Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.225.510
 
Sự dung hợp thể loại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái nhìn từ những vỉa tầng văn hóa
Trần Thị Ty

 

 

 Sự tồn tại của các thể loại khác trong một văn bản thuộc một thể loại văn học nhất định không có nghĩa đó là một hiện tượng đứt đoạn trong văn bản mà chính là xác tín rằng văn bản không có tính tuyệt đối. Sinh mệnh nghệ thuật của mỗi sáng tác văn học thường liên quan đến một loạt những cấu trúc tâm lý, lịch sử, văn hóa... khác kèm theo. Với sự dung hợp thể loại, tác phẩm văn học nhằm tới sự tương đối hóa các mã lịch sử, mã văn hóa, tương đối hoá tính thống nhất và toàn vẹn của chúng, và tới sự tước bỏ ý nghĩa tuyệt đối của chúng. Nó có xu hướng phản thứ bậc và phản cấu trúc, hướng tới sự vượt qua quyền lực nằm trong các cơ chế của ngôn ngữ và không đòi hỏi xác lập một cách đọc duy nhất đúng văn bản. Vì vậy, ý nghĩa là linh hoạt, sự tương tác sống động của các văn bản sinh ra những nghĩa mới của chúng. Không đơn thuần chỉ là văn học, truyện ngắn Hồ Anh Thái đã thể hiện một nỗ lực, tham vọng giao kết, xóa nhòa ranh giới với những loại hình văn hóa khác trong đời sống tinh thần của dân tộc và nhân loại. Có thể nhận ra đặc trưng này qua những phương diện cơ bản sau đây:

 

1. Truyện ngắn trong mối quan hệ với lịch sử

 

Trong khi Nguyễn Huy Thiệp trần trụi, gai góc, Võ Thị Hảo thâm trầm, sâu sắc, Trần Thùy Mai trữ tình, nhân hậu... trong truyện ngắn với đề tài lịch sử,  thì Hồ Anh Thái lại nhẹ nhàng mà thâm thúy khơi gợi lại quá khứ trong những nỗi đau của con người hiện tại. Đó là hình ảnh người mẹ trong Mảnh vỡ của đàn ông thơ thẩn đi tìm di vật của người cha, bà chịu đựng, rồi bà đi tìm, tìm mãi cho đến hóa điên… Đường biên thể loại được mở rộng, xóa nhòa khi nhà văn có một thể nghiệm rất thú vị, đó là sự kết hợp giữa đề tài hiện đại với lịch sử: hình tượng người mẹ đại diện cho một thế hệ người phụ nữ thời hậu chiến, và nhân vật chị Thạch là người phụ nữ góa chồng thời hiện đại…

 

Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện, biến cố lịch sử, khám phá tấn bi kịch của những số phận cá nhân, tác giả còn kiếm tìm những giá trị vĩnh hằng trong văn hóa tâm linh người Việt. Vấn đề cội nguồn sức mạnh văn hóa, làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong khu vực và trên thế giới, tìm kiếm giá trị của các thành tố văn hóa trong cộng đồng người Việt cũng là nỗi đắn đót thường trực của ông. Các vấn đề về tín ngưỡng, lên đồng và thờ Mẫu, hay một một hiện thực đa chiều về văn hóa đương đại cũng được tác giả đề cập trong Sắp đặt, Diễn, Chơi, Tin thật lòng… Từ đó, nhà văn đã làm một cuộc thức nhận, “tranh cãi” quyết liệt về mạch nguồn sức sống của văn hóa Việt trong sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây.

 

 Khi viết về đề tài lịch sử, mảng sáng tác này của ông có thể dung chứa trong nó những khả năng lớn lao trong việc nhận thức và diễn đạt bản chất của hiện thực và con người, thể hiện ở việc hư cấu, tưởng tượng, pha trộn giữa hư và thực như ở các truyện Một cuộc rượt đuổi, Phòng khách, Tờ khai visa, Sân bay, Vẫn tin vào chuyện thần tiên. Sự xếp chồng các văn bản cũng chính là cách thức để nhà văn “đối thoại”, luận giải nhiều vấn đề từ quá khứ – hiện tại đến tương lai, ở nhiều không gian và thời gian khác nhau, về lịch sử - văn hóa con người Việt nói riêng trong Lũ con hoang, Mảnh vỡ của đàn ông, Tự truyện, Nằm ngủ trên ghế băng…, lịch sử - văn hóa loài người nói chung trong Người Ấn, Đi khỏi thung lũng mới đến nhà, Một bà năm ông,…  Ngoài ra, những truyện về đề tài này còn có khả năng cố kết cộng đồng, mang sức mạnh vượt thoát qua bao cuộc chìm nổi, thăng trầm của con người từ xa xưa cho đến tận ngày hôm nay như trong các truyện Cuộc đổi chác, Đàn kiến...

 

2. Truyện ngắn trong mối quan hệ với Tôn giáo

 

  Trong những nhân tố tạo lập tư tưởng văn chương của Hồ Anh Thái, nhân sinh quan Phật giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tư duy Phật giáo gần gũi với tự duy văn học ở tính trực cảm và hướng nội. Dấu ấn của tôn giáo lớn này in đậm trong truyện ngắn của nhà văn, tạo thành một nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào và chi phối khá nhiều tới văn phong của ông.

 

Thông qua việc dựng lại câu chuyện biên niên về cuộc đời của Đấng Giác Ngộ, tác giả đã chuyển tải một cách nhuần nhuyễn những nguyên lý cơ bản của học thuyết Phật giáo trong Chuyện về cuộc đời Đức Phật, Kiếp người đi qua, Thi nhân… Tư tưởng đó một mặt được thể hiện qua những lời giáo huấn trực tiếp của Đức Phật, mặt khác được cài cắm thông qua cuộc đời và số phận của các nhân vật trong truyện, với những giáo lý như: quy luật nhân quả, thuyết luân hồi, sức mạnh của tình thương, của sự giác ngộ qua cuộc đời của tên cướp Anguli Mali, của Ajatrasatru…

Ngoài việc xây dựng nhân vật, tinh thần giải thiêng cũng được Hồ Anh Thái lồng vào truyện. Giải thiêng ở đây không có nghĩa là báng bổ thánh thần mà theo nghĩa quét sạch mây mù huyền thoại bao quanh cuộc đời Đức Phật để làm hiển lộ chân dung một nhà hiền triết, một nhà tư tưởng đã tìm ra con đường giải thoát cho chúng sinh những nỗi khổ trần gian. Đây là cách tiếp cận tư tưởng Phật giáo rất đặc biệt của tác giả. Tư tưởng của triết học Phật giáo được nhào nặn tinh tế trong cái nhìn hiện sinh của con người hiện đại nhằm nói lên sự bất tử của nhân tính, vì: “Chẳng cái gì của con người gây ra có thể mất đi được, mà sẽ tồn tại từ đời này sang đời khác, đem đến hạnh phúc hoặc khổ đau.”

 

 “Một khi không còn hận thù, trái tim con người chỉ còn tràn đầy lòng yêu thương. Và chính lòng từ bi này sẽ đem đến lòng bình yên và hạnh phúc”. Đây là tư tưởng Phật giáo xuyên suốt trong truyện ngắn Hồ Anh Thái, được thể hiện qua cách xây dựng nhân vật, tạo dựng tình huống như trong các truyện Chuyện cuộc đời Đức Phật, Kiếp ngươi đi qua, Đi khỏi thung lũng mới đến nhà,… Ở thế giới cạn kiệt nhân tính và chiu sự chi phối của những giáo lý, luật lệ khắt khe, vô lý và bất công ấy, có không ít người đã biết vượt lên trên sự nghiệt ngã của đời thường, sự an bài của tạo hóa hay rào cản dư luận để dũng cảm mở một lối đi tiên phong như: Govinda trong Đi khỏi thung lũng mới đến nhà, anh sẵn sàng ở bên cạnh “Nữ thần Đồng Trinh hết thời”, dù rằng lúc này đối với xã hội cô là kẻ bỏ đi, còn với gia đình cô là kẻ tội nợ. Tác giả còn xây dựng nhiều nhân vật hướng thiện, biết ăn năn hối cải để chuộc lại lỗi lầm như anh chàng giám đốc trong câu chuyện Người đứng một chân

 

Cảm hứng văn học phải là cảm hứng chủ toàn, mang tính toàn diện, tổng hợp. Đây là một quy luật của tâm lý sáng tạo nghệ thuật. Với việc vay mượn những truyền tích Phật giáo, sáng tạo và hư cấu trên tinh thần tôn trọng lõi chân sử, kết hợp khéo léo giữa huyền thoại và lịch sử, sử dụng bút pháp đa giọng điệu, Hồ Anh Thái đã dựng lên những câu chuyện vừa thiêng liêng vừa gần gũi, lại chuyển tải được những tư tưởng của Phật giáo dù gián tiếp hay trực tiếp…

 

3. Truyện ngắn trong mối quan hệ với Triết học (triết học hiện sinh)

 

 Một trong những điểm lôi cuốn, và cũng là một trong những điều nguy hiểm, của các đề tài hiện sinh là: mỗi khi người ta bắt đầu tìm kiếm chúng, thì chúng có mặt khắp mọi nơi. Những tác phẩm của Hồ Anh Thái cũng thế, cho dù chưa xác định được ranh giới giữa sự ảnh hưởng của triết học hiện sinh đến nó, hay do bản chất cuộc sống là hiện sinh đã đi vào truyện ngắn một cách ngẫu nhiên. Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự có mặt chủ nghĩa hiện sinh với những vấn đề thuộc về nó, những vấn đề được xem là truyền thống của Thuyết hiện sinh: Hiện thực và Hư vô (Sartre), Hiện hữu và Thời gian (Heiddergger)…

 

            Với tính đơn nhất của thế giới mà tác giả đã bộc lộ, đồng thời cũng là sự đặc dị, sự phân tán các quan điểm của con người trước cuộc đời về thân phận và sự giao dịch của chính họ với cuộc đời. Như những Phập, Rú.. trong Chạy quanh công viên mất một tháng, Báu trong Mau mưa mau tạnh,…cùng với những truyện như Vẫn tin vào chuyện thần tiên, Ai là quỷ dữ,…  Chính ở điểm này, truyện ngắn Hồ Anh Thái đã giúp người đọc tìm thấy ý nghĩa của hiện sinh về hiện hữu và thời gian.

 

            Với tinh thần đối chứng trước tính chất kì lạ của con người đương đại, nhà văn đã đi sâu vào từng ngõ ngách, những khuất nẻo nhân sinh để thể hiện những con người trần thế nhất với tất cả thuộc tính của nó. Vượt qua được cái bóng của sự kiện, con người dường như được soi thấu một cách kĩ lưỡng hơn khi họ được đặt dưới cái nhìn mang ý thức khám phá của nhà văn. Con người không thuần nhất mà chứa đựng trong nó bề bộn những phức tạp khó hiểu như nhân vật “anh xe ôm” trong Anh xe ôm một chặng đường núi, “gã” trong Tự truyện, “bà hàng xóm” trong Hàng xóm ở Seattle,… Mỗi nhân vật là một thân phận người mà một khi đã hiểu thấu, người đọc sẽ thấy bóng dáng cả một thế hệ người, một xã hội đang quay cuồng sống đằng sau ấy.  

 

Cũng giống như những đặc trưng của triết thuyết hiện sinh, truyện ngắn Hồ Anh Thái lấy con người làm trung tâm, làm đối tượng và mục tiêu để hướng tới. Ở đó, con người tự do lựa chọn cách sống, thái độ sống của mình, nghĩa là con người có ý thức để trở thành hiện sinh; và do đó mà con người luôn đau khổ, dằn vặt, lo âu trong cuộc kiếm tìm và lựa chọn tự do. Từ hiện thực cuộc sống đến hiện thực được phản ánh, nhà văn đã cho chúng ta thấy, không gì tha thiết với con người bằng chính con người, đồng thời lên tiếng kêu gọi con người quay về với cá nhân mình, quay về nơi khởi thủy.

 

Với sự mới mẻ và đột phá trong bút pháp, cùng với tinh thần nhân văn sâu sắc, Hồ Anh Thái đã cho thấy sức sống bền vững của thể loại truyện ngắn trong xu thế bình đẳng với các loại hình văn học khác. Việc nối kết các văn bản hay “giải mã” các “tiền văn bản” là cách nhà văn tái lập nghĩa trong văn bản hiện tồn, đồng thời truy tìm sự vận động của cuộc sống, kinh nghiệm thẩm mĩ, của những giá trị văn hóa và tinh thần thời đại trong tính liên tục của dân tộc và nhân loại. Truyện ngắn của tác giả trong sự dung hợp thể loại, cũng là những sáng tác kết hợp được thái độ cổ truyền tôn trọng các giá trị văn hóa của quá khứ và sự cởi mở đối với những thay đổi mới nhất trong tư duy nghệ thuật.

 

 

 

 

Trần Thị Ty
Số lần đọc: 2815
Ngày đăng: 01.03.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Như một tráng ca - Phan Bá Ất
Nguyễn Trãi lại trở về cổ vũ con cháu của Người - Nguyễn Anh Tuấn
Hiểu Tổ Quốc đến xót xa... - Nguyễn Anh Tuấn
Trần Đới rong chơi một đời thơ - Tâm Nhiên
Chử Văn Long với tình thơ đậm tính nhân tình thế thái - Phạm Ngọc Thái
Đọc “Nhị khúc” mà nhớ Sài Gòn - Nguyễn Nguyên Phượng
Những bài thơ của tác giả trẻ Hạnh Vân viết về Bác Hồ - Nguyễn Nguyên Phượng
Bến Xuân bình bài thơ "Sóng thần" của Ngọc Châu - Ngọc Châu
Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận và bài thơ Lời Thề Lá Sen - Nguyễn Khôi
Lời bình của Bến Xuân về bài thơ: Phơi trăng của Ngọc Châu - Ngọc Châu