Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.349
 
Bản cầu hồn cho Điện Biên Phủ
Nguyễn Anh Tuấn

 

Nhà hát Lớn thành phố một đêm đầu tháng 5 năm 1954.

     Khán giả chìm trong im lặng khi cây đũa của nhạc trưởng giơ lên, và âm thanh trầm buồn của dàn giao hưởng tấu bản Réquième (nhạc cầu hồn) làm nền cho tiếng hát của một cô ca sĩ. Rồi âm thanh đó tràn sang toàn bộ cảnh chồng hình những chiếc Dacota bay đen bầu trời và những cột khói lửa bốc lặng lẽ…

    Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ đến cái trường đoạn đầy rung cảm và có lẽ là hay nhất trong bộ phim “Điện Biên Phủ” của đạo diễn người Pháp P. Schoendoerffer khi tôi vượt đèo Pha Đin…Tây Bắc đang mùa ban nở. Hoa ban làm bừng sáng các hẻm núi, vực sâu, những vạt đồi trơ trụi. Hoa ban trắng đến ngẩn ngơ - thứ hoa hút hồn cả tuổi trẻ của tôi trên vùng núi hiểm trở và khắc nghiệt này…

    Thật thú vị đến bất ngờ, tôi bắt gặp người đạo diễn của bộ phim đó ở ngay trong bảo tàng nằm giữa chiến trường xưa: hình ảnh người phóng viên mặt trận đang bị ngã cố bảo vệ chiếc máy quay, và có thể vẫn đang bấm máy. Phải chăng, khúc tưởng niệm về một cuộc chiến bi thảm đã dạo hoà âm mở đầu trong tâm hồn Schoendoerffer ngay từ cú bấm máy đặc biệt ấy?

 

    Trong bộ phim nói tiếng Pháp đã quen thuộc với khán giả Việt Nam từ gần hai mươi năm trước có nhân vật chàng phóng viên quay phim mặt trận - hình bóng của chính Schoendoerffer ngày nào (diễn viên đóng vai này là con trai đạo diễn), hình ảnh tiêu biểu của lớp thanh niên Pháp ngày ấy bị ném vào lò thiêu của một cuộc chiến mà chỉ những kẻ chủ mưu mới hiểu rõ mục đích! Còn phần lương tri của nước Pháp văn minh đã mang trọn khúc cầu hồn tưởng niệm lúc rải rác, lúc dồn dập, dần trở thành bản giao hưởng của nỗi dày vò khôn nguôi, để rồi phát triển thành chủ đề khát khao đối thoại trong tình hữu nghị qua hàng loạt diễn văn, đáp từ, cảm tưởng… của các chính khách, nhà quân sự, nghệ sĩ Pháp - đặc biệt là những sĩ quan binh lính Pháp từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, như Pierre Le Roy, Rombu Laret, Pierre Rossion, Fabies Alain, Marie Véronique, v.v. Câu nói của ông cựu đại sứ Pháp Louis Amigues dường như có thể cô đúc tâm trạng của nhiều người Pháp: “Ne pas oublier, pour ne pas recommencer” (không bao giờ quên, để không bao giờ lặp lại).

 

    Trong một cuộc họp báo tại Paris, để trả lời phỏng vấn: “Ông tạo ra bản Réquième ở trong phim với dụng ý gì?”, người đạo diễn mỉm cười: “Xin quý vị hãy xem phim của tôi. Tôi đã làm cả một bộ phim chỉ để giải đáp mỗi câu hỏi đó". Để thực hiện một bộ phim tốn kém về lịch sử chiến tranh, Schoendoerffer đã phải huy động vốn liếng của nhiều người, trong số đó không ít là những cựu binh Điện Biên Phủ. Có hiểu cái guồng quay thương mại của điện ảnh phương Tây thì mới càng thấy trân trọng cảm phục Schoendoerffer khi ông làm ra một bộ phim chỉ cốt để góp phần giải toả “hội chứng Điện Biên Phủ” cho cả một thế hệ, trong đó có ông…

 

    Trên đường vào Mường Phăng, qua các làng bản đơn sơ nhưng yên bình của đồng bào dân tộc, tôi bỗng nghĩ đến những con người buộc phải rời xa ruộng đồng và người thân, buộc phải cầm súng từng nhẫn nại làm công việc chấm dứt “bản giao hưởng chiến tranh” kinh hoàng. Sau lưng họ là những thôn làng bốc lửa, những ngôi đình đổ sụp, những lũy tre cháy vàng vì bom napal…

 

    Không ai có thể quên cái cảnh bản Noong Nhai ở Điện Biên bị đốt phá. Những ngôi nhà sàn êm ấm cháy rừng rực, tiếng kêu khóc của đàn bà con trẻ lẫn tiếng rú gào của súc vật trong cơn hoảng loạn… Cho dù ngày hôm nay chúng ta đã quên đi hận thù, mở rộng cửa đón bè bạn bốn phương kể cả những người là cựu địch cũ tới VN, nhưng sự thật lịch sử đắng ngắt sẽ không bao giờ hoá thành thơm ngọt. Bản tưởng niệm của phía Việt Nam không có chương dành cho sự xuê xoa, xuý xoá, bợ đỡ, biến trái thành phải. Nhưng bản tưởng niệm đó lại có chương dành cho lòng nhân từ.

 

    Nếu ở thời Lê lợi - Nguyễn Trãi, những kẻ xâm lược bị bắt được cấp lương ăn ngựa cưỡi để trở về, thì ở thời đại Hồ Chí Minh, những người tù binh Pháp đã được sống trong danh dự dù là danh dự của người bại trận. Họ được hưởng chế độ tù binh theo công ước quốc tế, và hơn thế sự cảm thông của người lính cụ Hồ. Và chính điều đó đã làm cho bản tưởng niệm về sự đại bại của người Pháp bớt hẳn đi màu sắc bi thảm.

 

    Sáng tạo nghệ thuật của Schoendoerffer quả là độc đáo khi cho anh nhạc trưởng người Việt Nam và cô ca sĩ người Pháp cùng đứng trong dàn giao hưởng tấu lên khúc tưởng niệm, cầu hồn chung về Điện Biên Phủ. Ta hiểu vì sao, Schoendoerffer, từ đỉnh cao của khát vọng hoà đồng giữa những con người đã trầm tư trên cánh đồng chết chóc cũ: “Tôi tưởng nhớ đến những chiến hữu của chúng tôi và tôi tưởng nhớ đến những chiến hữu của các bạn”. Đó cũng là cảnh kết phim. Sự “tưởng niệm” chính là “chìa khoá” nghệ thuật, là cái “thần nhãn” của bộ phim hoành tráng này.

 

    Trên đồi Him Lam, thật tình cờ, có cả hai đoàn cựu binh Pháp và Việt Nam cùng thăm lại chiến trường cũ. Một cựu binh Pháp giở bản đồ, rồi chỉ ra các hướng. Một người khác bốc nắm đất cho vào túi giấy… Còn bên đoàn cựu binh Việt Nam ồ lên thích thú khi tìm thấy một chiếc mũ sắt đã hen gỉ. Có đôi ba người chống nạng vất vả. Rồi cả hai đoàn cựu binh gặp gỡ nhau trong lịch sự và niềm nở; thích thú truyền tay nhau chiếc mũ nát… Trong đoàn cựu binh Việt Nam, có một nữ ca sĩ lớn tuổi rơm rớm nước mắt, bà bất giác cất lên tiếng hát bài Ave Maria của Schubert. Không gian chỉ còn tiếng chim hót và tiếng gió thổi trên đồi cây… Phải, những bản tưởng niệm dù sâu sắc thành kính đến đâu cũng tới lúc cần nhường chỗ cho những bài ca của tình yêu và  mơ mộng, của khát vọng sáng tạo…

                                                                

Hà Nội - Tây Bắc, tháng 3/2013

 

 

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 3103
Ngày đăng: 05.05.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bí ẩn của bản thể - Võ Công Liêm
Nỗi cô đơn của châu Mỹ La Tinh - Bùi Hoằng Vị
Nỗi buồn của bà Chúa hoa rừng - Nguyễn Anh Tuấn
Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống - Tuệ Thiền
“ Lời tình buồn” . Thơ, nhạc và các bản dịch . Anh, Pháp, Ý. - Trương Văn Dân
Tổng luận ca trù - Tuấn Giang
Từ lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa - Trần Hoài Anh
Epistemology trong nghệ thuật triết học Tây phương - Võ Công Liêm
Tân Cương trong văn chương Việt Nam - Hương Lê
Cảm nhận nghệ thuật thơ Cát Hoàng - Khaly Chàm
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)