Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.215
 
Linh hồn là gì?
Cư sĩ Minh Đạt

 

 

Yêu quý tặng L & Mi.

 

1

 

Có vài điều, khi còn tại thế, Gautama Buddha đã không trả lời. Ngài không nói điều đó có, ngài không nói điều đó không. Ngài không nói nó đúng, ngài không nói nó sai. Ngài không nói nó tồn tại, ngài không nói nó không tồn tại. Không trả lời, ngài im lặng. Linh hồn, là một trong những chủ đề, ngài không trả lời; ngài im lặng.

 

Linh hồn là gì? Tôi là ai? Câu hỏi mang tính người nhất. Câu hỏi siêu hình, nhưng là câu hỏi hiện hữu nhất. Khi Gautama Buddha im lặng, nó đã luôn là câu hỏi của người đi tìm kiếm. Nó luôn là câu hỏi của người tìm kiếm, và luôn tự hỏi mình. Người tìm kiếm luôn trăn trở tự hỏi mình trên con đường đang đi. Ngàn năm nay, nhiều kiếp người, câu hỏi luôn trăn trở. Câu trả lời, dường như là không có. Có phải chăng, khi đã có câu trả lời, thì người tìm kiếm không còn cần đến nó nữa? Người tìm kiếm đã thấy, khi đã thấy cái họ cần biết, thì mọi câu trả lời là vô nghĩa? Câu trả lời được kinh nghiệm trong im lặng; ngôn từ không thể diễn đạt, có phải chăng là vậy?

 

Hay là còn, còn một lý do nào khác nữa, mà Gatama Buddha đã im lặng?

 

Gatama Buddha xuất hiện cách đây 2.500 năm. Thời điểm ngài xuất hiện, trên thế giới khi đó, cũng có rất nhiều các bậc thầy trí huệ khác, xuất hiện. Dường như không phải ngẫu nhiên; đó là một thời điểm đặc biệt, các bậc thày rủ nhau cùng xuất hiện. Vào thời đó, ở India có Gautama Buddha, có Mahavira; sau Gautama là Buddhism với tín đồ lên tới hàng trăm triệu hàng tỷ người; sau Mahavira là Jainism đã từng là một tôn giáo lớn ở India với giáo lý khổ hạnh và tư tưởng bất hại. China có Lao Tzu; sau Lao Tzu là Taoism, ngày nay có mặt tại China, Korea, Japan, Vietnam, Singapore,... Nhiều nơi khác nữa, rất nhiều các bậc trí huệ xuất hiện. Ở Iran có Zarathustra; ở Anatolia có Heracleitos; ở Egypt có Toth; ở Greece có Thales, có Pythagoras, có Socrates,... Thales, Pythagoras, Socrates những con người này, họ không chỉ là triết gia, nhà toán học, nhà thơ,... hơn hết họ là những nhà huyền học. Họ dạy cả công truyền và họ dạy cả mật truyền. Họ dạy về những con số, những đường thẳng song song, về tam giác... Và họ cũng dạy cả về những lời khải huyền, các tầng  giáo lý thâm sâu. Rất nhiều bậc trí huệ, xuất hiện vào thời điểm đó. Sau đó muộn mằn hơn, bốn năm trăm năm sau, là sự xuất hiện của Jesus Christ.

 

Dù là tình yêu, từ bi hay là trách nhiệm, các bậc thày trí huệ đã đồng loạt xuất hiện. Họ đã xuất hiện, xuất hiện theo kiến thức của Zodiac, Cung Hoàng đạo. Họ đã xuất hiện tại thời điểm chuyển thời của Trái đất, thời điểm chuyển thời của Hệ Mặt trời. Sự xuất hiện của họ dường như để chuẩn bị cho con người đón thời Song ngư; thời mà con người phải nhọc nhằn hơn, nếu muốn đi về phía Ánh sáng. Sự xuất hiện của họ, dường như để báo hiệu rằng, những giáo lý nguyên thuỷ, thuần khiết và trinh nguyên không còn hợp với con người lịch sử. Con người mà tần số dao động giáng xuống. Con người mà các luân xa đã bị đóng lại, đang khoác lên mình những tấm vỏ bọc giả tạo. Con người đã chìm đắm trong vật chất. Những con người đó cần thiết phải có những con đường thích hợp. Các bậc thày trí huệ đã xuất hiện; lập ra các con đường cho các quốc gia, cho các dân tộc; phù hợp với địa lý, phù hợp vơi lịch sử, phù hợp với văn hoá của họ; hơn cả là phù hợp với con người trong một Thời mới.

 

Gautama Buddha đã im lặng trước câu hỏi Linh hồn là gì. Ngài không nói có, ngài không nói không, ngài đã im lặng. Ngài nói về: Vô ngã, Tính không, Luân hồi và Niết bàn. Phải chăng với con người đã chìm trong thế giới vật chất, với con người tần số dao động giáng xuống vùng nặng nề, thì Linh hồn hay Thượng đế có ích gì. Chỉ là thứ để con người níu bám, xin xỏ; xin được rồi, muốn xin nhiều hơn. Ngay cả khi tưởng là không xin nữa, thì lại đòi được thưởng; thưởng cho sự không xin xỏ của mình. Không tham vật chất nữa, người ta có muôn kiểu tham khác; tâm lý tham, tâm linh tham. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất, đất đai, nhà cửa,... nhưng người ta hướng tới danh tiếng và sự kính trọng. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất người ta hướng tới sự khác biệt, quyền năng, sự sùng bái... Người ta từ bỏ gia đình vợ con, người ta níu bám vào đạo tràng, vào tu viện, vào nhà thờ, vào giáo lý. Đủ mọi kiểu níu bám và xin xỏ. Gautama Buddha đã im lặng. Ngài im lặng, im lặng về Linh hồn, im lặng về Thượng đế. Ngài nói tất cả đều vô ngã, tất cả đều Tính không; anh cũng là không, tôi cũng là không, tất cả đều là không; cuộc đời này là khổ, luân hồi là các kiếp nhân gian; cần phải giải thoát để về Nirvana, Niết bàn.

 

Linh hồn không phải là cái để cho cầu xin, níu bám. Đó phải chăng là lý do Gautama Buddha im lặng. Im lặng và ngài đã nói về vô ngã - anatta, về Tính không - sunyata. Chân lý không thể thay đổi. Ngài không thay đổi Chân lý. Chân lý luôn là Chân lý. Nhưng con đường và phương tiện trên mỗi con đường là có thể khác nhau. Cùng với các bậc trí huệ khác, cùng với các vị đạo sư khác, ngài đã trao truyền con đường và phương tiện cho các quốc gia và dân tộc Phương Đông và trên toàn Trái đất, để dễ dàng hơn đi tới Chân lý.

 

2

 

Linh hồn bắt nguồn từ giáo lý cổ xưa, Veda; một giáo lý nguyên thuỷ, thuần khiết và trinh nguyên. Theo đó, Linh hồn, Phạm thiên, Brahman, Thuợng đế, Tinh thần vũ trụ tối cao, là thực thể duy nhất, có trước nhất, tồn tại vĩnh viễn, bất diệt; là nền tảng linh thiêng cho tất cả vật chất, năng lượng, thời gian, không gian, các thể sống, và tất cả những gì trong và ngoài vũ trụ; là cái từ đó tất cả thế giới này đều nảy sinh ra và nhập về với nó sau khi chết. Tiểu ngã (sa. ātman), chỉ là sự biểu hiện, là một bộ phận, là một mảnh nhỏ vô cùng nhỏ bé của Linh hồn, của Tinh thần vũ trụ tối cao. Cơ thể con người chỉ là vỏ bọc của mảnh Linh hồn, là nơi trú ngụ của mảnh Linh hồn, là hiện thân của Linh hồn, của Tinh thần vũ trụ tối cao, của Thuợng đế,...

 

Không thể định nghĩa về linh hồn. Nhưng Hamvas Béla, đã rất thi ca khi viết về cái không phải là Linh hồn trong Tiểu luận triết học Scientia sacra, Nguyễn Hồng Nhung dịch ra tiếng Việt; tôi đã chọn tuyển và post với tựa đề là Linh hồn, Tình yêu và Vũ trụ.

 

"... Tất cả, cái gì là ánh sáng, so với linh hồn đều mờ nhạt. Tất cả, cái gì là tinh tế, so với linh hồn đều thô thiển. Tất cả, cái gì là nhẹ nhõm, so với linh hồn đều nặng nề. Tất cả, cái gì là cuộc sống, so với linh hồn đều là chết.

 

Tất cả mọi cái tồn tại, so với linh hồn đều không tồn tại. Bởi vậy, người đời xưa nói, linh hồn là ánh sáng, là phi vật chất, là sự sống, là cái duy nhất có thực; là hiện hữu nhất. Nhưng cái vô hình, phi vật chất, một hiện thực sống động và rạng rỡ lại bất lực. Cuộc sống đầy ánh sáng, vĩnh cửu, vĩnh viễn này lại bất động.

 

Linh hồn sống trong một thế giới siêu việt cao nhất, tinh túy nhất, rạng rỡ nhất; một thứ không bắt đầu và sẽ không kết thúc, không sinh ra, không chết đi, là thứ có đời sống vĩnh viễn; là kẻ không hành động, không sáng tạo, không tạo dựng, không thay đổi, không chuyển động.

 

Nó không với tới cái không phải là nó. Nó không động chạm tới cái không phải là nó. Nó sống trong một khoảng cách và sự khác biệt vô tận với cái không phải là nó. Vậy mà không có gì nó không thấy, không nghe, không nhận biết và không hiểu.

 

Thế giới này như thể là cái linh hồn nghĩ ra; được tạo dựng ra từ chính nó. Như thể là giấc mộng riêng của nó, là hình ảnh riêng, là sự phù phép riêng của nó. Bởi vậy người đời xưa nói, thế giới là thứ không có thực, chỉ là sự phù phép của linh hồn: là giấc mộng, là ảo ảnh, là sự không tưởng.

 

Vô ích có người bảo, linh hồn bất lực, mềm mại, nhún nhường, trinh nguyên, bình thản, không phá vỡ nổi, người đó chỉ nói các dấu hiệu; những thứ có thể kể đến vô tận. Vô ích nếu còn nói thêm, linh hồn tự phục vụ nó, linh hồn vô tội trong sự rạng ngời rực rỡ vô tận của mình; và có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng vẫn không nắm bắt được. Họ không nói những đặc tính của linh hồn mà chỉ nói các dấu hiệu. Vô ích nếu nói tiếp, linh hồn cởi mở, trong sạch, dản dị. Linh hồn là bản thể. So sánh với linh hồn không có gì là bản thể.

 

Bởi vậy người đời xưa nói, linh hồn là thứ duy nhất tồn tại; tất cả những gì có, đều từ nó ra; là bản thể duy nhất, nhưng không hiểu nổi, không nắm bắt nổi, không đánh dấu nổi và vô hình.

 

Nếu như có một ai, không nói trực tiếp mà muốn nói gián tiếp về linh hồn, có thể nói: linh hồn nhậy cảm. Sự nhậy cảm này có thể tỉnh táo nhưng có thể buồn ngủ; theo đấy linh hồn có thể hoặc tỉnh táo hoặc đờ đẫn. Cần phải nhớ rằng: linh hồn vừa tỉnh táo, vừa buồn ngủ; vừa nhậy cảm, vừa đờ đẫn.

 

Linh hồn không có đặc tính, bởi vì linh hồn là cái tồn tại duy nhất, là bản thể đơn giản nhất, duy nhất. Nhưng nếu có một người nào đó gián tiếp muốn nói một điều gì, chỉ có thể nói một điều duy nhất, rằng linh hồn không hoạt động, không sáng tạo, không chuyển động, không thay đổi; mà tỉnh táo..."

 

Đó chính là tinh thần của Veda; bộ kinh ra đời cách nay khoảng 5 ngàn năm. Bộ kinh nói về Linh hồn, nói về Nhận biết và Tỉnh táo.

 

3

 

Consciousness, Tâm thức không phải là Linh hồn. Tâm thức bao gồm: trí tuệ, tâm trí và tiềm thức. Tâm thức, trí tuệ, tâm trí và tiềm thức, tất cả, tất cả những cái này, đều không phải là Linh hồn. Không, chúng không thể là Linh hồn. Chúng rất khác, khác với Linh hồn.

 

Trí tuệ là sự tiếp thu kiến thức của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học kinh doanh, khoa học chính trị, khoa học con người và khoa học tâm linh,… Đồng thời là sự hấp thụ những trải nghiệm của đời sống, niềm hân hoan của thành công, nỗi cay đắng của thất bại. Tất cả theo thời gian, năm tháng những kiến thức và những trải nghiệm ngấm vào máu thịt, thấm đẫm trong từng tế bào, không chỉ chứa đựng trong bộ óc mà còn tràn đầy trong trái tim, hình thành và hun đúc nên thành bản lĩnh trí tuệ. Trí tuệ là cái bên trong của con người, nó từ bên ngoài rồi trở thành một phần của cái bên trong.

 

Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của con người. Thông qua trí tuệ con người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,… của con người đều dựa vào nền tảng chung đấy là trí tuệ.

 

Tâm trí là những cảm xúc, những suy luận, những định kiến, những phán xét, những liên hệ, những tưởng tượng và cả tư duy,… Tâm trí luôn luôn lôi kéo trí tuệ. Tâm trí là lăng kính của trí tuệ. Qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) con người nhận biết được thế giới hiện thực. Thấy một Bông hoa mọc ven đường; cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ, bồi hồi bởi sắc tím nhàn nhạt,… Hãy cảnh giác với tâm trí, tâm trí đã hiện về rất nhanh, vâng rất nhanh. Nếu đang vui, tâm trí sẽ mách bảo, sẽ mua một cây hoa này để trồng, sẽ hái những đoá hoa này tặng bạn, sẽ trồng bên hồ nước sau nhà,… Nếu đang buồn, tâm trí sẽ thủ thỉ rằng bông hoa này đẹp nhưng không thích nó, nó gợi đến kỷ niệm buồn, hoa này đẹp nhưng bán khá đắt tiền, hoa này đẹp nhưng hương vị nhạt nhoà, nhà bên cạnh cũng có hoa này, sẽ trồng bụi hồng rực rỡ cho nó đẹp hơn,… Nếu là người hiểu biết, có thể tâm trí sẽ giảng giải: đấy là cây thuộc họ gì, chỉ mọc ở vùng nào, chỉ ra hoa vào thời gian nào,… Tâm trí hiện lên đủ chuyện: phải hay trái, đúng hay sai, đẹp hay xấu,… để rồi khởi lên mọi thứ cảm xúc, đánh giá, phân biệt… Tâm trí không những khởi lên những vấn đề của hiện tại, mà còn nhớ lại các cảnh thuộc quá khứ, mơ ước các cảnh trong tương lai cũng mãnh mẽ không kém. Tâm trí luôn thường quên đi bản chất của sự thật. Tâm trí luôn phụ thuộc vào trạng thái của tình cảm. Trong tâm trí cảm xúc là một yếu tố quan trọng nhất.

 

Bản năng và trực giác cùng nằm trong trong Tiềm thức. Nếu trí tuệ thuộc về ý thức, thì Bản năng thuộc về vô thức và trực giác thuộc về siêu ý thức. Cả ba cái thuộc về bên trong của con người. Trí tuệ là tầng lầu thứ hai, bản năng là tầng dưới và trực giác tầng trên cùng, tầng thức ba. Bắt đầu từ bên ngoài được tích luỹ từ tri thức từ kinh nghiệm; ngấm vào máu thịt, vào hơi thở, vào từng tế bào rồi hình thành lên thành bản lĩnh Trí tuệ. Bản năng và trực giác lại nằm ở sâu thẳm bên trong; và được hình thành từ nhiều kiếp sống, được hình thành từ quá trình tiến hoá của loài người; không chỉ hình thành trong một kiếp người. Đó là sự khác nhau giữa trí tuệ với bản năng và trực giác.

 

Bản năng thuộc về vô thức, xã hội loài người với những định kiến, những lề thói, không coi trọng bản năng, coi nó gần với thuộc tính của con vật. Nhưng không có những vận động bản năng thì con người chết, không sống được. Ăn, uống, hoạt động tính dục và đặc biệt là thở,… là những hành vi thuộc về bản năng. Chỉ không thở trong vài giây, vài phút con người không thể sống nổi. Hãy coi bản năng là những điều tự nhiên, đừng ghét bỏ nó; nó là tự nhiên và nó là thiêng liêng.

 

Trực giác thuộc về siêu ý thức, nó nằm sâu bên trong. Bản năng gần với thuộc tính của con vật, trí tuệ làm cho con người không phải con vật, nhưng trực giác mới thực sự làm cho con người trở thành Người.

 

Sự phát triển của Tâm thức, là sự phát triển đồng thời của cả ba chiều. Là sự đồng thời giảm thiểu, buông bỏ của tâm trí; buông bỏ được các các suy nghĩ, buông bỏ được các cảm xúc. Là sự đồng thời phát triển trí tuệ, nhận biết sâu sắc hơn. Là sự đồng thời của khơi mở tiềm thức, sự tỉnh táo trở nên rõ ràng hơn.

 

Tâm thức, trí tuệ, tâm trí, trực giác, bản năng,... tất cả, tất cả đều không phải là Linh hồn; vì đơn giản, tất cả chúng đều đang vận động và biến đổi.

 

4

 

Sự phát triển Tâm thức ở mức độ cao gọi là Trí huệ, Prajna.

 

Có một lần, khi nói với các Bodhisattva, các sinh linh thượng đẳng, các bậc trí huệ, các bậc prajna, các bậc chỉ còn một bước nữa là qua sông, Gautama Buddha đã nói, nói trong Kinh Kim cương thế này:

 

"Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú! Hành giả đi theo con đường của bodhisattva cần phải nghĩ rằng: Tất cả các loài chúng sinh trong vũ trụ, dù nhiều vô lượng, ta phải dẫn dắt họ đến niết bàn, nơi chẳng còn để lại cái gì ở phía sau. Tuy nhiên, mặc dù vô lượng vô biên chúng sinh đã được dẫn dắt vào niết bàn, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được dẫn vào niết bàn cả. Và tại sao? Bởi vì nếu vị bodhisattva còn có ý nghĩ về chúng sinh thì không thể gọi là bodhisattva. Tại sao vậy? Bởi vì, nếu một ai đó còn có ý nghĩ về ta, về người, về mạng sống, thì không phải là bodhisattva."

 

Các sinh linh mà tình yêu từ bi tràn đầy, tràn đầy trong trái tim họ; các sinh linh mà nhận biết đã siêu việt lên những tầng cao; các sinh linh Trí huệ; chỉ còn một bước nữa họ qua sông, họ bước vào Nirvana, họ hoà mình vào Vũ trụ; vậy mà, Gautama Buddha vẫn nhắc hãy lắng nghe cho rõ và chăm chú.

 

Vì Tâm thức, trí tuệ, tiềm thức và tâm trí; và đỉnh cao là Trí huệ - Prajna, tất cả cũng không phải là Linh hồn; chưa phải cái bất biến.

 

Linh hồn không phải là những cái đó; những cái đó, tất cả chúng không phải là Linh hồn. Khi không còn bất kể những cái đó; không còn tâm trí, không còn tiềm thức, không còn trí tuệ, không còn Tâm thức, không còn Trí huệ, vậy thì Linh hồn xuất hiện. Nhưng khi không xuất hiện, thì Linh hồn là cái, để tất cả, để Trí huệ - Prajna, Tâm thức - Consciousness và trí tuệ, tiềm thức và tâm trí soi vào và biểu lộ. Sự biểu lộ luôn là lầm lẫn, lầm lẫn tưởng rằng đó là Linh hồn. Nhưng không phải vậy. Linh hồn không phải là tất cả những cái đó.

 

5

 

Linh hồn giống như Im lặng, giống như Không gian.

 

Con người dường như không BIẾT được im lặng, không hiểu được những tầng sâu của im lặng. Con người dường như không hiểu hết giá trị của im lặng. Sự im lặng nhiều khi làm con người cô đơn. Nhiều người, rất nhiều người không thích im lặng, họ thích náo nhiệt, họ thích tưng bừng, họ thích đám đông và sự rộn rã. Họ chỉ biết tới âm thanh, họ không biết im lặng.

 

Nhưng thực sự, không phải vậy. Mọi âm thanh đều đã được sinh ra từ im lặng. Mọi âm thanh đều đã từng chết đi và trở lại trong im lặng. Sự tồn tại, khoảng sống của âm thanh được bao quanh bởi im lặng. Im lặng tạo khả năng cho âm thanh hiện hữu. Không có im lặng, âm thanh không thể: nổi. Không có im lặng, không thể rõ mọi cung bậc, âm tiết, mọi cao sâu, mọi lan toả; mọi sự trầm hùng hay thanh cao; mọi chiều của âm thanh. Im lặng là bản chất của mọi âm thanh, mọi nốt nhạc, mọi bài ca, mọi giai điệu, mọi lời,... nhưng không biểu lộ. Im lặng là cái không biểu lộ.

 

Trong âm nhạc có những khoảng lặng. Khoảng lặng sau những trào dâng cuộn sóng của âm thanh. Chiều sâu, suy tư, sự lắng lại, sự giải toả và thẩm sâu nằm ở trong những khoảng lặng. Năng lượng cũng được tích lại ở trong những khoảng lặng. Khoảng lặng chờ đợi để âm nhạc tiếp tục trào dâng, vang lên những âm thanh, những nốt nhạc, lôi kéo những vũ điệu. Nhưng không chỉ vậy. Âm nhạc thực sự không phải là những âm thanh, những nốt nhạc. Nốt nhạc và âm thanh không tạo nên âm nhạc. Không, âm nhạc không phải là nốt nhạc, cũng không phải là âm thanh. Cái tạo nên âm nhạc là khoảng không giữa các nốt nhạc. Giữa những nốt nhạc là âm nhạc. Chính khoảng không im lặng tạo nên âm nhạc. Không có những khoảng không này, con người không chịu được bất kể một thứ âm thanh nào.

 

Ngay cả trong giao tiếp hội thoại, xin hãy trở nên ý thức tới lỗ hổng giữa các lời, những khoảng im lặng ngắn ngủi giữa các câu. Khi làm thế, chiều hướng của im lặng phát triển bên trong con người. Con người không thể chú ý tới im lặng mà không đồng thời trở nên tĩnh lặng bên trong. Im lặng bên ngoài, tĩnh lặng bên trong. Chính điều đó làm con người hiện hữu.

 

Cũng vậy, khoảng trống rỗng, không gian. Không thể có bất cứ cái gì tồn tại, thế giới hình dáng, thế giới vật, thế giới con người, tất cả không thể tồn tại mà không có không gian. Không gian, sự trống rỗng làm mọi vật hiện hữu. Mọi vật hiện hữu, thông qua hình dáng, hình khối, to nhỏ, màu sắc; mọi vật hiện hữu, thông qua sự chuyển động, nhanh chậm,  quỹ đạo thẳng hay tròn; mọi vật hiện hữu, thông qua sự cảm nhận, là mềm mại, là mùi vị; thông qua các đặc tính, là chất rắn, là chất lỏng, là chất khí,... tất cả đều hiện hữu, biểu thị sự tồn tại qua không gian. Không có không gian, mọi hiện hữu không thể biểu thị sự tồn tại. Mọi hiện hữu không thể hiện hữu.

 

Mọi hình dáng, mọi vật, mọi con người đều được bao bọc bởi cái không có gì. Nhưng không chỉ là vậy. Bởi dường như mọi hình dáng, mọi vật, mọi con người đều bắt nguồn từ cái không có gì. Và bên trong của mọi hình dáng, mọi vật, mọi con người cũng là cái không có gì.

 

Xin nhắc lại Lý thuyết Chuỗi, Lý thuyết Dây, String theory. Mọi vật được cấu tạo từ các phân tử. Cơ thể sống được cấu tạo từ các tế bào. Tế bào, phân tử được cấu tạo từ các nguyên tử. Nguyên tử được tạo thành từ một hạt nhân mang điện tích dương nằm ở tâm và một số không nhiều lắm electron mang điện tích âm chuyển động xung quanh. Hạt nhân và các electron được cấu tạo từ vài ba các hạt cơ bản. Mọi vật đều được cấu tạo từ những hạt cơ bản.

 

Các hạt cơ bản được mô tả bằng một dây, bằng một string. Một dây, một string luôn dao động. Tần số dao động và các mode dao động của dây, của string là mật mã nhận dạng của hạt cơ bản đó; là dấu vân tay của hạt cơ bản đó. String có chiều dài cực kỳ ngắn. Đó là chiều dài Planck, bằng 10-35m (số 1 đứng sau ba mươi lăm con số 0, sau dấu phẩy). Kích thuớc hạt nhân nguyên tử vào khoảng 10-15m. Kích thước nguyên tử vào khoảng 10-10m. Chiều dài string, nhỏ hơn một trăm tỷ tỷ lần so với kích thước hạt nhân nguyên tử. Chiều dài string, nhỏ hơn một triệu tỷ tỷ lần so với kích thước nguyên tử. Vậy thì, bên trong nguyên tử vô cùng rỗng. Bên trong nguyên tử dường như không có gì. Hãy tưởng tượng, nguyên tử là một quả cầu, phóng đại nó lên. Phóng đại thật lớn, thật lớn; nhiều lần, nhiều triệu lần; thành một quả cầu có đường kính 200km, gần bằng khoảng cách từ Sài Gòn ra Phan Thiết. Quả cầu nguyên tử này, theo String theory là rỗng và cực kỳ rỗng, không có gì ngoài một số không nhiều lắm các string. Và các string có chiều dài đã phóng đại theo tỷ lệ tương ứng (nhiều lần, nhiều triệu lần) bằng 2-10m (số 2 đứng sau mười con số 0, sau dấu phẩy), bằng 2-7mm, bằng 20 nanometre. Rỗng và cực kỳ rỗng. Rỗng như không có gì. Một quả cầu có đường kính từ Sài Gòn ra Phan Thiết, chỉ có một ít bụi, rất nhỏ, không nhìn thấy. Còn có gì rỗng hơn mà con người có thể tưởng tượng ra. Rỗng như không có gì. Một không gian bao la như không gian của Galaxy.

 

Dường như, String theory nói riêng, Vật lí nói chung đã đạt tới cùng điểm mà siêu hình đã đạt tới trước nó – Tính không, Sunyata.

 

Tính không, không phải là tuyệt đối không có gì. Ngược lại, Tính không là trạng thái của cái mọi thứ. Khi một vật trở nên biểu lộ, thế thì nó là vật chất, khi nó trở thành không biểu lộ nó là không gian. Vô bản thể là trạng thái của bản thể; bao gồm không biểu lộ và biểu lộ. Khi cái gì đó trở nên biểu lộ, nó là bản ngã, còn khi cái gì đó trở nên không biểu lộ, nó là vô ngã, anatta.

 

Đấy là bản chất của hiện hữu, đấy là cái mà Tâm kinh đã nói tới, hơn hai ngàn năm trăm năm trước: "...Hình dáng là Không, Không là hình dáng. Hình dáng không khác gì Không. Không không khác gì hình dáng. Dù hình dáng là gì, đấy cũng là Không; dù Không là gì, đấy cũng là hình dáng"

 

Linh hồn là cái như vậy, là im lặng, là không gian, là tất cả; gồm cả không biểu lộ và biểu lộ.

 

6

 

Kinh điển Buddhism có ghi lại câu chuyện sau: Bậc thánh tăng Nagasena đã giải thích cho vua Milinda trong một loạt những giải đáp nghi vấn mà nhà vua đã hỏi ông ấy. Vua hỏi Nagasena: “Khi một người nào tái sinh, thì anh ta là một với người vừa chết, hay khác?” Nagasena trả lời: “Không phải một, cũng không phải khác… Nếu một người đốt một ngọn đèn, có thể nó cho ánh sáng suốt đêm không?” “Có thể.” “Ngọn lửa cháy trong canh một, có phải ngọn lửa cháy trong canh hai, canh ba,… canh cuối không?” “Không” “Như vậy có nghĩa là ngọn đèn canh một khác, ngọn đèn canh hai khác,… và ngọn đèn canh cuối cùng khác?” “Không, vì cũng chính ngọn đèn đó cháy suốt cả đêm”.

 

Ngọn lửa đó là Trí huệ, là Tâm thức, là trí tuệ, là tiềm thức, là tâm trí, hay một cái gì tương tự. Nhưng nó đã không phải là Linh hồn.

 

Ngôn ngữ hiện đại, Osho gọi đó là Chùm ý nghĩ. Tôi nghĩ, dường như hơn thế; nó là chùm ý nghĩ, chùm cảm xúc, chùm ký ức,... một chùm nhiều thứ. Xin cứ gọi là Chùm ý nghĩ, Buddhism gọi là Chủng tử, gọi là Thức. Chùm ý nghĩ, nghe nó đời hơn; dễ nghe hơn bất kể là một nhóm từ thay thế nào, mà phải cõng trên mình những ý nghĩa sâu sa của triết học và tôn giáo. Xin cứ gọi là Chùm ý nghĩ.

 

Khi con người chết chỉ một chùm ý nghĩ được thoát ra. Chùm ý nghĩ đó cùng ham muốn, xúc động và mọi thứ mà con người khi sống đã làm và đã nghĩ; cùng các giấc mơ, hi vọng và thất vọng; cùng những thói quen khi sống và cả những thói quen của nhiều kiếp sống; chùm đó đi vào trong bụng mẹ khác và tái sinh với một thể xác mới.

 

Hay quay trở lại với Tâm kinh.

 

“Avalokita vị Bodhisattva linh thiêng, đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita, đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao và thấy năm uẩn đều không.”

 

“Ngài đã thuyết: Này Sariputra! Hình dáng là không, không là hình dáng. Vật chất không khác gì không. Không không khác gì hinh dáng. Dù vật chất là gì, đấy cũng là không; dù không là gì, đấy cũng là hình dáng. Điều này cũng đúng cho quá trình Tâm thức của con người là thọ, tưởng, hành và thức.”

 

Avalokita đã nói: dù không là gì, đấy cũng là hình dáng, là vật chất; thọ, tưởng, hành và thức cũng vậy. Avalokita đã nói vậy. Vị Bodhisattva linh thiêng này đã nói vậy. Ông ấy từ trên cao, từ hệ quy chiếu khác, hệ quy chiếu của những sinh linh thượng đẳng, ông ấy soi thấy và ông ấy nói vậy.

 

Có phải chăng, Avalokita đã soi thấy Thức, Chùm ý nghĩ, Trí huệ, Tâm thức, trí tuệ, tiềm thức, tâm trí và nhiều thứ không phải là hình dáng, không phải là vật cũng đều được cấu tạo từ các dây, từ string. Avalokita đã soi thấy, mọi vật, mọi cơ thể sống, mọi tế bào, mọi nguyên tử đều được cấu tạo từ các dây, từ string. Và cái không phải là vật, cái không phải là cơ thể sống, cái không phải là tế bào, cái không phải là nguyên tử; cũng vậy, cũng đều được cấu tạo từ các dây, từ string. Các dây, các string này luôn dao động. Các mode dao động, các tần số dao động của các dây, của các string là vân tay, là mã số nhận dạng, là bộ nhớ của chùm ý nghĩ và nhiều thứ là vật và không phải là vật.

 

Khi con người chết đi các ham muốn, các xúc động, các ý nghĩ và mọi thứ mà con người đó khi sống đã làm và đã nghĩ, cùng các giấc mơ, hi vọng và thất vọng; đã kết tụ lại  thành chùm ý nghĩ. Chùm ý nghĩ này, rời bỏ con người khi chết. Nó là một chùm các dây, các string, kích thước vô cùng nhỏ, bằng 10-35m (số 1 đứng sau ba mươi lăm con số 0, sau dấu phẩy); nó dao động, nó có tần số dao động riêng và đặc trưng; nó chuyển động trong không gian. Nó chui vào bụng mẹ mới và bắt đầu một kiếp người. Tần số dao động của nó, các mode dao động của nó, quyết định một nghiệp mới, một karma của một kiếp người mới.

 

7

 

Chùm ý nghĩ có trung tâm, trung tâm này là bản ngã.

 

Nếu là người thiền, là người nhận biết, sẽ dễ dàng nhận ra các ý nghĩ là rời rạc. Ý nghĩ không phải là một chùm, không phải là một chuỗi. Ý nghĩ không liên tục. Hai ý nghĩ liên tiếp là tách rời nhau. Mọi ý nghĩ luôn tách rời khỏi ý nghĩ khác. Giữa hai ý nghĩ có khoảng hở, khoảng trống, chúng không nối với nhau. Chúng dường như được nối lại bởi vì con người không tỉnh táo. Điều đó giống như khi một người cầm bó đuốc trong tay và đưa tay nhanh; quay tròn, quay tròn và quay tròn; vậy thì sẽ tạo ra một vòng lửa. Nhưng vòng lửa này không tồn tại, bởi vì bó đuốc chỉ ở từng điểm mỗi lúc, thế rồi điểm khác ở lúc khác. Vòng tròn lửa không tồn tại, nhưng bó đuốc chuyển đi nhanh tới mức mà con người không thể thấy được lỗ hổng, chỉ thấy vòng tròn.

 

Ý nghĩ chuyển động nhanh. Nhanh, nên chúng tạo ra cảm giác là chúng được nối lại với nhau, rằng vòng tròn được tạo ra; nhưng đây chỉ là cảm giác. Cảm giác này chính là nguồn gốc tạo ra sự nhầm lẫn. Con người nhầm lẫn rất nhiều là vì điều này; chuyển động quá nhanh của các ý nghĩ. Con người bị kéo vào vòng tròn lửa các ý nghĩ.

 

Có hai cách vượt ra ngoài nó. Một cách là đem ý nghĩ xuống, chuyển động chậm lại, để cho chúng không chuyển động quá nhanh. Hãy làm chúng chậm lại chút ít. Đừng vội vàng, đừng căng thẳng. Chuyển động với nhịp độ chậm, chuyển động không căng thẳng, không vội vàng. Nếu con người không vội, ý nghĩ không thể đi ngược lại; chúng là một phần của con người. Nếu con người sâu sắc, kiên nhẫn; ý nghĩ không thể chuyển nhanh hơn con người đó được; chúng sẽ trở nên chậm hơn. Khi ý nghĩ chậm hơn, ngọn đuốc chuyển động chậm lại; người đó có thể thấy rằng vòng tròn không tồn tại, nó chỉ là có vẻ vậy. Khi ý nghĩ chuyển động chậm lại, người đó có thể thấy các lỗ hổng; các ý nghĩ là rời rạc và không cái gì nối chúng lại với nhau.

 

Đó cách làm chậm lại; một cách khác là trở nên nhận biết hơn. Nếu con người nhận biết hơn, người đó có tầm nhìn tỉnh táo, sáng suốt hơn, xuyên thấu hơn. Xin hãy làm việc theo cả hai cách. Trở nên tỉnh táo hơn, đừng sống như người ngủ, đừng làm như người ngủ, đừng đi như người ngủ, đừng là kẻ mộng du. Thế giới này, dường như mọi người đều vậy. Quay cuồng cùng cuộc sống; quay cuồng với những mục tiêu, mục đích; quay cuồng với những toan tính; quay cuồng với những âm mưu. Tất cả tưởng như đang cuồng nhiệt với nhịp đập của cuộc sống. Tất cả quay tròn với vòng tròn lửa.

 

Con người đang tự thôi miên mình, thôi miên những người xung quanh, thôi miên toàn bộ cuộc sống. Con người chỉ như đang chạy, chạy trong giấc ngủ mê. Điều đó, không phải bây giờ; dường như đã xảy ra qua hàng triệu kiếp; không tỉnh táo, không kiên nhẫn; chạy và chạy ngày càng nhanh và trở nên ngày càng ngủ hơn. Vào thời cổ, cuộc sống chuyển động chậm rãi. Cuộc sống chuyển động chậm trên cả trái đất. Sự sống đã là sự sống mở. Con người  hiểu bản thân mình, như là rất dễ. Bởi vì mở, nên con người có thể thấy dễ dàng. Con người có thể nhắm mắt lại và có thể thấy không gian bao la giữa hai ý nghĩ, cũng như có không gian bao la ở bên trong nguyên tử, cũng như không gian bao la giữa hai nguyên tử, cũng như không gian bao la của vũ trụ. Ngày nay, cuộc sống đứt đoạn,  các trung tâm năng lượng bị bó lại, các luân xa dừng lại và bị đóng, con người chìm vào tần số vật chất. Con người mất đi sự tỉnh táo, con người như đang ngủ. Con người bị các chùm ý nghĩ lôi kéo, lôi kéo vào chuyển động, lôi kéo vào giấc ngủ.

 

Nếu con người đi sâu vào bên trong, đi sâu vào các ý nghĩ, bản ngã biến mất. Bản ngã không còn, vậy thì con người không mơ ngủ, vậy thì vấn đề lớn xảy ra.

 

Bản ngã không còn khi người đó đang sống, bản ngã không còn trước khi chết, thì người đó thấy rằng: ý nghĩ là tách rời; rằng chúng có không gian vô hạn giữa chúng, các khoảng hở. Người đó đã đi tới biết rằng không có bản ngã, không có cái gì giống như tôi, không còn cái là của tôi, ở bên trong; thế thì người đó sẽ chết mà không có ham muốn được sinh ra lần nữa. Không cần sinh ra lần nữa, vì người đó biết, điều đó là vô tích sự. Mọi ham muốn biến mất khi người đó biết rằng không có bản ngã. Người đó không ham muốn, người đó đơn giản chết. Không có lực dính của ham muốn, ý nghĩ được thả ra, chúng không thể tạo thành chùm được.

 

Ham muốn là lực dính, nó dính mọi ý nghĩ với nhau và làm thành một toàn thể của chúng. Nếu ham muốn không có đó ý nghĩ sẽ biến mất, chúng sẽ đi vào trong bầu trời vô hạn nhưng không như một chùm, không liên tục, mà tách rời; vậy thì người đó đã biến mất hoàn toàn.

 

Biến mất hoàn toàn, biến mất tất cả: trí huệ, tâm thức, trí tuệ, tâm trí, tiềm thức, trực giác và bản năng; tất cả biến mất. Biến mất khỏi vòng Luân hồi. Khi biến mất, Linh hồn xuất hiện. Biến mất này là Niết bàn, là Nirvana.

 

Nhưng người ta phải biết nó trước cái chết. Người ta phải chết trước cái chết. Toàn thể nghệ thuật của tôn giáo là dạy về cách chết. Dạy về chết, là dạy về cái cao nhất của sống. Dạy về chết, thế thì cách sống cũng được ngụ ý; bởi vì con người chỉ có thể chết đúng, nếu người đó đã sống đúng. Chết là đỉnh cao của sống. Cuộc sống đúng không có nghĩa là cuộc sống tốt; mà là cuộc sống có tính thiền. Nâng cuộc sống lên thành sự sống; sống chậm lại và rất, rất nhận biết, tỉnh táo.

 

Chỉ khi đi vào bên trong bản thân mình và biết rằng không ai tồn tại ở đó cả. Thật không thể nào hiểu nổi làm sao con người đã từng trải qua nhiều kiếp sống mà không có người nào ở đó. Không dễ để có thể hiểu được điều này. Trừ khi đã đi sâu, thật sâu vào bên trong bản thân mình. Người đó nhận ra cái gì là ham muốn. Khi một người chết đi, ham muốn lại được sinh ra, ham muốn không chết là gió; và chùm ý nghĩ trên đôi cánh của gió ham muốn này nhảy vào trong bụng mẹ khác, ngôi nhà khác. Nó là như vậy, chùm ý nghĩ và ham muốn nó là như vậy.

 

Nếu con người đã hiểu điều đó trong khi còn sống, thế thì không gió nào đem người đó đi bất kì đâu được, ham muốn không còn đó. Ý nghĩ sẽ biến mất trong sự tồn tại như riêng biệt và người đó sẽ không được sinh ra lần nữa. Thế thì người là một với sự tồn tại; thế thì không cần chịu khổ lặp đi lặp lại nhiều kiếp sống, không cần phải luân hồi; người dó được giải thoát. Thế thì người đó về với Linh hồn, về với Thượng đế, người đó bước vào Nirvana.

 

Tôi đã học được điều này từ Osho. Nhưng điều này thật là không dễ, không dễ để kinh nghiệm.

 

 

Xin cúi đầu trước Thượng đế, xin cúi đầu trước các Budhha, xin cúi đầu trước các Christ, xin cúi đầu trước các Bodhisattva; biết ơn và cầu nguyện cho tất cả mọi con người an bình và phúc lạc.

 

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi.

 

 

Birmingham, UK, ngày 24/1/2014.

 

 

 

Cư sĩ Minh Đạt
Số lần đọc: 1901
Ngày đăng: 12.03.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tại sao Tân Hình Thức? - Nguyễn Đức Tùng
Mê ở Ta Bà, sực nhớ quê hương là Cực Lạc - Hồ Dụy
Ý thiền trong thơ Nguyễn Trãi - Tâm Nhiên
Sơ thảo tư duy của Heidegger về bản chất tự do của con người - Võ Công Liêm
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 4] - Phạm Tấn Xuân Cao
Giữa triết học và hư cấu - Võ Công Liêm
Hamvas Béla - một linh hồn lạc lõng - Cư sĩ Minh Đạt
Mạn đàm về Tết Nguyên Đán và nghệ thuật tạo hình về bức tranh "Ngựa và thiếu nữ tinh sương" của Họa sĩ Đinh Cường Năm Giáp Ngọ 2014 - Quỳnh Thi
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 3] - Phạm Tấn Xuân Cao
Tình yêu trước hết là một tình bạn hòa hợp - Nguyễn Hồng Nhung