Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.224.409
 
Cảm thức Tha-Ngã Luận [Kì 1]
Phạm Tấn Xuân Cao

 

[Kì 1]

 

 

 

DẪN NHẬP

 

“Thực tại chỉ là một linh cảm tập thể”[*]

(Lily Tomlin)

 

Khởi sự để truy vấn về hữu thể là công cuộc bước trên lộ trình mang viễn tượng dự phóng vào vô cùng. Tuy nhiên, không vì thế mà khát khao để đem lại những gì về hữu thể được thường xuyên hiển lộ từng bước trở nên bất khả. Cũng có thể nói rằng, cố gắng phác thảo ra ở đây cũng chỉ là phản ánh dưới khía cạnh tự nó giới hạn lại phân vùng khi nó truy vấn về hữu thể mà thôi. Hữu thể, ở đây, mang tính chất tha ngã tính được nhìn nhận dưới khía cạnh khả năng của các tha thể (hiểu như những khả thể). Tính chất chủ đạo này đóng vai trò trở thành phương thức hướng định đến để hội nhập về phía đích thân hữu thể đang không ngừng hội thông và lưu dẫn vào thực tại. Dựa trên khía cạnh gán như nó với cơ sở mang tính chính thống cho công cuộc xác lập nên hệ hình hữu thể tha ngã tính, cảm thức điềm nhiên phác thảo và phác thảo không ngừng về chính tiên nguyên tha ngã dựa trên sự kiện chủ thể tính (cổ điển) đang bị thao túng và tiến dần đến biến cố cáo chung chính nó. Sau đây chính là một phong cảnh lãng mạn mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng được, thông qua lộ trình phác thảo của cảm thức về tiên nguyên tha ngã đầy tinh tế này.

 

Huế, 15.12.13

 

 

CHƯƠNG I

BẢN THỂ THỰC TẠI ĐA KHÔNG GIAN

 

1. CẢM THỨC KÍCH XUẤT KHÔNG GIAN.

 

1.1 DIỄN GIẢI VỀ CẢM THỨC.

 

Cảm thức là cái chứa đựng một diễn trình mang tính tác động chung cuộc trong việc hướng định đến tổng phần nội tại của chủ thể. Diễn trình đó, ở đây, chính là sự tương quan giữa cảm giác và tri giác, chúng cùng hòa quyện vào nhau và liên thông với nhau. Khi nhận thức, bản thân chủ thể luôn là trung tâm của những gì được tác động đến. Yếu tố đầu tiên chi phối quá trình nhận thức không gì khác đi ngoài cảm thức, nói cảm thức, ở đây, là muốn nhấn mạnh đến cả cảm giác lẫn tri giác, đồng thời, không loại trừ ra khỏi mối quan hệ trong quá trình tác động qua lại giữa cảm giác và tri giác. Rõ ràng rằng, việc chú ý đến tính tương quan giữa tác động qua lại đối với cảm giác và tri giác là một sự chú ý rất cần thiết, bởi lẽ, chỉ khi nhìn nhận về mối tương quan đó thì xem xét đến cảm thức, ta sẽ thấy được mức độ quan trọng của cảm thức là như thế nào.

Và chính sự tương quan ấy mà trong một mức độ tối thiểu sẽ cho chúng ta hiểu rằng, nó không gì khác chính là một diễn trình, do đó, cảm thức là cái chứa đựng một diễn trình. Những gì tác động đến từ thế giới bên ngoài sẽ phải được thực hiện thông qua cảm thức. Như vậy, chính cảm thức là một sự tác động - một sự tác động trung gian - và giả sử, nếu như sự tác động này không tồn tại thì sẽ dễ dàng thấy rõ về một hệ quả rằng, chủ thể không có được tri thức. Nhưng sự tác động của cảm thức không chỉ có thế, mà cảm thức, vai trò quan trọng của nó, hơn hết, được nói đến ở đây, chính là bản chất của sự tác động mà nó đảm nhận. Sự tác động đó không thể được coi là một sự tác động đơn thuần, như chính sự tác động từ thế giới bên ngoài về phía chủ thể, mà sự tác động của cảm thức mang bản chất là một sự tác động chung cuộc, tất nhiên, chính sự tác động đó bao hàm một diễn trình như đã nói. Một sự tác động bao quát.

Nói về diễn trình như thế, tôi muốn nhấn mạnh đến tính biết của cảm giác/sự biết của cảm giác. Ở cảm thức, theo định nghĩa trong tâm lí học, “là một ý thức trực tiếp và minh tàng về một nội dung tâm thần hiện có trong tâm trí mà không bao giờ được nghĩ tưởng đến hay biểu lộ qua các phản ứng cảm xúc hoặc các động tác vừa mới phát sinh, hoặc các ý hướng hay chiều hướng suy tưởng”[*].

Sự biết của cảm giác theo cách hiểu cũng về khái niệm cảm thức, ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất “trực tiếp và minh tàng”, đó như là biểu hiện của trực giác được soi chiếu một cách đồng bộ cùng cảm giác và tri giác trong quá trình nhận thức, được diễn giải dưới tên gọi khác đi như là một diễn trình. Với diễn trình là một quá trình đang tiếp diễn. Đó là một quá trình mà việc nhìn nhận về nó, ở đây, chúng ta muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính quá trình đang được nói đến, ngay trong quá trình đang nói hay đang nhìn nhận về nó, để thấy rõ được tính tiếp diễn của chính nó là như thế nào. Quá trình đó hội tụ những khía cạnh mà việc chúng ta nhìn nhận về nó, khiến chính sự nhìn nhận ấy được đảm bảo cho mức độ khái quát, về những hệ quả đạt được mà quá trình đó có được.

Chính vì thế, cảm thức, không gì khác, tự bản thân, nó chính là một tổ hợp giữa cảm giác, tri giác và trực giác. Nhưng không phải, tổ hợp ở đây, đơn thuần chỉ là việc nhìn nhận có 3 viên bi trong một hộp giấy hình vuông kín, chứa đựng chỉ riêng 3 viên bi xanh, vàng, đỏ, mà tổ hợp đó mang tính tác động chung trong cung cách biểu hiện vai trò. Điều này, phải chăng, tương tự như “một phức hợp gồm những ý lực (idées forces) hay những khuynh hướng chủ đề (thématisme) tình cảm, biểu tượng, ảnh tượng hay phán đoán về giá trị vui thú và buồn khổ, đôi khi về cảm xúc và các tác động gây ra hiệu quả cho cảm thức”[*], được hiểu như bản chất sâu kín của cảm thức trong tâm lí học. Phức hợp đó cũng chính là tổ hợp theo một sự diễn giải tương đồng. Hệ thống tâm lí (tâm hệ) của mỗi cá nhân, trong sự hướng định đến của cảm thức, chính bằng với tổng phần nội tại của chủ thể.

Tổng phần đó, chính là một hệ thống. Mà hệ thống này gieo thành sự ủy thác ý thức tính từ phía tâm hệ trải ra trên bình diện mạnh mẽ của cảm tính. Ở đây, chúng ta thấy rằng, khi tri nhận một sự vật/hiện tượng, cảm thức đồng thời huy động những định phần có trong chính bản thân mình. Và bằng cách phân tích những định phần đó, chúng ta sẽ thấy được bình diện cảm tính của cảm thức nhấn mạnh ở đây luôn trong dưới một cái nhìn trung thực nhất.

Với việc nhìn nhận diễn trình mang tính tác động chung cuộc của cảm thức, nên tự nó mang những khuynh hướng, mà những khuynh hướng đó, luôn khi nào cũng có đối tượng của riêng nó. Khuynh hướng vạch nên đường lối mà chính những định phần của nó hướng đến trên những đối tượng thành phần. Cảm giác có đối tượng của cảm giác, tri giác có đối tượng của tri giác và trực giác cũng không ngoại lệ, trực giác có đối tượng của trực giác. Những đối tượng đó, mà bản thân mỗi định phần tạo ra các khuynh hướng cho riêng mình làm nên tác động, điều này giải thích vì sao ở cảm thức lại mang một tính chất chung cuộc trong việc hướng định đến tổng phần nội tại của chủ thể. Mà chủ thể, nói đến nó, chính là nhằm chỉ ra một đối tượng, ở đó, nó – chỉ đối tượng đó – không gì khác ngoài những gì đang thực hiện một sự phân biệt với những gì khác nó. Ở đó, nó luôn luôn đảm nhận một vai trò được xem xét như là trung tâm của sự tiếp biến những tác động từ bên ngoài về phía chính nó. Nói một cách chính xác hơn rằng, chủ thể là thành phần của quá trình nhận thức thế giới, mà ở đó, chủ thể đóng vai trò tiếp thu những gì từ thế giới bên ngoài đang luôn luôn tác động đến chủ thể. Tác động, nhưng phải thực sự hướng định một đích đến nào đó. Đích đến ấy, không gì khác, chính là tổng phần nội tại của chủ thể. Tổng phần đó phải đang có để đảm bảo tính diễn trình của cảm thức, đồng thời, tổng phần đó là nội tại, tức là nó phải chứa đựng trong chính bản thân chủ thể, nội tại của chủ thể là ở trong bản thân chủ thể. Tổng phần nội tại của chủ thể, được nói đến, để chỉ ra rằng, xem xét về nó, chính là thực hiện một nhìn nhận có liên quan với những gì tồn tại bên trong bản thân chủ thể, mà ở đó, chủ thể có được hình dung như là chủ nhân sở hữu một cách chính đáng những thứ đó vậy. Cảm thức thực hiện công cuộc hướng định đến tổng phần ấy, nhằm để chỉ ra rằng, cảm thức luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong sự tác động mang tính nhắm đến cái đích đó. Nhìn nhận về mức độ quan trọng của cái đích đó, như thế, để gián tiếp nâng cao vai trò của cảm thức. Cảm thức, ở đây, được hiểu như một sự hiểu biết đầu tiên, nhưng không là hiểu biết nhỏ nhặt, mà chính nó, thực hiện một sự chi phối gián tiếp đến tổng phần nội tại của chủ thể, như đã nói.

Cảm thức thắt chặt và bủa vây mọi ngóc ngách mà nó hiện có, để tự nó phác thảo ra một diễn trình, được hiểu như là một diễn tiến quá trình trên những khuynh hướng nhắm đến đối tượng, từ phía mỗi định phần ở trong cơ cấu của chính nó. Trong đó, hướng định chính là việc nhìn nhận để chuyển tải về một đối tượng, khi quá trình nhận thức được thực hiện, đó chính là bước kế tiếp của sự phản ánh thế giới (sự chịu sự tác động hay tiếp thu tác động từ thế giới).

Và chính cơ cấu định phần của cảm thức, không gì khác, chính là cơ cấu tiền niệm, xây dựng nên hay vạch ra, để trả lời/đem lại/mang đến những lời giải đáp thực sự rõ ràng cho cảm thức – khái niệm được sử dụng chứa đựng từ tính chất của hiện tượng. Cơ cấu đó trình bày một cách thông suốt hơn tính minh bạch hóa của cảm thức.

Cơ cấu tiền niệm diễn giải nên sự hiển minh cấu trúc không trương của cảm thức và ưu trương của thời trường. René Descartes nổi tiếng với mệnh đề “Cogito ergo sum – Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu”. Thì chính cái tôi tư duy của Descartes rộng ra là vật suy tư (res cogitans), cùng với cái tôi hiện hữu đó, rộng ra là vật khả trương (res extensa) và bằng hành động phủ định đặc tính diên trường ấy sẽ làm nên một phần cấu trúc cho sự hiển minh của cảm thức được diễn giải đi bởi cơ cấu tiền niệm. Cơ cấu tiền niệm chính là sự quy hồi từ cơ cấu định phần cảm thức trên mức độ trực tính thành phần. Một chiết suất sẽ được quy hồi thành kết quả của quá trình tri nhận/thụ nạp (tri thức) từ phía đối tượng, tạo ra nhờ vào những định phần ấy.

Nói đến không trương cảm thức là muốn nhấn mạnh đến tính khả nhiên của những định phần diễn tiến bên trong tâm hệ. Một sự vật/cái gì đó hiện hữu thì được gọi là vật khả trương, chính nhằm vào sự căng trương như là định tính của vật chất, mà sự vật hay cái gì đó chỉ có thể có được, khi nó hiện hữu. Còn cảm thức mang tính không trương, thì để hiểu được tính chất này, chính bằng với việc phủ định đi tính khả trương của đối tượng mang nó, hay nhìn nhận dưới một khía cạnh khác đi của ngôn ngữ xưng danh, thì không trương chính là không khả trương. Và đối tượng mang đặc tính không trương thường là những đối tượng thuộc về tinh thần, hay được biểu hiện khác đi trên một bình diện của cái được gọi là vật suy tư. Mọi định phần của cảm thức đều mang tính không trương, biểu hiện qua cơ cấu tiền niệm, được diễn giải, trước hết, tạo nên một sự hiển minh.

Trong khi tri nhận, mỗi phân vùng của cảm thức sẽ tạo nên những dải tần khỏa lấp vào mọi bộ phận tâm hệ. Một khi sự kiện khỏa lấp đó, được tạo ra với một tiến trình hồi quy bình thường, thì diễn tiến của chính những sự kiện ấy, tạo nên tính thời trường của cảm thức. Nó giống với điều gì đó, bắt đầu xuất hiện, đi qua và lấp đầy. Trong cấu trúc tạo nên sự hiển minh của cơ cấu tiền niệm, được diễn giải ra một cách thành công thì cần phải thông qua thuộc tính ưu trương của thời trường. Với những bình diện sơ đẳng nhất của định phần cảm thức, mỗi định phần luôn dàn nạp cho mình những động cơ mang tính tiềm ẩn, nhưng chính những động cơ đó lại luôn là những khuynh hướng chiếu xét theo sự ưu đẳng, trong quá trình tri nhận. Và chính những khuynh hướng xuất phát từ bản thân của các định phần hướng đến đối tượng của chính nó, chi phối lên trên tâm hệ và hướng cơ cấu tiền niệm đi theo một cách thông suốt, trên lộ trình của diễn tiến khỏa lấp, mà thời trường triển khai ra.

Cơ cấu tiền niệm tối ưu so với cơ cấu định phần cảm thức, như là thượng tầng của chính nó, mà cơ cấu định phần đóng vai trò làm hạ tầng cơ sở. Bằng với hành động nhấn mạnh đến định tính linh hoạt của thời trường, được điều chỉnh trên cơ cấu có trong tâm hệ ngã theo những chiều hướng ưu đẳng nhất, mà tự thân vai trò của mỗi định phần có trong cơ cấu định phần cảm thức phác thảo ra. Do đó, cơ cấu tiền niệm chi phối, chi phối một cách đồng bộ, quy định tính diễn giải về cấu trúc không trương của cảm thức và đặc tính ưu trương của thời trường. Khuynh hướng mà cảm thức nhắm đến chính bằng việc soi xét tính tường minh của cơ cấu vừa nêu. Đặc cách của thời trường là không mang vác sự đẳng trương mà ý hướng về không trương của cảm thức lại được tạo dựng trong một cung cách liên quan đến đặc tính ưu trương của thời trường diễn ra trong tâm hệ. Và cũng với tính ưu trương đó, mà trên những đương lượng tồn tục triền miên (miên tục) có trong chính bản thân thời trường, làm nên một sự giao phó thâm sâu từ phía cảm thức.

Miên tục của thời trường là một định lực của cảm thức. Trong cơ cấu tiền niệm của cảm thức, ta đã biết được thời trường là gì. Và miên tục của thời trường là sự kiện biên niên tồn tục một cách triền miên của thời trường. Nó đi qua và đi qua trên chính những đương lượng được khảo sát đồng thời nhất. Trong sự giao phó của cơ cấu tiền niệm được hiển minh cho đặc tính ưu trương thời trường, miên tục đóng vai trò làm cấu nối giữa những chuỗi sự kiện diễn ra trong quá trình thời trường được huy động thịnh hành. Vì thế cho nên, miên tục tiệm vị trong nó sự định hướng tái chuẩn hóa của những lược đồ tri nhận mà cảm thức vẽ ra. Không có một dính dáng tất yếu nào giữa những sự kiện được khởi thảo nên trong miên tục mà tương ứng với những hệ quả bị cố kết chặt chẽ trong từng đối tượng. Nhưng lưu ý, ở đây, miên tục này là miên tục thời trường, nhằm để phân biệt với miên tục mang tính chất huyền nhiệm tiềm ẩn trong bản thân thực tại. Miên tục của thực tại là tất cả những gì có đó và không có ở đó. Có đó, bởi vì, nó là tồn tục, tồn tục sự tồn tục chứ không phải tồn tục của những khoảng tồn tục. Và không có ở đó, chính là một khi sự tồn tục tồn tục rồi thì không còn gì ở đó nữa để mà sẽ được hiểu như chính những gì ở đó là sẽ được tồn tục.

Miên tục của thời trường, do đó, chứa đựng những gì mà cảm thức giao phó với sự đặc cách tinh tường nhất, khởi đi khả hữu tự thân. Và sự đặc cách tinh tường đó, chứa đựng tính khả hữu kìm nén trong bản thân thời trường, chẳng qua, cũng chỉ là một liên tiến của những xâu chuỗi hiển hiện trong bản thân cảm thức. Cho nên, điều đó dẫn đến sự tương thích giữa những gì mà bản thân miên tục của thời trường có được, bằng với chính những gì mà cơ cấu tiền niệm, trên đương mức thuần thành nghiêng về phía ưu trương của thời trường tác chuyển nên. Bản thân miên tục thời trường là những đồng đẳng được hiểu như những định lực của cảm thức có khả năng hoán vị. Không chồng chéo như điều gì đó là hiển nhiên, trong cơ cấu biểu hiện ra, rõ ràng rằng, để có thể hiểu về miên tục thời trường dưới ánh sáng một định lực của cảm thức, thì chỉ có thể xét trong sự thoát ly những hợp cảnh tồn hữu, khi khởi đi xây dựng hệ hình mang đầy tính ngẫu biến của bản thân những tương tranh xuất hiện trong cảm thức.

Đôi khi, sự hiện diện miên tục của thực tại lại là những mức độ ứng biến có trên hệ hình thao tác cảm thức, gieo vào miên tục của thời trường là một điểm nhấn mang tính định lực. Ở đây, cảm thức như muốn qua lăng kính miên tục của chính đặc tính thời trường cảm thức, cơ cấu tiền niệm khúc xạ qua đó, mang những gì chứa đựng từ sự ưu trương của thời trường tìm về một lộ trình quy hợp trên chung cuộc không trương cảm thức. Yếu tố định lực được diễn giải ra ở đây, không gì khác, mang những mong muốn đang ngày đêm có trong cảm thức thôi thúc qua miên tục thời trường của chính nó. Tuy nhiên, như đã nói, ưu trương của thời trường thực hiện một lộ trình tìm về không trương của cảm thức qua lăng kính miên tục chính nó, việc biện giải như thế, đôi khi, được thôi thúc từ chính những gì đang từng ngày được giản quy đi đến một sự tồn hợp không còn đoán định từ những phía nào, để cưu mang cho nó một sự tự trị thích đáng trong những gì là vô nghĩa. Định lực của cảm thức không là gì khác đi ngoài những gì miên tục thời trường biểu hiện ra trên cơ cấu tiền niệm của cảm thức. Hẳn nhiên, luôn là có một sự hạn định của những phông nền diễn giải thật cặn kẽ và chi tiết, để tạo nên điều gì đó rõ ràng ở tính chất của thời trường không khi nào không tương tác với cảm thức.

Cho nên, tác động của luận lí về cảm thức đang nắm giữ cơ trình thiết tạo vào thời trường là hoàn toàn bất lực. Bằng với những cố gắng diễn giải một cách chặt chẽ nhất, như là mong muốn của luận lí từ sự tác động của chính nó hướng đến đối tượng bất kì, bản thân cảm thức là bất khả kháng để diễn giải tường minh tuyệt đối. Do đó, tác động của luận lí nhắm đến cảm thức mang bản tính bất phục. Cảm thức đang nắm giữ cơ trình thiết tạo vào thời trường, chính muốn nhấn mạnh đến vai trò sâu sắc của cảm thức tạo ra thời trường. Trong khi thời trường xảy ra thì việc biểu hiện của nó trở thành đặc tính ưu trương, như là biểu hiện nổi bật nhất, luôn tiếp cận với tính không trương của cảm thức. Mà thực sự, những nhân tố đó có thể có khả năng khơi gợi ra rõ ràng, nhưng vì mang tính đồng thời trình hiện trong thời trường, nên việc dàn nạp những nhân tố đó khó có thể biểu hiện rõ rệt. Việc diễn giải chỉ là, trong một phần nào đó, tự nó giới hạn lại vào vai trò của chính nó, khi mà cơ trình thiết tạo vào thời trường, luôn hướng đến, nhằm xây dựng một giá trị tới hạn của những gì làm nên bản thân cảm thức.

Tính bất lực của luận lí được nêu ra ở đây là muốn nhắm đến, không gì hơn nữa, tính bất toàn của diễn giải về cảm thức. Hậu tố từ cảm thức chưa thực sự được xây dựng nên một cách chắc chắn, nhưng hạn định tất cả những gì gieo rắc thành tư tưởng phi tuyệt đối, khi nhắm đến để hiểu hơn về cảm thức vẫn là một mong muốn tiếp cận chính đáng. Bởi dù gì đi nữa thì tiếp cận cũng là mong muốn tiệm cận đến dù có khó khăn ở những biên vùng đòi hỏi điều gì đó thật sự rạch ròi và chặt chẽ. Bởi chính đòi hỏi ấy, đã làm cạn kiệt đi nỗi nào giảm thiểu những đề hướng về cảm thức. Và một lần nữa, thời trường cảm thức đóng vai trò của những phác đồ thâm sâu về cảm thức, vẽ ra từ viễn tượng của sự trình hiện tự bản thân chính nó.

Vì vậy, lược đồ của lộ trình hành xử không trương cảm thức cơ cấu nên  miên viễn về tụ độ của chú ý vào thời trường. Hẳn nhiên là ở đây, chúng ta đã thấy rất rõ mối quan hệ giữa không trương cảm thức và ưu trương của thời trường. Đặc tính ưu trương của thời trường, dưới một biểu hiện nào đó, gọi là miên tục của chính nó, như đã nói, chính là một định lực của cảm thức. Nhưng còn hơn thế nữa, sự chú ý của cảm thức vào thời trường đang hiện hoạt trong nó, thông qua điểm quy kết tụ độ, là rõ ràng và thông suốt hơn để suy nghĩ trên những miền thửa xa xăm của các quy tắc linh động trong tâm hệ. Thâm nhập từng ngày vào cảm thức để hình thành nên một trật tự, một toàn vẹn tồn sinh, lược đồ của lộ trình hành xử không trương cảm thức luôn bảo tồn tính nguyên vẹn trong từng khoảnh khắc hiện hoạt. Mỗi định phần trong cơ cấu, được diễn giải rộng hơn qua cơ cấu tiền niệm, bung vỡ ra những cuộc hội nhập song trùng, mà chính sự định hướng mang tính chỉ dẫn xuất phát từ mỗi định phần, đã cần đến một tụ độ của chú ý chính bản thân cảm thức nhìn ngắm về phía thời trường, như là nhìn ngắm về những gì nó đang xảy ra, khi tiến hành hoạt động tri nhận.

Tính không trương cảm thức và ưu trương thời trường được khúc xạ về nhau qua lăng kính miên tục của chính thời trường. Ở đây, nói miên viễn về tụ độ  chú ý vào thời trường, chính muốn nói rằng, không có một cái nhìn cận cảnh cho việc thu nhận bất kì một thông tin nào, khả hữu, từ lộ trình đó, để suy diễn trong mối tương quan về ưu trương của thời trường chịu định hướng bởi tụ độ chú ý. Tất cả quá trình đều có sự can thiệp, can thiệp đó chính là sự tương tác lẫn nhau giữa không trương cảm thức và ưu trương thời trường. Qua cái nhìn miên viễn về tụ độ chú ý, thời trường thực hiện một bước phóng vọt hướng đến trung tâm của những định phần làm nên không trương cảm thức, nhằm kết hợp các đặc thù đó lại với nhau, để điều động thành một mong mỏi nguyên vẹn toàn thể.

Nói đến lộ trình ấy, chúng ta như lùi ra xa một bước, để nhìn ngắm về phía không trương cảm thức đang từng ngày khỏa lấp đi những khoảng trống không đáng có. Từ đó chiết xuất ra, một cách thật sự không phải là lật lọng, tất cả những đề hướng làm nên cơ cấu định vị tương quan trên từng đối tượng chiếm hữu, mang các khuynh hướng được quy chiếu hẳn hoi. Tụ độ chú ý, ở đây, được gieo mầm trong chính từng hướng định quy chiếu rốt ráo ở trực tâm của mỗi định phần. Nó khả hữu bao hàm những gì miên man nhất có trong mỗi định phần không thể không nhằm kết hợp/củng cố các cuộc thoái trào lộn ngược, xuất phát từ chính bản thân mỗi định phần. Tụ độ chú ý, tự nó hạn định cho ý chí của những trực tính mỗi định phần có được biểu hiện hợp lý. Ấn tượng về tụ độ, cũng chỉ có thể khai sinh nên bên trong cảm thức đang miên man, trôi trong lang thang của thời trường. Định vị tụ độ là bước quy kết không khả quan. Nó có thể, nay đây mai đó trong tâm hệ, quy kết trên giá trị tới hạn của cảm thức. Tụ độ tự nó thực hiện một kiểu cách chế tác bí nhiệm cho chính nó, khi đặt tất cả mọi sự chú ý, rộng ra là ý chí, vào vùng thửa của cảm thức, chính là không trương của mỗi định phần. Tại vị của mỗi định phần cảm thức là cố kết, nhưng cơ chế hiện hoạt của chúng lại rất linh động, vì linh động cho nên ngẫu sinh ra thành nhiều cương mục, mà tụ độ mang khuynh hướng tự tại ở mỗi chúng sẽ tạo ra điều gì đó là khả hữu, một khả hữu thật sự. Cho dù cơ chế đó có linh động thì cũng chỉ linh động trên cảm thức. Giữa cảm thức và thời trường, diễn giải đi, hiểu ngắn gọn như là chính định phần của cảm thức, tự cảm nhận rồi cảm thấy,  những hiện tượng mà chính chúng tạo ra. Tuy nhiên, đây vẫn không thể được xem như một hành động tự hư vô hóa chính nó, điều đó là không được minh bạch cho mọi kết luận, có chủ ý, tương tự như thế.

Biểu hiện trong một khía cạnh khác đi, dự ý của cảm thức liên thông với phóng trợ không trương vào thời trường. Dự ý đó, diễn ra trong miên tục. Dự ý, được hiểu theo nghĩa khác đi, như mang chiều hướng của sự chú ý nhằm về phía đối tượng. Bước phóng trợ không trương vào thời trường là công việc nhằm để duy trì chính nền tảng mà thời trường đang hiện hoạt. Nếu không có bước phóng trợ không trương vào thời trường thì thiết tạo tự thân cảm thức sẽ không thể diễn tiến nên thời trường. Lúc đó, khi muốn nói đến thời trường, là muốn nhấn mạnh đến cuộc phóng trợ không trương có trong cảm thức. Hiện diện hóa ra thành những dự ý có một cuộc liên thông vào thời trường nên phóng trợ không trương vào thời trường, nhằm duy trì chính sự hiện hoạt của thời trường, trước những gì là quá vãng và khả dĩ cho một liên thông. Ở đây, chính liên thông ấy, làm nên mọi cuộc dịch chuyển trong từng bước phóng trợ để thời trường diễn ra. Dự ý cảm thức không thô ráp quá đà khi mọi thao tác của nó hướng về phía thời trường lại không được khải lộ nên những gì ở đó điều minh bạch. Trong suốt quá trình phóng trợ, dự ý cảm thức luôn tìm cách hướng định đến thời trường, nhằm mang những cấu trúc không trương, thực hiện một cuộc đổ bộ vào chính sự hiện hoạt cho cảm thức tiến diễn. Chỉ có thể thông qua bước phóng trợ mà không trương cảm thức mới có khả năng xâm nhập vào thời trường. Dự ý đóng vai trò diễn dịch tất cả những cơ cấu nền tảng của trực giác tính đang tồn hợp trong cảm thức. Dự ý đó, mạnh lên, làm thành chú ý và hơn thế nữa, trong khả năng thuần thục nhất, dự ý làm nên ý chí của cảm thức muốn vượt thoát khỏi chính nó. Bởi bước phóng trợ kế theo trong sự liên thông đó, đặt định quy tắc vượt thoát của ý chí ra khỏi cảm thức, với đồng bộ trên những miên tục và thời trường. Việc phóng trợ ấy, đảm bảo cho khả năng truyền hưởng  chính bản thân cảm thức lan sang mọi phân vùng của những thành tố mà nó dựng lên. Và cũng chính bước liên thông đó, liên thông hơn nữa với phóng trợ không trương, cho ra khả năng truyền hưởng của cảm thức vào thời trường.

Khả năng truyền hưởng cảm thức đến đương độ thuần thục của ảnh tượng gieo vào thời trường là sự phù ứng chính bản thân cảm thức. Truyền hưởng đó, sẽ được chất chứa trong nó những gì mà chính cảm thức hướng về, phía thời trường. Thời trường hiện hoạt, được trải ra, trên những phân vùng hệ hình ảnh tượng. Chính ảnh tượng mới là điểm nhắm đến như một vạch mốc xuất phát đầu tiên cho sự phù ứng (thích ứng một cách phù hợp) từ phía cảm thức. Khả năng truyền hưởng đó, luôn ngày nào cũng liên đới với dự ý của cảm thức trong bước phóng trợ không trương. Mỗi một tiềm tố chứa đựng trong khả năng truyền hưởng cảm thức hướng đến ảnh tượng phải là những gì đó phát triển đến/ngang mức tiềm lực cho phép.

Mức độ đó được coi như là đương độ thuần thục ảnh tượng. Cùng với dự ý của cảm thức, khả năng truyền hưởng tạo nên một cuộc đổ bộ song trùng vào thời trường, nhằm thiết lập điều gì đó xóa bỏ đi những khả năng lệch lạc, trên mức độ tái thiết chính bản thân cảm thức. Việc hoàn tất cho một chu trình truyền hưởng, phải kể đến định tính đương độ thuần thục của chính ảnh tượng. Với ảnh tượng, được kề cận ở những phân vùng dường như khó có thể bị chia cắt trong sự lãnh nhận bất cứ điều gì mang tính xây dựng chung. Khả năng truyền hưởng xảy ra với điều kiện ảnh tượng phải hiện hoạt đến một đương độ thuần thục. Soi xét dưới khía cạnh nào đó, được coi như hiệu ứng đầy tiềm năng, nhằm giải thích với đích đến là lộ trình hướng định một cách chắc chắn và khả giải nhất. Trong từng khoảnh khắc luôn nhắm đến về phía những gì đi qua và lấp đầy, đó như những gì mà trên một mức độ trùng hợp, ta được dự phóng vào phía vô biên của sự phân lãnh chất chứa mọi hiện tượng. Và cũng chính bằng với hiện tượng đó, nội giới kiêu hãnh bước đi những bước tiến song hành cùng ngoại giới, được coi như một sự kiểm tỏa định vị lẫn nhau.

Kiểm toả đó, luôn khi nào cũng bao chứa một tác động, mà tác động nhìn ngắm không gian xung quanh của chủ thể tạo nên cấu hình cho hành động quét ảnh tượng hiện xung bên trong cảm thức, được dàn dựng lại một cách thiết định công phu đóng vai trò làm cơ sở. Ở đây, bằng với sự phân tích trên từng định phần hướng về phía đối tượng của chính chúng, sẽ làm cho những gì hiển minh trong cảm thức được sáng rõ hơn nữa. Khi chủ thể thực hiện hành động nhìn ngắm không gian xung quanh mình, thì đồng thời cảm thức tham gia vào quá trình du nhập về mình những gì thiết thực nhất, cho cuộc chuyển tải đến những quy trình tiếp theo. Mà ở đó, cảm giác đã, bằng với chính khả năng của mình, thụ nạp những gì tương thích được chuẩn hóa trong bước phóng vọt, vượt thoát khỏi/tràn qua hàng rào kiểm duyệt của ý chí ngoại biên.

Tác động của tri giác tham gia vào ở đây, diễn giải rõ ràng ra sẽ được hiểu rằng, cấu hình xây dựng nên từ những gì cảm giác đem lại cho tri giác sẽ tự nó thiết đặt một cấu hình biến chuyển cho những diễn tiến tiếp theo. Tri giác thâm nhập vào và bằng việc xác định rõ ràng những gì cần thiết đặt và tự thiết đặt, tri giác quả quyết trong từng bước điều hành những gì mang tính trung gian của kẻ đứng giữa (nhị biên). Tri giác hiểu rõ, cơ cấu nền tảng mà nó có được, xây dựng nên, xuất phát từ phía tác động nhìn ngắm không gian xung quanh của chủ thể. Bằng công cuộc hiển trình kế tục sau đó, tri giác tạo nên một cấu hình tiếp biến, được định liệu cho hành động quét ảnh tượng hiện xung bên trong cảm thức. Hành động này, hiểu như là sự phác thảo ra những gì, mà ở đó, trực giác tính xâm nhập vào để nhào nặn ra những gì tức thời nhất, nhưng không hẳn là không bền vững trong cơ cấu của hiện hoạt chính những gì được phác thảo ra đó. Trực giác tính giờ đây, đóng vai trò như một người họa sĩ vẽ ra trên tấm giấy trắng đã có bố cục, những đường nét và màu sắc, trong những gì mà cấu hình tri giác xây dựng nên, để trực giác dàn dựng cuối cùng.

Đi từ tác động nhìn ngắm không gian, thể hiện vai trò của cảm giác, đến quy trình xây dựng nên cấu hình trong vai trò của tri giác và cuối cùng là trực giác biểu hiện kết quả trong miên trường tâm hệ. Với hiện hoạt đóng vai trò làm trung tâm cho nội giới, được khảo sát một cách thuần thành ở diễn tiến chính ảnh tượng, trên một dải hoạt động dây chuyền để từng bước chuyển tải trong quá trình sản xuất. Rõ ràng, với chính những gì được nêu ra ở đây, ta thấy rằng, cả ba yếu tố tổ hợp đang tồn tại trong bản thân cảm thức đều tham gia vào sự chuyển tải hằng hữu từ những gì bên ngoài (ngoại giới) vào những gì bên trong chủ thể (nội giới). Những bước đi song trùng luôn từng ngày được hiện hoạt trong tự thân mỗi quá trình mà các định phần thực hiện. Nội giới và ngoại giới tương tác lẫn nhau cũng như cảm thức tương tranh với bản thân miên tục của thực tại. Việc dàn dựng nên những gì từ kết quả chung cuộc mỗi định phần sẽ không thể không có được sự câu thông/nối kết từ phía thành phần đến tổng thể trên đương mức dàn nạp.

Cảm thức đóng vai trò là trung tâm của mọi sự thụ nạp những gì ngoại giới đang trong từng ngày tác động vào nội giới. Đồng thời, nó phóng nạp ra ngoại giới những gì mà chính cảm thức muốn thực hiện công cuộc khảo sát cho riêng mình, trên từng ý tưởng. Bằng cơ chế hiện hoạt có trong nó, cảm thức luôn khi nào cũng là đối tượng được soi chiếu vào trong tổng phần của chính nó những gì mang tính minh bạch nhất. Cảm thức là nhận thức được cảm quan đem lại những gì có ý nghĩa cho chủ thể. Hơn thế nữa, cảm thức luôn là nơi chứa đựng điều gì đó mang tính tường minh của tổng thể, trong hệ thống tâm lí mỗi cá nhân. “Không trương nào cũng là một hệ thống của những tương quan trừu tượng”[*] (Lagneau). Mỗi định phần của cảm thức là một không trương và cảm thức đóng vai trò cho hệ thống đó, nên trong nó, khó để mà có được những tương quan cụ thể thì cũng là điều thật sự dễ hiểu.

 

 



* Dẫn theo Robert B. Laughlin, Một vũ trụ lạ thường, Chu Lan Đình – Nguyên Văn Đức – Nguyển Tất Đạt dịch, NXB Trẻ, 2012, trang 81.

* Xem Trần Nhựt Tân, Tâm lí học, NXB Lao Động, 2005, trang 140.

* Xem Trần Nhựt Tân, Sđd, trang 144.

* Dẫn theo Trần Nhựt Tân, Sđd, trang 177.

 

Phạm Tấn Xuân Cao
Số lần đọc: 5654
Ngày đăng: 03.02.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trốn chạy và thoát ly - Phạm Tấn Xuân Cao
Cô Đơn của những ai dám chấp nhận nó - Phạm Tấn Xuân Cao
Tôn giáo, Nghệ thuật, Triết học và Khoa học - Cư sĩ Minh Đạt
Thơ Phùng Cung và những ám ảnh Văn Hóa Việt - Trần Hoài Anh
Thẩm định về giá trị Triết Học và tư duy của Triết Gia - Võ Công Liêm
Triết học Xã hội , Chính trị và Tôn giáo - Võ Công Liêm
Việt Ngữ Tương Giao Văn Học Và Triết Học Viết Từ Năm 1950 Của G.S. Trần Đức Thảo - Trần Văn Nam
Một giọt từ sự đọa đầy - Nguyễn Hồng Nhung
Tu tập thời @ (5) Te của Lao Tzu. - Cư sĩ Minh Đạt
Lửa của Pascal (Pascal's Fire) - Phạm Việt Hưng