Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.232.925
 
Một chút thôi mà thấm đẫm tình!
Nguyễn Nguyên Phượng

ĐỌC THƠ:

 

 

    (Đọc tập thơ “Còn một chút mưa bay” – Nguyễn An Bình, Nxb Hội Nhà Văn năm 2013)

       Bước sang năm 2014, Nguyễn An Bình qua bến lục tuần, 60 tuổi! (anh sinh năm 1954, tại An Bình – Cần Thơ). Và nhà thơ đã có một hành trình thơ 40 năm hơn tính từ tập thơ đầu “Đường tim” (1970). Tháng 10/2013 anh cho in tuyển thơ “Còn một chút mưa bay” là tập thơ thứ bảy. 16 tuổi, anh đã in thơ và  mấy năm sau (1974) có thơ đăng nhiều trên nhiều báo “sang trọng “ ( chữ dùng của nhà thơ Trần Hoàng Vy) ở miền Nam trước năm 1975. như Văn, Văn học, Thời đại mới…thực đáng ghi nhận. Thế mà con đường thơ của Nguyễn An Bình lại khá gập ghềnh vì một thời gian dài có đến 20 năm ngưng sáng tác. Khoảng vài năm gần đây, Nguyễn An Bình đã tìm lại người tình Thi Ca không chỉ bài đăng khá nhiều trên các trang mạng mà còn bước vào làng Thơ với tuyển thơ mới nhất. Nhà văn xa lắc lơ ở tận Bình Định, Mang Viên Long chưa gặp anh lần nào nhưng đầy quý mến khi đọc thơ anh đã có suy nghĩ rất chân tình, “Nguyễn An Bình đã có một niềm đam mê văn chương rất đáng được trân trọng” (Nguyễn An Bình, một đời thơ chưa bao giờ yên ả - Mang Viên Long). Niềm đam mê ấy chính là dòng tình chảy dạt dào trong thơ anh.

       Dòng tình thơ phát khởi vào độ tuổi thiếu niên nhưng thực sự đậm tràn khi anh bước chân vào lớp ĐH Sư phạm Khoa Văn (Cần Thơ) ngẩn ngơ trước tà áo trắng trong mưa lay phay:

                    Em về áo trắng có buồn không?

                    Mưa vẫn còn bay phớt má hồng

                    Bùn đất thương bàn chân bé nhỏ

                    Con đường sao ngủ lá sầu đông?

                                         (Cần Thơ có những ngày mưa – 1973)

       Cho nên cũng không lạ khi làm tuyển thơ này gồm 62 bài, anh đưa vào đến một nửa số lượng thơ sáng tác những năm 72 – 75 (32 bài), trong đó có nhiều bài được đăng ở các tạp chí Thơ,Văn miền Nam (Yêu người, Viết cho ngày ngưng bắn, Đêm Thánh, Về Phong Điền, Phượng Xưa, Chút ngậm ngùi xưa…). Tình yêu trong thơ anh ngọt ngào ấm áp cũng lắm mơ màng trong dòng tình đang cuốn mê anh: Yêu em ngậm ngãi tìm trầm/ Về hôn thạch thảo khóc thầm trong đêm …, Xưa em áo trắng xuân thì/ Xưa tôi yêu mái tóc thề em bay/ Bây giờ phượng đã về trời/ Còn tôi yêu mãi một người năm xưa…Để nhớ thương hoài mơ mộng ấy/ Ngàn thu giấc ngủ địa đàng xanh / Nửa trời nắng đổ chân tình ái/ Giọt lệ thương đau khóc muộn màng…Tình yêu – đề tài muôn thở của văn học nên cũng dễ hiểu thơ ca miền Nam trước 75 đăng tràn thơ tình trên các nhật báo, tạp chí. Những bài thơ của Nguyễn An Bình viết ở độ tuổi hai mươi góp mặt lúc đó, nói một cách công bằng, chưa để lại một ấn tượng nào cho bạn đọc về nội dung lẫn nghệ thuật. Tuy vậy, ở những bài thơ tình ấy vẫn gieo vào lòng người giọng điệu mượt mà, đắm say về chủ đề dễ viết khó hay.  Nhưng thơ tình như thế cũng dễ trôi đi. Miền Nam thời điểm ấy chiến sự dâng cao và đi dần đến hồi kết. Cũng nhờ vậy, tâm tình thơ tác giả còn mang chứa tình nồng ấm về   “Quê nghèo sương khói lạnh chiều hôm” (Dòng sông Ngã Bảy, Về Phong Điền, Về Cần Thơ ngắt  chùm tương tư thảo, Cần Thơ có những ngày mưa…).

                          Anh đi Cái Tắc về Long Thạnh

                        Nghe gió ngàn xưa tự nổi lên

                        Xe qua Cầu trắng buồn muôn thuở

                        Cũng mấy hàng cây cuốn nỗi niềm…(Dòng sông Ngã Bảy - 1973)

                      …Phong Điền Vàm Xáng và Xà No

                         Đường đất còn thương mái tóc thề

                         Em đẹp như ngày anh mới đến

                         Bà ba áo trắng nét nhà quê. (Về Phong Điền - 1974)

       Vùng quê Cần Thơ  từng ghi dấu trong ca dao, “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Có chợ nổi Cái Răng, Phong

Điền nức tiếng, bến Ninh Kiều và những cô gái mỹ miều áo bà ba duyên dáng đã đi vào thơ Nguyễn An Bình rất mực tự nhiên.

       Trước dấu mốc lịch sử ngày ký Hiệp Định Paris năm 1973, dòng sông Thạch Hãn chia cắt hai miền, Nguyễn An Bình dậy lên xúc cảm yêu thương cùng ít nhiều trăn trở: Kìa Thạch Hãn! dòng sông đầy thương tích/ Bao năm rồi dấu vết của đao binh/ Ta bùi ngùi nhìn cây trơ cành cọc/ Mà thương hoài cho đất nước điêu linh.. (Bên dòng Thạch Hãn – Mùa ngưng bắn, 25/2/1973), Anh sẽ đưa em về quê ngoại/ Ruộng đồng thơm lúa mới Thần Nông…Đẹp lắm quê hương ngày ngưng bắn/ Không còn khói súng, đất khai hoang/ Chèo ghe tam bản về thôn ấp/ Ở đó dựng lên giấc mộng vàng…(Viết cho ngày ngưng bắn, 5/1/1973 – diễn ngâm trong chương trình thi văn Mây Tần – Sài Gòn).

     Gian nan, trắc trở trong cuộc đời như lẽ thường vướng gặp, tác giả có khi rơi vào cô đơn để ngẫm ngợi về phận mình, phận người: Ta, nửa đời gian nan/ Vai mang niềm khổ nạn/ Ta, nửa đời gian truân/ Thân mang nhiều vết chém.. (Cửa tử sinh – 1974), Đầu ghềnh nắng quái vòng bay/ Nghiêng triền núi lở miệt mài tà huy/ Sao ta thoáng khóc ngậm ngùi/ Như con chim nhỏ ngủ vùi giấc mê. (Chút ngậm ngùi xưa – 1974). Và một tình bạn gắn kết ngọt đằm rượu, thơ: Lũ mình từng sống bụi/ Giang hồ vặt đó đây/ Nhưng chưa hề luồn cúi/ Nghèo hoài thế lại hay…Uống rượu rồi ngâm thơ/ Ôm trăng hề Lý Bạch/ Gảy đàn hề Bá Nha/ Vỗ bồn hề Trang Tử…(Phù Vân – 1974).

      Dòng tình chảy trong thơ một chặng đời cầm bút thời trẻ của Nguyễn An Bình buồn êm, ngọt đằm (và cả chặng thơ sau này nữa) nhờ vào điệu vần thể thơ bảy, tám chữ, thể lục bát truyền thống chuyên chở ý, tình xúc cảm cùng  lớp từ ngữ giản dị và cổ điển trộn vào nhau khá nhuyễn nếu không chắc tay dễ thành bóng bẩy, xa vời hiện thực. Xưa ta một trời đầy đại mộng/ Danh không thành chưa trở về quê/ Qua cầu trời đất ngùi thương nhớ/ Mơ lối huyền sương lạc nẻo về (Ngày xưa tên hàn sĩ ấy – 1975), Bông lau đã trắng mùa sang/ Môi thơm mắt biếc đã tàn bể dâu…(Thuyền hoa -2013).

     Học xong ĐH, thầy giáo Lương Mành (tên thật của nhà thơ Nguyễn An Bình) gắn bó với bục giảng, giáo án suốt mấy mươi năm, nợ áo cơm, việc lớp việc trường, những nỗi riêng tư làm xúc cảm ở anh tạm lắng. Thi thoảng mới viết để cho mình, cho bạn hữu đọc. Nhưng đã đắm mê từ thuở yêu người, yêu thơ thật khó mà ngăn mơ, chắn mộng, Nguyễn An Bình lại trở về với Thi ca vào những năm đầu thập niên thế kỷ mới. Dòng tình lại tiếp tục chảy trong thơ anh. Thế mạnh của điệu vần nhuyễn hơn và lại cuốn bạn đọc trong nét mới của hoài vọng miên man, suy tư lắng ngẫm về tình yêu, quê hương, cuộc đời, bè bạn, gia đình…(Nhớ mùa mưa  bong bóng, Bài cho nhỏ, Áo lụa qua sông, Khúc tương phùng của người mất trí, Sau mùa chinh chiến..). Đời dâu bể/ Em ơi buồn muốn khóc/ Chốn nhân gian cánh én/ Lỡ xa bầy /Mưa bong bóng/ Một thời xa xôi quá/ Cuối phương trời/ Ai còn nhớ thương ai?...(Nhớ mùa mưa bong bóng)                  

  Do vậy nhiều bạn đọc, bạn thơ nồng nhiệt mến yêu vì nhận ra nét gần gũi, hiền hòa anh gởi vào thơ. “…đọc thơ Nguyễn An Bình luôn cho người đọc cái cảm giác gần gũi, chân tình. Lời thơ giản dị, mộc mạc chậm rãi đi vào lòng người như tiếng nói rủ rỉ bằng tấm chân tình  đáng yêu của một tâm hồn hiền hòa”. (Lãng Thanh – Trà Vinh). “…Thật tình Ngưng Thu rất thích cách gieo vần trong thơ của anh. Nó quyến rũ lạ kì…” (Ngưng Thu – Bình Thuận).

    Điều đang nói, lần trở lại tình thơ này, thơ Nguyễn An Bình đã có khác, có một bước tiến mới . Vẫn là tình người, tình quê, nỗi nhớ thương về một thời áo trắng, học trò mơ yêu lãng mạn xa vời nhưng sâu lắng, đằm đượm chất nhân bản hơn…(Ngút ngàn quê cũ, Nắng ấm quê nhà, Trong cõi đời nhau, Còn một chút mưa bay, Cuối năm nhớ thời yêu em..). Bên cạnh đó nét suy tư triết lí đọng rõ ở nhiều bài:

                    …Anh hỏi em dòng đời bao nhiêu mặt

                       Vừa quay lưng đen trắng đổi thay rồi

                       Tiếng dế râm ran mùa gặt mới

                        Gốc rạ vàng còn bông lúa nào rơi?

 

                       Anh hỏi em mưa đầu mùa mấy hạt

                       Hạt nào rơi trên má hóp vai gầy…(Câu hỏi của thời gian – tháng 8/ 2013)

                   …Buổi sáng một mình tìm quanh tìm quẩn – phố lạ quen bổng vút cao tầng – có gì đâu chút thường tình nhân thế - người tìm người hoài vọng cả trăm năm…(Buổi sáng một mình – tháng 5/2013)

       Đó  là “bước tiến đáng trân trọng – sự “vượt thoát” trong sáng tạo” (Bdd – Mang Viên Long). Một nhận xét thỏa đáng và đầy khích lệ với người cầm bút. Nhưng “vượt thoát” như thế nào để có thơ hay, một thi phẩm tốt làm cuốn mê người yêu thơ mới là điều phải quan tâm. Về tiêu chí thơ hay cũng lắm quan điểm, nhiều luận bàn nhưng tựu trung có thể chốt chặt mấy yêu cầu: cảm xúc khác thường, suy nghĩ khác thường và cách nói khác thường. Người làm thơ phải dấn mình dẫu hết sức gian nan để không ngừng đem đến vẻ tươi mới cho Thơ. Cuộc sống, con người luôn không ngừng vận động phát triển, văn chương – thơ ca sao có  thể  yên vị, mài mòn?

       Với Nguyễn An Bình, niềm đam mê thơ ca từ tập thơ đầu đến tập thơ mới nhất dào dạt một dòng tình chảy suốt chặng đường dài 40 năm làm thơ đã có thêm nét mới, bước tiến mới. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã có những nghĩ suy thật lòng về ngọn nguồn sáng tạo thơ: “…Bởi thơ cũng như tình yêu, thật khó nói. Và những tứ thơ bao giờ cũng đòi hỏi ta dâng cho nó mối tình đầu thiết tha, trong sáng, day dứt, xao xuyến, trăn trở,  nồng cháy…” (Hồi nhỏ các nhà văn học Văn như thế nào? – trang 95, Nxb Trẻ năm 2005). Marinetti (Thi sĩ người Ý) thì triết lí hơn: “Thơ là say và tổng hợp”…Và Nguyễn An Bình cũng như bao người đắm say, khát khao trãi lòng với Thơ hẳn sẽ đồng tình với những chia sẻ sâu sắc, chí lý trên.

        Thơ là mối tình đầu thiết tha, trong sáng…nồng cháy. Thơ của người thơ đất Cần Thơ cũng say, thiết tha hết mực:

                   Em mất hút bên bến bờ xa lạ

                   Mưa quê người có ướt áo em tôi?…

              …Lòng dặn lòng…còn một chút mưa bay.

                                                    (Còn một chút mưa bay)

       Để người yêu thơ đón nhận trọn vẹn Nguyễn An Bình qua tuyển thơ “Còn một chút mưa bay”, không chỉ một chút mà thấm đẫm tình!

                               Xuân Lộc, 25/12/2013

                                              

                      

      

       

     

    

        

 

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Nguyên Phượng
Số lần đọc: 2699
Ngày đăng: 24.04.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc "Thơ tình với Sài Gòn" của Ngô Thị Hạnh - Nhị Ka
Mai Hồng Niên "bâng khuâng thức giữa câu Kiều" - Nguyễn Anh Tuấn
Trích dẫn văn của Sartre (tuần tự theo lời giới thiệu của Phùng Thăng trong bản dịch cuốn "Buồn nôn") - Trần Văn Nam
Sự dung hợp thể loại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái nhìn từ những vỉa tầng văn hóa - Trần Thị Ty
Như một tráng ca - Phan Bá Ất
Nguyễn Trãi lại trở về cổ vũ con cháu của Người - Nguyễn Anh Tuấn
Hiểu Tổ Quốc đến xót xa... - Nguyễn Anh Tuấn
Trần Đới rong chơi một đời thơ - Tâm Nhiên
Chử Văn Long với tình thơ đậm tính nhân tình thế thái - Phạm Ngọc Thái
Đọc “Nhị khúc” mà nhớ Sài Gòn - Nguyễn Nguyên Phượng
Cùng một tác giả
Bạn cùng thời (truyện ngắn)