Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.690
 
Tiếng Gầm của Sư Tử Hà Đông
Nguyễn Cẩm Xuyên

 

( Kiến thức ngày nay số 735 - tết TÂN MÃO 2011 )

Sư tử, loài thú không sống tự nhiên trên đất Trung Quốc vậy mà lạ lùng thay! lại xuất hiện nhiều trong văn hóa nước này. Có lẽ trong quá trình giao lưu với vùng Trung Á(1), hình ảnh “hùng sư tử” đã du nhập  và được người Trung Hoa xưa dùng tượng trưng một số ý nghĩa trong đời sống.

SƯ TỬ GẦM : UY NGHI CỦA PHẬT

Kinh Hoa Nghiêm có câu tán: “Sư tử hống thời, phương thảo lục/ Tượng vương hồi xứ,  lạc hoa hồng” [Lúc sư tử rống: cỏ thơm trở nên xanh biếc/ Nơi chúa voi quay lại: hoa rụng hóa hồng (tươi)] để ca ngợi uy nghi của Bồ tát Văn Thù. Kinh kể lại: Văn Thù Bồ tát thuyết pháp tại rừng Sa La. Tiếng giảng kinh uy nghi như tiếng sư tử gầm làm cỏ thơm trở nên xanh biếc. Giảng kinh xong, mọi người về hết, chỉ còn lại Thiện Tài đồng tử đi theo để hỏi đạo. Bỗng Bồ tát quay lại nhìn. Cái nhìn như “tượng vương hồi” (Chúa voi quay lại), Thiện Tài đồng tử hốt nhiên ngộ đạo. Vậy là tiếng gầm sư tử (sư tử hống) có xuất xứ từ kinh Phật, được dùng làm biểu tượng Hoằng dương Chánh pháp trong cuộc đấu tranh chống tà thuyết, những mê muội của sư tăng, đạo chúng không hiểu, hoặc hiểu thô thiển Phật pháp, biến ý nghĩa cao siêu thành điều nhảm nhí, mê tín dị đoan.

Hình ảnh sư tử đôi khi lại xuất hiện với Quán Thế Âm Bồ tát. Quán Thế Âm 觀世音 (2) còn có danh vị là  Quán Tự Tại, Quan Âm là một trong những vị Bồ tát hàng đầu của Phật giáo Đại Thừa. Bồ tát Quán Thế Âm lắng nghe mọi tiếng thế gian… và với lòng từ bi vô lượng, ngài dùng sức mạnh huyền diệu mà cứu những chúng sinh nào đã quán tưởng đến lúc gặp hiểm nguy.

Bồ tát Quán Thế Âm - Sư Tử Hống Quán Tự Tại

Chính vì vậy mà nhiều tranh, tượng Quán Thế Âm có một dạng “Bồ tát Quán Thế Âm - Sư Tử Hống Quán Tự Tại” (獅子吼觀自在) vẽ hình Bồ tát ngồi trên lưng sư tử. Lúc này, Bồ tát là một Dược sư, cứu độ người bệnh khổ đau. Mắt Bồ tát nhìn thẳng vào bệnh nhân, tập trung huệ nhãn để chẩn bệnh. Bảo vật đeo hai bên vai là dụng cụ của Dược sư: bình sắc thuốc bên trái và dao trừ tà bên phải. Lại có khi hình vẽ Bồ tát tay cầm nhành dương liễu, vẩy nước Cam Lồ hay Bồ tát có nhiều tay nâng các con vật, tượng trưng cho việc cứu độ chúng sinh…

Hình tượng Bồ tát cưỡi trên lưng sư tử lại còn xuất phát từ một sự tích: có một con sư tử cái sinh con nhưng con lại chết ngay. Đau đớn quá, sư tử mẹ rống to. Nhờ tiếng rống, sư tử con sống lại; vì vậy Sư tử hống liên kết hình tượng Dược sư Quán Thế Âm “gọi người sống lại”, tạo thành tranh, tượng Bồ tát Quán Thế Âm Dược sư cỡi sư tử chữa bệnh chúng sinh.

BỖNG NGHE “SƯ TỬ HÀ ĐÔNG” RỐNG

Tiếng rống sư tử là biểu tượng Phật Pháp - vậy mà lạ thay! văn chương xưa của ta  và Trung Quốc lại hay dùng chỉ các bà vợ cả ghen.

Sở dĩ trái ngược như thế là vì cái oai nghi của sư tử trong Phật pháp với cái dữ tợn của người vợ “sư tử Hà Đông” có mối liên quan từ một nhân vật trong thơ văn đời Tống: Trần Tháo, một cư sĩ mộ đạo hay luận bàn triết lí cao siêu nhưng mỗi khi nghe “sư tử Hà Đông” rống lại sợ hãi, tâm thần bấn loạn. Tiếng “sư tử hống” này chẳng phải là lời giảng uy nghi của Phật mà là tiếng thét om sòm của bà vợ hung dữ.

Hốt văn Hà Đông sư tử hống ,

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên

(Bỗng nghe “sư tử Hà Đông” rống,

Gậy chống rời tay, lòng hoang mang.)

Dung Trai tùy bút 容齋隨筆 của Hồng Mại 洪邁 (1123-1202) kể chuyện Trần Quý Thường (Trần Tháo) thường cùng Tô Đông Pha luận bàn văn chương kim cổ. Vợ Trần Quý Thường là Liễu thị, tính cả ghen lại hung hăng. Một lần, Quý Thường mở tiệc có ca kỹ đến hát xướng mua vui. Liễu thị ở nhà sau nổi máu ghen, lấy gậy đập vào tường, gầm thét om sòm khiến khách kinh hãi bỏ về. Tô Đông Pha nhân đấy làm bài thơ 24 câu vừa châm biếm vừa cảm thương cho tình cảnh bạn. Tạm trích lại đây 16 câu cám cảnh cho mình và cho hai người bạn già: Trần Tháo và Ngô Đức Nhân (Bộc Dương công tử).


Đông Pha tiên sinh vô nhất tiền ,PHIÊN ÂM:

Thập niên “gia hỏa” thiêu “phàm duyên” .

Hoàng kim khả thành hà khả tắc,

     Chỉ hữu sương mấn vô do huyền .

Long Khâu cư sĩ diệc khả liên,

Đàm không thuyết hữu dạ bất miên .

Hốt văn Hà Đông sư tử hống ,

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên .

Thuỳ tự Bộc Dương công tử hiền ,

Ẩm tửu thực nhục tự đắc tiên .

Bình sinh ngụ vật bất lưu vật ,

Tại gia học đắc Vong gia đan .

Môn tiền bãi á thập khoảnh điền ,

Thanh khê nhiễu ốc hoa liên thiên .

Khê  đường tuý ngoạ hô bất tỉnh ,

Lạc hoa như tuyết xuân phong điên...

DỊCH:

Đông Pha tiên sinh không một tiền,

Mười năm luyện “hỏa” cháy “phàm duyên”,

Vàng làm ra được, sông lấp được,

Chỉ có tóc mai chẳng chịu đen. (3)

*

Long Khâu cư sĩ cũng đáng thương!

Bàn luận “Không” – “Có” thức thâu đêm. (4)

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống, (5)

Gậy chống rời tay, lòng hoang mang.

*

Công tử Bộc Dương quả thật hiền,

Uống rượu, ăn thịt sướng như tiên.

Bình sinh “ngụ vật” chẳng “lưu vật”.

Ở nhà học được “Vong gia đan”.

Trước cửa bỏ trống mười khoảnh ruộng,

Suối xanh quanh nhà, hoa tiếp trời.

Rượu say nằm mãi gọi chẳng tỉnh.

Hoa rơi như tuyết, gió ngả nghiêng …

(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)

Tô Đông Pha, Trần Quý Thường, Ngô Đức Nhân – cả ba ước vọng cao xa: Đông Pha tiên sinh luyện thuật Đạo gia, tưởng có thể làm ra vàng, lấp được sông, trường sinh bất lão… nhưng rồi chẳng hiệu nghiệm chi nên tóc cứ bạc trắng. Long Khâu cư sĩ luận bàn đạo lý cao siêu mà tâm thần bấn loạn, rơi cả gậy khi nghe sư tử Hà Đông rống, Công tử Bộc Dương cũng tu luyện mà say miên man… Kết thúc bài thơ là cả ba cùng chìm sâu vào những vụn vặt đời thường.

Bài thơ châm biếm cảnh mấy nam nhi tư tưởng mênh mang, mộng ước cao ngất trời mà rồi hết thảy là ảo vọng… Đáng thương thay như Trần Tháo phải chịu đắng cay bởi một “sư tử Hà Đông”.

Xem kĩ hơn thì bài thơ có lẽ chỉ nhằm để tự trào mình cùng mấy bạn già nên cường điệu mấy nét  biếm họa - còn sự thật thì không như thế. Đọc “Phương Sơn tử truyện” cũng của Tô Đông Pha thì chuyện đời của Trần Tháo có khác :

"Phương Sơn Tử là người ẩn cư ở vùng Quang Châu, Hoàng Châu. Thiếu thời, hâm mộ du hiệp Chu Gia, Quách Giải. Những kẻ nghĩa hiệp trong làng đều quy phục. Lúc hơi lớn thì nhún mình mà đọc sách, muốn lấy việc đó mà thi thố với đời. Nhưng rồi chẳng gặp thời. Về già, lại ẩn mình ở vùng Quang, Hoàng, nơi gọi là Kỳ Đình. Ở nhà tranh, ăn rau, không giao thiệp với đời. Bỏ xe, ngựa, vứt áo mão, đi bộ qua về trong núi. Người đời chẳng biết là ai…

Tôi bị biếm trích ở Hoàng Châu, qua Kỳ Đình, thì gặp. Bèn kêu: “Hỡi ôi! Cố nhân của ta, Trần Tháo Quý Thường đây mà. Sao lại ở đây?” Phương Sơn Tử cũng kinh ngạc, hỏi tôi làm sao đến đây. Tôi nói duyên cớ. Ông cúi đầu không đáp, rồi ngửa mặt lên trời mà cười. Bảo tôi đến nhà ngủ lại. Tường vách xơ xác, mà trông vợ con và nô tỳ đều có vẻ ung dung thỏa ý. Tôi giật mình lấy làm kinh ngạc. Lòng riêng nghĩ, Phương Sơn Tử khi thiếu thời, ưa rượu và thích kiếm, tiêu tiền như bụi đất. Mười chín năm trước, tôi ở Kỳ Sơn thấy Phương Sơn Tử cưỡi ngựa cùng hai kỵ mã, kẹp hai mũi tên dạo chơi ở núi Tây. Có con chim khách vụt bay trước mặt, sai kị mã đuổi bắn, không trúng. Phương Sơn Tử nổi giận, một mình thúc ngựa lên bắn một phát, chim rơi, rồi nhân đó ngồi trên lưng ngựa mà bàn với tôi về phép dùng binh và chuyện thành bại xưa nay; tự cho là bậc hào sĩ trên đời…

Phương Sơn Tử thuộc nhà thế phiệt, nếu làm quan thì giờ đây đã hiển hách. Nhà cửa vườn tược ở Lạc Dương rất tráng lệ, sánh ngang với bậc công hầu…Vậy mà bỏ tất cả để một mình vào tận núi thẳm để ở. Há không có sở đắc mà được như thế sao? Ta nghe nói ở vùng Quang, Hoàng có nhiều dị nhân, thường giả bộ ngây dại, dơ bẩn, khó mà gặp được. Phương Sơn Tử cũng trong hạng đó ư ?” (6)

Lâm Ngữ Đường  trong “Tô Đông Pha Truyện” cũng cùng ý kiến khi cho rằng gia đình Trần Quý Thường sống rất hạnh phúc. (7)

--------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Sử Trung Quốc có kể việc sứ thần xứ Tây Vực 西 域 đem cống “Kim mao hùng sư tử” đời Hán Chương Đế. Tây Vực  là vùng phía Tây của Trung Quốc thuộc Trung Á như Kyrgyzstan, Ấn Độ, Iran, v.v… Nơi này có nhiều sư tử sinh sống.

 (2) Thiều Chửu giải thích chữ Quán Thế Âm chính là Quan Thế Âm 觀世音; đọc là “Quán” nghĩa là “xét thấu, nghĩ kĩ thấu tới Chính Đạo”. Quan Âm Bồ tát 觀音菩薩 đã tu bằng phép này, sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, nên gọi là “Quán thế âm”

(3) Theo sách TÍNH MỆNH KHUÊ CHỈ của Đạo gia thì “Gia hỏa” là “lửa hỏa hậu”, một công phu rèn luyện của đạo Hoàng Lão. Các đạo sĩ của Đạo gia chuyên luyện “Gia hỏa” để đốt cháy “Phàm duyên 凡鉛“Phàm hống 凡汞, hàng phục “Thanh long”“Bạch hổ” là những sức đối kháng vốn có trong người phàm tục. Phép tu luyện của Đạo gia cho rằng luyện được trọn vẹn công phu này sẽ đắc đạo thành tiên có phép lấp được sông, làm ra được vàng và trường sinh bất lão, tóc bạc đen trở lại… ; vậy nên cả 3 câu “Thập niên gia hỏa thiêu phàm duyên/ Hoàng kim khả thành hà khả tắc/ Chỉ hữu sương mấn vô do huyền” chính là Tô Đông Pha  tự cười mình về việc rèn luyện mười năm theo Đạo gia với ảo tưởng tạo vàng, lấp sông, trường sinh bất lão, rốt cục chẳng được chi ! (Việc tưởng là đơn giản nhất là mái tóc : vẫn chẳng chịu đen lại).

Một số bản dịch trước đây đã dịch câu “Thập niên gia hỏa thiêu phàm duyên” ra “Mười năm đèn lửa xin hai bên” có lẽ là không đúng.

(4) Theo triết lí nhà Phật, cái hiện hữu (có) mà ta cảm nhận được chỉ là “Sắc”. “Sắc tức thị không”. Cái mà ta tưởng là “có” ấy chỉ là hư vô, là “Không”. Câu thơ này nói việc Trần Tháo say mê Phật Pháp, có thể thức thâu đêm để đàm luận về “Sắc – Không”.

(5) Tô Đông Pha đã mượn chữ Hà Đông trong câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính liễu." (Người con gái đất Hà Đông họ Liễu) để chỉ Liễu thị, vợ Trần Tháo.

(6) Dịch từ 方山子传 - 囌軾選集; 上海古籍出版社 Phương Sơn tử truyện; Tô Thức tuyển tập, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.

(7) “…据我們所知,陳季常的傢庭生活很舒服自在,而且尚有艷福” (林語堂; “囌東坡伝”第十五章 東坡居士). Cứ ngã môn sở tri, Trần Quý Thường đích gia đình sinh hoạt ngận thư phục tự tại, nhi thả thượng hữu diễm phúc. (Lâm Ngữ Đường  Tô Đông Pha Truyện ; đệ thập ngũ chương;  Đông Pha cư sĩ.)

 

Nguyễn Cẩm Xuyên
Số lần đọc: 6705
Ngày đăng: 05.02.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân trong cảm thức của Xuân Diệu - Trần Hoài Anh
Ngày Tết - Nói về hai mươi bốn loài hoa mai. - Trần Thoại Nguyên
Các cách ăn phở - Cư sĩ Minh Đạt
Gautama Buddha - Cư sĩ Minh Đạt
Đàm Đạo Về Thiền - Tuệ Thiền
Trại vô thần - Trần Kiêm Ðoàn
Chùa Cực Lạc – Giá trị lịch sử và văn hóa - Trần Anh Dũng
Dị dạng sự tích Hòn Bà ? - Phan Chính
50 năm ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 11.6.1063 – 11.6.2013 - Vũ Ngọc Anh
Những loại đàn tì bà - Vương Trung Hiếu
Cùng một tác giả