Có những đỉnh núi chỉ trong giấc mơ
Tôi ngồi mơ màng
Có những đỉnh núi chỉ trong giấc mơ
Tôi ngồi đây
Ngắm mây bay.
Những đỉnh núi trong ý chỉ của tôi là nơi trú ngụ của những giấc mơ, là đất mẹ. Còn mùa xuân là khát vọng mơ màng, hoặc nói theo kiểu “ vui vẻ thập thành” là thời khắc “ động đực” của thi ca, là cơn gió chướng. Và mây bay lửng lờ, hoặc rộn rịp là cơn mơ màng đần độn tươi vui. Mùa xuân và tuổi trẻ là khởi đầu của giấc mơ những đỉnh núi, là bước vào trường đoạn tìm kiếm bon chen: “ Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, cho đến: “ Long lanh đáy nước in trời/ thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, cho đến: “ Ngọn triều non bạc trùng trùng/ vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”, và kết cục: “ Lời quê chắp nhặt dông dài/ mua vui cũng được một vài trống canh”. Thiên tài thi ca Nguyễn Du đã bước qua những đỉnh núi trùng điệp của 3254 câu thơ bạc mệnh, để rồi tôi tưởng tượng khi thả cây bút xuống thì ông mỉm cười, đi đứng ung dung, thư thái
Rồi những đỉnh núi khác ra đời, rồi những mùa xuân lại khai thông những trường đoạn mông lung phấn khởi. Các họ nhà Thi lại nườm nượp kéo ra mơ màng: “và tiếng chim hót trên cành cây bàng/ cồn cào mười đầu ngón tay gõ lên đỉnh yêu không đớn hèn/ bóng thiên đường khuất/ người ta chen nhau một mẫu trần gian/ cầm tay núi cao sông dài đi mãi” ( Hoa tần ô vườn nhà em khai xuân- Nguyễn Giúp). Rõ ràng đây là cơn mơ đỉnh núi chi ngộ. Có núi cao mới có sông dài mới có những cơn mơ ra đi dài dằng dặc thăm thẳm. Tôi chắc như đinh đóng cột rằng, những thiên tài thi ca rất yêu núi sông hùng vĩ. Tôi cứ tưởng tượng, đêm đệm họ nằm bó gối trằn trọc canh thâu mơ màng những đỉnh núi, biết bao giờ đặt chân đến, biết bao giờ tạo dựng, vẽ nên đây?
“ Anh lùa bò vào đồi sim trái chín/ cho bò ăn cỏ giữa rừng sim/ anh nhìn lên trời xanh đỏ chín/ anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh/ anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa/ anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh/ chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả/anh lim dim cho chết lịm hồn mình” ( Anh lùa bò vào đồi sim trái chín- Bùi Giáng- trong tập Mưa nguồn). Đọc đi đọc lại bài này vài ba năm tôi chợt nhận ra, cái lung linh huyền ảo, cái kín mít tối tăm của bài thơ là cái cảnh núi non cao vợi, nơi mây bay khói tỏa để giấc mơ phiêu diêu. Chỉ có ở cội nguồn cao thẳm ấy con người mới gần gũi trời xanh, mà trời xanh là thiên thai thư thái, ung dung thư giãn, là ung nhột ra đi, là hạnh phúc bất ngộ.
Rồi lần lượt thi sĩ kéo nhau mơ màng sông núi
“ Có con chim mùa xuân bay trên làng bản/ đang nghỉ xem đang ngơi nghỉ ở đâu/ có con chim trên mỗi bước đi/ đều gặp lại mình/ gặp thời thơ ấu/ gặp những mùa xuân/gặp những cơn mưa đường mòn đá sỏi bông hoa và lá rụng/ cởi quần áo ngâm mình dưới dòng thác trắng/dòng nước nhảy nhót từ vách đá/ đập vào tay vào vai vào ngực” ( Cảm giác- Phạm Tấn Dũng- trong tập thơ Như cỏ dại như lá úa như cây xanh). Tôi chắc mẫm, có những nhà thơ không sống ở những vùng sông núi cao vời mà viết về sông núi rất hay, mà chính họ cũng chẳng biết vì sao? Vì giấc mơ khêu gợi vậy. Vì mơ màng ân ái với thiên nhiên mà không mắc cỡ, mà không mất mát tinh lực, thơ họ lại qua mặt được những thi phi trần thế.
Tôi chợt nhớ có một anh bạn thơ, sau cuộc đời người lính phong sương, vào sinh ra tử, núi non là đất ở, là bè bạn che chắn súng đạn quân thù, và đất mẹ chôn chặt những người bạn thân yêu, khi anh trở lại quê nhà, lòng anh vẫn còn lắm lắm nặng nợ núi sông. Và không biết anh có nhận ra không, thơ anh viết về núi rất nhiều. Bởi anh lang bạt kỳ hồ, mơ màng hạnh phúc, mê hoa lá tơi bời: “ Nguyên sơ cỏ non mời em về thay áo/ lẫn khuất ngàn mây ủ nắng cuối trời/ lạnh thấu xương lùa đàn chim di trú/ cây già giêng hai chồi biếc nhíu mắt cười/ bờ cát mịn làn da con gái/ mơn man chớm sóng triền sông” ( Giêng Hai- Nguyễn Hải Triều).
Và chính tác giả bài viết này cũng đã nức nở núi sông, bởi cuộc đời lắm lúc lên bờ lắm khi xuống ruộng, mà phiêu hốt ra vài ba câu thơ nhập nhoạng núi sông mơ màng để mà sống sốt lai rai, đôi khi ngẫm nghĩ thấy buồn cười mà chẳng biết cười chi. Bởi cái khởi sự màu xuân đã khởi sự rồi. Bởi chỗ cư ngụ kia cũng đã mở ra tự đầu nan giải. Bởi tất thẩy tình yêu sao mà khó nắm giữ, bởi nhớ nhung thương tiếc như đao kiếm cứ vung lên: “ nhà ngoại tôi trên đỉnh núi sương bay/ sương lạnh đời người ngoại tôi di về áo bạc tóc bạc/ tôi ngủ ở góc nhà với lũ chuột đêm đêm thút thít/ mơ những quả xoài xanh non lăn tròn đầu dốc viên bi/ nắng mùa xuân trôi về trôi về những chòm mây trắng thơm hoa rừng/ gối đầu thơm đôi bàn tay tảo tần gầy guộc/qua một đồi sim vấp một đồi sim khác/tôi ăn mấy mùa sim tôi ngủ mấy mùa sim”.
Mùa xuân ơi
Vui sao những giấc mơ màng núi cao và sông sâu.