viên có khả năng sử dụng có hiệu quả những ngư cụ đánh bắt hiện đại.
Cùng với việc thiếu hụt nguồn nhân lực như đã nói, đó là sự không đồng bộ của các dịch vụ hậu cần đi kèm, nhất là dịch vụ sơ chế và bảo quản sau thu hoạch. Phần lớn các chủ tàu tư nhân phải tự đảm cung công việc này cùng với việc tiếp nhiên liệu và nước đá trên biển. Kết quả là dù năng xuất khai thác có cao, song giá trị thương phẩm của hàng hóa khai thác được thường có giá trị rất thấp.
Để đảm bảo cho việc khai thác có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên biển đáng kể này của khu vực, cần tập trung giải quyết ba vấn đề sau đây:
1/ Trước hết khu vực phải hình thành một trung tâm đào tạo vừa thiết thực (để đào tạo và sử dụng lại lực lượng thuyền trưởng và thuyền viên vốn trưởng thành từ kinh nghiệm đi biển, tuy có lạc hậu, song những kinh nghiệm này là không dễ có), đồng thời chẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực bổ sung cho phát triển lâu dài. Trong đề án chiến lược phát triển giáo dục đại học khu vực ĐBSCL của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, thấy có đề cập đến việc thành lập trường đại học thủy sản ở Kiên Giang vào khoảng từ năm 2005 trở đi. Như thế là có quá chậm chăng so với tính bức bách của yêu cầu này?
2/ Cần phải qui hoạch lại chiến lược phát triển ngành dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực đủ mạnh bên cạnh việc phát triển các phương tiện đánh bắt. Đảm bảo ở đâu có tàu đánh bắt thì ở đó có đầy đủ các dịch vụ hậu cần. Phải phát triển ngành kinh tế này thành những tập đoàn lớn, có đủ khả năng tài lực và cơ sở hạ tầng, nhất là các trung tâm chế biến và những cảng cá. Đảm bảo hình thành thị trường hải sản lớn mạnh, chấm dứt tình trạng sản phẩm thô sau khai thác chảy ra các nước trong khu vực như hiện nay. Ở đây các doanh nghiệp Nhà nước đóng một vai trò then chốt, đồng thời với với những chính sách thông thoáng, hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
3/ Cần cấp bách tổ chức Hiệp hội những người khai thác biển để tập hợp rộng rải những người làm nghề này của tất cả các thành phần kinh tế, như là một qui chế bắt buộc. Ở đây, các phương tiện đánh bắt cho mỗi mùa, mỗi khu vực phải được thể chế nghiêm ngặc bằng luật lệ. Ở đây, ngư dân phải được giáo dục thường xuyên và tự kiểm soát nhau, để biết mình chỉ được đánh bắt những gì và để lại những gì cho hậu thế.
Như phần trên đã giới thiệu, biển ở ĐBSCL, cụ thể hơn là vùng biển tây nam, không chỉ giàu có về nguồn lợi thủy sản, nó còn có trên một trăm hòn đảo trong một vùng biển yên với khí hậu ấm áp quanh năm, trong đó phần nhiều các đảo là có cây xanh, nước ngọt với dân cư sinh sống đã lâu đời, hơn nữa thiên nhiên hãy còn rất hoang sơ và trong sạch. Ngoài địa thế cho phép xây dựng những cảng biển lý tưởng, nó còn cho thấy một tiềm năng du lịch to lớn. Những hòn đảo này có mọi khả năng để trở thành những địa chỉ hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước quanh năm.
Hiện tại, gần như chỉ duy nhất có đảo Phú Quốc là có một ít cơ sở hạ tầng dành cho du lịch. Một số đảo khác không nhiều, chỉ có thể đón được khách du lịch điền dã, ngắn ngày. Đây thật sự là một tiềm năng rất lớn còn đang yên ngủ, nếu không nói là đang bị lãng phí. Có một thực tế hết sức thuận lợi là toàn bộ các đảo nằm tập trung ở hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Để khai thác nguồn tiềm năng này, cách tốt nhất là có sự liên kết giữa hai tỉnh trên để có thể cho ra đời một công ty du lịch biển và đảo. Bắt đầu từ một tổ chức như thế, mới có thể nghĩ đến một khả năng khai thác. Mới không còn để cho du khách chỉ biết đứng trong đất liền, tiếc nuối nhìn ra các hòn đảo gần kề mà không cách gì đến được.
NGUYỄN TRỌNG TÍN
VÕ ĐẮC DỰ